BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

ĂN HÀNG CHỢ SÃI - Hồi ký của Đinh Hoa Lư

Nguồn:
http://ngayxuaquangtri.blogspot.com/2018/07/nho-nem-lui-sai.html



         
                                   Tác giả Đinh Hoa Lư


            ĂN HÀNG CHỢ SÃI
                                                                   Đinh Hoa Lư

Thuở 'ăn hàng' của chúng tôi xem ra cũng 'xưa' lắm nhất so với nhịp độ phát triển của đất nước hiện nay. Tuy thế khi tâm hồn mình còn gắn bó với yêu thương và tiếc nhớ với những gì mộc mạc bình thường hay nói khác đi những nét đời bình dị của một thời đã qua thì chúng ta hay thích kể lại.

Chúng ta nhắc lại cũng có khi lại muốn cho con cháu sau này hình dung ra hay cho chúng ta cùng nhau nhớ về tuổi nhỏ. Nhớ làm sao hình ảnh ngày đó, một thời vui chơi; nào là hương đồng cỏ nội khi lang thang bắn chim câu cá cạnh bờ tre mép nước. Cũng không quên được phố chợ một thời bao ngõ đi về ấm áp tình thân... Tôi còn nhớ thầy giáo cũ của trường Nguyễn Hoàng là Lê Nghiêm Kính đã nhắc lại lời một nhà văn một câu đại khái như sau "quá khứ và kỷ niệm như một chiếc gối thật êm ái cho chúng ta tựa vào những lúc trống vắng để an ủi tâm hồn người nhất là khi tuổi đã về chiều"... tôi nghĩ rằng lời nói của thầy thật thâm thúy vì chúng ta là những lớp người đã đến lúc ngoái đầu lui về dĩ vãng. Riêng tôi hay nhớ về những gì bình dị và chân chất, vô tư, những thú vui thời tuổi trẻ trong vùng kỷ niệm mà nhà văn Huy Phương có nói ở trên để làm "chiếc gối kê êm ái nhất" cho đời mình.

        

Nét bình dân rất đời thường này dĩ nhiên như bạn như tôi bắt nguồn từ một thành phố nhỏ lại trầm mặc bình yên bên dòng sông hiền hòa nước lặng lờ trôi. Thành phố Quảng trị, không chút xô bồ, không xa hoa phù phiếm hay 'ăn nhậu' như thời nay. Tại sao người viết phải diễn tả đến mức 'ảo não' thế kia? Do có khi tụi bạn chúng tôi muốn có một "chầu nem lụị" thì phải về tận Sãi.

Đó! Tôi bắt đầu nhắc (hay kể) về NEM LỤI SÃI rồi đây. Không phải do hiếm hoi mà nem lụi Sãi nổi tiếng, thực tình nó NGON. Hương vị hấp dẫn làm chúng tôi không thể nào làm ngơ. Thế là có những buổi chiều bọn chúng tôi cùng nhau trên mấy chiếc honda "vù" về tận CHỢ SÃI để thưởng thức cho được món này.
Xin các bạn khoan vội cười cái tuổi học trò sao quá "ăn hàng" như tôi và mấy đứa bạn khác và hãy miễn chấp cho những gì hiếm hoi của thành phố Quảng trị thì làm chi mùi thơm hấp dẫn nem lụi Sãi thoát khỏi những cái mũi của bọn tôi cho được !




Mấy chiếc honda của chúng tôi từ trên tỉnh về phải qua cái cầu nhỏ bắc qua nhánh sông cắt ngang "Đập Rì Rì". Tên "Đập Rì Rì" không biết người dân mình hiện nay còn gọi không. Tôi cứ nhớ mãi cái cầu này tuy nhỏ nhưng chiếc honda phải vọt lên bục cao, tôi phóng lên với tốc độ nhanh làm chiếc honda chỏng cả bánh trước non nửa mét. Qua cầu tụi tôi vòng qua xóm Hà, cái xóm e ấp một thời "nón lá nghiêng che" e lệ của mấy cô nữ sinh Nguyễn Hoàng, ẩn hiện bao đời dưới hàng tre xanh ngắt từng chứng kiến và chở che cho mấy mối tình lãng mạng mà ai là "người trong cuộc" thì có quyền nhớ lấy đó thôi. Qua cầu Sãi, chiếc cầu sắt hoen rỉ mà tôi chưa bao giờ thấy nó được sơn sửa lại, chúng tôi quẹo trái vào chợ Sãi.

      
                                   Xóm Hà bên sông Thạch Hãn.  
                                      (Ảnh Hoàng Văn Chẩm)

Quán nem lụi vừa là nhà ở vừa làm quán bán hàng đón khách ngay ngõ vào chợ. Khách ăn hàng dựng xe hai bên con đường nhỏ. Mấy cái bàn gỗ thấp cùng mấy chiếc ghế nhỏ đóng vội vàng ọp - ẹp. Nói thì nói vậy khách ăn hàng chẳng màng chi chuyện ghế bàn, người từ trên tỉnh về đây chủ yếu về để thưởng thức mấy lụi nem ngon nổi tiếng từ bàn tay O bán hàng làm ra thôi. Những lọn nem tròn trịa gọn nhỏ đang nhỏ mỡ xì xèo. Khói và hương nem lan tòa tràn ngập mái quán thấp lè tè vươn ra khắp xóm làm mấy khách quê nhóm chợ về phải ngó vô. Trước quán O chiều chiều là đầy cả xe như đang nhóm hội, hội của những "kẻ ăn hàng".

       

Chúng tôi kêu nem từng đợt, những lọn nem phơn phớt chín vàng lóng lánh mỡ được xâu qua những chiếc que tre vót nhọn một đầu. Bánh tráng bột lọc mỏng O cắt thành hình tam giác, dịu mềm dẻo dai đủ sức ghém một lọn nem vào giữa nhúm rau sống tươi mát gồm mấy miếng vả cong cong cắt mỏng, những lát khế chua mựot mà cùng mùi rau thơm mát cả miệng. Tất cả gọn gàng trong cái vị cay cay của cải non ba lá mới lên. Nhờ bến đò gần chợ nên thứ rau sống này O ra tận giữa giòng Thạch Hãn rửa sạch. Chén nước lèo nho nhỏ dĩa tỏi ớt be bé xinh xinh. Ăn nem lúc này mà quên chai bia "LADE" Con Cọp hay chai 33 cũng Con Cọp là điều "thiếu sót lớn". Thuở này bia LADE coi bộ thịnh hành, bia Mỹ cũng có nhưng dân mình ưa xài hàng nội hóa thôi, những chai bia LADE con Cọp được đóng trong mấy cái két (Caisse) gỗ mười hai chai luân lưu từ Sai gòn đi khắp mọi miền.

        

Quán nem lụi SÃI được loan truyền xa vì nó ngon, nó thấm thía, ăn như thể "ngậm mà nghe". Từ lụi nem cho đến rau sống nước chấm (tức là nước lèo tôi hay quen gọi) không chê vào đâu được ! Những múi tỏi, những trái ớt chìa vôi thật cay trồng lên từ lòng đất Sãi hay ngay cả những con heo được nuôi lớn từ ruộng vườn quê hương như được gói ghém lại trong ba chữ NEM LỤI SÃI trong bàn tay khéo léo, gọn gàng của O bán hàng. Lẫn trong tiếng mỡ cháy xì xèo trên lớp than mỏng đỏ hồng kia là mùi thơm nức mũi của từng lụi nem vừa vàng tới. Khách hàng như thu mình lại tận hưởng những gì đơn sơ bình dị từ bàn tay người chợ Sãi làm ra dưới mái tranh thô sơ ám khói.

       

Khung trời Quảng trị ngày xưa là vậy; người Quảng trị cùng chia sẻ nhau những gì đang có - khiêm tốn bên giòng sông trong xanh uốn mình qua mấy lũy tre quê, ôm ấp một vùng kỷ niệm. Rồi hương vị trứ danh của quán nem lụi ngày xưa chợ Sãi đã đi vào lịch sử của lớp người ăn hàng như tôi cùng bè bạn. Văn hóa ẩm thực đã trở thành di sản chung, hương vị chung cho người dân xứ Quảng quê mình.
Rồi tất cả lần lượt trôi về quá khứ. O bán nem lụi xa xưa đó tôi chằng còn nhớ tên, O còn không hay đã 'thuộc về dĩ vãng'?
Một ngày có con đò ai xuôi về hạ lưu của dòng sông quê hương. Đò qua chợ Sãi khách ngó lên tự hỏi trong lòng: "không biết quán NEM LỤI SÃI còn không?" Có chiếc đò ngang đang ra giữa giòng, dáng ai rửa rau giữa giòng nước trong xanh làm khách chạnh nhớ về cái quán nem lụi năm nào.

                                                            Đinh Hoa Lư
                               Một ngày vào hạ, May/ 21/ 2011, edit 13/9/2019

1 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...


https://1.bp.blogspot.com/-n5LjBMvYYDc/XXz702uLLOI/AAAAAAAAM-M/wM_xW50tixMCI9vsgHYQYlJs9qDOVpwoACLcBGAsYHQ/s400/cauchuyenvebialaru0_1385625015.jpg
Bia La De (Biere Larue) ở Sài Gòn xưa do hãng BGI (tức là hãng Brasseries, Glacières d’Indochine) sản xuất
Nói thì La De, nhưng viết LA VE, cũng vì một anh Tây ở hãng đã viết và cho in trên cuốn lịch phát hằng năm, màu vàng với con cọp nằm ngang màu đen và viết LA VE LARUE. Dân Tây hồi đó khi mới đến Sàigòn khi vào những quán ăn gặp cái lịch ấy thường đặt câu hỏi cái hãng nào mà “Rửa Đường, rửa Phố” như vậy, vì họ đọc Lave (động từ Laver, rửa, to clean, to wash) la rue (rue là đường phố – street).