Chuẩn bị mở quà
Giáng sinh năm 2021 và đón năm mới dương lịch 2022 thì được tin nhà thơ Tôn Nữ
Hỷ Khương vừa ra đi, tôi nhớ ngay bốn câu thơ đã trở thành “Poetry Logo” gắn liền với tên tuổi của chị mà ai cũng sẽ rất ngạc
nhiên nếu có một vị nào đó không thích:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.
(Còn gặp nhau)
Sở dĩ bốn câu thơ
nhẹ nhàng, đơn giản và đại chúng đó trở thành “biểu tượng thi ca” của chị vì nó vừa nói lên một điệu sống quá hài
hòa và tươi mát, vừa là lời minh họa cho chính cuộc đời riêng tư và nghệ thuật
của chị.
Trong thế hệ
Chiến Tranh Việt Nam, có hai nữ nghệ sĩ người Huế được dân Huế và đối tượng thưởng
ngoạn nghệ thuật khắp nơi hâm mộ tài năng đã đành nhưng còn yêu chuộng phong
cách sáng tác và trình diễn nghệ thuật: Đó là ca sĩ Hà Thanh và nhà thơ Tôn Nữ
Hỷ Khương.
Giáo sư Trần Thanh Đạm đã viết về chị Hỷ Khương:
Vốn
biết thi nhân là hiếu nữ,
Nào
hay thi sĩ cũng tình nhân.
Hiếu
tình ai dễ hai bề trọn,
Tình hiếu mười phân đẹp bội phần…
Từ phía bên này
của nửa vòng trái đất, xin được đốt một cây hương thật quý để tưởng nhớ về chị.
Tôn Nữ Hỷ
Khương tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1937 tại Vỹ Dạ (Huế).
Chị là ái nữ của nhà thơ nổi tiếng Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Các thi phẩm đã xuất
bản: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng
khuâng tình khúc (2001), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2004) và hồi
ký Hồi ức cha tôi (1996, tái bản 2002)...
Và bài thơ cuối cùng của chị mà tôi được đọc là Hãy Cho Nhau. Bốn câu mở đầu nói đến biến
cố trọng đại nhất của một kiếp người là cái chết, nhưng lời thơ và ý thơ tự tại
như một thiền sư thị tịch:
Một cơn gió nhẹ thoảng qua,
Dễ đưa ta đến lìa xa cõi đời.
Để kết thúc một kiếp người,
Mong manh như hạt sương rơi đầu cành.
Thơ Tôn Nữ Hỷ
Khương phản ánh trung thực hoàn cảnh xuất thân, khuynh hướng sáng tạo thi ca, dự
phóng cuộc đời rất nề nếp, thuần hậu và cổ kính. Phong cách sống của một tôn nữ
đã mở ra cánh cửa thi ca vừa vặn, không phóng khoáng mở tung hay hừng hực bứt
phá. Bởi vậy, hai tập thơ đầu Đợi Mùa Trăng (1964) và Mộng Thanh Bình (1970) từ
lời thơ cho đến tư tưởng êm đềm như nước sông Hương. Hành trình sáng tạo thi ca
50 năm của Tôn Nữ Hỷ Khương là một dòng nhật ký đầy hương hoa và sương khói của
tóc thề áo trắng; tuy biền biệt sương khói ngây ngất mà không làm… chết người bởi
cảm xúc và ân tình rất Huế! Cái tài hoa “con nhà… tôn nữ” cũng nhảy múa nhưng
êm đềm như phụng vũ hoàng cung; không xảo diệu vỡ bờ như Nguyễn Thị Hoàng, Túy
Hồng, Nhã Ca… bay vút ra ngoài bốn cõi của cảm xúc và suy niệm.
Thật thú vị khi
Đỗ Hồng Ngọc điểm thơ Tôn Nữ Hỷ Khương thành “thơ nói” bởi những khái niệm cách tân, siêu thực, cải biên, lập dị…
hoàn toàn vắng bóng. Tác dụng của tất cả các loại hình nghệ thuật không nằm ở
hình tướng mà là dấu ấn cảm xúc sâu, cạn hay đậm, nhạt khi thưởng thức nghệ thuật.
Thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương đi vào tâm cảm của người đọc rất dễ dàng, trôi chảy và
đồng điệu với đời thường.
Nhớ lần cuối (2013) tôi và Lê (nhà tôi) ngồi uống cà
phê với chị Hỷ Khương ở một quán xanh ven sông Sài Gòn, sau khi chị chia sẻ cảm
tưởng thú vị đọc những bài viết của tôi về Huế, chị hỏi tôi vì sao tôi thích
thơ chị. Lời phát biểu chỉ giới hạn trong 3 chữ. Tôi suy nghĩ và trả lời khá
nhanh: Hiền, dễ, thanh. Chị cười thích thú và bắt tôi giải thích đầy đủ ba từ
đó. Tôi nói đủ ý kiến của mình về thơ chị rằng, Hiền: là bản chất của thơ chị bởi
cả lời thơ, tứ thơ và hồn thơ đều rất “con
nhà” và rất Huế. Dễ: Thơ chị không quanh co với triết lý cao xa hay đầy ảo
tưởng mà phát xuất từ dòng đời hiện thực nên người đọc ở trình độ nào cũng tiếp
thu dễ dàng. Thanh: vì thơ chị là tiếng hát ca dao và nhuốm mùi đạo lý phương
Đông cùng tư tưởng Nho và Phật giáo. Rứa là chúng tôi được chị thưởng một gói hột
sen Tịnh Tâm mang về Mỹ.
Mới đó mà nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã vĩnh viễn đi rồi!
Lần gặp nhau cuối
cùng, chị đọc bài thơ Về Quê Ăn Tết của
tôi và khen hai câu:
Gặp
nhau cứ kể như lần cuối,
Nâng
chén cười tan nỗi ngậm ngùi.
Tôi nói với chị
đó là tư tưởng Phật Giáo, tôi chỉ lập lại và đem vào thơ.
Chị Hỷ Khương
thương kính ơi! Chị ra đi cũng êm đềm như dòng đời và cả nghìn bài thơ của chị.
Xem vô thường là hữu thường để không còn chi mà ngậm ngùi nuối tiếc “cuộc hồng trần xoay vần quá ngán” nầy. Nếu có chăng duyên nghiệp trùng trùng thì con
đò thơ một đời đã chở đầy duyên lành và nghiệp thiện của chị sẽ đưa chị về bờ
bên tê thinh không an lạc.
Xin bái biệt chị.
Trăng lặn. Hoa tàn. Và có một vần thơ!
Sacramento, chiều mùa Giáng sinh 2021
Trần Kiêm Đoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét