BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

NGUYỄN HƯNG QUỐC, GÂY SỰ VỚI HƯ KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng


Nhà văn Nguyễn Hưng Quốc


Giữa thiên đàng và địa ngục
Tôi chọn cái ở giữa:
Trần gian
(20)
 
Trần gian cũng là chọn lựa của nhiều nhà thơ. Ngôn ngữ Nguyễn Hưng Quốc giản dị, mạch lạc, các bài thơ của anh có ý tứ rõ ràng. Sự rõ ràng ấy làm cho bài thơ sáng lên, có sức thuyết phục, mặc dù có thể không gây ra ám ảnh. Đọc thơ ba câu của anh, tôi nghĩ đến các nhà thơ hình tượng của Mỹ, như Ezra Pound, những người chịu ảnh hưởng ít nhiều từ truyền thống Nhật Bản, nhưng thơ anh không hẳn là haiku. Chỉ đôi khi có khuynh hướng ấy:
 
Con quạ đen
Mổ nắng
Giữa chiều quạnh hiu
(251)
 
Bài thơ hay, nhưng không tiêu biểu cho cả tập thơ. Thơ ba câu cũng là thơ tự do, không vần, tựa như tercet của phương Tây, hay những đoạn mở đầu của villanelle. Thơ tự do đòi hỏi người viết tập trung chú ý đến số chữ trong câu, đến trật tự sắp xếp của các câu, khác với người làm thơ có vần, luật, làm theo mẫu nhịp điệu có sẵn. Người làm thơ tự do cần độc đáo khi viết. Tôi không có ý nói rằng thơ tự do thì cao hơn thơ có vần, hay ngược lại, nhưng quá trình sáng tạo của các nhà thơ là khác hẳn nhau khi họ chọn một hình thức để sáng tác. Bạn chọn thứ nào cũng được, nhưng phải viết như thể số phận của bạn được định đoạt bởi chúng, câu thơ mỏng mảnh kia.
 
Các vì tinh tú xa xăm
Đêm đêm dõi mắt nhìn địa cầu
Tìm một nhà thơ thất lạc
(17)
 
Khi nhìn thấy vẻ đẹp của bài thơ, bạn biết là có. Trong lời mở đầu tập thơ, Nguyễn Hưng Quốc có xin lỗi những người không thể bước vào được bài thơ của anh. Tôi nghĩ, trong trường hợp ấy, khi người đọc không thể bước vào, cả hai đều chịu trách nhiệm: nhà thơ và người đọc. Sau một cảm giác sung sướng hay đau đớn, thế nào cũng hình thành một cảm giác khác, đầy tràn cảm xúc sáng tạo. Khi sự tổn thương xảy ra, lớn lao đến nỗi ngay cả nước mắt cũng không rửa sạch, lúc ấy thơ ca hay âm nhạc cất lời. Hình thức của nghệ thuật vì vậy, trở thành một phương tiện của an ủi, khích lệ, giúp bạn đứng lên, trở thành con người tự do.
 
Những ngọn cây rướn cao lên trời xanh
Để viết hiến chương
Cho mặt đất
(15)
 
Tự giới hạn trong lối ba câu, Nguyễn Hưng Quốc vẫn thong thả diễn đạt thoáng đãng các ý tưởng của anh, ít dùng đến nghệ thuật tu từ, siết chặt câu thơ, đảo ngược trật tự. Nói cách khác, nhiều câu của anh gần với văn xuôi. Nhà thơ ít sử dụng ngắt dòng, xuống dòng bất ngờ, các dấu chấm, dấu phẩy. Anh không phải là người say mê trường phái ngôn ngữ. Thơ thời bây giờ đọc bằng mắt, nhưng anh có nhiều câu mượt mà:
 
Anh ước chuyện tình giữa anh và em
Thơm hoài
Trong biên niên sử của gió
(120)
 
Thơ trữ tình từ nguyên thủy vốn gần âm nhạc, được hát lên cùng với tiếng đàn. Ngày nay, càng đi xa, thơ trữ tình càng biến thành một hỗn hợp trữ tình – tự sự – văn xuôi. Nguyễn Hưng Quốc nói đúng rằng thơ anh là thơ tự do, quả đó là một thứ tự do tự dừng lại trong câu ngắn. Anh là nhà lý luận văn học, vì vậy ý nghĩ của tôi khi đọc là anh có mang vào thơ những tính chất của người nghiên cứu hay không. Đúng là có, phần nào, anh có mang vào thật, và điều ấy làm cho anh khác so với người làm thơ khác. Bài thơ ngắn bao gồm nhiều câu hỏi, những câu trả lời, những niềm tin và sự nghi ngờ, hầu hết mở ra, chứ không khép lại.
 
Thương nhất là những bó hoa trên các nấm mộ
Bao giờ chúng cũng
Già trước tuổi
(179)
 
Bài thơ được xây dựng quanh một hình ảnh trung tâm. Kèm theo là một nhận xét, điềm đạm, lời nhận xét làm cho từ phía sau bài thơ hiện ra một nhân vật, là tác giả. Thực ra nhà thơ lên tiếng ngay từ đầu, với hai chữ tán thán, làm cho bài thơ ba câu tách khỏi truyền thống haiku. Nguyễn Hưng Quốc loại trừ chi tiết trong bức ảnh, như hình ảnh nấm mộ, mưa nắng, tiếng nói người khác, tiếng khóc, cái chết, lia ống kính như của nhà nhiếp ảnh, dừng lại lâu một khoảnh khắc, và rộng lượng để lại lời chú thích.
 
Khi hai phần hạ thể đụng vào nhau
Ngọn núi nghiêng mình tránh
Một chiếc lá rơi
(3)
 
Trong bài thơ này, có mặt tác giả. Thơ Nguyễn Hưng Quốc như vậy là một loại thơ trữ tình, với nụ cười dí dỏm kín đáo, sự mô tả thẳng thừng hiện thực, đôi khi khốc liệt. Đó là loại thơ với sức nhìn sâu, nghĩ xa, không nặng thành kiến, đi qua dễ dàng giữa các thái cực. Thường thì khi một nhà phê bình sáng tác, người đọc nên thận trọng: nhà phê bình ấy không còn là mình nữa. Anh ta đang ngoại tình với thơ. Sự trầm tĩnh, khách quan, sự trưởng thành, tính phân tích hầu như biến đâu mất, con người ấy bỗng trở thành đứa trẻ, với vui buồn hờn giận của một cá nhân, hài kịch, bi kịch. Điều riêng biệt là tuy vậy anh vẫn giữ lại một phần phẩm chất của nhà phê bình. Trong khi tỏ ra táo bạo trong việc dùng chữ, không ngại gọi cái háng là cái háng, anh vẫn giữ giọng chừng mực trong nhiều bài khác, nụ cười của anh vẫn là nụ cười mỉm, không phải cười phá lên. Hài hước dịu dàng, châm biếm, chế giễu, tự trào, irony, là một trong những khía cạnh độc đáo bậc nhất của tập thơ ba câu của Nguyễn Hưng Quốc:
 
Lần đầu tiên người ta biết tên nhà thơ
Qua bản cáo phó
Đăng trên báo
(151)

Nhân gian đáng trách hay nhà thơ đáng trách? Có nhiều nhà thơ đi tìm những hình thức mới cho thơ Việt Nam, như thơ hai câu của Lê Đạt, thơ Tân hình thức do Khế Iêm khởi xướng, lục bát bốn câu của Huy Tưởng, thơ sáu câu của Trần Quang Quý và của nhiều người khác. Hình như chỉ các tác giả hoặc đôi ba người bạn là theo sát khuôn thước ấy. Tôi không biết Nguyễn Hưng Quốc có ý định tạo ra thể thơ mới hay không, hay chỉ là tình cờ sáng tạo. Có một nhu cầu lớn của con người hướng về sắp xếp sự vật, phân phối chúng trong không gian, thời gian. Câu thơ trở thành một thứ trật tự như vậy, ba câu vừa đủ cho tác giả, ngắn gọn, chính xác. Điểm mạnh nhất trong thơ anh là sự liên tưởng, sự nâng lên từ một chi tiết cụ thể. Anh có cách vượt qua biên giới giữa thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài, giữa thể xác và tinh thần, giữa ta và người khác. Tôi không rõ Nguyễn Hưng Quốc có niềm tin tôn giáo hay không, nhưng anh thường nhắc đến Thượng Đế trong thơ, và khi ấy anh chạm đến siêu hình bằng một thứ ngôn ngữ trực tiếp, ngẫu nhiên, và bất ngờ nâng nó lên.
 
Trên thiên đường không có đồng hồ
Chúa phải nhìn xuống trần thế
Để biết thời gian
(152)
 
Thời gian là thứ của riêng trần thế: tất cả vui buồn là ở đó. Mỗi câu thơ đều ngắn, vì vậy mà tính âm nhạc bị hạn chế. Anh đi tìm cái đẹp khác trong thơ: sự thật. Sự thật trong thơ nằm trong chính bản thân ngôn ngữ. Người đọc không có cách nào khác là phải đọc trực tiếp bài thơ, sống với nó, tưởng tượng cùng nó, đi qua cánh rừng của tác giả, đứng dạng chân trên hòn đá mà tác giả đứng, nằm trên giường, cởi quần áo ra nếu bạn muốn, chỉ có cách đi tới cùng câu chữ thì mới nhìn được sự thật ấy. Hiệu ứng của thơ đến từ sự khác biệt giữa một bên là kỳ vọng của người đọc và một bên là sự xuất hiện bất ngờ của một câu, một hình ảnh, một kết luận. Thơ khai triển sự thăng hoa dựa trên sự giống nhau và khác nhau ấy. Thơ là ngôn ngữ của ẩn dụ, ở đó các hình ảnh, và sự so sánh của chúng, giúp ta nhìn thấy sự vật qua một sự vật khác. Bất kỳ một nhà thơ nào cũng làm việc với hình ảnh, ẩn dụ, nhưng có người quan tâm nhiều, có người quan tâm ít. Nguyễn Hưng Quốc sử dụng các hình ảnh trong thơ với ý thức rõ ràng về chức năng của chúng. Anh không tham nói nhiều, chỉ chọn chi tiết thật đắt, tựa như trong phác họa hay thủy mặc. Có lẽ anh có khuynh hướng của chủ nghĩa tối thiểu. Thơ anh là một sự phản ứng lại đối với hiện thực, sự thất vọng kèm theo một ít chua chát, sự nhận thức lạnh lùng điềm tĩnh. Mỗi bài thơ của Nguyễn Hưng Quốc là một trò chơi mới, ít bài trùng hợp, mặc dù vẫn có. Chúng ta hiểu được điều này: tác giả sáng tác chúng trong một thời gian rất ngắn. Trong nhiều bài thơ của anh, có một điều gì đó rất cũ và một điều gì đó rất mới, như một vết nhăn, như một nụ hôn.
 
Những chiếc lá rơi
Không để lại
Di chúc
(8)
 
Nhịp điệu của cơ thể, hơi thở, phản ánh đời sống bên trong. Âm nhạc trong thơ nâng đỡ sự hiểu biết, mang lại tính toàn vẹn cho một bài thơ, rất khó để thành lập trong vài dòng ngắn. Ngược lại, hình ảnh trong những bài thơ có thể trở nên mạnh mẽ, sắc nét, chiếu rọi như ngọn đèn trên cửa sổ, cả vật lý lẫn siêu hình. Những bài thơ ngắn ấy ghi lại khoảnh khắc của hạnh phúc, ngạc nhiên, cảm thán. Tôi ít thấy sự đau khổ trong thơ anh. Có một điều rất lạ, khó giải thích: không có một người nào không có nỗi bất hạnh riêng, nhưng chúng ít được thể hiện trong thơ Nguyễn Hưng Quốc, so với những nhà thơ khác. Dù khi anh viết về cái buồn, bi kịch, sự phân vân lưỡng lự, chúng tuyệt nhiên không phải là tiếng khóc. Nỗi buồn của anh lớn rộng, nhân thế, xã hội hay triết học, nhiều hơn là nỗi buồn cá nhân, riêng biệt. Giữa người đọc và người thơ có một khoảng cách nhỏ, khoảng cách ấy làm cho thơ Nguyễn Hưng Quốc gần với khuynh hướng thơ khách quan. Sự trong sáng của anh là sự trong sáng mẫu mực của lối mô tả tinh tế, mỉa mai, đôi khi chế giễu, nhưng thường là hài hước hiền lành. Cũng như khi anh bàn về thơ:
 
Trong thơ, không có bảng cấm
Mọi sự đều được phép
Miễn đừng dở
(762)
 
Thể thơ, như lục bát, bảy chữ, sonnet, tạo ra các mẫu tư duy, ý nghĩa. Chính sự ngắt câu, xuống dòng, sự sinh thành một câu thơ giúp chúng ta tạo ra các giới hạn, các đường biên của thế giới vật chất và tinh thần, cái ta và tha nhân, ta và đối tượng. Trong một xã hội ngày càng văn minh, thơ tỏ ra cần thiết để giúp con người tìm lại các liên kết với thế giới nguyên thủy hơn, thế giới của cảm giác, giác quan, hình ảnh. Mối quan hệ giữa tính nổi loạn và tính mực thước ở Nguyễn Hưng Quốc là một mối quan hệ đặc biệt. Ngôn ngữ của tập thơ rõ ràng là một ngôn ngữ mở rộng, tìm cách lay chuyển, phá vỡ các thói quen cũ kỹ, và đôi khi có tính bất cần, nổi loạn. Tuy vậy, những ý tưởng nổi loạn ấy chỉ dừng lại ở ý tưởng. Tôi có ấn tượng rằng Nguyễn Hưng Quốc kêu gọi sự nổi loạn, chứ không phải là một người nổi loạn, anh suy tư về sự sống nhiều hơn anh sống sự sống ấy trong ngôn ngữ. Có một nỗi buồn gần như hiện sinh ngấm ngầm bên dưới những bài thơ ba câu, kín đáo, nhưng không phải khi nào cũng tìm cách giấu mình. Đó là một nhà thơ lưu vong không ngớt nhìn về nguồn cội, không phải chỉ bị ám ảnh bởi quá khứ. Những người lưu vong có ý thức thường xuyên bị ám ảnh về tương lai của dân tộc họ đã rời bỏ.
 
Một chân ở nước Úc
Một chân ở Việt Nam
Dưới háng là mây bay
(1)
 
Tôi không quen với việc sử dụng các từ ngữ to lớn, nhưng thừa nhận rằng bài thơ ba chữ này có một ý nghĩa đặc biệt, không những với tác giả, mà còn với nhiều người cùng hoàn cảnh như anh. Một xứ sở như nước Úc, xa lạ với văn hóa Việt Nam. Một tổ quốc như Việt Nam, rung chuyển ngày đêm vì sự đảo lộn của các giá trị, sự bôi xóa sự thật. Giữa hai thế giới ấy, tác giả nhìn thấy tính chất của vũ trụ. Mây bay là thay đổi, sự vật vốn thay đổi. Chấp nhận nó hay không chấp nhận nó? Dưới háng là một thái độ thiền, thản nhiên như nhiên, hay là sự khinh bạc? Nhiều bài thơ nếu đứng riêng một mình có thể chưa có giá trị hoàn chỉnh, nhưng khi đặt chúng vào giữa những bài thơ khác như một hệ thống liên hoàn, người đọc sẽ nhận ra tư duy thơ của tác giả, vừa trữ tình vừa có tính triết học. Xuất hiện lần đầu tiên như một nhà thơ, Nguyễn Hưng Quốc đã chứng tỏ anh là một người cách tân, người muốn và có khả năng mở rộng các khả năng của thơ ca. Trong một hình thức giản dị, đều đặn, một hình thức không hẳn là hoàn toàn mới, anh đã thành công trong việc xây dựng một cái nhìn riêng về thế giới, khuynh hướng cảm thụ riêng về cái đẹp. Những bài thơ của Nguyễn Hưng Quốc khá khác biệt, phức tạp, không thể trong một lời đặt chúng vào một khuynh hướng, một ý nghĩa. Thơ anh cần sự đọc lại.
 
Mỗi bài thơ là một thương tích
Từ vết cắn
Của chữ
(360)
 
Tôi ít thấy anh viết một bài thơ về một đề tài cụ thể nào, nhưng những quan tâm ấy bàng bạc phơi diễn giữa các chữ như một thứ trách nhiệm trừu tượng. Thơ trữ tình vốn là tấm gương của mọi biến động, cả những lưỡng lự, phân vân sâu thẳm, mơ hồ. Ngôn ngữ là chọn lựa, giữa bên này và bên khác, giữa tối và sáng, giữa đúng và sai, tìm được sự cân bằng thật khó, vì vậy đối với những người như anh, viết vừa là một hành động tự nhiên vừa là một cố gắng dũng cảm, có ý thức. Sáng tạo bao giờ cũng bắt đầu từ việc chối bỏ, đề kháng, không vâng lời. Bất kỳ một bài thơ mới nào có giá trị cũng là một câu chuyện cũ được kể lại một cách mới mẻ, dưới góc nhìn độc đáo của tác giả, trên tấm thảm dệt mới toanh của tâm hồn. Người phán xét quá khứ và tìm cách làm mới không nhất thiết phải thể hiện sự chỉ trích, tính trào phúng, vốn ngày càng phổ biến trong thơ hậu hiện đại, họ có thể giữ một giọng điệu giản dị, khiêm cung, hay gần như vậy. Sự khởi động của một bài thơ không có tính mẫu mực, mà ra ngoài lề, và đó là ngạc nhiên mà anh mang lại, nhưng sẽ ít người chú ý. Tôi nghĩ, cần giải thích rõ hơn: sự thất tình, vết thương, cái chết, sự phản bội, sự sống lại, sự gặp gỡ là khởi động ở nhiều nhà thơ khác, nhưng với anh, chúng không rõ ràng như thế. Nhiều bài thơ của anh bắt đầu ngay từ một ẩn dụ, hơn là một sự kiện, hay sự trào dâng của một cảm xúc giữ lại đã lâu như suối đổ từ trên cao, không nhất thiết phải là ngày hôm ấy. Những bài thơ của anh vì vậy đầy rẫy nội lực của một thứ năng lượng tích tụ lâu ngày, nhưng thiếu sự tươi rói của các giác quan.
 
Hắn muốn kết hôn với một giấc mộng
Giấc mộng bị ám sát
Hắn ở goá
(19)
 
Sự phóng túng trong việc viết là rộng lớn, mặc dù anh am hiểu các chuẩn tắc luật lệ của thơ ca. Để dung hợp một tư tưởng phóng túng, người ta cần một ngôn ngữ phóng túng, bất cẩn, hoang đàng. Anh có ý thức về điều ấy, mặc dù anh vẫn chưa đi tới cùng sự phá vỡ. Việc sử dụng các mảnh rời rạc, các mảnh ghép trở thành một nghệ thuật trong thơ đương đại. Những cảm xúc khởi đầu từ các vết cắt, các phá vỡ, lực ly tâm. Các hình ảnh ẩn dụ, các câu thơ có thể không nguyên vẹn, sai ngữ pháp, sự hòa hợp của chúng phải thường xuyên bị thách thức để tạo lập một trật tự mới. Bài thơ trở thành một sự ghi chú đối với quá trình sáng tạo, sự hỗn loạn, sự tìm kiếm của nhà thơ đối với cảm xúc và sự thật.
 
Chữ không bao giờ biết cúi đầu
Nhưng người cầm bút thì
Có thể
(259)
 
Thật cay đắng. Thơ hôm nay không thừa nhận sự thật của các quy ước, không tin vào sự tìm kiếm chân lý và cái đẹp, nhấn mạnh đến những cảm xúc âm tính, sự chán nản, sự rời rạc, cái vô vọng, sự không khẳng định. Nhưng anh vẫn muốn tiến gần đến người đọc của anh, muốn trò chuyện. Đôi lúc một nhà thơ không biết mình phải làm gì, và sự không biết ấy có ích cho hắn ta. Nhà thơ hân hưởng sáng tạo như một quá trình, không phải như một thành quả, bài thơ chưa ra đời là thành tựu lớn nhất của hắn, người đọc không ở cuối đường, người đọc đi cùng với tác giả. Sự rời rạc trống rỗng giữa những câu thơ của anh là lớn. Sự trống không đôi lúc làm vang động âm thanh mà nó tạo ra. Sự trống rỗng của tâm hồn không phải là sự trống rỗng, đó là sự trống rỗng làm đầy sức tưởng tượng. Thơ là nghệ thuật của sự khởi đầu và sự chấm dứt, không phải là những thứ ở giữa. Thơ Nguyễn Hưng Quốc không đem lại thỏa mãn của hạnh phúc. Chúng không đem lại sung sướng ngọt ngào. Nhà thơ bỏ rơi người đọc. Chúng ra nghe họ trò chuyện với người khác, không phải với chúng ta. Trong bài thơ, phải có một điều gì mờ ảo, gần như bí ẩn. Sự mới lạ của thơ đồng nghĩa với ngạc nhiên, kích thích trí tưởng tượng, mở rộng không gian của nó.
 
Một bài thơ mới ra đời
Bao giờ cũng để lại thương tích
Cho các cuốn từ điển
(500)
 
 
Một bài thơ hay đôi khi tựa như một tòa nhà sụp đổ. Vào giây phút ấy, bạn nhìn thấy sự thay đổi. Nghệ thuật thơ ca ngày càng trở thành sự ghi lại các quá trình sáng tạo. Nói một cách cụ thể hơn, kể từ thời kỳ lãng mạn, nhà thơ bắt đầu chỉ nói về mình, thì các nhà thơ hiện nay nói nhiều hơn cả về công việc sáng tác của họ. Sự phân vân cũng là một thủ pháp thơ ca. Rất nhiều tiếng động, màu sắc, ký ức, hình ảnh trong thơ, đó là sự dày đặc của nột ngôn ngữ, mùi vị của ngôn ngữ ấy, tiếng bước chân của nó, kỷ niệm riêng tư của nó, đó là một ngôn ngữ thành đạt. Thơ tự do không có vần theo nghĩa quy ước nhưng bao giờ cũng hàm chứa một loại vần bên trong, nội tại. Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất là quê hương đất nước, trong tâm thức của một người tha hương hoặc lưu vong. Nỗi ám ảnh này không phải của riêng anh, hầu như những người ở hải ngoại đều có. Điều đặc biệt là đối với anh, điều ám ảnh ấy trở thành thường trực, chi phối các hoạt động ý thức và vô thức, như vậy thời gian hiện tại nhận những tham chiếu từ xứ sở nơi anh sinh ra và lớn lên. Anh chia sẻ với nhiều người ở đất nước mình, với đồng bào Việt, sống và xúc động cùng với họ, trong khi anh trở thành một phần của xứ sở nơi anh đang sống, ăn uống, hít thở khí trời. Thơ anh hầu hết không phải là thơ tình, nhưng tình yêu vẫn miên man giữa các dòng chữ, ngay cả khi anh nói về những đề tài khác. Từ ngữ, ngữ pháp, cú pháp của anh là trong sáng, trực tiếp. Giọng nói của anh vang lên rõ ràng, làm cho những cuộc đối thoại giữa anh và người đọc hào hứng, sôi nổi. Cũng có khi thơ anh rơi vào bản mô tả triết lý:
 
Người phụ nữ có duyên nhờ tiếng cười
Nhưng sâu sắc
Nhờ nước mắt
(22)
 
Trong khi ở những bài khác, anh vượt qua được một cách dễ dàng tính chất ấy:
 
Nhà thơ là những kẻ thích
Gây sự với
Hư không
(23)
 
Điều này chắc đúng với chính Nguyễn Hưng Quốc. Anh gây sự với hư không hay gây sự với thơ? Tác động của bài thơ dựa vào vần điệu nhưng cũng dựa vào những khoảng trống giữa các chữ và giữa các câu, ở đó ý nghĩa có thể tập trung dày đặc. Nguyễn Hưng Quốc vừa là tác giả vừa là mặt nạ của tác giả, các nhân vật. Trong tiểu thuyết, bạn đi tìm các nhân vật trong khi trong thơ bạn thường chọn góc nhìn của thi sĩ, điều đó đúng với nhiều trường hợp, nhưng có những trường hợp khác bạn phải tỉnh táo hơn.
 
Mỗi người ra đi
Trời đất phúng điếu bằng
Một hạt bụi bay
(4)
 
Có những bài thơ, tôi tin rằng ở đó có một nhân vật nào khác, vào lúc ấy không phải là anh. Khuynh hướng đi tìm ý nghĩa không phải bao giờ cũng thành công. Có những trường hợp bạn lắng nghe nhạc điệu, mặc dù trường hợp này không nhiều trong loại thơ ba câu vì dung lượng của chúng không đủ lớn để chứa các vần điệu, bạn chăm chú nhìn hình ảnh, thay vì cố gắng đi tìm nghĩa của chúng. Thơ đương đại, nhất là ở những tài năng, trình diễn một lối gần như hóa trang trong việc sử dụng ngôn ngữ, một thứ chất phác siêu đẳng, một thứ ngớ ngẩn. Khi gặp điều cuối cùng này bạn đừng tưởng đó là sự ngớ ngẩn của người viết, hay sự giả đò của anh ta, mà đó quả thực là sự ngớ ngẩn của cuộc đời, của sự vật. Nếu bạn làm quen với thơ đương đại, bạn sẽ thấy chúng phản ánh thực sự cuộc đời này. Những trăn trở của riêng chúng ta mà người thời trước không có, để mô tả sự vô vị của đời sống, có khi bạn cũng cần một ngôn ngữ tầm thường hay nhạt nhẽo. Sự tầm thường trong thơ hôm nay là sự tâm thường gây hấn của các nhà thơ. Nguyễn Hưng Quốc cũng dựa vào tính chất không gian, cảm giác về nơi chốn, chỗ ở, chỗ đứng của nhà thơ, sự di chuyển địa lý. Chúng làm nên một thứ thi pháp nơi chốn riêng, làm cho nơi chốn thực sự biến thành ngôn ngữ hay biến thành ý nghĩa của bài thơ. Thơ phương Tây ngày nay có khuynh hướng ngày một dài ra, rậm lời. trong khi thơ Á châu vẫn còn giữ truyền thống ngắn gọn của thơ cổ điển, ngắn và súc tích. Nhưng đó là một sự súc tích mới, của sự xáo trộn, cảm giác mất định vị. Mỗi bài thơ cổ điển đều có một tính chất giống nhau là sự nguyên vẹn của nó, độc lập, khi bài thơ xong là chấm dứt, trong khi thơ ba câu của anh có khuynh hướng nối kết vào nhau, dù một cách lỏng lẻo. Điều này dẫn đến ít nhất một ưu điểm và ít nhất một khuyết điểm: ưu điểm là làm cho toàn bộ tập thơ trở thành một cấu trúc, mặc dù không chặt chẽ như một ngôi nhà nhiều tầng, nhưng không rời rạc như một cánh rừng hoang, và khuyết điểm của nó là việc đọc không nên tách rời từng bài thơ một. Khi đứng một mình, ngay cả những bài thơ thành công, cũng không tạo ra tác động lớn như khi được đọc trong một chuỗi, sequel. Đó là những bài thơ tự trích dẫn chính mình. Trích dẫn là một thói quen của những người có sở học, hay một nhà thơ có tính tổ chức, mạnh về cấu trúc.
 
Hắn ngơ ngác đi tìm một bài thơ thất tán
Nó trốn đâu đó
Dưới ánh trăng
(31)
 
Đó là một loại thơ vừa thông minh vừa chất phác, ưu điểm và nhược điểm đều ở đó. Căn nhà của thơ là các ý nghĩa nguyên thủy, sự tạo dựng ban đầu của ngôn ngữ. Thơ có một đời sống khác, cũng như một người đều có ít nhất hai đời sống, một của thế gian, cơm áo gạo tiền, một của tinh thần, tâm linh, của những ước mơ và hoài niệm, của những chấn thương tâm lý, những khắc khoải không diễn tả được. Ngoài những thứ riêng rẽ mỗi cá nhân của nhân loại tự gánh lấy cho mình, người Việt tị nạn hải ngoại thường có chung một nỗi sầu muộn. Nỗi nhớ thương bản quán bàng bạc trong thơ anh. Nhưng đó không chỉ là sự thương nhớ dừng lại ở cảm xúc, mà được đẩy đi xa thành những suy tưởng, thành ám ảnh.
 
Những bài thơ viết về tình yêu
Là của khói sương
Hắn chỉ chấp bút
(32)
 
Tôi muốn lưu ý rằng trong thơ trước hết là hình ảnh, đi trước ý nghĩa, trước ẩn dụ, trước những điều mà bạn muốn gán cho chúng. Trong những bài thơ khác, sự liên tưởng của anh khá rõ ràng, hợp lý, nhưng vì vậy mà bài thơ có thể thiếu một điều: sự dang dở. Thơ là một quá trình hay là một gợi ý. Với gợi ý, người đọc được nhà thơ chỉ đường nhưng anh không cùng đi với họ. Với quá trình, người đọc cùng đi với nhà thơ, khấp khởi, lẫn lộn, nhầm lẫn, mù mờ. Khoảng cách giữa người đọc và tác giả trong thơ anh có thể lớn hơn là tôi tưởng. Đôi khi anh cũng không tránh được sự chua chát:
 
Già, Âu Cơ sinh ra gần
Một trăm triệu quả trứng
Hầu hết là trứng ung
(492)
 
Ý nghĩa là trung tâm của một bài thơ. Nhưng ý nghĩa không từ trên trời rơi xuống, nó sinh ra từ ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, cấu trúc của bài thơ, đến lượt nó ý nghĩa ấy cũng không đứng một mình, chúng chỉ thực tồn tại trong cái đọc của người đọc. Vậy thì ở mỗi người đọc khác nhau, ý nghĩa có thể khác nhau. Đến một mức nào đó mà thôi, vì người ta là những cá nhân khác nhau nhưng không phải hoàn toàn khác nhau, ở mỗi con người có một điểm chung nhất của nhân loại. Mỗi bài thơ hay đều chứa được cái điểm chung ấy và cái trống rỗng đủ sức chứa những thứ riêng biệt dành cho mỗi người. Vì sự riêng biệt ấy vô cùng lớn, triển nở mãi, nên sức chứa của sự trống rỗng ấy phải lớn, gần vô hạn. Trong một bài thơ đầy điển tích, không khí cổ điển, chữ nghiêm cẩn, anh viết rất mới:
 
Nhìn trăng, nhớ Lý Bạch; nhìn mây, nhớ Thôi Hiệu
Các nhà thơ lớn đồng ký tên
Lên trên bầu trời
(621)
 
Nhiều bài thơ khác cũng tựa như giai thoại. Dù sao nhận ra ý nghĩa của bài thơ có lẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của phê bình thực hành xưa nay. Thơ Việt Nam tựa như một căn nhà chứa quá nhiều các đồ gỗ IKEA được tới tấp mua về nhưng chủ nhà để lạc mất bản hướng dẫn lắp ráp. Ý tưởng về một sự thật toàn vẹn là một thách thức đối với các nhà thơ, vì mỗi chúng ta chỉ có thể sở hữu một phần của sự thật. Sự thật không phải là một vật cụ thể, không biến đổi, mà là một bài toán thường xuyên thay đổi các tham số. Trong một đất nước như Việt Nam, lịch sử còn thay đổi nhiều hơn nữa. Câu hỏi không phải là sự thật ở đâu? Mà là sự thật của tôi ở đâu? Đó là câu hỏi của mỗi cá nhân, và nói cho cùng là câu hỏi lớn nhất của các nhà thơ.
 
Trên thiên đường đầy những người
Ngồi luyến tiếc
Quá khứ
(191)
 
Bài thơ của anh vừa là một ý tưởng vừa là một sự vật, để được nhìn ngắm trong không gian, đồng thời là một hành động xảy ra trong thời gian. Tuy nhiên tác giả đã không phát triển hơn nữa, đẩy xa thơ anh về hướng thơ cụ thể. Tôi đã đọc văn xuôi của anh, trong phê bình, nhận định, đó là một giọng văn tinh tế và nghiêm trang, đôi khi sư phạm như một thầy giáo, nhưng đáng ngạc nhiên vẫn có cái lối nói chân phương, ít nặng về tài hoa mà nhiều hơn về chất phác, nói như thời bây giờ, anh không phải là một stylist, thế mà giữa các hàng chữ vẫn thấy nụ cười tủm tỉm của anh. Các nhân vật trong thơ Nguyễn Hưng Quốc không nhiều lắm. Có thể vì anh không muốn đưa vào thơ quá nhiều sự kiện. Qua thơ ấy khó tìm được tiểu sử một cuộc đời. Tuy vậy anh vẫn giàn xếp các hoàn cảnh trong thơ có tính cực điểm, nơi năng lượng dồn lại, như đám mây tích điện. Vào lúc bài thơ hình thành, có một điều gì khác nữa xảy ra ở người viết, như tia chớp của sáng tạo, như cái nhìn mới, như một hiện thực chưa bao giờ có bỗng xuất hiện. Ở những bài thơ thành công, quá trình phát triển ấy, đã từng xảy ra ở tác giả, cũng sẽ xảy ra ở người đọc, tất nhiên không hoàn toàn giống như một bản sao chép. Khi đọc một bài thơ hay, người đọc lập tức từ bỏ con đường quen thuộc, của cái nhìn, sự lắng nghe, sự sờ mó, các giác quan, các nhận thức, tự làm mới một trong những khía cạnh ấy. Thơ anh nặng về suy tưởng và ngay những mô tả sự vật của anh cũng mang tính khái quát và trừu tượng, vì vậy sự can dự của người đọc vào bài thơ, những can dự có tính vật thể, giác quan, sẽ bị hạn chế. Đọc những bài thơ ba câu của Nguyễn Hưng Quốc tôi nhớ đến những bài tercet ngắn của Lavinia Greenlaw, một trong những nhà thơ quan trọng nhất hiện nay. Chúng rất cần các tham chiếu.
 
He can bring down the stars
There are papers in my hand
And the night is dark
Ông có thể mang những ngôi sao xuống đây
Chúng là những mảnh giấy trong tay tôi
Và đêm thì đen tối
Đây là bài thơ viết về nhà vật lý lừng danh Galileo.
Còn Nguyễn Hưng Quốc:
Ánh trăng lãng phí nhan sắc
Giữa trời cao
Mọi người đều ngủ say
(480)
 
Có thể xem thơ ba câu như một loại cây bon sai, nhỏ nhưng gân guốc, vừa khiêm nhường vừa kiêu hãnh, chuộng sự trong sáng hơn là phong nhiêu. Bình đạm, như một tách trà thơm. Chúng ta gặp những câu thơ và bài thơ xuất thần, ở đó ký ức và sự ghi lại một giây phút, một gặp gỡ trở thành một điều gì lớn hơn chính nó, sự lay động sâu xa, thức tỉnh, cái đẹp được khơi mở. Đối với nhiều người, Nguyễn Hưng Quốc làm thơ là một điều bất ngờ, và chưa chắc anh sẽ tiếp tục trong tương lai. Không ai biết. Không phải là cái viết nói chung, văn xuôi, lý luận, phê bình, kể chuyện, như anh vẫn làm mấy chục năm nay, mà là viết đúng một thứ. Thứ ấy nhiều nhà văn nhà phê bình thời trẻ không chọn, về sau mới chọn, như Mai Thảo, Võ Phiến, Trần Hồng Châu, hay gần đây như Chu Văn Sơn, Văn Giá, trong nước. Bây giờ là Nguyễn Hưng Quốc. Đây là một hiện tượng thú vị ở các nhà phê bình. Người đọc có cảm giác như anh để mặc một chàng trai bước ra từ chính lồng ngực của mình, và nói, suốt nhiều ngày, lạc giọng, và để lại vô số những chữ, rào rào như lá cỏ phơi mình trong gió, quanh chỗ đứng của mình, chúng kết tụ lại thành những lọn nhánh ba câu như cỏ ba lá huyền ảo.
 
Mỗi chữ một đốm sáng.
Mỗi bài thơ một đám cháy
Mỗi thiên tài một trận hoả hoạn
(628)
 
Thơ mang lại cái đẹp, làm hồi phục sự xúc động, làm cân bằng các mối quan hệ. Tuy vậy một bài thơ trữ tình bao giờ cũng phải giữ ở bên trong nó sự mất cân bằng, sự biến động, ở đó năng lượng của bài thơ được tích tụ. Bài thơ vì thế không phải là một bản tuyên bố hay là một ý kiến kết thúc. Nó mở ra ở phía khe cửa hẹp, ở khúc tan vỡ, sự chia lìa, và chúng ta tìm thấy trong thơ hôm nay nỗi lo buồn, sự thất vọng, sự phẫn nộ, sự sợi hãi không phải vì cuộc đời chỉ toàn những điều ấy, mà bởi vì đó là nơi thơ trữ tình bắt đầu. Xuất phát từ sự hỗn loạn, hay sự nổi loạn, mà bài thơ đi về phía tái xác lập sự cân bằng, khích lệ, sự an ủi. Các nhà thơ bao giờ cũng đi tới tận cùng các biên giới, tìm cách vượt qua các ngưỡng. Ở các biên giới, các ngưỡng, mật độ năng lượng, động lực xúc cảm là cao nhất. Tuy nhiên trong tình cảnh rối bời, giữa những xúc cảm lẫn lộn, nhà thơ vẫn tìm được cho mình một điểm dừng, sự cháy lên, một tình trạng yên tĩnh và trong sáng. Tình trạng thăng bằng và trong sáng ấy khác nhau từ người này sang người khác, tùy theo hoàn cảnh và tâm tính của mỗi người. Sức chịu đựng, sự bao dung của một nhà thơ đối với sự hỗn loạn, trước những tình trạng khốc liệt, hoàn toàn tùy thuộc vào từng trường hợp, cao thấp khác nhau, và ở Nguyễn Hưng Quốc tôi tin rằng độ dung nạp ấy là cao. Sự liên tưởng trong thơ anh có khả năng mở rộng giới hạn với những liên kết liên văn bản và liên văn hóa. Có những yếu tố siêu thực trong sự mô tả của anh đối với thế giới. Những nhận xét tinh tế và đôi khi quỷ quái, nhưng lúc nào cũng thông minh.
 
Cả đời tôi cứ rượt theo hoài
Những làn mây
Vô tổ quốc
(13)
 
Đó là một thứ thơ vừa buồn bã vừa hài hước, tự châm biếm, đầy những phát hiện, những tranh cãi, triết lý, trong chừng mực mà thơ trữ tình cho phép, giọng thơ chắc chắn không giống bất kỳ ai trước đây. Những bài thơ ấy liên tiếp chạm tới các ranh giới định nghĩa giữa thơ trữ tình và những thứ ở bên ngoài khái niệm ấy, mặc dù như một người sáng tác, anh có thể không quan tâm lắm đến những vấn đề lý thuyết. Nếu người đọc kiên nhẫn đi theo con đường của nhà thơ, anh sẽ chỉ cho họ những ngã rẽ, nỗi buồn và niềm vui anh tìm thấy. Đó là một bài thơ trữ tình, riêng tư, cá nhân, nhưng trong đó hiện ra khuôn mặt của thế giới mà anh đang sống, tranh cãi trong đó, yêu đương, ngụp lặn trong đó, phẫn nộ, vui chơi trong đó, và mệt mỏi, và hy vọng, và tha thứ lặng lẽ.
 
                                                                          Nguyễn Đức Tùng
                                                                          (Đọc thơ – Bài 35)

CHÚ THÍCH:

1. Tập thơ 909 Bài thơ ba dòng: tài liệu riêng của tác giả, do nhà thơ Nguyễn Hưng Quốc gởi.
2. Tiểu sử:
Nguyễn Hưng Quốc tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn, sinh năm 1957 tại Quảng Nam, tốt nghiệp Cử nhân Ngữ Văn (Việt Nam) và Tiến sĩ văn học (Australia).
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy môn Văn học Việt Nam tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1985 vượt biển và định cư tại Pháp, ông làm việc trong toà soạn tạp chí Quê Mẹ (Paris). Năm 1991, ông di cư sang Úc và dạy tại nhiều đại học tại thành phố Melbourne, trong đó, lâu nhất là trường Victoria University, nơi ông làm chủ nhiệm Ban Việt ngữ và Việt học. Ông chuyên dạy về ngôn ngữ, văn học, văn hoá và chiến tranh Việt Nam. Ông cũng được sự uỷ thác của Hội Ngôn ngữ Cộng đồng Úc để tổ chức các khoá đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt tại tiểu bang Victoria.
Nguyễn Hưng Quốc làm chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ biên tờ báo mạng Tiền Vệ (tienve.org) (2002-2019). Ông cộng tác với hầu hết các tạp chí văn học ở hải ngoại.
Là tác giả của 20 cuốn sách về văn học, văn hoá và chính trị Việt Nam, Nguyễn Hưng Quốc được đánh giá là một cây bút bình luận về thơ “thông minh và xuất sắc” (Mai Thảo, Văn, tháng 9, 1992), “cự phách” (Đỗ Quý Toàn, Thế Kỷ 21, tháng 8, 1996), “người có uy tín nhất” ở hải ngoại (Nguyễn Mộng Giác, Talawas 14.3.2006), “chữ nghĩa đanh thép, lý luận sắc bén […] không phải thời nào cũng có” (Nguyễn Xuân Hoàng, VOA blog 2.9.2010).
909 bài thơ ba dòng là tập thơ đầu tiên của ông. Tác phẩm đã in của Nguyễn Hưng Quốc:
- Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (Quê Mẹ, 1988)
- Nghĩ về thơ (Văn Nghệ, 1989)
- Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản (Văn Nghệ, 1991, in lại 1996; Người Việt tái bản 2014)
- Võ Phiến (Văn Nghệ, 1996; Người Việt tái bản năm 2015 dưới tên Võ Phiến, một đời trăn trở)
- Thơ, v.v… và v.v… (Văn Nghệ, 1996)
- Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại (Văn Nghệ, 2000)
- Văn hoá văn chương Việt Nam (Văn Mới, 2002)
- Sống với chữ (Văn Mới, 2004 & in lại 2014, Lotus Media tái bản 2021)
- Thơ ‘Con Cóc’ và những vấn đề khác (ấn bản mới của cuốn Thơ, v.v… và v.v… với một số sửa chữa và phần Phụ Lục trích từ hai cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam và Nghĩ về thơ, Văn Mới, 2006)
- Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học (Văn Mới, 2007; Người Việt tái bản 2014)
- Socialist Realism in Vietnamese Literature: An Analysis of the Relationship Between Literature and Politics (VDM Verlag, 2008)
- Văn học Việt Nam thời toàn cầu hoá (Văn Mới, 2010)
- Phản tỉnh và phản biện (Văn Mới, 2011, Người Việt tái bản 2013)
- Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai (Tiền Vệ, 2012; Người Việt in lại 2014)
- Thơ Lê Văn Tài (biên tập & giới thiệu, Văn Mới & Tiền Vệ, 2013; Người Việt in lại 2014)
- Văn học Việt Nam tại Úc, chính trị và thi pháp của lưu vong
(Văn Mới & Tiền Vệ, 2013 & Người Việt in lại 2014)
- Viết vu vơ (Người Việt, 2014)
- Những ý nghĩ rời (Người Việt, 2014)
- Thư Võ Phiến (biên tập và giới thiệu, Người Việt, 2015)

Không có nhận xét nào: