BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

TUỔI DẦN ÔNG CỌP QUÁ GHÊ – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức




Tuổi DẦN ông cọp quá ghê                               
Bắt người ăn thịt tha về non cao
       
Tý Sửu Dần... DẦN là ngôi thứ 3 của Thập nhị Địa Chi là... Ông Cọp, như 2 câu ca dao Nam bộ trong bài vè về 12 con giáp nêu trên. Ngoài việc được gọi là ÔNG CỌP, cọp còn được giới bình dân xưa gọi là Ông Hổ, Ông Hùm, hay Ông Ba Mươi nữa. CỌP chữ Nho là HỔ , theo “Chữ Nho Dễ Học” Hổ thuộc dạng chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
 
             
   Giáp Cốt Văn    Kim Văn      Đại Triện     Tiểu Triện         Lệ Thư
                   
Ta thấy:
           
Giáp Cốt Văn là hình tượng của một con cọp được vẽ đầy đủ từ đầu cho đến đuôi, Kim Văn (còn gọi là Chung Đĩnh Văn) và Đại Triện thì được đơn giản hóa, chỉ giữ lại các nét tiêu biểu, 
đến Tiểu Triện thì các nét vẽ được kéo thẳng hay uốn cong theo như hình chữ viết và đến Chữ Lệ  đời nhà Tần thì chữ viết đã hình thành hoàn chỉnh như chữ viết hiện nay. HỔ là Cọp.
                   
Năm 2022 là năm NHÂM DẦN 壬寅. NHÂM là ngôi thứ 9 của Thập Vị Thiên Can. Nhâm Qúy thuộc Thủy, hướng bắc, thuộc màu ĐEN, còn DẦN là ngôi thứ 3 của Thập Nhị Địa Chi, hướng đông, cầm tinh con CỌP. Nên năm NHÂM DẦN là năm của con CỌP ĐEN, chữ Nho gọi là HẮC HỔ 黑虎. Tương truyền mỗi khi cọp xuất hiện thì sẽ có một làn gió... cọp thổi đến, theo như câu nói dân gian là "Vân tòng long, Phong tòng hổ 雲從龍,風從虎". Có nghĩa: Mây theo rồng, gió theo cọp, và dĩ nhiên, cọp đen thì sẽ có làn gió đen xoáy đến trước gọi là HẮC TUYỀN PHONG 黑旋風, và đây cũng là ngoại hiệu của Lý Qùy 李逵, người được xếp thứ 22 trong 108 anh hùng trên Lương Sơn Bạc. Ngoài Lý Qùy ra, còn một nhân vật nổi tiếng hơn mà Lý Qùy nghe đến tên là sợ, đụng mặt là lảng tránh, đó chính là người được xếp hàng thứ 14 trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc là Võ Tòng Đả Hổ 武松打虎. Ngoài nổi tiếng với việc đánh cọp ra, Võ Tòng còn nổi tiếng với các tuồng trong Kinh kịch và trong hát bộ, cải lương... của ta với vở VÕ TÒNG SÁT TẨU 武松殺嫂 (Võ Tòng giết chị dâu), tức là giết Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh như trong tiểu thuyết hiện thực Kim Bình Mai 金瓶梅 nổi tiếng là một dâm thư của Trung Hoa thời Minh Thanh.
                
"Nam NHÂM Nữ QUÝ", nên năm 2022 là năm NHÂM DẦN tốt cho việc sanh con trai. Những cặp đôi nào muốn có qúy tử thì hãy chuẩn bị ngay từ đầu năm là vừa, bảo đảm sẽ cho ra "Nguyên con cọp con", có trở thành "Hổ Tướng" hay không còn chưa biết, chớ chắc chắn sẽ là một đứa con trai may mắn khỏe mạnh được sanh ra sau mùa dịch thế kỷ "Covid-19". DẦN tuy là ngôi thứ 3 trong Địa Chi nhưng lại là Tháng Giêng trong Âm lịch. Ngày Dần đứng sau ngày Sửu và đứng trước ngày Mão. Giờ Dần là từ 3 - 5 giờ sáng, giờ nầy thì ngôi chùa ở đầu làng đã bắt đầu công phu và tất cả những con gà trong xóm đều đã gáy rộ, nên tất cả những sinh hoạt ngày xưa đều bắt đầu từ giờ Dần: Nông dân thức dậy chuẩn bị ra đồng ruộng cày bừa trồng trọt; học trò thức dậy chuẩn bị đến trường để học hành; thợ thầy thức giấc chuẩn bị công việc làm cho ngày mới; giới thương buôn, mua gánh bán bưng thì chuẩn bị cho việc làm ăn buôn bán trong ngày. Trong "Tăng Quảng Hiền Văn" có dạy:
               
,   Nhất niên chi kế tại ư xuân,               
,   Nhất nhật chi kế tại ư DẦN,                              
,   Nhất gia chi kế tại ư hòa,                
.   Nhất sinh chi kế tại ư cần.
                  
* KẾ : là Tính toán như KẾ TOÁN; là Mưu Lược như TAM THẬP LỤC KẾ; là Hoạch Định, Chương Trình như KẾ HOẠCH, KẾ SÁCH, và Đây chính là nghĩa của chữ KẾ trong các câu nói trên:  
- Những chương trình hoạch định cho một năm phải bắt đầu từ mùa XUÂN.  
- Những tính toán dự định trong một ngày phải bắt đầu từ giờ DẦN (từ 3 đến 5 giờ sáng).   
- Những kế hoạch để xây dựng gia đình cho êm ấm là chỉ ở một chữ HÒA (trên thuận dưới hòa).     
- Những hoạch định tính toán phấn đấu cho cả một đời người là chỉ ở một chữ CẦN mà thôi ! (Nếu chịu khó siêng năng cần cù, thì trong cuộc đời dù không thành công lớn, cũng thành công nhỏ và có tệ nhất thì cũng... đủ ăn đủ mặc, không đến nỗi đói rách lang thang.).
     
"Thiên hữu tứ thời XUÂN tại thủ " 天有四時春在首. Trời có 4 mùa thì mùa XUÂN là mùa đầu tiên, tiết trời đã ấm áp trở lại sau mùa đông giá rét, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, vạn vật đều tái sinh, khí thế đang lên, nên các kế sách dự định trong năm cũng nên bắt đầu ở thời điểm nầy... hơn nữa, nếu có gì trục trặc thì cũng có đủ thời gian để... điều chỉnh lại ! Kế hoạch trong năm bắt đầu ngay được từ mùa Xuân, thì xem như đã thành công một nửa rồi!
    
"Thiên quang DẦN, nhật xuất MÃO" 天光寅,日出卯 . Trời sáng ở giờ Dần, mặt trời mọc ở giờ Mão, nên công việc dự định trong ngày nên bắt đầu ngay từ giờ DẦN, Nông dân làm ruộng cũng thế, muốn gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa...đều phải thức giấc lúc giờ Dần để bắt đầu cho công việc đồng áng.
    
"HÒA khí sanh tài" 和氣生財. Có Hòa Thuận để làm ăn thì mới phát sinh tài lộc được, gia đình xào xáo, mỗi người một ý , thì làm ăn làm sao lên cho được ! Ông bà cũng đã dạy "Gia HÒA thì Vạn sự Hanh ". Có nghĩa: Gia đình Hòa Thuận thì muôn việc đều suông sẻ.(Hanh thông 亨通 là Suông sẻ). Câu nầy thường bị đọc lệch đi là "Gia Hòa vạn sự HƯNG (Hưng là Hưng Vượng 興旺), ý nghĩa cũng tương tự mà thôi.
    
Cuối quyển Tam Tự Kinh có câu: "CẦN hữu công, Hí vô ích 勤有功,戲無益". Nghĩa đã rõ: Chơi bời lêu lỏng không đem lại lợi ích gì cả, còn Siêng Năng cần cù thì sẽ gặt hái được thành công trong mọi mặt. Nên trong cuộc đời của một người, yếu tố "CẦN" không thể thiếu trong việc tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình được!
             
Ngay cả những người lữ hành cũng phải dậy sớm để xem thời tiết và chuẩn bị lên đường, vì  ngày xưa, phương tiện giao thông khó khăn, nên định đi đâu để làm gì thì cũng phải thức giấc lúc giờ DẦN như hai câu thơ trong bài thơ  "Thương Sơn tảo hành 商山早行" của Ôn Đình Quân 温庭筠 đời Đường là :
                     
雞聲茅店月,    Kê thanh mao điếm nguyệt,                     
人跡板橋霜.    Nhân tích bản kiều sương.
  
...mà cụ Nguyễn Du đã gom lại thành một câu rất hay khi tả Thúy Kiều vượt tường lìa khỏi Quan Âm Các của nhà Hoạn Thư là:
                              
Mịt mù dặm cát đồi cây               
TIẾNG GÀ ĐIẾM NGUYỆT, DẤU GIÀY CẦU SƯƠNG.
 

Theo Tử Vi Đẩu Số thì "Dần, Ngọ, Tuất" Tam Hạp. Nhưng trong thực tế thì Ngọ là Ngựa mà gặp Dần là Cọp thì sẽ cất vó phóng nhanh chạy thục mạng, và Tuất là Chó thì ôi thôi, khi gặp chúa sơn lâm gầm cho một tiếng thì đứng còn không vững nữa là nói chi đến chạy ! Nên hạp sao nỗi mà hạp ! Cọp là chúa muôn thú, cao ngạo một mình một cõi, đến nỗi thành ngữ cũng có câu "Nhứt lâm vô nhị hổ 一林無二虎" Một rừng không thể có 2 cọp được. Chúa tể của núi rừng thì làm sao mà họp với ai cho được ! Nhưng nói thì nói thế chứ ông bà xưa cũng có câu:
                      
Long du thiển thủy tao hà hí,            龍游淺水遭蝦                  
Hổ lạc bình dương bị khuyển khi !   虎落平陽被犬欺 !
     
Có nghĩa:
                    
Rồng bơi nước cạn tép tôm giỡn mặt,                      
Cọp xuống đồng bằng chó cũng dễ ngươi !


Trong Truyện Kiều khi tả Từ Hải sa cơ thất thế mắc mưu của Hồ Tôn Hiến, cụ Nguyễn Du cũng đã cảm thán cho Từ Hải là:
                      
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn !
 
HÙM là HỔ, HỔ là HÙM, nên ta lại có từ "Hùm Hổ" và thành ngữ "Làm hùm làm hổ" để chỉ những người hay làm ra vẻ dữ tợn, bậm trợn để uy hiếp hay hù dọa người khác. Vì là chúa tể rừng xanh, nên dáng vẻ oai hùng uy nghi, gầm lên một tiếng là muôn thú đều im hơi, nên ta lại có thành ngữ "Khiếu chấn sơn hà 嘯震山河" là "Tiếng gầm làm chấn động cả núi sông !". Tướng giỏi có sức địch muôn người thì gọi là Hổ Tướng. Tướng mạo uy nghi đường bệ oai phong thì được ví là "Hùng yêu hổ bối 熊腰虎背" là "Lưng Hùm Vai Gấu". Mặt mũi uy vũ oai hùng thì gọi là "Hổ đầu yến hàm 虎頭燕頷" Ta nói là "Râu Hùm Hàm Én" như hình dáng của anh hùng Từ Hải được cụ Nguyễn Du diễn tả là:
                       
Râu Hùm Hàm Én mày ngài,                
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.
     
Nói đến HÙM ta không thể không nhắc đến "Hùm Thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám 黃花探", tức Đề Thám người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp xuyên suốt gần 30 năm trường (1885 – 1913) làm cho quân Pháp phải xất bất xang bang suốt khoảng thời gian nầy với con cọp xám đất Yên Thế ở chiến khu và địa bàn kháng chiến quanh vùng Bắc Giang–Thái Nguyên–Hưng Hóa:
                        
Ba mươi năm khắp núi rừng                 
Danh ông Đề Thám vang lừng núi sông.
     
Nơi của các "Hổ Tướng" ngồi làm việc, được gọi là "Hổ Trướng 虎帳", vì bức màn trướng phía sau chỗ ngồi thường có vẽ hình con hổ cho oai phong, ta gọi là TRƯỚNG HÙM, như cụ Nguyễn Du đã tả chỗ ngồi xử án của Thúy Kiều khi nàng báo ân báo oán:
                     
TRƯỚNG HÙM mở giữa trung quân,                  
Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.



HÙM chẳng những chỉ sự uy phong oai vệ, mà còn chỉ sự nguy hiễm với chết sống cận kề, như "Miệng HÙM Nọc RẮN" qua lời của Thúy Kiều so sánh thân mình khi ở Quan Âm Các trong vườn nhà Hoạn Thư:
                           
Thân ta, ta phải lo âu,                 
MIỆNG HÙM NỌC RẮN ở đâu chốn này.                         
Ví chăng chắp cánh cao bay,                      
Rào cây lâu ắt có ngày bẻ hoa !
    
Hay như lời của Tam Hợp Đạo Cô suy đoán về vận mạng của Thúy Kiều trong tương lai, khi Từ Hải đã tử trận còn Thúy Kiều thì lọt vào tay Hồ Tôn Hiến:
                    
Trong vòng giáo dựng gươm trần,                    
Kề lưng HÙM SÓI gửi thân tôi đòi.                      
Giữa dòng nước dập sóng dồi,                  
Trước hàm rồng cá, gieo mồi vắng tanh.
   
"Tựa Hùm Như Sói" có gốc chữ Nho là "Như Lang Tự Hổ 如狼似虎" để chỉ hành động hoặc thái độ hung ác dữ tợn muốn ăn tươi nuốt sống người khác của ai đó như thành ngữ "Làm Hùm Làm Hổ" mà ta đã nói ở trên. Vì Hùm hung dữ như thế, nên đâu có ai dám "Vuốt Râu Hùm". Nhưng có người chỉ nói bằng cái miệng cho giỏi, cho mạnh bạo tưởng như gan dạ lắm, nhưng khi đụng chuyện thì lại cụp đuôi thụt lại phía sau hay trốn biệt... thì ta gọi là "Miệng Hùm Gan Sứa", chữ Nho gọi là "Hổ Đầu Xà Vĩ 虎頭蛇尾" như ta nói là "Đầu voi đuôi chuột". Điệu bộ dáng vẻ hung dữ mà không làm gì được ai cả, còn bị gọi là "Chỉ Lão Hổ 紙老虎" là "Con Cọp Giấy"; còn mượn oai của ai đó để hù dọa người khác thì gọi là "Hồ Giả Hổ Uy 狐假虎威", ta nói là "Cáo Mượn Oai Hùm". Vì có bộ da dầy lông đẹp, nên bộ da hùm còn được dùng làm vật trang trí phòng khách hay làm thành những đồ trang sức như giày dép, y phục, bóp xách tay... vì thế, ta lại có câu thành ngữ "Hùm Chết Để Da, Người Ta Chết Để Tiếng". Có thể vì thế mà Thúy Kiều mới vựa vào ý đó để khuyên Từ Hải quy hàng triều đình, ta hãy nghe cô nói:
                     
Làm chi ĐỂ TIẾNG VỀ SAU,                 
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào ?                      
Chi bằng lộc trọng quyền cao,                   
Công danh ai dứt lối nào cho qua ?!
                        
Hết HÙM tới HỔ. Ngày xưa các thư sinh yếu đuối trói gà không chặc, thế mà một khi thi đậu thì tên được treo trên Bảng Hổ, gọi là "Bảng Hổ Đề Danh 虎榜題名" và từ đó về sau được làm quan uy quyền tột đĩnh, "hét ra lửa" chớ không còn yếu đuối nữa ! Bảng Hổ còn được gọi là "Bảng Vàng", là "Kim Bảng 金榜", một trong "Tứ Khoái" của các cụ ngày xưa là "Kim Bảng Tánh Danh Đề 金榜姓名題" (Tên họ được ghi lên Bảng Vàng) hay gọi cho đủ bộ là "LONG HỔ BẢNG 龍虎榜" như trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
              
Nhất cử thủ đăng LONG HỔ BẢNG,       
.  Thập niên thân đáo Phụng Hoàng Trì.
 
Nghĩa câu:
   
- Long Hổ Bảng: là Bảng có vẽ hình Rồng và Cọp 2 bên, để dán danh sách những người thi đậu Tiến Sĩ ngày xưa. Người đậu đầu là Trạng Nguyên, người đậu nhì là Bảng Nhãn, và người đậu hạng ba là Thám Hoa.      
- Phụng Hoàng Trì: là Ao Phụng Hoàng. Đời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, chức Trung Thư Tỉnh được ở trong cấm cung Ngự Uyển, gần gũi Hoàng Đế, chưởng quản những điều cơ mật, nên chức Trung Thư Tỉnh được gọi là "Phụng Hoàng Trì".  
    
Có nghĩa:             
Hễ thi đậu một cái là tên được đăng lên trên Bảng Long Hổ, và làm quan mười năm (cho tốt) thì sẽ được vào làm việc trong Ao Phượng Hoàng kề cận nhà vua.
 

Có những người thâm trầm và nham hiễm như Hoạn Thư chẳng hạn: "Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiễm giết người không dao" thì được gọi là "Tiếu Diện Hổ 笑面虎" là "Cọp Mặt Cười", nhưng đối với Hoạn Thư thì phải gọi là "Mẫu Lão Hổ 母老虎" là "Con Cọp Cái", rất dữ, nhất là những con cọp cái đang đẻ con. Nên những người không ngại nguy hiễm dấn thân vào những nơi đầy cạm bẫy chết chóc để làm việc gì hoặc để thực hiện nhiệm vụ nào đó thì tự khuyến khích là "Không Vào Hang Cọp, Sao Bắt Được Cọp Con", chữ Nho nói là "Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử 不入虎穴,焉得虎子". Cho nên, muốn bắt được cọp con một cách an toàn thì phải biết cách "dụ" con cọp mẹ đi nơi khác, gọi là "Điệu Hổ Ly Sơn 調虎離山", là kế dụ cọp ra khỏi núi là nơi đắc địa nhất của chúa sơn lâm để dễ bề hành động theo ý mình. Đây là kế sách thứ 15 trong 36 kế mà chữ Nho gọi là "Tam Thập Lục Chước 三十六". Cái "chước" cuối cùng trong "36 chước""Tẩu vi thượng sách 走為上策" là trốn, là bỏ chạy. Nên khi đã "dụ" được Thuý Kiều rồi thì gã Sở Khanh mới trổ mòi rủ Kiều lén bỏ trốn:
                             
Thừa cơ lẻn bước ra đi,                     
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn !?
 
Hình tượng oai hùng của chúa sơn lâm không phải ai cũng khắc họa được, các thợ vẽ "dõm" vẽ cọp không giống cọp lại trông giống như con chó có vằn, trông "không giống ai" cả, nên mới có câu "Họa Hổ Bất Thành Phản Loại Khuyển 畫虎不成反類" để chỉ những người làm việc vụng về hoặc tính toán không khéo, không chu đáo làm cho sự việc trở nên trơ trẽn, không đâu ra đâu cả. Như khi Lục Vân Tiên muốn đánh cướp Phong Lai để cứu Kiều Nguyệt Nga thì dân chúng thấy dáng vẻ thư sinh của Lục Vân Tiên nên đã lo lắng khuyên rằng:
                                                           
Dân rằng: lũ nó còn đây,                     
Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành.                             
E khi HỌA HỔ BẤT THÀNH,                    
Khi không mình lại xô mình xuống hang ?
 

Hổ đã khó vẽ rồi, nhưng hình dáng bên ngoài vẫn còn vẽ ra được, chớ những phần xương cốt bên trong thì làm sao mà vẽ cho ra. Cũng như con người vậy, ta chỉ biết được mặt mũi bên ngoài chớ làm sao biết được lòng dạ bên trong của người đối diện cho được. Vì thế mà trong "Minh Tâm Bửu Giám" lại có câu:
                     
畫虎畫皮難畫骨,  Họa hổ hoạ bì nan họa cốt,                     
知人知面不知心.    Tri nhân tri diện bất tri tâm.
    
Có nghĩa :
                     
Vẽ cọp vẽ da khôn vẽ cốt ?                     
Biết người biết mặt biết lòng ru ?!         
    
      Ông bà ta nói "Nuôi ong tay áo, Nuôi khỉ dòm nhà", còn trong chữ Nho thì bảo là "DƯỠNG HỔ DI HOẠN 養虎遺患" là "Nuôi Cọp để lại hậu hoạn về sau" hay "Túng Hổ Quy Sơn 縱虎歸山" là "Thả Cọp Về Rừng" sẽ để lại hậu hoạn khó mà lường trước được. Theo "Sử Ký, Hạng Vũ Bổn Kỷ 史記·項羽本紀" ghi lại tích sau đây:
     
Cuối đời Tần, chính trị hà khắc, dân chúng khắp nơi đứng lên phản kháng. Hai cánh nghĩa quân mạnh nhất lúc bấy giờ là do Lưu Bang và Hạng Võ cầm đầu. Lưu Bang nhanh chân hơn đánh chiếm Hàm Đan là thủ đô của nước Tần trước. Hạng Võ không phục quyết định khởi binh đánh Lưu Bang. Vì binh lực của Hạng Võ lúc bấy giờ quá mạnh, nên Lưu Bang không dám ứng chiến, lui về Hán Trung để cố thủ và củng cố lại thế lực. Trong khi lực lượng của Lưu Bang ngày một lớn mạnh thì Hạng Võ lại ngày một yếu dần. Nhưng Lưu Bang không có ý tấn công Hạng Võ mà lại cho sứ giả đến thương lượng lấy Hồng Câu làm giới tuyến, mỗi người chiếm lĩnh một bên. Sau khi ký hiệp ước thì Hạng Võ đem binh về đông. Lưu Bang rất vừa ý định rút binh về tây, nhưng mưu thần Trương Lương lại bàn rằng: "Nay thế lực chúa công đã lớn mạnh, chư hầu phần lớn lại theo về, còn binh lực của Hạng Võ trước mắt không chịu nổi một trận tấn công của ta. Sao ta không nhân dịp nầy mà tiêu diệt Hạng Võ ? Để cho ông ta về đông như thả hổ về rừng, Dưỡng Hổ Di Hoạn, nuôi cọp lâu ngày họa hoạn sẽ khó mà lường trước được !". Lưu Bang thấy Trương Lương nói có lý bèn nghe theo, cất binh đuổi theo tiêu diệt Hạng Võ. Hạng Võ thua chạy, cuối cùng phải tự sát trên bến Ô Giang và Lưu Bang lên ngôi lập nên nhà Tây Hán.
    

Nói đến chính trị hà khắc làm ta lại nhớ đến câu nói của Khổng Tử là "Hà Chính Mãnh Ư Hổ 苛政猛于虎". Theo chương Đàn Cung Hạ, sách Lễ Ký 《禮記·檀弓下》có ghi lại tích sau đây:
     
Khổng Tử khi đi ngang qua dưới chân núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà đang khóc lóc thảm thiết trước một nắm mộ mới, bèn cho Tử Lộ đến hỏi thăm. Tử Lộ đến hỏi rằng: "Người nhà nào mất mà bà lại khóc lóc thảm thiết thế nầy?". Người đàn bà đáp rằng: "Trước đây cha chồng tôi bị cọp vật chết, rồi sau đó chồng tôi cũng bị cọp cắn chết, bây giờ đến lượt thằng con tôi cũng bị cọp vật chết nữa !". Khổng Tử nghe thế bèn hỏi rằng: "Thế sao gia đình bà không dọn đi chỗ khác ở ?". Người đàn bà đáp rằng: "Nơi đây không có chính sách tàn bạo hà khắc của quan quyền !". Khổng Tử bèn quay sang nói với các đệ tử rằng: "Các cậu trẻ hãy nghe đó : Chính sách hà khắc của quan quyền còn hung ác hơn là cọp dữ nữa đó!"
                          
Đọc chuyện nầy làm cho ta liên tưởng đến tình hình chính trị của miền Nam Việt Nam ta sau năm 1975 và tình hình chính trị trước mắt của Afghanistan do nhóm Taliban thống trị. Thế mới biết: Chính trị hà khắc nên dân chúng tranh nhau bỏ nước ra đi là một lý do không còn tranh cãi được nữa ! "Hà Chính Mãnh Vu Hổ 苛政猛于虎" là thế đấy!



Còn làm tay sai cho giặc hay giúp cho kẻ ác làm việc xấu để hại người thì gọi là "VỊ HỔ TÁC TRÀNH 為虎做倀". Thành ngữ nầy có xuất xứ từ Quyển 430 của sách Thái Bình Quảng Ký đời Đường《太平廣記》卷四百三十. Có nghĩa: Vì cọp mà làm con ma Trành. Theo truyền thuyết thì TRÀNH 倀 là hồn ma của người bị cọp ăn thịt không thể siêu sinh phải vấn vít mãi quanh mình cọp và phải dẫn dụ người khác cho cọp ăn thịt để thay thế cho mình làm con ma TRÀNH thì mới giải thoát và siêu sinh được, và mãi cho đến khi con cọp đó chết thì những con ma TRÀNH mới được giải thoát hoàn toàn. Nên, con ma Trành hại người là để giải thoát cho mình, nhưng thành ngữ "VỊ HỔ TÁC TRÀNH 為虎做倀" đi vào văn học với ý nghĩa: Giúp cho kẻ ác làm ác, giúp cho kẻ xấu hại người; là làm tay sai để nối giáo cho giặc, là những tên Việt gian hại dân hại nước!  
                                                          
Mặc dù không phải là thú nuôi trong nhà như "Lục súc" (ngựa, dê, trâu, chó, heo, gà), nhưng con CỌP cũng đi song song vào đời sống dân chúng trong dân gian qua những thành ngữ tục ngữ ca dao trong tất cả những sinh hoạt hằng ngày. Như ta thường nói "Con giống cha là nhà có phúc", nhưng nói theo...cọp thì là "Hổ Phụ Sanh Hổ Tử" nghe nó oai phong hơn là "Hổ Phụ Sanh Khuyển Tử". Người nào ở đâu thì rành địa bàn nơi đó, gọi là "Rừng nào thì cọp nấy". Mấy ông uống vô ba hột rượu thì cứ oang oang "Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm". Ráng làm đầu tắt mặt tối để dành được một ít, bị "giựt hụi" một cái hết trơn, thì nói là "Ký ca ký cóp làm cho cọp nó ăn". Con trai đang sức lớn ăn nhiều thì nói là "Nam thực như hổ, nữ thực như miêu". Viết tới đây lại nhớ khi xưa, trong xóm tôi ở có một cô ở độ tuổi "Mười bảy bẻ gảy sừng trâu" một lần có thể ăn hết 2 ký bún chan nước mắm ớt. Ông Sáu trong xóm hay nói Nho, nói là  "người ta nói "Nam thực như hổ", còn con nhỏ nầy thì phải nói là "Nữ thực như... Mồ Tổ nam" mới đúng !". Cọp tuy hung dữ, nhưng vẫn chắt chiu thương yêu nuôi nấng cọp con, có đói lắm cũng không ăn thịt con mình, nên ta lại có câu "Hùm dữ cũng không nỡ ăn thịt con". Cọp tuy dũng mãnh, nhưng nếu chỉ có một thân một mình thì cũng khó mà chống chọi với một bầy lang sói, như câu "Mãnh hổ nan địch quần hồ" vậy ! Hình ảnh con hổ còn được ví von với những người có tướng mạo hung dữ ngang ngược, như câu: "Trên rừng thì hổ lang, dưới làng thì mặt rổ". Nói thế, có bất công với "người mặt rổ" lắm hay không?!
                            
Còn trong ca dao thì hình tượng con cọp vẫn luôn tượng trưng cho uy quyền và hung ác, như trong câu:
                         
Mèo tha thịt mỡ thì la,                    
Cọp tha con lợn cả nhà im hơi !
    
Hay như câu:
                        
Con gái lấy phải chồng già,                   
Cầm bằng con lợn cọp tha vào rừng !
 
Hay lộ liễu thẳng thừng hơn:
                         
Con gái lấy phải chồng quan,                    
Nhược bằng để hổ nó mang lên rừng !
 
...xót xa và cay đắng hơn:
                               
Con gái mà lấy chồng xa,                         
Cũng như heo nái cọp tha về rừng !
                             
Các cô gái Nam Bộ còn mượn câu nói Nho về con hổ để ví von chuyện thực tế:
                        
Họa hổ họa bì nan họa cốt,                        
Tri nhân tri diện bất tri tâm.                        
May không thôi chút nữa em lầm,               
Củ khoai lang mà em cứ ngỡ là nhân sâm bên Tàu !
    
Để kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng đọc lại giai thoại giữa nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ với hai bài thơ đối đáp ví von mà ví dỏm sau đây. Không biết là cái anh chàng Chiêu Hổ này mò mày mó máy làm sao đó mà nữ sĩ phải lên tiếng "stop" lại bằng:
                    
Anh đồ tỉnh, anh đồ say,                     
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày ?                     
Này này chị bảo cho mà biết,                    
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay !
                          
Lém lỉnh không vừa, Chiêu Hổ đã đáp lại rằng :
                     
Này ông tỉnh! Này ông say!                     
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày!                     
Hang hùm ví bẵng không ai mó,                     
Sao có hùm con bỗng trốc tay ?
    
Dẫu biết đó là "Hang Hùm", nhưng hễ là đàn ông thì không ai dám nói là không thích mó cả ! "Hùm thì Hùm" mà "Mó thì cứ Mó", như Chiêu Hổ đã nói: "Không mó thì làm sao mà có được Hùm Con !?" Mong rằng trong năm NHÂM DẦN nầy sẽ có rất nhiều con "Hùm Con" ra đời để được hưởng cái tốt của "Nam NHÂM" quý tử!
    
Cầu chúc cho mọi người, mọi nhà đều được VUI VẺ, MẠNH KHOẺ vượt qua "Cơn dịch thế kỷ" trong năm con CỌP 2022 nầy. Mong lắm thay!
 
                                                                                   杜紹德
                                                                           ĐỖ CHIÊU ĐỨC
 
2. Câu Đối cho năm NHÂM DẦN:

       
- NHÂM nhi chén rượu mừng xuân, vui vẻ đồng hương cùng đón TẾT;      
 - DẦN dà vát-xin ngăn dịch, bình an thế giới thảy vui XUÂN !
     

2 nhận xét:

muctim nói...

MT sang thăm anh. Cuối tuần an vui anh nhé

https://img1.picmix.com/output/pic/normal/3/6/5/9/8279563_32106.gif

meocon nói...

Bào viết rất hay, rất dài.
Cháu chúc chú cuối tuàn an lành.
https://c.tenor.com/GlhsopLqaswAAAAC/h%C3%A9tv%C3%A9ge-happy-weekend.gif