BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

GÁNH HÁT BỘI PHƯỜNG ĐỆ TỨ NĂM XƯA - Đinh Hoa Lư

"Những cảm nhận đáng thương cho những ai làm văn hóa mà cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, đáng lẽ họ phải được nâng đỡ và bảo trợ cho những công việc bảo tồn giềng mối đạo đức phong hóa cho dân tộc..."


Tác giả Đinh Hoa Lư

 
Tiếng là "Bốn Ngả Đường Thành", nhưng theo tôi con đường Lê văn Duyệt là vui nhất. Đó là tôi muốn nói đến đám HÁT BỘI tên là HOA MAI của ông ĐƯƠNG người 'đóng quân lâu dài' trước mặt nhà ông Đội Chức nơi cái bãi đất làm sân bóng cho Phường Đệ Tứ. Ông Đương họ là chi tôi chẳng biết chỉ biết? Ông và bầu đoàn thê tử cùng và gánh hát bội Hoa Mai rất nghèo. Họ nghèo đến nỗi cả đoàn không còn tiền để về lại quê hương xứ Quảng!


Lúc đầu người dân trong phường chúng tôi còn lạ lùng, háo hức và quan trọng nhất là còn tiền. Dần dà hết tiền khách vắng dần. Lúc đó tôi tuy bé nhưng cũng mê đoàn này lắm. Suy cho cùng còn có cái thú nào hơn? Thỉnh thoảng mới có một đoàn chiếu phim công cộng 'về làng'. Tôi nói thế có nghĩa là nhóm chiếu phim thời sự của Tỉnh họ sẽ dựng cái tấm chiếu phim bằng vải trắng ở đầu cái đám đất đá banh. Phía sau là người dân trong phường. Tất cả già trẻ bé lớn đều ngồi chồm hỗm hay ngồi bệt dưới đám cỏ ngó lên. Chúng tôi say sưa đợi từng cuốn phim được một chú chiếu phim mày mò tra vào cái máy quay chạy rè rè. Những bộ phim trắng đen xem rồi xem lại cũng mê li rùng rợn. Khoái nhất là Chúng Tôi Muốn Sống hay Ánh Sáng Miền Nam...
 
Lâu lắm mới có đoàn cải lương trong Nam ra đây, nhưng tôi làm gì mua nỗi cái vé đắt tiền của các đoàn cải lương có tiếng như Thủ Đô hay Hương Mùa Thu, Thanh Minh -Thanh Nga !?
 
Trở về cái đoàn hát bội nghèo nàn tôi vừa nói trên: Ông bà Đương đóng đủ vai: từ Phật THÍCH CA, Quan Âm thị Kính, cho đến Quan Công, Trương Phi Phạm Công Cúc Hoa gì ông cũng đóng "tuốt luốt" !?
 
- Như ta đây... ứ ừ ư!!!
- Tùng tùng... tùng. Cắc!
 
Đó là tôi nhớ về tiếng trống cầm chầu của mấy cụ già đánh sau khi Ông Đương vừa vuốt râu vừa múa cái thương dài còn cái chân thì đi 'cà nhắc' theo kiểu phi ngựa của một vị tướng nào đó. Sau đó là vài đồng bạc của giới mộ điệu và hào phóng quăng lên sân khấu, thưởng cho diễn viên. Tôi trông cái cảnh này cảm thấy tồi tội làm sao? Dáng lom khom của mấy đứa nhỏ, chắc con trẻ trong Đoàn, lúi húi ra lượm tiền...
 

Đoàn Hoa Mai ở lâu quá, tài tử "đẻ thêm con", túi tiền dân thôn tôi lâu ngày cũng cạn. Sự tò mò háo hức cũng tan đi khi nhìn thấy bà bầu - tức vợ ông Đương - cùng những bà vợ mấy ông kép khác ngày ngày ra chợ hay ra quán mua vài lon gạo chai xì dầu gì đó? Ban ngày họ không còn "hình dáng mỹ miều" như lúc đóng tuồng mà là những bà đào về chiều già nua đến thảm thiết!? Có những đêm mưa vắng khách, tiếng ông Đương van nài "xin quý vị đêm mai nhớ coi giúp cho đoàn tôi vì mùa đông mưa gió tội nghiệp!!!" 
 
Nỗi buồn ảo não thê lương của một đoàn hát "về chiều bị mắc kẹt" lại một xóm nghèo ngày xưa đó là một dấu ấn khó quên cho cuộc đời nghệ sĩ, những cảm nhận đáng thương cho những ai làm văn hóa mà cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, đáng lẽ họ phải được nâng đỡ và bảo trợ cho những công việc bảo tồn giềng mối đạo đức phong hóa cho dân tộc.
 
Kể lại chuyện xưa trong lòng tôi dâng lên niềm cảm thông cho những con người nghệ sĩ mà nghệ sĩ của một ngành không còn hợp thời nữa. Năm đó họ ra đi ra sao? bằng cách nào họ về quê cũ? xe cộ ra sao để chở cho hết màn phông và dụng cụ làm tuồng? Tôi thực sự không biết và một thời bé bỏng đó chắc tôi chưa đủ lớn để có những cảm nghĩ đầy trắc ẩn hay lắm "nhân đạo" như bây giờ.
 
Ôi thời gian!
 
Đinh Hoa Lư
(Trích và edit từ “Ngày Xưa Quảng Trị blog” của tác giả)

Không có nhận xét nào: