BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LẠC LOÀI TRONG CÕI NHÂN SINH – Đỗ Trường


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương


VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LẠC LOÀI TRONG CÕI NHÂN SINH
                                                                                            Đỗ Trường

     (Viết nhân 100 năm ngày sinh của thi sĩ Vũ Hoàng Chương 1915-2015)


Tác giả Đỗ Trường

 Khi tiếng kêu đớn đau của thi sĩ Hàn Mặc Tử ở phương Nam chợt vụt tắt, thì vòm trời thi ca đất Việt dường như chỉ còn một Vũ Hoàng Chương đang quằn quại với những vết thương xẻ nát tâm hồn. Thì kỳ lạ thay, từ chính vết thương đang rỉ máu ấy lại vẽ ra một lối đi riêng, một con đường cho thi ca ngay từ buổi đầu đến với thơ mới. Nếu ai đó đã nói, thơ là tiếng nói hồn nhiên trong trẻo của tâm hồn, là tuổi thơ của loài người còn xót lại…thì quả thật với Vũ Hoàng Chương, nó lại là tiếng bi ai được cất lên từ nỗi đau rách nát của linh hồn. Chính vì vậy, thơ ông đã chạm đến tận cùng nỗi đau và sự cảm thông của con người. Để rồi thơ văn Vũ Hoàng Chương không chỉ đóng đinh vào lòng người, mà còn dán chặt tên tuổi ông vào nền văn học nước nhà. Ông viết nhiều thể loại, từ thơ, văn đến cả kịch thơ…Hơn hai chục tác phẩm tuy chưa hẳn đã là nhiều, nhưng chính tư tưởng, hình tượng nghệ thuật mới làm nên chân dung và sự nghiệp sáng tác đồ sộ Vũ Hoàng Chương.

 Vũ Hoàng Chương sinh năm 1915 tại Nam Định, trong một gia đình nho giáo. Cha ông là quan tri huyện, mẹ ông cũng hay chữ, yêu văn học và âm nhạc, nên ông được học và tiếp cận với Hán văn từ nhỏ. Sau đó, Vũ Hoàng Chương học tiếp tiếng Pháp và vào học trung học, đỗ tú tài Pháp tại Hà Nội năm 1938. Đang học luật ông bỏ đi làm ngành hỏa xa và in tập Thơ Say đầu tay vào năm 1940. Năm 1941 ông theo học khoa toán, Đại học khoa học Hà Nội. Rồi một lần nữa ông lại bỏ xuống Hải Phòng dạy học và cùng với Chu Ngọc, Nguyễn Bính lập ra Ban Kịch Hà Nội. Năm 1943 ông in tập thơ Mây, rồi theo kháng chiến. Một thời gian sau ông bỏ kháng chiến về thành, rồi di cư vào Nam. Từ đây ông theo nghề dạy học và viết văn làm thơ. Thời gian này, ông viết nhiều, được dịch và in ra nhiều thứ tiếng. Do vậy, tên tuổi ông đến gần hơn với bạn đọc nước ngoài cũng như văn bút quốc tế. 
Sau biến cố 30-4-1975 ông bị bắt vào tù và mất ngay sau đó vào tháng 9 năm 1976.
 
Có thể nói, Vũ Hoàng Chương là nhà thơ lớn của dân tộc. Nếu nhìn lại văn học sử, ta có thể thấy: Sau sự cổ vũ của các cụ Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh… Vũ Hoàng Chương góp phần không nhỏ, cùng với những Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu, Huy Cận…mở đường, tiên phong cho phong trào thơ mới từ những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi. Thơ ông sang trọng, giàu nhạc tính, tuy cách tân mà vẫn mang mang hoài cổ.
Tập Mây (in năm 1943) và Lửa Từ Bi (năm 1963) có thể chưa phải là những thi tập hay nhất của Vũ Hoàng Chương, nhưng với tôi, nó là hai tập thơ tiêu biểu nhất cho từng giai đoạn, tư tưởng cũng như thi pháp sáng tác của ông.
 
*Men khói “ba mươi năm” sầu dựng mộ.
 
Vũ Hoàng Chương xuất hiện vào thời kỳ cuối của phong trào thơ mới bằng tập Thơ Say. Nhưng phải đến thi tập Mây (năm 1943) tên tuổi ông mới được khẳng định trên thi đàn. Và tập thơ này đã làm rung động giới thưởng ngoạn, bởi giọng điệu thơ khác hẳn với những thi sĩ cùng thời.
 
Thật vậy, khi đọc và và nghiên cứu sâu về thơ Vũ Hoàng Chương, tôi mới chợt nhận ra cái tôi, cái riêng biệt trong thiên tình sử của ông, sao mà nó khác với những tuyên ngôn tình yêu, dành cho hội trường, đọc nơi đông người như trong thơ tình Xuân Diệu đến vậy. Với khoảng cách, sự trái ngược này, chỉ có cảm thụ của cá nhân người đọc mới có thể tự so sánh rạch ròi. Nếu được phép gắn ông hoàng, bà chúa cho thơ (tình) như người ta vẫn thường làm, với tôi chắc chắn vương miện đó phải được trao cho Vũ Hoàng Chương.
 
Sinh ra, lớn lên trong gia đình quyền quí, nhưng cuộc sống, tình yêu Vũ Hoàng Chương luôn tuyệt vọng, chán chường. Để tự thoát ra khỏi cuộc sống bơ vơ nơi địa ngục: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”  ông đã treo hồn mình lơ lửng giữa vòm trời thi ca. Và Vũ Hoàng Chương không chỉ lạc loài giữa cõi nhân sinh hiện hữu này, mà chính linh hồn ông cũng lạc khỏi thân xác mình. Do vậy, đọc Vũ Hoàng Chương, ta có cảm giác thơ ông được chiết ra từ khói thuốc, men rượu trong những cơn chao đảo, thất tình điên loạn.
 
Vâng! Chỉ có những cơn say ấy mới có thể nhập linh hồn vào với thể xác, để thi nhân đủ can đảm đi đến tận cùng sự thật đắng cay. Những tiếng kêu bi thảm đó, làm ta ngỡ, trái tim người thi sĩ tựa hồ vỡ vụn. Và biết bao đêm trường như vậy, nấm mồ sầu thảm đó vẫn được đong bằng nước mắt của thi nhân:
 
“Là thế là thôi là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyện ước
Tố của Hoàng ơi Tố của Anh
-----------------------------------
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai
Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của Ai”
             (Mười hai tháng sáu)
 
Có lẽ, không có nỗi đau nào bằng sự đổ vỡ, phụ bạc của tình yêu, nhất là trái tim dễ vỡ của thi nhân. Và Vũ Hoàng Chương cũng không nằm ngoài cái qui luật đó “Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp/ Tình mười năm còn lại mấy tờ thư!”. Đứng trước sự bế tắc của xã hội và tình yêu nhà thơ luôn cảm thấy lạc loài, bơ vơ với cuộc sống đang hiện hữu, nên luôn luôn muốn từ bỏ, thoát ly nó, tìm đến cõi mộng ảo địa đàng. Thật vậy! Vũ Hoàng Chương đang trốn chạy, tìm nơi ẩn nấp. Và cứ tưởng rằng, trốn vào men say và khói thuốc, thì sẽ mất đi nỗi đau, sầu nhớ đó, nhưng rượu đã cạn, thuốc đã tàn càng buốt lạnh thêm tâm hồn thi nhân:
 
“Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
Mưa, mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau
Gấm thế nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay màu đôi mắt biếc?
Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
Thôi rồi đây chiều xuống giấc mơ xưa
Lá, lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa
Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ…”.
                                    (Lá thư ngày trước)
 
Có thể nói, Mây là tập thơ hay và tiêu biểu về sự bế tắc tình yêu, cuộc sống của Vũ Hoàng Chương. Trong đó, có một số bài, một số câu thơ mới táo bạo đã đạt đến độ toàn bích. Có lẽ, ở thời điểm đó, ngoài Vũ Hoàng Chương không ai dám viết và viết hay được như vậy. Có một điều đặc biệt, đa phần những bài thơ hay của ông đều thuộc thể thất ngôn. Ta hãy đọc lại đoạn trích trong bài Đời Vắng Em Rồi, để thấy rõ sự chia ly và tình yêu đắng chát như vậy, nhưng lời thơ rất đẹp, nhẹ nhàng và trau chuốt:
 
“…Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai”
----------------------------------
Tuyết xuống phương nào lạnh lắm không
Mà đây lòng trắng một mùa đông
Tương tư nối đuốc thâu canh đợi
Thoảng gió trà mi động mấy bông.”
 
Trong cuộc sống đầy thị phi này, có rất nhiều người có những mối tình đầu đổ vỡ, đắng cay. Nhưng thất vọng sầu thảm, gục mặt vào bồng bềnh men khói, tìm đam mê, khoái cảm, quên đi nỗi buồn dằng dặc như Vũ Hoàng Chương, thì quả thật trong văn học sử đất Việt, (ngoài Hàn Mặc Tử cùng thời) dường như chỉ có nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ (có thể) coi là hậu nhân của ông mà thôi.   
Vũ Hoàng Chương là người giỏi Hán Văn và chịu nhiều ảnh hưởng Đường thi.
Mỗi lần đọc ông, ta lại thấy hồn cốt của Bạch Cư Dị, Lý Bạch… chợt hiện về. Những Đà Giang, Nghe Hát…đã nối dài thêm mạch chảy Tỳ Bà Hành, một thi phẩm gắn liền với tên tuổi Bạch Cư Dị. Và khi viết, ông sử dụng nhiều từ Hán Việt cũng như hình tượng điển tích, làm cho lời thơ sang trọng ẩn chứa thiền triết hoài cổ. Những nét phương đông cổ kính ấy cho ta cảm giác gần gũi lạ thường.
 
Tuy sâu sắc như vậy, nhưng thơ ông lại kén người đọc, nhất là tầng lớp bình dân và những người ít am hiểu văn học cũng như (tích tuồng) lịch sử. Đoạn trích trong bài Chân Hứng dưới đây, cho ta thấy rõ điều đó:
 
“Từ thuở chàng say ôm vũ trụ
Thu trong bầu rượu một đêm trăng.
Nhảy xuống muôn trùng sông quạnh quẽ
Đem theo chân hứng gửi cô Hằng.
-------------------------------------
Ngựa ơi hãy nghỉ chân cuồng khấu
Cho thoả lòng ta nỗi khát khao
Ta chẳng mò trăng như Lý Bạch
Nhưng tìm thi hứng mất đêm nao...
Tình hoa thuở trước xô về đọng
Ơi phiến gương vàng một tối nay.
Ta lặng buông thân trời lảo đảo,
Mơ hồ sông nước choáng men say...”
 
Cũng là người yêu thích thơ Đường, nên tôi hay tìm đọc những bài cổ thi qua bản dịch của các nhà thơ, dịch giả tên tuổi. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, tôi đã được đọc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường qua bản dịch của Tản Đà, sau đó là những bản dịch Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng và một số người khác. Tuy nhiên bản dịch của Tản Đà hay và nhiều người biết hơn cả. Nhưng gần đây tôi mới tìm được bản dịch của Vũ Hoàng Chương. Đọc xong, tôi lặng người, bởi lời thơ thoát, thoáng đạt giữ nguyên thể thơ Đường, nhưng vẫn kéo tâm trạng sầu nhớ nao nao đi đến tận cùng trong lòng người lữ khách. Qủa thật, bản dịch của Vũ Hoàng Chương tôi thích hơn so với bản dịch theo thể lục bát của Tản Đà. Với tôi, đây là tác phẩm (dịch) tuyệt bút của ông. Chúng ta đọc lại dịch phẩm cuả Tản Đà và của Vũ Hoàng Chương, để nhìn nhận so sánh:
   
“Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
                                           (Tản Đà)
 
“Xưa hạc vàng bay vút bóng người,
Đây Lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mất,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.                                           
Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!”
                           (Vũ Hoàng Chương)
 
*Sự giải thoát linh hồn.
 
Nếu thi phẩm Mây chỉ là những tiếng than trong sự bế tắc cuộc sống, tình yêu, thì đến Lửa Từ Bi là sự giải thoát linh hồn. Điều mà trước đây Vũ Hoàng Chương đã thử nghiệm và kiếm tìm trong kháng chiến. Nhưng con đường giải thoát ấy, không chỉ đắng cay thêm mà còn giết chết cả hồn thơ ông. Những bài thơ, câu thơ ông viết trong thời gian này không hồn vía, nặng tính tụng ca, hò vè hô khẩu hiệu. Có những câu thơ tối nghĩa và mất gốc “Vì giang sơn quyết bỏ gia đình”. Nhớ Về Hà Nội Vàng Son được Vũ Hoàng Chương viết vào năm 1947, là một bài thơ điển hình như vậy:
 
“…Năm cánh hoa xoè trên năm cửa ô (…)
Chen tiếng hoan hô, này khẩu hiệu
Muôn năm Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Muôn năm người lính già tiêu biểu
Vì giang sơn quyết bỏ gia đình.
Ôi ngày mười chín, ngày sung sướng!
Vạn ước mong dồn một ước mong!
Ôi mùa thu ấy, mùa tin tưởng!
Một tấm lòng mang vạn tấm lòng.”
 
Nhát dao cắt đôi đất nước và cuộc di cư năm 1954 là bước ngoặt lớn nhất không chỉ cho riêng Vũ Hoàng Chương, mà cho cả dân tộc. Ông thực sự hoang mang trước sự bi đát ấy. Và với ông, lúc này bàn đèn khói thuốc dường như không còn là nơi trú ngụ cho thể xác lẫn tâm hồn. Sự dằn vặt làm ông thao thức và luôn tự hỏi về thân phận con người trong loạn ly. Bài Nguyện Cầu của Vũ Hoàng Chương ra đời trong hoàn cảnh, tâm trạng như vậy. Bài thơ mang hương vị thiền ở thể lục bát. Khi viết bài này, dường như thi sĩ muốn bỏ cái tham, sân, si của con người để đến gần nơi cửa phật. Cả bài thơ như một câu hỏi tu từ: “Ta còn để lại gì không?” nhằm răn mình, răn đời vậy. Đây là bài thơ không chỉ hay nhất trong thi tập Rừng Phong, mà còn là trong số (ít) những bài hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông:
  
“Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về
Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.
Ðể ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!
Ðêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.”
 
Đến với Lửa Từ Bi, Vũ Hoàng Chương đã bốc được ngôi mộ sầu thảm ba mươi năm dài dằng dặc (1933-1963) ra khỏi linh hồn. Ông hoàn toàn trở thành con người khác lạ. Ngòi bút của ông đã chọc thẳng vào cuộc sống xã hội. Đứng trước sự đàn áp bắt bớ tù đày của chế độ đương thời, ông đã đứng hẳn về phía công lý và sự thật. Thi sĩ tìm ra con đường tự giải thoát mình, giải thoát đời. Và ông đang đi từ hiện hữu đến với cái vô thường:
 
“Rồi đây, rồi mai sau, còn chi ?
Ngọc đá cũng thành tro
lụa tre dần mục nát
Với Thời-Gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ! còn TRÁI TIM BỒ TÁT
Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.”
 
Ngọn đuốc sống (Bồ Tát) Quảng Đức đã cháy vào lòng thi sĩ, để Vũ Hoàng Chương viết lên (Ngọn) Lửa Từ Bi gửi tình yêu thương con người đến với con người. Bài thơ được chảy ra từ cảm xúc tự nhiên của người thi sĩ, mang một chút hơi hưởng Tế Ca, không phải sở trường viết của Vũ Hoàng Chương. Nhưng nó làm xúc động hàng triệu con tim, không chỉ đóng khung trong đất Việt. Bởi, ngoài giá trị thi ca và thông điệp chỉ có tình yêu mới xóa bỏ được hận thù, khổ đau, nó còn là một lời cảnh tỉnh cho cả chế độ độc tài, độc đảng, gia đình trị, phe nhóm trị. Với tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất, nhân bản nhất trong thơ ca Việt từ một trăm năm nay:
 
“Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành Thơ, quỳ cả xuống.
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhoà lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc,
Ánh Đạo Vàng phơi phới
đang bừng lên, dâng lên...
--------------------------------------
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi!
Chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô-hình sáng chói nét TỪ-BI .”
 
Trong cái bi thương ấy, cũng thật may mắn thay, chiến tranh, bom đạn bắt bớ tù đày, thi sĩ Vũ Hoàng Chương chợt nhận ra ngọn Lửa Từ Bi đang ngùn ngụt cháy là nơi ẩn nấp, che chắn duy nhất cho những linh hồn bơ vơ. Sự giải thoát ấy đã phá bỏ cái vòng tròn ba mươi năm luẩn quẩn, từ đó con đường lên cõi Niết Bàn được mở ra trong ông.
Thật vậy, không có chủ thuyết nào, chế độ nào giải thoát được linh hồn con người, ngoài Đạo Giáo:
 
“…Nghe được từ lâu cá thở than
Hôm nay mới sõi tiếng cây ngàn
Bao giờ tôi hiểu sâu lòng đất
Là thấy đường lên cõi Niết Bàn…”. 
                      (Nhị thập bát tú 2)
 
Trong cái xã hội nhá nhem điên loạn và sự bấp bênh của thân phận con người, tết Bính thìn 1976 Vũ Hoàng Chương trải lòng mình vào Vịnh Bức Tranh Gà Lợn. Đây là bài thơ hay và lạ. Lạ bởi có lẽ ít ai dám đưa tục ngữ, thành ngữ vào trong thơ như ông một cách dân dã và châm biếm như vậy. Và bài thơ có tính thời sự cao, dễ thuộc đi vào mọi tầng lớp trong xã hội và lan truyền nhanh ở trong nước cũng như ra hải ngoại. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, vì bài thơ này Vũ Hoàng Chương đã phải vào tù. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy, mà đây chỉ là cái cớ, nếu không có bài thơ trên, họ cũng sẽ tìm ra muôn vàn lý do khác để bắt ông. Bởi cái Bóng của Vũ Hoàng Chương quá rộng, quá dày đối với một chế độ nhìn đâu cũng thấy vi trùng sợ hãi, dẫn đến việc ông phải nhập kho là điều không thể tránh:   
 
“Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có hoạ
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh”
 
Tôi không rõ bài thất ngôn tứ tuyệt: Dấu Hỏi Vây Quanh Kiếp Người, được thi sĩ Vũ Hoàng sáng tác từ khi nào? Đây là bài thơ có tính thiền triết, đầy hình tượng ám ảnh, cho ta cảm giác rờn rợn khi đọc. Cả kiếp người là một câu hỏi, một câu hỏi trong vòng luẩn quẩn, đến lúc nhắm mắt xuôi tay không lời giải đáp, mà chỉ có tiếng vọng lại khi nắp quan tài sập lại:
 
“Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đinh đóng vào săng tiếng trả lời.”
 
Bài thơ này, tiếng vọng kia, phải chăng là câu kết hay lời khép lại của chính cuộc đời thi sĩ Vũ Hoàng Chương?
 
                                                                               Leipzig 16-4-2015
                                                                                      Đỗ Trường

Nguồn:
https://dangnho.com/doi-song/ky-su/vu-hoang-chuong-lac-loai-trong-coi-nhan-sinh.html

Không có nhận xét nào: