BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

PHIẾM LUẬN VỀ HƯ CẤU – Đỗ Chiêu Đức


                                                                                    
là Không thực; CẤU là Cấu Tạo, là Làm nên. Nên nghĩa đơn giản nhất của HƯ CẤU là: Cấu tạo hay làm nên một viêc gì đó hay một câu chuyện nào đó không có thật. Từ nghĩa gốc nầy phát sinh thêm những nghĩa rộng hơn như:
  - HƯ CẤU là chỉ vựa vào trí tưởng tượng, tưởng tượng ra những sự việc hay những câu truyện không có thực trong đời sống thực tại.
  - HƯ CẤU là vựa vào truyện có thực rồi tưởng tượng thêm thắc những chi tiết ly kỳ khúc chiết để hấp dẫn người nghe người đọc hơn.
  - HƯ CẤU là vựa vào những sự kiện có thật trong lịch sử, rồi dựng nên một câu truyện hay nhân vật có kết cấu hợp "lô-gích" để giải thích hoặc chứng minh là những sự kiện đó có thật một cách hợp tình hợp lý.
  - HƯ CẤU trước mắt thường xuất hiện dưới các hình thức Tiểu thuyết, Điện Ảnh, Kịch nghệ, Hoạt họa...
    
Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết nầy, ta chỉ điểm qua một vài HƯ CẤU trong Lịch Sử và Văn Học mà thôi.
  
 A. HƯ CẤU là sản phẩm của trí tưởng tượng:
     
Như thuyết TAM HOÀNG NGŨ ĐẾ 三皇五帝 của Trung Hoa nhằm giải thích và tôn vinh nguồn gốc của Hán tộc mà thôi:
   
* TAM HOÀNG 三皇 theo ý nghĩa nguyên thủy của thời thượng cổ thì TAM HOÀNG là Thiên Hoàng Thị 天皇氏、Địa Hoàng Thị 地皇氏、và Nhân Hoàng Thị 人皇氏. Nhưng theo các sử sách ghi lại của các đời sau thì mỗi người ghi mỗi khác.
    
- Theo Thượng Thư Đại Truyện《尚書大傳》thì Tam Hoàng là:
         Toại Nhân 燧人、Phục Hi 伏羲、Thần Nông 神農. 
   
- Theo Xuân Thu Vận Đấu Xu《春秋運鬥樞》thì Tam Hoàng là :
        Phục Hi 伏羲、Nữ Oa 娲、Thần Nông 神農.
     
- Theo Phong Tục Thông Nghĩa《風俗通義》thì Tam Hoàng là :
         Phục Hi 伏羲、Chúc Dung 祝融、Thần Nông 神農. 
     
- Theo Tam Tự Kinh《三字經》thì Tam Hoàng là :
         Phục Hi 伏羲、Thần Nông 神農、Huỳnh Đế 黄帝.
   
* NGŨ ĐẾ 五帝 là năm vị Đế Vương thời bàng cổ tượng trưng cho Ngũ Phương Thượng Đế 五方上帝; nhưng thực ra đó chỉ là Năm vị Thủ lĩnh của Năm Bộ lạc thời thượng cổ mà thôi.
 
- Theo Lã Thị Xuân Thu吕氏春秋》thì Ngũ Đế là:
    Thái Hạo 太昊、Viêm Đế 炎帝、Huỳnh Đế 黄帝、Thiếu Hạo 少昊、Chuyên Húc 顓頊.
     
- Theo Đại Đái Lễ Ký《大戴禮記》thì Ngũ Đế là:
     Huỳnh Đế 黄帝、Chuyên Húc 顓頊、Đế Khốc 帝嚳、Nghiêu 堯、Thuấn .
     
- Theo Tư Trị Thông Giám Ngoại Kỷ《資治通鑒外紀》thì Ngũ Đế là:
    Huỳnh Đế 黄帝、Thiếu Hạo 少昊、Chuyên Húc 顓頊、Đế Khốc 帝嚳、Nghiêu .
 
                   
Vì là sản phẩm của HƯ CẤU nên mỗi nơi nói một cách; mỗi đời nói một kiểu không giống nhau, nhưng tựu trung cũng cùng một mục đích là tôn vinh lòng tự hào về nguồn gốc của dân tộc mình mà thôi; Cũng như nguồn gốc của dân tộc Việt Nam ta vậy.
Ta cũng tự hào mình là...
    
- Con Rồng Cháu Tiên là "Con cháu của Rồng và Tiên" theo truyền thuyết: Lạc Long Quân kết duyên với bà Âu Cơ sanh được một trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Âu Cơ là giống tiên nên dẫn năm mươi người con lên núi, còn Lạc Long Quân là giống rồng nên dẫn năm mươi người con đi về hướng biển; và người con trưởng lên làm vua nước ta, lấy hiệu là vua Hùng Vương thứ Nhất.
    
- Theo Đại Việt sử lược và nhiều tài liệu khác, triều đại Hùng Vương được truyền qua 18 đời, từ năm 2919 trước Công Nguyên đến năm 258 trước Công Nguyên, vị chi là 2661 năm, nếu đem chia đều cho 18 đời, thì mỗi đời vua Hùng là 148 năm. Đủ thấy đó chỉ là Hư Cấu, nhưng với người Việt Nam, các vua Hùng đại diện cho Tổ tiên, cho truyền thống dựng nước và là niềm tự hào về nền văn minh đậm đà bản sắc riêng xuyên suốt nhiều nghìn năm. 


Bấm vào link dưới hình minh họa để xem cụ thể về 18 đời vua Hùng Vương của nước Văn Lang.  
                  
https://vtc.vn/18-doi-vua-hung-gom-nhung-ai-ar669738.htm
    
B. HƯ CẤU là dựa vào truyện có thực rồi tưởng tượng thêm thắt những chi tiết ly kỳ khúc chiết để hấp dẫn người nghe người đọc hơn. Như hai giai thoại văn chương của hai câu thơ trong Tăng Quảng Hiền Văn mà ta đã từng biết qua:
               
時來風送滕王閣 Thời lai phong tống Đằng Vương Các,                
運去雷轟薦福碑.    Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi.
      
* Câu "Thời lai phong tống Đằng Vương Các" chỉ là chuyện của Vương Bột 王勃(650—676), người đứng đầu của Tứ Kiệt buổi Sơ Đường, trên đường đi thăm cha đang làm quan ở Giao Chỉ, nhân đi ngang qua phủ Hồng Châu, nhằm lúc Đô Đốc Diêm Bá Dư đang mở tiệc khoản đãi các văn nhân thi sĩ, ông tham dự và làm bài "Đằng Vương Các Tự 滕王閣序" nổi tiếng và dương danh khắp thiên hạ. Vì bài tự quá nổi tiếng, quá xuất sắc, nên người đời sau hư cấu thêm thắt những chi tiết thần bí khúc chiết để làm cho câu chuyện ly kỳ và lý thú hơn như sau:
   
Năm Vương Bột 16 tuổi trên đường đi thăm cha đang làm quan ở Giao Chỉ, hay tin Đô Đốc Diêm Bá Dư 閻伯嶼 trấn nhậm Hồng Châu trùng tu Đằng Vương Các mở cuộc thi thơ văn và khoản đãi tân khách bốn phương. Chủ ý của  Diêm Bá Dư là muốn khoe tài con rễ là Ngô Tử Chương 吳子章, nên đã cho Chương trau chuốt sẵn một bài phú thật hay để ngày hôm đó viết lại.
     Vương Bột từ Sơn Tây theo sông Vận Hà vào Trường Giang để xuôi nam. Nhưng khi đến Mã Đương Sơn thì gặp sóng to gió lớn đành phải lên bờ tạm lánh, đồng thời du ngoạn để ngắm cảnh đẹp của nơi nầy. Khi định quay trở về thuyền thì gặp phải một cụ già râu tóc bạc phơ ra dáng tiên phong đạo cốt, nói với Bột rằng :"Tiết Trùng Dương này, Đô Đốc Hồng Châu thiết tiệc để cho các văn nhân thi tài, nếu như nhà ngươi đến đó tham dự thì chắc chắn sẽ được nổi tiếng và sẽ được lưu danh muôn đời". Vương Bột bèn cười mà đáp rằng :"Cám ơn lão trượng đã xem trọng, nhưng từ đây đến đó cách nhau gần 700 dặm đường mà ngày mai thì đã là Tiết Trùng Dương rồi, làm sao có thể đến đó cho kịp?". Ông cụ bèn cười mà đáp rằng :"Ta chính là người cai quản thủy phủ nơi đây, nếu các hạ chịu lên đường ngay hôm nay, ta sẽ giúp cho một tay!". Nói đoạn, ông lão bèn quay lưng đi mất. Bột nghe theo lời, đến đêm quả có gió lớn nổi lên và chỉ trong một đêm mà vượt qua hơn 700 dặm đường (có thể là nhờ gió của đêm Trùng Cửu mùng 9 tháng 9 đó). Khi đến nơi cũng vừa kịp lúc Đằng Vương Các đang phát giấy bút chiêu đãi khách làng văn. Thấy Bột chỉ là một thằng bé con, Đô Đốc Diêm Bá Dư không muốn cấp giấy bút, nhưng Bột kiên quyết muốn làm văn. Diêm bèn cho người đứng phía sau lưng Bột, hễ Bột viết được câu nào thì chép lấy dâng đến cho Diêm xem, hễ thấy không xong là tống cổ ra khỏi buổi tiệc ngay. Khi Bột mở đầu bài văn bằng câu: Nam Xương cố quận, Hồng Đô tân phủ 南昌故郡,洪都新府 (Xưa là quận Nam Xương, nay là phủ Hồng Đô), thì Diêm cười và bảo: Cũng là sáo ngữ của các thầy Đồ Nho mà thôi. Đến câu: Tinh phân Dực Chẩn, Địa tiếp Hành Lư 星分翼軫,地接衡廬 (chỉ địa thế của Đằng Vương Các: Phân chia giữa sao Dực và sao Chẩn, còn đất thì nối tiếp giữa Hành Sơn và Lư Sơn) thì Diêm lặng thinh. Lại đến câu: Vật hoa thiên bảo, long quang xạ Ngưu đẩu chi Khư. Nhân kiệt địa linh, Từ Trĩ hạ Trần Phồn chi tháp 物華天寶,龍光射牛斗之墟;人傑地靈,徐稚下陳蕃之榻 (Của đẹp báu trời, ánh long quang chiếu sao Ngưu sao Đẩu; Đất linh người giỏi, cao nhân Từ Trĩ hạ giường Trần Phồn) thì Diêm lại tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Kịp đến câu: Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc 落霞與孤鶩齊飛,秋水共長天一色 (Ráng chiều và cánh cò trắng như cùng bay, Dòng nước mùa thu long lanh hòa với sắc trời xanh như liền nhau cùng một dãy) thì ông không còn dằn được cảm xúc, vỗ bàn đứng dậy khen là tuyệt cú! Rồi quay lưng đi vào trong. Kịp đến khi Vương Bột viết xong toàn bài văn, ông mới trở ra nắm tay Vương Bột mà khen rằng: "Gác Đằng Vương mà có được bài văn nầy, buổi tiệc hôm nay mà có được bài văn nầy, cái phong lưu của sự việc hôm nay cũng sẽ nhờ có bài văn nầy mà lưu truyền thiên cổ. Ta sẽ hậu tạ cho các hạ!".
Chàng rể Ngô Tử Chương đứng bên tỏn tè vì bài văn viết trước của mình không được trình làng, bèn lặng lẽ đọc hết bài văn của Vương Bột rồi cười khẩy mà nói rằng: "Đây là bài văn cũ của quận Hồng Đô chớ có chi là lạ đâu!". Nói xong bèn đọc hết bài văn của Vương Bột từ đầu đến cuối, không sai một chữ nào cả! Vương Bột cũng rất ngạc nhiên mà cười rằng: "Tài học thuộc lòng của các hạ không thua gì Dương Tu và Trương Tòng thời Tam Quốc chút nào cả! Nhưng các hạ có biết là sau bài văn nầy còn có một bài thơ tám câu nữa hay không?". Tử Chương đáp là: "Không biết!"
Vương Bột bèn hươi bút viết thêm tám câu thơ để kết thúc cho bài văn trên như sau:
             
滕王高閣臨江渚   Đằng Vương cao các lâm giang chữ   
佩玉鳴鸞罷歌舞。   Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.             
畫棟朝飛南浦雲,   Họa đống triêu phi nam phố vân              
珠簾暮卷西山雨。   Chu liêm mộ quyển tây sơn vũ.
            
閒雲潭影日悠悠,   Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,              
物換星移幾度秋。   Vật hoán tinh di kỷ độ thu.             
閣中帝子今何在?    Các trung đế tử kim hà tại?             
檻外長江空自流。   Hạm ngoại trường giang không tự lưu!
 
Có nghĩa:
                  
Gác Đằng sừng sững bờ xa,                 
Rộn ràng ngọc chuốc sanh ca đã dừng.                 
Bờ nam mây sớm ngập ngừng,                  
Rèm châu cao cuốn bâng khuâng nắng chiều.                  
Bóng mây đầm nước đìu hiu,                  
Sao dời vật đổi đã nhiều thu qua.                  
Vua tôi trong gác đâu ta?                  
Trường Giang ngoài mái la đà chảy xuôi!
     
Ngô Tử Chương lặng thinh không nói được lời nào. Các quan khách thấy thế muốn chữa thẹn cho Ngô Tử Chương bèn cùng ứng tiếng: "Bài văn tài tình của Vương Bột và sức nhớ tài tình của Tử Chương đều là kỳ tài thiên hạ hiếm có, đều đáng được trân trọng cả!" Vương Bột và Ngô Tử Chương cùng bắt tay nhau và cùng tạ ơn quan khách trong buổi tiệc.
 

Vương Bột nổi tiếng luôn từ đấy và Gác Đằng Vương với bài Đằng Vương Các Tự 滕王閣序 của Vương Bột cũng được lưu truyền thiên cổ với các câu đã trở thành Thành Ngữ cho đến hiện nay như:
   
* Lão Đương Ích Tráng 老當益壯: Già mà còn mạnh khỏe.    
* Cùng Thả Ích Kiên 窮且益堅: Nghèo mà biết kiên trì phấn đấu.    
* Thiên Cao Địa Quýnh 天高地迥: Trời cao đất rộng.   
* Hứng Tận Bi Lai 興盡悲來 : Hết vui tới buồn.    
* Quan San Nan Việt 關山難越 : Núi non khó vượt. (Núi non cách trở). 
* Bình Thủy Tương Phùng 萍水相逢 : Bèo nước gặp nhau .....
  
Ta thấy qua những chi tiết HƯ CẤU thêm, câu truyện kể đã trở nên khúc chiết, lý thú và hay ho hơn nhiều. Một điều đáng ngạc nhiên nữa là...  
                
Vì tích của Vương Bột, mà trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
            
Thời lai phong tống Đằng Vương Các    時來風送滕王閣
 
Có nghĩa:
       
Khi thời đã đến rồi thì sẽ có gió đưa đến Đằng Vương Các ngay.
   
Ý của câu trên là: Khi thời vận tốt đã đến, thì con người sẽ rất dễ dàng có cơ hội để phát tích về mặt tiếng tăm hay công danh sự nghiệp. Nhưng khi qua đến Việt Nam ta, thì lại chuyển sang ý chỉ về TÌNH DUYÊN thuận lợi, may mắn, và gọi là DUYÊN ĐẰNG. Như ...        
      
Trong Truyện Kiều để tả cuộc tình duyên thuận lợi của Hoạn Thư với Thúc Sinh, cụ Nguyễn Du cũng mượn tích nầy:
                       
DUYÊN ĐẰNG thuận nẽo gió đưa,                   
Cùng chàng kết tóc se tơ những ngày.
      
Ngay cả trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập với sự chủ xướng của vua Lê Thánh Tông cũng mượn từ GÁC ĐẰNG để chỉ dịp may hiếm có, cơ hội thuận lợi cho tình duyên như:
                   
Thương nhỉ, Hồng nhan nguyền khéo lỗi,                    
GÁC ĐẰNG nhờ gió những ai vay!
     
Hay như hai câu thơ trong Truyện thơ Nôm khuyết danh Trinh Thử :
                       
Đưa duyên nhờ gió GÁC ĐẰNG,                    
Đành tay con tạo nhắc bằng đồng cân.     
 
...và như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, bài thứ 8 tả lại mối tình giữa Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử cũng có câu:
                        
Tiên-Dung gặp buổi đi chơi,                    
Gió đưa ĐẰNG CÁC, buồm xuôi Nhị-Hà,
      
Hay như trong Bích Câu Kỳ Ngộ, tả lại mối tình tiên tục giữa Tú Uyên và Giáng Kiều cũng có câu:
                     
GÁC ĐẰNG VƯƠNG mấy dặm khơi,                      
Có duyên đành đã gió trời thổi đưa.
      
Trong truyện Quan Âm Thị Kính thì đổi từ Gác Đằng thành Gió Đằng, nhưng cũng cùng một ý dùng để chỉ tình duyên:
                       
GIÓ ĐẰNG kể khéo đưa duyên,                  
Chàng Lưu dung dủi đến miền Thiên Thai.
      
Cái "May mắn trong công danh sự nghiệp ở bên Tàu" qua đến Việt Nam ta thì trở thành "Cái may mắn trong tình duyên đôi lứa"! Chỉ trong bài Văn Tế Nguyễn Thị Tồn, viết để tế vợ mình, cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa đã diễn cái ý của tích nầy bằng bốn chữ GIÓ THẦN ĐƯA GÁC với ý nghĩa giống như nghĩa gốc lúc ban đầu mà thôi :
                 
Ở theo thời, làm theo thế, qua khỏi tuần Sấm Đất Tan Bia,  
Bay kịp chúng, nhảy kịp người, mới đặng hưởng GIÓ THẦN ĐƯA GÁC.
        
Ta thấy trong vế trên trong bài văn tế của cụ Bùi Hữu Nghĩa còn có bốn chữ SẤM ĐẤT TAN BIA. Bây giờ thì ta đến với giai thoại của câu:
                       
運去雷轟薦福碑.    Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi.

Như ta đã biết...
         
Đại văn Hào đời Tống là Phạm Trọng Yêm 范仲淹 khi làm Quận Thú ở Nhiêu Châu (thuộc Quận Ba Dương tỉnh Giang Tây hiện nay). Một hôm có thư sinh Trương Hạo 張鎬 lưu lạc giang hồ đến xin cứu giúp. Phạm thương vì người tài hoa mà chửa gặp thời, định giúp đỡ, nhưng Phạm là một ông quan thanh liêm, không lấy đâu ra tiền để giúp. Cuối cùng ông bèn đến nhờ trụ trì chùa Tấn Phúc, xin cho thư sinh kia được in một số bản văn ở thạch bia phía sau chùa bán mà độ nhật để về quê. Đây là bản văn khắc trên đá với bút pháp của Âu Dương Tuân 歐陽詢, là một trong Sơ Đường Tứ Đại Thư Pháp Gia 初唐四大書法家, nên rất được mọi người ưa chuộng.             
Nhà sư Trụ trì vì nể mặt Phạm Trong Yêm mà chấp thuận, còn hướng dẫn cho cách để in ấn. Phạm lại phải giúp thư sinh mua sắm giấy mực, bàn chải... định sáng ngày sẽ khởi công. Nào ngờ đêm hôm đó trời mưa to gió lớn, sấm sét đánh bể tan bia đá kia luôn. Thế là khỏi in ấn gì hết cả!            
Số của chàng thư sinh nầy đã xui rồi, lại càng thúi củ hủ hơn nữa, cho nên mới nói là:
                     
運去雷轟薦福碑.    Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi.
        

Khi đã hết thời rồi, thì sấm sét cũng đánh bể bia của chùa Tấn Phúc là vì thế! Truyện nghe đã hấp dẫn rồi, càng hấp dẫn hơn với các chi tiết thần thoại mà nhân gian đã thêm thắt vào như trong vở tạp kịch "Bán dạ lôi oanh Tấn Phúc Bi 半夜雷轟薦福碑" của kịch tác gia Mã Trí Viễn 馬致遠  đời nhà Nguyên như sau:
 
Tú Tài TRƯƠNG HẠO 張鎬 (HẠO là Sáng loáng) nhà nghèo hiếu học, ở nhờ nhà của một người đồng tông ở Trương Gia Trang, làm nghề dạy học để mưu sinh. Trang chủ cũng tên TRƯƠNG HẠO 張浩 (HẠO là To lớn). Một hôm có bạn là Quận Thú ở Nhiêu Châu tên Phạm Trọng Yêm đến thăm, biết Trương Hạo có chí lớn mà chưa gặp thời, bèn khuyến khích bạn viết một bài Vạn Ngôn Trường Sách 萬言長策, là sách lược an bang trị quốc trên một vạn chữ, để mình mang về triều đình tiến cử lên cho nhà vua. Đồng thời, Phạm còn viết thêm ba lá thư để gởi gắm cho ba người bạn thân nhờ giúp đỡ cho Trương Hạo, đó là Huỳnh Viên Ngoại, Lưu Sĩ Lâm và Tống Công Tự đều là quan viên đương triều. Chẳng may số của Trương Hạo còn quá lận đận, nên khi tìm đến Huỳnh Viên Ngoại và Lưu Sĩ Lâm thì hai người đều đã nhuốm bệnh qua đời, còn Tống Công Tự thì ở quá xa. Trên bước đường lưu lạc, trong một đêm mưa gió Trương Hạo trú mưa trong miếu Nam Hải Xích Tu Long Thần lại xin được một lá xăm Hạ Hạ. Lúc đang thất chí bi phẩn cùng cực vì số phận hẩm hiu của mình, Trương Hạo đã đề thơ trên vách miếu xúc phạm đến Long Thần. Long Thần nổi giận chờ có dịp sẽ báo phục.       
Phạm Trọng Yêm về triều dâng lên Vạn Ngôn Trường Sách của Trương Hạo. Nhà vua xem xong rất đẹp ý, bèn phong cho Trương Hạo làm Huyện lệnh huyện Cát Dương. Khi sứ giả mang chiếu chỉ đến Trương Gia Trang thì Trương Hạo đã Lưu lạc tha phương; trang chủ Trương Hạo , bèn mạo nhận chức huyện lệnh Cát Dương, rồi cho gia nhân là Triệu Thực tìm giết Trương Hạo để phi tang. Trương Hạo đã phải nài nỉ van xin kể lể nổi bất hạnh của mình. Triệu Thực thương tình tha không giết nhưng khi về đến huyện đường thì Trương Hạo giả định giết Triêu Thực để diệt khẩu, may nhờ có đại thần Tống Công Tự là bạn của Phạm Trọng Yêm đến tìm Trương Hạo thật, bèn bắt hết tất cả đem về triều.       
Trương Hạo (thật) lưu lạc đến chùa Tấn Phúc. Trưởng lão trong chùa vì quen biết với Phạm Trọng Yêm nên cảm thông cho sự chìm nổi thất sở thân sơ của Trương Hạo mà cho tiểu hòa thượng mua giấy mực định giúp cho Trương Hạo in một ngàn bản của bia Tấn Phúc với bút tích của Nhan Chân Khanh 顏真卿, một trong Tứ Đại Thư Pháp Gia đời Đường, để bán mà độ nhật và để có tiền để lai kinh ứng thí. Chẳng ngờ Long Thần hay tin, giận vì Trương Hạo vô cớ mà oán trách mình, nên ngay trong đêm đó kéo mây làm mưa và nổi sấm đánh tan bia Tấn Phúc. Thế là tiêu tan hy vọng, khỏi in ấn vì cả! Quá thất vọng, vì thấy vận xui của mình đã đến mức cùng cực, Trương Hạo định đập đầu vào cây cổ thụ để tự sát, may nhờ Phạm Trọng Yêm đến kịp cứu khỏi.       
Trương Hạo theo Phạm Trọng Yêm về triều để triều kiến Thiên tử. Nhà vua vì đã xem qua Vạn Ngôn Trường Sách nên phong cho Trương Hạo là Trạng Nguyên Cập Đệ của khoa thi năm đó, đồng thời khen thưởng cho Triệu Thực và trừng phạt tên Trương Hạo trưởng thôn tội khi quân vì dám mạo nhận quan tước của triều đình.
Một kết thúc có hậu theo đúng như các kịch bản ngày xưa.
    
Ta thấy thông qua HƯ CẤU, một câu truyện đơn giản trở nên phức tạp và khúc chiết rất nhiều vì các chi tiết được thêm thắt vào cho ly kỳ gây cấn hơn, nhất là khi đưa vào Tạp kịch 雜劇 là một bộ môn của sân khấu xưa.
     
Hẹn bài viết tới:
          
HƯ CẤU trong các tác phẩm võ hiệp của KIM DUNG.
 
                                                                           杜紹德                        
                                                                    ĐỖ CHIÊU ĐỨC

1 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!
RẤT THÚ VỊ VỚI SỰ GIẢNG GIẢI KĨ LƯỠNG, DẪN CHỨNG THUYẾT PHỤC!