BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

NGHĨA KHÍ HAI BÀ TRƯNG - Đức Hạnh họa thơ nữ sĩ Ngân Giang


  


Kính họa:
"TRƯNG NỮ VƯƠNG" - Nữ Sĩ Ngân Giang
 
 
NGHĨA KHÍ HAI BÀ TRƯNG
 
Nữ Vương khởi nghĩa trừ xâm lược [1]
Nợ nước thù nhà mộng chẳng rơi
Dũng khí hiên ngang hòa biển cả
Tinh thần bất khuất vượt trùng khơi
Hai Bà vung kiếm gìn non nước
Giặc Hán tiêu tùng bỏ mão đai
Giao Chỉ thắng trận xây đất nước
Cổ Loa đón Tết nở hoàng mai
 
Quốc gia thế sự lòng trăn trở
Lãnh thổ quân thù mộng tái lai
Tướng sĩ trần gian lòng dũng cảm
Linh hồn âm cảnh dạ bùi ngùi...
 
Quân thù ác độc luôn giày xéo
Chính nghĩa gian tà đã thấu ai
Quyết tử giữ nhà yêu tổ quốc
Xông pha chống giặc thuận lòng Trời
 
Hào khí Anh hùng lừng trang sử
Tô Định... tháo lui sợ bóng voi
Bắc Thuộc tàn quân lo tẩu tán
Nam hùng Vương Nữ đất trời soi…
 
                                    Đức Hạnh
                                   09 12 2021
 
[1] (Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa chống Bắc Thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa đã đánh đuổi được lực lượng cai trị nhà Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ (tương đương một phần Quảng Tây, Trung Quốc và Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay)
 

TRƯNG NỮ VƯƠNG
 
Thù hận đôi lần chau khóe hạn
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi.
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi
 
Ngang dọc non sông đường kiếm mã,
Huy hoàng cung điện nếp cân đai.
Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa,
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.
 
Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai !
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.
 
Lạc tướng quên đâu lời huyết hận
Non Hồng quét sạch bụi trần ai.
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận,
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời…
 
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi,
Chàng ơi ! Điện ngọc bơ vơ quá!
Trăng chếch. Ngôi trời bóng lẻ soi.
 
                        Nữ Sĩ Ngân Giang
 
 *

Nữ Sĩ Ngân Giang


BẢN THAM LUẬN CỦA THIÊN SỨ ĐỌC TRONG HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ THƠ NGÂN GIANG
 
Trích
 
… Trong 4 khổ thơ đầu, người cảm thụ thơ đã thấy tài hoa của Nữ Sĩ Ngân Giang qua những hình tượng đối nhau tưởng như không thể dung hòa khi đặt cạnh nhau, nhưng chúng lại hòa vào nhau một cách nhuần nhuyễn, tài hoa: Đó chính là những hình ảnh của chiến tranh sắt máu, sự đau thương, lòng tự hào và bất khuất của dân tộc Việt, bên cảnh vẻ đẹp, kiêu sa đài các của người nhi nữ với tình yêu con người. Vượt trội lên hoàn cảnh lịch sử đau thương đó, là tính chính nghĩa và chất nhân bản của cuộc kháng chiến, được thể hiện qua những hình tượng miêu tả nỗi đau riêng của Bà Trưng Trắc – Người anh hùng liệt nữ đầu tiên trong sử Việt và cả nhân loại. Trong bài thơ Trưng Nữ Vương của Nữ sĩ Ngân Giang, thì 4 khổ thơ đầu chỉ là sự chuẩn bị cho khổ thơ tứ tuyệt cuối cùng và cũng là đoạn kết để đưa bài thơ vào cõi bất tử trong nền thi ca Việt.
 
Có thể nói rằng chỉ đến khổ thơ thứ 5 thì sự thăng hoa của một tài hoa thơ, cùng với những gía trị nhân bản và tình yêu con người mới lên đến tận cùng. Tính minh triết sâu sắc qua hình tượng đặc thù của nghệ thuật thi ca cũng thể hiện một cách rất sắc sảo ở khổ thơ này.
 
“Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi,”
 
Chỉ với hai câu thơ với hình tượng thật là đắt giá. Ngựa vốn là loại động vật vô ý thức mà phải “kinh vó” trước uy danh và chiến công hiển hách của Hai Bà, đủ thấy được sự tàn khốc và sự thành công của cuộc kháng chiến do Hai Bà lãnh đạo. Nhưng trong cái uy dũng chung của cả một dân tộc thì vẫn ẩn chứa nỗi thương đau rất nhân bản và một mục đích chính nghĩa của cuộc kháng chiến– thông qua hình tương bi thương rất riêng của Bà Trưng Trắc:
 
“Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi,”
 
Tài tình quá! Chỉ một câu thơ và chỉ bằng hình tượng, đã không thể trộn lẫn hình ảnh một liệt nữ anh hùng nào trong lịch sử thế giới. Vì đó chính là hình tượng đặc trưng của Hai Bà Trưng. Sự bi thương đến mức “lạnh” cả đầu voi thì thật là một từ rất đắt và không thể thay thế. Với hai câu thơ này – qua hình tượng song đối “voi”, “ngựa” – thì sự hào hùng bi tráng không chỉ dừng lại ở hành vi con người mà đã lan đến cả cõi vô tri.
*
Cả bài thơ đã là sự tuyệt vời trong thi ca Việt. Nhưng chính hai câu kết mới là nguyên nhân để bài thơ Trưng Nữ Vương đi vào cõi bất tử của thi ca Việt Nam. Chính hai câu kết mới để tất cả mọi diễn biến dồn dập, hoành tráng bi hùng của cuộc kháng chiến Hai Bà Trưng, được miêu tả trong bài thơ trước đó, như hòa nhập với hư vô, vươn đến tận cõi bất tử.
 
“Chàng ơi ! Điện ngọc bơ vơ quá!
Trăng chếch. Ngôi trời bóng lẻ soi.”
 
Đọc đến hai câu này, những hình tượng khốc liệt, bi tráng trong cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng trong thơ, như đọng lại và nhường cho một không gian khác: Không gian nội tâm của con người. Và chính trong không gian nội tâm này là đoạn kết cho cả bài thơ, là sự thăng hoa của tài hoa và tư duy thơ của Nữ Sĩ Ngân Giang. Ở đây những hình tương đối nhau không chỉ ở đối câu, đối chữ mà còn đối về cả ý, cả tình, cả tư duy và làm nổi bật tính minh triết của nó, ngay trong một câu:
 
“Chàng ơi ! Điện ngọc bơ vơ quá!”
 
Nỗi bơ vơ của con người trong đời sống thế nhân vốn chỉ là lẽ thường tình. Nhưng cái nội tâm “bơ vơ” thường nhân ấy, khi đặt cạnh “Điện Ngọc” – một hình tượng của tột đỉnh phù hoa – thì đó lại là cái nền cao ngất để đưa sự “bơ vơ” lên đến tận cùng không còn nơi bấu víu.

“Chàng ơi ! Điện ngọc bơ vơ quá!”
 
Có thể nhận xét rằng: Một câu thơ thuộc hàng huyền thoại thi ca, khi nó miêu tả và cô lập được một trạng thái trừu tượng: Trạng thái tâm tư đau khổ tận cùng của con người.
 
Nhưng đáp lại trạng thái đau khổ tận cùng đó, thì lại là sự lãnh cảm của ngoại cảnh, qua câu:
 
“Trăng chếch. Ngôi trời bóng lẻ soi.”
 
Cả một không gian mênh mông, im ắng bao trùm lên một hình tượng của quyền lực tối hậu, nhưng bất lực trước khoảng trồng trong không gian nội tâm của tình yêu con người.
 
Hai câu đối nhau, hòa quyện, tiếp nối liên hoàn với nhau và cùng đưa đến một chủ đích: Sư cô đơn tận cùng trong tâm hồn con người và không tìm được sự đồng cảm. Nhưng tất cả hình tượng trong hai câu này, lại toát lên tính minh triết rất nhân bản, làm nên đoạn kết vô tiền khoáng hậu của bài thơ, để hồn thơ thăng hoa đến tận cõi vĩnh hằng. Đó chính là sự ca ngợi tình yêu con người vượt lên trên tất cả.
 
“Điện Ngọc” – Đó là đỉnh cao của sự phú túc vật chất mà thế nhân hằng mơ ước. “Ngôi trời” – Đó là quyền lực tối hậu thống trị cõi nhân gian. Nếu như những khổ đau nơi trần thế đến từ tham vọng của chính con người vì quyền lực và của cải – Thì ở đây – Trong thơ Ngân Giang – cụ thể trong bài Trưng Nữ Vương này –  “Điện Ngọc” cũng bơ vơ “ngôi trời” còn lẻ bóng. Ở đây, chính tình yêu con người mới là những gía trị đích thực vượt lên mọi tham vọng của tha nhân. Mà chính quyền lực tối hậu và của cải phù hoa chất ngất ấy, chỉ là cái nền cho tình yêu con người bay bổng trong cõi vĩnh hằng.
 
Hai câu cuối đề cao tính nhân bản và tình yêu con người, bên cạnh những hình ảnh hào hùng, bi tráng của cuộc chiến, đã làm nên một sức năng qua hình tượng thi ca trở thành một đối trọng của cả bài thơ, khiến bài thơ trở nên bất tử.
 
Hình ảnh con người bơ vơ bên “Điện Ngọc” và sự vô cảm của ánh trăng suông trong cõi mênh mông vô tận, soi một “ngôi trời” lẻ bóng, như một nét khắc họa tuyệt diệu đến huyền vĩ của nghệ thuật thi ca, khi miêu tả nỗi cô đơn tận cùng và khẳng định tình yêu con người chính là ước vọng cuối cùng cao quý nhất trong kiếp tha nhân.
 
Cùng với sự hào hùng bi tráng của cuộc kháng chiến Hai Bà Trưng trong sử Việt, vẻ đẹp tuyệt mỹ của bài thơ Trưng Nữ Vương mang đầy tình minh triết và nhân bản về tình yêu con người, sẽ vĩnh viện là ngôi sao sáng lấp lánh trên dòng Ngân Giang...

                                                                                             Thiên Sứ


Không có nhận xét nào: