BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

BÌNH THUẬN, NHIỀU ĐỊA DANH CHỈ CÒN TRONG KÝ ỨC – Phan Chính

 


Trên bản đồ hành chính của tỉnh Bình Thuận hiện nay có nhiều địa danh từng thấm đậm trong ký ức của các thế hệ, đời người đã không còn nữa. Bởi vì ý nghĩa của những địa danh đó như một trang sử lưu dấu chân người trên một vùng đất của chặng đường khai hoang, mở đất.
 
VÕ ĐẮT
 
Nói đến địa danh Võ Đắt/Võ Đắc là quận lỵ của quận Hoài Đức (dưới chế độ VNCH, thay cấp hành chính Huyện thành Quận). Hoài Đức là một trong 3 quận (Hàm Tân, Tánh Linh, Hoài Đức) của tỉnh mới Bình Tuy được thành lập vào tháng 10.1956 và quận lỵ đầu tiên đặt tại khu dinh điền Bắc Ruộng. Nhưng đến năm 1960 lực lượng giải phóng Bình Thuận và Khu 6 đã tấn công bộ máy đầu não của quận này, nên chính quyền VNCH Bình Tuy chuyển quận lỵ và chi khu quân sự quận Hoài Đức về xã Võ Đắt (nay thuộc địa bàn xã Đức Tài, huyện Đức Linh). Tổ chức hành chính của chế độ cũ bấy giờ không có cấp Thị trấn mà chỉ có xã, ấp. Trong 5 xã của quận, xã Võ Đắt có 17.271 dân gồm 5 thôn Đắc Tài, Đắc Hạnh, Đắc Lộc, Tư Tề và xã Võ Xu có 9.132 dân gồm 3 thôn Nhân Trí, Võ Tín, Hòa Hiệp…(1).
 
Xã Võ Đắt trở thành trung tâm thương mại, văn hóa của quận Hoài Đức. Sau ngày giải phóng 1975, hai quận Tánh Linh và Hoài Đức nhập lại thành huyện Tánh Linh. Rồi đến năm 1983 điều chỉnh địa giới, chia làm 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh và Võ Đắt không còn là nơi đặt huyện lỵ nữa mà huyện lỵ huyện Đức Linh (mới) đặt tại xã Võ Xu. Từ đó địa danh Võ Đắt không còn nữa.  Đọc lại sách “Nam kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục”, năm Nhâm Thìn 1892 ghi ở phần Hạt Biên Hòa có 17 tổng 196 thôn, trong đó tên thôn Dõ Đắc thuộc tổng Phước Thành (cạnh tổng Bình Tuy) và được ghi chú “… âm Nam Bộ đọc và viết chữ này là Dõ thay vì Võ” và tương tự chữ Đắt thay vì chữ Đắc (2). Như vậy địa danh Võ Đắc/Dõ Đắt đã có khoảng từ 100 năm trước. Người dân bản địa ở đó là các sắc tộc Mạ, K’ho… sống từng nhóm nhỏ. Chỉ có cư dân Việt đông đảo từ năm 1957, dưới thời Ngô Đình Diệm, với chính sách “dinh điền” ồ ạt di dân từ miền Trung vào đây lập nghiệp, làm lá chắn quân sự và khai thác vùng đất trù phú về nông và lâm nghiệp của tỉnh Bình Tuy. Do đó, qua điền dã có người nói địa danh Võ Đắt là anh em với Võ Xu, là bậc tiền hiền, có công khai phá đất này, so với lịch sử hình thành ghi chép thì không thể nào có được.
 
HÒA ĐA
 
Ở phía bắc tỉnh Bình Thuận, địa danh Hòa Đa có một thời gian tồn tại khá dài, từ năm 1697 là một huyện thuộc phủ Bình Thuận. Năm 1886, huyện Hòa Đa thành phủ và năm 1832 tỉnh lỵ đầu tiên Bình Thuận đặt tại đây. Đến năm 1910, Hòa Đa Thổ trở thành huyện Phan Lý Chàm. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chia thành hai huyện Hòa Đa và Phan Lý Chàm. Năm 1951, dưới thời Pháp thuộc, thành lập huyện Bắc Bình sáp nhập từ các huyện trước đây là Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong (tách huyện Phan Lý Chàm là đơn vị hành chính riêng). Phần đất huyện Bắc Bình còn lại Hòa Đa và Tuy Phong. Đến năm 1954, chính quyền VNCH tiếp quản Hòa Đa cho đến năm 1967-1968, theo tổ chức cách mạng thành lập tỉnh Bắc Bình gồm các huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong và K67 (mật khu Lê Hồng Phong). Sau ngày giải phóng, đến tháng 4.1976 Chính phủ tái lập huyện Bắc Bình (gồm Hòa Đa, Phan Lý Chàm, Tuy Phong, Hải Ninh), thuộc tỉnh Thuận Hải. Đến tháng 6.1983, chủ trương chia tách huyện Bắc Bình làm 2 huyện Bắc Bình và Tuy Phong thì địa danh Hòa Đa đã xuất hiện qua 286 năm trên bản đồ hành chính xưa và sau này không còn nữa.
 
LONG HƯƠNG
 
Huyện địa đầu của Bình Thuận là Tuy Phong, hiện nay huyện lỵ đặt tại thị trấn Liên Hương, nhưng người dân lui tới nơi này từ xưa và đến bây giờ cũng quen gọi là Long Hương (Krău). Tìm qua sử sách, từ năm 1888, thời Pháp thuộc, lúc đó huyện Tuy Phong có 2 tổng Bình Thạnh và Tuy Tịnh, sau đó có thêm tổng đảo Phú Quý, địa danh Long Hương là một làng. Năm 1832 huyện lỵ Tuy Phong đặt tại thôn Xuân Long (thị trấn Liên Hương ngày nay). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Tuy Phong chia làm 6 khu, giải thể cấp tổng, chỉ giữ lại cấp xã và Long Hương trở thành một xã của Khu II. Lúc này chưa xuất hiện địa danh Liên Hương. Đến năm 1951, Pháp chủ trương càn quét dồn dân các vùng lân cận, để cách ly lực lượng cách mạng đưa về tập trung tại xã Long Hương. Sau ngày giải phóng, tháng 5.1975, với mật độ dân cư đông, lợi thế về nông nghiệp, ngư nghiệp Long Hương trở thành thị trấn Liên Hương, trung tâm hành chính huyện Tuy Phong.
 
DUỒNG
 
Có một địa danh đã lạ mà cũng có nhiều giải thích khác nhau. Đó là làng Duồng bên bờ biển có mũi đá đỏ Gành Son, nay là xã Chí Công thuộc huyện Tuy Phong. Vài tư liệu về địa danh Duồng cho rằng đã có từ cuối thế kỷ XII, theo âm ngữ của người Chăm là Yuôn, là người Việt, nhưng thời Pháp có đặt nhà Đoan (tức Douane) để thu thuế mua bán cá mắm, muối hột… nên người dân đọc trại chữ Đoan thành Duồng, cũng đồng âm với Douane (Pháp), Yuôn (Chăm), Duồng (Việt) (3)...
Đây là nơi đón nhận nhiều lượt lưu dân phiêu tán từ miệt ngoài trên đường vào Nam rồi trụ lại lập nghiệp. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” (quyển 12Nha VHGD/VNCH-1965), năm 1832, địa danh sông Duồng xuất hiện, được nhắc đến: “… giảm bỏ hiệu trấn Thuận Thành, chia đặt ra 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận, đặt thêm 2 huyện là Tuy Phong và Tuy Định (từ địa giới Khánh Hòa đến sông Ma Bố là huyện An Phước; từ sông Ma Bố đến sông Duồng là huyện Tuy Phong đều thuộc phủ Ninh Thuận; từ sông Duồng đến sông Phố Hài làm huyện Hòa Đa...”. Đặc điểm vùng đất này rất thuận lợi về nghề biển và cánh đồng muối có từ xa xưa. Năm 1891 Duồng đã có 5.000 dân ở đây làm nghề biển và làm muối truyền thống. Thời Nguyễn, Duồng bao gồm 6 làng Hội Tâm, Thanh Lương, Hồi Long, Mỹ Hiệp, Phú Đức, Hà Thủy.  Các sách ghi Duồng là do đọc từ âm người Chăm, Yuôn tức người Việt, cũng có nghĩa đất Yuôn (Duồng) này có từ thời tiểu vương Champa. Cũng phù hợp về ảnh hưởng ngôn ngữ vùng lân cận Phan Lý là bản địa người Chăm. Nhưng cũng có giải thích, Duồng bắt nguồn từ chữ Yeuh trong tiếng Quan thoại của người Trung Quốc để chỉ người Việt (Yueh/Việt - Yueh Nam là Việt Nam), Nam ở đây là phía Nam theo cách nhìn qua tiếng Hán.  Nhưng qua trao đổi với anh Kinh Duy Trịnh (Hội VHNT Bình Thuận), chuyên về ngôn ngữ Chăm đã cho biết, đại ý là địa danh Duồng do người Pháp ghi âm qua âm đọc của người Chăm là Yuôn/Tuồn - theo Tự điển Chăm - Pháp, trang 231-Xuất bản 1906. Từ phát âm Duôn/Tuồn đến người Việt viết là Duồn (ghi thêm chữ g ở cuối thành Duồng). Với cơ sở này có thể thuyết phục được.
 
TRINH TƯỜNG
 
Nhiều địa danh khác có tuổi thọ trên trăm năm như Trinh Tường cũng không còn tồn tại. Năm 1836, khi tiến hành khảo sát đo đạc chuẩn bị cho việc dời lỵ sở tỉnh từ Hòa Đa về Phan Thiết, lúc này Phan Thiết thuộc tổng Đức Thắng, bên tả ngạn sông Cà Ty có tên xã Trinh Tường gồm các thôn Long Khê, Long Bình, Minh Long (và theo sách Địa bạ triều Nguyễn Bình Thuận/ Sở hữu ruộng đất thực canh…). Sau khi Phan Thiết được nâng lên thị xã (1898) cùng năm dời tỉnh lỵ về Phú Tài thuộc phủ Hàm Thuận, gồm có 16 làng. Trong đó phía bên tả ngạn sông Cà Ty vẫn có địa danh làng Trinh Tường. Trong thời kỳ thị xã Phan Thiết do chế độ cũ quản lý, Trinh Tường cùng tình trạng các đơn vị hành chính của thị xã trước đó, được thay bằng tên mới trên địa bàn là xã Châu thành Phan Thiết thuộc quận Hàm Thuận. Trinh Tường từ đó chỉ còn nhắc đến qua một Đồn binh Pháp, một trụ cây số 1 của quốc lộ 28 lên Ma Lâm - Di Linh… nhưng đây là một địa danh lâu đời trên chặng đường hình thành tỉnh lỵ Bình Thuận.  Không những chừng đó, mà còn nhiều địa danh làng, xóm được ra đời khá xưa, dân cư tập trung, có ý nghĩa truyền thống nhưng qua nhiều thời kỳ, về tổ chức hành chính biến động từ làng, xã, phường, thị trấn, huyện, quận… đã chấm dứt tên gọi ngày ấy.
 
Theo nhà nghiên cứu địa danh Nguyễn Thanh Lợi viết: “Địa danh không chỉ là ‘cái vỏ’ ngôn ngữ thuần túy, dùng để định danh các vùng đất, mà nó như một bức khảm văn hóa đa sắc màu, đồng hành với cuộc sống muôn mặt của xã hội loài người. Đằng sau đó là những sự kiện, thân phận con người, những sự vật, đặc điểm tự nhiên, cùng với lề thoái, tập quán sinh hoạt… được tích tụ, dồn nén lại dưới dạng những “tấm bia” văn hóa là địa danh và mang mã di truyền qua nhiều thế hệ, nhiều vùng đất, quốc gia” (4). Vậy thì không biết Trinh Tường đã tồn tại 129 năm, cùng chung số phận với nhiều địa danh từng là một đơn vị hành chính, nay biến mất sẽ nói gì trong quy luật hình thành cho một địa danh.  
 
                                                                                          Phan Chính
 
 ……..
 
(1) Địa phương chí tỉnh Bình Tuy trước 1975- tư liệu chế độ VNCH.
(2) Do Nguyễn Đình Tư dịch và chú thích, Trần Văn Chánh hiệu đính - Nxb. Tổng hợp - Tp Hồ Chí Minh - 2017.
(3) Theo“Nét riêng xứ Duồng”-Bình Thuận Online- 17.6.2011 và Website CABT.
(4) Theo “Những trầm tích địa danh”-Nxb Văn hóa Văn nghệ- 2018.

Không có nhận xét nào: