BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

MỘT CHÚT VỀ “NHỮNG GÓC PHỐ ĐƯỜNG PHỐ” CỦA TÔ HOÀI – Vũ Thị Hương Mai


        


MỘT CHÚT VỀ “NHỮNG GÓC PHỐ ĐƯỜNG PHỐ” CỦA TÔ HOÀI
                                                         Vũ Thị Hương Mai

Tôi đã từng say sưa thả hồn mình theo từng con phố khi đọc "Hà Nội, ba mươi sáu phố phường" của Thạch Lam, từng cười chua xót khi nhìn Hà Nội dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng trong "Số đỏ" và "Cơm thầy, cơm cô". Và, bây giờ cầm trên tay cuốn "Những ngõ phố - Người đường phố" của Tô Hoài, lại thêm một lần nữa tôi thấy mến yêu thành phố Thủ đô - nơi có những ngõ phố, những mảnh đời lam lũ từ cuộc sống tăm tối trong nô lệ đến với ánh sáng tự do sau ngày Thủ đô được giải phóng. "Những ngõ phố - Người đường phố", đúng như tên gọi của nó, gồm hai truyện (Những ngõ phố và Người đường phố) xoay quanh cuộc sống của người dân lao động trong các ngõ nhỏ những năm kháng chiến.

"Những ngõ phố" là một bức tranh sinh động, nhiều màu sắc, được Tô Hoài tái tạo bằng một thứ ngôn ngữ vừa giản dị vừa mượt mà, có lúc tự nhiên như chính cuộc sống hàng ngày, có khi lại hào hoa, lãng tử. Truyện bắt đầu từ một đêm giao thừa "vừa sôi nổi, vừa dùng dằng. Đôi khi chần chừ..." (trang 7). Từ đêm giao thừa ấy, những mảnh đời ở những ngõ phố lần lượt hiện ra. Cái bãi rác Vân Hồ "ngập ngụa lầy lội" ấy, chính là nơi trú ngụ của những con người khốn khổ như My Lan - một cô gái giang hồ, như mẹ con Thư - vợ một anh lính ngụy, như vợ chồng anh "Bốn xích lô", hay như gia đình bác Chù người Phát Diệm, làm nghề nặn con giống để bán, hoặc ông Ba Gác, lão Ba Tê thịt chuột.... Ở đây, người đọc bắt gặp một Hà Nội bề bộn trong những ngày vừa tiếp quản. Đằng sau những ngôi nhà sang trọng, những con phố tinh tươm và bóng bẩy, là cuộc sống tạm bợ của người dân trong ngõ cụt, trên bãi rác: "Từ bao giờ, thành phố thời trước hầu như đã có sự sắp xếp quen thuộc. Cái gì tinh tươm thì ở ngoài phố chính. Các thứ nhà của rách rưới, lúc nhúc thì chui vào trong ngõ hẻm, ngõ cụt... Ở Hà Nội, trông kiểu nhà, đoán được tuổi nhà. Nhưng những hang ổ các ngõ bãi rác này, không ai rõ mọc từ bao giờ. Chỉ biết rác đổ đến đâu, có chân người đi gí phẳng xuống, thì mái nhà nhô lên. Còn người đến ở, mỗi năm mỗi mùa mỗi lúc, mỗi tình thế, con người như rác cũng trôi dạt theo" (trang 21). Chưa bao giờ, người ta lại nói một cách thẳng thừng rằng: "Ở Hà Nội, con người như rác" từ khắp các nơi trôi dạt đến. Có một cái gì đó vừa chua chát, vừa xót xa. Ngay cả hôm nay, khi thành phố đã thay da đổi thịt, cái cảnh nhà cửa mọc lên trên bãi rác vẫn tiếp tục diễn ra, với những cái tên "xóm liều" cứ ngày một nhiều. Sức khái quát trong ngòi bút Tô Hoài, chính là ở chỗ ấy. Tạm gạt cốt chuyện mà ông xây dựng sang một bên, có thể nói, Tô Hoài khá thành công khi mô tả từng ngõ phố Hà Nội. Trong truyện, có không ít đoạn khá trữ tình và gợi cảm, khi ông bất chợt chèn vào những lời bình sắc sảo cho cảnh vật, kiểu như: "Đã xẩm tối. Ánh điện ngoài phố hắt lên những đầu nhà, những mô rác, những lùm cây. Đôi chỗ trong bóng đen bật lên một khe sáng như những con mắt mở thao láo trong đêm..." (trang 90); hay: "Những ngõ phố, nhà ở chen chúc, lèn nhau, ngoắt ngoéo. Ngoài phố lớn, lúc nào người xe cũng cuồn cuộn. Nhưng tất cả đọng lại ngoài bờ tường. Trong này, lững lờ như không. Cái ngõ chơ vơ trên bãi rác hay cái ngõ hẻm ở kẹt vào giữa phố đông cũng thế. Lên ba bậc gác, trông quanh chỉ thấy những sân sau, những nhà vệ sinh đen mốc chon chỏn một mái chéo nối đuôi, tưởng không bao giờ hết... " (trang 93). Vâng, đó chính là "Những ngõ phố" Hà Nội. Những ngõ phố sau chiến tranh, nói lên tội ác của giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Những ngõ phố chỉ thực sự thay đổi khi cán bộ kháng chiến trở về, đem đến ánh sáng văn hóa. Đó là chuyện ghi tên đi học lớp xóa mù chữ của My Lan, của Thư và những người lao động trong xóm. Cách mạng đã làm thay đổi cuộc sống tăm tối của họ. My Lan, cô gái có tên gọi rất đẹp, luôn xấu hổ, mặc cảm với quá khứ không mấy tốt đẹp của mình, cũng khao khát được học hành. Cô đã oà khóc khi phải thốt lên cái sự thật "Em,... em chưa biết chữ... ". Ngoài nỗi đau vì "không biết chữ" còn một nỗi đau khác, ấy là khi tình cảm yêu thương trong cô vừa trỗi dậy, ngay lập tức bị nỗi ám ảnh là sự ghẻ lạnh của mọi người vì quá khứ của cô dập tắt: Thư - chị của Trử, một cán bộ kháng chiến, người mà Lan có cảm tình - khi biết được tình cảm của cô đã tỏ ý không hài lòng, nếu không muốn nói là ngấm ngầm phản đối: "một thoáng lạnh ngắt, trát từ đôi mắt Thư, làm châng hẫng hai bàn tay My Lan. Con mắt quắc lên hằn học, tiếc nuối... "(trang 84). Thế nhưng bằng sự giúp đỡ của Trử, cô đã vượt qua được những mặc cảm của bản thân, đăng ký đi thanh niên tình nguyện xây dựng vùng kinh tế mới. Ngày cô trở về Hà Nội, đường phố cũng đổi khác, cả con người và cảnh vật: Chị Thư trở thành y tá, vợ chồng anh Bốn xích lô về quê, sinh con gái đầu lòng, ông bà Ba Tê và tổ phục vụ... tất cả, cuộc sống của họ đã tươi sáng hơn. Bãi rác ngày xưa giờ là vườn hoa Thống Nhất. My Lan rồi sẽ có một gia đình hạnh phúc ở nông trường Tây Bắc... Vâng, tất cả đã đổi thay. Và đó là cái kết thúc có hậu trong câu chuyện "Những ngõ phố" của Tô Hoài, đúng như ông nói đó là "ánh sáng thành phố". Những ngõ phố Hà Nội không còn tăm tối. Những ngõ phố Hà Nội tràn đầy ánh sáng. Đó là bài ca xây dựng đất nước, xây dựng quê hương những năm đầu giải phóng. Và "Những ngõ phố" của Tô Hoài là một trong những khúc ca tươi vui như thế. Với hơn 150 trang, truyện không phải là dầy, nhưng những gì được Tô Hoài gói ghém trong đó cũng đủ làm độc giả không thể không nhớ về Hà Nội, về một cách cảm, một cách nghĩ rất Tô Hoài.

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2015
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

Không có nhận xét nào: