BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN THƠ ĐỖ TƯ NGHĨA CỦA MỘT NGƯỜI HỌC TOÁN - Hồ Sĩ Khang


       
                          Tác giả Khang Hồ


           ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN THƠ ĐỖ TƯ NGHĨA 
           CỦA MỘT NGƯỜI HỌC TOÁN
                                                                     Hồ Sĩ Khang

Cuộc sống hôm nay có những điều kỳ diệu, nhất là với những người thích sống một mình hoặc vì điều kiện khác, họ không thể tiếp xúc được với những con người thật trong cuộc đời. Nhưng chỉ cần có internet họ có thể kết nối với vạn vật. Tôi là một trong số đó. Trong thế giới điện tử này tôi gặp nhiều người bạn và đọc rất nhiều thơ của họ. Thơ của họ hay, mỗi người mỗi cảm xúc.
Tôi đã bắt gặp một Phan Quỳ với tâm hồn rất lãng mạn nhưng phảng phất một sự  mỏi mệt cùng thân xác, tôi  thấy một  “con ong thợ ” Hoàng Chẩm miệt mài làm thơ, đếm đong cảm xúc, chắt lọc ngôn từ rất hay. Một Liên Hưng có những giây phút thăng hoa bay bổng. Một nhóm Sông Quê với tháng ngày hoài niệm, cứ đến hẹn lại lên trên lối cũ ta về. Còn nhiều nữa…

Và điều tôi tò mò nhất là chùm “Thơ tình thứ bảy” của anh Nguyễn Đức Tùng. Khi đọc nó tôi thấy ngờ ngợ, thể thơ mà tạo cho người đọc một sự suy nghĩ như thế này, hình như tôi đã đọc đâu đó lâu rồi.
Nói vậy thôi, nhưng sau khi suy nghĩ tôi thấy hai người khác nhau nhiều:
Trong “Thơ tình thứ bảy” Anh Nguyễn Đức Tùng thường chỉ gợi ra, ít khi bình luận, gần đây có bài: Cô gái lên chùa xin xăm, anh quan sát thấy cô gái dấu cái xăm và rút thêm một cái xăm khác. Chỉ có vậy thôi, nhưng người đọc đã comment rất nhiều, vì anh ấy đã mở ra cho người đọc một không gian để họ tưởng tượng, suy đoán và bình luận và người đọc thú vị với điều này. Anh Nguyễn Đức Tùng đã áp dụng một trong những nguyên lý tiếp xúc “đối tượng”: chỉ quan sát nhưng không nhận xét. Bức tranh cô gái lên chùa xin xăm được tác giả “vẽ” lại nguyên xi, không có một nhận xét chủ quan nào. “Thơ tình thứ bảy”, chính là sự khác biệt của Nguyễn Đức Tùng với rất nhiều người. Sự khác biệt này làm cho những “bài thơ tình thứ bảy” của anh có một “thị trường độc giả” khá đông và ổn định. Tôi cũng không ngờ, cái lý thuyết marketing mà ngày xưa còn làm việc, tôi thường nghiên cứu hàng ngày: Differentiate or die (Khác biệt hay là chết) của Jack Trout và Steve Rivkin vẫn có giá trị cả trong cả lãnh vực thơ văn.

           

Còn với anh Đỗ Tư Nghĩa, anh là thế hệ đàn anh, đi trước và làm thơ trước. Tôi đọc những bài thơ của anh “trình làng” vào năm 1999. Năm đó, anh quyết định không cất kỹ những bài thơ như máu thịt và hơi thở của mình nữa, anh cho nó được “góp mặt” với đời, để tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu, để lắng nghe những tiếng vọng lại của tri âm. Khi đó tôi mới biết rằng, những bài thơ này anh làm vào năm 1983, tức là anh đã cất kỹ nó 16 năm trời. Ngày ấy, đọc thơ anh tôi rất thích thú vì hình ảnh và ngôn ngữ trong thơ mang màu sắc đậm nét của một triết nhân. Có lần tôi nói đùa với đứa em: đọc thơ anh Nghĩa thú vị như làm Toán.
Những ngày này, trẻ em khắp nơi sắp tựu trường. Trên đường đưa đón cháu ngoại đi học, tôi bắt đầu thấy lác đác những người bán bong bóng. Bất chợt, tôi nhớ bài thơ của anh viết về những đứa trẻ khi thấy những quả bong bóng này.
  Phân tích theo suy nghĩ của người học toán: bài thơ này anh dùng phương pháp liệt kê các phần tử trong tập hợp những quả bong bóng theo màu sắc của nó. Đồng thời nêu tính chất của nó: rực rỡ muôn màu tạo ra sự thích thú cho các em bé. Nhưng có một tính chất rất quan trọng, mà các em bé hay người lớn cũng sẽ quên: là tính tự tiêu tan do dễ vỡ, ngôn ngữ toán học đã bất lực với tính chất vô thường của vạn vật. Bài thơ như một lời giải của bài toán mô tả tập hợp được viết bằng thơ mà không phải ai cũng có thể suy gẫm cho các sự vật khác trong cuộc đời.
Cảm giác thật nhẹ nhàng , thanh thản khi đọc xong bài thơ vì những nguyên lý nhận thức của sự vật được tác giả nêu lên trong những câu cuối cùng:

 “Em hãy biết mỉm cười
khi bóng vỡ
trên tay”

Xin mời các anh chị đọc lại bài thơ Những chiếc bong bóng đẹp

Chiều nay tôi bỗng thấy
Những em bé
vây quanh
một chùm bong bóng đẹp
Có màu xanh của lá
Có màu xanh của trời
Có màu nâu của đất
Có màu trắng áo nữ sinh
Có màu máu của tim
Có màu của hoa Violette
Những em bé đứng ngẫn ngơ
quả bóng nào cũng thích
Nhưng em bé ơi
em có biết
chiếc bong bóng nào rồi cũng vỡ
như những giấc mơ của tôi
như những giấc mơ của mọi con người-
cũng muôn màu
và dễ vỡ?
Nhưng em bé ơi
cuộc đời vẫn thế
vẫn như quả lắc đong đưa
giữa tử và sinh
giữa còn và mất.
Thôi đừng tiếc những gì em sẽ mất
Em hãy biết mỉm cười
khi bóng vỡ
trên tay.

Dalat 28.X.1983.
ĐỖ TƯ NGHĨA.

Nhưng đọc thơ của anh Đỗ Tư Nghĩa mà không đọc những bài thơ về triết lý tình yêu của anh là một thiếu sót lớn. Anh đã dồn hết hơi thở và máu thịt của mình để viết về thân phận, tình yêu và con người. Mỗi bài thơ của anh có hương vị đầy đủ của cuộc sống và “lời khuyên răn” nhẹ nhàng, nhân ái của triết gia. Do thời gian hạn hẹp, tôi chỉ xin giới thiệu một trong số bài thơ hay của anh mà tôi đã từng yêu thích. Thơ anh viết, như con người triết học của anh, khi đọc chúng ta thấy độ “thẩm thấu” của nó vào từng tế bào trong cơ thể. Chúng ta suy gẫm, thậm chí nhức nhối với từng câu chữ trong thơ của anh.
Bài thơ tôi xin giới thiệu là bài: “Có những nàng con gái đi lấy chồng.”
Một lần nữa, tôi lại phân tích bài thơ theo góc nhìn của người học toán: có hai cách nhìn khác nhau.
1.Tác giả đã dùng phương pháp “vét cạn nghiệm” các giả thiết đặt ra. Trong toán học, bài toán liệt kê vét cạn, hay còn gọi là chiến lược vét cạn là phương pháp xem xét giả thiết có phải là nghiệm số của bài toán hay không? Phương pháp này, gần đây có sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin với những thuật toán: quay lui, vét cạn, thử sai, nó trở nên được nhiều người biết đến.Và nhà thơ đã liệt kê các phương án có thể, mỗi nghiệm số là một tình huống của cuộc đời. Những người đến với hôn nhân không biết rằng, đây chỉ là một trong những nghiệm số ngoại lai được phát sinh từ nhiều hệ quả. Các nghiệm số ngoại lai đó như một bóng mờ che phủ, đã cho ra những quyết định bất ngờ của đời người con gái.
Tất cả các trường hợp được đưa ra không phải là nghiệm của phương trình gốc: Người con gái đi lấy chồng bởi vì điều gì? Và một lần nữa, như đã trở thành đặc trưng thơ của Đỗ Tư Nghĩa, anh chọn nghiệm của phương trình gốc ở những câu thơ cuối.
Kết thúc bài thơ là một nghiệm số được đóng khung :

Đã có bao nhiêu nàng con gái
đi lấy chồng
vì đã chọn Tình yêu?

 2.Ở một góc nhìn khác, ta có thể hình dung bài toán tối ưu. Hàm f(x) của hôn nhân đạt đến giá trị tối ưu khi x tìm được điều kiện x0. Các điều kiện x0, lần lượt được tác giả nêu ra, nhưng tất cả đều là những điều kiện không làm cho hàm số hôn nhân bền vững( không đạt giá trị tối ưu)
Cuối cùng, tác giả bài thơ đã bật mí : x0= tình yêu. Đây mới là điều kiện cho hàm số “hôn nhân” đạt giá trị tối ưu.
Bài toán hôn nhân “tối ưu”, nhà thơ tìm thấy điều kiện x0 trong cuộc đời, vẫn còn có bao người  lẫn lộn.
Trong những năm tháng còn làm việc, tôi thường xuyên áp dụng phương pháp này để tìm giá trị tối ưu trong sản xuất, kinh doanh và quản lý nhân lực, đó là những ngày tháng tôi miệt mài tìm điều kiện x0.
 Và thật không ngờ , tôi lại thấy “x0= tình yêu”, trong bài thơ này của anh Nghĩa.
Mời các anh chị đọc bài thơ :

CÓ NHỮNG NÀNG CON GÁI ĐI LẤY CHỒNG
Có những nàng con gái đi lấy chồng
hồn nhiên
như nhận lời mời
đi xem hát…
Có những nàng con gái đi lấy chồng
vì thích ngồi xe hơi
thích làm phu nhân
thích những bộ cánh màu sặc sỡ.
Có những nàng con gái đi lấy chồng
để quên đi
một cuộc tình đầy nước mắt
một vết thương
còn rỉ máu muôn đời.
Có những nàng con gái đi lấy chồng
để trả thù một người tình phụ bạc
để dỗi hờn duyên kiếp không may.
Có những nàng con gái đi lấy chồng
vì sợ hãi
tuổi xuân qua mau
nhan sắc chẳng bền lâu
như cổ thụ.
Có những nàng con gái đi lấy chồng
như thi hành nghĩa vụ tòng quân khi tuổi đến
vì lý do đơn sơ:
con gái – phải lấy chồng.
Ôi, đã có được bao nhiêu nàng con gái
hỏi thử trái tim mình
khi nhận nụ hôn đầu
trước khi đeo nhẫn cưới ?
Đã có bao nhiêu nàng con gái
đi lấy chồng
vì đã chọn Tình yêu?

Dalat .1983.
ĐỖ TƯ NGHĨA.

Lời cuối:
Phân tích thơ không phải là sở trường của tôi. Nhưng thơ của anh Đỗ Tư Nghĩa thì tôi thích lâu lắm rồi, ngôn ngữ trong thơ anh được lựa chọn, gọt dũa một cách tinh vi và đầy trí tuệ. Một dạo, tôi thấy thơ anh gần giống Thơ Chế lan Viên, nhưng rồi cũng không phải thế. Mỗi người có một cách suy cảm đậm chất triết lý riêng biệt. Thơ của anh Đỗ Tư Nghĩa luôn có lời nỉ non rất thật của con người và lời thì thầm của chân lý.
Chân lý đến sau cùng, và lắng đọng tận trái tim.
Toán học khô khan, rời rạc và bất lực trong việc tìm ngôn từ lý giải các mô hình toán trong cuộc đời.
Nhưng khi đọc thơ anh, những người học toán như tôi thấy gần gũi lạ.
Hy vọng sẽ có thêm nhiều bài thơ hay của anh, mà trong thời gian qua vẫn còn lẫn khuất .

   Nha Trang mùa tựu trường 2019
                    Hồ Sĩ Khang

Không có nhận xét nào: