BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

CHUYỆN XƯA MÙA LỄ HỘI - Phan Chính

Trong 3 ngày (22 – 24/10), tại Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi sẽ diễn ra Lễ hội Văn hoá du lịch Dinh Thầy Thím năm 2018. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức Thầy Thím và là hoạt động gắn với kỷ niệm 23 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/2018). Đây là một trong 5 lễ hội lớn của địa phương và được tỉnh Bình Thuận chọn là lễ hội phục vụ phát triển du lịch.
Xin mời quý bạn đọc bài viết CHUYỆN XƯA MÙA LỄ HỘI của tác giả Phan Chính

       

           CHUYỆN XƯA MÙA LỄ HỘI
                                             Phan Chính

           Dường như ở vùng đất biển La Gi vào những ngày lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím (La Gi, Bình Thuận) có sự chuyển động rõ nét hơn khi khắp ngõ đường rực rỡ sắc màu cờ phướn và những lượt xe ô tô từ các nơi qua lại rộn ràng. Có vẻ như khác thường với một không gian đất trời lởn vởn những áng mây bay trầm mặc sắc thu xanh. Tôi nhận ra nay là những ngày giữa tháng chín ta ở La Gi vẫn còn bất chợt những cơn mưa cuối mùa của thời tiết miền đông Nam bộ. Trong tôi vẫn không thể nào quên cảnh rừng hoang sơ ngày nào dù đang đi trên con đường nhựa phẳng phiu, hàng quán, bến xe nhộn nhịp bóng người ở ngảnh Tam Tân chẳng khác gì một góc phố thị thành.

          Ngày ấy, dinh Thầy Thím (Tam Tân) chỉ đơn sơ mấy gian nhà cổ, mái ngói âm dương rêu phủ, tường vách bong vỡ bày ra những viên gạch xù xì nhưng mang vẻ huyền bí lạ lùng. Dinh nép mình dưới những tàng cây sến, sao cổ thụ sum suê bóng lá nên suốt ngày chỉ có những vòm nắng lẻ loi. Nhìn những trái dầu lông mỏng mảnh lay bay mới nhận ra cơn gió thoáng qua hay nghe tiếng chim gọi bầy xao động một góc rừng mới thấy nơi tu tịnh của Thầy Thím ngày xưa thật sự là chốn an nhiên, thanh thản. Hồi ấy đường vào Dinh là con đường đất từ hướng chùa Quảng Hương làng Tam Tân vượt lên con dốc rừng dầu rồi lội qua bàu nước Đường Ván thơm ngát hương tràm, xen lẫn ngàn hoa cỏ dại. Tưởng chừng đây là nơi nào xa lạ lắm. Truyền thuyết thầy nhận đóng ghe thuyền cho ngư dân trong rừng sâu và chuyển ghe ra sông Maly bằng con lạch Đường Ván này. Về mặt địa lý cũng có phần hợp lý cho sự liên hệ đó. Cho nên ở kim thư sự tích có nhắc đến tài “sái đậu thành binh” mang tính bí ẩn về thầy. Dọc đường, trước sau vài chiếc xe bò có mái che bằng tấm bạt nylon cọt kẹt chở người già, trẻ em và lễ vật chậm rãi di chuyển giữa từng tốp người trong cảnh rộn rịp ngày tế thu cúng thầy.
           So với bây giờ cơ ngơi chánh điện, đền thờ, nhà lưu trú, bếp ăn, phòng họp…có sự thay đổi quá lớn trong gần hai chục năm gần đây. Khoảng hai ba chục vạn người là khách cúng bái, tham quan đến đây trong mùa lễ hội đã mở ra một khu du lịch ngảnh Tam Tân với cảnh quan thơ mộng và một góc biển êm đềm. Khách thập phương trong những năm đường sá còn khó khăn, xe ô tô có khi dừng từ Hiệp An cách dinh và mộ Thầy Thím gần 3 cây số, lại phải lội bộ theo đường xe bò mà vẫn nằm lại đêm để chiêm bái mong cảm nhận được thiêng khí ở đây. Không riêng gì cho người nặng lòng tâm linh mà bình thường, giữa không gian tĩnh lặng xanh rợp bóng cây rừng, tiếng chim thánh thót cũng thấy hồn mình thanh thản đến vô cùng. Nếu nói về qui mô kiến trúc so với những di tích nổi tiếng trong khu vực thì công trình điện thờ  dinh Thầy Thím còn khiêm nhường nhưng lại có được cảnh quan của một cánh rừng nguyên sinh mang dấu tích cổ xưa gợi ra nhiều sự liên tưởng khá lý thú. Góc cây đa già hàng trăm tuổi, trước đây với bộ rễ đủ dáng hình kỳ quái, nhưng rõ nhất là hình thù con cá sấu với tư thế hiền từ bái yết hướng về cổng dinh như nghênh đón khách thập phương. Những thân cây dầu lông cổ thụ như gom tụ dấu chấm phá của sự sống tiềm ẩn thuở sơ nguyên. Đến với khu mộ Thầy Thím càng thấy việc làm của những người trong hội Tam Quí và sau này rất có lý vì đã đọc được ý nguyện của thầy mà giữ nguyên mộ Thầy Thím cùng hai đệ tử bạch hổ, hắc hổ ở Bàu Thông chỉ đắp bằng cát trắng. Khách viếng bái không khỏi xúc động khi tự tay mình bốc nắm đất trắng tinh đắp lên ngôi mộ với lòng thành kính, ngưỡng mộ đức tính giản dị, thuần hậu của thầy.
           Chuyện xưa kể rằng: Dưới thời Gia Long, tại làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, có nghĩa cử cao đẹp hành đạo giúp đời. Quê làng của đạo sĩ từ nhiều đời đắng cay nghiệt ngã, quanh năm đói ăn thiếu mặc như mắc tội với đất trời. Do đó, nỗi bức xúc của dân làng là làm sao có một mái đình để dâng lời cầu nguyện, rước phép an lành. Cảm thấu được nỗi mong ước sâu xa đó, đạo sĩ tập họp những kỳ lão, trai tráng trong làng thông báo ý định ra tay giúp việc dựng đình nhưng với điều kiện phải dọn sẵn một nền đất rộng và trong thời gian dựng đình không một ai lai vãng. Mọi người đều bán tín bán nghi nhưng vẫn làm theo đạo sĩ. Trong khi đó ở làng Bát Nhị vừa xây một ngôi đình thật nguy nga nhưng các hương chức cậy giàu, lại có lời xúc phạm, khinh khi dân làng bất hạnh không xây nổi mái đình. Đạo sĩ bình tâm khuyên dân làng nhẫn nhục và chờ đợi. Không bao lâu, sau một đêm mưa to gió lớn, sấm sét đầy trời dân làng được tin vui đã có ngôi đình mới. Ai cũng vui mừng, đến nơi dọn đất trước đây đã thấy sừng sững ngôi đình ngói đỏ. Nỗi vui lẫn niềm kinh ngạc của dân làng chưa nguôi thì lại nghe tin dữ bên làng Bát Nhị bị mất đình. Thế là bọn hào lý nổi cơn thịnh nộ, cấp báo lên quan tố cáo đạo sĩ là phù thủy dùng phép ma tà thuật đánh cắp đình làng. Lúc bấy giờ dưới triều Tự Đức ra lệnh bắt đạo sĩ, khép tội gây rối và mưu bạo loạn. Vua bèn ra hình phạt “Tam ban triều điển” (tức tội hình chết chém, uống độc dược hoặc treo cổ).
           Giữa pháp trường, đạo sĩ cùng vợ điềm nhiên và xin cấp một tấm lụa điều, xếp hình con rồng. Sau khi dùng mực son điểm nhãn, dải lụa điều biến thành rồng mang cả hai vợ chồng bay về phía Nam, đáp xuống làng Tam Tân.
           Đến Tam Tân, vợ chồng đạo sĩ xin tá túc ở gia đình ông Hộ Hai, rồi ngày ngày sống bằng nghề đốn gỗ, hái thuốc chữa bệnh cho dân làng. Tài chữa bệnh của vợ chồng đạo sĩ nổi tiếng khắp nơi và từ đó được mọi người kính cẩn, xưng tụng gọi là Thầy Thím- Thím là theo cách gọi thông thường với người vợ của Chú. Còn có nghĩa là người phụ nữ (Hoa). Nhưng có giải thích chữ Thím/ Thiếm là cách gọi kính trọng với người vợ của Thầy (người có tài pháp thuật- pháp sư) của người miền Trung. Thầy có chiếc bầu gởi lại chủ nhà mỗi khi đi khỏi đều dặn dò giữ gìn như báu vật treo ở góc nhà. Một hôm, chủ nhà tò mò lén mở ra xem thì chiếc bầu bốc lửa làm cháy cả căn nhà. Chuyện vỡ lở, Thầy Thím vào lánh ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái. Thầy nhận đóng thuê ghe thuyền cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Điều rất lạ là chưa có ai thấy những người thợ phụ giúp Thầy mà chỉ nghe tiếng búa rìu đẵn gỗ, tiếng đục đẽo vang cả góc rừng nhưng đến nơi thì vắng lặng càng làm cho người ta tin Thầy có phép“sái đỗ thành binh” (tức gieo đậu mà có binh lính).
            Đến đời Thành Thái thứ 18, vua xét lại án phạt và ban sắc phong cho Thầy Thím “Chí đức tiên sinh tôn thần, Chí đức nương nương tôn thần”.
            Đọc sự tích Thầy Thím không những thấy được tài đức của người đạt đến đức độ chánh pháp. Từ đây có biết bao câu chuyện truyền khẩu mà người dân địa phương sùng bái cảm phục về những việc làm mang màu sắc thần bí nhưng đầy lòng nhân ái, nghĩa hiệp, cứu giúp dân nghèo.
          Ở góc nhìn lịch sử, làng Tam Tân ngày xưa là một nơi heo hút cuối tỉnh Bình Thuận, trở thành mảnh đất tụ nghĩa của người dân lưu tán và những nghĩa binh từ miền Đông ra khi Pháp chiếm 6 tỉnh miền Tây. Nhân vật huyền thoại Thầy Thím như hình ảnh một sĩ phu yêu nước, chống sự hà khắc của bọn quan quyền phong kiến ở bản xứ và chọn nơi đây để ẩn dật. Nhưng cạnh vấn đề tâm linh thấm đậm vào tâm thức con người trở thành tín ngưỡng dân gian, đi đôi với các nghi thức thờ cúng mang ý nghĩa tôn vinh công đức, nhớ ơn người phù trợ dân làng như một thành hoàng, đó cũng là truyền thống đạo lý của văn hóa dân tộc. Câu chuyện về Thầy Thím thu phục được thú dữ, chim muông đã nói lên mối quan hệ và thái độ đối xử với thiên nhiên, những việc làm bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, răn dạy thương lái buôn gạo chèn ép người dân…đó cũng là sự biểu lộ tình cảm khát khao về một biểu tượng thiêng liêng, phù trợ của người dân bị áp bức dưới thời phong kiến. Giá trị nhân văn trong sự tích Thầy Thím được thể hiện qua lễ hội, nghi thức cúng bái gắn với phong tục tập quán của người dân địa phương là nét văn hóa truyền thống có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội.
                                                                                 Phan Chính

2 nhận xét:

Unknown nói...

Rất mừng khi đọc được bài sự tích Dinh Thầy Thím tại La Gi - nơi tôi đã có thời gian ngắn chọn làm quê hương.

Bâng Khuâng nói...

Rất vui khi thầy ghé thăm và đọc bài !