BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

TIẾNG KHÓC GIỮA RỪNG KHUYA – Truyện ngắn của Đinh Hoa Lư




Khoảng thời gian mới sau 1975 rừng Tân Thắng thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (bây giờ là tỉnh Bình Thuận) còn rậm rạp âm u. Rừng bạt ngàn đầy gỗ quý như sao, gõ kiền trắc... đếm không xuể. Cây dầu còn mọc dày mọc ken đặc với nhau. Thợ làm nghề rừng Tân Thắng không cần vào sâu cũng có cây dầu thừa mứa đi lấy dầu bán cho bạn ghe thuyền đánh cá vùng biển Lagi. Dầu ở đây không phải là dầu chạy máy mà để trét ghe cho nghề làm cá ngoài biển Hàm Tân.                           
 

Nghề lấy dầu rái
 
MA RỪNG
 
Tư Cầu hôm nay đánh xe bò vào sâu trong rừng để kiếm thêm vài khúc gỏ lớn hơn. Vì hám lợi gã mới ra trễ. Rừng còn rậm có nghĩa còn lâu mới ra con đường mòn chính cho xe bò. Theo con đường mòn chính này gã mới về đến Tân Thắng được. Trời đã khá chiều, bóng rừng đại ngàn bắt đầu đen xỉn lại làm Tư Cầu phát hoảng. Gã càng lúc càng gấp rút đánh cái roi vào lưng con bò nghe đen đét.
 
Con đường mòn này do gã và một số thợ rừng mới phát ra nên chưa được thông cho lắm. Tội nghiệp con bò gầy, nó vừa gắng kéo hai khúc gõ lớn vừa bươn cho nhanh theo lằn roi vun vút của gã. Hai bánh chiếc xe bò thi nhau leo lên mấy cái gốc cây bị đốn từ trước làm xe như muốn nghiêng suýt hất hai khúc gỗ ra ngoài. Mặt Tư Cầu đỏ gay, mồ hôi ướt cả cái ao ka ki bộ đội.
 
Thỉnh thoảng hắn cúi gập đầu xuống tránh mấy cái vòi cây mây nước đang lúc lắc trước mắt gã. Tư Cầu ngán những cái vòi mây nước này vì chúng đầy những cái móc nhọn hoắc như vuốt mèo chúng có khi cào rách cả áo gã hay treo cái mũ vải lên cao. Rừng Tân Thắng nổi tiếng rậm, kéo dài vào tận Núi Bể. Thời gian này chưa ai vào đến đây nên giờ này dỉ nhiên rừng vắng ngắt. Gã hết nghe tiếng chim, chỉ còn những tiếng vượn hú dài lê thê như tiếng ai tru khóc khiến gã hơi rợn người.
 
Bỗng tim gã như muốn ngừng đập, lông tóc gã như muốn dựng đứng cả lên, tất cả làn da của gã như muốn nổi gai ốc.
Trời ơi! rõ ràng có hai đứa nhỏ khoảng ba bốn tuổi mặt mày lem luốc co rúm lại theo tiếng khóc, hai tay chúng quơ cào như muốn chận chiếc xe gã lại.
 
Ma rừng, ma rừng! Trời ơi ma rừng!
Bao nhiêu câu chuyện ma của rừng thiêng mà Tư Cầu nghe kể giờ hiển hiện trong óc gã chỉ trong thoáng giây. Nào ma lai rút ruột hay ma cái trong rừng, có khi là quỷ rừng; nhưng những con ma này có thể biến thành con nít kêu khóc nữa vì con nít nào mà ở trong rừng rậm giờ này?
 
Bao nhiêu sợ hãi, rùng rợn làm Tư Cầu quất roi như điên như dại vào mông con bò đang thở hồng hộc. Sau lưng gã là những cái tay chới với cùng tiếng gào khóc the thé như đuổi theo gã và chiếc xe bò đang nghiêng ngã băng theo lối mòn độc đạo trong cánh rừng rậm rạp nói trên.
 
Tiếng khóc xa dần và im hẳn. Giờ Tư Cầu mới dám cho con bò đi chậm lại. Người và vật đều thở hồng hộc; gã mừng rú vì đằng xa đã thấy thấp thoáng ánh sáng con đường chính rộng rãi mà xe bò năng đi.
 
ÁC PHỤ
 
Vợ chồng Năm Thòn sống nhờ rừng. Nhờ rừng ở đây không có nghĩa là vào rừng cưa gỗ. Thời này những gã thợ rừng có con bò để vào rừng cưa gỗ thì thuộc loại giàu có, không thể gọi là nghèo "rớt mồng tơi " giống vợ chồng Năm Thòn được. Hai vợ chồng sống nhờ rừng nói ở đây có nghĩa là ngày này tháng nọ cứ mịt mù trong rừng hái lá sương xâm. Một ngày nếu họ siêng năng có thể hái được vài ký lá tươi bỏ cho con buôn tận La Gi để họ làm thức uống giải khát. Năm Thòn có hai đứa trai liền nhau; đứa sau ba tuổi còn thằng anh hơn nó một tuổi thôi. Cái nhà lá dột nát, vách che cũng bằng lá nhìn lên thấy "ông trăng ông sao" tuy vậy mà gã chồng chưa có ngày nào nghỉ để đi kiếm lá về lợp nhà. Cái nghề hái lá sương xâm đắp đổi qua ngày, "được đồng nào xào đồng đó ". Ngày nào không có lá thì xem như nhà Năm Thòn đói vì giá sương xâm quá hạ, rẽ như bèo. Cái đói nheo nhóc của hai đứa con không làm vợ chồng gã kiếm cách đổi nghề. Mà gã chẳng biết nghề gì nữa ? buổi giao thời giật gấu vá vai lại thêm gã lại là tay ghiền rượu, sau 1975 gã lại uống nhiều thêm!
 
Con vợ của gã cũng chẳng hay ho gì, mọi chuyện đều chiều chồng. Túng quẩn thì họ đánh đập con suốt ngày, con đẻ ra mà coi như con ghẻ ! Tội nghiệp hai đứa nhỏ chúng thuơng nhau hàng ngày chịu đựng cảnh ba mẹ nó hành hạ lại còn để hai anh em nó lại trong căn lều, sắn khoai bữa đói bữa no, ngoài ra không có gì khác, cho đến tối mịt ba mẹ nó mới về đến nhà.
 
Ngày nọ thật lạ ! ba mẹ nó cho ăn bữa cơm có cá kho khô với thịt heo ! lại lạ thêm một điều vì bữa ăn đó được mẹ chúng nấu thật sớm. Ba mẹ nó bảo hai đứa con ăn cho no và đi vào rừng phụ kiếm lá sương xâm.
 
Đường vào rừng càng lúc càng xa, vợ Năm Thòn đôi lúc càu nhàu vì hai đứa con than mỏi chân nhưng ba mẹ chúng bảo phải gắng vì vào sâu trong rừng mới có lá nhiều?! Hai anh em nó vừa sợ vừa mệt nhưng có ba mẹ nên chúng cũng vững tâm. Đến một lúc hai đứa nhỏ không còn đi nỗi nữa ! Cả hai đều khóc rưng rức không dám khóc to vì sợ ba nó đánh. Bỗng nhiên ba mẹ nó dừng lại. Hai đứa nhỏ thấy giờ đây rừng toàn cây to, che cả ông mặt trời. Tội nghiệp hai anh em nó da thịt bị gai rừng cào xước máu chảy đầy cả cánh tay.
  - Hai đứa ngồi đây nghe chưa đợi má hái lá đầy rồi về.
  - Dạ
 
Hai thằng nhỏ ngồi im thin thít nghe lệnh má nó, tuy linh tính thằng anh thấy điều gì khác thường làm nó sợ trong bụng lắm. Má hai thằng nhỏ vừa đi vừa dặn thằng anh đầu; hình như mắt má nó có cái nhìn là lạ - chằm chặp vào hai anh em trước phút bỏ đi.
 
  - Má ơi ! má ơi ! má đâu rồi má ơi con sợ quá má ơi, ba ơi !
Thằng em đã khóc từ lâu; còn thằng cu anh bây giờ mới biết sợ nó không còn kiên nhẫn chịu đựng "cái lệnh "của ba má nó rằng bắt nó phải chờ nữa vì hai anh em nó chờ vợ chồng Năm Thòn gần ba tiếng đồng hồ rồi!
 
Rừng càng chiều càng âm u, vài con thú kêu "rồn rột, rồn rột" quanh hai anh em khiến chúng kêu khóc to thêm.
   - Ba ơi ! má ơi ! ba má đâu rồi má ơi?
Thằng em khóc to hơn làm thằng anh bắt đầu sợ và khóc theo tiếng khóc của em.
   - Má ơi, đừng bỏ con má ơi!
 
Trước khi má nó bỏ hai anh em nó, thằng anh có cái linh tính sao sao làm nó rất hồi hộp nhưng không dám nói gì chỉ nghe và tin rằng ngồi yên. Khi ba má nó kiếm lá đầy rồi sẽ khỏi tìm chúng và mau ra khỏi cánh rừng này.
 
Hai anh em bắt đầu ra khỏi chỗ đợi, càng kêu khóc càng lạc thêm. Rừng càng rậm, cảnh vật càng tối dần lại theo ánh chiều tà. Dưới những tàn cây đen sì bóng râm chỉ có tiếng khóc hai đứa nhỏ vang vang. Thằng anh vừa dắt em lần mò dưới mấy lùm cây đầy gai góc. Nó ước gì gặp ba má nó và chấp nhận bị đánh đòn nhiều gấp trăm lần cũng được, còn hơn bị bỏ rơi trong cảnh rừng rùng rợn này.
 



Bỗng cả hai không hẹn mà dừng hẳn tiếng khóc vì chúng nghe vẳng tiếng người ! tiếng roi đánh bò ! hai anh em nó thường nghe trong xóm mỗi khi có người đánh xe bò đi ngang. Không kể gai góc, quên cả mệt và đói, chúng bươn về phía tiếng đó. Vừa chun ra khỏi bụi, thằng anh thấy ngay một con bò đang kéo chiếc xe gỗ và một người đang ngồi ở trên xe đang ra sức vừa hò hét vừa 'oánh' roi tron trót!
   - Ông ơi, ông ơi cho con về với, ông ơi!
Thằng anh vừa gào khóc vừa huơ tay kêu cứu ông đánh xe, thằng em đang chun ra khỏi bụi gai vừa khóc theo anh nó.
 
Cả hai đứa nhỏ thoáng thấy ông ta miệng mồm há hốc. Chiếc xe bò không dừng lại mà phóng nhanh hơn nữa, ông đánh xe bò càng quất roi túi bụi vào mông con bò. Chiếc xe khuất mau trong bóng cây, thằng anh vừa kêu vừa khóc ngất cho đến khi không còn nghe tiếng la hét của ông đánh xe bò...
 
Trời tối thật rồi.  Hai anh em nó khát nước lắm. Bụng chúng càng đói do hai anh em nó ăn bữa cơm cuối cùng từ sáng sớm tinh mơ. Thằng anh cứ ôm lấy thằng em dưới gốc cây dầu. Hai đứa chẳng dám kêu vì quá sợ màn đêm đen kịt đang bủa vây.  Rừng tối đến nỗi thằng anh không còn thấy cái mặt ràn rụa nước mắt của thằng em chút nào?
 
Thằng cu em hình như đã mê hẳn đi trong vòng tay bé nhỏ của thằng cu anh. Thằng cu anh tuy bốn năm tuổi nhưng dưới đời sống đói khổ và đòn roi nó dày dạn như đứa trẻ lên bảy tuổi. Lạnh quá nó cứ ôm ghì lấy em nó...
 
 Cánh rừng thiêng càng khuya càng thâm u kinh khiếp, càng nhiều tiếng kêu lạ lùng ghê rợn hơn thêm ! Trong ánh đen ken dày của cây rừng đậm đặc, họa hoằn lắm mới có thấp thoáng vài lỗ hổng để thấy vài ánh sao khuya.
 
Dưới gốc dầu cổ thụ già có tiếng rên nho nhỏ của một đứa bé. Chợt một bóng đen phóng vụt qua kèm theo một tiếng thét của một đứa nhỏ, rồi bóng đen khác tiếp tục lướt qua một tiếng hét hãi hùng ngắn gọn của đứa trẻ khác vang lên.
 
Trong màn đêm đen tối đó, rừng thiêng chỉ còn nghe được tiếng gầm gừ của một bầy thú đang giành nhau ăn mồi.
 
 
Cầu Suối Đó (Tân An, Hàm Tân, Bình Thuận)
 
QUẢ BÁO
 
Người ta thấy lạ, lâu rồi ít nghe tiếng con nít khóc vì bị đánh đập mỗi khi Năm Thòn say xỉn. Cái xóm ở sâu vào trong nên ít người qua lại căn nhà tranh của hai vợ chồng Năm Thòn. Thiên hạ cũng mừng, cho là hai vợ chồng hồi tâm, hiền lành hẳn lên nên hai đứa bé bớt khổ. Mấy năm hai đứa nhỏ quá cực khổ do thiếu ăn lại còn bị đòn roi.
Mọi sự thay đổi hẳn. Tối nọ, khi cả làng đi rừng rẫy về ai nấy đều nghe rõ tiếng đấm đá thình thịch của thằng Năm Thòn và tiếng con vợ nó khóc tru tréo lên. Tiếng hét của Năm Thòn theo ngọn gió từ huớng vịnh Phan Thiết thổi tới nghe rõ mồn một.
 
- Con đĩ kia, con mầy đẻ ra mà mày còn bỏ trong rừng cho thú ăn thịt, huống gì tao mai mốt tao nằm xuống thì mầy cũng để chó nhai xương?
 
Cả làng rùng mình- thì ra chuyện "Ma Con Nít" mà thằng Tư Cầu bên xã kia kể lại trong làng là không phải rồi. Đó là hai đứa con của vợ chồng nó rồi. Thời gian đã mấy năm, âm báo ra sao hôm nay thằng Năm Thòn uống rượu say hét lên làm người ta mới biết. Người ta đồn chẳng sai, vợ thằng Thòn có hai con mà bỏ chồng theo trai, tức là Năm Thòn, lời đồn không sai. Ai nầy trong làng đều ghê rợn và ngậm ngùi cho cái chết oan ức rùng rợn của hai đứa bé đau khổ kia. Thời buổi đói kém, ai lo nhà nấy, biết chuyện vậy đành gạt nước mắt chua xót trong lòng vì ngày mai nguòi vào rừng kẻ vô rẫy không ai huỡn mà bàn thêm chuyện tào lao.
 
Vài tháng sau người ta không thấy Năm Thòn đâu nữa, nghe đâu hắn trốn đi biệt tích chẳng hề cho con vợ hắn biết. Bên bụi tre cạnh cầu Suối Dứa vài tuần sau dân làng lại giật bắn người vì thấy con vợ Năm Thòn bỗng hóa điên, đầu tóc rối bời, áo quần rách nát, ngồi bên bờ tre miệng không ngớt tiếng hò ru con...

Rõ ràng quả báo!
Người trong làng ai cũng lắc đầu nhìn người đàn bà ác phụ mà buông tiếng thở dài.
 
                                                                                ĐINH HOA LƯ
                                                                              Edition 20/3/2021
 

Không có nhận xét nào: