BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

TẢN MẠN VỀ TẬP THƠ “VI” CỦA TRẦN HẠ VI - Châu Thạch

 
Nhà thơ Trần Hạ Vi  


Thật ra tôi không hợp mấy với thơ của Trần Hạ Vi. Không hợp vì ở cái tuổi gần bát thập nầy, tôi đã quen thơ của những năm 30, 40 của thế kỷ trước với Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử và những người trong thời đại đó, hoặc thơ của những tác giả ở thời kỳ cuối thế kỷ 20 có vần, có điệu. Thơ ở thời đại trước, dầu khó chi nữa thì tôi cũng có thể suy gẩm mà hiểu thơ được.  
 
Với thơ của Trần Hạ Vi, có suy gẫm cũng vô ích vì ý thơ, tứ thơ không nằm trong mớ kiến thức mà tôi học một đời. Vậy làm sao để hiểu thơ của tác giả nầy?  Muốn thế thì tôi phải làm cho mình trẻ lại, mà phải trẻ lại ở thời đại nầy kia, thì họa chăng mới cảm thông được. Thế nhưng khi cảm thông được thơ nầy thì thấy tâm hồn mình ngào ngạt thứ hương thơm của những bông hoa vừa nở trong khu vườn xa lạ, khu vườn ấy trồng thứ hoa hiếm có và đắt tiền.
 
Tôi không muốn trích một vài câu thơ của những bài thơ trong “Vi” để bình, vì thơ chị mà trích như thế thì khó thấy cái hay của nó, bởi thơ Trần Hạ Vi không phải là thứ thơ đính chữ hoa, kết chữ ngọc, mài âm sắc như các nhà thơ có khuynh hướng Đường thi hay thơ mới đã sáng tác xưa nay. Vậy, tôi xin trích nguyên môt vài bài thơ trong “VI” để tản mạn về nó như một lão già đa sự. nói bông lông những điều cổ lổ, chẳng hợp với ngày nay, cũng làm vui tai ai đó thích đứng lại nghe đôi phút: 
 
Xin trích bài thơ “Chiếc hộp Pandora”:
 
 Theo chú thích trong sách, “Truyền thuyết Hy lạp: người phụ nữ  đầu tiên đến thế giới đã mở chiếc hộp Pandora của thần Zớt tặng, dẫn đến tai ương tràn ngập thế giới, và con người chỉ còn lại một chút hy vọng”
 
Khổ đầu của bài thơ:
 
em đến                  
mở bung chiếc hộp Pandora                  
anh cảm như chưa bao giờ được cảm                  
anh yêu như chưa bao giờ được yêu                  
anh sợ như chưa bao giờ được sợ
 
Khổ thơ đầu đã nói lên trọn vẹn sự bí ẩn của tâm hồn người con gái. Chiếc hộp Pandora chứa những bí mật, làm tâm hồn anh hứng chịu những tai ương tàn khốc, hậu quả như tất cả cái ác trong hộp Pandora được giải phóng ra ngoài và xuất hiện lan tràn khắp thế giới. Chiếc hộp Pandora chính là em làm cho anh “anh cảm, anh yêu, anh sợ”. 
 
Chiếc hộp Pandora ngày xưa của thần Zớt chứa điều ác, nhưng chiếc hộp Pandora của Trần Hạ Vi ngày nay phải hiểu rằng, nó chỉ chứa tình yêu. Tuy thế quyền lực của chiếc hộp Pandora ngày nay, đối với tác giả, có sức lôi cuốn ngang với quyền lực của cái ác trong chiếc hộp ngày xưa. Tình yêu đựng trong chiếc hộp Pandora ngày nay là xấu hay tốt, là ma qủy hay thần thánh, tùy theo nhịp đập con tim của mỗi người. Ở đây, nhà thơ dùng chiếc hộp Padora chỉ cốt, phác họa rõ nét, em hấp dẫn đến vô cùng, lôi anh trầm luân vào trong biển cuồng si...  
 
Trần Hạ Vi tả phút yêu đầu tiên độc đáo đến sững sờ, em là ma quỷ đã quyến dụ anh như một thiên thần. Đúng vậy, tả tình như thế không phải là hư cấu, không phải là cường diệu, cũng không phải là tả thực, mà là một thi pháp không đặt tên được, truyền thông hết cảm xúc tiềm ẩn trong nội tâm của những tâm hồn yêu đột biến, yêu mất trí trong mọi thời đại.
 
Khổ thơ thứ hai:            
 
đôi mắt em            
chiều dài quá khứ           
nốt ruồi son trên vai            
bóng người phụ nữ mỗi sớm mai            
ngây ngô nguyên vẹn            
chiếc hộp Padora            
hư thực
 
Khổ thơ thứ hai tả người con gái. Đôi mắt em là thời gian quá khứ, là triệu năm, là ngàn năm anh không uống canh Mạnh Bà để đi tìm em, và bây giờ anh vừa gặp em ở đây. 
“nốt ruồi trên vai em” là hiện thân của êm ái, dịu dàng, vị tha và độc ác, của người nữ đầu tiên, là Ê-Va buộc người nam ăn trái cấm trong một buổi sáng, cũng là buổi bình minh của trái đất,  đưa tội ác vào thế gian. Em là chiếc hộp Pandora, chiếc hộp của đắm say, đưa loài người vào mê ly, khoái lạc, mở mắt loài người biết hạnh phúc, biết khổ đau, và đến nay, chiếc hộp đó là em, đã cho anh tình yêu đắm đuối. 
 
Chỉ mấy câu thơ của Trần Hạ Vi ở khổ thứ hai nầy, tôi có thể ngồi viết tôn vinh nó vài trang giấy nữa. Nhưng thôi, xin qua khổ thơ thứ ba:
 
em đi               
vạt áo thơm hương còn phản phất               
mỗi ngày vẫn hai lượt mười hai giờ               
chiếc hộp Pandora               
chiếc hộp Pandora
 
Khổ thơ này nói đến mãnh lực cuốn hút, quyến rũ trong dáng em. Đọc khổ thơ nầy ta nhớ đến câu thơ của Nguyên Sa trong “Áo Lụa Hà Đông, “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa hà Đông/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/Bài thơ anh vẫn còn nguyên lụa trắng”. 
 
So ra, áo lụa Hà Đông chỉ làm nắng Sài Gòn chợt mát, để Nguyên Sa làm được bài thơ toàn lụa trắng, thì cái yêu không thấm vào đâu, nếu đem so với cái yêu “Vạt áo thơm hương còn phảng phất” của Trần Hạ Vị. Bởi vì “Vạt áo thơm” trong thơ Trần Hạ Vi đã mở bung hộp Pandora để anh yêu, để anh sung sướng, để anh khoái lạc, để anh say, để anh đau khổ, và có thể để anh chết. Hộp Pandora, ngày xưa người phụ nữ đầu tiên mở nó để tai ương lan tràn khắp thế giới. Ngày nay, em là hộp Pandora, chỉ có một mình anh mở nó, và ngược lại, tai ương khắp thế giới tràn vào linh hồn anh, tình yêu và nỗi đau một mình anh gánh hết, anh không cho bất cứ một tha nhân nào gánh thế anh. “Pandora, Pandora” là hai tiếng kêu sung sướng tuyệt đỉnh, cũng là hai tiếng than van đau đớn đến tận cùng. Pandora, nó là thiên đàng hay nó là địa ngục? Không biết nữa, nhưng chính nó truyền nỗi cảm khái đến mọi linh hồn biết yêu và khi yêu thì cao như núi, rộng như sông, êm đềm như trăng mà cuồn nộ như phong ba bão táp. Đó là thứ tình yêu chứa trong hộp Padora! 
 
Xin mời đọc thêm một bài thơ thứ hai có tựa đề “Giá mà anh có thể ôm em”:
 
giá mà anh có thể ôm em          
và ngủ một giấc           
khi dậy thì trăng lên          
những ngọn gió thổi từ phía những sông           
hàng dừa xỏa tóc              
chúng vốn không thẳng hàng            
mặt trăng vàng và sáng           
 
em đánh rơi cái kẹp tóc chung ta đi tìm           
trong bóng tối, dưới bóng dừa, dưới bóng trăng            
 
em cởi chiếc nhẩn cưới ném vào đáy sông            
khi còn trẻ em đã từng            
lặn xuống hôn một nhành rêu 
 
Khổ đầu bài thơ có 3 câu cho ta một giấc mơ tình yêu êm ái mà cô gái ước mơ. Giấc mơ anh ôm nàng ngủ là ôm cả một mối tình rất thiêng liêng, không dục vọng để khi thức dậy trăng  lên. Trăng lên là biểu tượng sự hòa hợp giữa thiên nhiên cùng tình yêu của họ. Họ yêu nhau như người của thế giới vô nhiểm trong khung cảnh của thế giới thần tiên.
 
Khung cảnh của thế giới thần tiên bởi vì qua khổ thơ thứ hai có 3 câu, họ thụ hưởng sự trong trẻo vô biên của trăng, sự tinh khiết vô biên của gió từ dòng sông thổi đến và sự thông cảm vô biên từ những hàng dừa xỏa tóc không thẳng hàng. Dừa xỏa tóc không thẳng hàng cho ta liên nghĩ đến dừa có lịnh hồn, có tư duy từng cá thể, tất cả trong tỉnh lặng chứng kiến, đồng cảm cùng tình yêu của họ.
 
Rồi thì qua khổ thơ thứ ba chỉ có hai câu thơ: “em đánh rơi cái kẹp tóc chúng ta đi tìm/trong bóng tối, dưới bóng dừa, dưới bóng trăng”. Hai câu thơ nói lên tất cả sự hòa nhập nên một của cuộc sống họ, của linh hồn họ, giống lời A-Dam nói cùng Ê-Va trong Kinh Thánh; “Người nầy là xương bởi xương ta, thịt bởi thịt ta/ Cả hai sẽ nên một thịt”. Nàng đánh rơi cái kẹp tóc chỉ là vật trang sức bình thường nhưng họ cùng nhau đi tìm, là hình ảnh của sự nâng niu, âu yếm, giữ gìn từng chi tiết xảy ra trong cuộc tình vô cùng đằm thắm của họ.
 
Cuối cùng người con gái “cởi chiếc nhẩn cưới ném vào đáy sông” bởi nàng muốn gởi vĩnh viễn cuộc tình mình vào sự êm đềm, như chiếc nhẩn nằm trong lòng dòng chảy thiên thu. Vì sao vậy? vì nàng yêu đến từng nhánh rêu dưới đáy sông đó, cho nên nàng nói “khi còn trẻ em đã từng/lặn xuống hôn một nhánh rêu”.
 
Khổ thơ cho ta hiểu người con gái ước mơ tình yêu của mình bình yên vĩnh viễn cùng thời gian, không bị hư hao bởi va chạm cuộc đời, như chiếc nhẩn cưới nằm sâu dưới dòng nước chảy. Chiếc nhẩn cưới tượng trưng cho sự hợp hôn giữa nam và nữ, tình yêu của họ đã thành hôn phối, họ mơ ước được sống với nhau như A-Dam và Ê-Va trong vườn địa đàng, thứ vườn địa đàng mà họ không phải ăn trái cấm bao giờ, ngay đến Thiên Chúa cũng không áp đặt họ được, vì họ đã đem cuộc hôn nhận lặn xuống đáy dòng sông, xa nhân gian và và xa cả thánh thần. 
 
Toàn bô bài thơ “giá mà anh có thể ôm em” là một ước mơ đẹp, là một khúc thụy du tuyệt vời trong dự phóng tình yêu của một cô gái lảng mạn đến vô cùng, là một hồn bướm mơ tiên nhưng không phải thứ tiên ở trên trời, vô cảm với tình yêu nam nữ, mà của thứ giáng tiên đã xuống trần, nhập vào bức tranh của Tú Uyên năm xưa hay nhập vào thi ca của Trần Hạ Vi bây giờ.
 
Tập thơ “Vi” của Trần Hạ Vi có 70 bài thơ, mỗi bài thơ như một thế giới bí ẩn. Tôi còn muốn viết nhiều về tập thơ này nhưng thôi, bởi viết nhiều có thể sai nhiều, như hôm nay, tôi cảm nhận theo chủ quan của mình có thể lệch hướng rất xa với những gì tác giả muốn nói. Tuy thế, người làm thơ cũng giống người làm ra chiếc bánh nhân trái cây nầy, người bình thơ cũng giống như người ăn bánh rồi nói bánh làm ra bởi nhân loại trái cây khác. Thế nhưng dầu nói sai nhân của bánh, bánh ngon thì ai cũng phải công nhận bánh ngon, trừ ra người khó tánh.
 
                                                                                        Châu Thạch    

Không có nhận xét nào: