BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2023

BÍ MẬT HÀN MẠC TỬ (KỲ 9): MỘNG CẦM - NGÀY ẤY, BÂY GIỜ - Phanxipăng

                                                      Kỳ 9
Mộng Cầm & Phanxipăng tại Phan Thiết đầu Xuân Tân Tị 2001. Ảnh: Võ Nguyên

Với Hàn Mạc Tử, có thể nói Hoàng Hoa là mối tình đơn phương thì Mộng Cầm là tình yêu “có qua có lại... nhưng chưa toại lòng nhau”. Trong hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôi (tlđd, tr. 32-33), Thiện Nam Nguyễn Bá Tín viết:

“Mối tình giữa hai người [Hàn và Mộng] đã có một thời sôi nổi trong giới văn nghệ sĩ, họ bàn tán thêu dệt theo cảm ý hay suy đoán của mỗi người. (...) Chưa ai biết rõ mối tình đó ra sao cả. Gia đình chị [Mộng Cầm] cũng không hề hé răng tiết lộ, dù là để thanh minh”.

Thực tế, chính Mộng Cầm từng mấy lần trả lời phỏng vấn báo chí quanh mối tình lãng mạn của mình. Trên báo nguyệt san Phổ thông số 63 bộ mới (Sài Gòn, 15-8-1961), nhà văn Châu Hải Kỳ đã ghi lại lời Mộng Cầm:

“Năm ấy tôi 17 tuổi, học lớp nhất [tương đương lớp 5 bây giờ] trường Nam Phan Thiết. Tuy mới chỉ học lớp nhất, nhưng tôi rất ham văn chương. (...) Những bài thơ tôi làm ra toàn những bài thơ Đường luật, tôi đăng báo Công Luận trong Nam. Một hôm đến trường, tôi tiếp một bức thư do nhà dây thép [bưu điện] đưa lại. Đó là bức thư đầu tiên Hàn Mạc Tử gửi cho tôi. Trong thư, Hàn Mạc Tử tỏ ý cốt tìm cho biết để giao thiệp trau luyện văn thơ. Tôi có gặp trên báo tên Hàn Mạc Tử đôi lần, nhưng không biết Hàn Mạc Tử là ai, và cũng không biết bằng cách nào, Hàn Mạc Tử biết được địa chỉ của tôi. Vì lúc này, theo như bức thư gửi cho tôi, Hàn Mạc Tử đang làm Sở Đạc điền ở Quy Nhơn. Tôi bận học thi tiểu học, cho nên một tháng sau tôi mới trả lời. Bắt đầu từ đó, chúng tôi thường có thư từ đi lại với nhau (...). Chúng tôi giao thiệp như thế được chừng năm, sáu tháng thì tôi phải về Quảng Ngãi. Cuộc giao thiệp gián đoạn. Về Quảng Ngãi, tôi gặp một người bạn học cũ mới hay chính chị bạn tôi đã quen với Hàn Mạc Tử, đã giới thiệu tôi với Hàn và cho Hàn địa chỉ. Chị cũng cho biết Hàn Mạc Tử mới thôi làm Sở đạc điền, vào Sài Gòn viết giúp các báo Sài Gòn mới [?] và Phụ nữ tân văn. Ở Quảng Ngãi mấy tháng, tôi vào Phan Thiết. Tôi ra Mũi Né học “cô đỡ” [hộ sinh] với cậu tôi là ông L.Q.T. [Lê Quang Thuần, hiệu Tùng Khuê]. Tình cờ, đọc Sài Gòn Mới, cậu tôi thấy Hàn Mạc Tử nhắn trong mục thư tín: “Chị Mộng Cầm ở đâu, cho biết địa chỉ...”. Ông mới hỏi tôi: “Hàn Mạc Tử là ai mà cứ nhắn hỏi cháu hoài, sao cháu không trả lời?”. Tôi kể câu chuyện quen biết trong mục trau luyện văn chương cho cậu tôi nghe. Cậu tôi cho phép, tôi viết thư cho Hàn Mạc Tử. Thư từ đi lại mật thiết trong mấy tháng thì một chiều thứ bảy nọ, vào khoảng tháng tư, tháng năm, Hàn Mạc Tử ra Phan Thiết. Anh mướn tàu đi Mũi Né tìm đến bệnh xá. Tôi đang làm thuốc cho bệnh nhân, ông phu [y công] vào đưa cho tôi tấm danh thiếp trên có đề mấy hàng: HÀN MẠC TỬ - Chef Corcle d’Etude - Quynhon [?]. (...) Tôi đi ra thì thấy một thanh niên mặc âu phục xoàng xĩnh đang đứng ở cửa bệnh xá. Sau khi chào hỏi, tôi mời vào nhà, giới thiệu với cậu T. Cậu để cho chúng tôi tiếp chuyện tự nhiên. Kể ra, vào thời nam nữ cách biệt mà được như vậy cũng đã là tự do lắm. Hàn Mạc Tử xin cậu tôi, sẵn có đò, cho phép tôi đi Phan Thiết chơi, luôn tiện nhờ tôi giới thiệu với Bích Khê [họ tên thật là Lê Quang Lương, em út của Lê Quang Thuần và là cậu ruột của Mộng Cầm] mà anh hằng ao ước tìm gặp. Cậu tôi bằng lòng. Và tối hôm đó, chúng tôi xuôi đò về Phan Thiết. Gặp hôm có trăng, nhưng chúng tôi không ngồi trên mui thuyền để ngắm sông nước mà ngồi trên khoang để nói chuyện. Hàn Mạc Tử không đẹp, nhưng nhỏ nhẹ, dễ thương. Hồi này anh mới 24 tuổi [vào năm 1936], song trông người anh yểu tưởng, tôi in trí thế nào anh cũng không thọ. Nhờ ngọn đèn sáng dưới đó, tôi đã ngờ ngay từ hôm đó là anh có bịnh phung, hai trái tai anh hơi đỏ đỏ mà dày dày. Vì có học ở nhà thương nên tôi biết triệu chứng. Tuy vậy, tôi chưa dám chắc. (...) Đò đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mạc Tử đến trường Hồng Đức [nay là nhà số 28 đường Trưng Trắc, phường Đức Nghĩa, bên bờ sông Cà Ty], cậu Bích Khê tôi dạy tại đây. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều lại, anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu Bích Khê bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức. Vì lẽ đó mà Hàn Mạc Tử ra vào thường, thứ bảy nào anh cũng có mặt tại Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào. Một dịp thứ bảy đi chợ lầu ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi trả lời anh: “Chắc rằng không thể đến chỗ làm bạn trăn năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng”. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau. Nhưng thật ra vì biết Hàn Mạc Tử mắc bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được [?]. Ý tôi muốn một người chồng đẹp đẽ, tráng kiện... Tuy vậy, chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều bức thư anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi luôn luôn nguỵ biện để từ chối...”
 
Nhà văn Châu Hải Kỳ ngắt lời bằng câu hỏi:
“Bà không muốn đến hôn nhân, nhưng đối với Hàn Mạc Tử, có lúc nào bà cảm thấy yêu không? Và trong những cuộc tình giao du thân mật đã có lần nào thi sĩ tỏ thái độ suồng sã với bà chưa?”

Mộng Cầm đáp:
“Chúng tôi rất mến nhau. Nhưng đó là mối tình văn thơ. Còn xác thịt hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng. Vả lại, lúc bấy giờ, tôi tuy đã lớn tuổi, nhưng vẫn còn khờ lắm...”.
 
Trong cuốn Hàn Mạc Tử - Hương thơm và Mật đắng (sđd, tr. 124-125), Trần Thị Huyền Trang nêu ý kiến cùng chứng cứ:
 
“Câu trả lời của Mộng Cầm khiến nhiều người có ý nghĩ: bà phủ nhận tình yêu của mình đối với Hàn Mạc Tử. Chính vì thế mà một lần thi sĩ Quách Tấn hỏi nhà thơ Bích Khê: “Mộng Cầm có yêu Hàn Mạc Tử thật sự chăng?”. Bích Khê trả lời: “Không yêu mà chiều thứ bảy nào, Tử cũng ra Phan Thiết để cùng Mộng Cầm đi chơi với nhau cho đến chiều chủ nhật hôm sau mới vào Sài Gòn. Hai bên giao tiếp thân mật với nhau ngót hai năm trời mà nếu không yêu nhau thì chỉ có gỗ đá!”. (...) Việc Mộng Cầm đi lấy chồng sau khi Hàn Mạc Tử ngã bệnh bị Bích Khê kịch liệt lên án. Thi sĩ Quách Tấn quan niệm việc Mộng Cầm đi lấy chồng là lẽ tất nhiên và nàng không đáng trách. Cái đáng trách của Mộng Cầm, theo ông, là ở chỗ từ chối một sự thật của lòng mình. Đây là lời thi sĩ Quách Tấn nói với một người bạn: “Tôi đã từng đọc thư Mộng Cầm gửi cho Tử. Nếu anh được xem bức thư nàng gửi cho Tử năm 1936 lúc anh Mộng Châu bị tai nạn mất ở Phú Yên, chỉ xem một bức thư ấy thôi, thì anh cũng có thể đo được mức thiết tha của tình yêu đôi bên... Thôi nàng đã có chồng rồi, nhắc lại không hay ho gì”.
 
Bức thư ấy vốn đã được Trần Thanh Mại công bố từ năm 1942 trong chuyên luận Hàn Mạc Tử (sđd) với nguyên cả đoạn như sau:
 
“Lệ Thanh [một bút danh của Hàn] anh ơi! Em không thể ra tận ngoài ấy để đưa linh cữu (ông anh cả) về nơi an nghỉ cuối cùng. Vậy anh cho phép em thành tâm cư tang cho ông anh một năm cũng như anh, nghe anh. Ở trên mấy từng mây, vong linh của ông anh cả nếu có linh thiêng, nên nhận người đang cầm bút biên mấy hàng trên đây là người em dâu chắc chắn, nhất định của ông anh rồi. Vậy ông anh nên phù hộ cho chúng em thương nhau cho đến bạc đầu...”
 
Nếu xét kỹ lời Mộng Cầm thuật với nhà văn Châu Hải Kỳ, bạn đọc hẳn thấy người thục nữ sanh giữa thời vô thượng vì những lý do tế nhị nên lúc đó không khẳng định thẳng thắn các câu hỏi của người phỏng vấn, song cũng chẳng phủ nhận hoàn toàn nghĩa cũ tình xưa. Còn bây giờ, có lẽ thời gian và hoàn cảnh đủ cho phép người trong cuộc thoải mái “bật mí” nhiều điều? Nghĩ vậy nên chúng tôi tìm về Phan Thiết để tìm gặp Mộng Cầm vào đầu Xuân Tân Tỵ 2001, nhờ sự dẫn đường của nhà giáo Nguyễn Hùng Việt - con rể bà.
 
Nhà của Mộng Cầm Huỳnh Thị Nghệ ở xã Phong Nẫm, ngoại thành Phan Thiết. (2001). Ảnh: Phanxipăng

Tại nhà riêng ở thôn Xuân Phong, xã Phong Nẫm, ngoại thành Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, bà Mộng Cầm tỏ vẻ rất niềm nở khi tiếp chúng tôi. Bà nói rất rành mạch:

- Tôi sinh ngày 17-7-1917 ngoài Nghệ An, nhưng quê quán Quảng Ngãi. Tính ra đã 84 tuổi rồi. Tuy vậy, chỉ khó khăn việc di chuyển, đi đứng phải chống gậy, phải nhờ người dìu, chứ tôi ăn ngủ vẫn khoẻ, đọc viết vẫn tốt, trí óc vẫn minh mẫn. Mộng Cầm là bút hiệu mà nhà thơ Bích Khê, cậu Chín của tôi, đặt cho tôi hồi tôi tập tễnh làm thơ đăng báo. Họ tên thật của tôi là Huỳnh Thị Nghệ, chứ đâu phải Lê Thị Nghệ như có sách đã viết sai [chuyên luận Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử của Vũ Hải - sđd, tr.115]. Ngoại tôi mới họ Lê. Bên nội tôi họ Huỳnh. Cha tôi là Thị độc học sĩ Huỳnh Quang Lâm đó...
 
Nhắc đến mối quan hệ với Hàn, bà cười:
- Có những chi tiết, sách báo lâu nay viết chưa đúng hoặc chưa đủ. Mà thôi, nào có hề gì! Chỉ tiếc những kỷ vật của Hàn đều mất sạch vì thời cuộc, dù tôi cố giữ kỹ. Đó là toàn bộ thư từ Hàn đã gửi cho tôi, gồm 41 lá cả thảy. Thư nào anh cũng kèm theo 1 -2 bài thơ. Nhiều bài nay tôi vẫn thuộc lòng. Đó là còn tập thơ Gái quê của Hàn in năm 1936, có chữ anh đề tặng tôi. Nhớ khi tập Gái quê mới in xong, tôi đang về Quảng Ngãi, anh từ Quy Nhơn đem ra mấy chục quyển, nhờ tôi bán giùm. Giá bìa tập thơ đề “3 cắc 6”, tôi chào bán 3 cắc rưỡi, cho mau. Biết chuyện, Hàn cười: “Anh bán thơ chứ đâu bán giấy!”
 
Chúng tôi hỏi về bức thư Mộng gửi Hàn năm 1936 mà Trần Thanh Mại từng trích dẫn thì bà gật đầu thừa nhận và tiếp:
- Yêu nhau, lứa đôi nào cũng muốn nên chồng nên vợ. Nhưng trong đời, đâu phải ai cũng “muốn là được”.
 
Được biết, bà Mộng Cầm trải qua hai đời chồng. Người chồng đầu là ông Nguyễn Thới, nhà giáo có với bà 3 mặt con (2 trai, 1 gái, con trai cả là Nguyễn Đình Thiết sinh năm 1938). Chồng đầu mất, bà tái giá với ông Hồ Lộng Địch, nhà sản xuất và kinh doanh, sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai).
 
Trước lúc chia tay chúng tôi, bà chép tặng bài thơ Chan chứa của bà như khẳng định mối tình Hàn - Mộng:
 
Cả năm chỉ có một lần xuân
Nhưng với lòng em xuân mỗi tuần
Thơ thấm tâm hồn hoa nở nhuỵ
Cạn dòng tâm sự được bao lần.

Em cứ tưởng rằng em với anh
Như hình với bóng dưới màn đêm
Hoàng hôn đã khóc niềm chung thuỷ
Đau đớn tình anh khăng khít thêm
 
Cho nên không thể nói không yêu
Mà nói rằng yêu, yêu rất nhiều
Trời đất ngập tràn thơ vĩnh biệt
Lòng em chan chứa biết bao nhiêu.
                                MỘNG CẦM
 
Tham quan những thắng tích ở Phan Thiết như Mũi Né, lầu ông Hoàng, chùa Ông, Bia Đài - Những điểm xưa kia Hàn và Mộng từng lưu dấu, chúng tôi sực nhớ hình ảnh so sánh do nhà thơ Chế Lan Viên đưa ra khi đề cập về những mối tình của Hàn:

“Người này cho anh ân nghĩa, người kia cho anh vết thương, và chính từ vết thương mà con trai đáy bể làm ra viên ngọc”
(trích lời tựa tuyển tập Thơ Hàn Mạc Tử do Sở Văn hoá - Thông tin Nghĩa Bình xuất bản năm 1987). Bao chuỗi - ngọc - thơ lấp lánh của Hàn đã kết tinh từ vết - thương - tình mang tên Mộng Cầm:
 
Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi hoá dại khờ
                   (Những giọt lệ)

Mộng Cầm Huỳnh Thị Nghệ từ trần tại nhà riêng ở Phan Thiết, Bình Thuận, lúc 21 giờ rưỡi ngày 23-7-2007 nhằm mùng 10 tháng 6 năm Đinh Hợi, thọ 90 tuổi. 

                                                                                       Phanxipăng
*
Nguồn:
https://www.thivien.net/B%C3%AD-m%E1%BA%ADt-H%C3%A0n-M%E1%BA%A1c-T%E1%BB%AD/a-reply-mz8hO4-xm_bQYO5dbc_rLg

Không có nhận xét nào: