BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

CÔ GIÁO PHAN THỊ LAN, MỘT BUỔI GẶP KHÓ QUÊN - Võ Cẩm


                    
                        Tác giả bài viết Võ Cẩm


CÔ GIÁO PHAN THỊ LAN, MỘT BUỔI GẶP KHÓ QUÊN

Những năm cuối học Nguyễn Hoàng, trên đường từ Sãi lên tỉnh, sáng nào tôi cũng gấp chị trên chiếc xe đạp cũ không mấy đẹp.
Dù gặp chị nhiều lần, chưa học chị một giờ, chưa dám hỏi thăm chị một câu nên khoảng cách giữa cô trò khá xa. Tôi nhỏ thua chị vài tuổi.
Những lúc trời lụt bão, nhiều lần gặp chị trên chuyển đò từ Xóm Hà lên chùa Tỉnh hội (thường gọi là đập Rì Rì) giữa sóng nước mênh mông, cơn nước chảy xiết, người lái đò phải đem hết sức mình để chống chọi với nguy hiểm. Nhớ lại những chuyến đò không máy nổ, chèo bằng sức người qua một đoạn đường ngắn, phải mất gần giờ đồng hồ mà khiếp sợ, chỉ cần sơ hở một chút là cả chục mạng người về chầu diêm vương.
Đến mùa lụt, dân Vạn Chài Xóm Hà thường tập trung ghe để đưa người, phần lớn là học sinh, từ mạn Sãi lên Thị xã Quảng Trị. Đây là con đường duy nhất. Nếu không lụt thị đi qua đập Rì Rì bình thường.


Chị có khuôn mặt phúc hậu, duyên dáng, đẹp. Trước mắt tôi, chị là một cô giáo đẹp nhất trong các cô giáo ở vùng này kể cả các cô giáo trên tỉnh về dạy.
Năm học lớp đệ nhất, tôi trọ học ở Quảng Trị để ôn bài luyện thi, ít về làng nên không gặp chị. Dù không dạy tôi giờ nào, nhưng tôi xem chị như cô giáo của mình, lúc nào tôi cũng kính trọng, nể phục đức, tài, sắc của chị.
Học xong Tú tài, tôi rời Quảng Trị vào Sài Gòn nên không còn cơ hội gặp cô. Cuộc đời thăng trầm, vật lộn với cuộc sống, và việc học hành. Một mình tự bươn chải thế mà hàng chục năm tôi vẫn trụ vững ở đất Sài Gòn này.

               
                             Cô giáo Phan Thị Lan

Nhiều lần về quê, nhưng không gặp chị lần nào, trong tôi hình ảnh cô giáo Lan vẫn còn hiện hữu với lòng quý trọng. Sau 3 năm trong quân ngũ, tôi nếm bao đắng cay cuộc đời, bao lần thoát chết trên chiến trường khác nghiệt ở địa đầu giới tuyến, với trách nhiệm điều binh. Tôi may mắn trở lại giảng đường, và những ngày bình yên, tự mãn với công việc mình có được ở một công ty nước ngoài.

Sau 1975 tôi vẫn được trọng dụng nơi làm việc cũ và được Quyết định của UBND thành phố cho ở lại sinh hoạt bình thường nhờ xếp loại cán bộ Khoa học kỹ thuật. (Nhân khẩu trong gia đình cải tạo công thương nghiệp, phải đi kinh tế mới)Những ngày được nghỉ làm việc cơ quan, tôi thường phụ chị tôi trong cửa hàng kinh doanh giày tại nhà mình ở số 87 đường Lê Thánh Tôn.
Một hôm như thường lệ, áo quần bảnh bao, vừa bước xuống cầu thang tôi nghe tiếng quen thuộc, tiếng Quảng Trị không lẫn vào đâu được.
Tôi có linh cảm gặp người quen.? Nhìn ra phía cửa, tôi thấy một khách hàng áo quần không sang trọng, nhìn thấy quê mùa, tay cầm chiếc nón lá không lành lặn bên cô con gái khá xinh đẹp. Bước lại gần chị, dù lâu ngày không gặp, nhưng tôi nhận ra chị ngay, dáng dấp tiều tụy nhưng nét duyên dáng của chị vẫn còn, không khác lạ nhiều.
Làm sao quên được cô giáo Lan tại ngôi trường Nguyễn Hoàng tôi học và thường xuyên gặp hàng ngày trên đường cô trò cùng đến trường. Tôi đến bên chị, vui mừng như gặp được người thân, chị cũng chăm nhìn tôi và nhíu mày tìm lại trí nhớ.

Tôi hỏi chị:“Xin lỗi chị có phải là cô giáo Lan dạy Nguyễn Hoàng Quảng Trị?” Nghe hỏi, chị cười và hỏi lại: “Sao anh biết tôi?. Anh ở Quảng Trị à?”. Con gái chị nhìn tôi và không hiểu chuyện gì xảy ra.
“Em là học sinh Nguyễn Hoàng mà, mấy năm cùng đạp xe đi học với cô từ dưới chợ Sãi lên trường sao quên được.”
Tôi mời chị và con gái ngồi xuống ghế.
Tôi hỏi thăm, hiện nay chị ở đâu? Chị nói đang ở Biên Hòa. Hỏi thăm về gia đình và các cháu.
Và chính lúc nãy tôi mới biết, thầy Liệu chồng chị làm Hiệu trưởng trường Nguyễn Hoàng trước 1975. Lúc tôi học Nguyễn Hoàng thì thầy Liệu dạy ở một trường khác nên không biết mặt.
Qua câu chuyện ngắn ngủi nhưng để lại trong lòng tôi hình ảnh một cô giáo mà tôi quen biết và nể trọng, một quãng đời làm cô giáo ở ngồi trường trung học công lập duy nhất mà chính tôi có 7 năm học ở đó.
Nhìn chị tôi nhận biết hoàn cảnh khó khăn của một cô giáo sau 1975 mà thương xót, mà nghĩ về thân phận mình. Tôi nhận ra một điều là chắc chắn chị ngạc nhiên sao có một cậu học trò miền quê Triệu Phong lại có cơ ngơi như thế?
Chưa được hỏi thăm nhiều về chị, về thầy Liệu và nhiều thầy cô khác thì cô Lan chia tay. Từ đó không còn gặp Chị nữa và sau đó có tin cô và thấy Liệu qua Mỹ theo diện H.O.
Xin chúc mừng Cô thầy và nhiều cô thấy khác đã vượt qua nỗi khổ mà khi đất nước hết chiến tranh.
Bài viết này thay lời thăm hỏi quý thầy cô đã dạy dỗ tôi, và những thầy cô dạy Nguyễn Hoàng. Chúc quý thầy cô dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý, thân tâm thường an lạc.

                                                                            Sài Gòn, 20/9/019
                                                                                     Võ Cẩm

Không có nhận xét nào: