BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

LUẬT BẰNG TRẮC TRONG THƠ LỤC BÁT - Phạm Đức Nhì


             
                          Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Người làm thơ Đường Luật phải biết và chấp nhận bó mình trong niêm luật vần đối của nó. Thơ lục bát chỉ có luật, vần nên thi sĩ không bị niêm, đối “kềm kẹp”. Trong bài viết ngắn này tôi chỉ bàn về luật.

Đọc xong chắc có người thắc mắc “Sao tui đọc sách và những bài viết trên mạng thấy luật bằng trắc trong thơ lục bát cũng rườm rà, rắc rối lắm mà sao ông viết lại đơn giản quá vậy? Có ‘ăn bớt’ không đó cha nội?”

Câu trả lời của tôi:

Sau một thời gian dài làm thơ lục bát nhiều thi sĩ đã “vượt rào”, phớt lờ luật tắc. Độc giả mới đầu còn thấy lạ lạ, kỳ kỳ. Đọc riết rồi thấy cũng “ổn” nên bảo nhau “Không có gì mà ầm ĩ”. Dần dà một vài luật tắc rườm rà đó “tuân theo cũng được mà phớt lờ cũng không sao”. Đó là quy luật tiến hóa của thi ca.

Vì thế ở đây tôi chỉ nói đến những điểm luật cốt yếu – ở thời điểm này mà không tuân thủ thì bài thơ sẽ bị chê là  “mất tính lục bát”.

1/
Chữ thứ 6 câu lục, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 câu bát phải là thanh bằng.
2/
Chữ thứ 4 câu bát phải là thanh trắc.
Mười chữ còn lại thì tự do - bằng cũng được mà trắc cũng không sao.
3/
Nếu chữ thứ 6 của câu bát thanh huyền (dấu huyền) (thí dụ 1) thì chữ thứ 8 phải thanh ngang (không dấu) và ngược lại (thí dụ 2).
Thí Dụ 1:

Ba đi Hà Giang mua chè
Kêu con lên giúp đem về Hà Nam

Trong thí dụ này tôi “chơi nổi”, chọn 10 chữ còn lại toàn là thanh bằng. Nếu bạn không thích thì tự do thay đổi.

Thí dụ 2:

Bác Cả bán sáu mẫu vườn
Để lại một mẫu chú Hương cất nhà

Ở đây tôi chọn 10 chữ còn lại là thanh trắc. Dĩ nhiên, bạn cũng có toàn quyền thay đổi.
Luật bằng trắc của lục bát chỉ có thế. Bạn chỉ cần để ý 4 chữ (in đậm) – 3 bằng một trắc - thì thơ lục bát của bạn luật sẽ vững như bàn thạch.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com


CHÚ THÍCH:

1/ Trong trang Lục Bát Việt Nam trên Facebook có bài thơ Nước Mắt Ngày Gặp Lại của Thanh Tu có 2 câu:

Hôm nay mình gặp lại nhau
Ôm chặt bạn mà nỗi đau nhói lòng

Với luật thơ lục bát hiện hành thì nó phạm luật (chữ “mà” phải chuyển thành chữ khác có thanh trắc mới đúng). Với con mắt người bình thơ như tôi thì bài thơ thất bại một cách oan uổng; ý tứ có hay tôi cũng ngoảnh mặt làm ngơ. Nhưng biết đâu mấy chục năm nữa cách nhìn nhận luật thơ phóng khoáng hơn, bài Nước Mắt Ngày Gặp Lại (hay những bài phạm lỗi tương tự) sẽ được bình phẩm một cách cởi mở hơn.

2 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

LỤC BÁT BIẾN THỂ
Dưới đây là một số loại Lục Bát biến thể thường gặp:

A. BIẾN THỂ LOẠI 1: BIẾN ĐỔI CẤU TRÚC BẰNG TRẮC
Biến đổi cấu trúc bằng trắc có 2 dạng:

1. Câu Lục giữ nguyên
Câu Bát biến đổi chữ thứ 2 thành trắc :
Bảng luật:
b B t T b B (vần)
b T t T b B (vần) t B

Ví dụ :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
(ca dao)

2. Cả câu Lục và câu Bát đều biến đổi chữ thứ 2 thành thanh trắc:
Bảng luật:
b T t T b B (vần)
b T t T b B (vần) t B

Ví dụ :
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
(ca dao)

B. BIẾN THỂ LOẠI 2: BIẾN ĐỔI CÁCH NGẮT NHỊP

Câu Bát giữ nguyên
Câu Lục biến đổi chữ thứ 2 thành trắc và ngắt nhịp ở chữ thứ 3
Bảng luật:
b T T | T b B (vần)
t B t T b B (vần) t B

Ví dụ :
Mai cốt cách | tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Ðồ tế nhuyễn | của riêng tây
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Người nách thước | kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

2. Cả câu Lục và câu Bát đều biến đổi cấu trúc bằng trắc,
và chữ thứ 6 câu lục phải vần với chữ thứ 4 của câu 8

Tiếng cuối câu lục có thể vần với tiếng 4 câu bát, khi đó tiếng 2 và 6 của câu bát sẽ đổi ra trắc. Câu thơ sẽ ngắt nhịp ở giữa câu bát, như trong câu ca dao sau:
Bảng luật như sau:
Câu lục: + B + T + B
Câu bát: + T + B + T + B
Ví dụ:

Đêm nằm gối gấm không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
(Ca dao, khuyết danh)

Chú ý:
Ở câu bát chữ thứ 4 nên là dấu huyền và chữ thứ 8 không dấu huyền
Bảng luật:
b T t T b B (vần không huyền)
t T b B (vần có huyền) t T b B (không huyền)
b T t T b B (vần không dấu hoặc có huyền đều được)
t T b B (vần có huyền) t T b B (không huyền)

Ví dụ 1:
CHỮ THỨ SÁU CÂU 3 CÙNG DẤU VỚI CHỮ THỨ 8 CÂU 2:

ƯỚC
Bão lặng mà gió còn LAY
Khiến dạ bao NGÀY ảo não sầu ĐAU
Chỉ ước rạng rỡ về SAU
Cho trúc xanh MÀU để thắm nhành mai.
Tấn Phước Lê

Ví dụ 2:
CHỮ THỨ SÁU CÂU 3 CÙNG DẤU VỚI CHỮ THỨ 4 CÂU 4:

NGUYỆN
Cách trở nỗi nhớ thêm NHIỀU
Khắc khoải muôn CHIỀU ra ngóng vào TRÔNG
Diết dạ tha thiết tình NỒNG
Ước nguyện tam ĐỒNG vạn kiếp có nhau.
Tấn Phước Lê

C. BIẾN THỂ LOẠI 3: BIẾN ĐỔI CÁCH GIEO VẦN

Gieo vần ở chữ thứ 4
Nghĩa là chữ thứ 4 của câu Bát vần với chữ cuối của câu Lục.
- Ở câu Bát: Chữ thứ 4 nên có dấu huyền, và chữ thứ 8 không dấu
- Dạng thơ này vì ép 2 chữ thứ 4 đều có dấu huyền nên:
+ Chữ thứ 6 của câu 3 và chữ thứ 4 của câu 4 sẽ bị cùng dấu
+ Hoặc chữ thứ 6 của câu 3 và chữ thứ 8 của câu 2 cùng dấu
Cả 2 sự cùng dấu này đều không tính lỗi, vì không thể đổi khác.

Biến đổi cách gieo vần có hai dạng:

1. Câu Lục giữ nguyên,
Câu Bát biến đổi cấu trúc bằng thành trắc ở chữ thứ 2
Bảng luật:
b B t T b B (vần)
t T b B (vần có huyền) t T b B (vần)
b B t T b B (vần không dấu hoặc có huyền đều được)
t T b B (vần có huyền) t T t B (không dấu)
Ví dụ:

Mẹ già ở với nàng DÂU
Đoạn thảm vơi SẦU, con một cậy CHA
Mười phần thương mẹ ở NHÀ
Chín phần thương vợ còn LÀ thơ ngây.
(Khuyết Danh - Thoại Khanh Châu Tuấn)

Trên đây chỉ là những dạng thơ Lục Bát biến thể cơ bản, Lục Bát biến thể còn nhiều dạng khác nữa mà chưa nói hết được như Lục Bát trắc vận...

Nặc danh nói...

Thật tuyệt vời cảm ơn tác giả