Tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam lần thứ VIII (2020-2025) tháng 7 – 2020, tại Hà Nội
1. ĐẶC TRƯNG HOẠT ĐỘNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU.
Hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian là hoạt động nằm ở chiều sâu trong lĩnh vực lao động trí óc; đó là một động thái hoàn toàn khác với sáng tác văn học, nghệ thuật. Nếu sáng tác văn học, nghệ thuật, dù cũng lĩnh vực lao động trí óc, song chúng ta chứng kiến trong đời sống, có khi một bài thơ, bản nhạc, bức tranh, một tản văn… người nghệ sĩ sáng tác một cách bất ngờ, từ bắt gặp thực tế, từ ý tưởng đột xuất, cảm hứng và rồi tác phẩm đó trở thành nổi tiếng; trong khi đó nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dân gian (folklore) nếu không có phương pháp, không tư duy logich, không có tiền đề/ và cả những tiên đề mặc định, nhất là không nắm rõ đối tượng văn hóa văn nghệ dân gian đang là đối tượng nghiên cứu thì không thể có kết quả sản phẩm. Nói cách khác, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian là nghiên cứu tổng thể hoặc một vấn đề của hiện tượng/ dòng/ nền văn hóa, từ đó lý giải quá trình hình thành, phát triển, tìm được điều quý báu, cũng như hạn chế, của đối tượng đó nhằm phục vụ cuộc sống đương đại. Những nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian ở Việt Nam đang đã đi trên con đường này hơn 50 năm qua, trong đó Ninh Thuận hoạt động gần 25 năm hoạt động.
Trong nhiệm kỳ 2014 – 2019, Phân hội và Chi hội Văn
nghệ Dân gian tỉnh tổ chức nhiều đợt Hội viên điền dã dọc 105km bờ biển, đến
các làng chài như Sơn Hải, Hải Chử, Khánh Hội, Mỹ Tân, Vĩnh Hy…, điền dã hầu hết
các làng người Chăm ở đồng bằng và làng người Raglai miền núi trong tỉnh để điều
tra, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống, lễ hội, âm nhạc của người Kinh,
Chăm, Raglai, tìm hiểu các phong tục, nét đẹp, tìm những điều hạn chế trong bản
thân một hiện tượng văn hóa đang nghiên cứu. Quy trình đi điền dã sưu tầm,
nghiên cứu tương đối bài bản và các công trình đạt kết quả ban đầu đáng trân trọng,
nhiều vấn đề được “cày xới”, “bóc tách” nhằm công bố thông tin khoa học đáng
tin cậy.
Ví dụ, Nguyễn Hải Liên - Phan Thị Thi Thơ xuất bản công trình Văn hóa văn nghệ dân gian làng chài Sơn Hải, cho thấy lớp văn hóa nổi bật làng chài Sơn Hải, (xã Phước Dinh), là nối tiếp gốc văn hóa ở Phú Yên thông qua luồng “lưu dân” vài thế kỷ trước, Đình Hy xuất bản sách Bản sắc một vùng đất, cày xới nhiều vấn đề về văn hóa, tính đa dạng và đặc sắc của văn hóa nhiều dân tộc ở Ninh Thuận.
Các vấn đề về văn hóa Chăm càng ngày càng được nghiên cứu chiều sâu ở một vài công trình, Sử Văn Ngọc xuất bản Lễ nghi cuộc đời người Chăm, tập 1, 2, 3, Nguyễn Hải Liên, Phan Thị Thi Thơ công trình “Lễ phong chức các vị chức sắc tôn giáo của người Chăm Ahiér tỉnh Ninh Thuận”, Phan Văn Dốp, Phan Quốc Anh, Nguyễn Thị Thu và nhóm chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm thực hiện công trình Văn hóa phi vật thể người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.
Văn hóa Raglai cũng như thế, Nguyễn Hải Liên với công trình Đặc trưng Văn nghệ dân gian Raglai nhánh Nam và nhánh Bắc. Thực chất Nguyễn Hải Liên khảo tả những hiện tượng văn hóa khác nhau của tộc người Raglai cư trú miền núi 2 khu vực phía Bắc và phía Nam tỉnh và gọi là “nhánh”, việc làm này để người đọc thấy được sự đa dạng hơn về văn hóa Raglai. Theo tôi, về địa lý kéo rộng ra phía Bắc đến miền núi tỉnh Khánh Hòa, phía Nam đến vùng người Raglai, có nơi gọi là người Rai, ở miền núi tỉnh Bình Thuận, thành một “dải” Raglai; về nguyên nhân “khác nhau” cần tìm ở sự giao thoa văn hóa cận cư, ở đây là văn hóa Chăm, Churu và hôn nhân tộc người, (trong lịch sử, xứ Panduranga từng có các Po, các cận thần là người Churu, Raglai, nay còn thờ cúng). Lĩnh vực văn chương bình dân, ngôn ngữ tiếp tục được chú ý, Sử Văn Ngọc xuất bản công trình Thành ngữ, tục ngữ của người Raglai…
Một công trình tổng hợp, bóc tách nhiều thời kỳ lịch sử vùng đất Ninh Thuận, văn hóa, truyền thuyết… của nhiều dân tộc đã xuất bản, đó là công trình nghiên cứu Địa danh tỉnh Ninh Thuận xưa và nay, của Đình Hy và nhóm cộng tác. Đây là một công trình có thể gọi khác đi là xuất phát từ địa danh ban đầu có thể biết lịch sử, địa lý, hành chính qua các thời kỳ, lĩnh vực ngành nghề giáo dục, y tế, giao thông…, từ địa danh biết các lớp văn hóa, truyền thuyết dân gian, tôn giáo, cơ sở thờ tự… các dân tộc trong tỉnh. Sách Địa danh này như là ánh xạ của Ninh Thuận xưa và nay.
Cũng cần nhắc lại, các nhà nghiên cứu - Hội viên ở tỉnh đã viết các chuyên luận góp phần đáng kể vào các Hội thảo Quốc gia, Quốc tế về âm nhạc dân gian Chăm, lễ hội Kate - Chăm, lễ Bỏ mả - Raglai, nghề làm gốm truyền thống người Chăm… từ đó làm dữ liệu khoa học để tỉnh xây dựng hồ sơ đăng ký di sản phi vật thể cấp quốc gia, UNESCO.
Lĩnh vực phổ biến và truyền dạy văn hóa văn nghệ dân gian, các nhà nghiên cứu - Hội viên trong tỉnh, căn cứ chức năng bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh, họ đã tranh thủ nhiều ngành, địa phương, xã thôn để khuếch trương, tổ chức loại hình hát bài chòi ở làng Sơn Hải, ở trung tâm Văn hóa tỉnh trong dịp tết truyền thống, truyền dạy nhạc cụ mả la trong các trường có học sinh Raglai, truyền dạy nhạc cụ dân tộc Chăm tại các làng/ gia tộc người Chăm.
Về giải thưởng, với cụm 03 công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc: “Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận”, “Trang phục cổ truyền Raglai”, “Nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai Nam Trung bộ”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào tháng 5 năm 2017; mới tháng 11 năm 2019, ông đã hiến tặng các công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa phi vật thể của mình cho Nhà nước nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngoài ra nhiều công trình cá nhân khác đạt giải thưởng cao của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam hàng năm. Đây là niềm tự hào về thành quả nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian của các nhà nghiên cứu ở tỉnh Ninh Thuận.
Nhìn chung, tổ chức Phân hội và Chi hội Văn nghệ Dân gian duy trì được các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm. Một số cá nhân Hội viên vẫn luôn tâm huyết với nghề và kết quả nghiên cứu khả quan, các công trình về văn hóa dân gian có giá trị khoa học, thực tiễn, có thể kể thêm nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh đã thực hiện công trình Văn hóa phi vật thể người Việt ở tỉnh Ninh Thuận.
Về hạn chế ở đây là một số Hội viên tuổi cao, sức yếu,
số khác do kinh tế gia đình khó khăn nên có ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu,
ít tham gia các hoạt động điền dã, sưu tầm ở các vùng miền, các nhân tố nghiên
cứu kế cận, có nhiệt tình về lĩnh vực này còn ít ỏi, hụt hẫng.
2. NHỮNG YÊU CẦU TỪ CUỘC SỐNG…
Những nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian đương đại
gặp những thử thách như sau:
+ Bể học mênh mông vô cùng, văn hóa cũng kỳ ảo, rộng lớn vô cùng, những hiểu biết, nghiên cứu đã có chỉ mới ở phần nào mà thôi. Con đường còn ở phía trước. Ở Ninh Thuận thực sự chưa vỡ vạc, khám phá nhiều so với gia tài đồ sộ của nền văn hóa văn nghệ dân gian tổ tiên để lại, nên một mặt theo hướng khảo tả những đề tài còn đang là khoảng trống, mặt khác theo hướng đi chuyên sâu từng công trình, đề tài văn hóa Chăm, Raglai, người Kinh ở miền biển đã hoàn thành nghiên cứu trong hơn 20 năm qua, như năm 1996, 1997, khi làm Chủ nhiệm Đề tài về thực trạng phụ nữ Raglai, do Hội LH Phụ nữ tỉnh đăng ký đề tài KHXH cấp tỉnh, qua điều tra, thống kê, tôi đã thấy, khuyến nghị vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết, phân tích lý do, đặc điểm tộc người, địa bàn cư trú, gần đây trong tỉnh mới có chú ý tọa đàm ban đầu. Hơn 20 năm, có lẽ cuộc sống còn những vấn đề lo lắng lớn hơn vấn đề này?
Những khoảng trống đó là: những đề tài mới như văn hóa của người Kinh ở đồng bằng, văn hóa riêng tộc người Churu, K’ho chúng tôi chưa làm được bao nhiêu, hoặc hiện tượng giao thoa văn hóa Raglai – Churu ở xã hẻo lánh Phước Bình chẳng hạn cũng chưa làm; về văn hóa và tôn giáo bản địa, ví dụ vai trò của văn hóa Phật giáo trong đời sống thời kỳ đầu ở Ninh Thuận, Bà la môn giáo, Hồi giáo Bà ni, vì sao còn gọi là Ahier, Awal? (tôi chỉ chú ý nội hàm ngữ nghĩa, ý nghĩa từ ngữ phát sinh mà thôi, nhưng trong đó chứa đựng một quy luật biến đổi, dung hợp tôn giáo do những yêu cầu khách quan thời đại để tồn tại).
+ Cuộc sống luôn vận động, biến đổi không ngừng, hiện
tượng văn hóa cũng thế, bởi nó là sản phẩm của lịch sử, có sinh ra, biến đổi,
phát triển… hoạt động nghiên cứu một mặt “chạy theo” quá trình này đã là quá sức,
nếu không có đội ngũ những người nghiên cứu kế tục, bổ sung, nghiên cứu sẽ đứt
gãy. Nói về biến đổi/ cải biến/ bổ sung… ví dụ ngay lễ Kate Chăm, đã có quá nhiều
bài viết phân tích, ca ngợi, song trong một tài liệu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ
XX có mô tả, ngoài các lễ cúng khác, có nêu rằng khi lên tháp hành lễ, thầy
cúng mang một bó cỏ khô lên dâng cúng bò thần Nandin/ Kapil, các nhà nghiên cứu
hậu thế trong bài viết của mình không ai nói điều này; hoặc trong lễ tuyệt
nhiên không có múa mừng, văn nghệ, mãi đến năm 1965 mới bắt đầu đưa lên tháp
múa mừng Kate, ở các làng, các gia đình không đón Kate tưng bừng như ngày nay,
cũng do những hồi ức của người Chăm lớn tuổi kể lại mới đây. Kate từ lễ tục
thành lễ hội là vậy. Rõ ràng các nhà nghiên cứu chỉ tả lễ hội, không “bóc tách”
các lớp văn hóa chồng lên, đã không rõ bản chất của lễ tục Kate xưa; chiều ngược
lại cũng có người lẻ loi viết “kéo dài” rằng: Kate có từ thời văn hóa Sa Huỳnh
mấy nghìn năm trước?. Rộng ra, sự cẩn trọng sẽ không thừa trong nghiên cứu văn
hóa, đáng quan ngại nhất là với một vài dữ liệu, suy diễn thiếu căn cứ và truyền
dạy, giảng dạy cho thế hệ sau, kiểu như Kate xuất hiện thời văn hóa Sa Huỳnh.
+ Cuộc sống cũng nảy sinh nhiều hiện tượng văn hóa dân gian hiện đại, hoàn toàn mới, pop – culture, pop – art, xử lý hiện tượng ca dao mới, truyện cười hiện đại…, một mặt nào đó xếp vào dòng đại chúng toàn dân và sẽ cần nghiên cứu một cách nghiêm túc... Lúc nào đó các dạng này sẽ là văn hóa dân gian cổ truyền.
Kết lại, văn hóa, văn hóa văn nghệ dân gian là vô cùng, có những điều hợp lý khi sinh ra, lâu dần thành truyền thống, có điều ban đầu hình thành là hợp lý, sau trở thành hạn chế, theo thời gian không phù hợp nữa; nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian là tìm ra từng lớp chồng lên nhau đó, khách quan, biện chứng, tránh võ đoán, suy diễn. Phía trước con đường nghiên cứu này còn nhiều thử thách. Điều lớn nhất là văn hóa, văn hóa văn nghệ dân gian giúp con người “giữ” chân đứng vững, không bị chông chênh trên đường đi.
Đình Hy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét