BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

NHÂN NĂM DẦN, BIỆN HỘ CHO “NHỚ RỪNG” THƠ THẾ LỮ - Châu Thạch




Thế Lữ là một trong nhưng cây bút đi đầu của phong trào thơ mới. Tác phẩm ghi lại dấu ấn của ông là bài thơ “Nhớ Rừng”. Từ ngày bài thơ được phổ biến đến nay đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực ca tụng nó. Nhà thơ Phạm Đức Nhì trong bài viết “Hai cái bẩy nguy hiểm của Nhớ Rừng” * đã có một cái nhìn khác mà nhà văn Lê Xuân Quang nhận xét đại ý là “Cách suy nghĩ phân tích Thơ của ông Phạm Đức Nhì trong cảm thụ Thi ca có những ‘phát kiến…mới’ thiên về thực dụng…”     
Trong cái nhìn “phát kiến…mới” nầy nhà thơ Phạm Đức Nhì đã phê phán bài thơ “Nhớ Rừng” đại ý như sau:

1/ Con hổ trong vườn bách thú tuy vẫn khao khát tự do, vẫn mơ “giấc mộng ngàn to lớn” nhưng đã mất hết ý chí chiến đấu, đã đành bó tay cam chịu, chấp nhận thực tại phũ phàng:
 
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
    
2/ Con hổ khao khát tự do. Nhưng nếu được tự do nó sẽ trở thành một bạo chúa, áp dụng chế độ độc tài với “thần dân” của nó:
 
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể muôn của loài”
    
Trong phần kết luận bài viết, nhà thơ Phạm Đức Nhì đã nhận dình về bài thơ “Nhớ Rừng” có một câu như sau:
“Nhớ Rừng giống như cô gái nhảy xinh đẹp, thân hình sexy, hấp dẫn nhưng mắc chứng bệnh SIDA nguy hiểm.”
   
Và sau đó trong một bài viết với đề tài “Không sợ thừa! Chỉ sợ quá muộn” * để trao đổi với nhà văn Lê Xuân Quang, nhà thơ Phạm Đức Nhì nhấn mạnh hai hành động của Hổ trong vườn bách thú là “bó tay cam chịu số phận”“mơ ước được tự do sẽ lại làm bạo chúa” là hai cái bẩy nguy hiểm làm thui chột ý chí chiến đấu và cổ vũ cho lòng ham muốn độc tài, hiếp đáp người khác của những thế hệ Việt Nam trước và hiện tại. 
  
Đọc những bài viết của nhà thơ Phạm Đức Nhì tôi xin mạo muội góp một vài ý kiến thổ thiển của mình để biện hộ cho nhớ rừng của Thế Lữ. Dẫu ý kiến của tôi có khác biệt nhưng tôi xin bày tỏ lòng cảm mến và khâm phục của tôi đến nhà thơ Phạm Đức Nhì là cây bút thơ và văn điêu luyện mà tôi luôn trân trọng.
 
- Thứ nhất: Tôi xin nói về con Hổ có khi nào “Bó tay cam chịu, chấp nhận thực tại phủ phàng” không?.
Như đã thấy, nhà thơ Phạm Đức Nhì đã bôi đậm câu thơ “Nơi ta không còn được thấy bao giờ” và dựa vào câu thơ ấy mà quả quyết là con Hổ đã mất hết ý chí chiến đấu, cam chịu thân phận tù tội của mình. Để biết nhận xét nầy đúng hay là oan cho con Hổ, trước hết ta hãy tìm hiểu con Hổ là biểu tượng của cái gì. 
  
Trong nhiều nền văn hoá trên thế giới, con Hổ là biểu tượng của đẳng cấp chiến binh, toát lên vẽ đẹp hung vĩ và sức mạnh. Trong Tam Quốc Chí, ngũ hổ tướng của nhà Thục là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Huỳnh Trung và Mã Siêu là nhưng mãnh tướng bất khuất mà đến nay thế gian vẫn tôn thờ, trong đó Triệu Tử Long được phong là Hổ Oai Tướng Quân. Trong truyện Kiều, Từ Hải là bậc anh hùng đã được Nguyễn Du tôn vinh bằng bộ râu của con Hổ: “Râu hùm. Hàm én mày ngài/Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. 
 
Vậy khi nhà thơ Thế Lữ nhốt một con Hổ vào sở thú trong bài thơ của ông thì ông sẽ nhốt con Hổ nào? Chẳng lẽ ông lại đi nhốt con Hổ bạc nhược mất sức chiến đấu hay sao? Hay là ông sẽ nhốt con Hổ biểu tượng của sự cao cả, của bậc anh hùng, của ý chí bất khuất ở trên. Bài thơ cho ta thấy ông đã nhốt con Hổ “Oai linh rừng thẳm” là con Hổ mang đầy đủ biểu tượng của một anh hùng. 
  
Kinh nghiệm cho ta thấy không có con vật hoang dã nào, dầu con chim, con sóc cũng không chịu nằm yên trong lồng huống chi là con Hổ. Chỉ trong một phút yếu lòng nhớ rừng xưa con Hổ mới than một câu tưởng như là nó đã bị thuần hoá: “Nơi ta không còn được thấy bao giờ”, nhưng thật ra thế giới bên trong của Hổ vẫn ngùn ngụt ngọn lửa bất khuất. Ngọn lửa đó thể hiện ở chổ nó nhớ rừng da diết, nó khinh thường “những cảnh sửa sang tầm thường, giả dối” và nó khinh không chịu “ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi/ với cặp báo chuồng bên vô tư lự”. Hổ đang bị thúc thủ nên nó phải than vãn, nhưng nó đang chờ thời cơ để vùng dậy.
 
- Thứ Hai: Làm sao dám quả quyết con Hổ nếu được tự do sẽ chuyên chế, độc tài, hiếp đáp thần dân mình?
 
Ở trên ta thấy rằng nhà thơ Phạm Đức Nhì đã dùng nhưng câu thơ “Trong hang tối mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi/Ta biết ta chúa tể của muôn loài” để kết tội cho Hổ của Thế Lữ là con vật xấu xa, là bạo chúa. Thật ra ba câu thơ trên biểu hiện tác phong, uy vũ của một minh quân. Nếu vua mà không có uy vũ nầy thì làm sao trị quốc bình thiên hạ cho được. Ở đây ta để ý hai chữ “mắt thần”. Mắt thần đương nhiên không phải mắt của bạo chúa mà “mắt thần” là mắt của bậc công chính. Khi “mắt thần” đã quắc thì uy lực từ chính nghĩa làm cho mọi vật đều im hơi. Nếu là mắt của bạo chúa thì “ở đâu có đàn áp, ở đó có đấu tranh”, sẽ không có sự im hơi bao giờ.
   
Trong nền văn hoá dân gian Việt, hình tượng của con vật hung bạo, tàn ác là con Sói, còn hình tượng của Hổ mang ý nghĩa nhân đạo, quyền uy khiến Hổ sở hữu một phẩm hạnh rất cao để trở thành linh vật của tôn giáo. Vậy khi Thế Lữ đưa con Hổ vào bài thơ là đưa một linh vật có bản chất tốt nên không bao giờ có “cái tính muốn làm bạo chúa đã là máu thịt, đã là bản chất của loài hổ.” như lời kết tội Hổ trong bài viết của nhà thơ Phạm Đức Nhì. 
 
 - Thứ ba: Bài thơ “Nhớ Rừng” có phải là cái bẩy nguy hiểm như nhà thơ Phạm Đức Nhì đã nói không?
 
-  Tất cả mọi người khi đọc bài thơ “Nhớ Rừng” đều thấy buồn thương cho con Hổ trong vườn bách thú và lòng tự nhiên phấn khích muốn đạp đổ tất cả để vượt trên cuộc sống bình thường, chật hẹp, tù túng. 
 
  -- Nhà thơ Thế Lữ đưa hình ảnh con Hổ bị nhốt trong vườn bách thú không phải để chúng ta đọc xong là buồn chán rũ rượi hay đọc xong là mơ ước chuyện cướp bóc, hành hạ tha nhân. Đây là hình ảnh của thế hệ ông bị 100 năm đô hộ giặc Tây. Con người đọc lời than van da diết của con Hổ “gặm một khối căm hờ trong củi sắt” để không bao giờ chịu làm con Hổ như thế, để đứng lên phá xích xiềng, để được sống như Hổ nơi rừng núi oai linh, hùng ví ngày xưa.
 
- Mấy ai trong chúng ta khi đọc xong bài thơ nầy lại muốn mình làm thân phận của con Hổ kia. Vậy thì kết tội bài thơ như là “Cô gái nhảy, xinh đẹp mà bị bệnh SIDA” làm lây lan căn bệnh đó khiến cho nhiều thế hệ băng hoại thì thật ra oan khiên quá cho bài thơ, cho Hổ là loài có biểu tượng tốt đẹp và cho thi sĩ là người vì nỗi ray rức cho thân phận nô lệ của mình, của thế hệ mình mà phổ vào thơ, hầu đưa ra một hình ảnh ẩn dụ, để cho người đọc “cảm thụ bằng sự rung động của nhịp tim, kích thích trí tưởng tượng phong phú trong mỗi bộ não …” như lời nhà văn Lê Xuân Quang đã viết.” 
Vậy: 
- “Nhớ Rừng” tuy là một bài thơ chất chưa tâm trạng tủi nhục của con Hổ trong vườn bách thú nhưng nó không phải là một bài thơ tiêu cực, mà là một bài thơ tích cực, phơi bày sự giả tạo, buồn chán của kiếp sống nô lệ tù tội, khôn khéo trong hoàn cảnh cấm đoán ngôn luận trong thời Pháp thuộc để khích động tinh thần yêu nước, khiến cho cả thế hệ nhìn Hổ mà ngẫm đến mình, đứng lên phá vòng cương toả.
 
Hình như giai đoạn sau nầy nhà thơ Thế Lữ còn làm những bài thơ đấu tranh cụ thể hơn, tích cực hơn nhưng rồi ngày nay đã mai một hết, chỉ “Nhớ Rừng” vẫn còn vang bóng. Điều đó chứng tỏ “Nhớ Rừng” là bài thơ đúng đắn nên đã sống và còn sống lâu dài. Nó sống thì nó không phải là một con bệnh SiDA được, và khi “Nhớ Rừng” sống thì chứng tỏ con Hổ của “Nhớ Rừng”, của Thế Lữ không một khuyết điểm nào nên nền văn học đã nuôi nấng nó.
                                    
                                                                                        Châu Thạch 
 
* Bài đăng trên chuvuongmien.blogspot.com, lexuanquang.org, v..v.
 



 
NHỚ RỪNG
(Tặng Nguyễn Tường Tam)
(Lời con Hổ ở vườn Bách thú) 
 
Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt, 
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua. 
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ, 
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm 
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi. 
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi, 
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự. 
 
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, 
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa. 
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già, 
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi, 
Với khi thét khúc trường ca dữ dội 
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng, 
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng, 
Vờn bóng âm-thầm, lá gai, cỏ sắc. 
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc 
Là khiến cho mọi vật đều im hơi. 
Ta biết ta chúa tể muôn của loài 
Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi. 
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối, 
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan? 
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn 
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới? 
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội 
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng? 
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng 
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt 
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật? 
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu? 
 
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu 
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi, 
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối: 
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng; 
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng 
Len dưới nách những mô gò thấp kém; 
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm 
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu 
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u. 
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ! 
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị, 
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa 
Nơi ta không còn được thấy bao giờ! 
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán 
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn 
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi 
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi! 
                          
                                         Thế Lữ
                                         (1936) 

Không có nhận xét nào: