BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

NGUYỄN KHUYẾN ĐƯA QUÊ VÀO THƠ – Thu Tứ

Nguồn:
http://tuanbaovannghetphcm.vn/nguyen-khuyen-dua-que-vao-tho-so-565/

Nhà thơ Nguyễn Khuyến.
 

Hình như nhắc việc học hành thi cử của Nguyễn Khuyến, người ta hay nhớ cái danh Tam Nguyên mà ít nhớ rằng ông cũng lao đao trường ốc có hạng. Nguyễn Khuyến thi Hương rớt liên tiếp 4 khoa (1852, 1855, 1858, 1861), đến nỗi phải “nghĩ”

Nghĩ tôi lại gớm cái mình tôi 
Tuổi đã ba mươi kém một thôi 
Bốn khoa hương thí không đâu cả 
Một mảnh vườn hoang bán sạch rồi. 

Mãi năm 1864, ông mới đỗ cử nhân. Tuy đỗ đầu thi Hương, nhưng vào thi Hội ông lại trượt liên tiếp ba khoa, đến năm 1871 mới đỗ thi Hội, thi Ðình (lại đỗ đầu).
 
Gần 20 năm mới xong “khoa”. Còn “hoạn”, tiếng rằng làm quan từ năm 1871 đến 1884, nhưng trong khoảng ấy Nguyễn Khuyến đã về quê cư tang mẹ mất 3 năm; khoảng 2/3 thời gian tại chức, ông làm học quan hay sử quan chứ không phải quan cai trị.(1)
 
Đời sống dĩ nhiên ảnh hưởng đến văn chương. So với Nguyễn Công Trứ, thời trước khi xuất chính của Nguyễn Khuyến hình như ít khó khăn hơn, và không kéo dài bằng vì ông đỗ tuy muộn nhưng vẫn sớm hơn Nguyễn Công Trứ; khi ra làm quan, Nguyễn Khuyến lại tương đối ít gặp cảnh bon chen. Hẳn một phần do đó mà thơ ông không có nhiều bài than đời như thơ Nguyễn Công Trứ.
 
Hai Nguyễn tâm sự riêng khác, mà cảm nghĩ về chuyện nước non cũng khác. Nguyễn Công Trứ làm quan vào thời đất nước còn hoàn toàn độc lập, nên phấn khởi, hào hứng. Nguyễn Khuyến làm quan khi giặc Pháp đã bắt đầu tiến hành chiến tranh xâm lược, nên vừa căm tức giặc hà hiếp vừa chán nản trước sự bất lực của triều đình Huế; sau khi nước mất, căm chán chuyển sang hận giặc cướp tài nguyên bóc lột sức dân và “đau đớn lòng” trước bao nhiêu “điều trông thấy” quanh mình…
 
Nho sĩ ái quốc buồn chung canh cánh, làm sao vui riêng cho trọn? Dù đi hát quên về nhà như Tú Xương, hay rượu tì tì như Tản Đà, thì lòng vẫn không thực thoải mái. Nguyễn Khuyến cũng có hát nói, nhưng “đôi tiếng trống” không nghe “thùng thùng” rộn rã; trái lại, khi trông thấy con mình hào hứng quá, cụ Tam Nguyên đã không dằn được mà lên tiếng trách: “Sao con đàn hát vẫn say sưa?”.
 
Người ít chơi, lẽ tự nhiên trong thơ ít thấy cái chơi. Mặt khác, sau khi cáo quan, Nguyễn Khuyến đã sống giữa quê hàng 1/4 thế kỷ nữa mới mất, chắc nhờ đó trong thơ ông ta rất hay thấy quê. Thơ nôm trong mùa cổ điển, một tài thơ lớn bỗng về làng ở rất lâu, ấy như thể là sự xếp đặt của hồn nước để cái nơi sống chính của bao nhiêu thế hệ người Việt nó được vinh danh đích đáng trong thơ Việt! Thử nghĩ: về nội dung, nếu không có những bài thơ quê của Nguyễn Khuyến, thì văn học chữ nôm sẽ thiếu sót đến chừng nào!
 
Ngoài chứa hình ảnh quê, thơ Nguyễn Khuyến còn đậm đà màu sắc dân tộc ở khuynh hướng “Xuân Hương” lồ lộ trong một số bài.
 
Ðầy một bụng chữ Tàu mà vẫn không mảy may nguôi lòng Việt là điển hình nho ta ưu tú. Trường hợp nho ta ưu tú này, cái lòng Việt khôn nguôi nó được biểu lộ rõ ràng trong văn chương, làm nên đặc điểm chính của một cõi thơ.
 
KHÓC DƯƠNG KHUÊ
 
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau
Kính yêu từ trước đến sau
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân
Có khi bàn soạn câu văn
Biết bao đông bích, điển phần trước sau
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn
Phận đẩu thăng chẳng dám than trời
Bác già, tôi cũng già rồi
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác
Trước ba năm gặp bác một lần
Cầm tay hỏi hết xa gần
Mừng rằng bác hãy tinh thần, chưa can
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác
Tôi lại đau trước bác mấy ngày
Làm sao bác vội về ngay
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời
Ai chẳng biết chán đời là phải
Sao vội vàng đã mải lên tiên
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo những hững hờ
Ðàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn
Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan.
 
Bài “Khóc Dương Khuê” kết hợp một cái hay gặp với một cái ít gặp nơi thơ Nguyễn Khuyến. Cái hay gặp là chuyện làm thơ chữ Hán rồi tự dịch ra chữ nôm. Cái ít gặp là thể ngâm, tức song thất lục bát. Không biết người Tàu như có đọc đến bài “Vãn đồng niên Vân Ðình tiến sĩ Dương thượng thư” thì thấy thế nào, chứ người Việt nghe cụ Nghè Nguyễn ngâm nga khóc cụ Nghè Dương, tưởng có ai mà không buột miệng trầm trồ khúc ngâm hay đáo để!
 
THU VỊNH
 
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Ðào.
 
Bài thơ thu này của Nguyễn Khuyến có đôi chỗ khó hiểu, may có Xuân Diệu đã tìm hiểu và giảng cho chúng ta. Trời xanh ngắt là ban ngày, sao lại có trăng? Theo Xuân Diệu, đó là vì Nguyễn Khuyến tổng hợp đêm ngày để khái quát cảnh thu. Cần trúc sao lại lơ phơ? Vì đó không phải cần câu, mà là “cây tre (…) còn non, ít lá, thanh mảnh (…) như cái cần câu” (2).
 
Vẫn theo Xuân Diệu, trong ba bài thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến, bài này “mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao (…) Hồn (…) của cảnh thu (…) nằm ở trong bầu trời, ở trên trời (…) Trời thu rất xanh rất cao tỏa xuống cả cảnh vật”. Tại sao Nguyễn Khuyến thẹn với Ðào Tiềm? Vì khi ấy ông chưa thôi làm quan, hay vì ông đã trót làm quan lâu hơn Ðào Tiềm?
 
TRỞ VỀ VƯỜN CŨ
 
Vườn Bùi chốn cũ!
Bốn mươi năm, lụ khụ lại về đây
Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây
Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế!
Bành Trạch cầm xoang ngâm trước ghế
Ôn công rượu nhạt chuốc chiều xuân
Ngọn gió xuân ngảnh lại lệ đầm khăn
Tính thương hải tang điền qua mấy lớp
Ngươi chớ giận Lỗ hầu chẳng gặp
Như lơ phơ tóc trắng lại làm chi?
Muốn về sao chẳng về đi!.
 
Ðời làm quan của Nguyễn Khuyến tương đối ngắn: từ 1871 đến 1884, chỉ có 14 năm. Vậy “bốn mươi năm” đây không phải tính từ lúc ông xa quê đi làm quan, xem lại tiểu sử thì thấy đó là từ ngày ông theo cha mẹ về “xứ Vườn Bùi” lần thứ nhất (3). Bài thơ này diễn nôm bài “Bùi viên cựu trạch ca” cùng tác giả. Nguyễn Khuyến nổi tiếng ưa làm thơ chữ Hán rồi dịch qua tiếng Việt (biết đâu thỉnh thoảng ông có làm ngược lại mà ta không biết!). Ông yêu tiếng mẹ đẻ, cái ấy hiển nhiên. Còn những bài thơ chữ Hán, ông làm là để khỏi quên vốn liếng của một Tam Nguyên đó chăng? “Ngươi” tiếc chẳng gặp Lỗ hầu, thế là “ngươi” chê đương kim thánh thượng! (4)
 
THU ĐIẾU
 
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
 
Hồi thế kỷ XV, chắc do sáng tác trong thời gian Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Quốc âm thi tập có chứa rau muống, mồng tơi, dọc mùng… Đến thế kỷ XIX, chắc nhờ Nguyễn Khuyến trở lại vườn Bùi ở suốt 1/4 thế kỷ, văn học Việt Nam cổ điển bỗng có một số bài thơ chứa mùa thu thôn quê Bắc bộ, ao, cá, gà, cải, cà, bầu, mướp, trầu, chỗ lội, đàn bà vén quần, con cúi, miếu ông Cuội, con trâu “sáng tai họ, điếc tai cày”, lợn con, nếp cái, chiếc lá (thung thăng), cá khe, chim núi, trai, cò, bèo, anh kình, chú chuối… Ờ, nhưng một số thi nhân khác cũng có thời về làng, mà thơ họ vắng cảnh vật xóm làng… Sực nhớ, khi họ ở Thăng Long, lúc cầm bút gieo vần họ cũng thường để Thăng Long bị vắng! Xưa kia, thơ tiếng Việt chứa hình ảnh đất Việt không có mấy ai làm đâu.
 
BÀI DI CHÚC
 
Kém hai tuổi xuân đầy chín chục
Số thầy sinh phải lúc dương cùng (5)
Ðức thầy đã mỏng mòng mong
Tuổi thầy lại thọ hơn ông cụ thầy
Học chẳng có rằng hay chi cả
Cưỡi đầu người kể đã ba phen
Tuổi thầy tuổi của gia tiên
Cho nên thầy được hưởng niên lâu ngày
Ấy thuở trước ông mày cũng đỗ
Hóa bây giờ cho bố làm nên
Ơn vua chửa chút báo đền
Cúi trông thẹn đất, ngửa lên thẹn trời
Sống không để tiếng đời ta thán
Chết lại về quê quán hương thôn
Mới hay trăm sự vuông tròn
Sống lâu đã trải, chết chôn chờ gì
Ðồ khâm liệm chớ nề xấu tốt
Kín chân tay đầu gót thì thôi
Cỗ đừng to lắm con ơi
Hễ ai chạy lại, khuyên mời người ăn
Tế đừng có viết văn mà đọc
Trướng đối đừng gấm vóc làm chi
Minh tinh con cũng bỏ đi
Mời quan đề chủ, con thì không nên
Môn sinh chớ bỏ tiền đặt giấy
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi
Khách quen chớ viết thiếp mời
Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu
Chẳng qua nợ để cho người sống
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu
Lại mang cái tiếng to đầu
Khi nay bày biện, khi sau chê bàn
Cờ biển của vua ban ngày trước
Lúc đưa thầy, con rước đầu tiên
Lại thuê một lũ thợ kèn
Vừa đi vừa thổi, mỗi bên dăm thằng
Việc tống táng lăng nhăng qua quít
Cúng cho thầy một ít rượu hoa
Ðề vào mấy chữ trong bia
Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.
 
Đây cũng là Nguyễn Khuyến dịch thơ chữ Hán của mình. Bản dịch làm theo thể ngâm, như bài “Khóc Dương Khuê”. Khóc bạn, ngâm, dặn con khóc mình, ngâm, à, cứ khóc thì ngâm! Ðọc “di chúc” thấy hay, bỗng nhớ một lời khen viết đã lâu lắm. Hồi tiền chiến, Thùy Thiên bảo: “Văn ông Yên Ðổ dẫu hay cũng chỉ có cái giọng kiêu” (6). “Ông” có kiêu không, kiêu những chuyện gì, đọc kỹ lời dặn con bằng thơ này ắt sẽ rõ. Văn cụ Tam Nguyên dẫu có kiêu thì cũng vẫn hay!
 
BẠN TỚI CHƠI NHÀ
 
Chẳng mấy khi nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn mò cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải đã tàn cây, cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Ðầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta!
 
Nhớ bài “Khách chí” của Ðỗ Phủ:
 
Bốn bề nước trắng lụt to
Trông ra thường chỉ thấy cò về chơi
Ngõ vào khách vắng quét lười
 Cổng tre nay mới mở mời bác qua
Bữa xoàng ngặt nỗi chợ xa
Rượu ngon gọi chút men nhà nấu thôi
 Có ông hàng xóm bạn chơi
Bác cho em gọi thêm vui tiệc này”
                              (Thu Tứ dịch)
 
Hai bài đều hay, nhưng thơ Nguyễn có chút hóm hỉnh, còn thơ Ðỗ thì không.
 
ĐỐNG ÔNG CUỘI
 
“Ðầu đường ngang có một chỗ lội
Có miếu ông Cuội cao vòi vọi
Ðàn bà đến đó vén quần lên
Chỗ thời đến háng, chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trông mỉm miệng cười:
“Cái gì trông trắng như con cúi?”
Vội vàng khép nép đứng liền thưa:
“Trót dại hở hang xin xá tội!”
 
Ông rằng: “Mày cũng chẳng tội gì
Chỉ tội làm ông cứng con buội
Muốn tốt mày về bảo làng mày:
Ra đây ông cho giống ông Cuội”
Cho nên làng ấy sinh ra người
Sinh ra rặt những thằng nói dối.


   

Cái câu số 10! Nhà nho “cưỡi đầu người kể đã ba phen”, nhà nho 
bụng đầy lời thánh chữ hiền, nhà nho ấy lại đi cầm bút nho mà viết ra lời ấy chữ ấy vậy sao? Vậy thì sao? Nguyễn Khuyến Tam Nguyên chẳng qua là Nguyễn Khuyến vỏ. Còn cái ông Nguyễn Khuyến ruột, ông ấy vẫn là một người Việt Nam chính cống. Xưa kia nếu thực là người Việt, không ai kiêng kỵ thứ lời ấy, chữ ấy đâu. Ðối với chuyện trai gái ăn nằm, các cụ nho ta vốn vẫn giữ cái nhìn cởi mở, hồn nhiên, chứ không có cái lối nghiêm nghiêm trang trang, quay mặt nhắm mắt như các nho Tàu đâu (7). Nho bên Tàu làm vô số thơ mà đố ai tìm được một bài có “âm hộ” hay “dương vật”. Nho bên ta làm ít thơ hơn mà “buội” hiện ra không phải chỉ một lần này. Người Việt vốn ít lý luận lôi thôi, nhưng về riêng cái chuyện trai trai gái gái, tổ tiên ta có để lại lời: “Ai dám bảo chữ dâm là bậy / Không có dâm sao có nẩy ra hiền”.
 
HỘI TÂY
 
Kìa hội Thăng Bình tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải
Thằng bé lom khom nghé hát chèo
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu.
 
Hội Thăng Bình là hội mừng ngày Cách mạng Pháp 14-7. Hội ấy dĩ nhiên mới ra đời sau ngày nước Việt Nam bỗng có… mẹ (!!!). Ngày lễ lớn ở nước mẹ, dân nước con cũng được tha hồ vui chơi. Dân, ở đâu cũng thế, đa số biết gì vinh nhục. Dân càng “vui thế bao nhiêu” thì “cha mẹ dân” như Nguyễn Khuyến càng thấy “nhục bấy nhiêu”.
 
TỰ TRÀO
 
Ta cũng chẳng giàu, cũng chẳng sang
Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng
Cờ đang dở cuộc, không còn nước
Bạc chửa thâu canh, đã chạy làng
Mở miệng nói ra gàn bát sách
Mềm môi chén mãi tít cung thang
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ!
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!
 
“Bảng vàng”, “bia xanh”, “cưỡi đầu người (…) ba phen”, sang để đâu cho hết! “Cờ đang dở cuộc (…) / Bạc chửa thâu canh (…)”, hai cái câu này, có phải Nguyễn Khuyến là người đầu tiên đưa ra không nhỉ? Dù sao, sau Nguyễn Khuyến thỉnh thoảng ta lại gặp nó ở chỗ nọ chỗ kia…
 
ANH GIẢ ĐIẾC
 
Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ “sáng tai họ, điếc tai cày”
Lối điếc ấy sau này em muốn học
Tọa trung đàm tiếu, nhân như mộc
Dạ lý phan viên, nhĩ tự hầu (8)
Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu
Khi chè sen năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu
Tỉnh một chốc, lâu lâu rồi lại điếc
 Ðiếc như thế ai không muốn điếc!
Ðiếc như anh dễ bắt chước ru mà
Hỏi anh, anh cứ ậm à!
 
Dùng tục ngữ trong thơ, tại sao không? Thơ chuộng súc tích, mà tục ngữ thì rất súc tích. Hơn nữa, cái câu tục ngữ rất Việt ấy nó lại giúp “chữa” bớt sự có mặt của hai câu tiếng Tàu trong bài thơ tiếng Việt. “Anh giả điếc” tất nhiên không phải lười biếng như trâu. Chẳng qua trong buổi nước nhà mất độc lập, làm việc nhiều khi là làm những việc không ra gì, nên anh mới “khéo ngơ ngơ ngác ngác” để khỏi bị vấy tay…
 
THU ẨM
 
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
 Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Ðộ năm ba chén đã say nhè”.
 
Thu, ẩm đêm tốt, ẩm ngày cũng tốt. “Bán dạ tam bôi”, rồi “bán nhật tam bôi”, “thu đêm chưa phỉ lại thu ngày” (9), cho nên mới trời “xanh ngắt” tiếp “đêm sâu”“Rượu hay không bằng hay rượu”. Nhưng có thực là “lão” rượu không hay? “Say nhè”, sao đóm lập lòe cũng thấy, khói phất phơ cũng thấy, bóng trăng loe dưới ao cũng thấy?! Chữ hay (nên đỗ đầu ba lần), rượu hay (nên rượu mà vẫn tỉnh), thơ hay (ai cũng biết). Ối, cụ Tam Nguyên Ba Hay!
 
LỤT HỎI THĂM BẠN
 
Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu
Lụt lội năm nay bác ở đâu?
Mấy ổ lợn con, rày lớn bé?
Vài gian nếp cái, ngập nông sâu?
Phận thua suy tính, càng thêm thiệt
Tuổi cả chơi bời, họa sống lâu
Em cũng chẳng no, mà chẳng đói
Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu.
 
“Bác Châu Cầu” là Bùi Văn Quế ở Hà Nam, đỗ cử nhân cùng khoa với Nguyễn Khuyến, làm quan đến tuần phủ, khi về nghỉ hưu lại kinh doanh nuôi lợn và nấu rượu. Ðành “sĩ kiêm bách nghệ”, tức nhà nho làm nghề gì cũng được, mà làm giàu cách chân chính thì Khổng Tử không hề bài bác, nhưng liệu sống ở đời có phải tích cực đến thế này chăng? Lụt lội “bác” phờ râu lo lợn lo nếp, còn “em” được thể nước trắng đồng, đưa luôn “chiếc lá” lên đồng mà “thung thăng”“Nên chăng nghĩ lại kẻo nhầm” (10), “bác” ơi.
 
HOÀI CỔ
 
Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười
Sự đời đến thế, thế thời thôi!
Rừng xanh núi đỏ hơn ngàn dặm
Nước độc ma thiêng mấy vạn người
Khoét rỗng ruột gan trời đất cả
Phá tung phên giậu hạ di rồi
Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ
Mây trắng về đâu nước chảy xuôi.
 
Dĩ nhiên thực là “nghĩ chuyện đời nay cũng nực… khóc”. Nguyễn Khuyến ức giặc Pháp bắt người Việt “khoét rỗng ruột gan” đất Việt cho chúng tha hồ chở tài nguyên về làm giàu cho nước của chúng đó. “Thôi thôi đến thế thời” “tôi” phải thôi làm quan, mà làm “mây trắng” trôi về… vườn Bùi (11).
 
MỘT THOÁNG XUÂN HƯƠNG!

 
“Ôm tiu, gối mõ ngáy khò khò
Gió lọt phòng thiền mát mẻ cô
Then cửa từ bi gài lỏng cánh
Nén hương tế độ đốt đầy lò
Cá khe lắng kệ, đầu hi hóp
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù
Nhắn bảo chúng sinh như muốn độ
Sẽ quì, sẽ niệm, sẽ “nam mô!
               (“Bỡn cô tiểu ngủ ngày”)
 
Trai sao chẳng biết tính con cò
Mày hở hang chi nó mổ cho
Ðã cậy dày mu không khép kín
Cho nên dài mỏ chực ăn to
Thôi về bãi bể cho êm ái
Ðể mặc bên sông nó gật gù
Cò trắng dẫu khôn đành gác mỏ
Trai già chờ lúc lại phơi mu
                     (“Cò mổ trai”)
 
Con tạo ghen chi gái má hồng
Mà đem nước đến vỗ tầm vông
Gió lùa cửa cống bèo man mác
Trăng xỏ buồng trai bóng phập phồng
Những sợ anh kình rình dưới rốn
Lại lo chú chuối lẩn bên hông
Quản chi điểm phấn trang hồng nữa
Chỉ biết nơi sâu với chốn nông
                (“Gái góa than lụt”)
 
Thu vén giang sơn một cắp tròn
Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn
Biết chăng chỉ có ông Hà bá
Mỉm mép cười thầm với nước non
                      (“Gái rửa bờ sông”)
 
Tưởng bất cứ ai ngắm nghía bức chân dung Nguyễn Khuyến phổ biến (12), trông đôi mắt như đang mỉm cười rất hóm hỉnh ấy, cũng đoán người trong ảnh có tính thích khôi hài. Ðại trí thức, quan lớn, mà làm thơ “bỡn cô tiểu ngủ ngày” … tỉnh bơ, làm rồi xưng đích danh chứ không che tên giấu họ! Hoan hô nhà nho dân tộc!
 
ĐĨ CẦU NÔM
 
Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ
Trời sinh ra cũng để mà chơi
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời
Chơi thủng trống, long dùi âu mới thích
Ðĩ bao tử càng chơi càng lịch
Tha hồ cho khúc khích chị em cười
Người ba đấng của ba loài
Nếu những như ai thì đĩ mốc
Ðĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc
Khá khen thay làm đĩ có tông
Khắp giang hồ chẳng chốn nào không
Suốt Nam, Bắc, Tây, Ðông đều biết tiếng
Ðĩ mười phương chơi cho đủ chín
Còn một phương để nhịn lấy chồng
Chém cha cái kiếp đào hồng
Bạn với kẻ anh hùng cho đứng số
Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó
Mai sau ngày giỗ có văn nôm
Cha đời con đĩ cầu Nôm”.
 
Tục truyền “con đĩ cầu Nôm” là cô Tư Hồng (13). “Đĩ mà có (…) có (…) có (…) có (…)”, trách sao cụ Tam Nguyên chẳng cao hứng “khá khen”. Bụng đầy chữ nho, nhưng cụ xổ nôm thì “con đĩ” nào cũng chỉ có nước bưng tai!
 
                                                                       Thu Tứ
                                                   Viết năm 2012, Sửa tháng 6-2018  
                                                 Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 565                                                                                                                  
..........
 
(1) Theo Nguyễn Khuyến – tác phẩm, Hội Văn học – Nghệ thuật Hà Nam Ninh, Nxb. Khoa học Xã hội, 1984.
(2) Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb. Văn học, 1987.
(3) Nguyễn Khuyến – tác phẩm: “Năm 1843, ông thân sinh Nguyễn Khuyến mới đưa vợ con từ quê ngoại Hoàng Xá về xứ Vườn Bùi (thuộc làng Vị Hạ) (…) Kể từ đó cho đến khi Nguyễn Khuyến cáo quan về (1884), nhà ông ở đấy đã bốn mươi năm có lẻ…”. “Xứ” nhỏ hơn làng, có phải xứ là xóm?
(4) Ôn công: Tư Mã Quang, khi về ở ẩn ưa uống rượu giải sầu. Lỗ hầu: Lỗ Bình công, người Mạnh Tử muốn gặp để giúp mà không gặp được.
(5) NK thọ 75 tuổi. Xưa kia ta hay nói tăng tuổi thọ?
(6) Tạp chí Tri Tân (1941-1945), Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
(7) Xem “Có thần và thần” và “Oai như gái Việt” của TT.
(8) Ngồi giữa chỗ người cười nói thì ngây như gỗ / Ban đêm leo tường lại nhanh như khỉ.
(9) Thơ Hồ Xuân Hương, bài “Vịnh cái quạt”: “Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày”.
(10) Câu chót trong bài “Ðời đáng chán” của Tản Ðà.
(11) Khi cáo quan vì không vui về triều chính, nho sĩ hay nhắc đến “bạch vân”, như trong bài “Tống biệt” của Vương Duy.
(12) Bức chân dung trong đó NK tay cầm chén rượu.
(13) Nguyễn Khuyến – tác phẩm: “Tên thật là Trần Thị Lan quê (…) lấy một khách buôn giàu là chú Hồng. Tên này chết (…) lấy tên cố đạo phá giới là Croibier Hugust (…) Nhờ uy thế chồng, Tư Hồng được thầu phá nốt những mảng tường thành Hà Nội lấy gạch xây nhà cho thuê (…) trở nên giàu có. Nhân Trung kỳ có lụt, Tư Hồng buôn gạo chở lậu thuế vào bán, bị bắt, liền nói dối là đem phát chẩn. Do đó thị không những không bị tội, mà còn được thực dân đề nghị triều Nguyễn phong cho thị hàm “Tứ phẩm cung nhân”, và cho cả bố thị hàm “Hàn lâm thị độc”. Tư Hồng về làng ăn khao linh đình, có người mừng đôi câu đối: “Một đạo sắc phong hàm cụ lớn / Trăm năm danh giá của bà to””.

Không có nhận xét nào: