Nhân
ngày đầu năm Tân Sửu, ước mơ rằng một nhà thơ, nhà văn Việt Nam sẽ làm vinh
danh nước Việt “Đoạt giả Nobel Văn chương”
Từ Vũ
Alfred
Nobel – người đã để lại di chúc thành lập Quỹ Nobel và giải thưởng mang tên
ông.
A
- ĐÔI HÀNG VỀ ALFRED NOBEL
Sinh năm 1833 tại Stockholm, Thụy Điển. Alfred
Bernhard Nobel là người con trai thứ ba của một người phát minh tài nghệ bình
thường.
Thông minh và hiếu kỳ, ngay lúc trẻ Alfred Nobel đã
quan tâm đến khoa học và đặc biệt về hoá học.
Theo học tại Saint-Pétersbourg vì sự làm ăn của người
cha và sau đó tại Hoa Kỳ. Tốt nghiệp, Nobel tự học hỏi bên cạnh những nhân vật
nổi danh như Ericsson, một nhà phát minh Thụy Điển rồi sau đó Alfred đi khắp Âu
Châu để hoàn chỉnh sự hiểu biết của mình.
Trở lại Nga, Alfred Nobel làm việc với người cha tại
cơ sở sản xuất vũ khí tại Saint-Pétersbourg, (cơ sở này bị đóng cửa vào năm
1888). Cậu Alfred cùng với người cha đi Hoa Kỳ và đã làm thí nghiệm lần đầu
tiên những thí nghiệm khoa học về sự ổn định của chất nitroglycérine, một hợp
chất hoá học rất độc hại.
Năm 1867, tại Thụy Điển, Alfred Nobel hiệu chỉnh thuốc
nổ dynamite : Một phát minh vĩ đại, nhưng không may ngay từ đầu cũng đã nhuốm
máu của người em út ruột thịt và 4 nhân viên trong một vụ nổ tại phòng thí nghiệm
ở Heleneborg.
Nhờ vào phát minh "giết
được một lần thật nhiều người" này , Alfred Nobel đã tạo được 80 nhà
máy sản xuất chất nổ trên khắp thế giới và trở nên một người vô cùng giầu có.
Tuy nhiên về đời sống cá nhân Alfred Nobel không được "vinh quang" như việc phát minh.
Có từ tâm nhưng lại cực kỳ rụt rè, Nobel không biết nhiều về chuyện liên hệ
tình cảm, không có vợ và lẽ cố nhiên cũng chẳng thể có con. Alfred Nobel qua đời
ngày 10 tháng 12 năm 1896 - hưởng thọ 63 tuổi - tại một ngôi nhà của ông ở San
Remo - Ý Đại Lợi trong cánh tay của một gia nhân, không sự hiện diện của một
thân nhân quyến thuộc nào.
Tài sản khi đó ước lượng khoảng hơn 104 tỷ dollars hiện
tại.
Ngày Alfred Nobel qua đời cũng là ngày ông để lại một "di sản được tạo bằng chất nổ và cũng
chứa đầy chất nổ" : Khởi sự những rắc rối quanh lá chúc thư của Alfred
Nobel.
Có thể vì hối hận, hoặc cũng có thể vì vừa muốn đánh
bóng lại hình ảnh mình mà báo giới vào thời kỳ này đã lên tiếng công kích mãnh
liệt lại vừa được lưu danh hậu thế... Alfred Nobel quyết định để tài sản của
mình lại cho một ý đồ cao qúy : Tạo lập một cơ sở để tưởng thưởng hàng năm cho
những ân nhân của nhân loại về 5 lãnh vực như mọi người đều biết : Hoá Học, Vật
Lý, Văn Chương, Hoà Bình và Sinh Lý - Y Khoa.
Di
chúc của Alfred Nobel yêu cầu sử dụng 94% tài sản của ông để trao các giải
Nobel.
Cách hành xử của Alfred Nobel tạo ra những luận chiến
dữ dội, không phải vì nội dung mà trên mặt thể thức. Ông không để lại một chút
nào cho các anh em ông vì Alfred không bao giờ hợp với các người anh em và
Alfred cho rằng "để lại tài sản sẽ
chỉ tạo ra những tai họa lớn và sự ăn không ngồi rồi cho những người thừa kế
...".
Trên phương diện thể thức, di chúc của Nobel không hợp
lệ vì Alfred Nobel viết di chúc không có sự hiện diện của một người đại diện luật
pháp và Alfred Nobel cùng lúc cư trú tại rất nhiều quốc gia khác nhau (Thụy Điển,
Pháp, Ý), luật pháp nước nào có thể áp dụng cho bản chúc thư này ? Nên phải qua
rất nhiều sự mặc cả trước khi ân huệ thi hành chúc thư được dành cho Thụy Điển
và di chúc của Alfred Nobel được nghiên cứu để chính thức hoá vào những ngày từ
05 đến 09 tháng 2 năm 1897 tại các toà án Stockholm và Karlskoga.
Sự việc trên đã tạo ra những khuấy động trong giới
chính trị và khoa học Thụy Điển. Báo giới tại nước này tham chiến với những cuộc
bàn cãi sôi nổi. Giới trưởng giả Thụy Điển lên án Alfred Nobel là "phản quốc", một kẻ "hoà bình phân lập". Người ta
kết tội Alfred Nobel đã chọn lựa Nghị Viện Nay Uy để thực hiện việc bầu cử Ủy
ban Giám khảo giải thưởng Hòa Bình như một tổn thương đến sự chế ngự của Thụy
Điển tại Na Uy, vào lúc mà sự tương quan giữa hai nước đang ở trong một tình trạng
cực kỳ tế nhị. Hoàng gia Thụy Điển phải xử dụng tất cả sức mạnh của mình để đè
nén sự công phẫn.
Cuối cùng, nhờ vào sự kiên trì của một trong những người
phụ tá, Ragnar Sohlman (*), và của vị cố vấn pháp luật Carl Lindlagen, những
nguyện vọng cuối cùng của Alfred Nobel được tôn trọng và áp dụng: Năm 1898 - mọi
người tìm ra được giải pháp với sự đồng ý của những người thừa kế, qua sự tiếp
tay nỗ lực dàn xếp của Emmanuel Nobel, cháu của Alfred và người đại diện "
chi họ ở Nga " - những người anh em và cha Alfred định cư tại Saint-Petersbourg.
(*)
Trong tập The Legacy of Alfred Nobel, Ragnar Sohlman, The Bodley Head, London,
1983 - Ragnar Sohlman đã viết kể lại tất cả những "ảo thuật, phương kế của
ông ta đã xử dụng để đem được về Thụy Điển tất cả tài sản của Alfred Nobel và
thuyết phục vua Thụy Điển thi hành chúc th .
B
- VÀI CHI TIẾT NÊN BIẾT VỀ NOBEL VĂN CHƯƠNG
1 - GIẢI THƯỞNG VĂN CHƯƠNG RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Trong lãnh vực Văn Chương, Alfred Nobel đã viết
"Giải thưởng phải trao cho một tác giả mà tác phẩm văn chương có sự cảm hứng
lý tưởng vượt trội nhất".
Alfred Nobel cũng mong ước rằng, 18 thành viên vĩnh viễn
suốt đời trong ban giám khảo của viện Hàn Lâm Thụy Điển - được thành lập 100
năm trước đó theo khuôn mẫu của Hàn Lâm Viện Pháp - là những người sẽ thực hiện
những lời di chúc của ông. Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã do dự nhiều tháng trước
khi nhận lời để thực hiện trách vụ cực kỳ gay go với sự định nghĩa ghi trong bản
di chúc mà người ta có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau trong việc trao tặng
giải thưởng.
4 năm sau khi Alfred Nobel qua đời, ngày 29 tháng 6
năm 1900, Oscar II - vua nước Thụy Điển - lúc này cũng là vua nước Na Uy ban sắc
lệnh về quy chế Cơ sở (Fondation) Nobel và năm 1901 là năm đầu tiên - cùng với
những giải thưởng Nobel khác - Nobel Văn chương được phân phát để tưởng thưởng
cho một nhà văn , ân nhân của nhân loại, mà công việc được xem như một đóng góp
xuất sắc vào những lãnh vực kiến thức, nghệ thuật và văn hoá.
Sully Prudhomme đã được ban giám khảo ưa chuộng hơn là
Léon Tolstoï để nhận lãnh giải thưởng thứ nhất .... việc chọn lựa đúng hay
không đúng, hợp lý hay không hợp lý đâu có gì là quan trọng mà quan trọng chính
là viện Hàn Lâm Thụy Điển đã chấp nhận đảm trách thực hiện lời di chúc của
Alfred Nobel để phát giải mà !. Bước khởi đầu như vậy là "tuyệt vời" rồi ! Hàn Lâm Thụy Điển chẳng cần gì phải để
ý đến hàng chục ngàn lá thư phản đối từ khắp nơí gởi đến cho họ.
Tuy nhiên trên thực tế : Người ta biết rất nhiều về
Léon Tolstoï hơn là Sully Prudhomme.
Qua những sự kiện xảy ra từ năm 1900 tới nay (2009) với
những chứng cớ rõ rệt, tư tưởng chọn lựa ứng viên được trao tặng giải Nobel biến
đổi theo ngày tháng : Từ sự đòi hỏi một cách mãnh liệt của vị bí thư vĩnh viễn
Hàn Lâm viện Thụy Điển vào năm 1900 đặt trên những nguyên tắc đạo đức và tư tưởng
cơ đốc giáo đã chuyển sang chủ nghĩa đa cảm toàn cầu thật vô cùng khác biệt của
những vị trong ban giám khảo hiện nay.
Nobel Văn Chương được thiết lập bằng "chất nổ" và lẽ tự nhiên hàng
năm nó vẫn được Ủy Ban Nobel ở Stockholm tiếp tục cho "nổ" thay Alfred Nobel tuy nhiên may mắn thay cho nhân loại
: 5 vụ nổ mỗi một năm không có người nào trong văn giới bị chết như khi Alfred
Nobel còn sống.
2- 18 VỊ TRONG BAN ỦY BAN GIÁM KHẢO NOBEL LÀ NHỮNG AI
?
3 thế hệ khác nhau: giáo giới, văn sĩ, dịch giả kề cận
trong viện Hàn Lâm tại Stockholm. Theo chữ cổ của người Thụy Điển, người ta gọi
những vị trí thức này là "de aderlon"
: "bọn 18". Từ 30 năm nay,
những thành viên của viện Hàn Lâm đã mở cửa cho phái nữ và nhiều người trẻ tuổi...
và những người... Thiên Chúa giáo. Tất cả, trên nguyên tác, ngoài ngôn ngữ vùng
Bắc Âu, phải thông thạo tiếng Anh, và phần đông tiếng Pháp và tiếng Đức. Tuy
nhiên, để cho mọi thành viên trong ban giám khảo có thể nắm được những sự tinh
tế của các tác phẩm, bắt buộc tác phẩm của một tác giả phải được dịch sang tiếng
Thụy Điển (không thể nắm rõ được con số tác phẩm của mỗi tác giả là bao nhiêu
cuốn được dịch và được đọc).
Hàng năm, trước ngày 01 tháng Hai, khoảng 100 tên tác
giả được đề nghị bởi những "nhân vật
có thẩm quyền" (ví dụ : một nhà văn đã đoạt giải Nobel trước đó): những
thành viên Hàn Lâm viện, những giáo sư ngôn ngữ, văn chương. Sau đó, mỗi thứ
Năm kể từ 17 giờ, thành viên hội đồng Nobel (05 vị Hàn Lâm được trúng cử với
nhiệm kỳ là 3 năm) trình bầy sự chọn lựa của mình với 04 vị khác. Sau mỗi phiên
họp, lần lượt nhiều ứng viên bị rơi đài. Cuối tháng 5, hội đồng Nobel quyết định
bằng một bản danh sách gồm có 5 tác giả - bản danh sách này được giữ thật bí mật.
Khi vị bí thư vĩnh viễn (Permanent Secretary) nhận thấy
đa số thành viên hội đồng Nobel đã cùng đồng ý chọn lựa một tên tác giả nào đó,
ông cho triệu tập tất cả các thành viên của Hàn Lâm viện tới tham dự một buổi họp
vào ngày thứ Năm sau đó , lúc 11 giờ 30 (thường thì buổi họp diễn ra những ngày
đầu của tháng 10). Một tiếng đồng hồ rưỡi sau, tên người trúng giải được loan
báo chính thức.
3- LÝ DO GÌ MÀ GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG LẠI NỔI DANH ?
Chắc chắn đa số những nhà văn, nhà thơ mơ ước đoạt giải
Nobel vì lý do vật chất nhiều hơn những điều khác bởi lẽ số tiền thưởng cao hơn
bất kỳ một giải nào khác trên thế giới.
Theo bản di chúc của Alfred Nobel đã ghi rõ rệt thì tất
cả tài sản của ông phải được xử dụng để làm vốn (đầu tư vào bất động sản) và tiền
lời sẽ được chia ra làm 5 phần dành cho 5 giải thưởng hàng năm. Từ hơn một thế
kỷ nay, số vốn này đã được người Thụy Điển quản lý một cách cực kỳ cẩn thận nên
số tiền lời đã đem lại để có thể chia đồng đều khoảng hơn 1 triệu Euros cho mỗi
giải thưởng.
Tuy nhiên rất có thể vì giải Văn chương được bao quanh
bởi các giải Nobel khác, 3 giải về Khoa Học và 1 về Hoà Bình. Sự kiện này cũng
làm cho dư luận quần chúng bị nhầm lẫn, chính vì thế nên khi Alexandre
Soljenitsyne, qua đời vào tháng 8 - 2008, rất ít người có thể nói được rằng nhà
văn từng ly khai của nước Nga này đã được trao giải Nobel Văn Chương hay Nobel
Hoà Bình.
4- SÁCH CỦA TÁC GIẢ TRÚNG GIẢI CÓ BÁN ĐƯỢC NHIỀU HAY
KHÔNG ?
Phần đông các tác giả trúng thưởng cũng đã lừng danh
trước khi nhận giải Nobel, bằng chứng là rất nhiều người đã qúa quen thuộc tên
tuổi, tác phẩm của Ernest Hemingway, Rudyart Kipling, Kuigi Pirandello , André
Gide hay William Faulkner ... trước khi được trao giải. Tuy thế, giải Nobel
cũng đã đóng góp cho sự nổi tiếng của Samuel Beckett và năm 1978, đã quảng cáo
cho Isaac Bashevis Singer lúc đó trên thế giới, ngoài Hoa Kỳ, ít người biết tới.
Một tác giả càng ít được người ta biết thì khi có giải Nobel tác giả này càng
được sự tò mò của độc giả tìm mua đọc. Đây là trường hợp của Imre Kertész,
Orhan Pamuk hoặc Gao Xingjian (Nobel Văn Chương-Chính Trị) và... lại càng được
người ta khám phá, tìm hiểu và ca ngợi tài năng giống hệt như lời tuyên bố của
Hàn Lâm Viện Thụy Điển khi trao tặng giải thưởng nhưng tốt hơn hết là khi được
trao giải thì cùng năm đó tác giả được giải nên cho xuất bản một tác phẩm.
Một trường hợp ngược lại, những sách của Claude Simon
- tác giả người Pháp- lại chẳng bán chạy hơn một chút nào ngay tại nước Pháp sau
khi được trao Nobel Văn Chương năm 1985 vì lẽ giản dị : sách của tác giả này đã
có những độc giả trung thành từ...rất lâu.
5- CÁC VỊ GIÁM KHẢO CỦA GIẢI NOBEL ĐÃ PHẠM VÀO NHỮNG
SAI LẦM GÌ ???
Trong một bài báo gây chấn động văn giới xuất hiện
trên tờ New York Times Book Rewiew vào mùa thu năm 1984, George Steiner đã tố
cáo sự chọn lựa của Hàn Lâm Viện Thụy Điển như là "một sự sỉ nhục vào trí óc phê phán". Ông vạch rõ cho mọi
người biết rằng Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã nhắm mắt gạt qua những James Joyces,
Franz Kafka, Marcel Proust, Joseph Conrad, Herman Broch, Robert Musil , và
Henry James.
Bảng tên này còn có thể được thêm vào : Émile Zola ,
Leon Tolstoï, D.H.Lawrence, Goerge Orwell, Virginia Woolf, Alfred Jarry, Mark
Twain, Joseph Conrad, Henrik Ibsen, August Strindberg, Henry James, Guillaume
Apollinaire, Rainer Maria Rilke, Fernando Pessoa, Paul Valéry, Ossip
Mandelstam, Anna Akhmatova, Marina Tsvetaiéva, Vladimir Maïakovski, Constantin
Cavafy, Franz Kafka, Marcel Proust, Robert Musil, Hermann Broch, Joseph Roth,
Karl Kraus, Alfred Döblin, James Joyce, Louis-Ferdinand Céline, Ezra Pound,
Gertrude Stein, Francis Scott Fitzgerald, John Dos Passos, Carson McCullers,
George Orwell, Federico Garcia Lorca, Rafael Alberti, Jorge Luis Borges, René
Char, Tristan Tzara, Louis Aragon, André Breton, Antonin Artaud, Paul Eluard,
Georges Bataille, Emil Cioran, Maurice Blanchot, Raymond Queneau, Georges
Pérec, Roland Barthes, Nathalie Sarraute, Julio Cortazar, Léopold Sedar
Senghor, Cesare Pavese, Witold Gombrowicz, Sadegh Hedayat, Lao She, Mishima
Yukio, Jan Jacob Slauerhoff, Danilo Kis, Paul Celan, Thomas Bernhard, Ingeborg
Bachmann, Ernst Jünger, Vladimir Nabokov, E E Cummings, William Burroughs,
William Carlos Williams, Arthur Miller, Tennessee Williams, William Styron,
Bertolt Brecht, Jean Giono, Paul Claudel, André Malraux, Nikos Kazantzaki (vì
ông này bị Giáo Hội Thiên Chúa và Chính Thống giáo khai trừ ???), Michel Butor,
Aimé Césaire, Carlos Fuentes, Erri De Luca, Aharon Appelfeld, Antonio Lobo
Antunes, Hugo Claus, Pierre Mertens, Philip Roth, Paul Auster, Thomas Pynchon,
Don DeLillo, Cormac McCarthy, Joyce Carol Oates, Dag Solstad, Edouardo Menzona,
Sven Age Madsen, Botho Strauss, Monika Van Paemel, Lioudmila Petrouchevskaïa,
Jordan Radickov, Tadeusz Konwicki, Ismail Kadaré, Einar Karason, Arto
Paasilinna, Arundhati Roy, Salman Rushdie, Hans Magnus Enzensberger, Martin
Walser, Peter Handke, Christa Wolf...
Một trong số những vị Hàn Lâm có quyền thế nhất vào thế
kỷ thứ 20, Authur Lundkvist, đã ngăn chận rất nhiều lần không cho Graham Greene
được có tên trong danh sách.
Những tác giả như : Philip Roth, Joyce Carol Oates,
Milan Kundera, Clade Magris có nằm trong bản danh sách tên những tác giả lừng
danh trên thế giới bị Stockholm gạt tên ra ngoài hay không ?
Thử hỏi : ngày nay còn được bao nhiêu người nhớ được
những cái tên như Paul Heyse (Nobel 1910), Frans Emil Sillanpää (Nobel 1939)
hay gần đây nhất Wislawa Szymborska (Nobel 1996) ???.
Vài ví dụ nhỏ :
- Năm 1989, nữ văn sĩ Kerstin Ekman và thi sĩ Werner
Aspenstroem đã cùng từ chức Hàn Lâm Thụy Điển để phản đối việc nhà văn Salman
Rushdie bị gạt ra khỏi giải Nobel vì nhà văn này đang bị những người Hồi giáo cực
đoan lên án tử hình vì viết sách phản lại đạo.
- Năm 2000, dịch giả tác phẩm của Gao Xingjian để xuất
bản ở Thụy Điển từ năm 1970 , ông Goeran Malmqvist, không ai khác hơn lại là một
trong những vị Hàn Lâm Thụy Điển - việc này đã làm giới phê bình văn chương
cũng hao tốn giấy mực bàn cãi sôi nổi vì cho rằng các vị Hàn Lâm đã piston - đặt
quyền lợi cá nhân (bản quyền dịch giả), tình quen biết rất nặng nề trên bàn cân
khi chọn lựa người được giải (Los Angeles Times -Wednesday, November 01, 2000
-Carol J. Williams).
- Việc chọn lựa và trao giải Nobel cho nhà văn nữ
Elfriede Jelinek vào năm 2004 chẳng những đã làm hao tốn rất nhiều giấy bút vì
những chỉ trích, bàn luận, cãi cọ ... của giới phê bình văn chương mà còn tạo
ra thêm những cuộc tranh cãi dữ dội trong Hàn Lâm Viện Stockholm . Sự kiện này
đã làm cho Knut Ahnlund từ chức Hàn Lâm vào năm 2005 vì ông cho rằng việc trao
giải Nobel cho nhà văn nữ người Áo này là "một chấn thương nặng nề, tạo ra
những thiệt hại không thể sửa chữa được trong văn chương nói chung và cho danh
tiếng của giải Nobel nói riêng".
Trầm trọng hơn thế nữa, ban giám khảo Hàn Lâm Viện Thuỵ
Điển và "bọn 18 người"
không chỉ "quên" mà họ còn
... "đi trật đường rầy" khi
trao giải cho một Derek Walcott năm 1922, Wislawa Szymborska năm 1996... những
nhà thơ, nhà văn chẳng một người nào biết đến tên ngay chính tại quê hương của
hai vị này.
6- NGƯỜI TRÚNG GIẢI CÓ ĐƯỢC QUYỀN TỪ CHỐI HAY KHÔNG ?
Vào tháng 9 năm 1964, tiếng đồn đãi không ngớt về việc
Jean Paul Sartre đoạt giải Nobel. Khi tin này đến tai Sartre, ông cầm bút viết
vài giòng gởi cho bí thư Hàn Lâm viện Thụy Điển :
"
Vì những lý do cá nhân và nhiều lý do khách quan khác, tôi ước mong rằng tên
tôi không hiện diện trong bản danh sách những người có thể đoạt giải và tôi
không thể, không muốn, không vào năm 1964, cũng không vào những năm khác, chấp
nhận sự trọng đại vinh dự này."
Nhưng lá thư ông gởi đã không đến kịp người nhận. Cuộc
bỏ thăm diễn ra vào ngày 22 tháng 10. Sartre "bị" chọn và sau đó đã từ chối : "Nhà văn phải biết từ chối khi bị người ta biến mình thành công
cụ của một cơ quan", ông giải thích về việc này.
André Malraux, lúc đó là bộ trưởng văn hoá của chính
quyền Pháp, phẫn nộ tuyên bố rằng Sartre từ chối nhận giải Nobel vì Sartre
không có khả năng để mặc bộ đồ smoking ...
Nhà văn khác cũng từ chối nhận giải Nobel đó là Boris
Pasternak:
Năm 1957 quyển tiểu thuyết Docteur Jivago ra mắt độc gỉa
tại Ý vì tại Liên Sô tiểu thuyết này đã bị cấm xuất bản. Một năm sau, 1958
Pasternak được Hàn Lâm viện Thuỵ Điển công bố trao tặng giải Nobel Văn Chương.
Nhưng Khrouchtchev, Thủ Tướng Liên Sô vào thời đó, đã nhắn với Parternak rằng:
hãy chọn giữa giải thưởng và sự lưu vong suốt đời. Boris Pasternak đã chọn quê
hương ông để rồi hai năm sau, nhà văn đã nhắm mắt qua đời trong sự buồn phiền.
Gần đây, theo một nhà sử học - ký giả tại đài phát thanh Svoboda (Tự Do), người
Nga, ông Yvan Tolstoi, thì việc Boris Pasternak được trao giải Nobel Văn Chương
là có sự can thiệp của C.I.A với mục tiêu nhằm làm lung lay chế độ Cộng sản
Liên Sô.
Vài ví dụ :
Trường hợp nhà văn John Steinbeck (Hoa Kỳ) Nobel Văn
Chương 1962, người cực lực ủng hộ cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong thời
kỳ Lyndon Johnson làm Tổng Thống hoặc trường hợp nhà văn Heinrich Böll (Đức)
Nobel Văn Chương năm 1972, người đã làm việc suốt 10 năm với C.I.A phải chăng
cũng đã được giải nhờ vào sự can thiệp của C.I.A ? .
7- GIẢI NOBEL CÓ THỂ LÀ MỘT BÌNH PHONG CHE CHỞ CHO MỘT
SỰ ĐÀN ÁP CHÍNH TRỊ HAY KHÔNG ?
Nếu giải Nobel đã làm cho chính quyền Liên Sô trừng phạt
Boris Parsternak và nhà văn Tiệp Khắc Jaroslav Seifert (Nobel 1984) bị quản
thúc chặt chẽ hơn bởi chính quyền nước này thì hình như nó cũng giúp vào việc
che chở cho một vài nhà văn trúng giải hoặc có dụng ý rõ rệt về chính trị:
- Nhà văn Nigéria Wole Sojinka (1986) người cáo buộc một
cách không mỏi mệt tình trạng hỗn độn và sự hung bạo đang chế ngự tại nước ông,
không phải lo lắng cho lắm vì giải Nobel mà ông nhận đã làm cho những kẻ thù của
ông phải nản lòng trong việc bịt miệng ông. Tuy nhiên trong thực tế, phần ông,
ông vẫn cảm thấy có một sự đe dọa trên tính mạng ông một cách thường trực.
Và, một Nobel Văn Chương - Chính Trị khác nữa được
trao tặng cho một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ - Orhan Pamuk, lúc này đang ở trong tình
trạng cực kỳ nguy hiểm tại nước Thổ và bị chính quyền Thổ truy tố trước toà án
vì dám tố cáo công cuộc diệt chủng người Arménie của Thổ và Hồi giáo cực đoan.
- Trường hợp nhà văn Pháp gốc Trung Hoa Gao Xingjian
(Cao Hành Kiện), tỵ nạn chính trị tại Pháp sau vụ Thiên An Môn năm 1989, và
chính quyền Pháp cho nhập tịch được phát giải Nobel Văn chương : Giải Nobel chỉ
nhằm mục đích lưu ý mọi người trên thế giới chú tâm đến một nhân vật chống đối
mãnh liệt chế độ ở Bắc Kinh và khuyến khích những người tranh đấu nhân quyền, tự
do... trong nước Trung Hoa mà thôi chứ thực sự thì về mặt văn chương nhà văn Gao
Xingjian cũng không thể nói được là một cây bút trứ danh lừng lẫy nhất, nhì tại
Trung Hoa và người ta tự hỏi : Nếu Gao Xingjian không có quốc tịch Pháp thì liệu
ông này có được phát giải Nobel Văn chương hay không ??? Cũng phải nói thêm 1 chi tiết nhỏ : từ ngày nhận
được giải Nobel Văn Chương tới nay hình như văn hứng của nhà văn Nobel này cũng
không còn được nhiều lắm và ông quay sang hoạt động kịch nghệ nhiều hơn. (Nên
nhớ lại : Trước năm Gao Xingjian được giải Nobel, chính quyền Trung Hoa đã lên
tiếng cảnh cáo cơ sở Nobel về việc phát giải Hoà Bình cho một thành viên người
Trung Hoa ly khai chống đối chế độ nên việc phát giải cho Gao Xingjian cũng để
Hàn Lâm Viện Thụy Điển chứng tỏ rằng họ là một cơ sở hoàn toàn độc lập, không bị
một ảnh hưởng nào mua chuộc, không e sợ bất cứ một áp lực nào... (???)
8- NGƯỜI ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG CÓ THỂ TUYÊN BỐ LUNG TUNG ĐƯỢC
KHÔNG ?
Trước đó ngay tại Portugal (Bồ Đào Nha) đã có rất nhiều
tranh cãi về những sự tấn công của ông chống đối lại Thiên Chúa giáo, José
Saramago (Nobel 1998), khi đến thăm Ramallah- Palestine- vào năm 2002 với tư
cách là thành viên của phái đoàn Nghị viện các nhà văn, đã so sánh tình trạng
người Palestine như những nạn nhân của chế độ Đức quốc xã tại trại Auschwitz -
một trại tập trung và thủ tiêu với hơn 1, 3 triệu nạn nhân người Do Thái gồm
đàn ông, đàn bà và cả trẻ em . Và, thế là, Nobel hay chẳng Nobel, sách của José
Saramago đã bị tẩy chay lập tức ở Israel (Do Thái).
Năm 2006, Günter Grass (Nobel 1999), một khuôn mặt
không thể bỏ qua được của tả phái từ hơn nửa thế kỷ nay, bị phát hiện có dính
líu đến Waffen-SS của chế độ Đức Quốc Xã đã bị toà án quốc tế Nuremberg liệt kê
vào danh sách tổ chức tội ác . Thế là phe hữu Đức đã cao tiếng đòi hỏi nhà văn
này phải trả lại giải thưởng Nobel nhưng chủ tịch Cơ quan (Fondation) Nobel Thụy
Điển đã lên tiếng rằng : giải phát rồi không bao giờ nhận lại.
Gần đây nhất, 2007, nữ văn sĩ Doris Lessing đã làm cho
rất nhiều người phải nghiến răng khi bà tuyên bố trong nhật báo El Pais rằng cuộc
khủng bố xảy ra tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 10 năm 2001 còn gây ra ít nạn nhân hơn
là những cuộc khủng bố của IRA (Irish Republican Army) - Ai Len.
9- CÓ NÊN LÀ MỘT NHÀ VĂN DẤN THÂN ĐỂ ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG
KHÔNG ?
Chiếc thang giá trị của những nhà Hàn Lâm phản ảnh những
gì đang xảy ra trong xã hội vào thời kỳ những vị này sống. Sau khi ca tụng
phong văn lớn, khám phá những tác phẩm với tầm vóc phổ thông, săn đuổi những
nhà văn canh tân, hoan hô những người cộng sản, trợ lực những kẻ bị đàn áp,
nâng cao giá trị nữ giới, bảo vệ người da đen và nhìn nhận văn chương của thế
giới Á Rập... Trong thời kỳ chúng ta đang sống này những vị Hàn Lâm ở Stockholm
hình như cũng chẳng biết rõ rệt họ sẽ phải ủng hộ lý do gì được nữa.
Vào ngày mà họ công bố tên người được giải, các vị
trong ban giám khảo giải thích những lý do mà họ chọn lựa - lý do nhiều khi mù
mịt, lờ mờ chẳng ai hiểu nổi được (mà họ cũng có cần người ta hiểu để làm gì chứ
? - tiền là tiền của Alfred Nobel chứ có phải là tiền của bà con thiên hạ nào
đâu !).
Chính thế nên nhà văn Ai Cập Naguib Mahfouz đã được tưởng
thưởng vào năm 1988 vì: "một tác phẩm rất giầu bằng sự đổi thay những tiếng
vang, lúc thì lượn quanh thực tế với một độ dữ dội, lúc lại phủ đầy một sự đa dạng
gợi cảm"- hoặc tưởng thưởng nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska bằng lý do: "vì thơ của thi sĩ này, với sự chính
xác một cách trớ trêu, cho phép trong bối cảnh lịch sử và sinh học được biểu lộ
qua những mảnh thực tế của con người". - (quả thực ngôn từ của các vị
Hàn Lâm mà những người bình thường không thể nào có khả năng, trình độ để hiểu
tuy nhiên cũng đừng nên hiểu làm gì cho "mệt
trí" ) hay tạm dễ hiểu hơn một chút trường hợp Imre Kertész - «pour une œuvre qui dresse l'expérience
fragile de l'individu contre l'arbitraire barbare de l'histoire » - "cho một tác phẩm sắp đặt bằng sự trải
nghiệm cá nhân bấp bênh dễ vỡ đối kháng sự độc đoán dã man của lịch sử".
Nếu so sánh với : "Giải
thưởng phải trao cho một tác giả mà tác phẩm văn chương có sự cảm hứng lý tưởng
vượt trội nhất" hoặc nhà văn, ân nhân của nhân loại, mà công việc được
xem như một đóng góp xuất sắc vào những lãnh vực kiến thức, nghệ thuật và văn
hoá" mà Alfred Nobel ước mơ khi đặt bút viết bản chúc thư thì quả... xa lắc
xa lơ !.
Một điều thật rõ rệt, suốt từ mười năm qua, về mặt
chính trị, không một nhà văn dấn thân nào của Hữu phái lại được tưởng thưởng.
Nhà văn Mario Vargas Llosa, ứng viên chống lại Tả phái trong dịp tranh cử Tổng
Thống tại Pérou, quê hương ông, năm 1990, cho tới nay vẫn bị gạt tên ra khỏi bản
danh sách. Trong khi đó, Jorge Luis Borges - nhà văn người Á Căn Đình
(Argentine) cũng không bao giờ đưọc giải vì... một bức hình chụp ông đang bắt
tay nhà độc tài Pinochet của nước Chili và ủng hộ chế độ độc tài ở quê hương
ông.
10- 10 CÂY BÚT ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ THẬT XỨNG ĐÁNG ĐỂ NHẬN
GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG
Trong bản danh sách dài hơn 100 người được nhận giải
thưởng Nobel Văn Chương được phân phát từ năm 1901 cho tới nay (ngoại trừ những
năm 1914 -1918-1935-1940-1941-1942-1943) những cây bút được tất cả mọi người
công nhận là thật sự xứng đáng khi nhận lãnh giải Nobel chỉ đếm được trên đầu
ngón tay gồm 10 người :
Isaac Bashevis Singer (Nobel 1978) - Samuel Beckett
(Nobel 1969) - Ernest Hemingway (Nobel 1954) Winston Churchill (Nobel 1953) -
François Mauriac (Nobel 1952) - Williamn Faulkner (Nobel 1949) - Luigi
Pirandello (Nobel 1934) - Henri Bergson (Nobel 1927) - William Butler Yeats (Nobel
1923) - Rudyard Kipling (Nobel 1907).
11- NGÔN NGỮ ĐƯỢC ƯU ĐÃI NHẤT TRONG GIẢI NOBEL
Phải khởi sự bằng chữ E... viết tắt của chữ Europe -
Âu Châu, và hơn bất kỳ một giải thưởng nào khác, Nobel Văn chương qủa thật cũng
khó lòng vượt khỏi được biên giới của những quốc gia Âu Châu.
Trước ngày công bố chính thức Nobel Văn chương 2008
thì những lời gần như chính thức được nói ra : "No Nobel prizes for American writers" - ngay cả nước Mỹ
(mặc dù đã có được 12 Nobel Văn chương) cũng bị xem như chẳng ra gì «Il y a des auteurs forts dans toutes les
grandes cultures, mais vous ne pouvez pas écarter le fait que l'Europe est
encore au centre du monde littéraire... pas les Etats-Unis» - "Có những tác giả rất hay trong tất cả
những nền văn hoá lớn, nhưng ông cũng không thể gạt ra ngoài được Âu châu còn
là trung tâm của nền văn chương thế giới...mà không phải là Hoa Kỳ" -
lời nói của ông Horace Engdahl, 58 tuổi, bí thư vĩnh viễn giải Nobel Văn chương
- giáo sư văn chương tại viện Đại học Aarhus - một nhân vật lẽ tự nhiên là vô
cùng có "thẩm quyền" trong
việc ban phát giải thưởng tuyên bố với thông tấn xã Associated Press ngày 08
tháng 10.2008 - và vị bí thư vĩnh viễn của viện Hàn Lâm Thụy Điển phê phán thêm
: "văn chương Hoa Kỳ không tài nào
có khả năng sánh vai được với văn chương Âu châu". Những lời tuyên bố
của vị thư ký vĩnh viễn này đã làm cho báo giới, văn giới và dư luận Hoa Kỳ vô
cùng phẫn nộ.
Theo tin tức mới được phổ biến : Horace Engdahl, thư
ký vĩnh viễn của giải Nobel từ chức kể từ tháng 6 năm 2009 tuy nhiên ông vẫn
còn là 1 trong số 18 thành viên vĩnh viễn suốt đời trong ban giám khảo.
Qua vài sự kiện này người ta chẳng ngạc nhiên gì khi
nhận xét rằng văn chương được thừa nhận ở mức thang quốc tế là văn chương xử dụng
ngôn ngữ Anh, vì vậy nên 1/4 giải Nobel cho những nhà văn viết bằng tiếng Anh,
kế đó là viết bằng tiếng Pháp, thứ ba là viết bằng tiếng Đức . Tổng cộng Nobel
văn chương cho 3 ngôn ngữ này là 54% - phần còn lại theo thứ tứ : Tây Ban Nha
(9,9%) - Ý (5, 94%) - Thụy Điển (5,94) - Nga - Ba Lan ...
(BIỂU
ĐỒ NGÔN NGỮ ngonngu.png )
12- NAM NỮ BÌNH QUYỀN ???
Tính đến nay chỉ có 11 nhà văn nữ được giải Nobel Văn
chương so với 90 vị mày râu!
13- NHỮNG NGƯỜI ĐOẠT GIẢI & NĂM SINH & NĂM NHẬN
GIẢI & NGHỀ NGHIỆP & SỐ LƯỢNG TÁC PHẨM CHÍNH
(chỉ thiết lập kể từ năm 1944 sau Đệ Nhị Thế Chiến đến
2008)
14- SỐ LƯỢNG TÁC PHẨM CHÍNH CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐOẠT GIẢI
NOBEL VĂN CHƯƠNG
(Chỉ thiết lập kể từ năm 1970 đến năm 2008)
(BIỂU
ĐỒ TÊN TÁC GIẢ VÀ SỐ LƯỢNG SÁCH XUẤT BẢN :
tentacgiasosach.png)
. Người viết nhiều nhất : Camilo José Cela với 124 tác
phẩm
. Người viết ít nhất là Imre Kertész với 13 tác phẩm
. Số trung bình tác phẩm viết : 47 tác phẩm .
15- TUỔI CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐOẠT GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG
( chỉ thiết lập kể từ năm 1980 đến năm 2008)
(BIỂU
ĐỒ TÊN NHÀ VĂN VÀ SỐ TUỔI tennhavan.png)
. Người nhiều tuổi nhất : nhà văn nữ Doris Lessing 88
tuổi.
. Người trẻ nhất là Joseph Brodsky 47 tuổi.
. Số trung bình tuổi nhận giải : 67 tuổi.
B
- VÀI GÓP Ý NHÂN NGÀY ĐẦU NĂM VÀ CŨNG LÀ NGÀY NỘP HỒ SƠ TRANH GIẢI
Nhân ngày đầu năm Kỷ Sửu 2009, tác giả bài viết, ước
ao một nhà thơ, nhà văn Việt Nam sẽ làm vinh danh văn chương nước Việt, nên cố
gắng tìm tòi những chi tiết quan trọng gọi là đóng góp chút ý kiến vào công
trình chuẩn bị nộp hồ sơ tranh giải Nobel Văn Chương của các vị này.
Theo tôi, để có thể tạm chắc ăn khi nộp hồ sơ và có
tên ghi trong bảng danh sách đầu tiên 100 người được đề bạt, nhà văn ở Trong hoặc
Ngoài Nước có ý định đoạt giải Nobel (xin nhắc lại số tiền thưởng là 1,1 triệu
Euros quả thật khó kiếm được trong thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay) xin
lưu tâm 10 điều dưới đây:
1- Trước khi nộp hồ sơ, người cầm bút dự thi cần phải
có chút "vốn liếng" ít nhất
khoảng 15, 20 bộ truyện, tiểu thuyết và thêm vài chục bộ thơ... mà phải tập
trung sáng tác vào duy nhất theo một "dòng
chảy", một tư tưởng, một lý tưởng cao cả nào đó như trường hợp "Đi, Sống ... để thám hiểm một thế giới con
người ở mé bên kia và bên dưới thế lực văn minh đang ngự trị "... của
Jean-Marie Gustave Le Clézio - Nobel 2008"
Ví dụ như theo đuổi lý tưởng Xoá Nghèo Giảm Đói ; Chống
Ô Nhiễm Môi Trường... (hiện tại đang được các nước tiến bộ trên thế giới quan
tâm).
2 - Viết bằng tiếng Anh hoặc Pháp, không viết được thì
nhờ người dịch (trả tiền) nhất là được một người Thụy Điển như ông Goeran
Malmqvist nhận dịch (trường hợp Nobel Gao Xingjian).
3 - Mỗi bộ tiểu thuyết phải cố gắng bán ở Trong Nước
và ở Nước Ngoài (Pháp, Anh, Hoa Kỳ...) khoảng 100, 200 ngàn ấn bản trở lên. Nếu
các tác phẩm của nhà văn, nhà thơ dự giải được dịch, được in và bán được nhiều ở
Thụy Điển thì xem như đã đi được 1/5 con đường tranh giải .
4 - Xin đừng quên rằng giải Nobel Văn Chương thường là
để tưởng thưởng cho "toàn bộ các tác
phẩm" chứ không phải chỉ 1 tác phẩm như đi dự thi giải tiểu thuyết, giải
truyện ngắn truyện dài thường được tổ chức ở tại Trong Nước hay ở các hội đoàn
người Việt ở Nước Ngoài.
5- Nếu viết về tư tưởng chính trị đừng nên ngả theo
phái Hữu vì sẽ không được ban giám khảo lưu tâm. Giới bình luận quốc tế cho rằng
: Những người trong ban giám khảo giải Nobel Văn Chương theo chủ nghĩa "tinh hoa" và "cổ xúy cho tả phái" nên đã
vinh danh nhiều nhà văn, nhà thơ vô danh và hầu hết đều theo tả phái.
6- Nên thành lập một cơ quan chuyên môn để tuyên dương
ca tụng, quảng cáo hay làm bất cứ cách nào để cho người Trong và Ngoài Nước và
nhất là người Nước Ngoài (Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển...) biết đến tên tuổi của
mình.
7- Đừng nên xử dụng văn, thơ như một thứ vũ khí để hằn
học, trả thù, đả phá và cũng đừng nên Triết lý lỉnh kỉnh sẽ không ăn khách đối
với 18 vị Hàn Lâm Thụy Điển được .
8- Nếu muốn đi đường tắt thì xử dụng con đường của Gao
Xingjian (Pháp-Tầu) hoặc Imre Kertész (Hung) hay Orhan Pamuk (Thổ) tuy nhiên
con đường này cũng rất là gay go, nhiều khi phải bỏ quê cha đất tổ chạy trốn ra
nước ngoài.
Người viết xin khuyên : Chớ nên chọn lựa con đường tắt
này.
9- Đừng nên hợp tác với C.I.A như trường hợp nhà văn Đức
Heinrich Böll (Nobel 1972). Vừa sẽ phải mất nhiều thời gian mà lại vừa rất nguy
hiểm, hơn nữa hiện nay các giám khảo Nobel Văn Chương đang trong chiến dịch chống
văn chương Mỹ (xem những lời tuyên bố của ông Horace Engdahl ở phần trên) .
10- Những nhà văn, nhà thơ Nữ Việt Nam đừng nản chí
khi nhận thấy chỉ có 11% nhà văn nữ đoạt giải. Hãy vững niềm tin và hy vọng một
ngày nào đó sẽ được nhận 1,1 triệu Euros và cộng thêm tiền bán những bộ truyện
hay bộ thơ đó khắp thế giới.
Từ Vũ rất hy vọng một nhà văn, nhà thơ Việt Nam Trong
hoặc Ngoài Nước đã , đang hoặc sẽ sáng tác :
"...
tác phẩm văn chương có sự cảm hứng lý tưởng vượt trội nhất , ân nhân của nhân
loại, mà công việc được xem như một đóng góp xuất sắc vào những lãnh vực kiến
thức, nghệ thuật và văn hoá".
Thực hiện đúng lời di chúc của Alfred Nobel để đoạt giả
Nobel và làm vinh danh Văn Chương Việt Nam.
La Sérénité-Troyes, 01.2009 - 03.2021
TỪ VŨ
(Theo Figaro,
Arté ... và tài liệu đăng tải trên báo chí và các websites Anh, Pháp, Thụy Điển...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét