BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

TƯỞNG NHỚ 20 NĂM NGÀY BÙI GIÁNG RA ĐI (7/10/1998)

Nguồn:
https://kontumquetoi.com/2018/10/02/tuong-nho-20-nam-ngay-bui-giang-ra-di7-10-1998/

          

                   TƯỞNG NIỆM 20 NĂM BÙI GIÁNG 
                   “ĐI LÀ ĐI BIỆT TỪ KHI CHƯA VỀ” 
                                        (1998-2018)

Năm 17 tuổi, đang học ở trường Viên Minh – Hội An, Bùi Giáng phải lòng và kết hôn với một nữ sinh xinh đẹp cùng tuổi cùng lớp – bà Phạm Thị Ninh. Kháng chiến nổ ra, Bùi Giáng bỏ học đưa gia đình vợ tản cư lên Trung Phước. Ngày ngày, Bùi Giáng cùng người em vợ là Phạm Văn Hoà vào núi chăn dê đọc sách. Ông Hoà, hiện đang sống ở Hội An, trí nhớ còn minh mẫn (thời điểm năm 2002 – tác giả), kể: “Dạo ấy chúng tôi thường thả dê ở Gò Lu, bầy nhiều cả trăm con. Gia đình khá nên chỉ nuôi chứ chẳng bán, cũng chẳng thịt. Anh Sáu Giáng thỉnh thoảng vắt sữa dê hâm nóng đưa cho cha mẹ và vợ. Đi chăn dê, ảnh mang theo cả gùi sách tây tàu, đọc miết”. Do phải trèo đèo lội suối tránh bom đạn, bà Ninh đã bị sẩy đứa con duy nhất của hai người. Rồi lam chướng núi rừng cuối cùng cũng đang tay cướp nốt người vợ nữ sinh phố thị của chàng thi sĩ, khi nàng mới tròn 26 tuổi.

“Em chết bên bờ lúa
Để lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con…

Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió…
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng”

    (Bờ Lúa – Mưa Nguồn).


             Nguyễn Đức Tùng
                                                            Theo Nguyễn Đức Tùng


               TÌM NƠI BÙI GIÁNG CHĂN DÊ
                                                        Trần Tuấn


         
               Bùi Giáng qua nét vẽ Đinh Cường. Ảnh TL

… Mấy mươi năm cầm bút gắn với vùng Quảng Nam, mỗi dịp đi về mạn trung du Duy Trinh, Trung Phước, ngược dòng Thu Bồn lên Hòn Kẽm Đá Dừng …, “trà dư tửu hậu” tôi lại được nghe râm ran những giai thoại về Trung Niên Thy Sỹ cùng dòng họ Bùi nhiều tiếng tăm – mà toàn những chuyện lưu truyền từ những năm Bốn Mươi của thế kỷ trước. Hôm nọ, có việc ngược đèo Le qua những gò đồi ruộng nương xanh ngắt men theo rặng núi Cà Tang, tôi được anh bạn thân gốc gác năm đời nơi đây chỉ: “Bãi thả dê xưa kia của Bùi Giáng. Còn kia là khu mộ họ Bùi …”.

Tôi sực nhớ Bùi tiên sinh từng viết về “đoạn đời 15 năm chăn dê nơi núi đồi Trung Việt …”. Vậy chính là nơi này đây, thuở nào chàng thi sĩ tuổi đôi mươi hàng ngày gùi sách lùa dê vào núi. Rồi chiều lại bên suối chàng kết vòng hoa cỏ đeo lên cổ “các em Vàng Đen Trắng Tía Hoa Cà …”, và đeo lên cổ chính mình cùng lời “thệ ước” hồn nhiên trong trẻo: “Ngẩng đầu lên ! dê ơi anh thong thả/Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh …/Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ/Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi/Trao người em trăm năm lời ước thệ/Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi …”

Đó là những câu trích từ bài “Nỗi Lòng Tô Vũ” (Tập Mưa Nguồn – NXB Hội Nhà Văn 1993). Bùi Giáng là trường hợp độc nhất vô nhị trong văn chương nước nhà. Tác phẩm của ông với hàng vạn trang viết gồm thơ ca, dịch thuật, triết, khảo luận … là một khối mịt mù những cuồng ngữ cao siêu. Cộng với những giai thoại kỳ bí mà suốt cuộc đời mê tỉnh 73 năm trời tới tận khi nằm xuống (ngày 7/10/1998), ông không thèm bận tâm minh định đúng sai. Nhưng nếu gạt đi tất cả những câu chữ điên loạn, cùng nhiều giai thoại không thực, sẽ thấy hiện ra một Bùi Giáng tỉnh táo hiền minh đến kỳ lạ. Một Bùi Giáng mang dáng dấp của một đạo sĩ suốt đời lang thang với ẩn ức khôn nguôi về những vẻ đẹp nguyên sơ đã mất, mà “NLTV” là một minh chứng. Tình yêu của chàng chăn dê giữa rừng núi hoang sơ với bầy dê của mình, cũng là xúc cảm với thiên nhiên cây cỏ, dù chính cuộc đời chàng đang trải muôn nỗi đắng cay, đã khiến cho “NLTV” trở thành một trong những thi phẩm trong sáng và trữ tình nhất của nền thơ Việt. Một áng “Những Vì Sao” trác tuyệt bằng thơ mà Bùi tiên sinh xứng danh là một Alphonse Daudet của Việt Nam.

“Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh

(…)

Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng
Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình

(…)

Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện
Anh lặng nghe em be hé sườn đồi
Khoanh mấy vòng tay anh thoăn thoắt bện
Vòng cho em từng chiếc sắp xong rồi


Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này đây em Hoa Cà hỡi ! chiếc nâu

Ngẩng đầu lên ! dê ơi anh thong thả
Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên ! đâu lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên

(…)

Vòng em xong, vòng anh riêng chiếc
Dành riêng mình – dê hỡi hiểu vì sao ?
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao”

(…)

Cảm xúc mê say ấy ta còn bắt gặp trong bài “Anh Lùa Bò Vào Đồi Sim Trái Chín” cũng viết trong giai đoạn này: “Anh lùa bò vào đồi sim trái chín/ Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim/ Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín/ Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh/ Anh nằm xuống để nhìn lên cho thoả/Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh/ Chim ngây ngất vào trong đôi mắt lả/ Anh lim dim cho chết lịm hồn mình …”

Nhưng mấy ai biết khi viết những vần thơ diết da vồ vập ấy, cũng chính là giai đoạn Bùi Giáng đang hứng chịu những bi kịch khủng khiếp. Vết gấp gãy ngày một lớn dần trong não bộ non trẻ của thi nhân, chi phối toàn bộ ý hướng sáng tạo về sau của ông cũng khởi phát từ những cú sốc đầu đời này.

Dòng họ Bùi gốc ở chợ Chùa, làng Thanh Châu, Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Khoảng từ những năm 30 của thế kỷ trước, nhiều người họ Bùi đã lên lập nghiệp ở vùng núi Trung Phước, xã Quế Trung huyện Quế Sơn và trở nên giàu có. Ông Nguyễn Dậu, nay tuổi ngót bát tuần ở thôn Khương Hạ nhớ lại: “Ruộng nhà ông Bùi Biên, tức Cửu Thứ kéo tít tắp từ núi Cà Tang tới Khương Nam (thôn 6 Quế Trung hiện giờ), khoảng vài cây số. Mỗi bận thăm ruộng ổng phải cưỡi ngựa. Giàu nhưng thương người. Mấy năm làng đói quá, ổng cho người đi rao, ai có sức thì ra ruộng nhà ổng mà gặt lúa về ăn, thoải mái, hạn trong vòng một ngày”. Thời kháng chiến I, mỗi dịp Trung thu thiếu nhi cả làng tập trung nơi nhà ông Cửu Thứ nhận bánh kẹo. Thân sinh Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, còn gọi là Cửu Tý – em liền kề ông Cửu Thứ, một người hay chữ nhất làng, nhưng bất đắc chí nên hơi “tàng tàng”. Nhiều người làng vẫn còn nhắc những vế đối hóc hiểm của ông. Lại có giai thoại sau: Bữa nọ, lớp Bình dân học vụ đang tập trung ở chợ Trung Phước thì ông Cửu Tý “phi” ngựa … tàu cau tới. Giáo viên bình dân học vụ mời ông “xuống ngựa” vào lớp, ông cả cười thách đấu chữ. Suốt cả buổi đôi bên bất phân thắng bại, nhưng kể từ đó ai cũng phải nhìn ông với con mắt nể vì.

Năm 17 tuổi, đang học ở trường Viên Minh – Hội An, Bùi Giáng phải lòng và kết hôn với một nữ sinh xinh đẹp cùng tuổi cùng lớp – bà Phạm Thị Ninh. Kháng chiến nổ ra, Bùi Giáng bỏ học đưa gia đình vợ tản cư lên Trung Phước. Ngày ngày, Bùi Giáng cùng người em vợ là Phạm Văn Hoà vào núi chăn dê đọc sách. Ông Hoà, hiện đang sống ở Hội An, trí nhớ còn minh mẫn (thời điểm năm 2002 – tác giả), kể: “Dạo ấy chúng tôi thường thả dê ở Gò Lu, bầy nhiều cả trăm con. Gia đình khá nên chỉ nuôi chứ chẳng bán, cũng chẳng thịt. Anh Sáu Giáng thỉnh thoảng vắt sữa dê hâm nóng đưa cho cha mẹ và vợ. Đi chăn dê, ảnh mang theo cả gùi sách tây tàu, đọc miết”. Do phải trèo đèo lội suối tránh bom đạn, bà Ninh đã bị sẩy đứa con duy nhất của hai người. Rồi lam chướng núi rừng cuối cùng cũng đang tay cướp nốt người vợ nữ sinh phố thị của chàng thi sĩ, khi nàng mới tròn 26 tuổi. “Em chết bên bờ lúa/ Để lại trên đường mòn/ Một dấu chân bước của/ Một bàn chân bé con…/ Đêm cuồng mưa khóc điên/ Trăng cuồng khuya trốn gió…/ Máu trong mình mòn ruỗng/ Xương trong mình rã riêng” (Bờ Lúa – Mưa Nguồn). Cũng trong năm ấy (1952), một quả bom của quân đội Pháp đã khoan trúng hầm gia đình ông Cửu Thứ, giết chết vợ chồng ông cùng 5 đứa con nhỏ. Bùi Giáng bấn loạn, dòng họ Bùi lần lượt tản mát phân ly … “Đoạn phim” của tuổi hoa niên, rồi phần đầu tuổi trẻ cứ chiếu chậm mãi, và rất nhiều khi ngưng đọng nặng nề trong suốt cuộc đời lang bạt khổ ải sau này.

     
        Ông Phạm Văn Hoà – em vợ Bùi Giáng – 
          người một thời từng cùng Bùi thi sĩ chăn dê nơi núi non Trung Phước
         (ảnh chụp năm 2002 – Ảnh Trần Tuấn)


      Từ năm 2016, thành phố Đà Nẵng đã có đường mang tên Bùi Giáng 
      – thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng 
      – Ảnh: Báo TT&VH

Từ đây có thể hiểu vì sao thi sĩ mượn hình ảnh Tô Vũ Mục Dương thời Hán Vũ Đế đặt cho tên bài thơ. Nỗi lòng Bùi Giáng không phải là nỗi lòng của kẻ bị đi đày trên chính quê hương mình, bằng chứng là suốt cả 15 khổ thơ với 60 câu của bài “NLTV” không hề có một câu chữ hay hình ảnh bi luỵ tuyệt vọng nào, mà ngược lại ! Thực chất, với một tâm hồn quá đa cảm, chất chứa tình yêu thương muôn loài như Bùi Giáng, thì những nỗi đau liên tiếp của số phận, của chiến tranh đã “cầm tù” trái tim ông, khiến một đời phải nghẹn ngào thổn thức: “Lỡ từ lạc bước chân ra/ Chết từ sơ ngộ màu hoa cuối cùng. Và hơn cả, chính cuộc sống tha hương xa quê nhà yêu dấu ngót bốn chục năm trường mới thực sự là một cuộc “đi đày” đối với ông.

Nhưng dù thế nào, chất nhân văn tuyệt đỉnh trong con người thi sĩ cũng không bao giờ mất. Có một giai thoại về Bùi Giáng sau năm 1975 thế này: Bữa nọ đang lai rai xị đế nơi vỉa hè Sài Gòn, Bùi thi sĩ vội lật đật trở về nhà, nói phải cho heo gà ăn kẻo chúng đói chết ! Một người bạn theo họ Bùi về nhà trong hẻm sâu gần ga Sài Gòn, mới phát hiện đàn heo gà vịt của thi sĩ toàn bằng … nhựa và đất sét, nhưng xung quanh là những cọng rau tươi, cơm gạo vung vãi (!). Người bà con của Bùi Giáng cho hay: “Phải chăm sóc cẩn thận, ảnh về thấy heo gà không có thức ăn ảnh khóc !”. Năm 1997 ở tuổi 72, trả lời phỏng vấn của tạp chí “Thời Văn“, thi nhân xứ Quảng đã rành rẽ về lý tưởng sáng tạo đời mình: “Anh em trí thức văn minh hãy biết rằng cái biết trừu tượng của mình về văn chương, triết lý, tôn giáo … chẳng có nghĩa gì mấy đâu. Nó vu vơ phảng phất không nghiêm mật chân xác thiết thực như cái biết của một người nhà quê làm ruộng, sớm lùa trâu đi cày, chiều lùa trâu xuống khe nằm mẹp xuống tắm gội không cần xà phòng.Và anh nông dân và thằng Cu Tý tha hồ vốc cát đáy khe tấp lên mình mẩy con trâu để chà xát cho kỹ càng, đã ngứa . Cái bàn tay người nông dân tiếp cận thiết tha cái làn da con trâu chung thuỷ cần cù, cái đó là cái luồng điện chạy khắp châu thân người và vật của vô tận tình yêu ! Ồ ! Thì ấy là tiếng nói của Lý Tưởng xa xôi âm thầm viếng tôi trong những giấc chiêm bao mộng mỵ …”.

Lý tưởng ấy, trái tim ấy của Bùi tiên sinh, với người trí thức văn nghệ hôm nay, học được quả không dễ …

                                                                   Trung Phước, 12/2002
                                                                             Trần Tuấn

..................

Ghi chú:
Bài đã in trong tập Kí sự “Uống café trên đường của Vũ” (Nxb Hội Nhà văn và Thái Hà Books, 2017), tác giả gửi Diễn Đàn nhân kỷ niệm 20 năm ngày thi sĩ từ trần (7.10.1998)
Đọc thêm: 
https://www.tienphong.vn/van-nghe/bui-giang-qua-dinh-cuong-1812.tpo

Không có nhận xét nào: