BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

PHẠM NGỌC THÁI VÀ CHÙM THƠ QUÊ HƯƠNG THA THIẾT

Trích trong tập 64 BÀI THƠ HAY, Nxb Hồng Đức 2020

   
MẸ QUÊ HƯƠNG
 
Kỷ niệm 8/3: Tưởng nhớ về mẹ yêu thương
(Bài thơ viết trong chiến tranh)
                                                          
Gió đưa cánh võng lưng đèo
Thoảng như tiếng mẹ buông vào canh sâu...
"Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"
 
Mẹ ru Kiều giữa đêm giông
Cho con say giấc mơ nồng tuổi xanh
Mẹ ru Kiều giữa năm canh
Nuôi con trong mái nhà gianh phố nghèo
 
Con qua trăm núi trăm đèo
Còn nghe tiếng mẹ chiều chiều vẫn ru
Đường dài theo nhịp võng đưa
Trăng mơ bóng núi con mơ bóng chiều
 
Con ăn một búp măng vầu
Đã quen như lá rau bầu quê hương
Những ngày lạt muối, đói cơm
Con lùi thêm khúc sắn thơm lửa hồng.
 
Mẹ ơi! Trời rộng vô cùng
Thương con mẹ nhớ đừng buồn, mẹ nghe!
Sương rơi ướt vạt cỏ khuya
Chỉ lo mẹ ở miền quê thức hoài
 
Mẹ giờ tóc đã hoa mai
Sáu mươi đời mẹ hai vai nước, nhà...
Một thân mẹ sống trọn già
Tiễn chồng rồi (lại) tiễn con ra chiến trường
 
Mẹ hiền muôn nỗi nhớ thương
Đêm nay con trẻ tìm đường thăm quê
Mẹ đừng khóc nhé, mẹ nghe!
Chín năm xa một lần về trọn vui.
 
Ngẩn ngơ nên gió bồi hồi
Nhìn trăng bóng đã ngả dài núi xa...
 
                        Phạm Ngọc Thái
  Viết khi tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975
 
 
ĐẤT NƯỚC TÔI YÊU               
                 
Ta nằm xuống thảm cỏ quê hương
Hát một bài ca về Đất Mẹ
Sông, núi, bầu trời qua bao thế hệ
Vẫn ngọt ngào như câu ca dao
 
Mẹ đã nuôi ta trong mưa nắng dãi dầu
Ta lớn lên thành người con đất nước
Dân tộc tôi gặp nạn nhiều và cũng nhiều tủi cực
Nhưng rất giàu yêu thương bao la.
 
Việt Nam ơi!
Ta gọi tên hai tiếng của ông cha
Qua 4.000 năm dân vẫn còn nghèo đói
Hết giặc ngoại xâm. Lại lũ quan tham giày xới...
Đánh thắng bao quân thù mà mãi chửa "tròn Nhân".
 
Ôi, đất nước ta yêu quí vô ngần
Thế kỉ XXI rồi, người ơi!
Chẳng lẽ cứ câu ca dao "ngày tám tháng ba" hát mãi
Hãy mở thật rộng cửa trời Mỹ, trời Âu
Vừa lấy thế chống giặc phương bắc tràn vào
Vừa mở mang kinh tế...
Cụ Phan Châu Trinh đã dậy rồi:
"dân trị tức pháp trị"
Không có gì bằng "khai dân trí"!
 
Ôi, đất nước tôi yêu!
Ta sống làm người của non sông. Chết làm ma đất nước.
Dẫu chưa theo được bước chân cường quốc
Hãy thương lấy ngọn cỏ quê hương
Đói khát, khổ nghèo lòng nguyện thủy chung
Không theo gót Tàu Bang hại giống nòi, dân tộc
Để con cháu muôn đời không ô nhục.
      
 
TIẾNG HÁT ĐỜI THƯỜNG
(Thơ viết trên thư gửi về cho vợ)
                                                                                                    
Trong một phố nghèo có người vợ trẻ                                           
Vẫn đón con đi, về... như thường lệ                                                       Vóc em thanh cũng thể mùa xuân                                       
Đôi mắt em: đôi mắt ấy màu đen.
 
Ngôi nhà nhỏ bên đền
Gốc đa, quán báo
Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon (*)
Đêm hồ nước trăng soi
Chiều lá me, lá sấu
Cung thành xưa dấu đại bác còn. (**)
 
Ôi quê hương!
Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội
Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi
Chưa tối đã khêu đèn bê mẹt thuốc rao đêm
Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội.
 
Miền đã theo tôi vào cuộc Trường Sơn
Hành quân rừng già, võng treo sườn gió...
Ai biết chiều nay người vợ trẻ
Đứng mong chồng bên đứa con thơ
Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu!
 
Tuyết bạc quê người... xứ sở mưa cau...
Đi đâu, đến đâu: nhớ về phố ấy!
 
Đôi mắt em buồn cho bài hát anh ca
Con sẻ hót mênh mông đồng nước
Người hát rong hát vui sân ga
Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát
Anh hát cho đời...
Anh hát em nghe...
                        
                              Nước Đức - tháng 2/1989
                                      Phạm Ngọc Thái
 
(*) Gợi lại câu chuyện bà Thị Lộ thời con gái đi bán chiếu gon ở Hồ Tây, đã gặp ông Nguyễn Trãi. Sự tích còn truyền tụng đến ngày nay.
(**) Là hình ảnh mặt thành Thăng Long Cửa Bắc cố đô xưa, còn in dấu đạn đại bác từ thời giặc Pháp bắn vào. Thành Thăng Long thất thủ, quan Tổng đốc Hoàng Diệu phải thắt cổ để tuẫn tiết.

Không có nhận xét nào: