Nguồn:
http://vanviet.info/van/truyen-ngoi-chnh-su-2/
Lời vào truyện:
Vừa
qua, trong một chuyến điền dã về thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai
(Hà Tây), chúng tôi đã may mắn “được nhờ dịch” một cuốn sách do một người dân địa
phương phát hiện được khi hạ móng nhà. Đó là một cuốn thư tịch cổ (có thể nói
là tối cổ) được bảo quản trong một chiếc khạp gốm, viết chữ Hán, lối đá thảo,
nét chữ phóng khoáng, không theo một khuôn phép nào và được viết theo thể
“Chí”, trong đó nói về hành trạng của một nhân vật có tên là Đỗ Thích, con Đỗ Cảnh
Thạc – một danh tướng dưới triều nhà Ngô.
Thấy
đây là một tư liệu lý thú và có phần bổ ích với bạn đọc hôm nay, chúng tôi đã từ
bản dịch thoát, mạo muội biên tập lại dưới dạng một truyện ngắn với cái tít là:
“Truyện ngoài chính sử”, vì trong sách có những chi tiết không thấy chính sử
ghi chép.
Để
tiện theo dõi, trước khi làm quen với Đỗ Thích, nhân vật chính được nói tới ở
đây, chúng tôi thấy cần phải nói qua về Đỗ Cảnh Thạc, một trong thập nhị sứ
quân thời tàn Ngô:
Đỗ
Cảnh Thạc (912 – 968) là người huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Năm
936, ông khởi binh chống lại triều Nam Tấn và trong một lần giao chiến, ông bị
Lương Ngột, một viên tướng của nhà Nam Tấn lấy mất một tai (vì vậy, ông còn có
biệt hiệu là Độc Nhĩ Vương), phải ôm đầu máu, dẫn tàn quân chạy sang Giao Chỉ,
đến đất Đường Lâm khuất thân theo phò Ngô Vương Quyền.
Nhờ
có nhiều công lao, được nhà Ngô phong cho chức Chỉ huy sứ, cai quản cả một vùng
Đỗ Động, Liệp Hạ (nay thuộc hai huyện Thanh Oai và Quốc Oai – Hà Tây). Năm 965,
hậu Ngô vương là Ngô Xương Văn con Ngô Vương Quyền mất. Giao Chỉ đại loạn! Mười
hai sứ quân nổi lên, mỗi người hùng cứ một phương, không ai chịu thống thuộc
ai!
Đỗ
Cảnh Thạc xưng là Đỗ Cảnh Công, lấy luôn đất Đỗ Động và vùng Trại Quèn (tên nôm
của thôn Cổ Hiền) làm căn cứ, tạo thành thế ỷ dốc để khi lâm sự có thể ứng cứu
lẫn nhau, chống lại với các sứ quân. Ông là người cuối cùng cầm cự được với
Đinh Bộ Lĩnh. Sau đó, vì mắc phải kế nghi binh của họ Đinh, trong một trận giao
tranh tại khu vực núi Tượng Linh thuộc địa phận xã Hoàng Xá, Đỗ Cảnh Thạc bị
trúng một mũi tên có tẩm thuốc độc, một người một ngựa chạy được về đến chân
núi Sài Sơn (núi Thầy) thì mất, thọ 57 tuổi. Đó là ngày 8 tháng Giêng năm Mậu
Thìn (968).
Vì
có nhiều ân huệ với dân từ khi còn giữ chức Chỉ huy sứ, nên sau khi mất, suốt một
vùng thuộc quyền Đỗ Cảnh Thạc cai quản, không nơi nào người dân không lập đền
thờ ông…
Đến
đây, lịch sử mở ra một thời kỳ mới. Chính quyền về tay nhà Đinh. Đinh Bộ Lĩnh
lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Vạn Thắng Vương, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (nước
Việt to cồ) bao gồm những vùng đất đã thu phục được và đặt dưới sự thống thuộc
của mình…
I.
Đỗ Cảnh Thạc sinh được một trai là Đỗ Thích. Sau cơn
binh hoả, Thích là người duy nhất của dòng họ Đỗ Cảnh còn may mắn sống sót vì
đang theo học đạo sĩ Trương Ma Ni bên kinh thành Cổ Loa. Thời thế đổi thay, bỏ
Đỗ Động Giang – quê mẹ và cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của mình – Thích lánh
sang trang Liệp Hạ, lấy một người vợ họ Phùng và sống mai danh ẩn tích ở đó.
Năm Tân Mùi, niên hiệu Thái Bình thứ hai (971), nhà Đinh mở khoa thi tam giáo,
bao gồm cả Nho, Phật, Lão để chọn người tài. Thích nhân dịp này muốn đem sở học
để tiến thân, liền lều chõng vào kinh đô Hoa Lư ứng thí.
Phép thi lần ấy là một bài Kinh nghĩa hỏi nghĩa chữ “Đạo” trong “Đạo Đức Kinh”, chữ “Thời”
trong “Chu Dịch”, và hai chữ: “Sắc”, “Không” trong kinh “Bát Nhã” – ba bộ kinh tiêu biểu cho
kinh điển của ba nhà. Đề ra phải nói là khó, cho nên rốt cuộc chỉ có ba người
qua được thì một là đệ tử đạo Phật: Ngô Chân Lưu, một là đệ tử đạo Nho: Đặng
Huyền Quang, và thuộc diện học trò mặt trắng là Thích, trong đó Thích là người
ít tuổi nhất.
Để định cao thấp, ba người phải bước vào kỳ Đình thí với
đề ra là một bài văn sách hỏi về việc đế vương trị thiên hạ so với vũ công của
nhà Đinh trong việc đánh dẹp mười hai sứ quân. Vốn nặng kiến thức sách vở song
chưa lịch duyệt việc đời nên trong bài làm của mình, Thích đã “hớ hênh” khi dùng chữ “Vương” – vua để chỉ mười hai sứ quân và
chữ “Quốc” – nước để chỉ những vùng đất
dưới quyền các sứ quân cai quản. Đọc thấy những: Thái Bình vương, Tam Chế
vương, Ngô Lãm vương, Kiều Lệnh vương, Nguyễn Hữu vương, Trần vương, Lã vương,
Lý vương, Phạm vương, Đỗ vương, Ngô vương, Nguyễn vương, rồi… nước Bố Hải Khẩu,
nước Phong Châu, nước Tam Đái, nước Đường Lâm, nước Siêu Loại, nước Tiên Du, nước
Tế Giang, nước Tây Phù Liệt, nước Hồi Hồ, nước Đằng Châu, nước Bình Kiều, nước
Đỗ Động…, Đinh Bộ Lĩnh lộn ruột, vứt ngay bài văn sách xuống đất, quát võ sĩ
lôi Thích ra trước sân điện, nọc nằm sấp xuống đất, đánh đủ năm mươi trượng!
Không hiểu do quá sợ hay do bọn võ sĩ quá tay hay do cả
hai, mà Thích phọt cứt ra cả đằng đít và đằng mồm! Cũng may là Thích còn giữ
kín hành tung của mình, nếu không qua vụ này Đinh Bộ Lĩnh biết Thích là con Đỗ
Cảnh Thạc thì dòng họ Đỗ Cảnh đã tiệt giống.
Kết quả khoa ấy Thích bị đánh hỏng dù bài Kinh nghĩa
trước đó kiến văn của Thích có phần trội hơn hai người kia (trong khi Ngô Chân Lưu đề cao đạo Phật, Đặng
Huyền Quang bài Lão và cổ xuý cho việc lấy Nho giáo làm Quốc giáo, thì Thích chủ
trương dung hợp cả bà nhà – Tam giáo đồng nguyên). Ngô Chân Lưu đỗ đầu được
phong là Thái sư; Đặng Huyền Quang đỗ thứ hai được phong là Sùng Chân uy nghi.
II.
Đinh Bộ Lĩnh (924-979) người động Hoa Lư, châu Đại
Hoàng, vốn là dòng dõi quyền Thứ sử Hoan châu Đinh Công Trứ thời Dương Diên Nghệ
và tiền Ngô vương. Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, Đinh cùng mẹ là Đàm thị dẫn đám
gia thuộc dời Hoan châu về Hoa Lư, lập nên thôn Đàm gia và cũng chính tại đây,
ngay từ tuổi còn thơ, Đinh đã sớm bộc lộ một tính cách khác người.
Chăn trâu với lũ trẻ cùng động, bày trò đánh trận giả,
Đinh luôn cầm đầu và luôn là người giành phần thắng. Được suy tôn làm Động chủ,
Đinh thường bắt lũ trẻ tréo tay làm kiệu, lấy hoa lau làm cờ, đi kèm hai bên để
rước Đinh như nghi vệ của bậc quân trưởng. Cùng động không có đối thủ, Đinh kéo
lũ trẻ đi đánh trẻ con các động khác. Đến đâu bọn chúng đều sợ phục.
Sau khi “thống nhất” được các động, một lần Đinh tổ chức
“hội quân” ở Hoa Lư. Nhân lúc Đàm thị đi vắng, Đinh cho bắt lợn của nhà đem ra
nơi vẫn thường tập trận làm thịt để khao chúng. Biết chuyện, chú của Đinh là
Đinh Dự nổi giận, vác dao ra động tìm Đinh. Lũ trẻ đang ăn uống thấy thể bỏ chạy
tán loạn. Đinh chạy về phía sông Nương Loan, theo sau là hai “tướng” Đinh Điền
và Nguyễn Bặc hộ vệ. Qua cầu, cầu gãy, Điền, Bặc nhanh trí nối người làm cầu để
đưa chủ tướng sang sông. Dự đuổi đến nơi, nhìn gà hoá cuốc, tưởng là rồng vàng
vươn mình ngang sông hộ giá, sợ quá, ném bỏ cả dao chạy về.
Đinh chạy đến đất Giao Thuỷ, ở lại đó và theo phường
chài làm nghề chài lưới. Tại đây, một lần kéo lưới, Đinh được một viên ngọc
khuê nhưng bị va vào mũi thuyền sứt mất một góc. Giấu viên ngọc dưới đáy giỏ
cá, đêm ấy Đinh vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thuỷ. Nửa đêm thấy từ giỏ cá có ánh
sáng lạ phát ra, vị sư trụ trì vội đánh thức Đinh dậy để hỏi duyên cớ. Đinh kể
lại chuyện mình được ngọc và lấy ngọc ra cho xem. Xem xong, nhà sư than rằng: “Nhà ngươi ngày sau phú quý không thể nói hết,
chỉ tiếc phúc không được dài!”.
Lúc này, Trần Lãm, một trong mười hai sứ quân đã xưng
là Trần Minh công chiếm giữ vùng Bố Hải Khẩu. Đinh bèn bỏ nghề chài lưới, dẫn vợ
con chạy sang với Trần Minh công. Thấy Đinh tướng mạo khác thường, Trần Minh công
đem lòng biệt đãi, nhận Đinh làm nghĩa tử và cho cùng được bàn việc quân ở nơi
màn trướng. Sau khi Trần Minh công mất, binh quyền về tay Đinh.
Nhận thấy Bố Hải Khẩu là nơi trống trải khó có thể
phòng thủ khi bị tấn công, Đinh liền bỏ Bố Hải Khẩu, kéo quân về Hoa Lư. Nơi
đây tuy chật hẹp nhưng thế đất hiểm, bốn mặt đều có núi đá bao quanh, dựng đứng
như bức trường thành, duy nhất chỉ có một lối để ra vào, khiến tiến có thể
công, thoái có thể thủ, đã được Đinh coi là đất căn bản để xây dựng lực lượng
và tính kế lâu dài.
Nam Tấn vương Ngô Xương Văn và Thiên Sách vương Ngô
Xương Ngập (hai con của Ngô vương Quyền) liền cất đại binh, thân chinh đến
đánh. Ban đầu, vì thế còn yếu, Đinh sai con trưởng là Đinh Liễn sang làm con
tin để giảng hoà. Liễn đến, Văn và Ngập gọi Đinh là giặc, kể tội Đinh manh tâm
làm phản, xé bỏ thư nghị hoà rồi giữ Liễn luôn ở trong quân. Đánh suốt hơn một
tháng trời vẫn không thắng nổi vì Đinh dựa vào địa thế hiểm trở, cố thủ không
ra, Văn và Ngập liền đem Liễn treo lên đầu ngọn sào, dẫn ra trước quân, sai người
bảo Đinh nếu không chịu hàng thì sẽ giết Liễn. Đinh thản nhiên trả lời: “Tài trai đã quyết chí ở chỗ công danh, khi
nào lại chịu bắt chước lũ đàn bà, con trẻ!”. Rồi sai mấy chục tay cung nỏ
nhằm Liễn mà bắn. Văn và Ngập thấy thế, kinh hãi bảo nhau: “Ta làm thế là muốn lấy tình cốt nhục để buộc hắn phải đầu hàng, nay hắn
đã tàn nhẫn như vậy thì dẫu có giết con hắn đi cũng chẳng ích gì mà lại mang tiếng
là giết sứ giả”. Bèn tha cho Liễn và rút quân về…
Vốn trọng võ hơn trọng văn, sau khi lấy được nước,
Đinh chủ trương dùng pháp trị chứ không dùng đức trị. Trước sân điện, Đinh cho
đặt những chiếc vạc lớn và cũi nuôi hổ dữ. Nếu ai phạm pháp, bất kể nặng nhẹ đều
phải chịu chung một hình phạt là bỏ vạc dầu hoặc ném vào cũi cho hổ xé xác!
Nhân vụ Đỗ Thích, Liễn đã hỏi Đinh:
“Tội của Thích là tội phải bỏ vạc dầu hoặc ném vào cũi
làm mồi cho hổ, sao phụ vương chỉ phạt trượng?”.
“Sở dĩ có chuyện đó là vì ta còn tiếc tài…”.
“Tài sao không dùng?”.
“Tài có nhiều hạng! Có tài dùng được, có tài không
dùng được…”.
“Dùng được
và không dùng được thì cái nào hơn?”.
“Không dùng được
hơn”.
Lại hỏi:
“Tài của Thích “dùng
được” hay “không dùng được”?.
“Đó là điều ta cũng chưa biết!”.
“Thần e rằng điều đó sẽ dẫn đến hậu hoạ!”.
“Ta không muốn mang tiếng là giết kẻ sĩ! Hơn nữa, ta
muốn cho hắn một cơ hội. Bởi, nếu ta không nhầm thì sẽ còn gặp lại hắn. Đến lúc
đó, dù thuận hay nghịch, dù “dùng được”
hay “không dùng được”, hắn không thể
trách ta và ta cũng không còn phải ân hận gì…”.
“Liệu có thể biến cái “không dùng được” thành cái “dùng
được”?”.
“Chỉ có điều là bền hay không bền”.
“Thế nào là bền? Thế nào là không bền?”.
“Thành thật khác với thủ đoạn!”.
“Và… vua chúa khác với thánh nhân?”.
“Như vậy là ngươi đã hiểu được ý ta…”.
III.
Lại nói chuyện Đỗ Thích, vì sự làm bài trội hơn Ngô
Chân Lưu và Đặng Huyền Quang nhưng do “tội”
dùng chữ bất cẩn trong bài văn sách mà hai người kia được lấy đỗ còn mình thì bị
đòn và bị đánh hỏng, Thích thấy chuyện “Long
bảng đề danh” nơi trường ốc đối với y cũng không lấy gì làm khó, chỉ có điều
Thích tự dặn mình, câu: “được làm vua,
thua làm giặc” luôn luôn phải nhớ nằm lòng.
Năm Mậu Dần, niên hiệu Thái Bình thứ 9 (978), nhà Đinh
lại mở khoa thi và Thích một lần nữa lều chõng vào kinh đô Hoa Lư ứng thí. Phép
thi lần này so với lần trước có sự thay đổi. Thay vì bài Kinh nghĩa, thích
nghĩa các Kinh và bài văn sách hỏi về việc đế vương trị thiên hạ là các thể:
Thi, phú, cáo, chế, chiếu, biểu, mỗi thứ một bài. Như vậy về số lượng (sáu đề
so với hai đề) thì lần này “nặng” hơn nhưng đòi hỏi về mặt kiến văn (nói
chung), sáu đề lần này lại có phần “nhẹ” hơn hai đề lần trước.
Cụ thể là: Đại Cồ
thi vịnh (theo thể Đường luật) một bài, Tụng
Hoa Lư phú một bài, Cáo bình mười hai
sứ quân một bài, Chế về việc ban bố
hình luật một bài, Chiếu lên ngôi
với đề ra là ba chữ Vạn Thắng Vương một
bài, và cuối cùng là Biểu chúc mừng
(việc lên ngôi) một bài.
Riêng phép chấm là có phần chặt chẽ hơn. Tất cả các quyển của thí sinh đều phải qua ba kỳ sơ
khảo, hai kỳ phúc khảo và được phân làm bốn hạng: Ưu, bình, thứ, liệt. Từ sáu ưu trở xuống đến bốn ưu hai bình mới được
kể là ưu; từ ba ưu ba bình đến sáu bình chỉ được kể là bình và mới được lấy đỗ;
còn trong sáu quyển chỉ cần dính một quyển thứ hoặc một quyển liệt (mặc dù năm
quyển kia đều ưu) là bị đánh xuống hạng thứ, hạng liệt và bị đánh hỏng! Lại
phân ra đầu hạng hỏng và cuối hạng hỏng: Nếu là năm ưu một thứ (thứ thượng) hoặc
bốn ưu, một bình, một thứ (thứ trung) thì còn được cấp cho một khoản “học bổng” và được lưu lại kinh học tập
để năm sau thi tiếp; nếu lại là cuối hạng liệt (quá kém), chẳng những không đỗ
còn bị phạt theo quy định: Phạt tiền (hai thứ, bốn liệt), phạt trượng (một thứ,
năm liệt) và phạt cả tiền, cả trượng (sáu quyển đều liệt).
Bài của Thích, ngoài quyển Chế là chịu điểm bình, còn năm quyển kia tất cả đều được lấy ưu, và
vì không có ai có phân số điểm cao hơn nên Thích là người được lấy đỗ đầu với
phân số điểm cao nhất: năm ưu, một bình. Những bài này đã được Đinh Bộ Lĩnh lệnh
cho khắc in ngay vào kim sách (sách
vàng) để lưu giữ và coi như vật Quốc bảo
(vật quý của nước). Chỉ có điều Đinh không ngờ tới là tác giả của những Lời vàng, ý ngọc đó lại là Thích.
Lúc nghe xướng danh, từ trên cao nhìn xuống, Đinh đã
hơi ngờ ngợ. Kịp đến khi vời các tân khoa vào cung ăn yến và ban mũ áo, nhận
ngay ra Thích, Đinh cười ầm lên “Trẫm
không ngờ lại gặp lại khanh trong hoàn cảnh này. Để có ngày hôm nay quả là
khanh đã phải trả một cái giá quá đắt! Nhưng dù sao trẫm cũng có lời mừng và
mong khanh hãy vì trẫm mà cố gắng”. Thích đỏ mặt, cúi đầu nín lặng không
nói gì!
Là người đỗ đầu lại đỗ cao nhưng sau đó, Thích chỉ được
Đinh phong cho chức Chi hậu nội nhân
là một chức quan nhỏ, chuyên dùng để sai bảo trong triều. Sở dĩ có sự không
bình thường như vậy bởi đối với Thích, tuy không nói ra nhưng từ lúc biết Thích
là tác giả của những bài được khắc in vào Kim sách trong bụng Đinh đã có ý
khinh…
IV.
Ngày vinh quy, Thích lấy lễ Tam sinh cho giết trâu, dê, lợn để cáo yết tổ tiên và khao dân
làng. Trước đó Thích đã tìm đến đỉnh Câu Lậu Sơn nơi đạo sĩ Trương Ma Ni đang
trụ trì để trả ơn thầy học đồng thời mời Trương về đền Tam sách – ngôi đền do ba sách (xã) lập nên để thờ Đỗ Cảnh Thạc –
dưới chân núi Sài Sơn (núi Thầy) làm lễ cho cha mình.
Lúc đầu Trương cáo bận từ chối không đi nhưng vì Thích
nài nỉ mãi, cuối cùng Trương nhận lời, song bảo Thích cứ về trước và hẹn sẽ đến
sau. Không hiểu Trương có biết trước những gì xảy ra và đã có chủ ý hay không,
chỉ biết vào ngày chính tịch, khi
Thích vừa đọc xong bản chúc văn do chính tay mình soạn thì chân hương trong chiếc
lư đồng đặt trên bệ thờ bỗng nhiên ngùn ngụt bốc cháy! Đỗ Cảnh Thạc lên miệng Phùng thị – vợ Thích, chỉ vào mặt Thích mà mắng:
“Tên nghịch tử Đỗ Thích nghe ta nói đây! Bản chúc văn ngươi viết cho ta hay lắm!
Nhưng hôm nay ta muốn nghe những bài văn đã được họ Đinh cho khắc in vào Kim sách của ngươi!”.
Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến Thích sợ đến ríu lưỡi:
“Xin thân phụ tha tội! Xin thân phụ tha tội!…”.
“Ngươi đã đề cao Vạn Thắng vương lên tận mây xanh
trong Chiếu lên ngôi và không tiếc lời
mạt sát thập nhị sứ quân trong đó có cha ngươi trong Cáo bình mười hai sứ quân! Ngươi ca ngợi Vạn Thắng vương là “Vạn thặng”,
“Vạn thế” trong Biểu chúc mừng, khen
vũ công của nhà Đinh vượt xa so với vũ công của nhà Tần trong việc thống nhất
nước “Đại Cồ” trong Đại Cồ thi vịnh!
Ngươi tán tụng cảnh đẹp của kinh đô Hoa Lư; và nước Đại Cồ dưới thời Vạn Thắng vương
được ngươi sánh ngang với cảnh thái bình thịnh trị thời Nghiêu Thuấn trong Tụng Hoa Lư phú! Ngươi đã hạ mình làm
cái việc mà người có liêm sỉ không bao giờ làm! Chẳng lẽ chỉ vì cái chức Chi hậu nội nhân mà ngươi đã quên cái nhục
mất nước và mối thù giết cha ngươi rồi sao?”.
Vừa sợ lại vừa thẹn, Thích rập đầu xuống đất không dám
ngẩng lên:
“Tội thần thật đáng chết! Tội thần thật đáng chết!…”.
Đúng lúc đó thì Trương Ma Ni xuất hiện:
“Xin đại vương thứ lỗi cho tại hạ vì đã thất lễ…”.
Giật mình ngẩng lên, nhận ra Trương Ma Ni, Đỗ đứng phắt
dậy:
“Sự có mặt của Trương huynh lúc này không phải với ý định
gây khó cho ta đấy chứ?”.
“Tại hạ đã nghe được những lời đại vương trách mắng
công tử. Đại vương đối với công tử là tình cha con. Tại hạ đối với công tử là
nghĩa thầy trò. Nếu như công tử có lỗi, chẳng lẽ đại vương cho tại hạ là người
ngoài cuộc sao?”
Đỗ vội vàng vòng tay thi lễ:
“Xin Trương huynh thứ lỗi bởi ta đã hiểu lầm thiện ý của
Trương huynh”.
“Cũng chỉ vì đại vương trách mắng công tử “….đã quên cái nhục mất nước” nên tại hạ
mới phải đường đột xin được tiếp kiến. Nước là gì? Nước chẳng phải là do con
người bày đặt ra cho mình đấy ư? Bởi từ khởi thuỷ, có người nhưng có nước đâu!
Vả lại, cái gọi là nước là của chung mọi người nào có phải của riêng ai! Vậy mà
trong cuộc tranh giành, kẻ thắng thì nhận nước là nước của mình, người thua thì
nước vẫn đấy lại kêu mất nước! Lại nữa, nước chỉ là sự phân chia biên giới về mặt
địa lý nhưng chẳng phải biên giới cũng đã bao phen phải dời đổi rồi sao? Cho
nên, suy cho cùng cái gọi là nước và biên giới một nước vốn dĩ phụ thuộc nơi
lòng người. Được lòng người theo về, dù không có một tấc đất trong tay vẫn là
có nước. Ngược lại, không được lòng người, thì dẫu có đất đai ngàn dặm cũng phỏng
có nghĩa lý gì đâu?! Như đại vương, cai quản tuy chỉ một dải Đỗ Động (Thanh
Oai), Thượng Cung (Thường Tín), Liệp Hạ (Quốc Oai), nhưng lúc sống được dân tin
yêu, khi mất được dân thờ phụng, há chẳng phải cũng là có nước đó sao? Lại nữa,
đại vương người Quảng Đông, những vùng đất trên thuộc Giao Chỉ, vậy mà đại
vương lại nói đến “…cái nhục mất nước”
thì chẳng hóa ra đại vương cũng nhầm lắm ru!”
Trương vừa dứt lời, bỗng nhiên thấy Phùng thị – vợ
Thích hộc lên ba tiếng rồi ngã vật ra bất tỉnh! Đỗ Cảnh Thạc qua cuộc đối thoại,
hoát nhiên đốn ngộ, biến thành một luồng khí trắng, lượn tròn trước mặt Trương
ba vòng như cáo biệt trước khi biến mất.
***
…Về Đỗ Thích, có thuyết cho rằng: Sau đó Thích trả lại
mũ áo triều đình, không nhận quan chức, ở nhà mở trường dạy học và làm thuốc,
vì vợ Thích có nghề làm thuốc Nam gia truyền. Nhà nào nghèo, nếu đến lấy thuốc,
vợ chồng Thích không bao giờ lấy tiền; nếu có con em theo học, được vợ chồng
Thích chu cấp cho cơm ăn và tiền giấy bút. Cảm cái ơn ấy, cả hai sau khi mất đều
được người dân các vùng Đỗ Động (Thanh Oai), Thượng Cung (Thường Tín) và Liệp Hạ
(Quốc Oai) phối thờ cùng với tướng quân Đỗ Cảnh Thạc.
Lại có một thuyết khác nói Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn
hai bố con ăn yến ban đêm, say rượu nằm ngoài sân điện, bị Chi hậu nội nhân là
Đỗ Thích giết. Và sau đó Thích cũng bị Nguyễn Bặc giết. Đó là vào tháng 10 năm
Kỷ Mão, niên hiệu Thái Bình thứ 10 (979).
Trong hai thuyết, riêng thuyết sau là thấy ghi trong
chính sử. Như vậy, ngoại trừ trường hợp có hai người ngẫu nhiên trùng họ, trùng
tên, còn như nếu lấy chính sử làm tin thì thuyết thứ nhất chẳng cũng đáng ngờ lắm
sao?!
Phùng Thành Chủng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét