BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

GIÁ TRỊ CỦA TRE KHÔNG THUA GÌ TRẦM – Hoàng Hải Vân


        
                Tre xanh phục vụ đời sống lại làm thuốc cứu đời


       GIÁ TRỊ CỦA TRE KHÔNG THUA GÌ TRẦM 
                                                                         Hoàng Hải Vân

Là cháu nội hoàng tử thứ 12 con vua Minh Mệnh, ông Nguyễn Phúc Ưng Viên gọi vua Minh Mệnh bằng ông cố. Theo “đế hệ thi” của vua Minh Mệnh thì hàng “Ưng” ngang với vua Hàm Nghi và là hàng ông nội của vua Bảo Đại. Hàng “Ưng” nay chỉ còn vỏn vẹn 3 vị: ông Ưng Linh hiện ở Đà Nẵng gần 90 tuổi, ông Ưng Ân ở Huế gần 80, ông Ưng Viên trẻ nhất, mới xấp xỉ 70. Giải thích về thứ bậc và tuổi tác của mình trong dòng họ, ông bảo: “Tôi thuộc dòng thứ”. Ông Ưng Viên sống ở TP. HCM như một ẩn sĩ âm thầm chữa bệnh cứu người.

Ông bảo dân tộc Việt từ một nhóm nhỏ mấy ngàn người, đã dựa vào thiên nhiên mà sống, mà sinh sôi phát triển mà mở rộng bờ cõi, đến nay đã lên tới hơn 80 triệu người, dân tộc đó ắt phải biết cách phòng và chữa bệnh bằng chính những gì mình có. Thuốc tây mới du nhập vào khoảng 150 năm nay thôi. Thế giới có biết bao nhiêu là trận dịch chết người hàng loạt, còn trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam có một trận dịch nào khiến nhiều người chết không? Chết hàng loạt vì đói thì có, còn chết hàng loạt vì dịch thì không.

Ông cũng không coi trọng thuốc bắc bằng thuốc nam. Ông bảo từ ngàn năm trước người Việt hằng năm phải cống nạp các thầy thuốc giỏi cho Trung Quốc. “Dòng họ tôi, chỉ riêng thời nhà Đinh đã phải cống nạp đến 18 thầy thuốc giỏi sang Tàu”, ông nói.

Tổ chức Y tế thế giới ngày nay cũng khuyến nghị loài người nên áp dụng những thức ăn - dược liệu hữu ích của các dân tộc có lịch sử lâu đời để chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng tảo Spirulina từ châu Phi cho cả thế giới là một minh chứng.

Tri thức về cây tre được Nguyễn Bỉnh Khiêm cung cấp, trên cơ sở đó nhà Nguyễn đã có 400 năm khảo nghiệm và sử dụng trên mọi lĩnh vực của đời sống và quốc phòng, đúc kết thành pho y lý ghi trong hai cuốn sách thuốc bí truyền của dòng họ: Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính và Nguyễn Phúc tộc y gia truyền thế thường hành.

     

Với những công dụng chữa bệnh kỳ diệu, cây tre còn được các Chân y ngày xưa gọi là “Cứu tô sâm”, tức là một thứ sâm cứu người. Y lý bí truyền của nhà Nguyễn tổng kết có trên 200 vị thuốc từ cây tre. Toàn thân cây tre, không có bộ phận nào không có tác dụng chữa bệnh. Người Việt Nam ta sống với tre, sinh tồn với tre, vì sống với tre nên ít bệnh tật. Tre chữa bệnh đề cập ở đây là tre mỡ và tre gai, hai loại tre được trồng phổ biến ở miền Trung nước ta.

Đối với các dược liệu trị bệnh từ cây tre, dân tộc ta có hàng ngàn năm tích lũy kinh nghiệm, cho nên dân gian sử dụng rộng rãi tre trong ăn uống và chữa các bệnh thông thường, chỉ có lợi chứ hoàn toàn không có hại gì cho sức khỏe, vì toàn bộ cây tre không có bộ phận nào độc hại. Tuy nhiên, các vị thuốc từ tre bào chế cùng với các dược liệu khác để đặc trị, nhất là đặc trị các bệnh nan y, nhất thiết phải do thầy thuốc giỏi thực hiện, vì mặc dù tre không độc hại, nhưng do sự tương tác giữa các dược liệu với nhau, nếu không bào chế đúng cách đúng liều đúng lượng có thể dẫn đến kết quả không như mong muốn.

Cha ông ta trị bỏng, dùng “trúc tâm” (là đọt của lá tre chưa xòe ra thành lá) kết hợp với cây chuối sứ con. Chuối con xắt lát giã nhuyễn vắt lấy nước. Đọt tre cũng hơ nóng giã nhuyễn vắt lấy nước. Hai thứ nước này trộn chung lại bôi đều lên vết bỏng, sẽ chống được sốc huyết tương, bảo toàn và làm hồi sinh các mạch máu. Sau khi bôi, đắp xác chuối và xác đọt tre lên vết bỏng, mỗi ngày thay một lần, ban đêm khi ngủ lấy lá chuối non hơ ấm quấn lại. Để vết thương mau lành, có thể kết hợp thêm với “trúc nịch” (gốc tre già ngâm bùn gọi là “trúc nịch”) Dùng phương cách này trong ba ngày sẽ ổn định. Sau khi lành, sẹo để lại rất giới hạn.
 “Trúc nịch” chính là “Phùng ma tán” là thuốc “thiện trị khẩu thương bất hiệp” (đặc trị vết thương không lành).
“Trúc tâm” kết hợp với trầm hương, rễ tre và dịch của cây chuối hột chế ra một loại thuốc làm tái tạo men ruột cho người bị thương hàn, đồng thời cũng dùng làm thuốc trị bỏng và cầm máu; phối hợp với chè, trắc bá diệp, bồ công anh… để trị thủng ruột non do kiết lỵ nặng, trị chứng chảy máu cam kinh niên, chứng hơi thở nặng mùi hôi hám và trĩ ra máu nhiều.

RỄ TRE
Rễ tre tưởng là thứ vô dụng chỉ làm xấu đất, nhưng ông Ưng Viên bảo không. Nó là “trúc căn”, không những không làm xấu đất mà ngược lại nó làm tốt đất, bằng chứng là xung quanh rễ tre “tập hợp” rất nhiều giun dế. “Trúc căn” có tác dụng kiện tỳ trường vị, thanh can dưỡng tạng, rất tốt cho cơ thể. Rễ tre non có thể dùng làm dưa hoặc làm bánh, ngày xưa ở một số vùng miền Trung có món bánh phất làm bằng rễ tre non. Dưa rễ tre non hoặc bánh phất ăn vừa ngon vừa trợ tiêu hóa, cân bằng cường toan, giúp men ruột non tốt và giúp ruột non thủy phân thông suốt trực tiếp vào mạch máu.

       
                                          Rễ tre

Rễ tre (“trúc căn”) còn gọi là “lạp bát”. Nếu đem rễ tre non nấu cháo với vài loại cá chép hoang dã (cá chép vàng và đen) cùng một số rau rừng thì gọi là “Lạp bát thang” hoặc “Lạp bát hoa”, ăn rất ngon, vừa bổ dưỡng vừa chữa được nhiều bệnh và giải được độc. Rễ tre non mọc xen dưới gốc chuối, mít, gọi là “trúc liên tiêu”, có thể dùng để bào chế thuốc trị chứng đau nửa đầu, chứng đau râm ran trong bụng sau khi bị tả lỵ và thương hàn.

LÁ TRE

        
                                         Lá tre

Lá tre, gọi là “trúc diệp”, trong tự nhiên giúp cân bằng sinh thái, khi rơi xuống đất có tác dụng khống chế, thuần hóa các vật ký sinh trong môi trường. “Trúc diệp” sát tạp khuẩn nên dùng để khử độc trong ẩm thực, gói bánh đặt một lớp lá tre giữa hai lớp lá chuối sẽ làm bánh ngon hơn và để được lâu hơn. Lá tre còn lông gọi là “trúc mao diệp”, có thể dùng làm thuốc trị đẹn, nhiễm trùng họng, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng sinh thực nữ; nó còn có thể trị được chứng trào ngược dạ dày và chứng ách nghịch (nấc cụt).

MĂNG TRE TƯƠI

     
                               Măng tre (“trúc tử”)

Măng tre (“trúc tử”) là món ăn khoái khẩu thông dụng của người Việt, nhưng dân ta cứ nghĩ măng tre chỉ được cái là ăn ngon chứ không “bổ béo” gì. Nghĩ như vậy là nhầm to. Ăn măng thường xuyên cực kỳ tốt cho hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, tim mạch và giải độc. Mứt măng là món quý, được làm bằng măng tre thái mỏng, bản to như sợi mì quảng, cột chùm lại cho vào mật mía nấu sôi, để chừng một tiếng là lấy ra được. Mứt măng tốt cho sức khỏe đến mức ngày xưa ngựa chiến quân đội nhà Nguyễn mỗi tuần được cho ăn một lần.

          

Măng tre vừa nhú gọi là “trúc nữ”, là món ăn tuyệt vời cho nữ giới. Dùng “trúc nữ” hầm với dương nhục (thịt dê) hoặc lao nhục tử (thịt bê), phụ nữ ăn vào phơi phới lòng xuân, rất tốt cho tâm sinh lý.
Trong ẩm thực truyền thống không chỉ có măng mới ăn được mà tre cũng có thể ăn tốt.

CƠM LAM

    
               Cơm lam ngon là nhờ dịch có trong thân tre 
                                           (Ảnh: Internet)

Cơm lam không chỉ là món ăn lạ miệng, nó cũng là món ăn chữa bệnh. Ăn cơm lam khỏe người hơn cơm thường và bài trừ được lam chướng, là do ruột ống tre tiết ra một chất gọi là “trúc nhự” ngấm vào cơm. “Trúc nhự” có tác dụng “điều quân khí mạch, điệu huyết dưỡng vệ”, làm kinh mạch điều hòa, khí huyết thông suốt, da dẻ tươi tắn. Dùng ống tre làm cơm lam nếu dùng 1 lần sẽ phí phạm, mà phải sử dụng đến lần thứ 4 mới thôi. Sau khi dùng đến lần thứ 4, cái ruột của ống tre cũng không được bỏ, nó chính là “trúc muội”, rất quý. Lấy một phần ba lớp ruột ống tre này, đem cài vào dưới đáy hoặc phía trên lọ mắm, cũng có thể sắp dưới đáy nồi kho cá. Ăn thứ mắm và cá có “trúc muội” sẽ làm cơ thể khỏe mạnh, không bao giờ bị bệnh đường ruột.
Do đó chớ nên coi thường cái ống tre. Bánh kẹo để trong ống tre sẽ thơm ngon hơn. Dầu phộng sống đựng trong ống tre 1 tuần hoặc lâu hơn trước khi đem dùng sẽ ngon hơn, trợ tiêu hóa và chữa được bệnh viêm amidale. Nước uống đựng trong ống tre cũng tốt hơn đựng trong các thứ bình khác.

GAI TRE
Đừng tưởng cái gai tre chỉ dùng mỗi một việc là... lể ốc. Nó là “trúc thích”, một vị thuốc “quy tỳ bình vị, thiện trị tiện đường” (chữa bệnh tiểu đường), đồng thời tăng cường độ bền bỉ của men ruột. Lấy chùm gai tre nướng sơ qua, hấp vào nồi xôi (hoặc cơm), dịch gai tre sẽ “thăng hoa” xuống làm cho xôi trở nên mướt rượt, ăn rất thơm ngon, lại chữa được bệnh.

GỐC TRE GIÀ

           
                                 Gốc tre già (trúc thạch)

Ở quê tôi, những gốc tre già thỉnh thoảng được đào lên phơi khô làm… củi đun, không hề biết nó là “trúc thạch”, một vị thuốc quý (khi ngâm bùn biến thành “trúc nịch” chế ra “Phùng ma tán” nói ở phần trước). Đó là đoạn gốc tre già sau khi cây tre bị đốn, chưa chết hẳn mà vẫn còn lốm đốm xanh. Đối với tre thường, “trúc thạch” là đoạn nằm sát đất, nhưng đối với cây tre trổ hoa thì toàn thân là “trúc thạch”. Trong “trúc thạch” có những hạt xoắn nằm trong mắt tre, gọi là “trúc tạo”. “Trúc tạo” dùng làm gia vị ăn uống, trị được chứng hơi thở hôi hám và ung xỉ (hỏng răng), đồng thời dùng làm chế phẩm làm đẹp cho nữ giới (sẽ nói ở phần sau).
Chưa hết, trong gốc tre già còn có “trúc bội”, đó là cái mắt nằm dưới mặt đất. “Trúc bội” được dùng để bào chế thuốc trị chứng tê mỏi ống xương chân cho phụ nữ, kể cả khi chân nặng như chì với gót chân đau nhức không đi đứng được. Nó còn trị được bệnh cho người già mông nặng, đi đứng cử động khó khăn; trị viêm tuyến tiền liệt và uất nhiệt bí tiểu tiện. “Trúc bội” còn dùng chữa các bệnh phụ khoa và bổ khí huyết (bổ hơn đương quy), đồng thời còn có tác dụng “phá huyết khối” (làm tan huyết đóng khối do chấn thương).

MẮT TRE
Trên thân cây tre, giữa hai lóng là đoạn có mắt tre. Trong khi phát triển, thỉnh thoảng cây tre bị khựng lại, đoạn có mắt trên sẽ vẹo một chút và ra rễ xung quanh. Đoạn này gọi là “trúc hàm” (hoặc “trúc võng”), là một vị thuốc. Nó có tác dụng “cố thận, thanh vị, dưỡng tâm, tả can”, chữa được bệnh tụ huyết, loét dạ dày, trào ngược dịch vị, làm cho mạch máu gan thông suốt.

Những mắt tre bị hỏng (thường do kiến đục), dân gian gọi là tre mắt kiến. Chỗ mắt hỏng này đọng nước gọi là “trúc hư”, dùng bào chế thuốc nhỏ mắt, còn gọi là “trúc hoàng lâu”.

Những mắt tre có gai chùm gọi là “trúc thần”, dùng bào chế thuốc trị phụ khoa, những biến chứng do phá, sẩy thai; các chứng đau nhức trong ống xương và toàn thân.

Nếu là mắt tre non thì gọi là “trúc nha”, dùng bào chế thuốc trị bệnh ngoài da. Đặc biệt, “trúc nha” kết hợp với trầm hương tự nhiên và chè sẽ cho ra một loại mỹ phẩm làm đẹp tự nhiên cho phụ nữ.

LÓNG TRE, RUỘT TRE, VỎ TRE

         
              Lóng tre, vỏ tre và ruột tre đều có tác dụng làm thuốc

Trên những lóng tre có các mắt nhỏ xíu viền xung quanh, cái này gọi là “trúc hoành khẩu”. “Trúc hoành khẩu” bào chế với trầm hương tự nhiên, lá và cọng chè, dịch trái ổi, lựu, khế, bưởi, sâm, thành một loại thuốc có thể cứu người hôn mê do đường huyết và huyết áp cao quá mức, đồng thời trị chứng sốc huyết tương “nhũ huyết” rất nguy hiểm đối với bệnh nhân bị bỏng nặng...

        
                                   Vị thuốc trúc nhự

“Trúc nhự” là dịch tre non, cách lấy khá đơn giản, dễ nhất là cắt sâu vào thân cây tre non ở vị trí hai phần ba cây tre tính từ dưới lên, sau đó bẻ cụp cây tre xuống, cột vào vị trí bẻ cụp một dụng cụ (ống tre hoặc chai lọ) để hứng dịch. Sau một đêm đã có dịch chảy ra dùng được. Trúc nhự có mùi thơm rất dễ chịu, vì vậy mà cơm lam ngon hơn cơm thường. Lấy dịch “trúc tạo” và “trúc nha” phức tạp hơn, chủ yếu bằng phương pháp đốt nóng lên.

Dân quê miền Trung mỗi khi bị sốt nóng lạnh thường lấy một đoạn tre tươi đốt lên hứng lấy nước uống. Ông Ưng Viên nói, thứ nước đó là “trúc lịch”, có tác dụng trị bệnh hư hỏa (cơ thể sốt cao nhưng trong người lạnh run) và chứng viêm sinh thực nữ... Dân gian băm cả đoạn tre bỏ vào ấm sắc uống cũng hạ được sốt. Cũng có thể băm nhỏ đoạn tre, gồm cả mắt, nướng lên ép lấy nước, cũng có tác dụng tương tự, thứ này gọi là “trúc lịch sái”.

Nếu là tre non nướng chín vắt lấy nước, gọi là “trúc liêu giao”, được dùng để bào chế mỹ phẩm, làm gia vị ăn uống, hương liệu xông. “Trúc liêu giao” kết hợp với trầm hương thiên nhiên, chè, nếp dùng để trị chứng đau một bên đầu, xây xẩm kinh niên, huyết áp cao lẫn huyết áp thấp, chứng tỳ vị hư hàn ẩu thổ ẩu tả. Nó cũng có thể dùng phối hợp với một số vị thuốc khác để trị chứng liệt dương, lãnh cảm, trị bệnh tim và thống phong.

Cái vỏ tre cũng hữu dụng không kém. Phần ngoài cùng là “trúc phấn”, dùng làm mỹ phẩm, thuốc sát trùng và điều kinh nữ. Bóc đi lớp trúc phấn, còn lại là “trúc bì”, cũng dùng làm mỹ phẩm, làm thuốc trị vết thương và làm dịch bôi cho sinh thực nữ.

Ruột tre tươi gọi là “trúc ẩn”, chuyên trị bệnh phụ nữ (huyết trắng, nấm ký sinh...), có thể hấp cơm hoặc chưng với đậu đen. Ruột tre sau khi chưng với đậu đen, bào chế thành thuốc bôi hoặc dùng nấu canh với cá, phụ nữ ăn rất tốt. Ruột tre ngâm muối gọi là “trúc diêm”, ngoài việc chữa bệnh phụ khoa còn dùng bào chế thuốc trị viêm họng, trị liệt dương.

HOA TRE
Hoa tre, gọi là “trúc ba” hoặc “trúc cái”, là vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Trong hai loại tre làm dược liệu, chỉ có tre mỡ ra hoa, còn tre gai thì không (trong các loài tre khác có loài ra hoa quanh năm nhưng không có tác dụng chữa bệnh). Tre mỡ thường sống đến 60-70 năm, cây nào tồn tại đến cuối đời đều ra hoa, sau khi ra hoa thì tre sẽ chết.

                Hoa tre cũng dùng làm thuốc. 
                Là thực vật có hoa, nhưng chỉ nở hoa một lần duy nhất vào lúc cuối đời. 
                Do đó người ta còn gọi hoa Tre là “Hạnh phúc cuối cùng”
                        
“Trúc ba” là vị thuốc cấp trị hen suyễn, làm cắt cơn cho những người bị hen suyễn nặng. Nó còn đặc trị bệnh hôi miệng, chế phẩm thuốc từ hoa tre dùng ngậm trị được bệnh amidale đã viêm mủ mà kháng sinh không còn tác dụng. Đặc biệt, hoa tre xông cùng với trầm hương thiên nhiên có thể tái tạo khứu giác của người bệnh.

Như đã đề cập, cả cây tre có hoa (trừ hoa) đều được gọi là “trúc thạch”, nhưng nếu dùng toàn thân cây tre này, kể cả hoa, băm ra sắc thành thuốc, gọi là “trúc ngọc lộ”. “Trúc ngọc lộ” phối hợp với một số dược liệu khác bào chế thành thang thuốc chữa được căn bệnh nan y “Lục mạch tuy đều hình nhục thoát tử vô sầu tuyệt” biểu hiện ở 6 mạch đều bình thường nhưng cơ thể càng ngày càng gầy đi, trạng thái chờ chết nhưng không sợ chết, chứng này tây y gọi là “lao nhiệt”, đông y gọi là “lao sác”.


          
                               Toàn thân cây tre đều là những vị thuốc

“Trúc liên hổ” là chất thải trên mặt đất của một giống trùn ở dưới đất giữa bụi tre, chuối và mít. Ngoài công dụng nói trên, nó cũng được dùng hầm với thịt bê (lao nhục tử) có thể phối hợp trị bệnh lao sác.

Trong một bụi tre thường có những cây tre đực săn chắc, thường được chọn làm cán cuốc, làm đòn gánh, đòn xóc hoặc đan lát những dụng cụ lâu bền. Sở dĩ gọi là tre đực vì nó chỉ đứng một mình, dưới gốc không mọc măng, trên cây không có măng vòi. Cái mắt nào của tre đực bị côn trùng đục làm hỏng biến thành một cái rốn lõm sâu vào, cái mắt đó gọi là “trúc thị”. “Trúc thị” dùng làm thuốc trị ban, làm tan huyết khối và làm mỹ phẩm.

      
                               Những cây tre đực săn chắc

Nhà báo Nguyễn Minh Sơn (Báo Sài Gòn tiếp thị) kể tôi nghe, người Pu Péo ở bản Tiến Xuân, huyện Bắc Mê, Hà Giang có món độc đáo chỉ dành đãi khách quý đến thăm. Đó là nước tầm gửi cây tre nướng trên bếp than, anh Sơn nói đây là phương thuốc bí truyền của họ, uống vào rất tốt cho sức khỏe.

Ông Ưng Viên bảo đây chính là “Quảng lịch ký sinh”, một kỳ thảo trong thiên nhiên. Tầm gửi trên cây dâu tằm, gọi là “Tang ký sinh”, cũng quý, nhưng đứng thứ nhì. Tầm gửi bám ở đoạn từ 2/3 cây tre trở lên là tốt nhất, bám ở dưới không tốt bằng. “Quảng lịch ký sinh” có tác dụng “điều khí thanh phế, thiện trị hàn tà, đả độc dũ phong”, rất tốt cho phổi, chống được tà khí làm lạnh phổi và giải độc. Nó còn có tác dụng bình quân năng lượng trong cơ thể, tốt cho thận và mạch máu. Chính vì vậy nó còn là vị thuốc ngừa và trị được chứng thượng mã phong. “Quảng lịch ký sinh” có thể sắc hoặc nướng lấy nước uống, làm gỏi ăn thì rất ngon; uống hoặc ăn nó sẽ không bị thượng mã phong, tức là về mặt đề phòng chứng thượng mã phong, dùng “Quảng lịch ký sinh” là hữu hiệu.

ĐỌT TRE
Nhưng trị thượng mã phong thì rất khó, vì nó là chứng đứt mạch máu não gây tử vong cấp, nguy hiểm hơn nhiều so với các chứng đột quỵ hoặc đứt mạch máu não thông thường. Để trị bệnh này, phải kết hợp “Quảng lịch ký sinh” với “Trúc thượng ngự”. Hai thứ kết hợp sắc lấy nước trị bệnh.

       
                                                Đọt của cây tre

“Trúc thượng ngự” là đọt của cây tre (khác với “trúc tâm” là đọt của lá tre). Đó là đoạn 1/3 của cây tre tính từ trên xuống. Ngày xưa các bà vợ có ông chồng ham mê tửu dục thường lấy vỏ “trúc thượng ngự” vót thành kim giắt lên tóc, phòng khi chồng uống rượu quá nhiều, thận bị lạnh, nhưng không kìm được chăn gối, dễ đứt mạch máu gây thượng mã phong. Khi ấy, lấy trâm châm liền vào huyệt nhân trung, vào xương cùng (xương cụt) và huyệt đồng tử liêu nằm ở hốc mắt (để không cho đồng tử nở ra). Sau đó lấy nước thuốc nói ở trên nhỏ vào mũi và miệng, xác suất cứu được mạng khoảng 70%.

Hai thứ này còn chữa được bệnh “thương phòng” (còn gọi là “phòng thử”). Đàn ông khi ra mưa ra gió bị nhiễm cảm, những lúc ấy hệ đề kháng của cơ thể tăng lên để dồn sức chống đỡ. Do hệ đề kháng tăng lên nên tạo cảm giác ham muốn tình dục. Trường hợp đó mà chăn gối thì 70% đàn ông sẽ ngộ chứng thương phòng. Khác với thượng mã phong gây tử vong cấp, thương phòng gây tử vong chậm với triệu chứng: người bắt đầu yếu đi chỉ sau 2-3 tiếng chăn gối, tiếng nói yếu, môi xanh, kế tiếp mặt xanh như tàu lá, xuất hiện “tán đại nguyên dương” (nguyên khí của cơ thể đồng loạt phát tán) làm khắp người lạnh buốt, nhưng mồ hôi thì ra dầm dề kể cả trong mùa đông. Sớm thì 2 ngày, chậm thì 11 ngày sẽ tử vong. Bệnh này dùng “Quảng lịch ký sinh”, “trúc thượng ngự” phối hợp với một số vị thuốc khác chữa rất hữu hiệu.

                                       Theo Hoàng Hải Vân, Thanhnien.com.vn



Tham khảo thêm:

1/
2/
3/
4/

Không có nhận xét nào: