BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

ĐỔI TÊN LÀNG: VỚI NHIỀU HỆ LỤY – Võ Văn Cẩm

Đây là ý kiến của một người con làng Đâu Kênh, Triệu Phong, Quảng Trị xa quê. Rất đau lòng khi tên làng không còn, xin bà con xa gần góp ý. Ý kiến của bà con là sức mạnh đòi lại tên làng.

 
Tác giả bài viết Võ Văn Cẩm

 
NỖI ĐAU CỦA NHỮNG ĐỨA CON LƯU LẠC
 
Ai dám nói quê tôi nghèo? Chỉ nghèo cái tên làng như hiện nay thôi!
Chữ nghĩa đâu? Đâu Kênh của 600 năm văn hóa?
Đâu Kênh là làng Đại xã, có 9 xóm: xóm Triêu, Xóm Đùng, xóm Hói, xóm Bàu, xóm Rào Thượng, xóm Rào Hạ, xóm Kiệt, xóm Cồn, xóm Bồi. Đâu Kênh có nhiều công trình văn hóa tâm linh như: Đình làng, Chùa Thiên Tôn, Lục Miếu, Âm hồn, Bàu Sen.
Làng tôi có 5 họ: Họ Võ, họ Đoàn, họ Lê, họ Đỗ, họ Nguyễn, các họ tộc là là sợi giây cột chặt dân làng qua Hội đồng chức sắc.
 
* ĐÌNH LÀNG:

Là nơi thờ cùng Tổ tiên, thờ ngài Khai Khẩn. Đình làng được xây dựng khá khang trang trên một diện tích rộng 4000 m2 tại trung tâm làng, ngay trên trục lộ chính. Đông và Nam giáp xóm Hói và làng Phương ngạn, Tây giáp xóm Bàu, Bắc giáp xóm Kiệt. Xung quanh đình được xây thành kiên cố. Có nơi thờ phụng và có nhiều cây cổ thụ. Trong khuôn viên đình làng có ngôi trường Tiểu Học thời tôi học, dời từ nhà thờ họ đạo xóm Kiệt lên.
 
Sau năm 1975, một phần đất của đình làng bị chiếm dụng, xây những công trình công cộng như nhà hộ sinh, bệnh xá ngay trước mặt Đình làng. Đây là phần đất linh thiêng, những người coi nhẹ tâm linh đã dùng quyền lực chiếm dụng. Xây xong, đưa vào hoạt động thì có vài cán bộ chủ chốt qua đời một cách khó hiểu. Không bao lâu thì san bằng trả lại đất cho Đình và di dời đi nơi khác. Dân làng tôi càng sợ sự linh thiêng của Đình.
 
Cứ vào rằm tháng Bảy hàng năm, con dân của làng, dù đi làm ăn xa đều về tề tựu đông đủ dưới sự tổ chức của Một Hội Đồng Trị sự làng gồm những người lớn tuổi, có uy tín, có nhân cách đạo đức nhất, đặc biệt là những cụ đã làm Trưởng Họ. Các vị này bầu lên một Hội đồng của làng để hầu cúng Tổ tiên và các nghi Lễ được lưu truyền. Đây là truyền thống đẹp của người Việt Nam.
 
Ngày Rằm tháng Bảy, áo quần chỉnh tề, già trẻ tập trung tại Đình, có chiêng trống, nhiều lá cờ đủ màu và đầy đủ các Cụ chức sắc ra Chùa Thiên Tôn làm lễ rước sắc thần mà vua Triều Nguyễn ban. Sau đó lên Lục Miếu rước bài vị của 6 vị quan có công lớn được vua ban, trong đó có 2 ngài Trung đẳng thần người họ Võ, một vị quan người họ Đỗ và 1 ngài Thượng đẳng Thần, 1 ngài Trung Đẳng thần, ngài Giám sát (miếu cách xa về phía Tây Nam khoảng 50 mét). Lễ cúng bái đúng nghi thức suốt ngày rằm và ngày mười sáu rước thần trở về nơi cũ.
 
Với cách chia làng mới, làm khó khăn cho việc tổ chức truyền thống, những tập tục của quê làng, làm mất đi vẻ linh thiêng, đánh mất niềm tin và vô tình xóa mất công lao những bậc tiền bối. Con cháu tìm về nguồn cội nhưng không còn tên làng. Không biết cách nào để lưu giữ truyền thống tốt đẹp của quê tôi!
Cách chia làng như thế này thì tổ chức lễ làng khó khăn. Trước đây Hội đồng làng và chính quyền làng đều chung sức tổ chức, gìn giữ bảo vệ. Còn bây giờ thì đình thờ, miếu vũ, chùa... ai là người chịu trách nhiệm cúng tế cho Tổ tiên đây?
 
* CHÙA THIÊN TÔN:

Là nơi thờ các Sắc phong của nhà vua ban. Chùa xây dựng trên diện tích khá rộng sát bờ sông Thạch Hãn, thuộc xóm Rào Hạ.
Sau thời gian dài và do quyền lực từng thời kỳ, nơi thờ phụng này biến dạng cách thờ cúng và cả tên gọi: Chùa Thiền Tôn, Chùa Phật giáo.
 
* NGŨ MIẾU - LỤC MIẾU:

Vào triều nhà Nguyễn làng tôi có nhiều vị quan có công lớn trong Triều, nên nhà vua ra lệnh địa phương xây dựng Miếu thờ. Theo giải thích thì ở đây có năm Miếu thờ 2 vị quan dân làng người họ Võ và 3 vị nơi khác có công lớn. Nên nơi này gọi là Ngũ Miếu thường gọi là Năm Miếu.
Thời gian sau có vị quan người họ Đỗ làng tôi giữ chức Bộ Hình kiêm Bộ Lễ, nhà vua cho xây thêm miếu thờ, nên nơi này trở thành 6 miếu gọi là Lục Miếu như hiện nay. Lục Miếu được xây dựng trên khu đất rộng ở xóm Rào Thượng. Mới đây được tu tạo lai rất đẹp. Bài vị được rước vào đình làng cúng vái ngày Rằm tháng Bảy hàng năm.
 
Sáu Bài vị tôi ghi được ở Lục Miếu là:

1) ĐẶC TẤN KIM TỬ VINH LỘC ĐẠI PHU LẠI BỘ KIÊM HÌNH THƯỢNG THƯ HƯNG HIỆP HẦU ĐỖ QUÝ CÔNG CHI THẦN. (Họ Đỗ)
2) CAI TRI PHÓ TƯỞNG QUẾ DƯƠNG HẦU VÕ QUÝ CHI THẦN. (Họ Võ)
3) CAI TRI THAM TƯỞNG MAI LẢNH HẦU VÕ QUÝ CÔNG CHI THẦN. (Họ Võ).
4) THÀNH HOÀNG BẢO AN CHÍNH TRỰC HỰU THIỆN ĐÔN NGƯNG DỤC VẬN TRUNG HƯNG GIA TẶNG TỊNH HẦU TRUNG ĐẲNG THẦN.
5) CAO CÁC QUẢN ĐỘ HỒNG MÔ VĨ LƯỢC ĐÔN HẬU PHÙ HỰU TRẠC DƯƠNG TRÁC VĨ DỰC VẬN TRUNG HƯNG ĐẶC CHUẨN THƯỢNG ĐẲNG THẦN.
6) BỔN THỔ TƯ MÃ GIÁM SÁT QUẬN CÔNG THANH TRỰC LIÊM CHÍNH CẢNH LƯỢNG ĐOAN TÚC DỰC VẬN TRUNG HƯNG GIA TẶNG QUANG Ý TRUNG ĐẲNG THẦN.
 
* ÂM HỒN: Nơi chôn cất mấy trăm hài cốt của những người không có người thân.

* BÀU SEN: Đây là lòng Sông Thạch Hãn ngày xưa còn lại khi bị phân dòng như hiện nay. Bàu Sen chia làng tôi thành hai phía, phía Đông có xóm Bàu, phía Tây có xóm Rào Thượng, xóm Rào Hạ.
Khi tôi còn bé, Bàu sen trồng nhiều sen, mùa sen nở thơm ngát cả một vùng. Bàu sen có nhiều loại cá, tôm rất lớn, mùa hè nước vẫn còn sâu. Bàu Sen có rau muống tuyệt vời, có nếp bầu tuyệt ngon, mùa nếp chín thơm ngạt ngào, mùi thơm của nếp làm hư thai của bà bầu đi ngang qua, sau chiến tranh không còn giống. Hơn chục năm trở lại Bàu sen trở nên hoang phế, cây cối mọc đầy, không ai quan tâm.
Khi Nhà thờ họ Đoàn được gia đình anh Đoàn Đức tu tạo, xã có dự án cải tạo Bàu sen kết nối với khuôn viên họ Đoàn thành điểm du lịch trong quần thể du lịch Quảng Trị.
Con đường Trần Hữu Dực rộng 8m bằng bê tông chạy từ Cầu AN MÔ đến DƯƠNG LỆ. Con đường này chạy từ đầu làng đến cuối làng rất thuận tiện cho giao thông.
 
Không biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân, chia Đâu Kênh làng tôi thành 3 làng như sau:
   * Làng Đùng Hói Bàu.
   * Làng Rào Thượng hạ
   * Làng Kiệt Cồn Bồi
Còn xóm Triêu nhập với làng Đại Lộc Thượng, làng Bích la Thượng thành làng Bích Lộc Triêu.
 
Cách đổi tên làng một cách tùy tiện như vậy thì tên ĐÂU KÊNH làng tôi không còn, tên Đâu Kênh chỉ còn trong tâm tưởng và mang nhiều hệ lụy. Nay phân chia vùng đất thiêng mà cha ông chúng tôi tạo dựng là một tội lớn. Tổ chức truyền thống của làng, ai tổ chức? Nghe tên làng mới ngồ ngộ, tên làng cũ buôn buồn cay cay, chữ nghĩa để đâu nghe thiếu văn hóa, ghép đại một cách vô cảm.
 
Tôi không có ý kiến về quy định của Chính phủ về phân cấp làng. Nhưng, muốn có tên làng cha ông chúng ta bỏ bao công sức, trí tuệ. Tên làng là linh hồn của một vùng đất thiêng với ý nghĩa cao xa, khi đặt tên làng phải có ý kiến của nhiều bô lão, nhiều nhân sĩ, trí thức, cha ông ta đã nghiên cứu rất kỹ về lịch sử địa lý.

Xin lắng nghe tên làng ĐÂU KÊNH tôi.
    ĐÂU: là ghép lai, đâu lại.
    KÊNH: là kênh, rạch, hói, bàu.

Đâu Kênh là ghép phần đất hai bên kênh lại. Ghép xóm Bàu xóm Rào Thượng, xỏm Rào Hạ vào 6 xóm khác thành làng Đâu Kênh.
Sông Thạch Hãn nguyên thủy chảy qua làng tôi. Không biết từ lúc nào, lý do gì sông Thạch Hãn chuyển dòng như hiện nay. Bàu sen làng tôi là dấu tích còn lại của lòng sông Thạch Hãn ngày xưa. Do thời gian lòng sông cạn dần chỉ còn lại Bàu Sen (kênh) như bây giờ. Làng tôi có một phần đất của hai bên Bàu Sen đâu (ghép) lại với nhau thành Đâu Kênh. Làng Đâu Kênh có trên 600 năm cùng thời với làng Hoa La (Bích La Thượng bây giờ).
 
Năm 1994, khi nghe xóa tên làng, tôi đã thỉnh thị và đề nghị Sở Tư pháp Tỉnh Quảng Trị, người làng Đâu Kênh làm giám đốc:
    * Đâu Kênh 1 (Triêu, Đùng, Hói).
    * Đâu Kênh 2 (Bàu, Rào Thượng, Rào Hạ).
    * Đâu Kênh 3 (Kiệt, Cồn, Bồi).

Để lưu giữ tên vùng đất thiêng của Tổ tiên, tôi đã làm bài thơ như sau:
 
ĐÂU KÊNH LÀNG TÔI
 
Ba tôi bảo làng mình đông dân lắm.
Chín xóm thôn quanh quẩn vây quanh.
Dòng Thạch Hãn nước trong uốn khúc.
Dòng sông này lắm lúc đổi thay.
Quê tôi đó, có xóm BÀU, xóm HÓI.
Với ĐÌNH LÀNG cây cối xanh tươi.
Bên bờ sông có RÀO THƯỢNG, RÀO HẠ.
Xóm BỒI cuối thôn, xóm CỒN, xóm KIỆT.
Xóm TRIÊU, xóm ĐÙNG mà ai chẳng biết.
Giữa quê tôi có BÀU SEN trang nhã.
Có Chùa THIÊN TÔN, có LỤC MIẾU linh thiêng.
Có họ VÕ, ĐOÀN, LÊ, ĐỖ, NGUYỄN,
Làng đại xã, bao thế kỷ qua dân sống.
Quê tôi đó bên kia bờ ÁI TỬ.
Dọc theo làng, đối diện TRÀ LIÊN.
Đất màu mỡ nhờ dòng sông mang đến.
Lưu luyến quê nhà, chẳng muốn bước chân đi.
Về phía Bắc có VÕ THUẬN, TRÀ LIÊN.
Phía Đông giáp PHÙ LƯU, PHƯƠNG NGẠN, HÀ MY.
Phía Tây có ĐẠI LỘC, sông HÃN.
Phía Nam AN MÔ, TÂN ĐỊNH, BíCH KHÊ.
Quê tôi đó tuy nghèo, nhưng đầm ấm.
Vách phên tre, cây cột vẹo xiêu.
Dân vẫn sống, vẫn hiền hòa như biển lặng.
Vẫn thương nhau, vẫn đùm bọc lấy nhau.
Tôi còn nhớ những năm dài, tháng rộng.
Học trò xa lẻ tẻ đi về.
Thăm quê cũ, thăm mẹ già và em dại.
Quê tôi đó bị chiến tranh cày xới.
Nhà tan hoang đất ruộng vỡ tung.
Những hố bom, hố đạn còn ghi dấu tích chung.
Hằn lên quê nghèo những vết thương ngày tháng.
Ai đã đến quê tôi một dạo.
Bằng đường sông hay đường bộ về làng.
Qua Xóm HÀ, chợ SÃI thân thương.
Theo tỉnh lộ chạy dài về CỬA VIỆT.
Quê tôi đó dân QUẢNG ai chẳng biết.
ĐÂU KÊNH làng thuộc xã TRIỆU LONG.
Người Phủ TRIỆU trong sử sách ghi dấu.
Bạn ghé quê tôi bằng đường Quốc lộ.
Xe dừng ngay Ái Tử Chợ Hôm.
Cầu AN MÔ đưa bạn tới Làng.
Làng tôi đó tuy nghèo nhưng hiểu khách.
Với rau dưa bữa cơm đạm bạc.
 Nước chè xanh, xin tiếp bạn hết lòng.
                                  Sài gòn, 25/2/94
 
Tôi vẽ bức tranh làng mình qua nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm thời thơ ấu trong ký ức.

Bốn cổng chính được xây dựng làm mốc ranh giới của làng Đâu Kênh:
    * Cổng từ làng Bích la Thượng vào.(xóm Hói)
    * Cổng từ Phương ngạn qua (xóm Kiệt) 
    * Cổng từ đường liên tỉnh vào (xóm Đùng).
    * Cổng từ Trà Liên lên (xóm Bồi)
 
Rõ ràng con dân làng Đâu Kênh, dù ở lại hay đi xa lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ, lúc nào cũng muốn có một nơi chốn để quay về.
“Quê hương nếu ai không nhớ không lớn nỗi thành người.”
“Khi ta ở chỉ là đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.”
 
Nhiều làng lớn trong tỉnh đều chia làng như sau: Nhan Biều 1,2,3..., Cu Hoan 1,2,3... Sao Đâu Kênh làng tôi không được phân chia như ước nguyện, để còn lại dấu tích của Cha Ông, dễ dàng lưu giữ những truyền thông của Tổ Tiên.

Lịch sử sẽ phán xét và nguyền rủa những con người có ý định hủy diệt văn hóa mà tổ tiên đã dày công gầy dựng do cái dốt nát mà phá nát một nền văn hóa cha ông để lại.
 
                                                                              Saigon, 12/3/2021
                                                                                   Võ Văn Cẩm

1 nhận xét:

tieng thoi gian nói...

Rất cảm thông cho nỗi niềm của tác giả Võ Cẩm. Làng hơn ngàn người thì có một ngàn nỗi đau như thế, tỉnh có vài vạn người thì có cả vạn nỗi đau cũng như thế Cứ nhân lên chúng ta sẽ thấy NIỀM ĐAU CHUNG NHẤT ra sao?
Nguyên cớ đâu? Do Quan là Quyền là Cha là Mẹ là quyền uy TỐI THƯỢNG cao hơn cả Thiên Đình THÌ BẠN VÀ TA CÓ KÊU THIÊN ĐÌNH LÀM CHI NỮA ?