BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

NHÓM THẦY GIÁO TRƯỜNG NGUYỄN HOÀNG VÀ HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC (1972 – 1975) – Lê Hữu Thăng


            
                                 Thầy cô Lê Hữu Thăng


NHÓM THẦY GIÁO TRƯỜNG NGUYỄN HOÀNG VÀ HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC (1972 – 1975)
                                                                            Lê Hữu Thăng
           
Hiệp định Geneve năm 1954, sông Hiền Lương chia đôi đất nước để một số bà con quận Vĩnh Linh rời bỏ quê hương lánh nạn. Vết thương chưa hàn gắn được, nỗi đau xót chưa nguôi phai rồi mười tám năm sau, năm 1973, hiệp định Paris lại chia đất mẹ Quảng Trị thêm một lần nữa. Sông Thạch Hãn cùng với sông Hiền Lương đi vào những trang sử bi thảm của dân tộc, hòa với những nỗi khổ đau nghiệt ngã của người dân Quảng Trị. Trận chiến mùa hè năm 1972, hơn ba trăm ngàn người dân Quảng Trị phải di tản trong những tình huống vô cùng gian lao, nguy khốn để đến và tạm cư tại Đà Nẵng.
Những căn cứ, doanh trại của quân đội Mỹ ở Đà Nẵng được tổ chức thành 32 Trại tạm cư, chia làm 2 khu vực tả ngạn và hữu ngạn của sông Hàn (khu Non Nước và khu Hòa Khánh). Chỉ một tuần lễ sau, người dân đã có nếp sống tương đối ổn định, phối trí chỗ ở, trợ cấp thực phẩm (mỗi ngày 500g gạo/người), nước uống… chương trình giọt sữa cho trẻ con và bánh mì buổi sáng cho người lớn. Tuy nhiên, còn một vấn đề mà chính quyền chưa giải quyết được: việc học hành cho học sinh.

I.   ĐOÀN GIÁO CHỨC CÔNG TÁC XÃ HỘI/QUẢNG TRỊ (ĐGCCTCH/QT):

Trong bối cảnh xã hội của cuộc sống tạm cư, tái phối trí sinh hoạt giáo dục là một vấn đề khó khăn. Một số thầy giáo Nguyễn Hoàng đã nhiều lần trăn trở, nhóm họp với nhau để tìm phương án, ưu tiên là tập trung các em học sinh bậc tiểu học và học sinh trung học của các trường tư thục Bồ Đề, Thánh Tâm, Phước Môn… trước đây.
Anh chị em có rất nhiều thiện chí, hy sinh, năng nổ… để tổ chức giảng dạy, nhưng cái khó khăn là cơ sở, phòng ốc, bàn ghế và kinh phí điều hành, còn đứng lớp là tinh thần thiện nguyện của anh chị em.
Mọi người được bung ra để thăm hỏi, tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức từ thiện, xã hội ở Đà Nẵng, Saigon. Mong ngóng từng ngày tin tức của anh em và một sự may mắn, tình cờ tìm được Tổ chức tài trợ là CƠ QUAN XÃ HỘI TIN LÀNH VIỆT NAM (Vietnamese Christian Social Services – VNCS).
Đầu tháng 6 năm 9172, một buổi họp của anh em để đón tiếp và thuyết trình dự án với Cơ quan tài trợ: Ông Richardson, giám đốc cơ quan (văn phòng ở SG) và ông Peter Downs, đại diện của Cơ quan tại vùng I cùng nhóm các thầy giáo thiện nguyện được mang danh xưng D9OGCCTXH/QT, là tổ chức đối tác với Cơ quan tài trợ.
Phần thuyết trình cũng như những ý kiến phát biểu của anh em bổ sung cho dự án đã thuyết phục được Ông giám đốc cơ quan, không những đồng ý toàn bộ dự án từ kinh phí bàn ghế, điều hành… mà cả phụ cấp giáo viên giảng dạy, thay vì thiện nguyện và theo lời của ông giám đốc, những thầy giáo trong chương trình phải được tưởng thưởng và cứu trợ như một người tỵ nạn.


II.  HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC VÀ TRƯỜNG TIỂU HỌC ÁI TỬ:

Dự án giáo dục được tài trợ gồm có:   
  1. Tiểu học:
Thiết lập 12 trường Tiểu học, mang tên Ái Tử 1  đến Ái Tử 12. Mỗi trường có 5 phòng học để điều hành 10 lớp học: 5 lớp buổi sáng và 5 lớp buổi chiều, từ lớp 1 đến lớp 5. Nhân sự điều hành gồm có một hiệu trưởng, một hiệu phó (phụ trách 5 lớp buổi chiều) và 10 giáo viên đứng lớp. Thù lao của thầy cô tương đương với lương giáo viên lúc bấy giờ.
      2. Trung học:
Trong cơ chế hành chánh của giáo dục, tổ chức một trường trung học thật khó khăn và phức tạp, nhưng quan niệm của anh em là cứ tiến hành và khó đến đâu gỡ đến đó.
Trường được đặt tên là HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC, điều hành từ lớp 6 đến lớp 12. Như bạn đọc đều biết, Hiền Lương cũng là một tên làng, thuộc huyện Vĩnh Linh, có con sông chảy qua làng mang tên Hiền Lương, sau này là ranh giới chia đôi đất nước bởi Hiệp định Geneve 1954, nhưng trong Hiệp định địa danh này được đổi thành Bến Hải. Nhóm thầy giáo thiện nguyện mang một hoài bão không lớn lao như ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC, nhưng trong khái niệm “nghĩa thục” đã hàm chứa một tinh thần tự nguyện, khai mở một hướng đi tích cực trong một hoàn cảnh đầy khó khăn và đầy thử thách. Phương hướng khiêm tốn đầu tiên của HLNT là nhằm giúp đỡ những thế hệ học sinh Quảng Trị đang gặp hoàn cảnh khó khăn của gia đình và xã hội do chiến tranh gây nên. Hướng chủ đạo của HLNT là kêu gọi sự bảo trợ trong công tác giáo dục nhằm giúp học sinh Quảng Trị có điều kiện tối thiểu để theo học tiếp chương trình Trung học, lên được Đại học. Nhóm thành lập chỉ có một hợp đồng đơn giản với sinh viên tốt nghiệp là phục vụ 4 năm cho quê hương Quảng Trị. Và xa hơn nữa là mặt tình cảm mang ý niệm Hiền Lương sẽ không còn chia cắt, phân cách người dân Quảng Trị nữa.




Ngoài ra, anh em cũng đã lên dự án, xây dựng một trung tâm kỹ thuật dạy về ô tô, nông ngư cơ, điện lạnh…, học sinh ăn ở nội trú để sau này phục vụ cho Quảng Trị. Dự án này sẽ được tài trợ bởi các cơ quan Hồng Thập tự (thực phẩm), ACS (xây dựng cơ sở), VNCS (giáo viên giảng dạy và nhân sự điều hành).
Cụ thể về mặt tổ chức cơ bản, ban giám hiệu và điều hành HLNT gồm có:
Quý thầy: Thái Mộng Hùng, Đỗ Trinh Huệ, Lê Văn Mãn, Lê Hữu Nam, Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Ngọc Bôi, Lê Hữu Thăng, Nguyễn Bảo. Quý thầy cô tham gia giảng dạy như: Lê Mậu Tâm, Hoàng Văn Liệu, Trương Sĩ Lộc, Lê Văn Quýt (thầy Lộc, thầy Quýt là những người rất nhiệt tình, năng nổ, hăng say trong những ngày đầu thành lập ĐGCCTXH, nhưng sau đó hai thầy vào định cư ở Bình Tuy), Phan Phụng Thạch, Trần Văn Lữ, Dương Vạn, Nguyễn Nguyên, Nguyễn Thiện Lữ, Lê Văn Tôn… sau có sự hợp tác của Linh mục Nguyễn Ngọc Hàm (hiện nay là Đức Ông ở Illinoi) và Linh mục Nguyễn Văn Thanh (hiện nay ở Pháp). Phụ cấp của thầy giáo được các cơ quan tài trợ đặc biệt quan tâm như thù lao lên lớp là 120đ/giờ, trong khi các trường khác lúc bấy giờ trả 80đ/giờ.





HLNT cũng như các trường tiểu học, dưới mô hình tư thục, nhưng học sinh không phải đóng học phí mà còn được cấp những học bổng đặc biệt.
Trường Hiền Lương chia 2 trung tâm cho 2 khu vực: Hòa Khánh và Non Nước để đáp ứng nhu cầu địa lý của các trại tạm cư.
Tất cả các cơ sở giáo dục, 12 trường tiểu học Ái Tử và 2 trung tâm của HLNT đều được khai giảng trong tháng 7 năm 1972, nghĩa là chân ướt chân ráo đến Đà Nẵng vừa được 3 tháng, một chương trình giáo dục được hình thành. Nhớ lại những sinh hoạt của anh em thời buổi ấy thật là có sự chung góp bàn tay và tấm lòng đầy tình nghĩa. Ngoài những buổi sắp hàng nhận gạo, nhận bánh mì, nhận nước uống… còn bao nhiêu sinh hoạt xã hội và tinh thần cùng phải lo. Cùng thân phận người dân tạm cư, tỵ nạn, anh chị em rất cảm thông và đùm bọc lẫn nhau. Người tất bật gồng gánh, xoay xở, chạy đôn chạy đáo cùng anh em, kẻ lo liên hệ với chính quyền để xin phòng học, người đến các đơn vị quân đội xin nhà bạt về dựng lớp, xin xe GMC (nhà binh) để chở bàn ghế… thật lắm nhiêu khê, nhưng anh em đều nhiệt tình chu đáo. Khó mà kể hết những công sức của mỗi người, phân tích tính năng đa dạng của mỗi thầy cô hay vinh danh từng thầy giáo (khoảng 50 người). Tôi đã có dịp sinh hoạt trong vài tổ chức thanh niên thiện nguyện, tham gia hoạt động với các tổ chức xã hội và tham dự các chương trình hội thảo, tham luận của các tổ chức xã hội, cơ quan từ thiện, tôn giáo, nhưng những ngày hoạt động cùng anh em trong ĐGCCTXH Quảng Trị đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Đó là lối sinh hoạt rất dân chủ, đoàn kết, quý mến, hài hòa, nhanh nhẹn và đạt hiệu năng cao.





III.  HLNT TRỞ VỀ QUẢNG TRỊ:

Tháng 9-1972, Cổ thành và 2 quận Hải Lăng, Triệu Phong được tái chiếm sau gần 3 tháng (81 ngày), Quảng Trị chìm đắm trong ngút ngàn lửa đạn. Bà con hồi cư trên những nhà cửa đổ nát tan hoang, vườn tược điêu tàn hoang phế, phế liệu chiến tranh ngổn ngang, bom đạn vương vãi khắp mọi nơi. Tình cảm thắm thiết với quê hương vượt trên mọi thử thách gian nan, nguy hiểm và mọi người bắt đầu cuộc sống mới với một tinh thần can đảm phi thường.
Riêng ngành giáo dục Quảng Trị được Bộ giáo dục đặc cách cho giáo viên được tự chọn nhiệm sở mới, do đó, một số thầy giáo ở lại Đà Nẵng hay về Huế. Một số giáo viên trường Nguyễn Hoàng nối gót cùng bà con hồi cư với một cuộc sống khá phức tạp, ăn cơm chợ, ban đêm ngủ lại trường.
Không biết từ thôi thúc bào để anh em chấp nhận một cuộc sống khắc khổ, gian nguy như thế hay vì tiếng gọi của quê hương, vì “quê hương mỗi người chỉ một” (thơ Đỗ Trung Quân).
Cuối năm 1972, khi bà con Quảng Trị hồi cư, trường Hiền Lương được cơ quan tài trợ cấp ngân khoản để xây dựng một ngôi trường tại xã Hải Trường, quận Hải Lăng và tiếp tục điều hành chương trình học vấn niên khóa 1973 – 1974.
Anh em trong ĐGCCTXH cùng hoàn cảnh và chọn trường Hiền Lương làm nơi tạm trú. Tình hình an ninh không có gì khả quan, nhiều đêm vẫn còn nghe tiếng súng giao tranh, vượt ranh giới, lấn đất. Những thầy giáo xa nhà ngủ trọ qua đêm tại trường chẳng ai có được tiện nghi vật chất, phòng ốc tối thiểu, phải ngủ trên băng ghế học trò. Thầy giáo đùm đề gia đình thì thường xuyên thao thức, hồi hộp, thấp thỏm, không biết lúc nào thì phải khăn gói mà tháo chạy. Nhiều thầy giáo trăn trở với những đêm trắng mắt, không ngủ được vì “ma hành” ở trường Hiền Lương (trường Hiền Lương được xây dựng cạnh cầu Dài, khu vực của Đại lộ kinh hoàng).
Văn phòng trường Hiền Lương cũng là văn phòng của ĐGCCTXH. Năm 1974, để hướng dẫn chương trình cứu trợ được hữu hiệu, ĐGCCTXH đã tổ chức 2 ngày hội thảo với sự tham dự của các cơ quan thiện nguyện, tổ chức xã hội từ thiện của Việt Nam, ngoại quốc, của các tôn giáo từ Đà Nẵng đến Sài Gòn cùng với bà con nông dân hồi cư… Kết quả rất khích lệ, vì nông dân từ đó có cơ hội đón nhận được sự tài trợ cụ thể và nhanh chóng những nhu cầu thiết thực cho đời sống và phát triển kinh tế.

IV.  ĐGCCTXH XUỐNG RUỘNG:

Một số tổ chức có những chương trình yểm trợ nông dân phát triển kinh tế lâu dài như Thanh niên phụng sự xã hội (Phật giáo), Thanh niên Cơ đốc Phục lâm (Tin Lành), Caritas (Công giáo)… đều “hành quân” đến Quảng Trị. Riêng tổ chức Xã hội Tin Lành Á châu (Asian Christian Social Services – ACS) muốn thử nghiệm một chương trình tín dụng, thành lập những tổ hợp nông dân, giúp nông cụ để nông dân mưu sinh và cần sự giúp đỡ về nhân sự điều hành và tổ chức các dự án cấp thời. ĐGCCTXH cũng đã nhiệt tình xung phong xắn tay áo đi vào “thực tế lao động” cùng với bà con nông dân. Từ đó, ngoài chương trình điều hành trường Hiền Lương, anh em lại về nông thôn phổ biến và tổ chức, thực hiện các dự án:
       a. Quỹ tín dụng: Bà con nông dân có quyền mượn vốn, không có lãi để mua phân bón, lúa giống, chăn nuôi. Hợp đồng mượn trong 3 năm, mỗi năm hoàn trả 1/3 số tiền vay mượn. Số tiền dành cho quỹ tín dụng này là 10.000.000đ.
       b.Tổ hợp trâu cày: Đa số nông dân hồi cư thuộc thành phần nghèo, khó khăn nên không có vốn đầu tư mua trâu cày ruộng; hay người có chút vốn liếng thì không mạnh dạn đầu tư… Theo yêu cầu của các cơ quan tài trợ, nhiều tổ hợp vay vốn không lời được thành hình. Mỗi tổ hợp quy tụ từ 2 đến 3 người, tự chọn và đi mua trâu với số tiền mượn tùy nghi. Lúc bấy giờ, giá mỗi con trâu cày khoảng từ 80.000đ đến 100.000đ. Sau một vụ mùa, hoàn trả 1/3 và có 3 tổ hợp (1/3 x 3) thu lại gần 1.000.000đ và tổ chức một tổ hợp kế thừa. Chương trình này đã tổ chức được 15 tổ hợp.
      c. Tổ hợp máy cày: Máy cày tay trị giá 5 triệu đồng và máy cày lớn có người lái trị giá 30 triệu đồng, phương thức tổ chức thành tổ hợp và trả góp… đã phân phối đến làng Quy Thiện 1 máy cày tay, làng Long Hưng, làng Bích La mỗi nơi 1 máy cày lớn.
     d. Tổ hợp máy bơm nước: Đã thiết kế 1 máy ở An Hưng, 1 máy ở Quy Thiện, phương thức tổ chức như các tổ hợp khác.
Dùng số tiền thu gom được tái tổ chức tổ hợp hay tín dụng cho thôn ấp tại nơi đó, nghĩa là vừa lâu dài, trong vài năm thôi, trong thôn có cả chục con trâu, quỹ tín dụng được tích lũy dồi dào, đáp ứng được nhiều nhu cầu phát triển và cải thiện đời sống trước mắt.
Chương trình đã được thực hiện rất tốt đẹp. Đàn trâu từ 15 con lúc ban đầu, sau vụ mùa thứ nhất đã có 20 con. Thế rồi, tháng 3 năm 1975, quân Bắc Việt vượt tuyến đánh chiếm Quảng Trị. Trong những ngày cuối cùng đó, những bác nông dân đã dẫn trâu hoàn trả cho chúng tôi tại trường Hiền Lương, riêng chiếc máy cày thì trả lại Đà Nẵng. Tinh thần đó đã nói lên những nét đẹp, trách nhiệm, chân chất, thật thà của nông dân Quảng Trị.
Một quá khứ đầy biến động với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đã qua đi hơn ba mươi năm rồi, có đồng nghiệp đã ra đi vĩnh viễn, những người còn lại rải rác trên mọi miền đất nước. Đã nhiều lần chúng tôi, Đoàn, Thăng, Nam, Bôi… đi tìm nơi an nghỉ của anh Lê Văn Mãn để viếng thăm anh nhưng mò mẫm mãi vẫn chưa thỏa với ước mong. Tôi vẫn còn ấm ức vì chiều 30 Tết Mậu Ngọ, anh chị Mãn còn ghé thăm tôi ở Đà Nẵng, rồi ngày mai được tin anh tử nạn tại Nam Ô (?!) Có những đêm, mùa đông rét mướt. anh em gặp nhau tại trường Hiền Lương, bên đóm lửa bập bùng của những cành dương liễu, anh em luận bàn chuyện điều hành các dự án với tất cả nhiệt huyết và tâm hồn yêu thương Quảng Trị. Những đồng nghiệp còn lại mỗi khi gặp nhau không khỏi luyến tiếc một thời với HLNT. Ba năm trước đây, Đức Ông Nguyễn Ngọc Hàm có dịp đến Colorado và ghé thăm tôi, câu chuyện trường Hiền Lương như một kỷ niệm sâu đậm trong sự nghiệp giáo dục của Đức Ông.
Và xin mượn bài viết hôm nay để gợi nhớ đến các đồng nghiệp, một thời đã hiến dâng công sức, trí tuệ, hiệp lực cùng nhau xây dựng nên HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC và chia sẻ những khó khăn, gian khổ của nông dân Quảng Trị. Xin đón nhận nơi đây như 1 nén hương vô vàn thương nhớ gởi đến các thầy của HLNT đã vĩnh biệt bạn bè, đồng nghiệp, học sinh: Quý thầy Lê Mậu Tâm, Lê Hữu Nam, Lê Văn Mãn, Phan Phụng Thạch, Trần Văn Lữ, Lê Văn Tôn, Phan Văn Cẩn… Thế hệ thầy cô Nguyễn Hoàng đầy nhiệt huyết thời kỳ của những năm 1960 giờ đang lên hàng hưu trí. Ghi lại những hồi ức một giai đoạn đời người và thế sự đầy gian nan của Quảng Trị để nhắc nhở với nhau rằng, hoàn cảnh và số phận con người thường xuyên đổi thay, chỉ có tấm lòng đối với quê hương và tình người đối với nhau là nét đẹp không tàn phai của một thời và mãi mãi.

                                                                              Lê Hữu Thăng
                                                                   Colorado, tháng 11-2005

Không có nhận xét nào: