BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

HAI CÂU CA DAO VỀ MẸ - Nguyên Lạc




Nhân ngày Mother's Day, tìm tài liệu viết về Mẹ tình cờ tôi tìm gặp hai câu ca dao này trên web:
 
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi
 
Thật ra thì hai câu này được rút gọn từ bài ca dao dân gian về mẹ sau đây:
 
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau
Đường mía lau càng lâu càng ngát
Cơm nếp mật ngào ngạt hương say
Ba hương lây lất tháng ngày
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi
Mẹ già như áng mây trôi
Như sương trên cỏ, như lời hát ru
Lời hát ru vi vu trong gió
Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan
Mây trôi lãng đãng trên ngàn
Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng.
                             (Ca dao dân gian)
 
Theo tôi, chỉ hai câu ca dao rút gọn tuyệt vời trên đã đủ làm người xao xuyến nhói lòng, nhiều thêm khó nhớ. Chỉ cần đọc hai câu giản dị này bao nhiêu cảm xúc về mẹ cũng đã dâng trào.
Với niềm trân trọng tình mẹ, tôi xin phép viết lại 2 câu ca dao trên theo dòng cảm xúc riêng tôi
 
Mẹ già như chuối chín cây
Gió ơi đừng động khiến tôi điếng hồn!
                                      (Nguyên Lạc)
 
Sẵn dịp tôi xin được BÌNH hai câu ca dao tuyệt vời trên và giải thích vài hàng về câu thơ cảm xúc của tôi
 
HAI CÂU CA DAO
 
Bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức.
Như đã nói trên, chỉ hai câu rút gọn tuyệt vời này đã đủ làm người xao xuyến nhói lòng. Hai câu rút gọn này rất hay, đọc ta thấy người mẹ lớn tuổi lắm rồi - "chuối chín cây" - và mẹ không biết sẽ mất lúc nào vì chuối chín cây rất dễ rụng. Chính cụm từ "chuối chín cây" nầy hàm ý nhắc chúng ta phải chú ý và chăm sóc đến mẹ, rằng mẹ "dễ rụng lắm" kẻo rồi ân hận sau đó mồ côi.
Sử dụng cụm từ nầy rất hay, vì chuối chín là trái cây thông dụng đối với mọi người giống như người mẹ ai cũng có. Lại nữa, chuối chín cây rất dễ rụng, chỉ cần một lay động nhẹ thôi.
Điều mà chúng ta cần chú ý thêm là chuối chín rụng không hư mất đi, mà nó có thể trở thành "rượu chuối" tỏa hương ngọt ngào cho người thưởng thức. Mẹ có "rụng" nhưng "hương mẹ" vẫn còn trong tâm trí con.
Chữ GIÓ giản dị ai cũng hiểu, sử dụng rất tuyệt ở đây: - Gió là phong, phong ba cuộc đời, phong ba gia đình,... sẽ lay mẹ rụng, mẹ sẽ mất đi.
Chữ RÀY cũng tuyệt, mộc mạc, bình dị ai cũng hiểu: -Từ nay về sau. "Con rày mồ côi": Từ nay - ngày mẹ mất - về sau con sẽ mồ côi, đơn độc.
 
HAI CÂU CẢM XÚC RIÊNG
 
Đó là phần hai câu ca dao, giờ tôi xin giải thích về hai câu cảm xúc của tôi:
Câu sáu - lục - vẫn không thay đổi như lời BÌNH trên, nhưng câu tám - bát - thay đổi hoàn toàn như sau:
 
Gió ơi đừng động khiến tôi điếng hồn!
 
Xin chú ý chữ "gió", "đừng động" và "điếng hồn"
 
Trước khi xét các từ nầy, xin các bạn chú ý:
1. Hai câu ca dao dân gian rút gọn nhận xét ta thấy: Người mẹ tuy già nhưng vẫn còn khoẻ và sáng suốt, con cháu nên chú ý chăm sóc kẻo mẹ mất rồi mồ côi.
2. Hai câu thơ cảm xúc của tôi muốn nói là người mẹ già yếu lắm rồi, mẫn cảm lắm rồi... chỉ những biến động, dù nhỏ nhặt cũng làm con cháu lo sợ điếng lòng rằng mẹ có thể bị ảnh hưởng mà "rụng".
 
Giờ xin xét từ:

- Chữ GIÓ: Cũng giống như đã xét trên, phong ba cuộc đời, biến động gia đình, phong ba biến động nội tâm - xa cách nhớ mong... Nhưng ở đây tôi muốn liên hệ thêm "lời ong tiếng ve" nữa. Người mẹ ở đây yếu lắm rồi, già lắm rồi, dễ mẫn cãm vì càng già tâm lý càng giống trẻ nhỏ, dễ hờn giận, cần sự che chở...
- Chữ "đừng động": Cầu mong GIÓ, những phong ba biến động kể trên không có, không xảy ra với mẹ.
- Chữ "điếng hồn": - GIÓ, phong ba... hơi động thôi, chỉ những biến đổi nhỏ nhoi thôi cũng đủ làm người con lo sợ, điếng hồn mẹ "rụng". Sự lo sợ này khiến người con càng chú ý đến mẹ nhiều hơn.
 
TÌNH MẪU TỬ
 
Về tình Mẹ - tình mẫu tử - tôi xin dẫn ra đây chuyện có thật ở loài khỉ; chuyện rất buồn:
 
Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có tên là Đoạn Trường Tân Thanh tức “Khúc Ca Mới Đứt Ruột”. Có thật sự buồn đến nỗi ruột đứt ra từng đoạn từng khúc không? Xin thưa là có. Đứt ruột “đoạn trường” dựa vào sự thật là trong thiên nhiên có một loài khỉ có tình mẫu tử rất tuyệt vời. Khỉ mẹ rất yêu thương con. Vì một lý do gì đó, khỉ con bị chết mà còn thấy xác, khỉ mẹ ngồi ôm xác con cho tới khi xác con rữa thối. Các con khỉ khác trong bầy phải lén rình cướp lấy xác đem giấu đi. Nếu con bị bắt mất, khỉ mẹ ngồi ôm hai bầu sữa, buồn rầu, bỏ ăn, bỏ uống cho tới chết. Đem xác khỉ mẹ mổ bụng ra, thấy ruột khỉ mẹ đứt ra từng đoạn, từng khúc. Vì thế cho nên mới có câu “Buồn đứt ruột” hay đoạn trường là vậy - Theo BS Nguyễn Xuân Quang:
 
Buồn rầu đứt ruột nên trong ca dao mới có câu:
 
Thò tay mà ngứt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.
 
CÁC BÀI NHẠC VỀ MẸ
 
1. Giới thiệu các bạn bài nhạc viết về Mẹ của Phạm Thế Mỹ, phổ bài "Bông Hồng Cài Áo" của thầy Thích Nhất Hạnh. Đây là vài lời của bài nhạc :
 
Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...
 
- Mời nghe nhạc Bông Hồng Cài Áo - link dẫn ở dưới bài viết
 
2.  Và đây cũng là bài nhạc/ thơ nói về mẹ theo tôi rất hay: "Lời Của Mẹ" - Thơ Nguyễn Cảnh Bình, nhạc sĩ Giao Tiên phổ nhac
Xin trích đoạn bài thơ
 
LỜI CỦA MẸ
(Thơ Nguyễn Cảnh Bình)
 
Người ta nói hết chiến tranh
 Sao con đi tự ngày xanh chưa về?
Dây diều con thả bờ đê
Mục trong tay mẹ... Đi về đi con !
Lỡ mai sức mẹ chẳng còn
Con về ai đón nắng giòn ai che
Con à ngõ vẫn ngõ quê
Vẫn đụn rơm vẫn bụi tre thủa nào
. . .
Đêm đêm mẹ chẳng cài then
Con về chẳng phải đợi hiên gió lùa
Mẹ chờ cạn cả giấc mơ
Con về thắp nén nhang thờ mẹ hay
 
Bài thơ đã được nhạc sĩ Giao Tiên phổ nhac, link dẫn ở dưới bài viết
 
LỜI KẾT
 
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận; vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi "chuối chín rụng" - mẹ chết - rồi mới khóc than: “Trời ơi, tôi rày mồ côi"
...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời
(Thích Nhất Hạnh) [*]
 
Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay với điều kiện là thật lòng, cảm xúc thật; chứ không phải sắp chữ, sáo rỗng, tạo dáng. "Lá đổ ào ạt mà chẳng thấy mùa thu đâu".
 
Người viết, dù không có tài ba, miễn có rung cảm chân thành là thơ, nhạc hay. Ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có.

*
Nhớ mẹ, cũng là nhớ quê hương, tôi xin được kết bằng các câu thơ sau đây:
 
Quê mẹ trông vời chiều ngút mắt,
Mây ơi nhắn gởi nỗi niềm thương!
...
Quê hương tôi là Mẹ
Mẹ cũng là quê hương
Mẹ ơi khúc đoạn trường!
Mẹ đâu rồi?... Dâu bể!
 
Happy Mother’s Day!
Happy ngày của Mẹ!
Happy... sao ngấn lệ?
Con nhớ Mẹ và Cha!
 
Sẽ không phải người ta
Nếu quên tình cha mẹ
Chắc chắn là rất tệ
Nếu không nhớ quê hương
 
(Trích đoạn bài thơ Mừng Ngày Của Mẹ- Nguyên Lạc)
 
                                                                                         Nguyên Lạc
..............
 
[*] Tham khảo "Bông Hồng Cài Áo" của thầy Thích Nhất Hạnh, Thi viện, Ca dao Việt Nam ...
- Mời nghe nhạc:
1. Bông Hồng Cài Áo - Diễm Thùy
https://youtu.be/siCuYbaKilg
2. Lời Của Mẹ - Thơ Nguyễn Cảnh Bình, nhạc Giao Tiên
https://www.youtube.com/watch?v=IwHZFXLxus4
3. HAI CÂU CA DAO VỀ MẸ - Nguyên Lạc - Nhạc Mộc Thiêng
http://www.art2all.net/nhac/mocthieng/me_nhac_mt.htm

Không có nhận xét nào: