BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH: SONG, SÔNG –Đỗ Chiêu Đức


                                                                
Song Sa vò võ phương trời,                                 
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
            
SONG SA 窗紗: SONG là cửa sổ, SA là Vải the hay lụa mỏng, nên SONG SA là rèm che cửa sổ bằng luạ hay vải the mỏng. Khi lần đầu tiên hội ngộ với Kim Trọng từ trưa đến xế chiều, Thúy Kiều đã phải:
                       
Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,                 
Giã chàng, nàng mới kíp rời SONG SA.
      

Còn khi một thân một mình thui thủi ở lầu xanh hết ngày này qua tháng nọ thì cụ Nguyễn Du đã tả hình bóng của Thúy Kiều một cách thật tội nghiệp:
                     
SONG SA vò võ phương trời,                 
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.                         
Lần lần thỏ bạc ác vàng,               
Xót người trong hội đoạn tràng đòi cơn!

SONG HỒ 窗糊: là cửa sổ được dán bằng giấy dầu có áo một lớp hồ cho cứng. Ngày xưa chưa có pha lê, nên cửa sổ thường được dán giấy hồ, gọi là CHỈ HỒ SONG 紙糊窗 để che gió che mưa. Ta thường gọi là SONG HỒ. Trong truyện thơ Nôm Bích Câu Kỳ Ngộ tả khi anh chàng Trần Tú Uyên mua được bức tranh của Giáng Kiều thì cứ treo ở trong phòng ngắm mãi không thôi:
                    
Mưa hoa khép cánh SONG HỒ,                  
Sớm khuya với bức họa đồ làm đôi.

      
Còn chàng Kim Trọng si tình thì khi đã mướn được căn nhà gần nhà của Thúy Kiều thì mỗi ngày cứ:
                        
SONG HỒ khép nửa cánh mây,               
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.
                           
SONG HUỲNH: HUỲNH là con đom đóm; nên SONG HUỲNH là Cửa sổ có ánh sáng của con đom đóm. Theo Xa Dận Truyện trong Tấn Thư 《晉書·車胤傳》có ghi lại tích:
      
XA DẬN 車胤 (333-401), tự là Võ Tử, văn học gia đời Đông Tấn, làm quan đến chức Lại Bộ Thượng Thư. Lúc nhỏ nhà nghèo, không có tiền mua dầu thắp đèn để học; trong những đêm hè ông phải bắt thật nhiều đom đóm bỏ vào trong bọc, rồi nương theo ánh sáng của các con đom đóm mà đọc sách, học hành. Vì tích nầy mà hình thành thành ngữ NANG HUỲNH DẠ ĐỘC 囊螢夜讀"Bắt đom đóm bỏ vào bọc để học ban đêm".
     
Trong văn học cổ dùng SONG HUỲNH, TRƯỚNG HUỲNH hay HUỲNH SONG để chỉ phòng học, nơi học tập. Như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của vua Lê Thánh Tông có câu:
              
Củi quế, gạo châu, kham khổ nằm chung trường ốc;             
SONG HUỲNH, án tuyết, dùi mài mến nghiệp thi thư.

    
Trong Truyện Kiều, khi Thúy Kiều chia tay với Kim Trọng về đến nhà, thấy cha mẹ đi mừng thọ ngoại gia còn chưa về, nàng bèn "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" đi tìm Kim Trọng lần nữa, trong cảnh:
                        
Nhặt thưa gương giọi đầu cành,                 
Ngọn đèn trông lọt TRƯỚNG HUỲNH hắt hiu.
     
SONG ĐƯỜNG 雙堂: là XUÂN ĐƯỜNG 椿堂 và HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂.

      * XUÂN ĐƯỜNG 椿堂 còn đọc là THUNG ĐƯỜNG. Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du 莊子·逍遙遊, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình. Nên XUÂN ĐƯỜNG là CHA.
      * HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂: HUYÊN là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ; nên HUYÊN ĐƯỜNG là MẸ.
     
SONG ĐƯỜNG là CHA MẸ, như trong truyện thơ Nôm "Phạm Tải Ngọc Hoa" có câu:
                        
Một là tủi phận thẹn gương,                     
Hai là báo đáp SONG ĐƯỜNG mà lo.
    
Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du gọi là HAI ĐƯỜNG, khi tả ông bà Vương viên ngoại cùng Thúy Vân và Vương Quan đi mừng sinh nhật ngoại gia:
                        
Ngày vừa sinh nhật ngoại gia,                    
Trên HAI ĐƯỜNG dưới cùng là hai em,                     
Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,                    
Biện dâng một lễ xa đem tấc thành.
 
         
      
SÔNG DỊCH chữ Nho là DỊCH THỦY 易水, bắt nguồn từ Huyện Dịch của vùng Trực Lệ, thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay. Theo Chiến Quốc Sách 戰國策 : Con sông nổi tiếng với tích Thái tử Đan của nước Yên đưa Kinh Kha sang sông để hành thích Tần Thủy Hoàng, với tiếng tiêu đưa tiễn bạn của Cao Tiệm Ly, nổi tiếng với lời ca khảng khái hào hùng:
               
風蕭蕭兮易水寒     Phong tiêu tiêu hề... Dịch Thủy hàn,  
壯士一去兮不復還。 Tráng sĩ nhất khứ hề... bất phục hoàn!
 
Có nghĩa:
             
Gió hiu hắt nầy... đây sông Dịch lạnh,             
Tráng sĩ ra đi nầy... chẳng hẹn ngày về!
      
Trong Hoài Cổ Khúc của Tương An Quận Vương Nguyễn Phúc Miên Bảo có câu:
                     
Sắp lưng quày quả lên yên,               
Bóng lìa sông Dịch, thây tan cung Tần!
     
Trong bài thơ Tống Biệt Hành của thi sĩ Thâm Tâm thời tiền chiến, đoạn cuối có câu:
                 
Sông Hồng chẳng phải xưa Sông Dịch                  
Ta ghét hoài câu... “nhất khứ hề”...
 
                                        Sông Dịch                                                     Sông Hồng
 
SÔNG NGÂN hay NGÂN HÀ 銀河 hoặc NGÂN HÁN 銀漢 gì đều chỉ Giải Thiên Hà 天河 là dải sao dày đặc vắt ngang lưng trời trông mờ mờ như dòng sông bạc, với truyền thuyết về truyện tình của Ngưu Lang và Chức Nữ mà trong dân gian Trung Hoa và Việt Nam không mấy người không biết đến. Trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải có câu: 
                       
SÔNG NGÂN đã bắc nên cầu,                   
Kẻo lòng Ngưu, Nữ lo âu cách lìa.
 
  
    
Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thì gọi là NGÂN HÁN khi ngắm sao nhớ người chinh phu ở nơi xa:
                       
Bóng NGÂN HÁN khi mờ khi tỏ,                       
Độ Khuê triền buổi có buổi không.
       
SÔNG TẦN tức TẦN XUYÊN 秦川. Vì từ XUYÊN có nghĩa là dòng sông, nên nhầm là Sông Tần; Thực ra TẦN XUYÊN là chỉ dải đất đồng bằng rộng lớn từ Lũng Sơn đến Quảng Đông, là vùng đất Trung nguyên, là nơi nhiều người quần cư, nên TẦN XUYÊN là từ phiếm chỉ Quê Hương, như trong Nhạc Phủ đời Ngụy Tấn bài Lũng Đầu Ca Từ《隴頭歌辞》魏晋樂府 có hai câu như sau:
                 
遙望秦川   Dao vọng Tần Xuyên,                  
心肝斷絕。   Tâm can đoạn tuyệt.
 
Có nghĩa:
                  
Tần Xuyên trông ngóng xa xa,           
Lòng đau như cắt nhớ nhà khôn khuây.
     
Trong Truyện Kiều lúc tiễn đưa Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, Thúy Kiều và Thúc Sinh đã chia tay đầy lưu luyến:
                    
SÔNG TẦN một dải xanh xanh,                
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan.                    
Cầm tay dài ngắn thở than,               
Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời...
                           
SÔNG TƯƠNG là TƯƠNG GIANG 湘江, còn gọi là TƯƠNG THỦY 湘水, là một nhánh lớn của sông Trường Giang chảy qua Quảng Tây, Hồ Nam, Trường Sa rồi đổ vào Động Đình Hồ. Tương truyền khi vua Thuấn đi tuần ở miền Nam, ngã bệnh và mất ở đất Thương Ngô. Hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm chồng và cùng tự trầm ở dòng sông Tương nầy. Trong một khúc cổ cầm có tựa là Tương Giang Oán 湘江怨 với lời từ của Lương Ý Nương 梁意娘, một nữ sĩ Hậu Chu đời Ngũ Đại ở đất Hồ Nam, trong đó nổi tiếng với các câu:
                   
君在湘江頭,  Quân tại Tương Giang đầu,                  
妾在湘江尾。  Thiếp tại Tương Giang vĩ.                  
相思不相見,  Tương tư bất tương kiến,                  
淚滴湘江水。  Lệ trích Tương Giang thủy!
 
Có nghĩa :
              
Chàng ở đầu sông Tương,              
Thiếp ở cuối sông Tương.             
Nhớ nhau mà chẳng gặp được nhau,             
Giọt lệ nhớ thương cùng nhỏ xuống dòng sông Tương!
 
Một dị bản của câu cuối là:
                  
同飲湘江水  Đồng ẩm Tương Giang thủy.
 
Có nghĩa là: 

Cùng uống nước của dòng sông Tương.
     
SÔNG TƯƠNG thường dùng để nói lên sự mơ ước nhớ nhung mến thương của lứa đôi, trai gái, người yêu, chồng vợ. Như sau khi trao đổi tín vật và hứa hẹn đá vàng thì Kim Trọng và Thúy Kiều càng tưởng nhớ nhau hơn:
                      
Từ phen đá biết tuổi vàng,              
Tình càng thắm thía dạ càng ngẩn ngơ.                   
SÔNG TƯƠNG một dải nông sờ,                 
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia!
     
Mãi cho đến hiện nay, SÔNG TƯƠNG vẫn còn là dòng sông tương tư thương nhớ của văn nhân thi sĩ và cả nhạc sĩ nữa. Khoảng thập niên năm mươi của Thế kỷ trước, giới thanh niên tuổi trẻ ai mà không biết đến bản nhạc "AI Về SÔNG TƯƠNG" của nhạc sĩ Thông Đạt. Cho đến hiện nay giới ca nhạc trong nước cũng như hải ngoại vẫn còn hát mãi "Ai có về bên bến SÔNG TƯƠNG, nhắn người duyên dáng tôi thương...."
     
Mời bấm vào link dưới đây để nghe nhạc.
 
https://www.youtube.com/watch?v=aAEvoZJ-SKU    
 
     

Ai Về Sông Tương - Thái Châu | Hollywood Night 01
 
Hẹn bài viết tới!
                                            
                                                                                 杜紹德
                                                                         ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Không có nhận xét nào: