BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

THẦY LÊ VĂN HỘ VÀ THƠ - Phan Dương Thy


    
                                         Thầy Lê Văn Hộ


        THẦY LÊ VĂN HỘ VÀ THƠ

1/ THẦY
Tôi có cái duyên may là được học môn Địa lý với thầy Lê Văn Hộ suốt 3 năm tại trường cấp 3 Hàm Tân, niên khóa 1977-1980. Hình ảnh thầy với chiếc xe đạp cổ, cái cặp da đã sờn, chiếc thắt lưng da bò đã tróc, mấy bộ đồ cũ: áo xanh lơ, vàng, xám ngắn tay, là "tàn dư của chế độ cũ" sót lại! Thầy bảo: "mình thích những cái gì đã cũ. Vì mỗi cái cũ, nó gắn liền với nhiều kỷ niệm". Rồi thầy kể chuyện cái bình vôi từ thời ông cố, ông kỵ. Thầy kể chuyện mấy cái sẹo hồi nhỏ chơi đùa, chơi trốn tìm, rúc bụi, chơi đánh nhau! Thầy nói về những chiếc áo đã sờn... cứ nghe mà mê mãi! Nhớ những năm đói thời bao cấp, dáng thầy thì gầy mà trò thì không thể lớn!

Vậy mà khi nào lên lớp, thầy cũng nở một nụ cười tươi, kể chuyện thật hấp dẫn có một kiểu dẫn dắt vào bài thật cuốn hút, với cái đưa tay kẻ chữ thư pháp như thể rồng bay, cả trăm con mắt cứ ngơ ngớ dõi theo cái lướt tay của thầy. Nó không phải chữ mà như dáng một cô thôn nữ có cái vòng eo thật xinh qua các chữ k, chữ l, chữ h...
Thầy không chỉ giỏi về chuyên môn Sử -Địa (Cao học) ) mà còn am hiểu sâu cả về văn chương(Cử nhân); triết học; thông thạo 2 ngoại ngữ (Pháp, Anh), tự học tiếng Hán, Nga. Thầy là một con người tài hoa, đức độ. Chưa bao giờ thầy lớn tiếng la mắng học sinh. Khi không hài lòng, thầy chỉ nghiêm một thoáng rồi thôi! Lúc lớp cần giải đáp điều gì, thầy trả lời tất cả các lĩnh vực! Ở xứ La Gi này, không chỉ phụ huynh và học sinh mà nói về thầy từ dân lao động đến chính quyền, trẻ, già ai cũng kính cẩn, ngưỡng mộ! Có lần chính quyền giới thiệu thầy ra ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh với tư cách đại diện quần chúng "lót đường". Nào ngờ khi kiểm phiếu thầy đã đạt số phiếu cao nhất và được bầu làm thư ký của đoàn đại biểu tỉnh!
Thầy là một nhân cách lớn. Mỗi giờ dạy thầy đều trải hết lòng, cháy hết mình. Thầy không chỉ truyền cái cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc vào lòng học sinh mà thầy còn kết hết hợp dạy kinh nghiệm, kỹ năng sống, xen lẫn văn chương ngoại ngữ. Dạy từ việc đi đứng, nói năng, cách ăn uống, mặc từ gia đình ra công sở. Thầy giảng giải cả "công dung ngôn hạnh", "tứ đức tam tòng", "tam cương ngũ thường", đạo hiếu làm con, làm người! Như khi học bài Nhật Bản, thầy viết lên bảng 3 thứ tiếng rồi cắt nghĩa: Nhật là mặt trời là ban ngày, bản là cái gốc. Nhật bản là xứ sở của mặt trời mọc! Thầy dạy điều gì là truy tới gốc. Thậỳ luôn là tấm gương sáng, chuẩn mực từ lời nói, cử chỉ, dáng đi...May mắn được làm học trò cưng của thầy, làm đồng nghiệp của thầy trong môi trường giáo dục, thi thoảng đi chấm thi THPT tại Phan Thiết lại được hầu rượu và nghe thầy kể chuyện đời thật thích! Thầy như một cuốn bách khoa toàn thư. Bên thầy bao giờ mình cũng cảm thấy bé nhỏ, được che chở và rất an tâm!
Nhớ năm lớp 11, đang học thơ Trần Tế Xương, giờ ra chơi, mình lên bảng chép bài thơ: “Học hành thời trước có ra chi. Ngu dân đồi trụy có ích gì! Sao bằng đi học thời nay nhỉ! Sáng đớp khoai lang, tối khoai mì!” Bài này do bạn Lê Trường lớp 12C sáng tác. Trường với mình ở chung nhà trọ. Chiều ấy... Trường từ Sơn Mỹ xuống mang theo bao củ sắn, 2 đứa luộc xong chắm muối ớt rồi cảm tác ra thơ. Mình có góp ý vào! Các bạn cờ đỏ đã chép lại bài thơ và báo cho Đoàn trường! Mình bị thầy Nguyễn Thúc Chất, dạy môn Chính trị gọi lên thẩm vấn và bắt nộp cả tập thơ! Kết quả: mình bị quy tội làm thơ mỉa mai, đả kích chế độ! Bị kiểm điểm! Sém bị đuổi học. Sau bị "lãnh án" cảnh cáo trước toàn trường. Cuối năm được chiếu cố xếp hạnh kiểm trung bình! Năm đó bạn Lê Trường học lớp 12 ban Toán, còn mình là học sinh giỏi văn, lại hay võ vẽ làm thơ, nên không ai nghĩ bài thơ do bạn Trường là tác giả. Mình cũng không khai và một mình nhận tội! Nhờ đó mình "nổi tiếng"! Nghe nói khi ra Hội đồng Kỷ luật để luận tội, thầy Hộ đã bào chữa cho "lũ trẻ trâu" ăn chưa no lo chưa tới như mình! Xin đội ơn thầy! (Năm 1986, 1988 gặp lại thầy Chất, thầy trò hàn huyên chuyện cũ thời trẻ trâu. Thầy bảo: “Ngày nớ tau dọa rứa cho mi lo học, chứ thầy Cử thương mi, nên bảo: răn đe là chính!” Thấy thầy còn độc thân, bọn lớp mình đã bàn nhau mai mối và cưới vợ cho thầy, nhưng thầy đã cám ơn và từ chối!
Tài hoa là thế, nhưng, suốt đời thầy chỉ làm giáo viên, đến khi được Sở giáo dục và huyện tín nhiệm đề bạt chức giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên, chưa kịp nhận thì cơn bão quái ác năm 1994 xảy ra. Một chiếc tàu ngoại quốc bị bão đánh dạt vào mắc cạn ngoài biển Lagi, chính quyền cần người thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, thầy đã được Tỉnh đội trưởng mời làm phiên dịch. Xong việc, khi tàu đưa thầy trở lại đất liền, một con sóng dữ đã đánh úp con tàu! Tin thầy mất làm chới dới cả đất trời! La Gi suốt mấy ngày liền chìm trong tiếng khóc thương! Thầy đã hy sinh vì việc nước (và được truy phong Liệt sĩ), để lại trong bao thế hệ học trò trường THPT Hàm Tân muôn nỗi tiếc thương, ân tình về một người thầy!
Thầy đã đi đã 24 năm, kể từ cái ngày bão giông điên cuồng ấy của đất trời! Thầy đã đi xa, nhưng trong tâm tưởng chúng em luôn lưu giữ một nụ cười sảng khoái, lạc quan, yêu đời, xem thường nguy khó; thân thiện với mọi người của thầy. Nụ cười ấy cho các em hiểu, cảm được một nội lực bên trong của một bậc trí tuệ lớn. Trong tâm tưởng của chúng em, thầy là người Hiền. Mùa thu/ chân trời tím
/Thầy đi/ Nụ cười Hiền! (04/11-Kính tiễn Thầy)
Bao thế hệ học sinh trường Hàm Tân thuở xưa kháo nhau rằng: vào trường Hàm Tân mà chưa được học với thầy Hộ, coi như chưa học! Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường, kỷ niệm 24 năm ngày thầy đi xa, em viết những dòng này thay nén nhang lòng tưởng niệm và tri ân thầy!
2/ THƠ
Thơ thầy để lại chưa tới 20 bài, hầu hết là thơ tự do. Cảm tác về nghề, về thế sự, đôi khi triết lý về nhân sinh một cách trào lộng với cái nhìn và cách dùng từ, tạo thanh, vần rất độc đáo, pha chút ngộ nghĩnh! Với nghề, thầy đã dồn cả tâm huyết vào giáo án, bài giảng, nhưng đôi lần đã không tránh khỏi băn khoăn vì thấy chưa đủ tự tin. Bởi còn thiếu kiến thức thực tế! Khi dạy về Địa lý sông Hồng, Hà Nội, thầy cảm thấy mình có lỗi "run tay" vì đã dạy chay, dạy suông! Vì thầy chưa một lần đặt chân đến sông Hồng? Lỗi đâu phải do thầy?

“Ta đã hiểu lạ thường vì sao sáng nay lúynh quýnh.
Khi vẽ thật lâu đoạn sông Hồng và Hà Nội.
Run run- vì ở đó mấy ngàn năm vẫn là,
Sao Bắc đẫu vẫn ngự trên trời.
Vậy mà- Thầy giáo Địa lý Việt Nam chưa bao giờ đi tới.”
                                                 (Câu chuyện giờ Địa lý)

Khi viết về ngôi trường Cấp III Hàm Tân, thầy đã tinh tế phát hiện thế đứng xéo của ngôi trường,"nằm trên dốc và dưới dốc", phát hiện nhiều dãy trường xây trở mặt theo nhiều hướng, nhiều "nóc" lạ đời. Đồng thời thầy cũng dự báo về một tương lai vươn cao, với tầm vóc lớn của trường Hàm Tân (nay Lý Thường Kiệt) đối với tỉnh nhà. Bài thơ độc đáo với cách sử dụng "độc vận" là vần trắc "oc" rất hiếm tìm từ:

“Trường ta dưới dốc và trên dốc
Cấp III Hàm Tân tầm vóc
Không ngang cũng không dọc
Có rất nhiều nóc
Và nhiều gió biển vây bọc.”
         (Về một ngôi trường)

Thời buổi khó khăn, dẫu có ôm mấy bồ chữ, thầy cũng khó thoát cảnh "Tài cao, phận thấp chí khí uất"(Tản Đà). Trải qua bao năm khốn khó mà không tìm cách thoát ra được, thầy cũng nhiều lần trở trăn! Đôi khi thầy cũng không biết mình đang đứng ở đâu trong cuộc đời này? Thầy đã từng tin yêu, hy vọng, rồi thất vọng, bi quan! Được hầu rượu thầy nhiều lần cũng chia sẻ với thầy đôi chút nỗi niềm tâm sự! Có lúc thầy ngán ngẫm bởi "Nhân sinh bất phùng thời" là chuyện thường tình của muôn đời! Tự kiểm thầy thấy mình bất lực, có lỗi với vợ con! Đọc ý thơ chân thành mà xúc động, cảm thông cho nỗi lòng của một người chồng, người cha như thầy!

“Chẳng lẽ mãi đến chết
Cái óc cứ rỗng tuếch
Không làm gì ra trò?
Tự kiểm thấy thiệt bết!”
(Tự kiểm. Đêm buồn 16/11/89)

Cũng may, sau lưng người đàn ông tài hoa, hào hiệp với bạn bè, với đời luôn được trời phú cho một một người vợ chung thủy, đảm đang, chăm lo, chăm làm, cam chịu. Một mình cô làm thân cò bà Cử "nuôi đủ' cho 3 con ăn học tới nơi, tới chốn mà chẳng bao giờ biết đến đồng lương còi cọt của thầy!
Đời sống khó khăn, một mình cô bươn chải mà thầy thì cứ mãi lãng du. Bởi thầy là người của thế nhân thích lang thang khắp vạn nẻo đường trần! “Con tôm lội ngược”

“Con cua bơi ngang
Em thì em đi thẳng
Còn anh
Anh suốt đời lang thang...”

Nên lắm lúc chén bát trong kiềng cũng khua, hạt gạo còn sứt sẻo! Nhà ai dám bảo đã chưa từng xảy ra "chiến tranh lạnh"? Nhưng rồi sự im lặng- chịu đựng của cô đã làm sóng yên biển lặng!

“Về chuyện tình yêu của chúng mình
Nếu anh nói thật em không tin
Nếu anh không nói thì giả dối
Em trả lời sao, sao lặng thinh!”
(Em trả lời sao, Tháng 4/1990)

Con cái ngoan, học xong ra trường, đồng lương ít ỏi, nhiều lúc thầy cảm thấy không có lối thoát; đã có những khoảng lặng buồn trong đời thầy. Bởi "ông nghè" ông cử cũng "nằm co". Thầy cũng kiếm rượu giải sầu cho qua ngày đoạn tháng. Đọc bài thơ, nghe trong cái âm "eo" ở cuối vần thơ như lời buồn dài, tiếng thở dài trong đêm của thầy về sự đeo đẵng của đói nghèo nặng nề triền miên, meo móc mà xao lòng!

“Gắng học nghe con cứ cố đeo.
Nếu không sẽ dốt, nhục và nghèo
Nghe lời con cũng leo Tú- Cử
Chữ nghĩa chi nhiều lại đói meo.”

Thầy cũng tự trào lộng thật dí dõm, chua chát về cái nghèo của nghiệp giáo! Do đói thiếu mà bao năm vẫn giữ được cái dáng "thong dong, thẳng thớm" của nghề thầy không lẫn vào đâu được! Thầy ca ngợi cái dáng mà nghe cứ cay cay ở khóe mắt!( Năm ấy làm thầy em cũng có 50 kg). Có nhiều lúc ăn không khí, mang bụng không lên lớp, dạy đến tiết năm thì đói xâm xoàng. Về nhà chỉ có cơm tập thể, cơm với rau luộc nước mắm. Ăn xong nằm soãi ra giường ngủ lấy sức!

“Thẳng thớm thong dong được dáng thầy.
Nói năng đâu đó thấy hay hay.
Năm châu bốn biển đi mòn lưỡi,
Về vợ cho ăn nước mắm "Cay".

Về vợ cho ăn nước mắm "Cay".
Trưa hè mưa hột, mưa không mây.
Hỏi sao nóng quá cho ăn thế?
Vợ bảo: "ăn chay" mới thiệt thầy!”
             (Ăn chay, tháng 5/1981)

Có lúc thầy cũng châm biếm sâu sắc mà rất hài hước trước một vài biểu hiện lố lăng của xã hội. Bài thơ "Đã đời..." cũng thể hiện sự đầu tư công phu và vốn ngôn ngữ phong phú, cách chơi chữ tài tình của thầy. Bài thơ toàn phụ âm đầu là "đ".

“đôn đáo đã đời, đâu đến đâu!
đi đi đứng đứng đủ điên đầu
được đà đồ điếm đu đít đực
đêm đỏ điếc đui đổ động đào...”
                                 (Đã đời)

Nghiệp giáo thời bao cấp nghèo tiền gạo, nhưng giàu con chữ, con điểm. Thầy giáo là tỷ phú về điểm. Trong suốt 3 năm học, hiếm lúc nghe thầy quở mắng hay cho điểm kém bạn nào! Bao giờ thầy cũng tạo cơ hội để cho các bạn sửa chữa sai sót. Tâm thầy thật bao dung:

“Ước gì là cô giáo,
Mình sẽ giàu biết bao...
Mình có hằng trăm tỷ điểm.
Tha hồ mà tặng nhau.

Những số không kỳ dị.
Thả bong bóng bay cao.
Cả một, hai xấu xí,
Ai cất túi làm giàu.

Nếu được làm cô giáo,
Mình sẽ...sẽ rất hiền.
Chào các em mỗi sáng,
Và giảng giọng rất "Ziên".(Duyên)
Mình sẽ chìu tất cả!”
                  (Ước gì)

Đối ẩm Xuân Quý Dậu 1993, trong tim thầy dậy lên những cảm xúc. Khi kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập! Đời sống bắt đầu khởi sắc. Từ tiếng gà năm Ất Dậu 1945 báo hiệu sự ra đời của một con người tài hoa(Thầy sinh năm 1945) một sự đổi đời, đất nước độc lập, tự do. Lịch sử sang trang...! Gần 48 năm, đất nước luẩn quẩn trong đói nghèo, bần cùng lạc hậu bởi các bóng đen "Ó, diều, quạ, cáo luôn rình rập". Hai cặp câu thơ luật Đường đối nhau chan chát từng cặp từ, kết hợp lối ẩn dụ, liệt kê vừa chi tiết, vừa cụ thể về thực trạng xã hội! Thầy tin tưởng một ngày mai, gà Quý Dậu sẽ "mài cựa, xừng lông" đâm hết, mổ sạch lũ "Ó, diều, quạ, cáo" để tiến lên xây dựng đất nước "thái hòa"! Bài thơ đã thể hiện cái khí khái, cốt cách của một con người có tâm hồn lớn và niềm tin tưởng lạc quan khi nghe tiếng gà Quý Dậu vỗ cánh gáy báo bình minh! Nào ngờ bài thơ ấy cũng là khúc ca tiễn thầy về chốn "thái hòa" vĩnh viễn ở tuổi 49!

“Còn nhớ Thu xưa một tiếng gà
Cối xay hết thóc sốt xanh da
Ó, diều, quạ, cáo luôn rình rập
Đói, dốt, bệnh, nghèo luônn xốn xa
Mài cựa, xừng lông trừ mối mọt
Quay cuồng, rát cổ chống phong ba
Xuân này vỗ cánh ò o gáy
Mở cửa cùng nghe điện thái ca”
              (Xuân Quý Dậu, 1993)

Thầy luôn là loài hoa súng, hoa sen mọc giữa chốn bùn lầy nước đọng mà vẫn giữ được cái cốt cách cao khiết của bậc trí giả!

“Ở quê ta
có một loài hoa
Tên hoa súng.
Sống giữa bùn ao
Vẫn cố bám lên cao
Màu thanh khiết”
(Hoa súng quê ta)

Sau tất cả mọi chuyện đời, chuyện nghề, thầy đã sống và cho đi cái phần tinh túy "anh hoa phát tiết" của một kiếp nhân sinh! Và đã sống chết tan hòa vì mảnh đất La Gi xanh trời, xanh biển, xanh cỏ cây, xanh lúa ngàn! Có dãy thông reo cất tiếng ru thầy vào Cõi Hạc: Biển duềnh sóng Hạc thầy đi, Nghe phi lao thổi có khi thầy về!
Và đây bài thơ khắc bia thầy dặn lại:

HÁT KHÚC BÌNH YÊN
“Chẳng phải hướng dương, chẳng phải lài
Hoa đồng cỏ nội sống khoan thai
Văn năm ba chữ hơ hồn trẻ
Sử ít vài chương gợi sức trai
Có nước, có nhà và có vợ
Cho mình, cho bạn cả cho ai
Dế ơi điệp khúc "ngôn trường tận"
Ta "ngáy"- thường tình-mây gió bay!”
                                  Tháng 6/1981

                                                     Viết nhân giỗ lần thứ 24 của thầy
                                                                  Phan Dương Thy
                                                                      27/10/2018

Không có nhận xét nào: