Bài viết tham gia nhân đáp từ ông anh Lạc Nguyên nêu ý: "nghĩ gì khi giáo sư Nguyễn Tài Cẩn giảng từ nguyên của tháng Chạp và tháng Giêng" (đã đăng 17/01/19)
Còn gọi theo dương lịch thì người Việt vẫn gọi tháng 12 và tháng một; tương ứng tiếng Hoa là thập nhị nguyệt và nhất nguyệt.
Theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thì chạp do đọc trại chữ lạp, và giêng đọc trại chữ chinh. Nói cách khác người Việt mượn tiếng Hoa để đặt tên hai tháng cuối và đầu năm.
Nếu hai từ lạp nguyệt và chinh nguyệt có trước thì ta dịch luôn: tháng lạp và tháng chinh cho dễ hiểu việc gì phải biến âm, ví như ngày nay ta nói: lạp xưởng, lạp sườn vốn là một món thịt chế biến của người Hoa mà không hề ai nói chạp xưởng, chạp sườn.
Chỉ có người không phát âm được âm người khác nên mới trại hoặc thay bằng âm mình nói được thôi!
Thêm nữa phụ âm /l/ không phải là cận âm với /ch/; Đồng thời các âm /gi, d, z/ không hề cận âm với /ch/; nên không thể nói /lạp/ thành /chạp/ và /giêng/ thành /chinh/ là đọc trại, là biến âm được. Trong trường hợp trên là người Hoa cố tình dùng âm mình có thể phát được để thay:/Chạp/ thay bằng /lạp /và /giêng/ thay bằng /chinh/. Gọi rằng thay, nghĩa là đã có cái trước, hai từ chạp và giêng có trước, lý do sẽ trình bày sau. Người Hoa nói với nhau: "ôi, hai âm đó khó phát âm lắm, mình tạm lấy hai âm của mình là /lạp/ và /chinh/ thay vậy! Âm /tháng/ của người Việt, người Hoa ta cũng không có nên khó đọc, thôi thì tạm đọc là lạp nguyệt và chinh nguyệt theo cấu trúc từ kép tiếng Hoa vậy!".
Tóm lại trong hai trường hợp lạp và chinh trên là người Hoa dùng hai âm vị của mình để phiên âm cho hai danh từ riêng Chạp và Giêng, không mang nghĩa gì khác ngoài chỉ tên của tháng cuối và đầu năm mà người Việt đã gọi.
2. Về hình vị học ( morphology)
Vì âm tiết /chạp / và /giêng / không có nghĩa đối với người Hoa như đã nói trên, nên không có một từ nào trong tiếng Hoa mang hai âm đó. Nói cách khác tiếng Hoa không có chữ nào đọc là /chạp/ và /giêng/ cả.
Trong khi người Việt lại dùng âm chạp trong: tháng chạp, chạp mã, giỗ chạp , chậm chạp; chẳng liên quan gì nghĩa của lạp: thịt hong khô của người Hoa, mà hàm nghĩa muộn, cuối, trễ. Vậy hình vị /chạp/ của tiếng Việt liên quan đến khái niệm thời gian muộn, trễ, kết thúc. Tháng Chạp là tháng đến chậm nhất, muộn nhất, tháng kết thúc của năm.
Còn hình vị /lạp / của tiếng Hoa, NTC dẫn một cách gượng ép đó liên quan tới vật thể, đến thịt khô. /lạp / thực ra là một hình vị cổ của tiếng Việt, sau này thay bằng /sáp/, do đó người Việt vẫn gọi bạch lạp, hồng lạp khi thờ cúng, dịp trân trọng hoài cổ, một cách rất tự nhiên thay vì nói đèn sáp trắng, đèn sáp đỏ. Sáp thay cho lạp là biến âm cùng một ngôn ngữ vì ngoài cận âm còn phải cùng nghĩa, khác với dịch, chuyển ngôn ngữ như Wax lamp của tiếng Anh. Ngoài ra người Việt không dùng /lạp/ với 24 nghĩa khác nhau như người Hoa. Trong tâm thức người Việt không bao giờ liên tưởng lạp với thịt, chỉ liên tưởng lạp với sáp. Ngay cả khi mua và ăn lạp xưởng (lạp sườn), một món người Hoa chế biến từ thịt lợn, người Việt vẫn liên tưởng giống cây đèn sáp. Chính vì vậy mà món "vịt lạp" gọi kiểu hai Tàu rưởi, nữa Việt nửa Hoa, nhiều người Việt không biết đó là món gì, vì trong đầu họ không có khái niệm lạp là thịt.
Người Hoa cũng không việc gì lại ngây ngô gọi tháng cuối năm là : tháng phơi thịt. Vậy các tháng khác phơi áo quần hoặc phơi lúa chăng? Còn tháng đầu năm là tháng chính, tháng đúng đắn là hoàn toàn vô nghĩa. Vì chữ chinh trong chinh nguyệt có nghĩa là chính (trái với lệch). Người Hoa không điên khùng gì phải đặt tên tháng kỳ quặc như thế. Có tháng chính thì các tháng khác đều lệch ư? Cho nên đem một chi tiết trùng hợp ngồ ngộ để lý giải tên tháng cuối năm nghe tàm tạm, nhưng không thể lý giải tên tháng đầu năm được. Cũng giống Lê Ngọc Trụ cho rằng /gần/ là biến âm từ /cận/ nhưng không lý giải được /xa/ không biến âm từ /viễn/ Trong khi gần - xa vốn là cặp từ đối lập, ngữ nghĩa thuộc lớp từ sinh tồn, khái niệm nhận thức trực quan xuất hiện rất sớm của suy luận phân biệt trong mỗi tộc người, trước khi giao tiếp với tộc khác. Tóm lại là hướng diễn giải của những vị trên thiếu logic nên không đáng tin cậy.
Tiếng Việt vẫn có hình vị /chinh/ nghĩa ngược hoàn toàn với chinh của hình vị Hoa. Chinh của người Hoa nghĩa là chính, ngay ngắn.
Chinh của người Việt nghĩa là chênh, lệch, và một nghĩa nữa là gắn liền với chiến tranh ví dụ chinh chiến. Do đó người Việt phát âm /chinh/ rất tự nhiên. Cho nên tuy hai ngôn ngữ có âm tiết trùng nhau, nhưng hình vị khác nhau, thậm chí trái nghĩa nhau.
Còn hình vị /giêng/ thì người Việt chỉ có dùng một nghĩa duy nhất chỉ tên tháng đầu năm. Có xét biến âm thì xét trong phạm vi tiếng Việt thôi. Chúng ta thấy âm /r, gi, d/ của tiếng Việt là cận âm. Âm Bắc bộ hay lẫn lộn gi, r, d nên mới đẻ ra đòi nhập một âm kiểu Bùi Hiền. Rời (khỏi) hay dời, giời (khỏi) đều cận nghĩa. Rời, dời, giời; chim ri, chim gi mỗi người Bắc bộ gọi theo thói quen của mình.
Cho nên /riêng/ dễ phát âm thành /giêng, diêng/. Vì vậy nếu ta nghe một người Bắc bộ nói /tháng riêng/ thì vẫn hiểu là /tháng giêng/ mà không hề phải xác minh lại.
Nếu suy diễn ngữ nghĩa thì có thể suy diễn: tháng giêng muốn nói là tháng "riêng" , trái với chung. Bởi vì ca dao nói về các tháng dù rất nhiều dị bản nhưng đa số bản nào cũng nêu một đặc điểm:
Tháng giêng là tháng ăn chơi.Tháng hai trồng đậu , trồng khoai trồng cà...........
Hoặc như bài sau:
Một năm có mười hai kỳ,Thiếp ngồi thiếp tính có gì chẳng ra.Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,Tháng Hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm.Tháng Ba đi bán vải thâm,Tháng Tư đi gặt, tháng Năm trở về.Tháng Sáu em đi buôn bè,Tháng Bảy, tháng Tám trở về đong ngô.Chín, Mười cất giạ đồng mùa,Một, Chạp vớ được anh đồ dài lưng.Anh ăn rồi anh lại nằm,Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.Chẳng thà lấy chú lực điền,Gạo bồ thóc giống còn phiền nỗi chi?.......
Tháng nào cũng lao động cả, tháng Chạp kết thúc niên vụ cũng còn việc phải hoàn tất: dãy mã, giỗ Chạp mã, chuẩn bị các món ăn nhanh gọn dành sẳn để bước vào một tháng rất"riêng": ăn chơi, không lao động như các tháng khác .
Đây là một hướng suy diễn cá nhân, dựa vào biến cận âm và ngữ nghĩa liên quan có logic , nghe có vẻ lọt tai hơn kiểu áp đặt của các vị sùng Hán, đội Hán. Nhưng tôi không nhằm thuyết phục lý giải trên là từ nguyên, mà chỉ muốn chứng minh rằng có nhiều cách suy diễn. Nếu bạn ngồi suy nghĩ một chút bạn cũng có cách chỉ ra một kiểu từ nguyên khác. Tất cả mọi lý giải chỉ là tán vui.
Suy diễn chỉ là suy diễn, duy có người Việt thời đó mới biết được chính xác vì sao chọn tên cho tháng kết thúc là chạp và mở đầu là giêng của một năm! Cho nên tôi nói tìm từ nguyên Việt - Hoa chẳng giúp ích gì thực tiễn cho người học, trừ dành cho các nhà ngôn ngữ học xếp hệ ngôn ngữ. Nếu lưu ý chỉ cần lưu ý : giêng, chạp là dùng khi nói về âm lịch, còn nói đến dương lịch là phải nói tháng 1 và tháng 12. Khi viết đơn từ, ký hợp đồng không nói và không ghi tháng giêng và tháng chạp. Điều đó giúp cho học sinh, người ít học hơn là tán hươu... ra vượn.
***
Tuy nhiên, nhìn vào một từ ngữ bạn trẻ có thể liên hệ đến những đề tài khác , giúp cho kiến thức mở mang. Ví dụ: tháng là một đơn vị của lịch. Ta biết rằng sở dĩ lịch xưa, sách vở gọi là "nông lịch" vì nó gắn với quy trình sản xuất nông nghiệp trong năm. Lịch được ghi nhận là đã có từ thời nhà Hạ, thời người Hoa Bắc chưa có chữ viết, chỉ nói với nhau bằng miệng. Bài ca dao mở đầu: Tháng Giêng là tháng ăn chơi, liên quan đến lịch , tức là xuất hiện đồng thời hoặc sau khi có lịch. Nó chứng tỏ nền văn minh lúa nước đã chia năm làm mười hai tháng. Để làm lịch, tư duy con người phải có nhiều tri thức kết hợp: thiên văn, tính toán, phát hiện các quy luật của thời tiết , cách suy luận, cách quy chiếu... . Người Việt là tổ của nghề lúa nước ắt phải là chủ nhân làm ra nông lịch và đặt tên cho tháng. Trong khi các nước Nam Á và Đông Nam Á phải mượn chữ : january và december của tiếng Anh để chỉ tháng đầu và tháng cuối năm, thì tiếng Việt đã có Giêng và Chạp từ xa xưa. Điều đó phản ánh trình độ văn minh thời tiền sử giữa các vùng.
Sử sách cũng ghi nhận bắt đầu thời nhà Hạ (khoảng 2000- 1600 trước CN) người Hoa Bắc chủng lai Mông - Việt, tức người Hạ tiền sử bắt đầu lấn đất người Hoa nam hậu duệ chủng Việt cổ. Đến đời nhà Thương mới phát hiện chữ viết người Hoa Nam trên yếm rùa (chữ giáp cốt) và áp dụng. Ngày nay giám định niên đại một yếm rùa có 4000 năm TCN, (nghĩa là trước nhà Hạ 2000 năm) tại Giả Cổ, Hà Nam được giải mã một dòng: Hôm nay trời sẽ mưa chăng?
Nhắc lại sự kiện trên để khẳng định rằng người Hoa Nam hậu duệ
chủng Việt cổ đã làm ra chữ viết và lịch, đặt tên tháng, người Hoa Bắc khi chiến thắng đã bắt chước đọc theo, nhưng không có âm nên lấy hai âm vị của họ thay thế. Lạp với nghĩa thịt khô; chinh với nghĩa chính, không lệch; không nhằm biểu thị đặc điểm của tháng mà chỉ dùng để thay thế một âm khó đọc, tương tự họ gọi nước France là /fà guó/ hoặc Phú Lan Sa; hoặc phiên âm tên Đức Phật Gautham Siddartha thành Cồ Đàm Sĩ Đạt Đa vậy thôi.
Riêng trường hợp thổ âm Nam bộ nói "chạp phô" là biến âm của "tạp phô", không liên quan đến hình vị /chạp/ có nghĩa là muộn, kết thúc về thời gian . Tạp phô là các nguyên liệu thực phẩm dạng khô. Ta thường gọi các nơi bán hàng này là hàng tạp phô, hoặc hàng đồ khô, khác với hàng thực phẩm tươi, sống . Tạp hoá là các món hàng không ăn được. Tạp vẫn là hình vị Việt (cổ lẫn kim) để chỉ khái niệm: lẫn lộn nhiều thứ: tạp nhạp, hỗn tạp... Phô cũng vậy : cận âm , cận nghĩa với phơi; phơi bày = phô bày... tạp phô đọc là chạp phô, do biến âm vì cận âm trong cùng một ngôn ngữ, không tạo ra hình vị khác, không giống với trường hợp Giêng là biến âm của Riêng.
Tóm lại, tiếng Việt và tiếng Hoa đồng nguyên, từ vựng hiện nay của người Hoa vẫn dùng tính sơ bộ khoảng 80% tiếng Việt cổ, 20% còn lại là hình vị riêng của họ. Ngôn ngữ thời Đường về trước tỉ lệ tiếng Việt cổ chiếm đến 90%. Có nghĩa rằng từ 1000 trở lại đây họ có phát triển thêm 10% từ ngữ mới riêng họ. Chữ viết giáp cốt là chữ dạng thảo trùng văn (chữ dạng vẻ như cỏ +côn trùng). Chữ Khải hay phồn thể, giản thể là cải tiến từ chữ Việt cổ: thảo trùng văn . Phải thừa nhận chữ cải tiến này nằm trong giai đoạn nước ta bị đô hộ nên người cải tiến chủ yếu là các nhà thư pháp của các vương triều phương Bắc. Trong thời gian bị đô hộ người nước ta vẫn dùng tiếng cổ và tạo ra hình vị mới, được ký âm mà ta thường gọi chữ Nôm, không có trong tự điển Hán. Về chữ viết thì cải tiến theo nét bút của họ. Do đó bị hiểu nhầm chữ Nôm là mượn chữ Hán.Thật sự không hề có sử liệu nào từ hai nước Việt và Tàu ghi chép thời điểm chữ Nôm xuất hiện, chỉ biết rằng chữ giáp cốt xuất hiện ở phương Nam đã cách nay 6000 năm, và vương triều Thương-Ân đã dùng chép sử cách nay không quá 3600 trăm năm. Cho phép chúng ta suy luận rằng bên cạnh những từ ngữ và chữ viết cổ hai nước dùng chung, người Việt Văn Lang vẫn tiếp tục phát triển tiếng nói và chữ ký âm của mình.
Trải qua 10.000 năm thiên di lên phía Bắc , hậu duệ người Việt cổ tại Hoa Bắc và cả Hoa Nam không biết, hoặc không sử dụng ngôn ngữ Việt tại đất tổ Văn Lang đã tạo ra một lượng từ ngữ mới tinh nghĩa và diễn cảm hơn lớp từ cổ. Một lượng kim văn phát sinh khổng lồ, đến đời Lê Thánh Tông là đủ thay thế cho cổ văn, thể hiện trong ca dao và thơ quốc âm. Nhờ vậy sau này Nguyễn Du mới viết một tuyệt tác tiểu thuyết trường thiên dạng thơ lục bát. Kho từ ngữ kim văn mà truyện Kiều sử dụng , phải được sáng tạo và tích lũy trước đó hàng ngàn năm, mới đủ khả năng thay thế cho toàn bộ cổ văn.
Người Việt đọc thơ Đường, cổ văn và kim văn người Hoa hiện nay có thể hiểu 80% từ ngữ. Trong khi người Hoa nếu đọc tác phẩm Kiều có thể hiểu được 20%, còn lại 80% phải tra từ điển. Nhưng nếu người Hoa đọc một bài thơ của những tác giả hiện nay, ví dụ bài "Paris có gì lạ không em của Nguyên Sa" có thể không hiểu một từ nào. Một tỉ lệ đối nghịch với người Việt. Nói cách khác kim văn đã thay thế 80% -90% từ ngữ trong cổ văn Tiếng Việt chứ không phải là tiếng thuần Việt thay tiếng Hán như hiện nay vẫn nhiều người lầm tưởng.
Lê Nghị
4 nhận xét:
Quan điểm của em là phải thuyết phục bằng cách truy tìm gốc gác của từ vựng.
Em cho rằng "Chạp" có nguồn gốc từ "Lạp" là chắc chắn ạ. Nhưng từ "Lạp" có phải nguồn gốc Hán Hoa thì phải xem tiếp. Và dưới đây em gợi ý cho bác xem chữ "Lạp" từ đâu ra?
真臘 = Chân Lạp;
臘日 (Nhật Lạp) = Ngày tế lễ cuối năm;
大臘 (Đại Lạp) = Tất niên;
夏臘 (Hạ Lạp) = Tuổi tu hành của tăng sư Phật giáo, tu hành được một năm thì gọi là một "hạ lạp"
臘腸 (Lạp tràng) = Lạp xưởng
臘魚 (Lạp ngư) = Cá ướp muối hong khô
Qua từ gốc và từ ghép, ta có thể suy luận được nhiều điều:
- Lạp có nguồn gốc chữ Nôm
- Lạp có nguồn gốc từ tên dân tộc Thủy Chân Lạp, nó biểu thị vùng đất có tiết khí cuối năm nắng hanh heo
- Lạp có nguồn gốc từ nôi sinh Phật giáo Nguyên thủy (Việt Nam)
Dân tộc Việt (Kinh) là tộc người lai tạp… đến nay còn chưa rõ nguồn gốc (Bố mày là ai ?). Gène thì gần Người Thái, gần Mã Lai đa đảo… Ngôn ngữ vay mượn của Hán tới 70/100, ngữ pháp giống Tiếng Thái, nhiều “từ” tiếng Viết xuất phát từ Tiếng Thái: cày bừa, đường đi, con Vịt, đôi đũa…
- vậy “tháng giêng” có thể xuất phát từ tiếng Thái: Chiêng là tháng giêng , ăn Tết là “kin chiêng”… xin mời các Cụ tham khảo?
Giêng, hai, ba, tư... cho tới Chạp là âm Nôm, tiếng Việt.
Người Tàu đặt tên các tháng là Dần, Mão, Thìn, ...tháng 12 là tháng Sửu.
Không hiểu sao các ngài tiến sĩ lại đồng nhất tháng Chạp là tháng thịt ( lạp) theo kiểu người Tàu?
Chúc quý bạn ngày Valentin vui thật nhiều nhé!
https://1.bp.blogspot.com/-Y4V3h_0q8vA/YCkmdRDemXI/AAAAAAAATpE/-hTg5dTBf04L1q2vVAMsEjAAS0difDvrgCLcBGAsYHQ/w400-h400/valentine.gif
Đăng nhận xét