Nguồn:
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=20325
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=20325
Chúa
Tiên Nguyễn Hoàng
Kỷ niệm 455 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Quảng Trị (1558 - 2013)
Trong cuộc đời thăng trầm lạ lùng của mình, Nguyễn Hoàng đã để lại cho đời những bài học và kinh nghiệm thành công nào?
Nuôi chí lớn và truyền chí lại
Nguồn hun đúc nên chí lớn của Nguyễn Hoàng chính là truyền thống gia đình, dòng tộc. Nguyễn Hoàng xuất thân từ một gia đình danh giá ở Thanh Hóa. Dòng tộc Nguyễn Hoàng có thủy tổ là Định Quốc Công Nguyễn Bặc, vị khai quốc công thần của nhà Đinh, từng giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
Con Nguyễn Hoằng Dũ là Nguyễn Kim, thân phụ của Nguyễn Hoàng.
Theo “Đại Nam thực lục”, thân phụ của Nguyễn Kim, húy là Dụ. Lên 8 tuổi đã biết làm văn, 18 tuổi thông thuộc võ nghệ. Dưới thời Lê Hiến Tông, làm Kinh lược sứ Đà Giang. Lúc thấy Lê Uy Mục vô đạo, bèn giúp Lê Oanh khởi binh ở Thanh Hóa, giữ yên xã tắc. Lúc Lê Oanh lên làm vua, tức vua Lê Tương Dực, được phong làm thái phó Trừng quốc công.
Theo “Nguyễn Phúc tộc thế phả”, NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, tiên tổ Nguyễn Hoàng, tính từ đời Nguyễn Công Duẩn đến Nguyễn Kim, có những điểm khác với cách viết của Lê Quý Đôn, của “Đại Nam thực lục” và Phan Khoang.
Viết về Nguyễn Công Duẩn, “Phủ biên tạp lục”, “Việt sử xứ Đàng Trong” và “Nguyễn Phúc tộc thế phả” đều nêu bật công lao của ông đối với vua Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, nhưng “Nguyễn Phúc tộc thế phả” viết kỹ hơn. Theo “Nguyễn Phúc tộc thế phả”, Nguyễn Công Duẩn đã cung cấp cho nghĩa quân của Lê Lợi hàng nghìn thạch thóc, hàng trăm bao muối; giúp vận chuyển lương thực, vũ khí; giúp đem binh giải vây, đuổi giặc; giữ cửa ải Lê Hoa, Lào Cai, chống nhau với giặc Minh. Khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vua Lê Thái Tổ đã tuyên dương công trạng Nguyễn Công Duẩn: “Nhà ngươi không lười điều binh, tiến lương, vào ra nguy hiểm không quản sống chết. Nhớ công ngươi bẻ gãy ngọn giáo, làm quằn lưỡi gươm quân thù, thừa thắng đánh giặc, một mình rong ruổi đông tây, ngăn sông phá núi để lo nạn nước. Công lao ngươi mọi người đều biết, thật là cảm kích” (1). Nguyễn Công Duẩn được xếp vào hàng khai quốc công thần bình Ngô và được ban quốc tính họ Lê.
Nguyễn Công Duẩn cũng có người con tên là Nguyễn Đức Trung (như Phan Khoang đã viết), nhưng Nguyễn Đức Trung không nằm trong dòng trực hệ sinh ra Nguyễn Hoàng về sau mà vị trí này thuộc về một người con khác của Nguyễn Công Duẩn, đó là Nguyễn Như Trác. Nguyễn Như Trác làm quan dưới hai triều vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) và Lê Hiến Tông (1497 - 1504), chức Tham đốc, tước Hầu.
Con Nguyễn Như Trác là Nguyễn Văn Lựu (cũng đọc là Lưu). Hiếu học từ bé, 8 tuổi biết làm văn, 15 tuổi tinh thông võ nghệ. Dưới triều vua Lê Hiến Tông, giữ chức Kinh lược sứ Đà Giang. Đời vua Lê Tương Dực (1509 - 1516), biến loạn xảy ra, Trần Cảo chiếm lấy Đông Đô. Nguyễn Văn Lựu đem quân từ Thanh Hóa ra đánh chiếm lại Đông Đô, rước vua Lê Tương Dực về. Nguyễn Văn Lựu được phong làm Thái tể Trừng quốc công.
Con Nguyễn Văn Lựu là Nguyễn Kim, “Nguyễn Phúc tộc thế phả” đọc là Nguyễn Cam và cho rằng, theo phát âm của Khang Hy tự điển, chữ lâu nay quen đọc là “Kim”, phải đọc là “Cam” mới đúng.
Thân phụ của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim, làm Hữu vệ điện tiền tướng quân, An thành hầu. Khi xảy ra sự biến Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, Nguyễn Kim đã tránh sang Lào, xây dựng lực lượng, nuôi chí khôi phục nhà Lê. Nguyễn Kim đã đem quân về nước, đánh thắng quân Mạc nhiều trận. Năm 1533, Nguyễn Kim tìm được người con trai nhỏ của vua Lê Chiêu Tông, tên là Ninh đang sang Lào tránh nạn, tôn lên làm vua, tức là vua Lê Trang Tông. Lúc Nguyễn Kim tránh sang Lào, Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi, được cậu ruột là Nguyễn Ư Dĩ nuôi dưỡng. Lúc Nguyễn Hoàng 20 tuổi, Nguyễn Ư Dĩ thường khuyên Nguyễn Hoàng lập công danh sự nghiệp. Nguyễn Hoàng làm quan dưới triều Lê, lúc đầu được phong là Hạ Khê hầu, cầm quân đánh Mạc Phúc Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh), chém được tướng là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, được vua khen: “Thực là cha hổ sinh con hổ”. Đến đời vua Lê Trung Tông, do có quân công, Nguyễn Hoàng được phong Đoan quận công. Khi vào trấn nhậm Thuận Hóa, được sự giúp sức của Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng có điều kiện để thực hiện trọn vẹn lời khuyên của người cậu ruột.
Chí lớn hun đúc từ tiền nhân đã được Nguyễn Hoàng nuôi dưỡng và sớm truyền lại cho con cháu. Năm 1602, Nguyễn Hoàng giao Nguyễn Phúc Nguyên, người con thứ sáu làm trấn thủ dinh Quảng Nam, nơi đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp nhiều hơn Thuận Hóa, đặc biệt, nơi đây có núi Hải Vân, được Nguyễn Hoàng đánh giá là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Nhờ được giao trọng trách ở một vùng đất đặc biệt như vậy mà Nguyễn Phúc Nguyên đã sớm được tôi luyện, thử thách và trở thành vị Chúa Sãi anh minh, lập nên những kỳ tích cho Đàng Trong. Lúc sắp từ giã cõi đời, Nguyễn Hoàng đã gọi Nguyễn Phúc Nguyên và các cận thần đến bên giường bệnh để căn dặn: “Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp”, “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng” (2). Quyết chí nối nghiệp Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn đã tiếp tục mở mang lãnh thổ về phía Nam, xác lập vững chắc chủ quyền trên vùng đất mới, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đưa nước ta có lãnh thổ hoàn chỉnh như hiện nay.
Vượt qua hiểm họa, chuyển họa thành phúc
Có chí rồi, phải có mưu lược thì chí mới thành. Bài học cốt tử của cuộc đời Nguyễn Hoàng, đó là biết vượt qua hiểm họa, chuyển họa thành phúc. Cổ nhân bảo “trong họa có phúc”, điều này quả đã ứng vận trọn vẹn vào cuộc đời Nguyễn Hoàng. Mối họa của cuộc đời Nguyễn Hoàng không nằm ở đâu xa mà nằm ngay từ chính ông anh rể của Nguyễn Hoàng là Trịnh Kiểm. “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã đề cập đến mâu thuẫn giữa anh em Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng với Trịnh Kiểm, khi cho rằng, Trịnh Kiểm “lại hiểu dụ bọn Lãng quận công (chỉ anh em Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng - chú thích của người viết) bỏ hết hiềm khích” (3). Cách viết của Lê Quý Đôn ở đây nghiêng về Trịnh Kiểm, cho rằng mối hiềm khích với Trịnh Kiểm là đến từ Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng. Ngược lại, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn khẳng định mối họa đối với anh em Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng là đến từ Trịnh Kiểm: “Từ khi Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta (chỉ Nguyễn Kim - chú thích của người viết) mất đi, bỏ dở công to nghiệp lớn, quyền bính trọng yếu trong nước đều do Trịnh Kiểm chuyên chế cầm nắm. Lãng quận công Uông làm tả tướng. Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta (chỉ Nguyễn Hoàng - chú thích của người viết) thì cầm quân đánh dẹp, lập được nhiều chiến công, được phong đến Đoan quận công. Cả hai đều bị Trịnh Kiểm nghi kỵ. Rồi Tả tướng bị Kiểm làm hại. Còn Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta thì tự lắng xuống, kín đáo giữ mình” (4). Nguyễn Ư Dĩ biết chuyện, bèn khuyên Nguyễn Hoàng giả bệnh điên, có những cử chỉ thất thường để Trịnh Kiểm hết nghi ngờ. Sau khi cho người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về cách tránh họa và được Trạng Trình “mách nước”: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dải núi ngang, có thể dung thân muôn đời), Nguyễn Hoàng đã tìm được lối thoát họa, đó là phải lánh mình ở phương xa. Được Nguyễn Ư Dĩ bàn bạc: “Thuận Hóa là đất hiểm trở kiên cố, có thể giữ mình được. Vậy nên nhờ chị là Ngọc Bảo (Ngọc Bảo là con gái Triệu Tổ và là chánh phi Trịnh Kiểm) nói với Kiểm, xin vào trấn thủ Thuận Hóa, rồi sau sẽ mưu làm việc lớn” (5), Nguyễn Hoàng đã cậy chị ngỏ lời cùng Trịnh Kiểm, xin cho đi vào phương xa. Thuận theo lời xin của vợ, Trịnh Kiểm đã dâng biểu tâu vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ đất Thuận Hóa. Nhân việc cho Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, Trịnh Kiểm muốn bắn một mũi tên mà trúng nhiều đích: vừa được lòng vợ và em vợ; vừa được tiếng với vua Lê là dùng người tài trí, mưu lược trấn giữ nơi vùng đất có “hình thể quan trọng”; lại vừa mượn xứ Thuận Hóa là nơi lam chướng nước độc, nơi quân nhà Mạc đang khuấy động để biết đâu trừ khử được Nguyễn Hoàng. Nhưng Trịnh Kiểm đã lầm với một người có chí lớn và biết chuyển họa thành phúc như Nguyễn Hoàng. “Trịnh Kiểm chỉ có ý tống khứ một địch thủ. Nhưng ông đã đi sai nước cờ. Và thay vì tống khứ, ông lại đã cho không Nguyễn Hoàng một vương quốc. Và một chuỗi các sự kiện diễn ra đã làm thay đổi toàn bộ lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử Đông Nam Á nói chung” (6).
Sau khi đã vào Ái Tử, Nguyễn Hoàng còn gặp nhiều mối họa khác và đều tìm cách vượt qua được. Theo “Đại Nam thực lục”, năm 1571, Trịnh Kiểm đã mật sai tham đốc Mỹ Lương, thự vệ Văn Lan và Nghĩa Sơn (3 vị này nhờ đóng thóc cho nhà Lê mà được làm quan) đánh úp Nguyễn Hoàng nhưng thất bại, Mỹ Lương bị chém, Nghĩa Sơn bị bắn chết, Văn Lan trốn chạy (ở đây “Đại Nam thực lục” đã nhầm, vì Trịnh Kiểm đã mất từ năm 1570, nên việc mật sai này có lẽ là của Trịnh Tùng, con Trịnh Kiểm). Năm 1572, tướng Mạc là Lập Bạo đem 60 binh thuyền vượt biển vào đánh cướp nhưng đã bị Nguyễn Hoàng dẹp tan, Lập Bạo bị giết. Năm 1592, vua Lê sai Trịnh Tùng đánh dẹp Mạc Mậu Hợp, lấy lại được Đông Đô Thăng Long, Nguyễn Hoàng ra kinh yết kiến, mừng vua Lê. Trải qua 8 năm ở Đông Đô, Nguyễn Hoàng đã giúp vua đánh dẹp quân Mạc, bọn tướng làm phản và thổ phỉ, lập nhiều công to. “Trịnh Tùng thấy thế mang lòng ghen ghét, 8 năm không cho về trấn. Gặp lúc ấy, bọn Ngạn, Đình Nga và Văn Khuê làm phản ở cửa biển Đại An, Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta nhân đem quân tiến đánh, bèn đem tướng sĩ thuyền chiến trong bộ thuộc mình, phóng ra biển về Thuận Hóa” (7).
Để vượt qua hiểm họa, ngoài việc tìm cách lánh họa ngay trên chính mảnh đất hiểm trở, tìm cách chống chọi, đánh thắng địch họa, Nguyễn Hoàng đặc biệt còn tìm cách hóa giải các mối họa, thông qua ứng phó khôn khéo, đối ngoại mềm dẻo. Khi về lại Thuận Hóa, sau 8 năm ở Đông Đô, với vua Lê, Nguyễn Hoàng đã để con trai thứ năm là Nguyễn Hải và cháu là Nguyễn Hắc ở lại làm con tin. Tuy vậy, sau khi Nguyễn Hoàng trở về, Trịnh Tùng đã gửi thư dọa trách:
“Mới đây bọn nghịch thần Phan Ngạn,
Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga manh tâm bội phản, cháu và cậu đã lo liệu việc binh,
sai đi đánh dẹp, chẳng ngờ cậu không đợi mạng, tự ý bỏ về, làm dao động nhân
dân, không biết ấy là ý của cậu, hay là mắc kế bọn kia… Cậu, trong việc binh,
thường lưu tâm đến kinh sử, xin hãy xét nghĩ lại, đừng để hối hận về sau”
(8).
Để làm dịu tình hình, Nguyễn Hoàng đã viết thư cho Trịnh Tùng hẹn kết
nghĩa thông gia. Mùa đông năm 1600, Nguyễn Hoàng đã gả con gái là Ngọc Tú cho
Trịnh Tráng, con cả của Trịnh Tùng (Trịnh Tráng lấy Ngọc Tú, tức là cháu mà lấy
cô). Từ đó trở đi, Nguyễn Hoàng không ra Đông Đô nữa, khiến triều thần nhà Lê
đòi xử trí, “nhưng Trịnh Tùng sợ việc
dùng binh, không dám đả động” (9). Chắc rằng mối quan hệ cháu lấy cô “vượt
ngoài khuôn khổ” giữa Trịnh Tráng và Ngọc Tú đã góp phần hóa giải, xua tan âm
mưu động binh.
Thông qua việc hóa giải hiểm họa, chuyển họa thành phúc, Nguyễn Hoàng đã tạo được cội phúc vững bền, dài lâu cho các chúa Nguyễn thừa hưởng ân sủng, trong đó đặc biệt chúa Nguyễn Phúc Nguyên không chỉ thừa hưởng mà còn có công lớn vun bồi cội phúc này phát triển, ngay chính từ đất Quảng Trị. Cội phúc này lan tỏa cả đến những người nhà Mạc đang gặp họa, trong đó có người vợ họ Mạc của Nguyễn Phúc Nguyên. Mạc Cảnh Huống (em Khiêm vương Mạc Kính Điển, người đã từng đem quân vào đánh Thanh Hóa, Nghệ An năm 1570) đã theo Nguyễn Hoàng vào Ái Tử năm 1558, làm Thống binh, tham mưu đắc lực, được Nguyễn Hoàng tin dùng. Theo khảo cứu của L.Cadière (10), vào khoảng năm 1593, lúc nhà Mạc suy yếu, bị đánh đuổi khỏi vùng đồng bằng miền Bắc, phải chạy lên Cao Bằng, con gái Mạc Kính Điển là bà Mạc Thị Giai đã cùng gia quyến theo chú là Mạc Cảnh Huống vào ẩn ở chùa Lam Sơn, làng Cổ Trai, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nhập tịch ở tỉnh Quảng Trị. Được bà Nguyễn Ngọc Dương, vợ Mạc Cảnh Huống (bà Dương là em vợ Nguyễn Hoàng, tức là dì ruột của Nguyễn Phúc Nguyên) tiến vào hầu Nguyễn Phúc Nguyên ở nơi tiềm để (chỗ ở của chúa khi chưa lên ngôi), bà Mạc Thị Giai đã được Nguyễn Phúc Nguyên yêu, quý trọng vì tính tình thuần hậu, đoan trang và đã lấy làm vợ. Sau này, bà được đổi sang họ Nguyễn và được tôn là Hiếu Văn Hoàng hậu. Bà sinh được 5 con trai và 3 con gái. Đặc biệt, trong số này, có 2 người con gái đã được Nguyễn Phúc Nguyên gả cho vua các nước lân bang để mở mang quan hệ đối ngoại. Năm 1620, Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Nhờ ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc hôn nhân này, năm 1623, một phái bộ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đi sứ đến Chân Lạp đề nghị được lập cơ sở, được đặt một sở thu thuế hàng hóa ở Prey Kôr, tức thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và đã được Chey Chetta II đồng ý. Năm 1631, Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Chiêm Thành là Pôrômê, nhằm tạo mối quan hệ giao hảo Việt-Chiêm, bảo đảm an ninh mặt phía Nam cho chúa Nguyễn. Theo L.Cadière, làng Cổ Trai đã ghi nhận và đánh giá rất cao công lao của bà Mạc Thị Giai đối với làng, sau khi bà qua đời, làng Cổ Trai đã sửa ngôi chùa Lam Sơn thành đền thờ để thờ cúng bà (11). Năm 1824, vua Minh Mạng cho đổi đền thờ này thành chùa Phật: “Cho xã Cổ Trai (thuộc huyện Minh Linh, Quảng Trị) 300 quan tiền. Cổ Trai là làng thích lý của Hiếu Văn Hoàng hậu, trước dân làng cảm ân đức Hoàng hậu lập đền thờ, đến nay tự nghĩ không dám thờ nhảm, tâu xin đổi làm chùa Phật. Vua theo lời xin và cho tiền” (12). Rõ ràng, ân đức của bà Mạc Thị Giai, tức Nguyễn Thị Giai, Hiếu Văn Hoàng hậu không chỉ nhuần thấm với đất Cổ Trai mà ân đức đó cả Đàng Trong và đất nước đều được thụ hưởng, khi bà đã cống hiến cho dân tộc hai liệt nữ Ngọc Vạn, Ngọc Khoa. Như vậy, việc chuyển họa thành phúc, đặc biệt là chuyển họa của cá nhân, dòng họ của Nguyễn Hoàng thành phúc của Đàng Trong, phúc của dân tộc đã diễn ra một cách kín đáo, khéo léo và thành công trên đất Quảng Trị và từ Quảng Trị.
Dựa vào lòng dân, vỗ về dân, yên dân
Thư
Nguyễn Hoàng gửi cho chính quyền Tokukawa Mạc Phủ Nhật Bản. Nguyễn Hoàng xưng
là An Nam Quốc Phó Đô Đường Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Hoàng Thư. Thời gian là:
Quang Hưng Thập Tứ Niên Tam Nguyệt Nhị Thập Nhất Nguyệt: ngày 21 tháng 3 (nhuận)
năm Quang Hưng (光興)
thứ 14 thời vua Lê Thế Tông, tương đương năm Thiên Chính (天正) thứ 19 của Nhật Bản, năm 1591.
“An Nam quốc Đại Đô Thống Đoan Quốc Công báo thư - Nhật Bản Bản Đa Thượng Dã Giới Chính Thuần trân quý! Thư đi thư lại giao hảo đã lâu, tấm lòng đã hiểu. Cảm thần được tính cách trung hậu của Di Thất Lang. Tôi nhận Di Thất Lang làm nghĩa tử; chăm sóc ân cần chu đáo mọi bề. Nay Di Thất Lang trở về quý quốc. Sẽ khôn nguôi nhớ, đành tặng chiếc áo tình cảm để mặc lúc đi đường. Rồi đây trong lòng thương nhớ xiết bao. Hy vọng rằng những tình cảm đó sẽ được chuyển đến Bạch Quốc Vương. Và năm tới như đã hứa Di Thất Lang sẽ chỉnh đốn ba thuyền sớm đến bản trấn giao dịch, như thế là lưỡng toàn ân nghĩa. Có một chút lễ mọn (Bạch quyên 2 thất, Kỳ nam 1 phiến) xin gửi tặng làm tin…
................
(1) Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, tr. 73.
(2) Đại Nam thực lục, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 37
(3) Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1 Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 49.
(4) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập II, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 137.
(5) Đại Nam liệt truyện tiền biên, tập I, quyển 1-6, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 76.
(6) Li Tana, Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999, tr. 15.
(7) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sđd, tr. 227.
(8) Dẫn theo Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 124.
(9) Đại Nam thực lục, tập I, sđd, tr. 35.
(10), (11) Những người bạn cố đô Huế, tập IX, NXB Thuận Hóa, Huế, 2001, tr. 259, 260, 264.
Theo khảo sát, tìm hiểu của chúng tôi tại làng Cổ Mỹ (tức làng Cổ Trai trước đây), xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, người dân ở đây cho biết, tại làng trước đây có một ngôi chùa, có tên là “Quang cổ tự”, thờ một bà hoàng hậu. Hiện chùa không còn nhưng chỗ đất dựng chùa vẫn xác định được. Đại Nam nhất thống chí, Tập I, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006 đã viết về chùa Cổ Trai rằng: “Ở xã Cổ Trai, huyện Minh Linh, xã này là quê hương của Hiếu Khang Hoàng Hậu bản triều. Sau khi hoàng hậu mất, người xã lập miếu thờ, năm Minh Mệnh thứ 5 đổi làm chùa Phật” (tr. 243). Ở đây, có lẽ Đại Nam nhất thống chí đã viết nhầm chăng, vì chùa Cổ Trai không phải là nơi thờ Hiếu Khang Hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn, mẹ vua Gia Long, mà theo Đại Nam thực lục, chùa này là nơi thờ Hiếu Văn Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai, vợ Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
(13) Đại Nam liệt truyện tiền biên, tập I, quyển 1-6, sđd, tr. 76.
(14), (15) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1 Phủ biên tạp lục, sđd, tr. 50, 102.
(16) Đại Nam thực lục, tập I, sđd, tr. 31.
(17) Đại Nam nhất thống chí, tập III, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, tr. 282.
(18) Đại Nam thực lục, tập I, sđd, tr. 35.
(19), (20) Đại Nam thực lục, tập I, sđd, tr. 31.
(21), (22) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1 Phủ biên tạp lục, sđd, tr. 322, 323.
(23), (24) Dẫn theo Tạp chí Nam Phong số 54, tháng 12/1921, phần chữ Hán. Bản dịch từ Hán sang Việt của ông Hoàng Tấn Linh, giáo viên Trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị.
(25), (26) Những người bạn cố đô Huế, tập VIII, NXB Thuận Hoá, Huế, 2001, tr. 185, 188.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét