Hòn Bà, thị xã La Gi
HÒN BÀ, DẤU
CHẤM THAN HUYỀN THOẠI!
Từ bờ biển La Gi (Bình Thuận) nhìn thấy đảo
nhỏ Hòn Bà tựa như một con rùa khổng lồ đang chồm lên sóng hướng về phương nam.
Đầu rùa là một tảng đá lớn nằm lẻ loi cạnh chân đảo. Rùa là một trong bốn hình
tượng hoàn chỉnh của thuyết phong thủy (rồng, phượng, rùa, hổ) và “kim quy trấn
khẩu” ngay của biển La Gi có thể luận ra cái thế hội tụ của sự che chở và an
lành.
Cửa biển sông Dinh có mùa lúc lở lúc bồi
làm cho xóm chài Phước Lộc lao đao và tàu thuyền ra vào bị mắc cạn dù đã có kè
biển dang tay dài gần cây số, nhưng nghề biển ở đây vẫn được coi là tiềm lực nhất
nhì của tỉnh. Từ cảng cá, đi thuyền máy ra đảo khoảng 30 phút nhưng phải loay
hoay chuyển qua chiếc thúng chai mới vào được bờ. Chân đảo ngổn ngang đá tảng
chồng chất lên nhau chỉ còn được một bãi cát trắng tinh rộng khoảng sân nhà làm
nơi cặp bến. Trong đất liền giáp biển là địa hình bằng phẳng cách xa núi nhưng
ngoài biển chỉ khoảng hai cây số lại đột ngột nổi lên hòn đảo hàng hàng lớp đá
mới lạ lùng. Nhưng được giải nghĩa vì sao, khi biết rằng dưới đáy biển ở đó là
một dải rạn đá bí ẩn như bài vè thủy trình của những các lái ghe bầu ngày xưa nằm
lòng,“Sóng ào ào buồm dương ba cạnh/ Chạy một hồi tỏ rạn La Gi/ Hòn Bà, rạn Gõ
một khi/ Ngoài khơi rạn Đập, trong ni rạn Hồ…”. Cho nên biển La Gi nổi tiếng
nhiều cá, đặc biệt là loài cá ở rạn như hồng, mú, kẽm, đỏ dạ…và cua ghẹ, ốc sò
nhờ bởi chốn ẩn náu êm ả để sinh trưởng bầy đàn.
Đứng trên đảo Hòn Bà mới nhận ra ở đây
đá nhiều hơn đất, nhưng cây cối, lùm bụi rậm rịt một màu xanh quanh năm. Những
cây trôm cổ thụ cho chùm quả đỏ gấc khép nép dưới tán lá như hoa nở. Lưng đảo
phía hướng khơi phải thường xuyên chống chỏi với gió biển dập dồn nên những cây
phong ba có vẻ xác xơ nhưng vẫn vươn mình rắn rỏi. Trước miếu thờ bà Thiên y A
na bây giờ rất khó hình dung được cái khung cảnh của thuở hoang sơ. Từ xa xưa,
khối đá tự nhiên có dáng hình thiên nữ bán thân, mặt trông ra biển khơi nhưng về
sau do ngư dân tôn tạo, lập miếu phụng thờ đã làm thay đổi khá nhiều. Mấy cội bồ
đề có bộ rễ khổ hạnh bấu víu vào đá tảng đầy rêu phong và đan kín lên nhau như
giấu tuổi già hàng trăm năm. Nhìn vào Đồi Dương vẫn là một dải rừng dương liễu
xanh ngát nối với khu thị tứ chen chúc mái phố của cảng biển La Gi.
Nhưng khi
chiều xuống, nhìn ra biển rộng xa xa là ngọn hải đăng Khe Gà sừng sững trên màu
xanh của biển càng thấy Hòn Bà khắc khoải cô đơn hơn. Ở đây chỉ có gió mặn mòi
se sắc nhưng khi lùa vào hốc đá, lùm cây lại trở nên thê thiết đến chạnh lòng
làm cho tiếng chim càng về khuya nghe ríu rít mỏng mảnh như sương. Mặt bằng
trên đảo Hòn Bà chỉ rộng chưa đến một mẫu đất, bao quanh là vách đá nghiêng
nghiêng càng có cảm giác hòn đảo đang chòng chành giữa sóng biển. Chân đảo phía
bờ đất liền thuộc vùng êm ả, ít sóng to nên có được một bãi đá muôn hình muôn vẻ,
thật sự là một kỳ quan như có sự ưu ái ban tặng của thiên nhiên. Vào mùa bấc thổi,
biển động mạnh thì lưng đảo phía nam này trở thành bức bình phong chắn sóng gió
cho những con thuyền chờ dịu cơn nước để trở về bến cảng. Ngồi trên đá tảng có
thể nhìn thấy từng đàn cá thảnh thơi bơi lội qua màn nước trong xanh để nghĩ đến
một bảo tàng sinh vật biển thu nhỏ ở đây.
Miếu thờ nguyên mẫu nữ thần Poh Nagar,
tôn vinh là Bà mẹ xứ sở được tạo nên từ bọt biển và mây trời thành tiên giáng
thế làm nên bờ cõi Chiêm Thành theo tín ngưỡng của người Chăm. Cùng tục thờ Bà,
người Việt gọi là Thiên y A na- Bà Chúa Ngọc nhưng truyền thuyết về khúc kỳ nam
biến thành nữ thần ở núi Đại An (Khánh Hòa) lại có tính thần bí khác hơn và được
nhà Nguyễn xếp vào bậc thượng đẳng thần. Tuy nhiên, ngoài tượng thờ chính ở Hòn
Bà không có bất cứ biểu thị hình tượng nào khác trong trang trí, chạm khắc như
thường thấy ở các tháp, đền thờ nữ thần Thiên y A na. Việc cúng lễ Bà hàng năm
vào ngày 23 tháng 3 âm lịch cũng do ngư dân vùng biển địa phương thực hiện theo
tục lệ cổ truyền người Việt.
Điều mà ít người để ý là sự tích Hòn Bà (La Gi) hoàn toàn không có gì liên quan đến sự tích tượng nữ thần Thiên y A na được coi như chúa đảo đang thờ. Sự tích Hòn Bà được dẫn dắt bởi câu chuyện tình của đôi vợ chồng thuở hồng hoang sống trên vùng đất yên bình rồi xảy ra chuyện ly tan, ngang trái. Bà chờ đợi Ông đi săn biền biệt không về rồi phát hiện ra sự bội bạc đau lòng nên ghen giận và đạp đổ nồi nước đang sôi. Từ đó, đất liền bỗng nhiên tách ra thành một hòn đảo nhỏ lặng lẽ giữa mênh mông trời biển. Huyền thoại này gắn với các địa danh Suối Nóng Bình Châu (Xuyên Mộc) và Núi Ông (Tánh Linh).
Trên đảo, ngoài đền thờ Thiên y A na bề thế, nghiêm trang còn có tượng Phật Quan Thế Âm theo kiểu thờ vọng bắt nguồn từ tích Chúa Ba Diệu Thiện trong tín ngưỡng Phật giáo, có ảnh hưởng lớn trong đời sống của người dân vùng biển. Cạnh bên có miếu thờ Chúa Chàng Râu (Chây Brâu- Pô klong Pìrầu), cho đó là một chức sắc hoàng tộc được vua Chăm trao quyền cai quản một vùng đất. Những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm lại không khẳng định, tương tự cũng từ huyền thoại Poh Nagar nhưng mỗi nơi có tên gọi khác nhau. Cũng có tài liệu cho rằng cổ thư Chăm ở Hòn Bà có miếu thờ Bà Bia Dhan Mưh Pateh dựa theo câu chuyện tình ngang trái của Pô Hanim Par và người vợ Pô Sah Inư với em trai Pô Kloong Biraw (Chúa Chàng Râu). Nhưng từ hồ sơ nghiên cứu di tích văn hoá để công nhận xếp hạng di tích không đề cập đến tình tiết này.
Điều mà ít người để ý là sự tích Hòn Bà (La Gi) hoàn toàn không có gì liên quan đến sự tích tượng nữ thần Thiên y A na được coi như chúa đảo đang thờ. Sự tích Hòn Bà được dẫn dắt bởi câu chuyện tình của đôi vợ chồng thuở hồng hoang sống trên vùng đất yên bình rồi xảy ra chuyện ly tan, ngang trái. Bà chờ đợi Ông đi săn biền biệt không về rồi phát hiện ra sự bội bạc đau lòng nên ghen giận và đạp đổ nồi nước đang sôi. Từ đó, đất liền bỗng nhiên tách ra thành một hòn đảo nhỏ lặng lẽ giữa mênh mông trời biển. Huyền thoại này gắn với các địa danh Suối Nóng Bình Châu (Xuyên Mộc) và Núi Ông (Tánh Linh).
Trên đảo, ngoài đền thờ Thiên y A na bề thế, nghiêm trang còn có tượng Phật Quan Thế Âm theo kiểu thờ vọng bắt nguồn từ tích Chúa Ba Diệu Thiện trong tín ngưỡng Phật giáo, có ảnh hưởng lớn trong đời sống của người dân vùng biển. Cạnh bên có miếu thờ Chúa Chàng Râu (Chây Brâu- Pô klong Pìrầu), cho đó là một chức sắc hoàng tộc được vua Chăm trao quyền cai quản một vùng đất. Những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm lại không khẳng định, tương tự cũng từ huyền thoại Poh Nagar nhưng mỗi nơi có tên gọi khác nhau. Cũng có tài liệu cho rằng cổ thư Chăm ở Hòn Bà có miếu thờ Bà Bia Dhan Mưh Pateh dựa theo câu chuyện tình ngang trái của Pô Hanim Par và người vợ Pô Sah Inư với em trai Pô Kloong Biraw (Chúa Chàng Râu). Nhưng từ hồ sơ nghiên cứu di tích văn hoá để công nhận xếp hạng di tích không đề cập đến tình tiết này.
Ngư dân vốn giản đơn trong ý niệm tâm
linh, đâu cũng là chốn nơi thiêng liêng có thể gửi gắm ước nguyện tìm về sự che
chở, an lành. Cho nên đảo không lập chùa nhưng cũng có thờ Phật. Trước miếu thờ
Bà có khắc nổi chữ Hán do ngư dân trùng tu sau này “Trung trinh nữ thần” và biến
dịch trong cách bài trí tế tự, chạm khắc câu đối, khám thờ tả hữu con trai con
gái của Bà (2 cậu, 3 cô). Do cách hiểu sai lệch như vậy mới tự phát một ngôi miếu
Ba Cô nằm ở doi đất bờ biển Tân Long (Bình Tân) khoảng năm 1953 từ sự tích truyền
khẩu về sự linh ứng bằng lên đồng rồi thờ “Tam vi tiên nương”! Dưới chân đảo, cạnh
bậc thang đầu tiên lên miếu có am thờ nhỏ, ghi khó hiểu “Trịnh Hoài Vũ 210 năm”
(?). Có lẽ từ câu chuyện về một thương lái mắc tội sàm sỡ, ngang tàng nhưng được
Bà bao dung tha tội và trở thành ông cai giữ đảo trung thành.
Ở Khánh Hòa có Hòn Bà (Diên Khánh)
nhưng đó là ngọn núi, có nhiều cây trầm hương, cho rằng do Bà (Thánh mẫu Thiên
y) sinh ra. Nhưng từ vùng đất biển miền Trung xuôi vào Nam, cũng có nhiều địa
danh hòn Bà, chùa Bà, dinh Bà ở một số nơi… nhưng không hẵn xuất phát từ sự
tích hoặc thờ cúng Thánh mẫu Thiên y A na. Điều đó cho thấy rất rõ sự kết hợp
trong tín ngưỡng thờ Poh Nagar của người Chăm và tục thờ Mẫu của người Việt từ
lâu còn đậm dấu trải dọc bước đường khai mở đất đai. Nhưng với Hòn Bà ở La Gi,
không những có ưu thế về cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời lại còn độc đáo ở chỗ
là có một truyền thuyết dân gian không bị lẫn lộn như thường gặp, bởi giá trị bản
sắc rất riêng của câu chuyện tình đầy tính ly kỳ và lãng mạn thấm đẫm tâm hồn
Việt.
Phan Chính
3 nhận xét:
HUYỀN THOẠI HÒN BÀ – NÚI ÔNG
(MIỀN THƠ BIẾC)
Dưới trăng xa lắm trong huyền thoại
Con bấc mênh mang, sóng bạc đầu
Đôi vần thơ biếc xanh trời đất
Như một lời nguyền để mai sau.
1.
Ngày xưa một chuyến bè sang biển
Núi tiễn đời Đảo nhỏ vào thơ
Mảnh Thiên Y choàng lên sóng biếc
Dòng sông Dinh hoa kết đôi bờ.
Đảo bé bỏng nơi miền biển nắng
Tưổi hồng thơm trăng nhỏ tròn đầy
Vần thơ biếc cho lời thứ nhất
Khi mùa về gió lạnh ngàn mây.
Những lá thắm thả theo dòng bích
Giữa rừng xanh và biển mộng mơ
Tin chưa đến, Đảo buồn dậy sóng
Dòng chưa trôi, Núi đã ngóng chờ.
Buổi xa cách lạnh sông nhạt nắng
Con gió nào làm rối tóc mây
Một chút muối mặn trên môi sóng
Giọt thu vàng xưa chợt vơi đầy
Thuở ban sơ, tự nhiên thơ mộng
Cũng thoáng buồn qua buổi đợi mong
Trong cách biệt có niềm chung thủy
Khi Đảo về giữa biển mênh mông.
2.
Từ dạo ấy, vẫn còn đâu đó
Một vầng trăng lặng lẽ thinh không.
Và năm tháng làm phai màu núi
Giữa ngàn non, Núi đã lên Ông.
Núi ghì chặt tình vào hồn đá
Những cánh rừng xanh thẳm lạnh băng
Dòng La Ngà tiếng đàn trầm lắng
Ru cõi bờ tím ngát bằng lăng.
Và như thế bao mùa rừng cũ
Tóc sương mềm trên vai lặng yên
Núi vẫn đứng ngóng trông về biển
Tinh đất trời đâu dễ nào quên
Đất La Gi biển rừng xanh biếc
Thoảng hương nguồn một thuở nên thơ
Núi và Đảo cùng phương trời nhớ
Tình nước non không thể phai mờ.
Chính tình yêu đưa xa gần lại
Cho núi sông thêm nghĩa yêu thương
Và hạnh phúc ở đâu cũng vậy
Rất đơn sơ trong cõi vô thường.
3.
Nằm trấn giử giữa muôn trùng sóng
Hòn Đảo xưa được gọi tên Bà
Vẫn thơ mộng một miền thơ biếc
Tình thủy chung đâu luận trẻ già.
Cũng từ đó nơi miền biển cũ
Dòng sông Dinh đưa nguồn về khơi
Động Tiên Sa lắng hồn lặng tĩnh
Của tình yêu rừng biển muôn đời.
Mây theo gió, mây về viễn xứ
Sóng ru bờ, bờ ngủ bao năm
Đàn chim biển ngang trùng dương biếc
Mang lời ru từ cõi xa xăm.
Trong lời gió có lời của biển
Của rừng xa và núi ngàn xưa
Đã thắm biếc đôi bờ dương liễu
Để ngàn sau nhịp võng đong đưa.
Ai rót mật cho lời mây nước
đêm ca dao có tự bao giờ
Mùa trăng sáng bắc cầu dải yếm
Chính tình yêu đã nén thành thơ.
4.
Huyền thoại nào chẳng từ sự thật
Cuộc tình nào chẳng có mưa ngâu
Cầu ô thước bắc qua dòng bích
Không tình yêu đâu có mai sau.
Đêm cổ tich không còn cổ tích
Khối tình Bà thành đảo Thiên Y
Nỗi nhớ Ông đã cao thành núi
Con sông Dinh dòng nối nguồn về.
Nơi hoa mộng chân trời xanh thẳm
Hương trăng xưa thơm thoảng ngàn năm
Lời thơ cũ ghi vào đá núi
Đời bên nhau từ lúc chưa rằm.
Đêm sao sáng thay vầng trăng khuyết
Ước mong thầm đời mãi dài lâu
Nếu đã có tình cao như núi
Cũng có tình sóng vỗ bạc đầu.
ĐOÀN THUẬN
LA GI
Chưa đi chưa biết La Gi
Đi rồi cứ hỏi là gì hở em?
Rùa kia mu cứng hay mềm
HÒN BÀ sao lại là tên đảo rùa?
NÚI ÔNG chẳng lẽ chào thua
LY GIA chẳng được phân bua một lời
Kê Gà đèn biển chọc trời
Đề huề Hán Việt cùng ngồi cạnh nhau
Tiếng KÊ tên gọi của Tàu
Còn GÀ tên Việt... chụm đầu giao duyên!!!
Tới đây lạ nước lạ miền
Nghe danh Thầy Thím hiển linh cứu đời
Xin cho được hỏi ít lời
THẦY nam THÍM nữ ? Ngát trời khói hương
LA THUỴ
Huyền thoại về Hòn Bà qua truyền khẩu nhiều đời, dẫu có những chi tiết khác nhau nhưng vẫn là câu chuyện tình đầy tính sử thi. Người ta kể rằng, xưa có đôi vợ chồng trẻ sống thật hạnh phúc bên nhau trên mảnh đất La Gi khi chưa có dấu chân người, tưởng chừng không có gì thay đổi được. Một hôm, người chồng thẫn thờ nghe tiếng con chim lạ hót đã gieo vào lòng chàng bao điều nghĩ ngợi, bàng hoàng. Thế rồi chàng xách ná, tên đi theo tiếng chim mãi về hướng núi xa, với hy vọng sẽ gặp điều may mắn. Đến một vùng đất lạ, thú rừng không gặp nhưng hoa ở quanh chàng hiện ra khung cảnh của ngàn hoa và những hình bóng mỹ nữ diễm kiều. Chàng quên cả lối về với người vợ chân quê.
Ở nhà, nàng nóng lòng bên chảo nước réo sôi, lửa lại sắp tàn, mòn mỏi ngóng chờ chàng mang về những con thịt rừng và tấm da thú màu lông sặc sỡ. Ngày tiếp ngày, nàng vẫn kiên trì nhóm hồng bếp lửa để giữ cho chảo nước luôn sôi. Nhưng trong một đêm được báo mộng, người vợ hiểu ra chàng đã phụ bạc, quay lưng với tình yêu nồng ấm ngày nào nên nàng nổi cơn ghen, hất đổ chảo nước đang sôi như một lời thề đoạn tuyệt. Nàng dậm chân ba dậm, Động Bà Sang bỗng tách một phần đất để trở thành hòn đảo cô đơn chia lìa với bao kỷ niệm. Đó là Hòn Bà!
Trên phần đất tiếp giáp giữa huyện Hàm Tân và Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) có suối nước nóng Bình Châu. Người ta nói là dấu tích chảo nước sôi bị bà đạp đổ. Còn nói về người chồng, có lẽ gặp điều trắc ẩn mà không có cơ hội giãi bày nên ngàn năm đứng mãi ở ngọn núi cao, trông ngóng về hướng biển đông thương nhớ người vợ thủy chung. Địa danh Núi Ông ở huyện Tánh Linh (Bình Thuận) lại gắn với sự tích ở miền biển này.
Đăng nhận xét