BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

ĐỌC “ĐOẢN THƠ ZULU DC” (BÀI 1) - Châu Thạch


ZuLu DC và Châu Thạch
 
ĐÔI LỜI PHI LỘ: 
 
Nhà thơ ZuLu DC đăng trên facebook một tập thơ có tựa đề là “ĐOẢN THƠ ZULU DC” gồm trên 50 bài thơ, mỗi bài thơ có 4 câu cô đọng những nỗi niềm trong đời. Châu Thạch tôi cảm xúc trước những bài thơ đó nên viết lên những cảm nghĩ của mình, không dám bình thơ. Tất nhiên những cảm nghĩ chủ quan có đúng có sai, hầu cống hiến một vài phút thư giản cho bạn đọc. Kính mong được sự cảm thông và lượng thứ nếu có chỗ sai trái làm không vừa lòng.
                                               
                                                                                      Châu Thạch

Bài 1
 
THƠ VỚI TÌNH
 
Thơ được như quà bánh
Không đói vẫn cứ ăn
Tình đời như thuốc đắng
Chữa nổi buồn được không?
 
Đem bánh so với tình đời là một ý thơ vô duyên lạ, vô duyên khi ta chợt đọc nhưng hữu lý khi ta suy gẫm tình đời. Bánh thì khi không đói cũng có thể ăn, nó vô hại, nhưng tình đời thì không phải khi nào cũng như thuốc đắng. Có khi tình đời ngọt ngào hơn cả mật.
 
Thế nhưng đoản khúc 4 câu của ZuLu DC không đúng mà cũng không sai.  Không đúng là khi ai đó đang lạc quan yêu đời, nhìn đâu cũng thấy màu hồng tươi đẹp. Không sai là khi ai đó gặp sự cố buồn, bi quan, nhìn đời thấy một màu đen tối.
 
Nhà thơ ZuLu DC hỏi một câu không khó trả lời: “Tình đời như thuốc đắng/ chữa nỗi buồn được không?”. Vâng, chữa được mà cũng không được. Chữa được là khi xem tình đời như thuốc đắng dã tật, không chữa được là khi thuốc đắng tình đời ta cứ khăng khăng cho là thuốc độc.
 
Vậy thôi, không bàn thêm nữa, chỉ biêt là đoản thơ ngắn nhưng câu hỏi thì dài, phơi bày một lẽ sống, ra đề một triết lý nhân sinh, thổ lộ một tâm tư đang yếm thế bởi tình đời không là bánh ngọt, chỉ có đắng cay!
 
Bài 2
 
NÓI ĐI
 
Trên tà áo tím ngày xưa
Vẫn ngan ngát những nắng mưa cuộc đời
Giá như nói được thành lời
Nói đi áo hỡi áo ơi lời gì?
 
Chắc chắn người con gái mặc tà áo tím ngày xưa đẹp lắm, tà áo tím của nàng không khác chi tà áo lụa Hà Đông trong thơ Nguyên Sa đã làm cho “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát” thì nhà thơ Zuu DC mới nhớ đến ngày nay.
 
Chắc chắn người con gái năm xưa không thành công trong cuộc đời, không vinh hoa phú quý gì nên chiếc áo ngày xưa đã phai màu, chỉ còn ngan ngát chút dư hương vì phải hứng chịu “nắng mưa cuộc đời”.
 
Chắc chắn người con gái năm xưa nín chịu, không thổ lộ, không nương tựa vào chàng nên nỗi đau thốt lên trong thơ là của thi nhân, của ZuLu DC chớ không phải của nàng.
 
Nhà thơ không nhận được tâm tình của người thiếu nữ năm xưa (có thể là người yêu tha thiết một thời của chàng) nên thi nhân thốt lên câu thơ hờn dỗi, thúc dục chiếc áo vô tri hãy nói đi, nói đi, nói một lời. Sư thật tà áo tím năm xưa đã nói nhiều khi nhà thơ nhìn thấy nó “Vẫn ngan ngát những nắng mưa cuộc đời” trên tà áo ấy
 
Chỉ bốn câu thơ thôi nhưng hàm chứa thân phận của một hồng nhan, lòng tự trọng của một người nữ và tình yêu chan chứa của một cuộc tình không đến với nhau!
 
Bài 3

ĐI TU
 
Chày kình dóng một hồi chuông lạ
U uẩn lòng ta nhân thế ơi
Có cảnh chùa nào không có Phật
Ta về xuống tóc đi tu thôi.
 
Chày kình nhấn một hồi chuông mà không làm cho thanh thoát lòng người, lại khiến nhà thơ “U uẩn lòng ta nhân thế ơi”. Đúng rồi, bởi vì hồi chuông nhà thơ nghe là “hồi chuông lạ”.
 
Có hồi chuông lạ không? Không có, chỉ có thi nhân lạ với hồi chuông vì cái tâm khổ đế chán đời còn nặng nề. Chính cái tâm nặng nề đó khiến nhà thơ muốn tìm một cảnh chùa không có Phật để xuống tóc đi tu.
 
Không có Phật thì đi tu làm gì? Đi tu với ai?  Có lẽ nhà thơ đi tu với tình, bởi chán đời thì bỏ đời đi tu Phật được, chán tình thì bỏ tình đi tu Phật được, nhưng thất tình thì còn yêu, còn nhớ, còn thương, không thể nào đi tu chùa Phật được đâu.
 
Bài thơ đọc nghe lạ lắm, nghịch lý lắm, nhưng có nghịch lý như thế thì ta mới thấy ý thơ lạ như tiếng chuông cũng lạ làm u uẩn lòng người. Không biết nếu có ngôi chùa không Phật, tác giả sẽ đi tu một mình hay đi tu với một nàng xinh đẹp. Đi tu kiểu như thế, nhà thơ đã hứa sẽ xuống tóc nhưng xuống tóc chỉ để quy y với nàng chớ không thể nào quy y với Phật được đâu!
 
Bài 4

NÚI TUÝ
 
Khi về đứng giữa bờ thiên cổ
Thấy những tàn phai thân ái xưa
Thấy những bâng khuâng còn sót lại
Nói cười như thể trong cơn mơ.
 
Khi về đứng gữa bờ thiên cổ để thấy những tàn phai chính là sự thấy chập chờn trong ký ức, là hồi tưởng, là quay về kỷ niệm xa xưa. Thiên cổ là nghìn năm xưa, bờ thiên cổ là ranh giới nghìn xưa xa cách với loài người hiện đại. Nhà thơ quay về bờ thiên cổ chắc là đi trong cơn mộng du.
 
Cơn mộng du đưa nhà thơ quay về với nơi thân ái xưa, để thấy nó tàn phai, sự tàn phai khiến cho nhà thơ sửng sốt, đau buồn đến tâm thần rối loại nói cười như trong cơn mơ.
 
Đoản thơ 4 câu như tiếng thơ dài ngàn thế kỷ, như nỗi buồn sông núi vọng trong tâm hồn nhà thơ. Tiếng thơ như tiếng trầm buồn vạn năm trên núi tuý, như dòng nươc chảy lặng lẽ theo thời gian, với tất cả những u uẩn mang theo dòng lịch sử.
 
Bài viết xin dừng lại ở đoản thơ thứ 4 nầy. Sẽ còn viết tiếp cho đến khi hết trên 50 đoản thơ của  ZuLu DC. Mời quý vị đón đọc tiếp ở những bài viết sẽ xin đăng sau.
                                         
                                                                                      Châu Thạch

Không có nhận xét nào: