(Nhân
Tập Sách “Nguyễn Bắc Sơn - Tác Phẩm & Dư Luận”. NXB Hội Nhà Văn Vừa Xuất Bản)
DỌC ĐƯỜNG VĂN NGHỆ
Trong quá trình viết lách, mình sợ và ngại nhất mảng
viết nhận định, lý luận phê bình, khảo cứu, tiểu luận...
Thực tế mình thường "né", hay thoái thác khi được "đặt bài"
Ở lĩnh vực này, mình nghĩ cũng khó như (hay hơn) sáng tác.
Ở lĩnh vực này, người viết cùng với sự uyên bác, uyên thâm trong kiến thức, kiến văn, còn có sự quyết liệt, sòng phẳng và hòa ái, thâm trầm.
Mình đã từng ngây ngất, sung sướng, bàng hoàng khi đọc
các tiểu luận, nhận định của Võ Phiến, Chơn Hạnh Trần Xuân Kiêm, nhất là Phạm
Công Thiện và Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu...
Thế mà khi anh H.H.Â. biên tập cho tạp chí Văn Nghệ
Bình Thuận, nhờ viết bài về Nguyễn Bắc Sơn, nhân dịp gia đình anh vừa xuất bản
tập "Nguyễn Bắc Sơn tác phẩm và dư luận" mình đã nhận lời.
Đơn giản là vì anh với mình là anh em thân tình từ trước 1975.
Những năm mình lớp 7, lớp 8, anh, lúc ấy đã thành danh, cùng với nhà thơ Sương Biên Thùy (Lê Văn Chính, Lê Mai Lĩnh) đỡ đầu Thi Văn Đoàn Quê Mẹ của bọn mình ở Phan Thiết.
Bài viết dù còn sơ sài, phiến diện, nhưng xem như một nén tâm hương tưởng nhớ anh.
Có một điều ngộ và vui là sau khi tạp chí VN Bình Thuận
đăng. Tuần báo Văn Nghệ (HNV) cũng đăng. Có một người bạn nhà thơ, quen nhau ở
trại sáng tác Hà Nội từ năm 2002. Tình cờ đọc báo VN, biết mình vẫn còn sống
(Hiiihi) đã tìm cách liên lạc...
DỌC ĐƯỜNG VĂN NGHỆ
Thực tế mình thường "né", hay thoái thác khi được "đặt bài"
Ở lĩnh vực này, mình nghĩ cũng khó như (hay hơn) sáng tác.
Ở lĩnh vực này, người viết cùng với sự uyên bác, uyên thâm trong kiến thức, kiến văn, còn có sự quyết liệt, sòng phẳng và hòa ái, thâm trầm.
Đơn giản là vì anh với mình là anh em thân tình từ trước 1975.
Những năm mình lớp 7, lớp 8, anh, lúc ấy đã thành danh, cùng với nhà thơ Sương Biên Thùy (Lê Văn Chính, Lê Mai Lĩnh) đỡ đầu Thi Văn Đoàn Quê Mẹ của bọn mình ở Phan Thiết.
Bài viết dù còn sơ sài, phiến diện, nhưng xem như một nén tâm hương tưởng nhớ anh.
Dọc đường Văn nghệ, đôi khi ta gặp những niềm vui nho nhỏ như vậy đấy...
Lương Minh Vũ
“Ở Đời Như Một Nhà Thơ Đông Phương” là tên một bài thơ cùa Nguyễn Bắc Sơn. Trước, tôi không biết đến bài thơ này, dù đã đọc và thuộc thơ ông khá nhiều. Lý do là kẻ hậu bối. Không đọc được bản gốc tập “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” đã tuyệt bản sau năm 1972. Cho đến sau bảy lăm. Khi xuất bản tập thơ thứ hai. Ông đã in và lấy tên bài thơ này làm tựa chung cho cả tập. Lúc ấy, tôi cứ tưởng bài thơ mới làm. Nhưng khi trò chuyện, được ông cho biết, đó là bài thơ cũ, in lại. Nó đã có trong tập “Chiến tranh Việt Nam & Tôi”. Và tôi cũng vỡ lẽ…
Bài thơ ngắn, “hiền hòa”, khiêm tốn. Có vẻ bị “chìm” bên cạnh những bài thơ khác đầy u uất và dữ dội, bi thiết và bi tráng rất nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi đến tận bây giờ. Nội dung bài thơ, thể hiện một cách nhìn, một cảm quan của ông với vũ trụ nhân sinh. Nó phản phất bóng dáng của Kahlil Gibran, Tagore… là những tên tuổi thời thượng, đang được ưa chuộng ở miền Nam thời bấy giờ. Những phát lộ kiểu như: “hiểu được giọt nước là hiểu cả đại dương. Ngồi một chỗ mà thấu triệt càn khôn vũ trụ. Cái Brahman vĩ đại nằm trong cái Atman vi tế. v.v…” Nghĩa là không mới lạ với những ai quen với truyền thống văn hóa và triết luận đông phương, nhất là với tư tưởng Phật giáo.
Và tôi đồ rằng, đây cũng không phải là bài thơ tâm đắc nhất của ông.
Vậy thì tại sao ông lại chọn nó làm chủ đề cho tập thơ thứ hai (cũng là tập cuối cùng) ra đời sau thời gian rất lâu sau tập “Chiến Tranh Việt Nam & Tôi” nổi tiếng với nhiều bài thơ hay, với biết bao chủ đề thế sự nóng bỏng và hiện đại cho ông lựa chọn?
Tôi cho rằng: Tất cả đều nằm trong lý tưởng, khát vọng và hoài vọng của Nguyễn Bắc Sơn.
Tôi cho rằng: Nhà-Thơ-Đông-Phương là một hình tượng mà suốt đời, bằng cả ý thức và vô thức, ông khát khao vươn tới. Nhà-Thơ-Đông-Phương, trong tâm thức ông, không chỉ là một người làm thơ ở phương đông. Mà nó còn mang một thuộc tính cao cả hơn nhiều: Là một hiền triết phương đông, một tiên tri thấu thị, hay xa hơn: một Bồ-Tát-Nghệ-Sĩ (Bodhisattva-Artiste).
Và ông đã thất bại. Vì khát vọng luôn là ảo vọng. Lý tưởng là ảo tưởng. Dĩ nhiên ông cũng hiểu được điều này. Lý tưởng cao cả luôn mâu thuẩn với thực tế thấp hèn. Biết vậy nhưng ông không cam tâm. Ông vùng vẫy trong sự thất bại đó. Và người ta gọi sự vùng vẫy đó là THƠ. Còn với ông, thơ chỉ là cách để ông vơi đi khối mâu thuẩn, sự dằn vặt, nỗi cô đơn u uất. Thơ là cách để ông bày tỏ thái độ với thực tại cuộc sống. Mà cuộc sống thời ông đầy những bi kịch của một thế hệ tuổi trẻ đã trực tiếp tham dự chiến tranh, trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Nói cách khác, thơ đối với ông chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh.
Thấy được điều này, sẽ cho ta dễ dàng hơn, khi tiếp cận, tìm hiểu thi pháp Nguyễn Bắc Sơn.
Vậy thi pháp Nguyễn Bắc Sơn là gì?
Thật ra, đặt vấn đề thi pháp là do những người yêu thích thơ ông. Họ muốn hiểu quy luật, căn nguyên nào chung quanh những câu chữ, khiến người ta rung cảm, xao xuyến. “Bí quyết” gì khiến những bài thơ hay. Chứ còn đối với ông, tôi nghĩ, chẳng thi pháp gì cả. Nói thi pháp là nói đến hình thức biểu hiện. Mà ông thì không bận tâm đến hình thức. Nội tâm ông tiếp nhận ngoại vật, cọ xát, va chạm, xung đột. Và nội tâm phản ứng bằng cách bật ra thơ. Vậy thôi.
Và cái cách “bật ra thơ” của ông cũng rất đặc biệt, khác người: nói thẳng, nói huỵch toẹt. Không ngại sỗ sàng và dung tục. Nó gần với văn xuôi hơn là thơ. Một thứ văn xuôi không cần trau chuốt, gọt giũa, bất chấp tu từ pháp. Có lúc như văn nói: “Khi tao đi lấy khẩu phần/ Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao/ Chúng mình nhậu để trừ hao”/… /“Vì đàn bà người nào cũng như người nấy/…nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy”/… /“Tôi không muốn tranh luận về vấn đề mại dâm/…nếu không có các nhà điếm tại bốn quận miền bắc”…và còn nhiều nữa… Tức là cái đích của ông không phải là một bài thơ, một tác phẩm hoàn bích, toàn mỹ. Phải chăng, mục đích của ông khi làm ra những bài thơ, là tự nó sẽ quay lại an ủi, xoa dịu tâm hồn ông. Giúp ông tìm sự thăng bằng trong cuộc sống.
Cho nên về hình thức, ông thường dùng thể thơ bảy, tám chữ, thơ tự do, rất ít thể lục bát. Không có ngũ ngôn tứ tuyệt, là một thể cùng với thể haiku là đặc trưng của thi ca đông phương: kiệm chữ, ẩn dụ, ý tại ngôn ngoại. Mỗi chữ đều có sức nặng, không thể thay đổi hay thêm bớt.
Chính vì không coi trọng hình thức nên đã gây ít nhiều khó khăn cho những người nghiên cứu tìm hiểu thơ ông. Tôi đã đọc nhiều dị bản của cùng một bài thơ. Những câu chữ, những đoạn thơ thay đổi hay đảo ngược lung tung. Đến tựa bài cũng vậy: khi thì “Tâm hồn trẻ thơ”, lúc thì “Một ngày nhàn rỗi”. Khi thì “Mai sau dù có bao giờ”, lúc thì “Tình bạn và tình yêu”.v.v…mới đây, tập “Nguyễn Bắc Sơn. Tác phẩm & Dư luận” vừa xuất bản, cũng có một bài thơ lại in hai lần với hai tên khác nhau. Một với tựa “Hoa quỳ vàng lạnh Pleiku” (trang 64) và “Thiếu nữ” (trang 112) nhưng bài trước lại thêm vào 26 câu nữa. Cũng trong tập sách này, không hiểu vì sao lại thiếu một bài thơ hay của Nguyễn Bắc Sơn. Bài thơ thế sự nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Đó là bài: “Chuyện hai bố con tôi” rất tiêu biểu phong cách NBS: chua chát, bi phẫn và thâm trầm… Với một cuốn sách như một tổng tập về đời thơ NBS, mà thiếu bài thơ ấy, dù vì lý do gì, cũng thật đáng tiếc.
Có một bài thơ tình của Nguyễn Bắc Sơn mà tôi rất yêu thích: bài “Mùa thu đi ngang qua cây phong du”. Bài thơ thật hay và gây ám ảnh với tôi, lại cũng có hai dị bản. Những câu chữ, hình ảnh, dư âm, tiết tấu… tất cả đều đẹp và sang trọng và buồn. Đẹp và buồn đến nao lòng… “Nơi lầu cao, khung cửa sổ đìu hiu / Soi thấp thoáng ngọn đèn hoa thiếu nữ / Những sợi tóc rụng trên chồng sách cũ / Vì tuổi thanh xuân theo nước lũ trường giang / Những chuyến xe đò đêm đêm băng ngang / Rớt tiếng động khơi nỗi sầu viễn xứ / Bầy chim én đã bắt đầu tư lự / Ngủ âm thầm trên những đường dây cao”/…Và bài thơ kết ở câu: …/ “Đi ngang qua / đi ngang qua / Đi ngang qua, không dừng bên đời nhau” /…quá hay. Sau câu kết, dường như còn một khoảng trống mông lung, mờ mịt. Một nỗi ngậm ngùi, u hoài thăm thẳm và vô tận. Và chính khoảng trống ấy lại đắc địa. Vì nó gợi trí tưởng tượng cho người đọc. Nó giống như những chỗ để trắng trong tranh thủy mặc của hội họa phương đông. Đến khi tôi đọc dị bản 2. Cũng hoàn toàn giống bài thơ đầu, chỉ khác duy nhất một câu kết. Sau “Đi ngang qua, không dừng bên đời nhau”, lại thêm vào câu: “Hẹn gặp nhau ở nhất nguyên thế giới”. Tôi bỗng ngỡ ngàng, hụt hẫng và đâm… bực. Cả bài thơ là những lời tự tình, thủ thỉ những nỗi niềm, những mất mát, chia lìa của tình nhân trong cõi đời tục lụy. Vậy thì cứ để sự chia lìa, mất mát nó trôi vĩnh viễn vào cõi vô cùng, để lại một nỗi buồn làm thăng hoa, thanh lọc tâm hồn. Cần gì phải kết thúc có hậu. Hà cớ gì phải hẹn gặp lại nhau. Mà lại gặp ở chỗ “nhất nguyên thế giới”. Đối tượng thơ là tình nhân, là người nữ, chứ có phải triết gia, đạo sĩ gì đâu mà biết “nhất nguyên thế giới” là chỗ nào. Đến tác giả, có khi cũng chẳng biết “nhất nguyên thế giới” là chỗ quái nào. Tôi đã nói tất cả những điều ấy khi gặp lại ông. Ông lại cười khà khà, trả lời tỉnh queo: “Mày nói cũng hay thiệt, nhưng có người lại khoái câu kết đó. Vậy khi đọc bài thơ đó, ai thích thì đọc hết, còn mày thì bỏ câu đó ra”. Hết biết! vậy đó. Thì đã bảo Nguyễn Bắc Sơn không bận tâm đến thi pháp mà.
Nhưng có một điều dễ nhận thấy trong thơ Nguyễn Bắc Sơn. Đó là sự chân thành và chân thật. Nghĩ sao viết vậy, cho dù nó trần trụi, thô bỉ. Miễn sao nói hết nỗi lòng: “Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt /…Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột” /… “Ta sẽ đóng vai người thợ thiến / Chuyên môn đi thiến vòi / Những thằng điên / Những chính trị gia / Những kẻ say mê giết người vì lý thuyết / những nghệ sĩ viễn mơ / Ta thiến tuốt…”/… Trong văn chương nghệ thuật, sự chân thật là điều kiện tiên quyết, cho dù anh biểu đạt bằng bất cứ thủ pháp nào. Mà sự chân thật có vẻ gần với nôm na, dung dị hơn là màu mè, làm dáng. Nếu có một thi pháp Nguyễn Bắc Sơn, thì có lẽ chính là điều này chăng?
Có vẻ có sự trái ngược, mâu thuẩn nhau giữa khát vọng, lý tưởng và cách biểu đạt trong thơ Nguyễn Bắc Sơn. Mê đắm thơ phương đông. Nhưng ông không dụng công theo kiểu “Nhị cú tam niên đắc” của các nhà thơ phương đông. Ông làm thơ dễ dàng và có phần dễ dãi về cuối đời. Đông phương là khe lạch của suối nguồn trong trẻo, thanh cao. Là tĩnh lặng trong an nhiên. Còn thơ NBS thì phàm tục, ồn ào, vang động, sôi sục với bao hỉ, nộ, ái, lạc. Nó ngổn ngang như đống gạch đá của ngôi nhà bị tàn phá bởi chiến tranh. Cách biểu đạt của ông có vẻ gần gủi với giới nghệ sĩ Hiện-sinh tây phương hơn.
Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy đằng sau những bài thơ ngông nghênh, kiêu bạt, ngang tàng, ẩn dấu một tâm hồn nhân hậu, thơ ngây và cực kỳ nhạy cảm rất phương đông. Bên cạnh ngôn ngữ hiện đại là sự hoài cổ, ngưỡng vọng văn hóa và triết học đông phương. Đặc biệt ông vô cùng say mê tư tưởng Phật giáo. Và ông tìm cách thể hiện sự hoài vọng của mình bất cứ khi nào có thể. Bất chấp đến sự toàn mỹ của bài thơ. Câu kết “Hẹn gặp nhau ở nhất nguyên thế giới” vừa nêu trên là một ví dụ. Thì đã bảo, với ông, thơ không là cứu cánh mà. Cho nên, trong thơ ông xen vào nhiều từ Hán-Việt, nhiều hình ảnh, điển tích đông phương: Thảo khấu. Giang hồ hảo hán. Ván cờ thiên cổ. Mộng hoàng lương. Bản lai diện mục. Nhạn môn quan. Thương Kiều Phong nhớ tiếc Kiều Phong. Tráng sĩ loạn Xuân Thu. Khi gã Yếu Ly đâm Khánh Kỵ. Anh hùng Lương Sơn Bạc. Thổi ấm Kinh Thi lạnh hồn Kinh Dịch… Và còn rất nhiều nữa…Nhưng lạ là cái kiểu pha trộn hỗn tạp ấy lại gây bất ngờ, độc đáo và…hay. Thêm nữa, cái cách bông phèng, bỡn cợt, cái chất uy-mua trong thơ ông cũng rất đông phương. Phải chăng là chất hý lộng của Trang Tử được thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại, cùng một kiểu hý lộng của Bùi Giáng, một thi sĩ mà sinh thời Nguyễn Bắc Sơn luôn kính nể và ngưỡng mộ: “Bên cạnh nhà tôi / Sống một kẻ láng giềng / Y thường phóng uế trước nhà / Khi con gà nòi của Y đi lạc / Y nhìn vào nhà tôi / Và chửi thề như máy / Tôi định đến mùa hè này / Sẽ đá y một đá”/… Và những bài thơ gần cuối đời, ông tặng bạn bè: … “Sư phụ Nguyễn Du, đại ca Nguyễn Trãi / Chuyện tình yêu khó nói đúng hay sai /…Trời sinh hai đứa bốn bờ môi /Hễ môi hở, ắt là răng lạnh / Chi bằng úp lại úm cho vui / Đù má! Tình yêu mà cũng cấm / Thời đại mình bực muốn bức gân / Nhưng ta ạ! bực mình bình mực”…/…Thú thật, đã quen thích với thứ văn chương diễm lệ, hàn lâm, tôi không hợp lắm kiểu thơ như vậy. Nhưng khi đọc lên, cũng không khỏi bật cười. Và nhớ lại, thơ đối với ông chỉ là phương tiện, là trò chơi để giải tỏa và che giấu nỗi buồn, nỗi cô đơn u uất thôi mà. Nghĩ vậy và thương cảm với ông hơn.
Có một nhà văn đã nhận xét: Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn không nên đọc bằng mắt, mà nên đọc lên bằng lời, mới thấy thấm, thấy “đã”. Có lẽ đúng như vậy. Và tôi có một kinh nghiệm về chuyện này: năm 2002, ở Hà Nội, trong một cuộc nhậu thâu đêm cùng anh em văn nghệ. Đang rôm rả chuyện thế sự, văn chương. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bỗng nhắc đến Nguyễn Bắc Sơn với những lời lẽ tán dương. Bỗng nhà thơ Tạ Văn Sỹ, người chưa từng gặp gỡ NBS, cảm khái đọc bài thơ “Mật khu Lê Hồng Phong”. Trời ạ! Không khí bất ngờ như đông lại, chùng xuống. Tất cả im phăng phắc. Chất giọng sang sảng, trầm hùng, tha thiết của Sỹ đã tác động mãnh liệt đến mọi người. Tôi còn nhớ, lúc ấy mình đã chấn động tâm can đến thế nào. Bài thơ quá quen thuộc đối với tôi, bỗng trở nên mới mẻ, lạ lẫm, cùng với bao cảm xúc cũng mới lạ trào dâng… Lúc ấy, tôi chợt hiểu, vì sao nhà thơ Anh Ngọc, đại tá quân đội, người cùng thế hệ, cũng tham dự chiến tranh, nhưng đứng ở hai phía chiến tuyến, lại thân thiết, quý mến Nguyễn Bắc Sơn đến vậy. Rồi lại nghĩ đến sự tác động ghê gớm của văn chương nghệ thuật. Nó có khả năng hòa giải, hòa hợp, nó xóa nhòa những định kiến, ranh giới và đưa con người gần gủi với nhau hơn.
Viết về Nguyễn Bắc Sơn thật khó. Không chỉ vì ông rất nổi tiếng từ khi mới xuất hiện. Đã chiếm một vị trí đặc biệt trên thi đàn miền Nam trước bảy lăm. Không chỉ vì nhiều người đã viết về ông. Trong đó có những nhà văn, nhà thơ tên tuổi, nhà phê bình uy tín với những bài viết khen ngợi nồng nhiệt. Và những gì thuộc về Nguyễn Bắc Sơn, cả sở trường, sở đoản, người ta đã nói hết rồi. Với tôi, cái khó ở chỗ: Nguyễn Bắc Sơn là một khối phức tạp và thơ ông cũng vậy. Mặc dù nó dễ hiểu, không bí hiểm như những nhà thơ của trào lưu hiện đại. Đọc thơ ông, ta cảm thấy hay. Nhưng lại khó phân tích hay chỗ nào? Tại sao hay? Vì cái hay của thơ Nguyễn Bắc Sơn khó xếp vào một quy chuẩn, một hệ thẩm mỹ nào. Ta đọc lên, bằng trực giác, ta thấy hay. Vậy thôi. Tất nhiên, ông cũng có những bài, những câu thơ chưa hoặc không hay. Và ngay cả điều này, nó cũng khiến người đọc băn khoăn, lạ lùng với cách tư duy của ông. Phải chăng đó là thuộc tính thơ Nguyễn Bắc Sơn. Cũng là thuộc tính của thi ca nói chung: muôn đời bí ẩn, khó thể nghĩ bàn. Đến đây, tôi bỗng nhớ một bài thơ của thi sĩ Bùi Giáng. Bài thơ lâu rồi tôi không nhớ tên. Hình như in trong tập “Sa mạc trường ca”. Xin chép ra đây để kết thúc bài viết: “Bắt chước ông Khổng Tử, ta nói: / Con chim thì ta biết nó bay/ Con cá thì ta biết nó lội/ Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ/ Nhưng thơ là gì?/ Điều đó, quả thật ta không biết.”/
Lương Minh Vũ
1 nhận xét:
Nhạc Trịnh Công Sơn được người đời đặt tên là phản chiến. Nguyễn Bắc Sơn thẳng thừng tự xưng mình như vậy :
Trong thành phố này ta là người phản chiến
Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu
Bài thơ mang một tiêu đề tiêu biểu: "cười lên đi tiếng khóc bi hùng".
Lý do phản chiến thì nhiều: có khi vì lý tưởng hòa bình cao đẹp, có khi vì quan điểm chính trị, có khi vì sợ chết, sợ khổ. Nơi Nguyễn Bắc Sơn có thể còn lý do riêng: thân phụ anh đi kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc. Có thể ông lại vào Nam chiến đấu, và khách quan, có khả năng là đối tượng trước mũi súng Nguyễn Bắc Sơn, và anh khó bề dễ dàng, an nhiên “nhắm thẳng đầu thù mà bắn” như một khẩu hiệu có từ 1964.
Trong thực tế, Cha của Nguyễn Bắc Sơn đã vào Nam chiến đấu “phía bên kia”, cùng trong một địa bàn với con, ở cương vị phó chủ nhiệm cục chính trị quân khu 6 (may mà chưa xảy ra sự việc "hai cha con bắn nhau trên chiến trường"). Sau ngày kết thúc chiến tranh, người cha đã trở về đoàn tụ với gia đình, với cấp bực đại tá quân đội nhân dân. Hai cha con anh gặp mặt sau 1975. Nguyễn Bắc Sơn viết bài thơ:
CHUYỆN HAI BỐ CON TÔI
Cái ngu đần của kẻ thông minh
Là Cái Đó chính là Cái Đó
Bố qua đời đúng năm năm
Tôi viết bài thơ này
Để tâm sự cùng một người khuất núi
Thuở sinh tiền
Ông rất thương tôi
Và tôi rất thương ông
Nhưng hai chúng tôi
Đúng là hai người đàn ông có bề ngoài lãnh đạm
Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu
Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy
Bi kịch của bố con tôi
Là bi kịch của hai thằng tây đen
Cùng đi kiếm con mèo đen
Trong đêm đen mù mịt
Các vị thánh hiền thời xưa
Bảo thế giới loài người
Giống như chiếc đuôi cong
Của loài chó
Chúng ta là những đứa trẻ con
Chổng khu vuốt chiếc đuôi này cho thẳng
Vuốt cho thẳng rồi
Thả tay ra là nó cong trở lại
Nếu mỗi chúng ta có làm điều gì tốt đẹp
Chẳng qua là để phát huy một tấm lòng son
Còn trái đất cứ ngày đêm sáng tối
Thịnh đã rồi suy
Suy rồi lại thịnh
Bố ơi bố đã ra về
Con ở lại làm thơ và chữa bệnh
Chúng ta đến nơi này để phát huy một tấm lòng son
Thành hay bại chỉ là chuyện vặt
NGUYỄN BẮC SƠN
Đăng nhận xét