BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

TỐI LEO LÊN GIƯỜNG, NẰM NGHE CẢI LƯƠNG



Sáng ăn cơm sườn.
Chiều ăn nước tương.
Tối leo lên giường
nằm nghe cải lương
(Chế lời bài Beautiful Sunday)
 
Thập niên 60 - 70, Sài Gòn là nơi tập trung của các Đại Bang Đệ Nhất Cải Lương. Từ nơi trung tâm phồn hoa đô hội cho tới khu lao động nghèo cứ thấy chổ nào dựng rạp hoặc xe ngựa chở các nghệ sĩ đi quảng cáo với đủ màu sắc tiếng chống khua đều kích thích lũ trẻ con chạy theo coi mặt nghệ sỹ tối nào cũng kín rạp từ lớp bình dân cho tới trí thức đều háo hức chờ xem kéo màn.

TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG, KRISHNAMURTI - Bản dịch của Phạm Công Thiện.




Tác phẩm trứ danh Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti (Henry Miller viết lời Giới thiệu, Aldous Huxley viết lời Bạt) do Phạm Công Thiện dịch. An Tiêm xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn.
 
Con người là kẻ tự giải phóng bản thân
                        Phạm Công Thiện dịch
 
Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.Tiếng nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.
 
Chân dung Krishnamurti

Krishnamurti đã được nhân loại nhận là hậu thân của Phật Thích Ca và Chúa Giê su; Krishnamurti đã được mấy trăm triệu người ở thế giới tôn lên ngôi vị đấng Đạo Sư, bậc Giáo Chủ của nhân loại, thế mà Krishnamurti đã giải tán hết mọi tôn giáo, tổ chức, đã phủ nhận tất cả tín điều, đã phá hủy hết mọi triết lý và ý thức hệ, đã đập vỡ hết mọi thần tượng và, trên năm mươi năm trời đã một mình bước đi lang thang khắp nẻo đường trần gian, không tiền, không bạc, không hành lý, không gia đình, không quê hương, không truyền thống, chỉ một mình và chỉ đi một mình, cô đơn, cô độc, sống tràn trề, sống bất tận, sống vỡ bờ như một thác nước ào ạt, tuôn chảy mãnh liệt nhưng vẫn trầm lặng, nói rất nhiều mà vẫn im lặng, đi rất nhiều mà vẫn tịch nhiên bất động, gắn kết đời sống mà vẫn cưới hỏi sự chết, chết và sống giao nhau trên cung cầm thiên thu, sống và chết giao nhau trong đôi mắt sâu thẳm của Krishnamurti, trong tiếng nói thê thiết của Krishnamurti, một con người đã chết trong sự sống và đã sống trong sự chết, một con người đã không còn là con người nữa, vì đã vượt lên trên con người, đã chìm xuống tận hố thẳm của hư vô và bay cao lên đến tận đỉnh trời để trở về cuộc đời trần thế, tìm thấy Người Yêu mình trên những núi xanh lơ, tìm thấy Người Yêu mình trong dòng nước rực ngời của đại dương, tìm thấy Người Yêu mình trong con suối sủi bọt, tìm thấy Người Yêu mình trong ao nước in trời, tìm thấy Người Yêu mình trong thung lũng mây cao, tìm thấy Người Yêu mình trong cơn khói trời chiều, trong thôn xóm hoàng hôn, trong ngọn cây trắc bá, trong cổ thụ lâu đời, trong bụi cây ôm đất, trong cành lá cheo leo, trong cánh đồng nuôi chim, trong hải ngạn sóng vỗ, trong rặng dương đùa gió, trong bóng chiều mây phủ, trên dòng nước buổi chiều, dưới bóng sao, trong đêm thâu, trong ánh trăng, trong sự tĩnh mịch trước bình minh, trong tiếng ru cây lá, trong tiếng chim kêu buổi sáng…
 
Chúng ta hãy cùng ca với Krishnamurti bài ca tình yêu:
 
….Trong những hải đảo xa xôi xanh thẫm
Trên giọt sương mong manh
Trên con sóng vỡ bụi
Trên ánh nước lung linh
Trên cánh chim tung trời
Trên lá non đầu xuân
Người sẽ nhìn thấy nét mặt Người Yêu của ta
Trong đền điện linh thiêng
Trong vũ trường mê đắm
Trên nét mặt thánh thiện của tu sĩ
Trong bước đi lảo đảo của người say rượu
Nơi những gái điếm giang hồ và những trai tân trinh nữ
Ngươi sẽ gặp Người Yêu của ta.
 
Tôi đã giữ lại một tên người, một tên nổi hẳn lên, đối nghịch lại với tất cả những gì ám muội, khả nghi, hỗn tạp; đối nghịch lại những gì nặng nề sách vở từ chương, đối nghịch lại những gì trói buộc thúc phược; đó là tên Krishnamurti. Đây là một con người của thời đại chúng ta, một người mà chúng ta có thể nói là bậc thầy, đạo sư, người làm chủ thực tại. Ông đứng một mình một cõi. Không thể nào thấy được bất cứ người nào trên đời này đã hy sinh quên mình, từ bỏ, chối bỏ mọi sự, chối bỏ hết như là Krishnamurti đã thể hiện trong đời sống ông, tôi không thể nghĩ ra người nào đã có thể hành động hơn Krishnamurti, ngoại trừ đấng Christ. Căn nguyên nền tảng tư tưởng Krishnamurti rất là giản dị đến nỗi chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao những lời lẽ hành động trực tiếp minh bạch của ông đã bị hiểu sai và đã gây ra bao nhiêu hỗn tạp đáng buồn. Loài người vẫn tầm thường như thế, họ luôn luôn chấp nhận một cách miễn cưỡng những gì có vẻ dễ hiểu giản dị. Óc ngoan cố ương ngạnh của họ còn thâm hiểm hơn tất cả mưu mẹo lừa đảo của ma quỷ, vì thế, họ đã bỏ quên, không chịu nhận ra những quyền hạn thiên phú có sẵn trong bản thể họ; họ chỉ đòi hỏi được giải thoát hay được cứu rỗi qua một trung gian môi giới nào đó; họ chỉ mải miết chạy đi tìm kiếm những người hướng dẫn, những kẻ chỉ đường dẫn lối, những vị cố vấn khuyên giải, những kẻ lãnh đạo, lãnh tụ, những hệ thống lập trường, những nghi lễ hình thức tế toái…Họ chỉ thích tìm kiếm những thứ ấy, họ chỉ muốn tìm những sự giải quyết, những đáp số, mà họ không biết rằng tất cả những đáp số đã nằm sẵn trong lòng họ rồi.Họ đặt sự học vấn trí thức lên trên cả sự thông minh tâm hồn; họ đặt quyền thế cường lực lên trên cả tài nghệ biện biệt tế nhị. Nhưng điều đáng lo ngại nhất và đáng nói trước hết là họ không chịu tự mình giải phóng giải thoát cho mình; họ không chịu cứu lấy bản thân mà cứ luôn luôn vờ vĩnh bày đặt chuyện cứu vớt thế giới, thế gian, thế nhân, vân vân. Họ bảo rằng thế giới “thế gian” phải được giải phóng trước đã, rồi mới nói chuyện giải phóng cá nhân. Thế mà biết bao nhiêu lần rồi Krishnamurti đã nhắc nhở rằng vấn đề thế giới chỉ là dính liền mật thiết với vấn đề cá nhân; cá thể và tập thể đều chỉ đồng nhất thể. Chân lý luôn luôn hiện diện, luôn luôn xuất hiện trước mặt chúng ta. Sự vĩnh cửu, bất diệt, thiên thu, vĩnh viễn nằm ngay tại đây, nằm ngay bây giờ, ngay giờ phút hiện tại. Và giải thoát ư ? Ồ, hỡi ngài, ngài muốn giải thoát cái gì ? Giải thoát bản ngã nhỏ bé bần tiện của ngài ư ? Linh hồn của ngài ư ? Diện mục của ngài ? Hãy đánh mất nó đi thì ngài sẽ tìm thấy lại mình. Đừng bận tâm lo nghĩ Thượng Đế – cứ để Thượng Đế tự lo cho Thượng Đế. Hãy tôi luyện những nghi vấn ngờ vực, hãy ôm lấy mọi thứ kinh nghiệm của đời sống, hãy tiếp tục thèm muốn khao khát, cố gắng đừng quên cũng đừng nhớ, hãy luôn luôn đón nhận và thể nhập tất cả những gì mình đã được thể nghiệm trong dòng đời tuôn chảy….
 
“Con người là kẻ tự giải phóng bản thân”. Phải chăng đó là đạo lý tối thượng của đời sống ? Biết bao nhiêu bậc hiền nhân trác việt đã nhắc nhở và đã thể hiện bao lần giữa lòng đời. Họ là những bậc đạo sư, những con người đã làm lễ cưới với đời sống, chứ không phải với những nguyên tắc, luật pháp, tín điều, luân lý, tín ngưỡng. “Những bậc đạo sư đúng nghĩa thì chẳng bao giờ bày đặt ra lề luật, hay giới luật, họ chỉ muốn giải phóng con người”, (Krishnamurti).
 
Điều làm nổi bật Krishnamurti và nói lên sự khác nhau giữa Krishnamurti và những bậc giáo chủ vĩ đại trong lịch sử là sự trần truồng tuyệt đối của tâm hồn ông. Ông chỉ giữ lại cho mình một chỗ đứng độc nhất: một con người , với ý nghĩa giản dị đơn sơ của con người.
 
Mang lấy xác thịt mảnh khảnh của con người, ông nương tựa trọn vẹn vào tâm linh, đồng thời ý thức rằng tâm linh và thể xác chỉ là một, không khác nhau.
Ông chỉ giữ lấy một sứ mệnh độc nhất là tước bỏ con người ra ngoài tất cả những huyền tưởng, ảo giác, phá hủy cho sụp đổ tất cả chống nạng giả tạo của những lý tưởng, những tín ngưỡng, ngẫu tượng, phá hủy tất cả mọi hình thức chống đỡ con người, để trả con người trở lại sự tôn nghiêm trọn vẹn, sức mạnh vẹn toàn của nhân tính. Người ta thường gọi ông là “Đấng Đạo Sư của Thế Gian”. Nếu có người xứng đáng được gọi danh hiệu như thế thì người ấy chính là Krishnamurti. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong thái độ tâm linh của Krishnamurti là ông không bao giờ muốn chúng ta coi ông như là bậc đạo sư, như một bậc thầy, mà chỉ muốn là một con người, với tất cả ý nghĩa đơn giản thông thường của hiện thể.
                                                                             (Henry Miller)

Nguồn:
https://thuvienhoasen.org/a17190/tu-do-dau-tien-va-cuoi-cung

KRISHNAMURTI NÓI VỀ CHIẾN TRANH


Chân dung Krishnamurti
 
Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.Tiếng nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.

Krishnamurti; Tự do đầu tiên và cuối cùng.
Con người là kẻ tự giải phóng bản thân.
 Phạm Công Thiện dịch.


Trong tác phẩm trứ danh Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti (Henry Miller viết lời Giới thiệu, Aldous Huxley viết lời Bạt) do Phạm Công Thiện dịch. An Tiêm xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn. Krishnamurti nói về nhiều đề tài cốt yếu như:
 
Chúng ta đang đi tìm gì?
Cá nhân và xã hội
Tự tri
Ý tưởng và hành động
Bản ngã là gì?
Tư tưởng có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta không?
Nói về cuộc khủng hoảng hiện tại
Về sự tương giao
Về chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp
Tại sao phải cần những bậc đạo sư?
Về sự sợ hãi
Về nỗi cô đơn
Về sự đau khổ
Về tình dục
Về tình yêu
Về sự chết
Về sự chỉ trích, phẩm bình
Về tín ngưỡng nơi Thượng đế
Về sự đốn ngộ
Về hành động không ý tưởng
Về ý nghĩa cuộc đời
Về sự chuyển hóa tâm thức
Về chiến tranh...
(Và còn nhiều đề tài quan trọng về cuộc sống nữa...)

THƠ XƯỚNG HỌA: QUÂN XÂM LƯỢC - Đức Hạnh và Thi Hữu


  

 
QUÂN XÂM LƯỢC
 
Chiến sự điêu tàn bởi ác nhân!
Nhơn loài phản đối kẻ cầm cân [1]
Ngông cuồng quá độ đi xâm lấn
Quái quỷ tham tàn phải thiệt thân
Chết chóc dân sinh buồn uất hận
Rời xa tổ quốc khổ muôn phần [2]
Quân Nga chiếm đoạt còn chơi bẩn
Nã cả đạn bom hại chúng dân..! [3]
 
Đức Hạnh
27 02 2022
 
[1] Putin phát động xâm lược: "Quân đội Nga đã tiến vào Kharkov, thành phố đông dân thứ 2 và nằm ở đông bắc Ukraine" (báo New York Times cho biết)
[2] "Tại thị trấn biên giới Ubla của Slovakia, nhà chức trách đã tiếp nhận những người tị nạn từ Ukraine..."
[3] "Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga không phân biệt các khu vực tấn công - quân sự hay dân sự."
 
 
THƠ HỌA:
 
 
ƯỚC VỌNG HÒA BÌNH
 
Hoa hồng thắm nở đẹp lòng nhân
Sự sống mong rằng kẻ giữ cân...
Súng đạn khai mào luôn đổ vỡ
Tâm hồn kết hợp mãi bình thân
Đừng gây khói lửa đầy tham vọng
Hãy trải tình yêu thắm vạn phần
Ước nguyện nhơn loài yêu lẽ phải
Yên bình hạnh phúc thỏa ngàn dân..!
 
Hồng Xuyến
27.02.20222
 

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

THƠ TÌNH THÁNG BA ĐÂU… - Thơ Trần Mai Ngân


   


THƠ TÌNH THÁNG BA ĐÂU…
 
Người ta hỏi em bài thơ tình tháng Ba đâu
Em cúi đầu không nói… giấu giọt lệ sầu
Tháng Ba lạnh tanh buồn
Chiến tranh Ukraine và Covid…
Mọi thứ hỗn độn giúp em quên anh…
 
Tháng Ba trời xanh vẫn hương nồng hoa Sữa
Cây Gạo đầu làng vẫn thắp lửa mỗi trưa
Vậy mà ai cũng thờ ơ… chẳng thiết tha
Mọi thứ quấn tim em ngộp thở… tháng Ba
Nghẹn lời yêu…
 
Tháng Ba rơi sót lại một buổi chiều
Tiếng guitar và bài tình ca cô ấy hát
Nốt lặng trầm một dư âm rất cũ… của tháng Ba xa
Dù mọi thứ bây giờ thật sự đã qua
Tháng Ba xưa và tháng Ba!
 
                                                       Trần Mai Ngân

EM CÓ BIẾT – Thơ Lê Mai Lĩnh


  

 
EM CÓ BIẾT
 
Em có biết
Một sáng Xuân hồng ,
người đưa thư đi qua.
Ném vào anh,
một tin vui khủng khiếp.
Mở trái tim ra
nhận lộc trời.
 
Em có biết,
Một trưa Hạ đỏ
ôm trong lòng.
Anh nhâm nhi,
từng chút,
Từng chút
anh nhâm nhi
trái hạnh phúc.
Em có biết,
 
Một chiều Thu biếc,
anh tham lam.
Cầm lòng không đậu,
ăn hết chỗ còn lại
Hóa khùng điên,
anh hóa khùng điên,
rồi chết.
 
Em có biết,
Một tối Đông xám
người ta chôn anh.
Huyệt,
là nơi trái tim em ngự tọa
Và nhờ thế,
anh phục sinh sống lại.
 
              Lê Mai Lĩnh

ĐÊM ĐỘC ẨM, RƯỢU CUỐI NĂM, TUYẾT RƠI – Thơ Nguyên Lạc


  

 
ĐÊM ĐỘC ẨM
 
Đêm đất khách tìm đâu tri kỷ
Say cùng ta thất chí hồ trường
Bao năm cuộc đó tang thương
Trăng chìm đáy chén tha hương uống sầu!
Cố nhân sương khói về đâu?
Nghiêng sầu chếnh choáng trăng màu phôi phai
 
Rượu sầu ta uống với ai?
Nhạt nhòa sương lệ ánh trăng phai
Thiên hạ ai người lòng lớn rộng?
Nâng chén sơn hà cùng ta say
 
Mình ta say, mình ta say
Mình ta cùng với nỗi tình hoài
Sầu tràn ta uống sầu không cạn
Rượu uống mình ên chẳng chịu say!
 
Chẳng chiụ say, chẳng chịu say!
“Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?” *
 
Say với ai, say với ai?
Thất chí hoa niên vội bạc đầu!
 
Bạc đầu thật, bạc đầu sao?
Thanh xuân khát vọng còn đâu!
Cuối đời nát mộng còn sầu lưu vong!
 
……….
 
* Câu thơ Vũ Hoàng Chương

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

HÃY CHO ANH KHÓC BẰNG MẮT EM NHỮNG CUỘC TÌNH DUYÊN BUDAPEST – Thơ Thanh Tâm Tuyền

Trong những ngày quân đội Nga ồ ạt xua xe tăng, thiết giáp, máy bay... xâm lược Ukraine. Chúng tôi liên tưởng đến bài thơ “Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest” của Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền trong nhóm Sáng Tạo ở miền Nam trước đây! Xin mời quý bạn cùng đọc lại!

              
                                Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền


HÃY CHO ANH KHÓC BẰNG MẮT EM
NHỮNG CUỘC TÌNH DUYÊN BUDAPEST
 
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
 
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
 
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
 
Thanh Tâm Tuyền
12-1956
 
Nguồn:
Tạp chí SÁNG TẠO, số 4, tháng 1-1957

HOÀNG CẦM TRONG TÔI - Phạm Duy

Nguồn:
https://dungparis.pagesperso-orange.fr/Phamduy_motdoinhinlai.htm


... Tôi không có tham vọng đóng vai trò một nhà khảo cứu phê bình có đủ phương tiện, thời gian và không gian để viết về một trong những nhà thơ lớn nhất của nước Việt Nam hiện đại. Tôi chỉ muốn hoá giải một nỗi buồn thương có trong tôi mỗi khi nhớ tới Hoàng Cầm. Người bạn thi sĩ cùng tuổi với tôi, vừa bước vào đời là được cùng tôi thoả chí tang bồng khi cùng đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Rồi vì phận nước long đong, với cảnh đất nước và lòng dân bị phân chia bởi chủ nghĩa, chiến tranh và hận thù, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Từ đó, nhất là sau cuộc nổi dậy và bị tiêu diệt của một phong trào đối kháng, Hoàng Cầm mất tích, trong đời anh cũng như trong đời tôi.
Suốt 30 năm trời, một tấm màn đen phủ lên cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Cầm, không cứ gì ở Bắc Việt. Cho tới năm 1975, tại Nam Việt Nam, tuy không thiếu những bài viết về các nhà thơ nổi danh của thời đại nhưng không có ai viết đầy đủ về anh. Chỉ có Hoàng Văn Chí với cuốn sách TRĂM HOA ÐUA NỞ cho ta thấy thơ Hoàng Cầm trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và chỉ có Trần Tuấn Kiệt cho in lại (với nhiều khuyết điểm) một vài bài thơ kháng chiến của thi sĩ trong một tuyển tập thi ca.
Thời gian trôi đi, bỗng có lúc tôi khám phá ra một số bài thơ của Hoàng Cầm rồi thấy mình nên viết ra những gì còn nhớ được nơi người bạn vãn niên này để, thêm một lần nữa (sau Nguyễn Chí Thiện), lôi ra từ bóng tối một nhà thơ sáng láng nhất của chúng ta...
 
Ðó là đoạn MỞ ÐẦU của tập HOÀNG CẦM TRONG TÔI, một tiểu luận được viết ra sau gần mười năm sống đời lưu dân -- nghĩa là vào khoảng 1984 -- nhất là sau khi đã tự coi như mất quê hương rồi bỗng nhiên lại tìm thấy quê hương qua những bài thơ ẩn dụ của Hoàng Cầm mà vô tình tôi được đọc. Sự biên soạn tập tiểu luận vừa kể và sự ra đời của những bản (tôi gọi là) Hoàng Cầm Ca cũng còn do một ngẫu nhiên, hay nói cho đúng hơn, do một hữu duyên. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.
 

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC BÀI THƠ “Ở LẠI” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN – Vũ Thị Hương Mai



Bài thơ "Ở lại" là một trong số các bài thơ tình hay của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến! Ngôn từ và hình ảnh trong bài thơ thật bạo liệt và táo bạo, đậm chất phồn thực nhưng không hề mảy may khiêu dâm, tục tĩu.
 
Ở LẠI
 
Thì cứ lại đây. Ngồi xuống đây
Nhấp chén rượu thơm ủ lâu ngày
Ngoài kia mưa gió nhiều như thế
Ở lại đi em. Mai hãy về.
 
Ta biết sự đời cũng nhiêu khê
Mười hai bến nước lắm ê chề
Em về hay ở đều như thế
Ngang dọc miệng đời chẳng bớt chê.
 
Thôi ở lại đây. Nghỉ lại đây
Ngực ta làm gối thật êm dầy
Tay ta làm nệm nhung rất ấm
Em quấn thân ta tựa chăn mềm.
 
Ta muốn đêm này em với ta
Quyện từng hơi thở trộn thịt da
Ưu phiền cứ mặc trôi theo gió
Nào hãy cùng ta dạo bến mơ.
 
Hà Nội, chiều 04.09.2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
 
(In trong tập CƯỠNG XUÂN; Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2017)
 

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

NGUYỄN HOÀNG KHÚC NHỚ NGÀY VỀ - Thơ Hoàng Chẩm


    
                          Nhà thơ Hoàng Chẩm


NGUYỄN HOÀNG KHÚC NHỚ NGÀY VỀ                           
 
Tháng sáu về bên dòng sông quê
Thành Cổ dậy mình thức cùng dấu xưa trở lại
Ngắm nghía những non tơ
Những ngọn nến được thắp lên từ bàn tay nâng niu kỉ niệm
Hạnh ngộ trường xưa bao hoài niệm một thời.
 
Tháng sáu về căng phồng kí ức
Kỉ niệm xưa bung nở
Nhen nhúm trong lòng từ một nơi để nhớ.
Lớp học biết mấy buồn vui
Mấy mùa thi đi qua có bao lần chia biệt
Trang lưu bút hồng một thuở hồn nhiên.
Tháng sáu hôm nay ta đi ngược thời gian
Giữa ngày về ta vùi mình cúi nhìn những bất chợt,
Sân trường xưa đầy ắp những thân quen.
Mới đây thôi một bể dâu kéo dài ngót mấy mươi năm
Từ chinh chiến quê hương
Trường mất người xa xăm muôn nẻo
Bạn bè đứa ra đi…. đứa áo mỏng sờn vai
Gồng gánh kiếp đời luân lạc khắp những góc trời
Đeo đẳng truân chuyên nợ nần cơm áo
Thầy cô biền biệt theo dòng đời qua đi nhiều khúc rẻ
Bỏ lại sau lưng
Ơi những tiếc nuối ngâm ngùi!
Lắng sâu biết mấy phận người trôi nổi
Tôi cùng bạn- cùng em khuất mấy dặm sơn khê
Ngẩn ngơ đau ….
Tháng sáu về trên góc phố thân quen
Thạch Hãn ơi chiều lòng người từ trăm nẻo
Hoàng thành xưa níu buộc những bước chân
Thức cùng nhau vội vã như chưa hề nói lời chia biệt
 
Nguyễn Hoàng xưa!
Hạnh ngộ xin như là hạnh phúc cùng đưa nhau về trường Mẹ
Vượt xa nghìn trùng mấy trăm khuôn mặt
Tay trong tay nối lại những niềm vui.
Tức tưởi - bồi hồi - xôn xao nỗi nhớ
Biền biệt nhau!
Nửa đời mới ngó thấy mặt mày nhau
Ôi thân thương biết mấy những sẻ chia
Thế mới biết xa mà không cách lòng cách mặt
 
Nguyễn Hoàng xưa!
Thành Cổ trở mình với mùa hoa tháng sáu
Em không về nhặt lại cánh bằng lăng
Bến sông buồn mênh mang con nước
Góc trời xa dõi mắt một mùa trăng.
Một vắng xa chốn mù sương khuất lấp
Áo trắng ngày xưa ôm giữ một tinh khôi
Nay còn đây một chỗ ngồi trống trải
Nhắc một cái tên nghe mặn bờ môi….
 
Nguyễn Hoàng xưa!
Quay lại tìm nhau giữa một ngày về
Đồng điệu nhớ đồng điệu thương với phôi phai màu tóc
Điệp khúc trường xưa
Chuyện ngày qua hàn huyên không kể hết
Bạn và tôi - em và tôi mỗi người một cố tri
Về bên nhau như không biết mình có tuổi
Xin như vòng tay ngày thơ bé thân thương
Chưa biết dấn thân giữa trong đục cuộc đời.
Vui cứ đến! quên hết muộn phiền quên hết trở trăn
Về bên nhau nghe đời mình rất lạ
Tháng sáu sum vầy rưng rưng một mùa hoa.
 
Nguyễn Hoàng ơi!
Rồi mai đây mỗi người một dấu chấm giữa hư không
Những vạch kẻ cuộc đời với khói mây hoang hoải
Mấy ai giữa muộn màng.
Về lại với nhau bàng hoàng xót xa nơi cố quận
Ta như có nhau giữa khúc nhớ tháng năm.
Nguyễn Hoàng ơi!
Xanh trong và mãi mãi xanh trong.
 
                      Quảng Trị - Những ngày tháng ba 2012
                                        Hoàng Văn Chẩm

CHÈO NỬA VẦNG TRĂNG – Thơ Phạm Văn Bình

Phạm Văn Bình (1940 - 2018), tác giả có 2 bài thơ “Chuyện tình buồn” và “12 tháng anh đi” nổi tiếng được Phạm Duy phổ nhạc, còn nhiều thi phẩm khác tản mác trong báo chí trước năm 1975.

  


CHÈO NỬA VẦNG TRĂNG
 
Đêm say rượu ướt nửa vầng trăng
Rượu đào thơm ngát môi giai nhân
Áo trắng xưa bay trường Đồng Khánh
Áo trắng giờ lung linh Hương giang
 
Người đã quay lưng và ngoảnh mặt
Em cũng nhìn ta kẻ lạ xa
Ta về đốt hết thơ tình cũ
Chôn kín tình em thơ ngây thơ
 
Em vẫn đến trường thắt tóc bím
Áo trắng lung linh nắng Trường Tiền
Anh ngồi nhặt một cành hoa tím
Thả xuống dòng Hương vớt em lên
 
Em chải trăng vàng lên mái tóc
Chèo khuya Mái Đẩy * xuống Nam Bình*
Anh về Vỹ Dạ hoa bắp nỡ
Nhớ mãi một thời mê nữ sinh!
Chèo nửa vầng trăng khúc Nam Ai*
Hoa vương mắt biếc lệ u hoài
Hoàng thành rêu bám sầu Tôn Nữ!
Đâu áo tiểu thư vướng gót hài ?
 
                             Phạm Văn Bình
 
(*) Hò Mái Đẩy, Nam Ai Nam Bình là những điệu hò của miền sông Hương núi Ngự.