BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

LÍNH ĐÓN XUÂN TRÊN ĐỈNH CAO – Đinh Hoa Lư


          

Mời anh mời chị, mùa xuân lên đây thăm tôi
Nơi đây xa xôi khuất nẻo thưa người
Núi rừng mịt mù sương...
Mời em một lần rời xa
Nơi đang yên vui
Lên đây thăm lính ở trên rừng
Để cùng ngọt bùi sớt chia...
(Thư Xuân Trên Rừng Cao/ Trịnh Lâm Ngân)

 Tất cả đều thiếu, chúng tôi phải mò đi "ký sổ" tại chốt đại đội rồi đến tháng xem như hết tiền. Họ nói chẳng ngoa "Tiền Lính là Tính Liền"
 
Mười ngày có một chuyến xe GMC tiếp tế từ Diên Sanh lên. Xe phải leo tới đỉnh Ông Do, nơi BCH Tiểu Đoàn 105 đóng. Hàng sẽ bỏ xuống cái bãi trống trước mặt căn cứ Ông Do. Các đại đội sẽ tới nhận hàng do chiếc xe không thể bò tới chốt của từng đại đội được. Trung đội sẽ men theo đường tranh tới chốt đại đội đem hàng tiếp tế về chốt mình.
 
Chúng tôi chọn cách đi tắt như thế để an toàn cho mình.  Chốt đại đội tức là nơi Ban Chỉ Huy đại đội đóng. Chúng tôi tới, chỉ vài người nên Đại Úy Lê Kim Chung chẳng phàn nàn do còn yên không có tiếng súng. Tới đại đội, không khí sao vui hơn; chuyện dễ hiểu do đây là nơi chỉ huy trực tiếp của tôi.
 
Chúng tôi sẽ mua thiếu nghĩa là "ký sổ" những thứ chúng tôi cần. Chuyến tiếp tế có mang theo lương từ hậu cứ lên chúng tôi sẽ thanh toán nợ thiếu từ đại đội. Nào kẹo đậu phụng nào sữa Ông Thọ thêm bịch bột gạo lứt Bích Chi, thuốc hút capstan, ruby queen (ruby đỏ), ruby quân tiếp vụ, tệ lắm là bastos. Tôi chẳng quên chai dầu Nhị Thiên Đường như lời ba mẹ dặn dò ngày lên đường nhập ngũ:
-Đi mô con nhớ mang theo chai dầu nhị phòng khi trái gió trở trời...

  

 


Ôi gió núi mưa rừng lạnh lẽo có chai dầu gió trong túi áo thì "ấm lòng chiến sĩ" biết bao. Nhớ lại những thứ lính cần "hầm bà lằng" đủ thứ...không quên bộ bài xẹp mới Một lần đi một lần nguy hiểm, vượt rừng tranh tới được chốt này.
 
Vùng cao, quanh tôi toàn là những rừng tranh bạt ngàn. Nhiều hố bom B52 đào xới loang lổ, màu đất đỏ gạch. Những hố bom nay đã khô cạn nước chờ cơn mưa rừng sẽ có nước và cùng vang lên nhiều tiếng ểnh ương làm khúc nhạc rừng hoang giúp vui cho lính.
 
Hai, ba cái ba lô nhận đồ tiếp tế từng tiểu đội đã về đến chốt. Những nét mặt hân hoan, vui vẻ sau dịp hội ngộ với nhau, những người bạn đang đóng bên chốt kia. Cứ kỳ tiếp tế chúng tôi thay phiên nhau đi nhận hàng, không ai được "ân huệ" đi hoài được.
 
Vài ba lon thịt heo, thịt ngựa quân nhu chia về từng tiểu đội. Lính phải biết tính toán, chi li làm sao ăn cho đủ mười ngày. Chỉ nửa ký thịt heo từ chợ Diên Sanh lên thôi. "Ô Kê Salem" chúng tôi cùng nhau liên hoan một bữa đầu tiên cho đả. Có nửa trái bí ngô, góc trái bí đao nữa, chúng dành cho ngày thứ hai. Còn ruốc bột ngọt đó là những thứ ta cứ xem như là hàng "chiến lược" phòng thủ đường dài. Đời lính địa phương quân đóng miệt núi, vẫn nhờ vào từng đám rau má xanh tươi mơn mởn mọc xen trong rừng tranh. Cái nồi nhôm méo mó theo bước hành quân từ biển lên núi. Giờ đây nó biến thành song canh rau má ngon lành. Ruốc và bột ngọt trở thành "người bạn" không thể thiếu là đó.
 

Đời lính Địa Phương Quân có những điều tự bằng lòng với hoàn cảnh hết sức bình thường. Do tụi này chẳng hề đòi hỏi hay ước muốn cao sang.
 
Bao rau má tươi ghê, mấy anh em vừa bò lên chóp núi bên kia tảo về. Chất tươi đúng nghĩa ở đây. Những cọng rau má mọc dưới gốc tranh chúng xanh non và tươi mát ngọt ngào không chê vào đâu được. Chúng tôi chưa có dịp nào trời thật lạnh để thưởng thức được món nấm mối dưới gốc tranh. Bao nhiêu là rừng tranh, chỉ có công tìm và lủi sẽ có hết.


LỬA và CỦI
 
Ở rừng tha hồ củi. Khác với những ngày ở biển người lính thiếu củi phải gom từng nhóm lá dương để nấu nướng. Rừng nhiều củi nhưng phải biết giữ lửa. Có người lính đi phép lại mang cái hộp quẹt đi theo thế là cả chốt THIẾU LỬA?
Một kỷ niệm khó quên. Những ngày không có hộp quẹt nhưng nhờ vào một thân cây cổ thụ khô đang âm ỉ cháy ngầm dưới chân chốt. Hàng ngày người lính nấu ăn mò xuống lấy than lên. Cho đến vài ngày sau, khi người lính trả phép về đến chốt mang theo cái hộp quẹt trở về.
 

KHE TRAI THA HỒ XUỐNG TẮM
 
Khe Trai có dấu mũi tên xanh
 
Một con khe bao quanh dưới chân đồi. Nó sẽ vòng vèo xuyên qua bao rặng núi trước kia rồi sẽ đổ vào dòng Thạch Hãn.
 
Hình có tính minh họa KHE TRAI

Lần mò theo sườn đồi chúng tôi đã xuống tận con khe. Làn nước trong xanh chảy chậm vào lúc cuối hè. Một khám phá lý thú đó là một cái hố nước sâu ngay khúc uốn của dòng nước. Nước chảy bao nhiêu năm tạo thành một cái giếng tự nhiên rất sâu,  trong xanh màu ngọc bích. Cái hố nước trong không ai khám phá ra ngoại trừ người lính. Mình khó diễn tả cho hết mức độ trong xanh của cái hố nước quá sâu như vậy.
 
Chúng tôi tha hồ tắm, chẳng e dè sợ hãi nào cả. Hạ sĩ Thú lặn và bơi quanh cái hố nước trong này. Đôi lúc anh chàng càng lặn sâu nín thở hơn cả phút đồng hồ. Làn nước trong leo lẻo làm chúng tôi nhìn rõ anh chàng đang lặn dưới đáy. Dòng Khe Trai mát lạnh, chầm chậm lướt qua chân bọn tôi. Nước im lìm chảy, toán lính lao xao dưới mấy tàng cây. Có tiếng công kêu vang dội tận mấy hẻm núi xa xa.  Tắm xong chúng tôi vội lấy nước vào đầy mấy ống đạn leo lên lại chốt. Sau lưng chúng tôi, sự tiếng róc rách hay lao xao nhẹ của dòng nước tiếp tục trở về. Khoảng hai ngày chúng tôi trở xuống, lạy trời mọi sự bình an.
 
MÀN MƯA BIÊN GIỚI
 
Mưa rừng rơi mãi không thôi. Màn mưa biên giới một màu xám ngắt, giăng màn che khuất mấy chốt bạn gần bên chốt trung đội tôi.
 
 Trong căn hầm ẩm thấp, tôi ngồi đợi mưa qua. Ngày qua ngày tôi vẫn nghe âm thanh "xè xè" nho nhỏ, phát ra chiếc máy truyền tin PRC25 của trung đội.
 

Máy truyền tin đợi liên lạc về đại đội hay tiểu đoàn. Cũng nhờ thế, chúng tôi bớt đi sự cô độc và cảm giác lạc lõng.
 
 Lính gác dưới cơn mưa. Những chiếc poncho im lìm, có khi như bất động. Căn hầm chìm ẩn trong làn mưa rạt rào. Tôi không còn thấy nổi rặng núi bao quanh tôi. Tôi chẳng còn nhìn thấy Đỉnh Động Tiên trước mặt. Những tia chớp liên hồi, tiếng sấm nổ rền vang vang qua nhiều rặng núi. Một vùng rừng núi tối mịt mù, chìm lỉm trong màn mưa nặng nề, hung hản...
 
Mưa ngơi dần, tiếng tí tách của những giọt nước vẫn còn rơi rớt trên vành nón sắt. Lính giữ chốt lắng nghe động tĩnh của rừng thiêng. Anh cố căng mắt nhìn xuyên qua màn mưa sâu thẳm. Sấm sét rơi rớt sau cùng còn vọng vang, lan qua bao rặng núi. Nơi đây vẫn còn bao người trai giờ đang sâu lắng nhớ nhung trong màn mưa biên giới.
 

Mưa rừng, người lính chẳng còn cơ hội ngắm nhiều đám mây bềnh bồng trôi về miệt biển. Dưới xa kia là một khoảng đồng bằng. Quê hương lãng đãng hiện ra dưới những màn mưa lướt thướt trong gió rừng. Khoảng cách của nhớ thương ôm ấp bao kỷ niệm một thời học sinh nay xa dần trong vùng kỷ niệm.
 
 Ngày về lại quê hương trong màu xanh áo trận. Tuổi học trò từ đó đã xa như một trận lốc, cuốn theo bao mộng mơ hoa gấm. Giấc mộng phù du chỉ ngần ấy ba năm, cuốn phăng tất cả. Lính khó quên thứ cảm giác nôn nao, lạ lẫm của anh lính trẻ ngày đầu về đơn vị. Rồi cảm giác hôm nay nơi chốn rừng thiêng. Trường Sơn trùng điệp nhưng chìm đắm trong màn mưa xối xả, mịt mù.
 Chốt lạnh chiều mưa, lính thiếu nhiều thứ. Người lính chỉ biết kéo tấm poncho, rồi lặng yên mong mưa qua mau.

XUÂN VỀ RỒI 

Mai rừng
 
 Làm sao quên được phút giây trừ tịch của năm Một Chín Bảy Lăm. Giây phút chuyển mình năm cũ và mới; nhưng phút giây đó ai có ngờ đâu là đó là lần trừ tịch cuối cùng của đời lính chiến VNCH và rồi sẽ không bao giờ có lại trên đỉnh cao quê hương một lần nào nữa.
 
Xuân Một Chín Bảy Lăm đang về trên mọi nẻo đường đất nước. Không riêng một ai mà cho cả miền nam có một trừ tịch cuối cùng để rồi tức tưởi chia tay tiễn đưa một MÙA XUÂN CỘNG HÒA về miền dĩ vãng.
 
 Trên đỉnh cao chốt này và xa xa nhấp nhô nhiều đỉnh cao khác, có những đứa như mình vẫn còn đang đối diện với những đồi tranh trải dài bất tận. Chiều về, lính lắng tai nghe tiếng con chi bìm bịp kêu buồn. Đêm về, anh cố căng mắt hướng về bóng tối của rừng khuya sâu thẳm. Có tiếng chim Từ Quy gọi đàn trong đêm, lính đợi ánh dương lên để biết mình đã qua một đêm vô sự.
 
Người lính tiền đồn vẫn biết xuân quê hương đang về muôn nơi trên vạn nẻo đường đất nước. Nhưng trên đỉnh cao người lính không thể đón được cái cảnh tết đến xuân về. Xuân Này Con Không Về không thể là lời nói đầy sáo ngữ khi bên chiến hào những người lính trẻ chẳng hề nghĩ đến một mùa xuân.
 
                                                                         Đinh Hoa Lư tái biên
                                                                                  23/1/2025

Không có nhận xét nào: