BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

GIO LINH THOÁNG MỜ TRONG KÝ ỨC TÔI - Đinh Hoa Lư




Nhi đồng tương kiến bất tương thức            
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?...
                              (Hạ Tri Chương)
 
           
MỜ PHAI KỶ NIỆM GIO LINH
 
Trí nhớ của tôi còn ghi mãi những kỷ niệm đầu đời lúc tôi khoảng bốn, năm tuổi đã theo chân mẹ tôi ra tận Gio Linh. Vào năm đó mẹ và dì tôi mở một cái quán hàng ăn ngoài đó.
 
Quán ăn mẹ tôi bán gần Quận. Buôn bán ở đây lèo tèo cạnh cái chợ có mấy cây bàng sum xuê lá. Cạnh chợ chỉ có quán O Phượng là lớn, giàu có nhất. Nhắc đến O Phượng thì ai ở xứ Gio linh tuổi đời trên sáu mươi tôi mới hi vọng còn nhớ đến O.
   
Muốn vào quận Gio Linh chỉ có một chuyến xe hàng. Một thời hoang vắng, xe cộ vắng vẻ làm sao. Ngoài Quốc Lộ Một chiếc xe dừng ở Chợ Cầu xong sẽ quẹo phải. Xe theo con đường đất đỏ vào độ hơn vài cây số rồi xe sẽ quẹo trái về Quận. Chiếc xe hàng đơn độc đó thường đậu bãi đất trước quán o Phượng. Vùng "thị tứ" nhỏ bé bắt nguồn từ đây cho tới Quận đường.
 
Theo con đường dẫn tới quận, bên trái đường là nhà bác Thiệu. Một cái nhà tranh dài, chia hai cho mẹ và dì tôi thuê một nửa, còn một nửa bác Thiệu ở. Vào thời đó, chắc hẳn không có cái nhà ngói nào dọc theo con đường này. Tôi không nhớ căn nhà ngói nào suốt con đường này. Nơi Quận cũ Gio Linh đóng, tôi nhớ có căn nhà lầu xây từ đời nào?  Mạ và dì tôi là người "thị thành", tức là từ thành phố Quảng trị ra đây, nên quán ăn lúc nào cũng đông khách. Có thể người thành phố nấu ăn ngon và buôn bán "giỏi" chăng? Quán bán cơm tháng, hàng ăn. Khách đa số là người làm việc trong quận, các chú cán bộ, cảnh sát...
 
Đình Hà Thượng trong trí nhớ tôi hồi đó thâm u tĩnh mịch làng mạc hẻo lánh không người. Chỉ có tiếng ve kêu trong nắng những trảng đất cát xen kẻ bao bờ bụi hoang sơ
 
Nhắc đến mấy người này, tôi nhớ mãi chú Cọi. Chú Cọi làm cảnh sát trong quận. Cái chuyện đáng nói do Chú là người tôi "sợ nhất trên đời".  Số là thuở này tôi là đứa con trai cưng của mẹ tôi, lại chưa đi học chỉ lẽo đẽo theo "làm nũng" suốt ngày?
Thế mà tôi chỉ sợ duy nhất là chú Cọi - sợ đến 'phát khiếp'.  Có một bữa chú phạt tôi quỳ trước quán. Rủi thay do bận công vụ, quận hay ngoài chợ gọi nên chú phải chạy đi gấp. Ác hại thay, chú quên "hủy bỏ lệnh quỳ" cho tôi nhờ.  Thế là tôi cứ quỳ mãi.  Mẹ và dì tôi quá nóng ruột, bảo tôi đứng dậy nhưng tôi chẳng dám. Tôi vẫn đợi cho đến khi chú xong việc, về lại quán ăn cơm mới thôi.
 
Mấy năm sau, mẹ và dì tôi vào lại Quảng Trị cứ nhắc mãi chuyện này và nhờ vậy tôi còn nhớ như in tên và gương mặt của chú Cọi ngày đó. Gương mặt nghiêm nghị, bộ quần áo ka ki vàng...
 
Sau này tôi lớn lên, dì tôi kể lại chuyện tình duyên của dì cũng bắt nguồn từ cái quán tranh (nhưng đông khách) đó. Hồi này dượng tôi (Nguyễn văn Ngọ em ông Tuất - thương gia Đông hà, em ông Nguyễn văn Vị - chủ lò mì Vạn Hoa thôn Đệ Nhất Quảng Trị) hay "đóng vai" một người cán bộ thật nghèo. Khi nào vào quán dượng đó cũng mang bộ đồ đen, bạc màu.  Dượng hay ngồi một góc, còn "ra vẻ nhà quê" bằng cách ngồi cả hai chân lên cái ghế đòn dài "xì xụp " ăn bún bò. Thế mà dì tôi "để ý" mới lạ. Do hay thương người nghèo, nên dì lại "ưu ái"  bán cho Dượng rẻ và nhiều hơn. Thấy dì tôi là người nhân hậu, nên Dượng đem lòng yêu thương. Tình cảm hai người nảy sinh...
 
NHỚ THẦY CỬU HÀM VÀ NGÀY ĐẦU TÔI ĐI HỌC
 
Mẹ tôi bắt đầu nóng ruột về chuyện "học hành" cho con, mặc dầu tôi mới bốn, năm tuổi.  Thế là một ngày đẹp trời mạ tôi cố tâm dắt tôi đi học cho được.
 
Tôi còn nhớ, túi tôi đầy kẹo chanh, kẹo bạc hà. đủ thứ. Tay kia tôi còn cầm theo một chai lemonade hay nước chanh.  Loại nước lemonade đóng chai màu xanh lơ, hơi bầu thế mà tôi vẫn nhớ. Bạn đọc thử tưởng tượng, thời trước 1960, thằng nhỏ như tôi được uống "nước chanh đóng chai" thì phải là 'con cưng' số một rồi.  Thế mà tôi vẫn chưa chịu, vừa đi vừa khóc rấm rứt. Tôi sợ đi học, xa nhà làm sao!                                                                                         
  
Hai mạ con theo con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo lên tận dốc Hà Thượng. Vùng đất hơi cao, cây vườn rậm rạp, có nhà của thầy Cửu Hàm, vị hương sư dạy học cho trẻ con trong thôn.
 

Vương đọng trong trí nhớ tôi hình ảnh của một vị thầy bận áo dài đen khăn đóng. Dạy cho đám con nít lố nhố trong nhà, Thầy chỉ có tôi là đứa học trò nhỏ nhất nhưng lại "hư" nhất trong đám.
 
Mẹ tôi năn nỉ Thầy cho tôi được thầy nhận. Thấy tôi khóc mãi, thầy làm bộ quát to, sai đám học trò đem chùm dây ra cột tôi vào thành ghế đẩu. Thật thế, hình ảnh này gây ấn tượng nhất, thì tôi nhớ lâu nhất.
 
Thầy Cửu Hàm sống cảnh 'thanh bần', lấy dạy dỗ những lứa tuổi thơ trong làng làm niềm vui tuổi già - an cư lạc đạo tại một vùng quê có cái tên Hà Thượng, nơi mà tuổi nhỏ của tôi bắt đầu đi học.
 
Vùng đất Hà thượng làm gì có cảnh ruộng đồng 'thẳng cánh cò bay'. Tuy thế vùng này có nhiều mít và thơm ngon nhớ đời. Thổ sản ở đây tôi không quên được thứ bột sắn cơm nổi tiếng. Ai đi Gio linh cũng không bao giờ quên mang về nhà ít ký bột sắn cơm. Sắn khoai làm bạn với người Gio linh do thiên nhiên chẳng hào phóng gì cho người dân "cận sơn, cận hải".  Bao kinh nghiệm từ cây sắn vồng khoai tôi thiết tưởng chẳng nơi nào từng trải hơn nơi này- vùng kỷ niệm của tôi, một bé bỏng.
 
Một vài tháng tôi đã quen nhà thầy Cửu Hàm và bắt đầu biết siêng học. Trường của Thầy cũng là nhà ở, có nền đất cao. Những liếp cửa xếp cũ kỹ, vài ba cái bàn ọp ẹp, làm nơi dạy dỗ của một vị hương sư trầm lặng. Tuy vậy, bạn tôi quanh quận mới có may mắn đi học với Thầy.
 
 Nhà bác Thiệu cho mạ tôi thuê có bạn tôi là thằng Mạnh. Thằng Mạnh con bác Thiệu. Tôi còn có thằng Giêng, cháu o Phượng, nhà giàu đầu xóm Chợ Cũ mà tôi viết ở trên. Ngày ngày đi học, men theo con đường sau lưng nhà O Phượng tôi kêu thằng Giêng ơi ới. Giêng làm lụng cho chủ nhà, tức O Phượng. Giêng lớn hơn tôi vài tuổi. Hắn siêng năng làm việc quần quật suốt ngày. O Phượng thương tình cũng cho hắn đi học trên nhà thầy Cửu Hàm. Giêng tuy là bạn "vong niên" nhưng cũng vui vẻ đi học với tôi kiếm đôi ba chữ.    
 - Giêng ơi đi học, ơi Giêng!
 
Cứ mỗi lần đi học theo con đường mòn sau lưng nhà o Phượng, tôi cứ gọi Giêng đi học. Tôi nhớ làm sao, cái lưng đen trui trủi, mồ hôi bóng loáng của Giêng. Hắn đang gắng xay cho xong giã bột để đi học cùng tôi. Xe Gio Linh thường đổ trước chợ tức trước quán o hắn. Quán o hắn bán đủ thứ hàng hóa. Nhắc tới cái bến xe hồi đó, thật ra là miếng đất trống dưới mấy gốc bàng, cùng hình ảnh một một chú tên Sức hơi điên, say say tỉnh tỉnh. Sau này khi vào lại Tỉnh, tôi được biết có khi xe ghé Chợ Cầu do chợ đó có bến xe lớn sát Quốc Lộ. Có ai đó còn gặp chú Sức.   Khi Gio Linh có chợ mới và quận mới, thì bến xe QT- Gio Linh đậu tại Chợ Cầu, sau đó sẽ ghé vô chợ mới sau này. Chú Sức vẫn còn sống và hay đi xin tiền nơi bến xe mới.
 
Tuổi nhỏ tạt qua vùng giới tuyến những năm cuối thập niên 1950 thế mà trong tôi còn lảng vảng hình ảnh một đứa bé lẽo đẽo theo mẹ đi xem một buổi trình diễn của đoàn thanh nữ bán quân sự VNCH. Chốn quê địa đầu có một đoàn chính phủ từ trong nam ra tận đây là chuyện hiếm hoi.  Đường xa mới tới một cái sân vận động nào đó. Giữa đường mẹ tôi rót nước trà pha đường từ trong một cái bình thủy của Pháp. Thật lạ lùng tuổi bé thơ sao tôi còn ghi được hình ảnh này dù thật nhạt phai. Tới nơi, bãi đất rộng từng toán thanh nữ biểu diễn hình thức cứu thương hay trình diễn đội hình gì đó...
 
*
Sau khi tôi vào lại Tỉnh (Quảng Trị), thì nghe đâu thằng Mạnh bạn tôi theo phía "bên kia". Sau 1975 hắn về lại Gio Linh làm chức vụ gì đó.
 
Còn Giêng thì biệt tăm tích từ xưa, từ lúc tôi cùng mẹ và dì tôi vào lại Quảng Trị. Lạ một điều, tôi nhớ mãi cái tên cùng hình ảnh cái lưng trần, đen đúa bóng loáng mồ hôi.
 
Một thời gian sau nữa khi tôi khôn lớn, thì nghe tin đồn thầy Cửu Hàm không còn nữa. Thầy đã chết do 'xét đoán oan khiên' - giữa hai lằn đạn của cuộc chiến tương tàn (tôi nghe Thầy bị "xử tử " vì bị kết tội làm "tề điệp" cho VNCH). Thầy muốn sống cảnh thanh bần lạc đạo lấy việc dạy dỗ lớp mầm non đất nước như bọn trẻ trong làng như Giêng, như Mạnh, như tôi, nhưng  thầy chẳng yên được giấc mơ ẩn sĩ.
 
Non bảy mươi năm qua, kể từ ngày xa Gio Linh, đến khi tuổi đã về chiều khi nhắc lại thầy xưa bạn cũ - hay bao hình ảnh, một thời bé nhỏ của tôi nơi vùng đất mang hai chữ Hà Thượng (Gio Linh), tôi e rằng chỉ là pha trộn, mù mờ huyền hoặc của trí nhớ. Có ngờ đầu người viết mới đây, may mắn có vài nhân vật gốc Gio Linh có biết tới những tên trong ký ức của tôi. Cụ Linh Đàn Nguyễn hữu Kiểm, người gốc Gio Linh vừa quá vãng năm kia (2020), cũng biết thầy Cửu Hàm. Trong facebook liên lạc với tôi, Cụ Linh Đàn còn giải thích và nhắc đến nhiều nhân vật tại Gio Linh có cái tên Cửu đằng trước... Một Chú Sức "say tỉnh, điên tàng", một O Phượng, giàu có, bán buôn lúc đó, ngay cái tên bạn tôi là Mạnh... đều có người như anh Phạm Thái Học (anh ruột bạn học của tôi là Phạm văn Hải), anh Trần ngọc Điềm đều biết.
 

Hình ảnh vị thầy đầu đời còn đậm nét trong trí nhớ tôi. Tôi chỉ tiếc một điều, khi khôn lớn chưa có lúc nào có dịp ra lại Gio Linh thăm lại thầy xưa. Cái dịp đó vĩnh viễn không còn do thầy Cửu Hàm đã ra người thiên cổ trước khi quận Gio Linh hoàn toàn bị xóa tên theo khói lửa chiến chinh, tuyến lửa Mac NAMARA thành lập, hai quận Gio Linh Cam Lộ lần lượt di dân...
 
Nhớ về Gio linh tôi nhớ vị thầy già, thằng Giêng cái lưng trần đen bóng, thằng Mạnh cất bước giang hồ theo con đường 'giải phóng'... cái chợ đìu hiu bên gốc bàng rợp bóng một thời
 
                                                                                   Đinh Hoa Lư
                                                                                       8/6/2014

Không có nhận xét nào: