BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

MẸ CON THẰNG TUẤN – Từ Vũ


Tranh cắt của họa sĩ Phú Thảo (SàiGòn)


♣ Viết theo lời kể của một bà mẹ có trộn lẫn ít nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của tác giả.
♣ Tên tuổi nhân vật sự kiện nếu trùng hợp là ngoài ý người viết.                                                                                                
                                                                                                  Từ Vũ
 
Người đàn bà lạ mặt đi trước dẫn đường, cô Toan một tay chiếc nải đựng vài cái quần áo một tay nắm chặt tay con, dò dẫm bước. Đây là lần thứ nhất mà cô và thằng Tuấn, con cô, phải đi xa mà không có bà Thẩm, mẹ cô, đi bên cạnh. Nhớ đến mẹ, cô Toan rướm nước mắt. Đường xá thế này thì làm sao mẹ con cô có thể gặp lại được nhau. Một mẹ một con tối, nay cô đành phải bỏ mẹ ở lại một mình để đi ra Hà Nội.
 
Trong sự yên lặng, bí mật, của đêm tối thẳm, ba người chập choạng bước trên những bờ ruộng ngoằn nghèo, len lách sau những bụi cây rậm rạp, lách qua những bờ tre gai góc tránh những nới có đồn bốt của lính tây.
 
Ngang Vồi, luồn qua Ngọc Hồi, Văn Điển... vào Vọng. Trời vẫn chưa sáng.
- Ta không còn phải lo ngại, tránh né gì nữa. Mình đã đến Bạch Mai rồi cô ạ. Dù không có "lét-sê bát-sê" nhưng cũng chẳng ai hỏi giấy tờ gì. Người đàn bà dẫn đường thở phào nói với cô Toan.
- Từ đây đến nhà ông Trưởng có còn xa không ?
- Cũng hơi hơi xa nhưng chẳng thấm gì với đoạn đường mình vừa đi.
 
Ba người tiếp tục đi dưới ánh đèn phố vàng đục trong tiếng động của những sinh hoạt sớm của thành phố đang còn ngái ngủ, tiếng leng keng, tiếng rống của những con “quái vật" mắt sáng quắc mỗi khi lùi lũi từ xa chạy tới dưới mé đường lớn thằng Tuấn đang đi. Thằng bé ngoảnh đầu nhìn rồi quay lại nắm chặt tay mẹ giật giật chỉ ngón tay một con "quái vật" hỏi:
- Cái con gì đấy hở mẹ ?
- Xe ô-tô cháu ạ, đừng sợ nó ! Người đàn bà lạ mặt trả lời thay mẹ nó.
- Xe ô-tô, ô-tô… Thằng bé lẩm bẩm như để nhớ.
 
Hơi yên tâm, Thằng bé vừa đi vừa giương thật to cặp mắt quan sát mọi vật chung quanh vừa đi sát vào chân mẹ. Tất cả đều khác và lạ hơn những gì ở làng, lạ hơn những gì nó trông thấy tại Cống Thần, Chợ Đại nữa.
 
Bây giờ thì nó hơi lạnh, cái lạnh sáng sớm của Hà Nội lần đầu tiên nó đến. Nó biết là mẹ nó cũng bị lạnh vì mẹ đâu có mặc dầy như nó cho dù có chiếc áo len khoác ngoài. Mẹ nó lạnh nhưng không hé môi… đôi môi bầm tím. Nó nhớ đến bà ngoại nó, bà cũng đang có một mình ở nhà. Tại đây hai mẹ con nó không có bà.
 
Thằng bé không thể biết được là nó đã mất làng Quít của nó từ tối hôm qua, kể từ lúc bước qua ngưỡng cửa nhà, để bà nó một mình ở lại.
Mặt trời vừa lên, cả ba, đi một lúc lâu nữa mới đến được nhà ông bà Trưởng Tiễn ở Tô Hiến Thành.
Ông trưởng Tiễn là em rể của bà ngoại thằng Tuấn. Mọi người trong nhà hình như cũng đang chờ hai mẹ con nó.

Theo chân cậu Soạn bước vào nhà. Ông Trưởng, bà Trưởng đang ngồi trên một chiếc giường, trước mặt ông là một chiếc bàn nhỏ có khay đựng một ấm chè và mấy cốc nước còn bốc hơi nóng. Ông lên tiếng:
- Này Toan, hãy vào uống cốc nước nóng cho bớt lạnh đã rồi tha hồ mà nói chuyện.
 
Mẹ nó vâng lời ông, cởi chiếc áo len nhưng vẫn cầm trên tay vì chưa biết để ở đâu. Bà trưởng với tay nhấc chiếc áo len:
- Đưa cho dì... Cu cháu lại đây với bà !
 
Dứt lời bà quay qua nói với anh thanh niên đang cười cười đứng nhìn cô Toan:
- Này anh Trà, cầm cái áo của chị treo lên chỗ nào chứ, đã chào chị chưa mà cứ đứng cười hay sao !.
 
Cậu Trà vẫn cười cười nhìn người chị họ mà không đáp lại mẹ.
Một lúc sau người đàn bà dẫn đường xin phép đi. Ông bà Trưởng lên tiếng cảm ơn bà ta và díu vào tay bà ta một cái gói nhỏ.
 
Cậu bé nghe lời bà Trưởng tiến lại bên cạnh bà, bà Trưởng ôm đứa cháu trai hỏi han:
- Đi đường cháu có mỏi chân không ?
- Dạ mỏi, nhưng cháu vẫn đi được bà ạ !. …
- Như thế mới là cháu ngoan của bà được chứ.
 
Trong vòng tay của bà Trưởng thằng Tuấn như tìm được chút hơi hướng ấm áp, quen thuộc nào của bà ngoại nó, chị ruột của bà Trưởng.
Trong khi đó mẹ nó cũng đang thân mật trò chuyện với hai cậu em. Họ nói chuyện về làng, về nhà, về bà ngoại nó, về các bà con họ hàng…
Ông Trưởng tay bưng cốc nước chè nóng, mắt mơ mơ màng màng nhìn lên trần nhà như ngẫm nghĩ điều gì đó.
 
♣ ♣
 
Ngày hôm sau, sau khi biết được phần nào về cuộc sống tình cảm của chồng và đã bàn định với mọi người trong nhà, cô Toan nhờ cậu Trà đi ra phố Huế báo tin việc cô và thằng Tuấn đã có mặt ở Hà Nội.
Cũng không hiểu là vì bận bịu phải xuống Hải Phòng bán hàng thêu hay vì sự ngăn trở của bà Hệ, vợ hai, dù rằng nơi anh đang cư ngụ với Hệ không xa cho lắm, hai ngày sau anh Lang mới đến được nhà ông bà Trưởng gặp vợ con anh.
 
Cô Toan không ghen. Cô cũng chẳng biết ghen là cái gì, ghen như thế nào.
Vâng lời mẹ cô đi lấy chồng. Ngay từ lúc còn bé mẹ cô luôn dạy hai chữ kiên và nhẫn. Mẹ lại dạy là lấy chồng phải thờ kính chồng, phải cần kiệm, dưỡng nuôi con cái. Mẹ cũng bảo là “trai thì năm ba bảy thiếp còn gái chính chuyên chỉ có một chồng” hoặc “vợ cái con cột”. Chồng có đi đâu, có làm gì thì cũng vẫn phải quay về…

Người đàn bà trẻ không để ý gì đến chuyện chồng cô và cô Hệ nào đó ăn ở với nhau, ngược lại cô rất mừng khi chồng cô và thằng Tuấn gặp được nhau sau mấy năm dài đăng đẵng.
Đó mới là mục đích chính của mẹ cô và cô khi đưa thằng Tuấn lên Hà Nội. Nếu không vì mục đích này thì tài nào mà bắt buộc được cô phải bỏ mẹ ở lại làng thui thủi một mình.
 
Hai ngày nay chắc anh Lang cũng có suy nghĩ nên anh thuyết phục cô Toan nên về ở trên phố Đội Cấn Ngọc Hà. Nơi đây ở gần mẹ anh và gia đình Tiếp anh ruột anh, anh Cả. Lang nói thêm cho vợ biết tin Tý Con, em út của anh cũng vừa lấy chồng, theo chồng ở xa tận dưới Ninh Bình.
Nhắc tới cái tên Tý Con làm người vợ trẻ đắn đo suy nghĩ. Người vợ trẻ của anh Lang nghĩ đến thời gian một năm làm dâu với bà Như ở nhà quê tuy thế cô cũng lại nghĩ về Ngọc Hà cũng tiện cho anh Lang trong việc tới lui thăm con trai nhưng cô ra điều kiện là cô và thằng Tuấn mướn chỗ ở riêng mà không ở chung ở chạ gì với gia đình anh Cả Tiếp.
 
Sau khi Lang về, cô Toan bàn bạc với bà Trưởng về chuyện về Ngọc Hà.
- Cháu cứ dọn về Ngọc Hà theo ý chồng cháu. Nếu thấy không được thì hai mẹ con lại về đây ở với Chú, Dì và hai em, chẳng phải rắc rối gì sất cả.
 
Lang, chồng cô tìm được cho hai mẹ con thằng Tuấn một căn phòng nhỏ của một dãy nhà cho thuê, trong một đường hẻm ngay phố Đội Cấn, chỉ cách nhà Tiếp khoảng 7, 8 chục mét.
Sau khi việc dọn nhà đã xong, anh Lang, cha thằng Tuấn đưa nó lên để gặp mặt mẹ anh, anh Cả và em trai út của anh.
 
Lần đầu tiên thằng Tuấn gặp mặt mọi người bên nội: bà Như bà nội, Tiếp bác cả, Miện vợ bác cả, chú Thịnh, em trai của cha nó. Còn lại hai người chẳng ai giới thiệu, sau này nó mới biết tên người con gái áo quần xốc xếch đầu tóc rũ rượi là Hằng 9, 10 tuổi cháu gái mà cũng là “con” hai tay cắp bên cạnh sườn đứa bé gái mặc chiếc váy đầm trắng toát khoảng hai tuổi tên là Tuyết con gái bác cả cao gần bằng người chị Hằng và sau cùng là Thanh một anh con trai 10, 11 tuổi, thấp, mập mạp, mặt mũi lem nhem, ở trần với chiếc quần nâu cộc bạc màu, đang cặm cúi thu dọn gì đó ở dưới nhà bếp, cậu con trai này cũng là “con” của bác Tiếp.
 
Sau này thằng Tuấn mới hiểu ra tại sao chị Hằng, anh Thanh lại là “con” của ông Tiếp.
Chị Hằng là con của bác Trúc, em gái kế của bác cả Tiếp. Bác Trúc và người chồng đã qua đời khi chị vừa được 5 tuổi. Ông Tiếp, một vị ách-duy- đằng xếp của Tây, lấy tư cách là bác bắt chị Hằng về để “nuôi dạy” nhưng thực tế là ông cho làm lại khai sinh thêm vào hồ sơ của ông để lĩnh lương hàng tháng hơn nữa lúc này ông cũng vừa có một cô “tiểu thư”, Tuyết con gái đầu lòng của ông và bà Miện, ông bà cần có một người bế ẵm, một công hai việc. Nhìn đôi mắt ông là người ta đủ biết ông Tiếp là người tính toán rất kỹ lưỡng, chỉ có ông “ăn” người ta chứ không một ai có thể “ăn” được ông, đôi mắt ông bén nhạy, liếc rất nhanh nhưng ít khi nhìn thẳng.
 
Phần anh Thanh, công phu hơn một tý, ông ách-duy-đằng xếp Tiếp phải tham dự vào một cuộc tảo thanh truy diệt Việt Minh trong vùng Thanh Mai Lá Bạc.
 
Không biết là ông Tiếp và lũ quân thực dân này có bắt được một tên Việt Minh nào hay không nhưng “chiến lợi phẩm” của riêng ông Tiếp là “Thanh”.
 
Ách-duy-đằng xếp Tiếp đặt tên “Thanh’ như một kỷ niệm chiến thắng của riêng ông tại “Thanh” Mai Lá Bạc một đứa bé trai chạy không nhanh chân kịp chạy theo cha mẹ nó để ẩn trốn nên đã bị ông ta và lũ lính Pạc-ti-dăng túm được. Ông là người tính toán kỹ lưỡng nên chỉ cần nhìn thấy thằng bé là ông đã nghĩ ngay ra: Lại có một thêm món lợi nữa cho gia đình ông rồi. Thằng bé này có da có thịt, nó khoẻ mạnh mà mặt mày thì ngơ ngơ ngáo ngáo… bổ sung nó vào nhà bếp của mình để nó gánh nước, bửa củi làm việc nặng cho vợ mình là nhất rồi, ông sẽ làm khai sinh và lại có thêm được lương hàng tháng của một đứa con nữa. Thế là ông Tiếp lôi thằng bé về Ngọc Hà làm giấy tờ cho thằng “Thanh” là “con” ông.
 
♣ ♣
 
Cô Toan không muốn phải sống nhờ vả gì vào bên nhà chồng nên đã bảo với cậu em, cậu Trà, đi mua một đôi khung rồi lấy hàng về cho cô ngồi thêu.
Mẹ ngồi cắm cúi chăm chỉ dưới cái khung thêu còn con quanh quẩn bên mẹ, Tuấn không dám bước chân ra khỏi cửa căn phòng vì chung quanh nó toàn là người lạ. Giỏi lắm là nó chỉ dám ra ngõ ngay trước phòng mẹ con ở, cái ngõ thẳng ra đường, ngoài kia xe cộ, người qua lại nhộn nhịp nhưng không thể quyến dụ nó ra được dù chỉ ra đến đầu ngõ thôi.
 
Nửa tháng sau, bà Như sai chị Hằng ẵm “chị” Tuyết một bên sườn xuống bảo thằng Tuấn lên nhà bác chơi.
Nhà Tiếp, bác cả, ở ngay ngoài mặt đường phố Đội Cấn, xe cộ qua lại dập dìu thằng Tuấn nhìn cũng thấy thích ra xem từ lâu nhưng chưa dám ra, nó nghĩ đã có chị Hằng cùng đi cạnh nó bớt sợ nên hí hứng. Cô Toan thấy thằng bé chỉ luẩn quẩn một mình cũng tội con nên dục thằng bé đi. Con được vui thì cô Toan cũng vui.
Thằng Tuấn theo chân chị Hằng lên nhà bác Cả của nó.
Chị Hằng dẫn thằng Tuấn lên giao cho bà Như, đang chờ nó, rồi ẵm “chị” Tuyết đi ra cửa mất dạng.
 
Thằng Tuấn loa hoay đứng nhìn bà Nội nó. Bà Như bảo thằng Tuấn ngồi vào một chiếc ghế của chiếc bàn ăn, thằng bé nghe lời bà leo lên. Bác cả gái ngồi bên kia bàn, bên cạnh là chú Thịnh, em trai út của cha nó. Chưa đầy vài phút sau, thằng Tuấn cũng chưa được đưa mắt để nhìn xe cộ, người qua lại ở bên ngoài chiếc cửa cái là những câu hỏi tới tấp phủ xuống nó. Những câu hỏi của bà Như, bà nội nó khởi đầu, tiếp sau của bà Miện, vợ bác Cả Tiếp của nó, rồi chú Thịnh nối đuôi theo. Cả ba hỏi thằng Tuấn ăn gì, uống gì; mẹ nó làm gì ở nhà quê, mẹ nó có quen ai ở trong làng hay không, quen ông nào quen anh nào...
 
Những câu hỏi về ăn uống thì quá dễ với thằng Tuấn vì nó chỉ biết ăn rau muống, ăn cà muối, ăn trái sung muối, cơm độn với ngô… thôi. Còn sống ở làng thì nào là lính Tây từ Vồi về càn, nào là tụi Tây đen gạch mặt cắt cổ sư ông… nhưng tới loạt câu hỏi như mẹ nó có quen ai, quen ông nào anh nào hay không… thì nó chịu thua không thể trả lời được vì nó có biết gì mà trả lời hơn nữa cũng chẳng bao giờ nó thấy mẹ nó nói chuyện với ông nào cả bởi một lẽ trong làng chỉ toàn là những ông già, những ông chú, ông bác của mẹ nó mà thôi còn mấy thanh niên trẻ thì đã biến mất từ đời thuở nào làm gì còn ai nữa để mà quen, để mà nói chuyện chứ. Nó chỉ thấy mẹ nó quen làm, quen quanh quẩn với bà ngoại nó thôi !.
 
Tiếng tra hỏi, hạch sách càng lúc càng to, càng hùng hổ. Luân phiên hết phiên người này lại tới lượt người khác. Ở làng chưa bao giờ nó bị lâm vào cái cảnh như thế này, ngay cả tụi lính Tây gạch mặt cũng chưa bao giờ “dám” hạch sách nó. Bà ngoại, mẹ nó, các ông, các bà trong họ hàng ở làng đều nói với nó bằng một giọng cưng chiều, nhẹ nhàng vì nó là thằng cu cháu, thằng cháu trai đầu tiên trong cả một họ bên mẹ nó.
 
Ba người này không chịu buông tha nó. Bà Như và bà Miện bàn nhau phải trói hai tay hai chân “thằng này” vào chân ghế vì nó không chịu nói, nó binh mẹ, nó dấu diếm.
Thịnh, chú nó, lôi nó từ trên ghế xuống, trói nó vào chân một góc bàn, Tuấn giãy duạ đạp chân vùng vẫy cũng không được vì sức nó làm sao so được với sức chú Thịnh nó lại thêm sức của bác Cả gái Miện nữa. Trói xong, bà Miện, miệng sùi bọt mép trắng xóa, chạy nhanh xuống bếp, trở lên tay cầm con dao chặt thịt thật to, nhịp nhịp con dao vào gần mặt thằng Tuấn:
- Mày mà không "lói" tao sẽ cứa cổ họng mày. Cứa như cứa cổ gà đấy !
 
Thằng Tuấn không trả lời, không nói nữa mà nó gân cổ lên … kêu. Nó kêu để gọi mẹ nó đến cứu nó. Càng lúc nó càng kêu to để mẹ nó nghe.
Mẹ nó đã nghe .
 
Cô Toan nghe tiếng con kêu lanh lảnh. Cô ném cây kim, hất khung thêu mà cô đang ngồi thêu. Chạy vội vàng ra cửa. Cô chạy thật nhanh rồi đạp tung cái cửa hông đang đóng của nhà ách-duy-đằng xếp Tiếp. Cô xông vào nhà, cô quát to:
- Mấy người định giết con tôi phải không? Thật là một lũ… Cô đưa tay lên chỉ một vòng hét tiếp:
- Ba người vô lương tâm, hiếp đáp một đứa bé chưa ráo máu đầu. Ba người không biết xấu hổ hay sao hả ? Ba người còn xứng đáng là Bà Nội, Bác, Chú của nó nữa không?.
 
Dứt lời, cô Toan đưa hai tay gạt bà Miện, chú Thịnh nó sang một bên, cúi xuống cởi giây trói cho con trai và đỡ con đứng dạy. Trong khi đó bà Như, bà Miện, Thịnh sững sờ không một phản ứng.
Thằng Tuấn có mẹ bên cạnh, phủi quần phủi áo. Nó đâu còn sợ ai nữa, bà, bác, chú hay gì gì nữa nó chẳng cần, chẳng sợ. Nó dơ ngón tay chỉ thẳng lên mặt ba người mà nó đã gọi là Bà Nội, Bác Cả gái, Chú, nó hét to:
- Tao về nhà tao. Tao ghét cả ba người. Tao ghét thù suốt đời tao!.
 
Dứt tiếng hét nó bảo với mẹ :
- Mình về nhà mình mẹ ơi !.
 
Cô Toan quay lưng, dắt tay con. Cả hai cùng bước ra khỏi căn nhà của ách-duy-dằng xếp Tiếp.
Sau lưng mẹ con người vợ trẻ. Bà Như, bà Miện, thằng Thịnh câm như hến gục đầu không biết phải làm gì.
 
Đêm hôm đó, thằng Tuấn lên cơn sốt. Nó bị sốt mất 3 ngày.
Trà, cậu em, từ lúc cô dọn về trên Ngọc Hà này, mỗi ngày một lần từ Tô Hiến Thành đạp chiếc xe đạp lên đỡ đần thăm hỏi mẹ con cô, cậu Trà phải mua thuốc tây cho nó uống mới hết sốt.
 
♣ ♣
 
Một tháng sau khi biến cố xảy ra. Bà Như, ông Tiếp và bà Miện vợ ông sai chị Hằng xuống mời người vợ trẻ lên nhà vì có một việc thật quan trọng mà anh Cả muốn bàn bạc với cô.
Ban đầu cô Toan không muốn lên nhưng chị Hằng không về mà cứ đứng nài nỉ cô Toan phải lên cho bằng được:
- Bà nói là nếu thím không lên thì cháu không thể quay về được. Nếu cháu về thì cháu chết với bà… !
Thế là cô Toan buộc lòng phải lên.
 
Ra vẻ trịnh trọng, ông Tiếp, anh chồng cô vợ trẻ, ra vẻ nghiêm nghị mời cô Toan ngồi xuống bàn. Cô kéo ghế ngồi. Trước mặt cô là bà Như, mẹ chồng. Ngồi bên cạnh bà Như là bà Miện vợ ông ta.
 
Trên ghế phía cô Toan đang ngồi là ông Tiếp. Lúc này ông vừa rút từ ngăn kéo một chiếc bàn giấy ra một tờ giấy trắng có đánh ghi gì gì đó. Ông ta đặt tờ giấy trước mặt rồi trịnh trọng lên tiếng:
- Anh mời thím lên, hôm nay, sau khi đã có sự đồng ý của thằng Lang, lúc nào ông Tiếp cũng gọi chồng cô là thằng, để bàn với mẹ, với thím một việc rất quan trọng cho thằng Tuấn, con trai thím và thằng Lang.
- Vâng, anh cứ nói, em nghe đây !. Bình tĩnh cô vợ trẻ trả lời ông Tiếp. Ách-duy-đằng xếp Tiếp cầm tờ giấy để trước mặt ông ta có những hàng chữ gì gì đó lên nhịp nhịp… và tiếp:
- Vì anh là anh Cả, anh Trưởng… mà thằng Lang thì chỉ biết chuyện ăn chơi, vợ này vợ nọ. Chẳng biết lo liệu gì cho thằng Tuấn, năm nay nó bao nhiêu tuổi hả thím ?
- Dạ, 6 tuổi.
- 6 tuổi phải chuẩn bị học hành chứ. Nếu cứ lôi thôi như thế này thì sau này nó không hơn gì cha nó. Phải tính chuyện cho nó đi học, cho tương lai của nó.
- Dạ.
Cô Toan vừa nhẹ nhàng trả lời ách-duy-đằng xếp Tiếp vừa liếc nhìn bà Như, bà Miện quan sát. Hai người có vẻ hí hửng như sắp chộp được cái gì. Ách-duy-dằng Tiếp liếc nhanh nhìn mẹ, nhìn vợ vẻ mặt đắc ý, trong đầu ông nghĩ:
- Mày sắp mắc mưu của ông rồi. Việc không khó khăn hơn ông đã nghĩ. Ách-duy-đằng Tiếp nói tiếp với một giọng dịu dàng hơn:
- Anh nghĩ như thế này, anh đã nghĩ kỹ, anh sẽ đứng tên là bố thằng Tuấn, chị đây – ông đưa tay lên chỉ bà Miện, chị đứng tên sẽ là mẹ của nó. Anh sẽ ra ngoài thị chính để làm giấy khai sinh cho nó đi học... Dù trên tờ khai sinh anh là cha, chị là mẹ nhưng thằng Tuấn vẫn là con của em …
 
Người vợ trẻ giật mình, cô Toan giật mình nhưng lấy ngay lại bình tĩnh, mặt vẫn thản nhiên cô đáp lại:
- Vâng … !.
Bà Như vuốt ve :
- Anh nó nói phải đấy con ạ.
 
Cô Toan hơi mỉm nụ cười, nghĩ : À, sao bây giờ bà mới gọi tôi là con, mất cái chữ Toan hay chữ mày... như bà đã thường gọi tôi. Thế thì ra ba người mời tôi phải lên để muốn bắt con tôi. Vỏ quýt dầy thì móng tay cũng nhọn. Để xem mèo nào cắn mỉu nào!. Đầu cô nghĩ như thế nhưng cô lại trả lời bà Như :
- Vâng, anh cả nói cũng phải, nhưng …
- Có gì đâu mà thím nhưng với nhị. Bà Miện, vợ Tiếp chen vào.
 
Cùng lúc đó ách-duy-đằng xếp Tiếp đẩy tờ giấy có ghi chữ gì gì đó sang trước mặt cô Toan:
- Thím chỉ cần ký tên vào dưới tờ giấy này là xong.
- Dạ, nhưng tờ giấy này viết gì, em cù cù cạc cạc không biết đọc không biết viết thì làm sao em ký kung gì được !. Cô Toan giả vờ một cách rất ngây thơ.
- Tờ giấy cũng không có gì, chỉ ghi trong đó là thím nhìn nhận cho thằng Tuấn cho tôi và vợ tôi thôi. Chuyện ký giấy rất dễ thím chỉ cần lăn đầu ngón tay vào là xong.
- Vâng ạ. Em cảm ơn mẹ, anh cả và chị đây đã có lòng lo cho thằng Tuấn con em nhưng cũng xin anh cho em thời gian năm bữa nửa tháng để suy nghĩ, hỏi ý kiến thằng Tuấn dù rằng nó còn bé bỏng. Đúng nửa tháng em sẽ dứt khoát trả lời được hay không được.
 
Dứt lời cô Toan kéo ghế, đứng lên rời bàn.
Không đợi phản ứng của bà Như, ông ách-duy-đằng xếp Tiếp và bà Miện vợ ông ta, cô Toan nói tiếp:
- Thôi em về.
 
♣ ♣
 
Trên đường về, cô Toan suy nghĩ. Càng nghĩ cô càng giận anh chồng của cô, cô tự hỏi: Nguyên cớ nào mà chồng cô lại đồng ý với ba người đó để đổi tên cha mẹ thằng Tuấn con trai của cô... nghĩ rồi lại càng thêm bực mình vì đúng cái lúc mà cô cần phải gặp chồng cô để hỏi cho ra rõ đầu đuôi gốc ngọn thì anh lại biệt tung biệt dạng, tính ra từ ngày dọn nhà về nơi này anh ấy chỉ ngủ lại với cô và thằng Tuấn được 4,5 ngày rồi anh ấy đi mất dạng. Nghĩ rồi, cô vợ trẻ quyết định:
- Không thể được, họ đang tìm cách bắt thằng Tuấn con trai cô. Mẹ con ta không thể ở đây lâu dài được nữa. Phải tức tốc thu dọn về nhà chú Trưởng càng sớm ngày nào càng tốt ngày đó.
 
Nghĩ như thế cô cảm thấy nhẹ hẳn được trong người. Vào nhà, cô bảo thằng Tuấn thu dọn vài món đồ đạc lỉnh kỉnh vào một góc. Thằng Tuấn ngạc nhiên hỏi mẹ:
- Dọn dẹp để làm gì vậy mẹ ?
- Hai mẹ con ta dọn về ở với ông bà trưởng.
- Thích quá mẹ à. Con sẽ lại được ở gần bà Trưởng và các cậu.
 
Vừa nói thằng Tuấn vừa làm. Cô Toan tháo chiếc khung thêu, nhặt nhạnh các tép chỉ, bỏ tất cả vào một chiếc tay nải.
Dựng khung thêu đã tháo trên một mé tường, sắp hai chiếc tay nải to đựng quần áo vào một góc, thực ra thì quần áo của mẹ con cô cũng chẳng có gì ngoài vài cái quần áo hàng ngày vẫn thường mặc. Cô Toan cầm chiếc chổi quét sạch nền phòng vì cô không bao giờ muốn người chủ nhà sẽ trách móc khi cô trả nhà không sạch sẽ.
 
Cô Toan đợi cậu Trà đến như thường lệ. Cô sẽ bảo cậu mướn một chiếc xích-lô để dọn về Tô Hiến Thành ngay hôm nay.
 
♣ ♣
 
Về ở với ông bà Trưởng và hai cậu em họ Sạn, Trà cô Toan cũng được an ủi vì cô có dì để tâm sự, có hai em để trò chuyện, thêu thùa. Sạn, Trà cũng làm hàng thêu. Hàng ngày Trà không còn phải mất công, mất sức, mất thì giờ, đạp xe kĩu kịt lên xuống Ngọc Hà mà thằng Tuấn cũng không còn lủi thủi một mình với mẹ.
 
Mấy tháng nay sự lưu thông giữa Hà Nội xuống Nam Định đã bình thường trở lại. Đám lính Tây từ trên Vồi cũng không còn kéo nhau về để càn cướp, giết người như lúc trước nữa nên dân làng Quít lên xuống Hà Nội dễ dàng.
Sau khi đã bàn định với dì Tiễn, để thằng Tuấn ở lại Tô Hiến Thành, cô Toan về làng với bà Thẩm, mẹ cô.
Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi gặp được mặt nhau.
 
Sau khi nghe con gái bà kể lại những chuyện đối xử của mấy người bên nhà chồng và chuyện ký kết giấy tờ đổi tên cha, mẹ của thằng Tuấn bà Thẩm đã nhận ngay ra được mưu mô xảo trá của bà mẹ chồng và Tiếp, con cả của bà ta, bà Thẩm dứt khoát bảo con gái:
- Thằng Tuấn là sợi dây liên lạc duy nhất giữa con và chồng con. Họ muốn bắt thằng Tuấn để cắt đứt sợi dây này. Con cứ thẳng thừng bảo họ là không, con không cho thằng Tuấn. Nó chỉ có một mẹ, một cha, ngoài con và thằng Lang ra không một ai có thể là mẹ nó, là cha nó được !.
 
Ở làng Quít bàn tính với mẹ hai ngày cô vợ trẻ quay lên Hà Nội. Cô nhờ cậu Trà đi tìm anh Lang báo tin dọn nhà của mẹ con cô và muốn được gặp anh ngay tức tốc.
Một ngày sau, anh Lang vừa bước chân vào cửa nhà ông bà trưởng Tiễn, chưa kịp ngồi, cô Toan lên tiếng gay gắt với chồng:
- Có phải anh định bán thằng Tuấn cho anh Tiếp và vợ anh ấy không ?.
 
Lang sửng sốt, trợn mắt hỏi lại vợ :
- Sao, sao,... sao mà em lại nói như thế được?. Tôi định bán nó lúc nào ?.
- Thế thì sao mẹ anh và anh cả Tiếp của anh lại bảo tôi phải ký giấy…?
- Ký giấy gì ? Anh Lang vẫn sửng sốt hỏi vợ.
- Cái tờ giấy mà anh Tiếp đã đưa cho tôi.
- Đưa cho em lúc nào ?. Giấy gì ?. Đầu đuôi câu chuyện ra sao ?. Anh Lang lại hỏi tiếp.
 
Cô vợ trẻ nhận ngay ra là chồng cô không biết, không dính líu gì vào việc giấy tờ thay đổi tên cha, tên mẹ thằng Tuấn. Bình tĩnh trở lại, cô kể sự việc đã xảy ra lúc bà Như, ông Tiếp, bà Miện đưa mảnh giấy để cô ký.
 
Sau khi nghe dứt đầu đuôi câu chuyện, anh Lang bảo vợ :
- Em cứ yên tâm vì giấy khai sinh của thằng Tuấn anh cũng đã lo liệu xong vì anh cũng muốn nó đi học đi hành. Anh sẽ cầm tờ khai sinh vào cho em xem ngay bây giờ để em hiểu được anh !.
 
Dứt lời, anh Lang quày quả bước ra khỏi nhà ông bà Trưởng.
Gần nửa giờ sau anh trở lại, trên tay anh một tờ giấy đánh máy đàng hoàng: khai sinh của thằng Tuấn – họ tên thằng Tuấn, họ tên cha, họ tên mẹ, … có dấu mộc thị thực rất cẩn thận.
 
♣ ♣ ♣
 
Đúng kỳ hạn nửa tháng. Chiều thứ bảy, chiếc xe Zíp rất oai phong đậu trước nhà. Tiếp là ách - duy - đằng - xếp nên không phải vào trại lính Ngọc Hà.
Cô Toan thuê xích-lô lên phố Đội Cấn đến nhà Tiếp.
 
Trông thấy cô Toan, ông ách-duy-đằng xếp mời cô Toan ngồi. Sau đó lại bộ ba. Bà Như, bà Miện vẫn ngồi trước mặt, ông Tiếp lại vẫn ngồi ở phiá cô Toan. Trước mặt cô vẫn cái tờ giấy hôm nọ.
 
Lần này thì ...
Rất thong thả, cô vợ trẻ cầm tờ giấy lên, trong cái im lặng “ruồi bay cũng còn nghe tiếng” của ba người ngồi cạnh cô, cô Toan cất tiếng đọc khá to cố để mọi người cùng nghe. Cô đọc một mạch từ đầu tới đuôi những chữ đánh máy trên tờ giấy.
 
Bà Như, bà Miện bốn con mắt dương to, sửng sốt.
Ông ách-duy-dằng xếp Tiếp sững sờ, thừ người :
- À thì ra cái con nhà quê này nó cũng biết chữ !.
 
Đọc xong tờ giấy, cô Toan nhẹ nhàng đặt xuống bàn, đẩy tờ giấy sang cho ông Tiếp.
Cô đứng lên, kéo ghế:
- Thưa anh cả. Không thể nào, không bao giờ em ký… em lăn tay trên tờ giấy này. Thằng Tuấn nó chỉ có em và cha nó. Tên mẹ thằng Tuấn là Toan, tên cha thằng Tuấn là Lang. Ngoài ra, không một ai có thể là cha, là mẹ nó được. Thôi, thưa mẹ, thưa anh, em về.
 
Hơn 8 năm sau bà Thẩm, ông ách-duy-đằng xếp Tiếp và bà Miện vợ ông ta lại mới có dịp gặp gỡ được mẹ con thằng Tuấn.
Căn nhà tại Tô Hiến Thành lại có 6 người.
 
Cô Toan, cậu Sạn, cậu Trà ngồi làm hàng thêu. Thằng Tuấn quanh quẩn chơi với ông Trưởng hay phụ giúp lấy than, lấy muối... cho bà Trưởng trong việc bếp núc của bà. Ngoài ra nó bắt đầu được dạy học. Ban đầu Tuấn nằm bò dưới nền gạch, cạnh khung thêu. Nó học với cô Toan, mẹ nó, a, bê, c, dê, đê… sau đó đổi thầy, nó học với cậu Sạn hay cậu Trà. Nhưng rồi cả ba thầy đều nghĩ đến chuyện phải cho nó đến trường. Đi học tư thì không thể có đủ tiền để trả, muốn vào trường học công không phải là dễ mà phải có chỗ quen biết mới đem vào được. May mắn thay, bà ngoại và bà Trưởng lại quen biết một ông thầy giáo mà ông giáo này lại… đang dạy ở Quang Trung.
Thằng Tuấn đi học.
 
                                                                  TỪ VŨ
                                          Troyes, Pháp - 05.11.2019 – 10.30
                            Trích trong tiểu thuyết MỘT THỜI CHINH CHIẾN.
 

Không có nhận xét nào: