BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

MAI VÀNG VÀ MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT QUÊ TÔI - Phạm Quang Tân



Khách phương xa lần đầu đến du xuân An Giang quê tôi nói riêng, Tây Nam bộ nói chung, chắc chắn sẽ ngỡ ngàng trước màu vàng rực rỡ và mùi hương nhè nhẹ, khắp từ đầu làng đến cuối xóm, khắp phố chợ náo nhiệt đến thôn quê hẻo lánh, khắp ngài sân, trong nhà. Đó là sắc hương của mai vàng. Sắc hương đặc trưng của Tết Nguyên Đán nơi này.
 
Có ý kiến cho rằng trong hành trình thiên di mở cõi Phương Nam, ông cha ta đã tìm thấy loại cây trên miền đất mới. Hoa của nó màu vàng có năm cánh, nở vào dịp Tết Nguyên Đán giống hoa đào. Nên đã đem về trồng ở mỗi gia đình để chưng (trưng) khi Tết đến. Tuy nhiên, có nghiên cứu đã xác định mai vàng Yên Tử - Quảng Ninh cùng loài với mai vàng Miền Nam và mai vàng không phổ biến ở nước láng giềng, các vùng miền của đồng bào thiểu số. Cho nên cũng có ý kiến cho rằng mai vàng từ đất Bắc đã đi cùng với ông cha ta vào Nam trong các hành trình khai khẩn đất Nam Bộ. Dù khởi thủy của nó như thế nào thì mai vàng đã trở thành một hình ảnh đặc trưng ngày tết của người Việt ở Nam bộ hàng trăm năm năm nay.
 
Mai vàng là loại cây lâu năm có dáng vẻ thanh cao. Thân cây mềm mại, lá xanh biếc dịu dàng, hoa vàng tươi rực rỡ. Mai trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Hoa nở thành từng chùm, có cuốn dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Hương hoa mai dịu dàng trong gió tạo ra bầu không khí rất riêng của ngày Tết.
 
Các bậc thượng lưu trí thức, những người có học vấn thâm sâu phân tích là lý giải Mai vàng ngày tết nam bộ rất hàn lâm. Nào đây là loại cây lâu năm sống tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không kén thổ nhưỡng, nó tượng trưng của sự mạnh mẽ, vững chãi. Thân cây thanh tú, mềm mại, hoa màu vàng, mùi hương nhè nhẹ tượng trưng cho sự thanh cao, hòa đồng và vị tha. Hoa mai vàng năm cánh là hình tượng ngũ hành: Kim, Mộc Thủy, Hỏa, Thổ, biểu trưng cho năm đều tốt lành là hạnh phúc, trường thọ, may mắn, thành công và bình an.
 
Người bình dân quê tôi mộc mạc, giản dị, chân chất, “thật như đếm”, thấy cái gì nghĩ y như vậy, nói sao nghĩ vậy, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy... và cũng chỉ mong cầu những điều bình dị, thiết thực. Ông cha chúng tôi chọn cây mai vàng ngày tết ở mọi nhà là vì nó là mai và hoa nó màu vàng đơn giản thế thôi. Chúng tôi phát âm mai trong cây mai, mai trong ngày mai, may trong may mắn,… đều là mai. Chưng mai ngày tết là mong cầu may mắn (mai mắng). Chúng tôi phát âm vàng trong màu vàng và vàng trong vàng bạc, giàn trong giàn bầu, giàn bí, dàng trong dễ dàng đều là là dàng. Hoa mai vàng nở rộ khắp nơi trong ngày tết là vàng (dàng 2k) đến với mọi nhà, ý nghĩa là ước mơ sung túc, thịnh vượng, có được nhiều vàng.
Từ xa xưa, ông cha chúng tôi nhà đều trồng mai, mặc dù mai một năm mai chỉ khoe hương sắc một lần, thường thì hai gốc mai trong sân sát mặt đường. Tuy thế, có rất nhiều nhà trồng mai hết cả sân, hai bên hiên nhà, trên bờ ao, dọc theo hai bên đường,.. v.v. Mai cảnh (mai kiểng) cũng phát triển mạnh mẽ, những nhà ở các khu phố không có đất trồng mai, thì có những cây mai cảnh trong chậu , hoặc đến tết ra chợ hoa rinh về một, hai, ba,... chậu mai.
 
Ngoài cổng, ngoài sân hoa mai vàng rực, nhưng bà con còn mong muốn đem may mắn (mai mắng), vàng (dàng 24 k) vào tận trong nhà. Cho nên ở các gian lớn - Phòng khách và nơi thờ phượng lễ bái -  mọi nhà đều có một bình mai. Bình mai trong nhà, là những nhánh mai được cắt tỉa từ những cây mai ngoài sân, ngoài cổng,... được cắm vào một cái bình to bằng sứ. Trên các nhánh hoa vàng của bình mai, bà con treo các tấm thiệp xuân màu đỏ, trong thiệp có ít tiền để trẻ con hái lộc đầu xuân. Nhiều nhà chưa trồng mai, hoặc mai nhà mình nở sớm, nở muộn, nở hoa không đẹp thì xin nhà hàng xóm các nhành mai đẹp về cắm vào bình nhà mình, thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Những năm gần đây, nhiều nhà còn mua các chậu mai cảnh đắt giá chưng tết trong nhà.
 

Mâm ngũ quả cúng trời phật, tổ tiên ngày tết, bà con quê tôi cũng hiểu, cũng nghĩ, cũng làm,… đơn giản, mộc mạc, chân chất như việc trồng mai, chưng (trưng) mai vậy. Rất ít gia đình còn giữ được việc cúng mâm ngũ quả truyền thống từ đất Bắc- Thăng Long. Mâm ngũ quả phải và những quả tươi, đẹp, thơm ngon, có khi còn quí hiếm, đủ năm màu tượng trưng cho Ngũ Hành và mong ước Ngũ Phúc lâm môn. Giàu (phú), sang (quí), sống lâu (thọ), mạnh khỏe (khang), bình an (ninh) vào nhà.
 
Bà con quê tôi sắm mâm ngũ quả, có khi là đĩa ngũ quả trên bàn thờ gia tiên và mâm ngũ quả cúng trời phật, cũng đủ năm loại trái cây. Đó là mãng cầu, dừa, sung, đủ đủ, xoài. Chúng tôi phát âm từ sung trong sung túc, xung trong xung khắc, sung trong trái sung là đều là xung, phát âm xài trong tiêu xài, xoài trong trái xoài, đều là xài, phát âm dừa trong trái dừa, vừa trong vừa phải vừa đủ đều là dừa. Năm trái cây ấy, có ý nghĩa “cầu sung vừa đủ xài”. Chỉ mong ước đơn giản, thiết thực thế thôi. Việc chọn năm loại trái cây ấy không cầu kỳ như ngoài Bắc, hái từ vườn nhà, xin nhà hàng xóm, không đủ thì mới ra chợ mua,.. bởi thế nên không ít mâm ngũ quả, đĩa ngũ quả là những trái đu đủ non xanh, trái dừa nhỏ xíu chưa có nước, trái mãng cầu còn cứng ngắc,… như chỉ có cho đủ, cho đúng tên gọi, đúng sự mong ước.
Có lẽ vì mâm ngũ quả, đĩa ngũ quả quá đơn sơn và ăn không được, nên trên bàn thờ gia tiên còn có quả thơm (dứa) quả quýt,… và nhất thiết phải có cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng.
 

Ở An Giang quê tôi phần lớn bà con theo đạo Phật. Một số tôn giáo chủ trương ăn chay ngày 29, 30 và mùng 1. Lễ cúng cuối năm và rước ông bà diễn ra vào ngày 28, nên mọi việc chưng mai, xếp mâm ngũ quả, đĩa ngũ quả và các loại trái cây khác, phải trước khi mâm cơm cúng tổ tiên có trên bàn thờ. Ngày xưa đến mùng 7, mới hết tết, mới cúng ra mắt, rồi dọn dẹp mai và các đĩa trái cây. Ngày nay, mùng ba đã cúng ra mắt, nhưng mâm ngũ quả, các đĩa trái cây khác, rượu trà bánh mứt vẫn còn trên bàn thờ, bình mai, chậu mai ở trong nhà vẫn để đó mấy ngày sau mới dọn dẹp từ từ.
 
Tôi xa quê đã lâu, mưu sinh ở các đô thị, nhiều lần đón Tết ở các thị thành và các miền quê khác, cảm nhận và lĩnh hội được nhiều cái hay cái đẹp đặc trưng trong văn hóa ngày tết ở những nơi đã đến. Tôi luôn trân trọng và biết ơn vì những cái hay cái đẹp ấy làm phong phú tâm hồn tôi, giúp tôi gần gũi với mọi người, giúp tôi vị tha hơn. Tuy nhiên nét văn hóa đặc trưng ngày tết, trong đó có tục chưng mai vàng, cúng mâm ngũ quả ở nơi tôi sinh ra và trưởng thành, đã làm nên cốt cách con người tôi, giúp tôi đủ sức vượt qua khó khăn, tránh được cạm bẫy, xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn. Tâm thức tôi luôn nhớ về những điều tốt đẹp ấy và luôn có ý thức giữ gìn. Những gì họ hàng tôi, anh em tôi, nơi chôn nhau cắt rốn làm trong ngày tết, tôi vẫn làm y như vậy ở nơi xa.
 
                                                                        PHẠM QUANG TÂN.

Không có nhận xét nào: