Nhà văn Đặng Kim Oanh
MỘT BÀI THƠ XA XÓT
Đặng Kim Oanh
Tôi và Cúc đã bao lần gặp nhau. Không biết nữa và tại
sao phải biết, khi thực ra chỉ cần gọi là có thể gặp, dù cách nhau 150 km.
Chúng tôi có bao nhiêu cuộc trò chuyện thâu đêm và cũng có bao nhiêu lần im lặng,
không ai nói câu gì nhưng ai cũng biết bạn đang nghĩ gì.
Chúng tôi thân nhau mà không giống nhau. Tôi có cuộc đời
suôn sẻ bao nhiêu thì Cúc lại trúc trắc bấy nhiêu. Nhiều khi tôi nghĩ chưa chắc
gì mình đã hiểu hết cái khổ Cúc mang.
Không ai chọn được số phận. Mình không bằng lòng, mình
cựa quậy vậy thôi chứ thực ra mọi thứ đã an bài hết rồi. Bất lực, nhưng cũng được
an ủi là ta chẳng có sai lầm gì đâu. Sai lầm sao được khi định làm gì lại luôn
nghĩ xem ai sẽ thiệt thòi, nếu là mình thì đồng ý, là người khác thì lại thôi tặc
lưỡi cho qua.
Tuy vậy, tôi tự cho là mình hiểu thơ Cúc, nên, cái việc
hầu như tôi không làm là bình thơ thì với Cúc tôi cũng làm. Coi như một cách
nhìn.
Tôi chọn bài "Lòng ta", nhiều người sẽ chọn
"Ca dao buồn". Và họ cho rằng người phụ nữ trong ấy chính là Cúc. Một
phần thôi, người ấy và nhất là cái dáng ấy, cái nhìn ấy là lòng Cúc với những
thân phận nghèo khổ, cô đơn. Nhưng Cúc đã ở trong "Lòng ta" rất rõ,
choán hết cả bài thơ.
"Ta
đến thành đô mà lòng không đến
Lòng
chẳng ở nhà, đứng đầu ngõ chơ vơ"
Cúc rất vui khi gặp tôi, gặp các bạn ở Phan Thiết, ở
Sài Gòn, ở Vĩnh Long... Nhưng thường thì Cúc không nói, chỉ im lặng nghe. Những
lúc như thế, đôi khi Cúc cũng chẳng nghe được gì, lòng Cúc đang ở đâu đó, trong
những suy tư, những tính toán cho con. Hay lòng Cúc quay về những tháng ngày
lên 9, lên 10 một mình gánh củi trong rừng chạng vạng, nghe tiếng tre chà xát
vào nhau kin kít như tiếng oan hồn. Hay lòng Cúc bỏng rát lên những trưa hè miền
Trung mơ ước có một đôi dép chưa đứt. Hay lòng Cúc lay động, leo lét theo ngọn
đèn dầu trên bàn thờ Đen Lai...tôi khó mà biết được. Chỉ khi đọc hai câu thơ
trên tôi mới thấy cái cô đơn của bạn. Ta đi rồi mà Lòng ở lại, Lòng chẳng dám
vào nhà vì ở nhà không có Cúc thì Lòng quá lo sợ, đành đứng ngoài ngõ, dùng dằng
mãi thế, xót lạnh mãi thế.
"Ta
đến thành đô mà lòng không đến
Không
mang theo lòng,
Ta
ngác ngác ngơ ngơ."
Cúc thì chỉ có Lòng thôi mà không mang theo được nên bấp
bênh, ngơ ngác. Người ta có thể không cơm áo, không gạo tiền, không bè bạn...nhưng
mấy ai không Lòng. Mà với Cúc lại như thế, bởi ngay cả Lòng cũng có lúc tách
ra, đứng ngoài Cúc, nhìn Cúc mà không đi theo Cúc nên cái cô đơn càng đo đếm được.
Hoá ra với Lòng mình Cúc cũng không có quyền nốt, nó ở đâu đó, đi hay không
cũng phụ thuộc vào buồn vui của nó.
Chữ " ngác ngác ngơ ngơ" của Cúc đã có lần
tôi đổi thành "ngơ ngác, ngác ngơ". Nhưng nghĩ lại, tôi thấy Cúc dùng
chữ đúng hơn bởi đây là tâm trạng của một người không suy nghĩ được làm sao cho
phải, chữ nào cho đúng thì dùng sai đi mới chính là thể hiện đúng tâm trạng của
mình.
Cái cô đơn ngay với cả chính mình được Cúc khắc hoạ
thêm:
"Có
những lúc ta ngồi như đá núi
Trầm
mặc trăm năm, cô quạnh ngàn đời"
Tôi không thích hai câu thơ này và nó không gây cho
tôi chút cảm hứng nào để bình nhưng nó lại là hình ảnh khiến cái cô đơn của Cúc
nặng nề hơn, bền bỉ hơn, theo đuổi Cúc mãi mãi.
Bốn câu cuối:
"Lòng
thương ta, lòng khe khẽ nói
Ồn
ào ngoài kia cũng là chốn không lời.
Ta
vỗ về lòng,
Đừng
đau nữa lòng ơi !"
Với tôi, bốn câu này mới chính là Cúc. Chỉ Cúc mới có
cái kiểu tách mình với lòng mình làm hai để tâm sự, để chia sẻ. Giống như với
chị, cái bóng của chính mình cũng giúp mình đỡ cô đơn:
"Thấy
tôi lẻ mãi không đành
Thương
tôi bóng ngả xuống thành hai, ba"
( Thương tôi bóng lẻ -
Nguyễn Lâm Cúc)
Và chỉ Lòng mới biết rằng chốn ngoài kia, ồn ào thế
cũng vô vị. Thật ra khi lòng mình đã mang một nỗi buồn đến "Trầm mặc trăm
năm, cô quạnh ngàn đời" thì làm gì có chốn nào vui. Cười cũng như một cái
nhe răng, nói giống như cái máy môi:
"Nhe
răng ra đếm nụ cười
Để
khoe cho hết một đời rỗng không"
(Để khoe cho hết - Nguyễn
Lâm Cúc)
Lòng đã khe khẽ chối bỏ hết thiên hạ để nói với Cúc,
và Cúc biết lòng nói như thế là nói dối, bởi ai chẳng biết vui cười sướng chừng
nào. Có lẽ lòng đau lắm vì Cúc buồn thế. Và thật bất ngờ khi Cúc viết
"Ta
vỗ về
Đừng
đau nữa lòng ơi".
Xin bỏ một chữ trong 2 câu thơ trên vì theo tôi, không
cần chữ "lòng" trong câu "Ta vỗ về lòng" bởi từ đầu đến cuối
chỉ có Cúc với Lòng thôi, có ai nữa đâu. Bây giờ lại đến lượt Cúc nói với Lòng
mình, nhưng không giả dối như Lòng, Cúc biết mình cần lắm những tiếng cười
trong vắt, cần lắm những niềm hy vọng thành sự thật, cần lắm cảm giác tràn ngập
niềm vui. Mình không được chỉ vì mình kém may thôi chứ ai mà thích khổ. Nhưng
không được thì thôi, Cúc vỗ về Lòng, bảo Lòng đừng đau nữa, có Cúc chia sẻ rồi.
Bài thơ này thực là Cúc, khi đối thoại với chính lòng
của mình, thực là Cúc khi buồn mà vẫn cố an ủi người khác, thực là Cúc khi ở
đâu cũng thấy cô đơn, thực là Cúc vì khi đọc lên tôi đau như ai cắt ruột mình.
Tôi không thích bình thơ vì tôi sợ hiểu nhầm người
khác. Thơ Cúc cũng vậy, có thể trong lúc bình này tôi đã nói những điều chưa phải.
Nhưng thơ Cúc với tôi là những hạt thóc sắc lẹm gặt từ mùa cô đơn. Tôi đem chúng
về cất giữ, lâu lâu, khi lòng tôi trùng xuống, tôi đem thơ Cúc ra phơi phóng,
quạt sạch tro bụi và tôi nắm chúng trong tay. Từng câu thơ như từng hạt thóc
đâm vào tay tôi làm tay tôi chảy máu, làm lòng tôi đau nhói. Nhưng tôi vẫn nắm
như thế, bởi tôi không thể nắm Cúc trong tay mà bảo rằng:
"Bạn
bè ơi, thế gian này.
Có
Hương, Oanh, Dung mới nở đầy hoa thơm".
(Không đề- Nguyễn Lâm
Cúc)
(Bài này lâu rồi, được khen nên sau đó có bình lung
tung nhiều bài khác)
Đặng
Kim Oanh
LÒNG
TA
Ta đến thành đô mà lòng
không đến
Lòng chẳng ở nhà, đứng đầu
ngõ chơ vơ
Ta đến thành đô mà lòng
không đến
Không mang theo lòng,
Ta ngác ngác ngơ ngơ.
Có những lúc ta ngồi như
đá núi
Trầm mặc trăm năm, cô quạnh
ngàn đời
Lòng thương ta, lòng khe
khẽ nói
Ồn ào ngoài kia cũng là
chốn không lời.
Ta vỗ về lòng,
Đừng đau nữa lòng ơi !
Nguyễn Lâm Cúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét