BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

KÝ ỨC VỀ TRƯỜNG XƯA, BẠN CŨ: LÊ MINH VÀ NHỮNG THỦ KHOA TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ - Nguyễn Đặng Mừng


Tác giả Nguyễn Đặng Mừng.    

Duyên cơ đã cho tôi được quen thân cả ba thủ khoa vào đệ thất Trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, Lê Minh niên khóa 1965, Lê Đức 1966, và Nguyễn Đức Tùng 1967. Đậu vào Nguyễn Hoàng đã khó, đậu thủ khoa là một vinh dự. Cả ba rất giỏi các môn khoa học mà lại đặc biệt yêu văn chương. Chúng tôi thường trao đổi với nhau những cuốn sách văn học, những tạp chí hay như Văn, Bách Khoa, Văn Học thời đó.
 
Số phận của ba thủ khoa ấy giờ thế nào?
 
+ LÊ ĐỨC (Thủ khoa khóa NH 66-73 *)
 
Đức đang ở lại quê nhà làm nghề nông. Mỗi lần về quê tôi thường ghé thăm. Đức tỏ ra an phận, ít quan tâm về thời sự văn học. Có lần tôi ngồi chờ Đức trước sân nhà, nhìn những đụn rơm Đức dự trữ để làm nấm, những con gà mạ đơn độc đi quanh vườn, lại nhớ mạ Đức. Xưa tôi thường ghé nhà Đức mỗi thứ bảy chủ nhật, được mạ Đức cho ăn bánh đúc thật ngon, nhớ hoài. Đức về, mặt hơi đỏ vì uống rượu. Đức bảo hiện tau làm trưởng họ, đến ngày giỗ cũng mặc áo cháo chè lạy căn giữa, oai ra phết.
Đức được sống cùng làng xóm, ở đó có nhiều kỷ niệm, an nhiên tự tại, điều mà những bạn bè tha hương có người thèm khát.
 

Ngày xưa Đức đọc sách văn học nhiều, lại phân tích khá tinh tế những tác phẩm cùng đọc với nhau thời trung học. Qua Đức tôi biết thêm nhiều bạn học giỏi và mê văn chương, đặc biệt Nguyễn Văn Dũng, người có ảnh hưởng rất lớn đến lòng đam mê văn chương của tôi sau này. Có người tôi biết rất rõ mà mới được quen trong vài năm lại đây như Tôn Nữ Tuấn Nam. Nam,  người luôn đứng đầu lớp thời đệ nhất cấp, bạn thân của  Đức bảo, anh Đức, anh Dũng  mới giỏi, Nam chỉ được cái siêng thôi.  Năm 1972 gia đình Đức “chạy ra” còn Đức thì “chạy vô” để ôn thi tú tài.
 
Ở Đà Nẵng Đức và tôi thường lên trại sư đoàn 3 thăm anh Khản, anh ruột Đức. Bọ mạ Đức và vợ con anh Khản ở lại Quảng Trị, trong bom đạn không biết sống chết thế nào. Có lần thấy anh Khản đang “chơi đồ hàng” một mình với nhiều đồ chơi trẻ con. Mình định thắc mắc thì Đức ra dấu đừng nói chi, anh sẽ khóc đấy. Trên đường về Đức bảo anh Khản nhớ con, hàng ngày thường ngắt lá làm châu chấu cào cào, lấy giấy xếp thuyền, máy bay, chơi một mình.
 
Buồn tình, dù đang được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, Đức đã nạp đơn vào học viện cảnh sát.
Tháng 6/2010, tôi có dự buổi gặp gỡ bạn cũ lớp Tứ 5. Sau đó hai bạn Đức và Nam chở nhau qua Nhan Biều viếng đám mạ Tùng và thắp nhang cho Nguyễn Văn Dũng có mộ ngay vườn nhà. Dũng tử trận ở miền Tây, cùng nơi với Lê Minh, hai đứa không được gặp lại cha mạ sau 1975.
 
Dũng, một học sinh giỏi, một bạn làm thơ hay và buồn. Thời đó con gái ở phố đi học nhiều hơn thôn quê, lại nhiều người đẹp. Anh chàng kiệm lời Nguyễn Văn Dũng hiếm khi nói chuyện với con gái. Một lần bị bạn gái chọc là mặt tái đi, tay run như phải rét.  Vậy mà không biết để ý em nào bên phố, qua bờ tre ven sông  Thạch Hãn, lại làm thơ nhắn gửi, thơ rằng:
 
BÊN GIỌT ĐÔNG PHAI
 
Chiều cuối năm buồn qua giọt nước
Khoanh tay mà đứng đợi ai đây
Thèm ánh mắt ru lòng về phố
Bên xứ người chắc lắm men say
Mùa xuân lại một lần mực thắm
Thêm một lần lửa ấm trên môi
Sao tôi vẫn thắp hoài điệu cũ
Bướm của thời lá biếc đâu ơi
Tôi thả khói bên bờ cửa sổ
Mơ một ngày cổ tích Đông Phương
Thời mới lớn mang nhiều mộng dữ
Xin với người xuân đã như sương.

(Đã đăng trên giai phẩm Hội Mùa Xuân Nguyễn Hoàng năm 1972)
 
Tụi mình thích chọc để thấy Dũng run run tay và nổi quạu. Mình tra vấn, “bài thơ ni tặng ai, Q, T hay TN. Chắc không phải T rồi, vì T đâu ở phố, chỉ có Q và TN thôi”. “Bên xứ người chắc lắm men say” là người ta có bồ rồi nên mi thất tình làm thơ phải không”. Dũng nổi quạu thật sự, tay run lên nói dân văn chương mà ngu, suy luận tầm bậy.  Vậy là cả tuần anh chàng không thèm nói chuyện với ai.
Ấy là mùa xuân cuối cùng của tuổi thơ, của những bài thơ -dậy thì thời trung học của chúng tôi.
 
Dũng thường thư từ với tôi qua KBC. Thơ Dũng lúc này không còn thơ mộng như thời đi học, nó buồn tủi, đau đớn và vô vọng,  như vận vào số phận mình:
 
Ngày mai qua cuộc phong trần
Tàn phai giọng bướm một lần sang sông.
 
Bướm đâu có tiếng kêu tiếng hót như chim. Nhưng bướm đẹp và hiển linh, tiếng kêu thầm của loài bướm lạc đàn nhập vào những số phận oan khiên bay vất vưởng, nên tức tưởi, nên đau.
 
+ NGUYỄN ĐỨC TÙNG (Thủ khoa khóa NH67-74 *)
 
Thầy Nguyễn Bảo dạy nhiều môn thời Tùng học đệ nhất cấp nói rằng: “Thấy tên Nguyễn Đức Tùng khỏi chấm, cho 20/20 điểm thì ít khi sai”.
Thời học Nguyễn Hoàng Tùng sống khép kín, ít giao du.  Qua nhà mới thấy ngoài việc học giỏi ở lớp Tùng còn là người rất mê sách báo. Tùng có thói quen đọc tạp chí là rọc tới đâu đọc tới đó (thời đó tạp chí Văn và Bách Khoa thường không xén, phải dùng dao rọc mới  mở trang ra được). Trong làng quê Nhan Biều yên ắng, dưới tàn cây khế cây xoài hằng ngày Tùng miệt mài với chuyện học, đọc sách. Tùng đọc sách nhanh mà nhớ rất kỹ. Nơi chốn ấy đã làm nên những câu thơ đầu đời. Tôi thân với Dũng (anh Tùng), thường qua Nhan Biều chơi, có khi ở lại qua đêm. Tôi vẫn xem Tùng như em, một học sinh gầy, cao, học lớp 9. Cho đến ngày Tùng được giải thưởng thơ giai phẩm Hội Mùa Xuân Nguyễn Hoàng năm 1972, tôi mới thấy ấy là một tài năng. Xin chép lại bài thơ, với những xúc cảm dậy thì của Tùng theo trí nhớ:
 
THIÊN NHIÊN
 
Quên rồi màu lá cây xưa
Chút thương nhớ đó vàng chưa khi về
Bao nhiêu tóc ướt chưa thề
Mai xa tiếng gió còn nghe trên đồi
Ta run giọt nước yêu người
Hỏi cây với lá ngâm ngùi trao thân
Còn mưa nắng lạ đôi lần
Bao  nhiêu tâm sự rất gần rất xa.
 
Cái ngập ngừng của tuổi mới lớn thật đáng yêu làm sao. Muốn lớn lại muốn còn thơ ngây. Dứt áo với tuổi thơ để được làm “người lớn”, lại dùng dằng nửa đi nửa ở. Tay run giọt nước yêu người, hỏi cây với là ngậm ngùi trao thân. Hỏi ai, hỏi anh Dũng với anh Mừng ư, chịu, biết mô!, nên Tùng chỉ hỏi cây và lá, lá ổi, lá khế, hay nhiều khi lá … Diêu Bông cũng nên. Nên cả đời Tùng vẫn …đi tìm lá… Lá thơ chăng?
Thầy Đỗ Tư Nhơn quả có mắt xanh khi có riêng một giải thưởng đặc biệt về đứa học trò hoàn hảo Nguyễn Đức Tùng.
 Khá thành đạt trên đường học vấn, văn chương... Qua bao biến động thời cuộc, kịch tính của đời mình Tùng đã vượt qua được. Có thể ý chí và nghị lực của Tùng cũng hình thành từ cái nôi Nguyễn Hoàng thuở ấy.


 Xin trích “lý lịch” của Tùng trên bìa cuốn sách “Thơ Đến Từ Đâu”, nhà xuất bản Lao Động, một cuốn sách phê bình gây nhiều  tranh cãi, theo dạng phỏng vấn văn học:

Định cư tại Canada. Tốt nghiệp đại học Mc Master, nội trú Đại Học Toronto và UBC, Canada.Làm việc trong nghành cấp cứu tại một bệnh viện ở BC, là bác sĩ chấm thi của hội đồng y khoa Canada. Đang theo học trên đại học về nghiên  cứu giáo dục, đại học UBC.
Làm thơ, dịch thuật và viết phê bình trên tạp chí văn học trong và ngoài nước. Đã có vài tác phẩm in ở Việt Nam.
 
 + LÊ MINH  (Thủ khoa khóa NH65-72 *)
 
 Đệ nhị cấp tôi mới vào Nguyễn Hoàng. Học sinh trường tư muốn vào Nguyễn Hoàng phải đứng trong top 5 đứa đầu mới được dự thi, mà cũng có khi rớt, mới biết được học Nguyễn Hoàng vinh dự nhường nào.
 Nhà tôi ở gần ngã ba Long Hưng, xóm tập trung khá đông học sinh Nguyễn Hoàng. Phần nhiều những đứa lên cấp 3 từ An Thái, Đại Nại tối thường lên tá túc ở xóm tôi.
 
Lớp 10C chúng tôi có Nguyễn Văn Dũng, anh ruột Nguyễn Đức Tùng, thuộc loại giỏi văn trong lớp. Dũng giới thiệu Lê Đức với tôi, là học sinh xuất sắc thời đệ nhất cấp. Biết hoàn cảnh Đức tối về làng An Thái không được an toàn cho việc học hành, tôi xin ba mạ cho Đức ở lại nhà. Rồi Đức lại giới thiệu Lê Minh, em con chú ruột Đức, tôi lại cũng sắp xếp ở nhà chị tôi trên đường Lê Huấn, gần trường NH. Thế là ba đứa thường xuyên gặp nhau trên đường đi học. Đức bảo Lê Minh mới siêu, đệ tam đứng đầu lớp C, lên đệ nhị đứng đầu lớp B. Việc đứng đầu lớp thường là những học sinh thông minh và siêng năng, Minh thì trán cao, mắt sáng, tinh anh phát tiết ra ngoài, còn khoản siêng thì không. Anh chàng đi chơi tối ngày, hết nhà tôi lại sang ở lại nhà Phú bên đường Hồ Đắc Hanh. Mỗi lần Minh ghé nhà tôi sợ nhất là mất sách. Chờ tôi sơ hở là thế nào Minh cũng chôm một cuốn. Đọc xong lại chuyền cho bạn bè đến mất luôn. Nhiều khi tức anh ách, định gặp mắng cho một trận, vậy mà gặp hắn cứ cười nhơn nhơn, bảo sách là của chung, cất trên giá là có tội. Trong đời tôi chưa gặp đứa bạn nào như Minh, anh chàng đến đâu là vui như hội. Nhưng Minh không phải là người vô tâm . Vui vẻ, độ lượng, hết mình với bạn bè. Minh chấp nhận tất cả mọi người, nhưng không chấp nhận những người không trung thực.
 
 Mạ và chị tôi vài ngày không thấy Minh là hỏi thăm. Mạ kể  lần Minh ra trường mặc quân phục đến chào mạ tôi, lúc đó đang tạm cư ở Non Nước,  mạ hỏi răng không lo học hành mà rủ nhau đi lính hết. Minh bảo, mệ lo chi, mươi lăm năm nữa mấy đứa học sư phạm may lắm thì cũng hiệu trưởng trường NH, còn cháu lúc đó là đại tá tỉnh trưởng Quảng Trị. Tụi hắn xây trường mới cháu sẽ cắt băng khánh thành cho coi. Mạ tui mắng, ông nội mi, đi đầu tên mũi đạn lo mà giữ thân, mi là thóng mắm đầu chàn của cha mạ mi đó nghe chưa. Thằng Minh cười hề hề. Ai ngờ lần đó hắn “đi” luôn.
 
Vào trại tạm cư Non Nước chúng tôi miệt mài ôn bài để thi còn Minh vẫn rong chơi.  Gia đình “chạy ra” nên Minh sống với chị Mẫn (chị ruột Minh) và bạn bè. Khi thì nhà Phú, lúc lại nhà Thọ. Ít khi nghe Minh nhắc về nỗi đau ly tán. Minh hay nói khỏa lấp mỗi khi ai nhắc đến. Năm đó Minh thi rớt tú tài 2. Một Lê Minh đỗ bình tú tài một lại thi rớt tú tài 2, cùng Nguyễn Văn Thọ qua trung tâm 1 trình diện đi lính.
 
Thời tôi học Thủ Đức, Minh cũng học chuyên ngành ở trường Cây Mai. Khóa có hàng ngàn sinh viên mà Minh vẫn được chọn từ thi trắc nghiệm tâm lý,  về phòng 2 TTM, nơi mà cả con ông cháu cha thời đó cũng mơ ước.
 Thứ bảy chủ nhật đi chơi Sài Gòn, nhiều khi hết tiền đi bộ từ Sở Thú về Hàng Xanh để bắt xe lam về trại.
 
Ra trường tôi không liên lạc được với Minh. Tết năm 1974 tôi về phép ghé thăm Nguyễn Văn Phú thì nghe Minh đã mất. Phú khóc kể trong nước mắt, “Một hôm trên đường đi học vê thấy chiếc xe nhà binh chở một quan tài chạy về hướng Quảng Trị. Trong tích tắc tau linh cảm ấy là Minh. Thế là tau bay ra Quảng Trị và về An Thái.  Đám Minh không có người thân, cha mạ Minh đang ở đâu phía Bắc không biết sống chết thế nào. Chỉ có tau và chị Mẫn cùng dân làng hồi cư đưa Minh về huyệt mộ”.

Minh đi vĩnh viễn, Minh được nằm lại với quê hương làng nước, nơi Minh thường mơ ước qua lá thư gửi Phú vào những ngày xa quê: “Tau có giấc mơ lớn là được về nằm ngủ một giấc trên chiếc giường tre của mạ”. Ngủ một giấc dài như nhân vật Johann Moritz trong Giờ Thứ 25 của Gheorghiu, cuốn sách mà chúng tôi từng chuyền tay nhau đọc. Không biết có nàng Suzanna nào khóc không, khóc cho một chàng trai tân mà đến lúc chết chắc là chưa một lần cầm tay con gái. Có mối tình nào trong tuổi học trò của Minh không? Theo Nguyễn Văn Long, bạn cùng lớp với Minh là trong sổ tay có bài thơ Tóc Xỏa Ngang Lưng  của nhà thơ Lưu Nguyễn Trần:
 
Mai anh đi rồi bé có buồn không
Mai anh đi nhớ bé vô cùng.
Nhớ mắt buổi chiều nghiêng bóng xế
Nhớ môi cười áo trắng rung rung
………………………………
 
Gần 40 năm rồi chúng tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt Minh, nhớ tiếng cười sang sảng của hắn, nhớ những câu chỉ Minh mới có: “Không đói bụng lắm nhưng gặp cơm thì ăn chút để…hút thuốc cho ngon”.  Năm ngoái Phú ghé thăm tôi, một buổi chiều mưa ngồi với nhau cũng chỉ nhắc thằng Minh.
 
Tháng 6 vừa rồi nhân về họp mặt NH, Lê Đức đưa tôi vào nhà thắp nhang cho Minh. Gần bốn mươi năm tôi mới thấy lại di ảnh của Minh. Minh đơn côi trên chiếc bàn thờ gỗ mốc meo. Trong lờ mờ nhang khói đôi mắt sáng quắc của Minh nhìn tôi như trêu chọc, “ê, M ơi sống chi cho mệt. Như ta đây mới sống nì. Tau chết nhưng vẫn sống trong lòng tụi bay, đúng không. Nhớ sống cho ra sống, nghe chưa”.
 
Mạ Minh không nhớ tôi, mạ yên lặng cầm tay tôi nói nhỏ, bạn thằng Minh đứa mô cũng tốt. Phú có ghé thăm bác, tội nghiệp khi mô về đây nó cũng khóc.  Tôi chào Bác, lủi nhanh qua các bụi tre, mắt cay xè. Và cơ hồ lao xao trên ngọn tre như có tiếng Minh rượt theo nói trong tiếng cười khanh khách, ngạo nghễ; “Ê, chạy à. Nghe nói nì. Mi biết tau hiện mần chi không, là tỉnh trưởng tỉnh QT dưới âm phủ đó nghe chưa, ha ha, ha ha”. Đêm đó ở lại Long Hưng tôi nằm thao thức, lơ mơ chiêm bao cứ thấy Minh, văng vẵng xa gần những tràng cười trong trẻo của hắn.
 
Chạnh nghĩ, nếu không có chiến tranh thì biết bao nhiêu tài năng thời trung học Nguyễn Hoàng được thăng hoa. Như Đức, Dũng và đặc biệt như Lê Minh giờ sẽ thế nào.
Lại nhớ trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trịvà châm ngôn giáo dục Văn, Thể, Mỹ một thời.
       
                                                               Sài Gòn chiều 21/8/2010.      
                                                                   Nguyễn Đặng Mừng.   
 

5 nhận xét:

Huong Que nói...

Anh Bâng khuâng ơi.
Những người bạn tốt của anh ôi thật là kì diệu.
Anh và những người bạn của anh chắc là lớn hơn HQ.
HQ năm 1975 HQ chỉ học lớp 10 thôi anh à.
HQ xin chia buồn cùng gia đình anh đã mất đi một người mẹ trong mùa covit nhé.

HẰNG NGA nói...

HN sang thăm chúc anh chiều cuối năm ấm áp và đón mừng một năm mới nhiều may mắn THỊNH VƯỢNG -CÁT TƯỜNG nhé anh!

http://1.bp.blogspot.com/_YHg7Lq_tprk/TR4YVt_lh2I/AAAAAAAAAjo/g6jPB7a6dNc/s1600/1.gif

Bâng Khuâng nói...

Năm 1975, mình đã học xong Trung học đệ nhị cấp (lớp 12) rồi. Chúc Huong Que cùng thân quyến năm mới 2022 những điều tốt đẹp nhất !

https://4.bp.blogspot.com/-pFMtIgOuURA/VJH0C9fjFPI/AAAAAAAABcQ/Xttmv5nMpPI/s400/newyear_12.gif

Bâng Khuâng nói...

Chúc Hằng Nga cùng thân quyến năm mới 2022 an khang hạnh phúc nhé!

http://1.bp.blogspot.com/-ceONUCjQ0mQ/VKHWQNDGB4I/AAAAAAAAC4U/jNJHWsBl8O0/s1600/HappyNewYearRosesColours.gif

muctim nói...

Năm mới dương lịch 2022 lại về. MT thân chúc anh và gia đình mọi điều tốt đẹp , bình an anh nhé
https://image.over-blog.com/oPsgloFjqIxK1cpmDly1TTH5n8U=/filters:no_upscale()/image%2F0946180%2F20211124%2Fob_620663_gif-bonne-annee-meilleurs-voeux-2022.gif