DẤU XƯA TRÊN
NGẢNH TAM TÂN
Đoạn bờ biển hình cánh cung dài khoảng
3 km nối từ ngảnh Tam Tân với Đồi Dương Tân Lý (xã Tân Bình, thị xã La Gi, Bình
Thuận) có một địa hình rất đẹp, cặp theo là đồi cát và rừng dương xanh mượt mà,
còn lưu giữ nét hoang sơ. Tại đây cũng gần 100 năm, đã trở thành nơi in dấu một
sự kiện mang ý nghĩa đẹp về lòng yêu nước và tình người trên
vùng đất heo hút lúc bấy giờ. Từ tập “Thi tù tùng thoại” của Huỳnh Thúc
Kháng và những bài viết của nhà văn Nguiễn Ngu Í (1921-1979) đã khắc họa lại
câu chuyện những người tù Côn Lôn vượt ngục và tắp vào bờ biển này năm 1917. Hồi
ấy, nhà tù Côn Đảo (xưa gọi là Côn Lôn) chuyện vượt ngục đã khó nhưng vượt biển
để vào đất liền là điều may rủi, hiếm ai sống sót. Trên chiếc bè tre kết bằng
những sợi dây rừng, sáu người tù thả trôi theo sóng gió, chấp nhận dạt vào đâu
rồi mới tính tiếp, miễn sao thoát khỏi ngục tù. Trong nhóm tù có Nguyễn Cửu
Cai, Nguyễn Kim Đài, Nguyễn Đình Kiên là tù “quốc sự phạm” còn lại 3 người là
tù thường phạm dân Lục tỉnh. Nguyễn Đình Kiên còn gọi là Tú Kiên hoạt động
trong phong trào Đông Du bị thực dân Pháp bắt cầm tù đày ra Côn Đảo. Sau này Tú
Kiên là bí thư kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ, có những hoạt động tích cực ảnh hưởng đến
phong trào cách mạng Bình Thuận.
Nhưng trong cái hoàn cảnh xã hội của
một miền quê hẻo lánh, làm sao qua được con mắt của hương chức trong làng cho
nên câu chuyện bị vỡ lở khi ông hương chủ xích mích với ban hội tề, ông ta sai
biểu thừa trạm gửi thư ra tỉnh tố cáo chuyện bao che những phần tử phi pháp,
không trình báo cho quan trên. Cùng lúc nhà tù Côn Lôn có thông báo 6 người tù
vượt ngục. Tỉnh đưa lính về làng Tam Tân lùa cả ban hội tề, thầy đội kiểm lâm
và Giáo Hoàn về Phan Thiết. Giáo Hoàn nhận hết tội về mình và chịu án tù 3 năm
đày ở Lao Bảo. Số còn lại bị cách chức và trả về nguyên quán làm ăn.
Cũng cần nói thêm về ông Giáo Hoàn,
là một nhà Nho uyên thâm, gốc quê Hà Tĩnh. Tham gia phong trào cách mạng ở địa
phương bị bại lộ rồi vào làng Tam Tân ẩn thân, sống nghề bốc thuốc chữa bệnh và
dạy học. Ông là thân sinh của nhà văn, nhà báo Nguiễn Ngu Í (tên thật Nguyễn Hữu
Ngư), người có nhiều biệt tài và đề xướng cách thay đổi chữ viết gây nhiều
tranh cãi từ y thành i, p thành b, k thành c… trước năm 1975. Ngôi mộ của Giáo
Hoàn và vợ, nằm cạnh ngôi mộ cải táng của Nguiễn Ngu Í nằm trên triền động cát
khu vực ngảnh Tam Tân.
Nơi chiếc bè tre của 6 người tù ngày
xưa tắp vào có địa danh Nước Nhỉ nằm ngay đầu Sở Dương 2 được bao phủ những bụi
dứa xanh. Tại đây người dân kéo lưới và khách bộ hành thường ghé vào lấy nước
ngọt từ động cát chảy ra. Thật là hiếm thấy trên bãi cát phẳng lì cách mực nước
biển chừng hơn chục bước mà chỉ cần moi vài vốc cát đã có nguồn nước mát lạnh,
ngọt ngào. Năm 1944, nhóm thanh niên Hướng đạo sinh La Gi-Tam Tân Đỗ Đơn Trì
(thân sinh nhà văn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc), Nghê Nhã Ý, Huỳnh Hương… dùng xe bò
chở gạch xây một cái giếng cạn cạnh bụi dứa đặt tên giếng Nguồn Chung, nhưng
nay đã bị cát phủ lấp chỉ còn dòng nước nhỏ rỉ rả như tiếc nhớ một thời. Đứng ở
ngảnh Tam Tân nhìn về hướng nam, đó là làng chài Tân Long (phường Bình Tân), được
nối dài bởi rặng dương xanh như e ấp làn sóng biển hiền hòa vỗ vào bờ dưới bầu
trời trong veo nắng ấm. Nhớ lại câu chuyện cũ đã gần một thế kỷ mà tưởng chừng
đâu đây vẫn còn thấm đậm cái nghĩa cử và tính hào sảng của người xưa.
Phan Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét