BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

NHỚ VỀ VÀM TẤN / ĐẠI NGÃI - Thơ Nguyên Lạc


        
                               Tác giả Nguyên Lạc


NHỚ VỀ VÀM TẤN / ĐẠI NGÃI
Gởi thi sĩ Trần Phù Thế & anh Phạm Bá Hoa (@)

Dẫn:

Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Anh ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi (ca dao)[1]
...
Muốn ăn ba khía, ốc len
Thì xuống Rạch Gốc khéo quên đường về
Ai mà muốn học thổi kèn
Nạo dừa hầm với ốc len ăn hoài”.(ca dao miền Tây)
...
Tháng bảy nước chảy Cà Mau
Tháng mười ba khía, hội kéo nhau đi làm
U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi (ca dao miền Tây)

Nhập:

Dặn lòng. đừng nhớ quê nghèo
Chợt đâu bạn nhắn lời nào thốn tâm !
Cái thời.  vụng dại xa xăm
Thân yêu Đại Ngãi. tợ sông vỡ bờ !

1.
Tha phương. xuân hạ tháng ngày
Hồn quê xưa cũ vẫn hoài trong tôi
Cái tên. Vàm Tấn tôi ơi !
Trăm năm. vẫn nhớ những lời ca dao
Ra sông. đổi nước ngọt nào *
Về nhà. trông trước. trông sau vắng nàng !
Hỏi ra. đã bỏ mất đàng
Theo trai. người nỡ phụ phàng tình tôi!

Cái tên. Đại Ngãi tôi ơi!
Làm sao quên được. một thời thiết tha?

Hồn xưa. trường cũ. bây giờ
Vẫn trong tôi. buổi chào cờ sớm mai
Điếng hồn. lời gọi trả bài
Đau tay. thước khẽ. thầy rầy nhớ không?

2.
Mươi năm. có đủ dài không?
Để quên con nước lớn ròng. Hậu giang
Để quên. xanh rũ hàng bần
Cầu tre lắt lẻo. con còng gió xanh [2]
Cái càng "tổ chảng"  "chành bành"
Kẹp tay rướm máu. buồn lòng tuổi thơ!
Bãi bùn. rượt chạy "có cờ"
Thòi lòi trố mắt. ngẩn ngơ lặng nhìn

Nhớ con "nước lợ" mùa lên
Ốc len. ken đặc. bụi dừa nước xanh [3]
Nhớ cua ba khía. đỏ càng
Nhớ mùi mắm khía. ngọt lòng dân quê [4]
Cá linh. theo nước mùa về
Nhớ con cá cháy. bụng sề trứng. ngon [5]

Ngọt ngào thời ấy. có còn?
Dịu hiền quê cũ. chưa mòn trong tôi!

3.
Đò ngang Nhơn Mỹ. thăm người [6]
Cồn tươi. trái ngọt. miệng cười lời trao
Sầu riêng. môi mớm tình nhau
Giờ đây bạc tóc. phố nào. nhớ thương !
.
Mất nhau. từ thuở đoạn trường !
Biệt ly. từ thuở bạo cường lên ngôi !
.
Nhớ đêm Đường Đức. tiễn người
Mãi trong tâm thức. bóng người bên sông
Ra đi là biết mù sương!
Cố an. tâm nhủ. vô thường sắc không

4.
Nhớ chi đến Cù Lao Dung?
Nghiệt oan người chịu. khóc thương người đành [6]
Tang thương. thấu tận trời xanh
Tử sinh. ly biệt. sâm thương. năm nào!

5.
Chiều nay. phố lạ xôn xao
Sao riêng cố quận. lòng nào bâng khuâng!

Quê giờ đổi lạ. phải không?
Sao ta không đổi. nỗi lòng quê xưa?

Đổi đi thôi. chắc cũng vừa !
Quên đi thôi nhé!
Tình xưa chắc rồi …!

        Nguyên Lạc


............................

Ghi chú và Giải thích:

* Đổi nước: thật ra là mua và bán nước ngọt (nước uống được), nhưng để tránh chữ "bán nước", người ta nói trại là đổi nước.
* Đường Đức, Nhơn Mỹ, Cù lao Dung là những địa danh
* Cây khoai mì (tên miền Nam) hay Sắn (tên miền Bắc)
* Phương ngữ, Khẩu ngữ (slang) miền tây nam bộ:
-- "Tổ chảng": "bự chà bá", "to tổ chảng" "chành bành"(to quá mức, bự quá mức thường thấy.
-- chạy "có cờ": chạy nhanh thành hàng
(*) nước lợ: nước pha trộn giữa nước mặn biến vào và nước ngọt, nước sông từ thượng nguồn đổ xuống
..........

[1]. Câu ca dao nầy Nguyên Lạc tôi đã hoạ vui như sau:
Giậm chân anh réo ông trời
Gây chi bao cảnh sầu đời thế ni ?
Thuận tay nhổ một cây mì
Gõ vào đầu ba cái tội gì nhớ thương! (Nguyên Lạc)

[2].

 a. Gọi còng gió, vì đây là loại còng chạy rất nhanh, tưởng có thể bằng cả tốc độ của gió. Mặc dù có bộ dạng nhỏ thó, nhưng đôi càng của còng gió đực (một lớn, một nhỏ) lại là vũ khí hết sức đáng sợ, càng nó rất khỏe, mép càng sắc như dao, kẹp có thể đứt thịt. Ở quê tôi, Đại Ngãi, Hậu Giang nơi các sông rạch, còng gió lớn cỡ ngón tay màu xanh blue rất đẹp
b. Cá thòi lòi ( Periophthalmodon schlosseri), là một loài cá thuộc họ Cá bống trắng (Gobiidae), Cá thòi lòi phổ biến nhất dọc các bãi lầy ở cửa sông, không ngập quá 2 m nước Loài cá này sinh sống trong hang hốc vét ở bãi lầy. Khi thủy triều xuống thì cá chui ra, nhất là những ngày nắng ráo.
Cá có khả năng di chuyển trên mặt bùn khá nhanh, gần như chạy nhảy. Với hệ thống hô hấp bằng phổi cá thòi lòi có thể thở trên cạn. Khi dưới nước thì dùng mang.
[3]. Ốc len
Mời các bạn thưởng thức món "Ốc len hầm dừa" của Tạ Phong Tần
"...Lấy tay bốc con ốc lên, kê miệng vô hút cái rột cho con ốc chạy tọt vô miệng, cái vị béo, vị mằn mặn, ngòn ngọt của nước cốt dừa hòa với mùi thơm của sả, vị ngon lạ lùng đặc biệt của con ốc len mà không có loại ốc nào có, tạo thành một vị ngon riêng không thể diễn tả bằng lời được, mà hãy cứ tự mình nấu rồi tự mình thưởng thức thì mới hiểu vì sao giá ốc len bán ở trên trời. Cho nên, người miền Tây có câu: “Ai mà muốn học thổi kèn/ Nạo dừa hầm với ốc len ăn hoài”.
Ăn ốc len hầm dừa chủ yếu là húp nước cốt dừa và “hửi” thêm mùi vị con ốc, thiệt là giá cho cái sự “hửi” này hơi bị cao chót vót, người nghèo ngó lên trẹo cổ như chơi.
Ăn ốc len phải thưởng thức từ từ mới thấm hết cái vị ngon của nó. Một phần vì nó quá ít, ăn như Trư Bát Giới ăn nhân sâm thì ở đâu có mà ăn, một phần vì con ốc nhỏ mà phải cầm lên mút mút, hút hút cho nó chạy thịt ra, làm sao mà nhanh được. Đôi khi chặt đuôi ốc cạn quá, hút ốc không ra, nước cốt dừa trong con ốc khô rang, không hút nữa mà bỏ con ốc trở vô chén của mình, cho nó thấm nước cốt dừa trở lại, một lúc sau lại bốc lên hút tiếp.

[4].
-- Mắm ba khía, là loại mắm được làm chủ yếu từ con ba khía (một loài họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn, trải từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía
-- Cá linh hay còn gọi là linh ngư (Henicorhynchus) là chi cá thuộc họ Cá chép (Ciprinidae). Chúng là các loài cá trắng nên chỉ thích hợp môi trường nước chảy.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá linh thùy (Henicorhynchus siamensis) là loài cá phổ biến. Vào mùa nước nổi, chúng bơi khắp các đồng rộng, sông dài, kinh to, rạch nhỏ. Chúng có nguồn gốc từ Biển Hồ của Campuchia . Tới mùa cả linh tràn về từ Biển Hồ quá nhiều, phải làm mắm, ủ nước mắm

[5]. CÁ CHÁY
Cá cháy. Có tên khoa học là Macrura ruversil, cá cháy cùng họ với cá trích nhưng có hình dáng lớn hơn, thường từ biển vào sông để sinh sản. Thông thường, cá cháy chỉ xuất hiện ở các lưu vực cuối nguồn sông Hậu là Vàm Tấn (nay là Đại Ngãi, Sóc Trăng), Tân Dinh (nay là Tân Quy, Cầu Kè, Trà Vinh) và nhiều nhất là ở Trà Ôn (Vĩnh Long).
Cá cháy Vàm Tấn con to nhất từ 1 đến 2kg, thân hình hơi dẹp, dài, xương mềm và có vảy phảng phất màu trắng bạc. Một số loại cá cháy cái mang cặp trứng to ở khoang bụng. Trứng cá cháy không chỉ hấp dẫn bởi vị béo không ngậy mà còn ở hương vị thơm ngon khiến nhiều du khách thèm thuồng muốn nếm thử.
Đặc điểm của con cá cháy là khi bắt lên khỏi mặt nước sẽ chết ngay. Do đó, người đánh bắt phải nhanh chóng chuyển cá vào bờ càng sớm càng tốt, nếu cá ươn thịt sẽ mất hết giá trị
Giờ đây con cá cháy miền Hậu Giang chỉ còn trong hoài niệm.Tuy chúng đã biến mất khỏi Hậu Giang, nhưng trong kí ức của nhiều người miền Tây vẫn còn in đậm hình ảnh của con cá cháy.

CÁ CHÁY VÀ SỰ RA ĐI KỲ BÍ CỦA CÁ CHÁY
http://khoadulich.vanlanguni.edu.vn/vn/menu-ben-phai/kien-thuc-chuyen-nganh/suu-tam/ca-chay-va-su-ra-di-ky-bi-cua-ca-chay.html

[6]. Quê tôi, xã Đại Ngãi (Vàm Tấn) huyện Long Phú - Sóc Trăng  tọa lạc ở bờ nam sông Hậu, đối diện ngang sông bờ bắc là Huyện Cầu Kè - Vĩnh Long. Đối diện giữa sông, bên phải là cù lao Dung chạy dài tới cửa biển Đông, bên trái là nhiều cồn nhỏ nổi song song nhau (với những bờ cây bần chạy dọc theo bãi) giữa là khe nước chảy êm đềm. (Dải đất nổi giữa giòng sông, lớn gọi là Cù Lao, nhỏ gọi là Cồn. Vàm là đất tại ngã ba sông)

a. Trước khi đến xã Đại Ngãi khoảng 3 km (2 miles) là xã Nhơn Mỹ, thuộc huyện Kệ Sách. Chợ xã Nhơn Mỹ tọa lạc trên bờ đất tại ngã ba bờ phải sông Hậu (hướng chạy ra biển) và rạch Nhơn Mỹ. Phía đối diện chợ Nhơn Mỹ, giữa sông Hậu là cồn Quốc Gia: Đây là nơi ông TT Nguyễn Văn Thiệu VNCH có lần ghé thăm, vì nó nổi tiếng trù phú với vườn sầu riêng và chôm chôm.

b. Cù Lao Dung (dãi đất dài nổi lên giữa sông, bắt đầu từ Đại Ngãi chạy ra tận cửa biển Trần Đề, dài ước lượng khoảng 20 - 24 cây số (12 - 14 miles) (?) ngang độ 1/2 cây số ( 1/4 mile), với "trại cải tạo" Cồn Cát nổi tiếng dành cho các sĩ quan "Ngụy" và những người vượt biển bị bắt.
Trong Cù Lao Dung và trong Đại Ngãi có rất nhiều rạch nhỏ, hai bên bãi bùn có rất nhiều dừa nước, bắt ngang rạch bởi những cầu đòn tre lắt léo. Nơi bãi bùn có nhiều còng gió, cá thòi lòi, ốc len... và các bụi ô rô, cóc kèn...

Phụ chú:

[@] Bài thơ nầy viết để trả lời thi sĩ Trần Phù Thế về bài thơ anh đã gởi tôi, Nguyên Lạc
Trở lại Đại Ngãi - Thơ Trần Phù Thế
https://sangtao.org/2018/10/04/tro-lai-dai-ngai/

Không có nhận xét nào: