BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA - Thanh Tâm Tuyền



Thanh Tâm Tuyền (1936-2006), tên thật là Dzư Văn Tâm, là một nhà thơ, nhà văn người Việt nổi tiếng, được biết đến với những cách tân thơ ca táo bạo. Năm 1956, lúc tròn 20 tuổi, ông đã nổi tiếng với tập thơ “Tôi không còn cô độc”, và năm 1957, lúc 21 tuổi, với tiểu thuyết “Bếp lửa (viết năm 1954)mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết. Thanh Tâm Tuyền có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam giai đoạn 1956-1975 và cả những năm về sau này. Bút hiệu khác: Đỗ Thạch Liên.
 
 TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA - Thanh Tâm Tuyền

Tôi nhận được thư của một người bạn yêu thơ - vừa thương vừa giận tôi lắm - trách móc và đòi tôi ít nhất hãy tự giảng lấy một bài thơ của mình để độc giả có thể theo dõi nổi mình. Hằng ngày tôi bắt gặp những câu hỏi tương tự như: “Thơ viết cái gì? Đọc không làm sao hiểu nổi”, ở những người bạn mới gặp lần đầu, những học sinh rất thân của tôi.
 

Tất nhiên là tôi không thể nào chối một phần cái sự “tối tăm” của thơ tự do. Vì như tôi đã có dịp trình bày: bản vị của một bài thơ tự do không nằm trên mỗi câu như ở thơ cũ (chữ cũ gồm cả cho thơ mới) mà đặt trên mỗi từ khúc. Đừng tìm ý nghĩa và tiết điệu của bài thơ theo mỗi câu mà hãy nắm trọn từng từ khúc một. Mỗi từ khúc là một toàn thể về ý nghĩa cũng như tiết điệu ở đấy người làm thơ liên kết những lớp hình ảnh xô đến - để diễn một ý lớn và một điệu trọn vẹn. Chính ở chỗ này - người làm thơ mở cửa tâm hồn tiếp đón rất nhiều hình ảnh cho một từ khúc - khiến thoáng ngó người đọc cảm thấy ý tưởng bị ngắt quãng vì những hình ảnh đứng bên nhau với cái lướt mắt sơ sài tưởng không liên lạc gì với nhau. Cho nên người đọc phải tìm được sự thống nhất khăng khít của những hình ảnh ấy.
 
Nguyên tắc chính của thơ tự do là tránh giảng giải phân trần, bài thơ tự nói bằng hình ảnh.
 
Tôi nhớ rằng trong một buổi nói chuyện về thơ tự do tại Câu Lạc Bộ Văn Nghệ năm kia, tôi đã trình bày “sự khó hiểu” trong thi văn không có gì mới lạ và đặc sắc. Có những câu thơ cổ đã rất quen với mọi người - ai cũng tưởng hiểu - nhưng khi cần giảng rõ thì thật là vất vả. Thói quen đã làm cho những câu thơ ấy thâm nhập với chúng ta. Thơ tự do cũng đòi hỏi cái thời gian được làm quen cần thiết.
 
Cũng trong buổi nói chuyện ấy, tôi có nhắc đến những câu ca dao sau này:
 
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!
 
để chứng tỏ trong vài trường hợp, ca dao cũng liên kết những hình ảnh theo cách “tự do”. Trong bốn câu thơ ấy, ý tưởng như đứt quãng chỉ câu thứ 4 rõ nghĩa còn ba câu trên mơ hồ gần như không liên lạc với câu dưới.
Tôi được một thính giả góp ý kiến rằng bài ca dao ấy chẳng có gì lạ, nó thuộc thể hứng. Hứng chỉ là một tên gọi không giảng được ý nghĩa nào. Ngoài hai thể phú và tỉ rõ ràng, người ta sẽ gọi là những những bài ca dao không tìm thấy sự liên lạc giữa các phần tử của bài. Phần thừa ấy gọi là hứng:
 
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng.
Ước gì anh lấy được nàng,
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…
Hứng: câu trả lời thật tiện lợi và lười biếng.
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!
- Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
 
Tôi không chịu đứng lại ở chữ hứng vô nghĩa. Tôi tìm giải nghĩa cái hứng ấy của mọi bài ca dao - sự liên kết hình ảnh - cũng như mỗi bài thơ tự đo [sic] có ý nghĩa của nó không phải chắp nối bậy bạ tùy “hứng” mà thành.
*
Lần thứ nhất tôi mang bài ca dao này giảng ở một lớp học đông và ồn ào giữa đường phố Sài gòn - cái lớp học tôi đã gọi là “giấc mơ của tôi” vì mỗi lần bước ra khỏi lớp, tôi như vừa thoát khỏi giấc ngủ mệt nhọc và không ngó nhận được một khuôn mặt học sinh nào. Vận dụng hết sức cái trực giác sáng tạo, tôi chỉ mơ hồ cảm rằng hình như ba câu thơ đầu ám chỉ vẻ đẹp của người đàn bà:
 
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…
 
Hoa bưởi trắng gợi đến mớ tóc xõa dài thơm đang hong nắng. Nụ tầm xuân đã nở còn xanh như duyên dáng người gái vừa trở thành thiếu phụ.
 
Rồi tôi mang bài ca dao ra khỏi thành phố, ở trong một căn lớp gỗ, cửa sổ mở dài trên con lạch đầy nước, bờ bên kia nhà ẩn sau những lớp cây hoang. Vào một buổi sáng mát, không khí êm tĩnh, tiếng nước đổ ào ào bên kia bờ - người ta tắm về sớm - tiếng búa gõ trên sắt của công việc, chỉ có tiếng nói của tôi, tôi khám phá được một bài thơ.
 
Trước hết trở về với ý toàn bài: câu chuyện trao đổi giữa một người con trai chưa vợ và một người con gái đã có chồng. Chúng ta hãy đặt câu hỏi này: câu chuyện như thế phải xảy ra ở chỗ nào? Ở nơi có mặt người thứ ba hẳn là không thể được. Bởi vậy không gian của câu chuyện tâm tình không thể là trên con đường làng hoặc ngoài đồng vắng, ý vị câu chuyện sẽ thô tục bao nhiêu.
 
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
 
Ấn định khung cảnh cho cuộc gặp gỡ thoáng qua này. Đó là hai người hàng xóm cạnh nhau hai khoảng vườn nhà cách nhau bằng hàng dậu thưa. Người con trai trèo lên cây để ngắt hoa bưởi - cử chỉ bâng quơ những trữ tình - để tiện ngó sang vườn bên ở đấy thoáng bóng người ao ước. Rồi chàng bước xuống tiến đến bên dậu hái nụ tầm xuân - cử chỉ bâng quơ thứ hai vẫn chẳng kém trữ tình - và cất tiếng:
 
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!
 
Người hàng xóm cũ đã lấy chồng, được ngày về thăm mẹ - phải hiểu như thế để giữ cái thanh sạch thơ mộng của mối tình - trả lời:
 
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
 
Nghĩa là còn con gái, nàng cũng đã để mắt xanh vào người hàng xóm mà thuở ấy chàng vô tình. Bây giờ chàng biết đến thì đã muộn.
Nỗi trắc trở chua xót ngừng lại giữa chừng:
 
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra.
 
Hai câu bảy cuối cùng lửng lơ, câu chuyện bỏ dở. Có lẽ thoáng đâu nàng sợ bóng người thứ ba. Nàng trở vào nhà chưa kịp hết lời, nhưng mối tình ngang trái đã chấm hết. Vì chiều nay hay mai nàng đã quay về nhà mình - nhà chồng - ở làng xa, cách những “bốn quả đồi” những “ba ngọn suối” những “đôi cánh rừng” và biết bao nhiêu cánh đồng.
 
Bao giờ người con trai gặp được cô hàng xóm về thăm nhà lần nữa? Và rồi chàng quên dần câu chuyện cũ dù hoa bưởi thơm nở trắng và nụ tầm xuân xanh biếc còn kia.
 
*
 
Tôi muốn xin các bạn một thái độ thưởng ngoạn nghệ thuật cần thiết: tâm hồn mở rộng, hoàn toàn tự do, tránh bỏ mọi thiên kiến. Tôi muốn mời các bạn quay trở về với những gì quen thuộc nhất để tìm thấy những điều chứa dấu [sic] mới lạ và tìm vào những nơi lạ lùng để bắt gặp những điều gần gũi thân mật.
 
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng.
 
Phải chăng người con trai đã nhìn vào đôi mắt trong suốt của người đẹp phân biệt mầu mây trời, để ao ước… có phải đôi mắt ấy đẹp quá - đẹp muốn chết người - không các bạn?
 
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh
 
Mọi thế giới nghệ thuật đều mở cửa với các bạn những người đi vào bằng tất cả tâm hồn tự do trong sáng.
 
                                                   Thanh Tâm Tuyền
                              (Tạp chí Sáng Tạo số 7, tháng Tư 1956, tr. 21-24)

Không có nhận xét nào: