BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

NÀO AI MẠC MẶT - Phạm Xuân Hy


         

          
                               NÀO AI MẠC MẶT

Xa nhà hơn hai tháng, rong chơi ở Cali, sáng nào tôi cũng dậy thật sớm  làm tây ba lô, lang thang, thất thểu đi bộ một mình trên khắp những con đường bàn cờ của Little Sàigon. Rồi chờ xe búyt ở ngã tư  phố Bolsa, đổi xe đi ra biển, ngắm nắng sớm ban mai, nghe chim hải âu gọi nhau  ì ào rỡn sóng, lả lướt nô đùa... Đến trưa, thì lại bắt xe búyt trở vào thành phố, làm người rừng ngơ ngác xem cảnh sinh họat buôn bán của cộng đồng người Việt mình. Đói bụng, thì làm khúc bánh mì tay cầm, với một lon côca, hay ghé vào quán cơm chỉ. Năm đồng một bữa. Rẻ . Mà thật ngon. Còn sang một tí, thì vào Nguyễn Huệ đánh một tô phở gà, rồi ra hiên ngoài gặp lại một vài người bạn tiền kiếp, nhắc chuyện vân cẩu năm xưa. Lúc nào mệt, thì kiếm một ghế trống trong những trung tâm thương mại lộng lẫy và sạch sẽ, ngả lưng mà thả hồn Trang Chu đuổi bướm.
Đã hơn bốn chục năm rồi, nay tuyết đã bạc mái tóc kim sinh, mới lại được hưởng cái thú lang thang giang hồ vặt này.

Nhưng gặp đúng thời kỳ nắng gắt, ngaỳ nào cũng trên 30° độ C, thành thử  người tôi cháy đỏ như con tôm luộc. Buổi tối về nhà ngủ, bật qụat đến tốc độ cao nhất mà vẫn đổ mồ hôi nhễ nhại. Đâm ra thèm. Và nhớ. Nhớ cái hiu hắt se lạnh của những buổi sáng sớm Paris chớm vào thu, ra vườn hoa tập thể thao, nghe tiếng chim ngói gáy cục cu, dịu dàng và âu yếm như tiếng người tình nhân goị nhau. Rồi cùng mấy ông bạn già tản bộ tán dóc văn nghệ văn gừng.

Hôm  trở về nhà, thì nhận được thư của một người bạn, nhắc và hỏi lại hai chữ  "mạc mặt " trong Chinh Phụ Ngâm ở câu 99 và 100, là chữ Nôm hay chữ Hán, tại sao lại là vẽ mặt treo lên Lăng Yên Các?

Mạc có phải nghĩa là vẽ không ?

Mấy câu hỏi khá lý thú và quyến rũ tôi.

Thế là tôi lại tiếp tục lên đường ngao du một lần nữa. Lần này thì ngao du tại gia. Trong những thư tịch và những từ điển cổ mà tôi có. Hy vọng, biết đâu chằng tìm ra thêm một vài câu văn nào đó có hai chữ "mạc mặt  với nghĩa là vẽ mặt, để trả lời cho câu hỏi lý thú này.

Dưới đây xin được phép trình bầy  về một số những thông tin mà tôi thu lượm được trong chuyến ngao du này.

A - Xuất xứ của chữ "mạc mặt"

Theo nguyên bản chữ Hán, trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, bản khắc Trường Thịnh Đường khoảng năm 1910, người đọc thấy hai  như sau:


Chinh nhân mạo  thùy đan thanh
Tử sĩ hồn  thùy ai điếu

Đan thanh , tức chu sa hay đan sa có mầu hồng, và thạch thanh một khóang chất có mầu xanh, là những nhan liệu ngày xưa người Trung Hoa thường dùng để vẽ trong nghệ thuật hội họa, nên có nghĩa là hội họa, là vẽ, là sử sách. 
Bản khắc Chinh Phụ Ngâm Trường Thịnh Đường, bên dưới phần nguyên bản chữ Hán, có phần dịch chữ nôm, và hai câu chữ Hán trên đây đã được dịch ra chữ nôm như sau :

Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai vẽ mặt nào ai gọi hồn.

Như vậy, với bản khắc Trường Thịnh Đường, thì chữ "đan thanh"   " được dịch ra chữ nôm là "vẽ ". 
Nghĩa thật rõ ràng, không có gì cần bãi cãi thêm.
Tuy vậy, có một số bản nôm Chinh Phụ Ngâm khác, như các bản:

- Chinh Phụ Ngâm Khúc của "Đại Học Thư Lâm " in ở bên Nhật, (Do giáo sư Nguyễn Đình Hòa tặng tôi)

-Tân San Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Từ Khúc , do nhà Chính Trực Đường khắc năm Gia Long Thập Tứ Niên Cốc Nguyệt Cát Nhật, tức năm ất hợi 1815, sau khi Gia Long  lên ngôi hoàng đế được 14 năm (Bản này được giáo sư Lê Hữu Mục và Phạm Thị Nhung gọi là bản nôm Huế ).

-Chinh Phụ Ngâm Diễn Ca , (Bản viết tay, không ghi ai viết, có nhiều chữ bị mất, chữ viết đá thảo, in trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Vân Bình Tôn Thất Lương dẫn giải và chú thich, do nhà xuất bản Tân Việt in lần thứ năm).

Thì hai câu thơ chữ Hán trên đây lại được dịch nôm như sau :

Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn.

Theo bản Tân San Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Từ Khúc và bản "Đại Học Thư Lâm, cụm từ "mạc mặt" được viết như dưới đây :

Trong khi đó, bản nôm viết tay thì cụm từ "mạc mặt" lại được viết :

Cụm từ "mạc mặt" trên đây, được các tác giải thích ra quốc ngữ là "vẽ mặt".
Ngoài ra, đồng với quan điểm giải thích này, trong bản "Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo" in năm 1953, một tác phẩm giá trị và nghiên cứu công phu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, cũng giải thích "mạc" có nghĩa là "vẽ", nhưng tác giả lại chỉ in có bản chữ Hán, mà thiếu bản nôm mà tác giả đã xử dùng để phiên âm ra quốc ngữ, thành thử người đọc không được biết chữ "mạc" viết cách nào .

Nay nhân gặp dip, tôi mới có cơ hội tìm hiểu thêm ý nghĩa của  ba chữ , , và  trên đây.

B-Tìm hiểu nghĩa của chữ (đọc mạc).

Mạc vừa là chữ Hán vừa là chữ Nôm.

a - Mạc , là chữ Hán.

Trước hết chữ mạc   là chữ Hán. Cuốn Cồ Hán Ngữ Tự Điển của nhà Thương Vụ Ấn Thư Qúan, giải thich chữ mạc thuộc lọai hình thanh tự, lấy hình phù là "thủy " biểu thị những gì liên quan đến nước, hoặc như nước chẩy, còn  thanh phù là "mạc ".

Từ điển Từ Nguyên chỉ ra cách đọc chữ theo lối phiên thiết  là "mộ các thiết, đạc vận"

Mạc có các nghĩa:

1-Nghĩa gốc của chữ "mạc " là sa mạc , tức vùng đất có lưu sa, cát bay theo gió thổi, ở miền bắc Trung Quốc. Như Mạc Bắc là vùng sa mạc ở cao nguyên Mông Cổ

2-Mạc còn có nghĩa là mênh mông bao la . Như quảng mạc.

3-Mạc còn có nghĩa là lãnh đạm, không chú ý. Như trong thành ngữ "mạc bất quan tâm ", hình dung thái độ lãnh đạm đối với người hay sự vật, không hề chú tâm đến một chút nào.

Chữ "mạc " kết hợp với các chữ Hán khác tạo ra các cụm từ như:

lãnh mạc , 
hoang mạc , 
đạm mạc , 
quảng mạc
lạc mạc , 
mạc bắc
mạc bạc ....

b - Mạc , là chữ Nôm.

Theo học giả Đào Duy Anh, trong các cách thức cấu tạo chữ Nôm, có cách được gọi là giả tá, tức mượn âm chữ Hán, đọc theo Hán Việt, để biểu hiện những từ Nôm đồng âm mà không đồng nghĩa.

1-Như chữ "tốt " chữ Hán (âm Hán Việt) có nghĩa là binh lính, nôm thì lại có nghĩa là "tốt lành".

Cũng theo cách giả tá này, chữ Nôm mượn âm Hán của hai chữ mạc và mạc (đọc theo âm Hán Việt) biểu thị chữ Việt đồng âm mà không đồng nghĩa, như trong  những  cụm từ : làng mạc, trận mạc, họ mạc, mộc mạc, mặt mạc, miễu mạc... Chữ "mạc" trong các cụm từ nôm này vô thực nghĩa, chỉ đóng vai trò của một tiếp vĩ ngữ để nhấn mạnh âm đứng đằng trước nó, mà không mang một ý nghĩa nào cả. .

2-Sau nữa, chữ "mạc " đọc trại đi, để đọc là "mác", biểu thị âm  "mác ", trong cụm từ  "man mác " , như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu :

Hoa trôi man mác biết là về đâu".
Đúng ra trôi trong trôi chẩy phải được viết bằng hai chữ thủy +lôi=+". Còn trôi có nghĩa là cá trôi, chúng tôi mượn tạm để viết 
Cụm từ man mác được Đào Duy Anh giải thích là  tản mạn, hình dung có nhiều vật gì rải rác trên một khỏang rộng, không tập trung)

C-Tìm hiểu nghĩa của chữ "" (đọc mạc)

Cũng như chữ "mạc ", chữ "mạc " vừa là Hán vừa là Nôm.

a - Mạc là chữ Hán.

Theo Thực Dụng Trung Y Tự Điển ấn hành năm 2001, thì chữ mạc " " là một chữ hội ý. Giáp cốt văn ghi chữ này  thành ba phần. Phần trên cùng là chữ "thảo ", trung gian là chữ "nhật ", bên dưới  lại là chữ  "thảo ", sau thay đổi dạng  thành chữ "đại ", mô tả   trạng thái mặt trời lặn giữa đám cỏ cây.

Sách "Thuyết Văn Giải Tự" của Hứa Thận, đời Đông Hán, giải nghĩa chữ mạc là "日且 nhật thả minh dã - Nghiã là ngày sắp tối, tức lúc mặt trời sắp lặn, vì thế, sau viết thành , "đọc mộ".

Về cách đọc, Từ Nguyên chỉ cách đọc theo lối phiên thiết là :"mộ các thiết, đạc vận "

Ngoài nghĩa gốc ở trên, chữ "mạc " còn có một số nghĩa khác như dưới đây:

-Không ai, không có gì, dùng làm phó từ. Như "Mạc danh kỳ diệu -Không ai có thể nói được chỗ kỳ diệu ấy"

-Có nghĩa là không, dùng trong câu phủ định. Như "Aí mạc năng trợ -Muốn giúp mà không giúp được.

-Có nghĩa là có lẽ là, ước chừng, biểu thị sự suy đóan. Như mạc phi

 -Có nghĩa là họ Mạc.

-Có nghĩa là rất. Như "mạc đại -rất lớn"

-Có nghĩa là đừng, chớ, dùng trong câu khuyên ngăn, cấm đóan. Như "Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ Đừng có lo sau này không có người tri kỷ.

-Thông dụng với chữ mạc ,

-Thông dụng như chữ (đọc mô), có nghĩa là mưu mô.

b-Mạc , là chữ Nôm.

Cũng như trường hợp chư "mạc ", Nôm mượn âm Hán Việt của chữ mạc này để ghi âm "mạc" trong các cụm từ như :

- làng mạc (J. L Taberd)

- miễu mạc (J. L Taberd)

- họ mạc ...( J. L Tarberd)

-trận mạc

Ngoài ra mạc được đọc trại ra thành "mác" để biểu thị âm "mác" trong các cụm từ

 "chếch mác , "có  nghĩa là tản mạn , buồn bực quá chừng (Pigneau de Béhaine)

 "man mác   " có nghĩa là tản mạn, có nhiều lo toan (Pigneau de Béhaine).


D-Tìm hiểu nghĩa của chữ (đọc mặt)

Chữ "mặt "là một âm thuần Việt, không phải là một chữ Hán, được cấu tạo theo lối hình thanh, bởi hai thành tố chữ Hán :+ =   - ( mạt + diện = mặt. )

1-Chữ Mặt , theo các từ điển Việt Nam giải thích thì là phần trước của đầu, và gồm mắt, mũi, mồm   Như trong Truyện Kiều có câu :
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng
2-Nhưng người ta cũng dùng chữ mặt để chỉ những vật gì có hình dáng tròn và phẳng, như :
mặt trăng 
mặt trời 
mặt đất 
mặt hồ  .
3-Chỉ chiều hướng, như
- mặt phải mặt trái    .
4-Mặt còn là lượng từ, dùng để đếm. Như:
- Chị tôi có bốn mặt con với anh ấy "
5-Tên một lọai cây gọi là :
-cây mặt giăng 
-cây mặt giời
6-Theo Vũ Văn Kính thì "mặt", theo giả tá nôm còn đọc là mặc.
E- "Mạc" có nghĩa là "vẽ".

Sau hơn một tuần lễ "ngao du" trong đống thư tịch hán nôm và những tự điển rách nát, cũ kỹ của mình, nhưng vì khả năng hạn hẹp, và tài liệu ít ỏi, tôi chỉ lượm lặt được một số nghĩa có liên quan đến hai chữ mà tôi đã mạn phép trình trên đây, chỉ tiếc rằng đã không tìm thêm được câu văn nào có chữ "mạc "với nghĩa là vẽ, để  giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi quyến rũ đã đặt ra.

Dầu vậy, không thể vì thế mà khẳng định rằng hai chữ "mạc " không có nghĩa là "vẽ" được. 
Thật ra, trong cuốn "Gíup đọc Nôm và Hán Việt", của Linh Mục Trần Văn Kiệm, một tác phẩm công phu và giá trị, người ta có thể tìm thấy hai chữ "mạc" , viết là :

                   
được tác giả giải thích là vẽ, và nêu ra thí dụ :

Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn.

Tiếc rằng tác giả  không chua rõ chữ , và , đã được trích từ  bản nôm Chinh Phụ Ngâm năm nào. 
Hai chữ mạc này cũng đều là chữ Hán đọc theo âm Hán Việt.

Chữ  mạc , có nghĩa là sự khổ sở, bệnh hoạn. Còn chữ mạc , là một chữ thuộc lọai đa âm tự, và ta quen đọc là mạt, có nghĩa xoa bôi, xóa bỏ, như mạt phấn , mạt tường .

Mà theo cách cấu tạo giả tá về chữ nôm, người ta có thể mượn âm Hán Việt của một chữ Hán, để tạo một chữ nôm đồng âm, nhưng vì không có qui định thống nhất  phải dùng chữ  Hán nào để có một chữ nôm tương ứng. Thành thử xẩy ra tình trạng có một chữ nôm, cùng một âm, cùng một nghĩa, có thể được viết bằng nhiều chữ Hán khác nhau. Như trường hợp chữ "mạc" là vẽ vậy, khiến cho sau này hậu thế gặp nhiều khó khăn khi tìm nghĩa của một chữ nôm cổ đã không dùng nữa.

Đó cũng là trường hợp của cụm từ quen đọc là "cổ lục" ở câu thứ 7 của Truyện Kiều:

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
Thật ra, trong các bản nôm Truyện Kiều được lưu hành rộng rãi như các bản:
1-Liễu Văn Đường
2-Văn Nguyên Đường.
3-Quảng Văn Đường
4-Phúc Văn Đường
5-Abel des Michels.
6-Thúy Kiều Truyện Tường Chú.
7-Kim Vân Kiều Chú.

Thì tám chữ trong câu 7 trên đây không hề có chữ nào đọc là cổ cả, còn hai chữ người ta quen đọc là "cổ lục"  này đều khắc bằng hai chữ Hán là "cố lục ".

Chữ âm Hán Việt đọc là cố (cố định, cố thể), nôm đọc là có (có vợ có con, có khi có lúc).

Chữ âm Hán Việt đọc là lục (mục lục, sao lục)

Theo bản Kiều phiên âm lần đầu tiên ra quốc ngữ năm 1875 của học giả Trương Vĩnh Ký thì câu số 7 này đã được phiên âm là :

Phong tình có lúc còn truyền sử xanh
Đọc là "có lúc", sẽ hợp với văn cảnh hơn. (Truỵên "phong tình" tức truyện trai gái yêu đương, cũng có lúc được ghi vào sử xanh).
Âm "lúc" của tiếng Việt, thường được viết theo cách giả tá bằng chữ Hán là lục , thì cũng có thể viết bằng một chữ Hán khác cũng âm là lục .

Tuy vậy, tôi không thể khẳng định rằng "có lúc" là hoàn toàn đúng, và "cổ lục" là hòan toàn sai, vì gần đây có hai bản nôm Truyện Kiều viết tay mới được tìm thấy, một của Lâm Nọa Phu (chép năm 1870) và một của Tăng Hữu Ứng(chép năm 1874), cho biết là hai chữ quen đọc đó viết là "cổ lục ". 
Như thế, đứng về văn bản học, bản chép tay của Lâm Nọa Phu ra đời sau bản Liễu Văn Đường –Nghệ An bốn năm, chúng ta sẽ phải trọn lựa văn bản nào trong hai văn bản trên đây để làm tiêu chuẩn nghiên cứu ? 
Vậy xin ghi ra đây để tồn nghi.

Ngoài ra, trong các từ điển của Gustave Hue, của Eugène Gouin, ...người ta có thể tìm được  những chữ "mạc" với nghĩa là "peindre" (vẽ), nhưng viết một cách khác.

Gustave Hue thì viết là :

 Còn Eugène Gouin là :
Cả hai chữ trên đây đều là chữ Hán, âm Hán Việt đọc là "mạo" có nghĩa là diện mạo . Tôi không rõ hai chữ mạo trên đây  tại sao lại được đọc là mạc? Phải chăng những chữ này cũng thuộc lọai đa âm tự và có một âm là mạc chăng.

D- Mạc mặt và Lăng Yên Các.

Mạc mặt có nghĩa là vẽ hình mặt.

  nguyên bản chữ Hán của Chinh Phụ Ngâm câu 447 ghi :

Lăng yên các hề Tần Thúc Bảo

Lăng Yên Các là tên một điện các nằm trong Thái Cực Cung ở kinh đô Trường An đời Đường. Sách "Cựu Đường Thư-Thái Tông Kỷ", ghi rằng vào tháng hai năm Trinh Quan thập thất niên, tức năm 643, Đường Thái Tông Lý Thế Dân, người đã có công tạo dựng lên một đế quốc cường thịnh, rộng lớn bậc nhất lịch sử Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6, tức vương triều nhà Đường, từng sai họa sĩ tài danh đương thời là Dương Lập Bổn vẽ hình hai mươi bốn vị công thần theo phò Lý Thế Dân, như Trưởng Tôn Vô Kỵ, Đỗ Như Hối, Ngụy Trưng, Lý Tĩnh, Tần Thúc Bảo, Trình Giảo Kim...đem treo ở Lăng Yên Các để ghi nhớ công lao của họ.
Tần Thúc Bảo là một tướng lãnh đời sơ Đường, tên thật là Quỳnh, tự là Thúc Bảo, người Tề Châu Lịch Thành. Cuối đời nhà Tùy, Tần Thúc Bảo theo Trương Tu Đà trấn áp các cuội nổi dậy của Lý Mật và Lư Minh Nguỵêt. Sau khi Trương Tu Đà chết, Tần Thúc Bảo lại theo về với Lý Mật, được Mật dùng làm Trướng Nội Phiêu Kỵ. Sau khi Lý Mật bị bại trận, Tần Thúc Bảo bị Vương Thế Sung bắt, ít lâu sau thì hàng Đường, theo Lý Thế Dân, được Lý Thế Dân dùng làm Mã Quân Tổng Qủan, đánh bại được Tống Kim Cương, Vương Thế Sung, rồi trấn áp đuợc các cuộc nổi dậy của Đậu Kiến Đức và Lưu Hắc Đạt, làm quan đến chức Tả Võ Vệ Đại Tướng Quân.

Tần Thúc Bảo còn được người Tầu tôn thờ là Môn Thần, thần canh giữ cửa, khu tà và trừ ác. Người ta thường thấy tượng của ông cùng với tượng của Uất Trì Kính Đức đứng  trấn giữ ở ngoài cửa đền đài, lầu các và thường được mệnh danh là "Môn Thần Nhị Tướng Quân". Nguyên có giai thoại về Tần Thúc Bảo, kể rằng:
"Đường Thái Tôn Lý Thế Dân, ban đêm không ngủ được, thường nghe tiếng gạch ngói ném trên nóc nhà, tiếng ma quỉ gào thét, thì lấy làm sợ, mới đem truyện hỏi các đại thần, thì Tần Thúc Bảo xuất ban tâu:
-Thần bình sinh giết người như cắt cỏ, thây tích nhiều như kiến, lẽ nào lại sợ ma quỉ? Xin bệ hạ cho thần cùng với Kính Đức mang khí giới đứng canh ngoài cửa. 
Đường Thái Tôn chuẩn tấu. Qủa nhiên ban đêm không còn nghe tiếng quỉ hú nữa. Đường Thái Tôn lấy làm mừng , bèn sai hoạ công vẽ hình Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung treo ở hai bên tả hữu ngoài cửa cung điện. Và đích thân Đường Thái Tôn viết hai câu đối ca tụng:

 
 
Song đồng đả xuất Đường thế giới
Đơn tiên sanh chú Lý Càn khôn.

Riêng tôi, hồi bé ham đọc truyện Tầu, trong chiến tranh thường trốn mẹ tôi sang làng Lương Đường, quê cụ Phạm Quỳnh, mượn người quen cuốn Thuyết Đường in bằng giấy gió về đọc.
Trong truyện kể Tần Thúc Bảo có xước hiệu là "Trại Chuyên Chư", nhà nghèo, mồ côi cha, làm chân bổ khoái ở huyện Lịch Thành, có ngón đòn Kim Gỉan tổ truyền thần sầu quỷ khốc, nặng một trăm ba mươi cân, lợi hại không thua gì ngón hồi mã thương của La Thành, lấy đầu địch nhân nhanh như lấy khăn trong túi. Tần Thúc Bảo từng sáp huyết ăn thề kết giao với bọn lục lâm hào kiệt, trừ gian diệt ác, cứu khốn phò nguy, như Trình Giảo Kim, Từ Mậu Công, Lý Tích, Ngụy Trưng rồi cùng họ phò giúp Lý Thế Dân dựng lên nghiệp đế, lưu danh muôn thuở. Nhiều chi tiết trong truỵên tôi đã quên, nhưng còn nhớ mãi cảnh tác giả mô tả  Tần Thúc Bảo khảng khái, không sợ liên lụy, chuốc rượu tế sống người bạn kết nghĩa là Đan Hùng Tín, để đưa tiễn Tín lên đọan đầu đài, mà trong tuồng Tàu thường có vở gọi là "Tống Tửu Đan Hùng Tín"

Rất là bi tráng và cảm động.

Nhân  đây, tôi cũng dông dài mua vui, xin lược dịch đọan tiểu thuyết này, ôn lại đôi chút kỷ niệm mê đọc truyện Tầu thời thơ ấu của tôi, như sau này ngừơi ta mê truyện chưởng của Kim Dung vậy.

Anh đọc mua vui.

"......Lại nói lúc bấy giờ Đan Hùng Tín đang bị giam ở trong ngục thất, thấy Vương Thế Sung bị dẫn đi rồi thì biết rằng mình đã bị kết vào tội chết, trong lòng buồn buồn không vui. Chợt thấy, Trình Giảo Kim từ ngoài sai người bưng một mâm rượu thịt đi vào, lòng càng tin đến ba bốn phần.
Trình Giảo Kim mời Đan Hùng Tín ngồi xuống, rồi nói :
-Chiều qua, đệ và Tần nhị ca muốn vào thăm đại ca , nhưng không rảnh rỗi, nên đi không được.
Hùng Tín nói :
-Đêm qua cũng may đệ có Đậu Kiến Đức đến đây trò truyện.
Trình Giảo Kim thở dài, nói :
-Đệ nghĩ lại, không như cái thời kỳ ở Sơn Đông, anh em mình tụ họp nhau ăn uống nói năng thả cửa, tự làm chủ  mình, nay còn độ bẩy tám người thì bẩy nổi ba chìm, chẳng ai dám đả động gì đến pháp độ tốt, xấu củanhà vua, há chẳng  đáng buồn sao ?
Nói xong, nhìn Đan Hùng Tín, bất giác trào  hai hàng lệ.
Thấy thế Đan Hùng Tín lại càng tin đến năm sáu phần, nhưng im lặng không nói năng gì, chỉ tớp mấy hớp rượu. Chợt thấy Tần Thúc Bảo ở ngoài bước vào nói:
-Trình huynh, đệ dặn trước huynh  vào mời rượu Đan nhị ca , nay sao lại ngồi im lặng thế này ?
Đan Hùng Tín nói :
-Nhị vị đại huynh đều có công vụ bận bịu, vào thăm đệ làm chi cho vất vả ?
Tần Thúc Bảo nói :
-Đan nhị ca nói thế không đúng, nhân sinh ở đời gặp nhau một khắc cũng thật là  khó. Việc của huynh, chỉ tiếc là anh em không  đem thân ra để thay thế huynh được, nếu thay được thì tiếc chi cái thân này.
Nói xong, rót một ly rượu lớn thật đầy, hai tay dâng  lên cho Đan Hùng Tín. Rồi nước mắt dàn dụa hai hàng. Lúc này thì Đan Hùng Tín đã đóan được đến bẩy tám phần. Rồi lại thấy Từ Mậu Công hổn hển bước vào ngồi.
Trình Giảo Kim nhìn Từ Mậu Công, hỏi:
-Làm sao bây giờ ?
Từ Mậu Công chỉ lắc đầu, không nói, rồi vội vã đứng dậy kính cẩn rót hai chén rượu lớn dâng lên cho Đan Hùng Tín, thì nghe bên ngoài có nhiều tiếng chân người đi lại  sột sọat.
Đan Hùng Tín đã đóan ra được cả  mười phần, bèn vuốt râu cười ha hả thật lớn, nói với ba người :
-Cám ơn ba vị đại ca đã có lòng tốt. Mau đem cái bát lớn lại đây, đệ xin uống ba bát, ba huynh uống chén. Hôm nay uống với chư huynh, ngày mai xuống tuyền đài tìm Huyền Thúy và  Bá Đương uống tiếp.
Tần Thúc Bảo nói :
-Nhị ca nói vậy là sai rồi !
Đan Hùng Tín nói:
-Tam vị đại huynh bất tất phải dấu diếm đệ làm chi. Việc của đệ, đệ đã sớm biết là mắc phải tử tội. Tam huynh hãy nhìn mặt đệ xem, có phải là đứa sợ chết không?Từ ngày rời khỏi Nhị Hiền Trang, đệ đâu có mong chi "đầu liền cổ"!
Bọn Tần Thúc Bảo cả ba người cuống họng nghẹn ngào u uất, cạn không hết nổi chén rượu, nhưng Đan Hùng Tín đã uống hết bốn năm bát lớn. Lúc đó đám lính gác tù có nhiều đứa đã đẩy cửa bước vào trong ngục thất, đứng chờ đợi trước mặt. Còn vài tên đầu quấn khăn đỏ đứng ở ngoài cửa, đưa đầu nhìn ngó vào trong. .
Đan Hùng Tín nhìn chúng, rồi lên tiếng hỏi:
-Bọn ngươi tất cả đều chờ ta phải không ?
Bọn chúng đều quỳ xuống, đáp :
-Thưa vâng.
Đan Hùng Tín lại quay ra bảo với bọn Tần Thúc Bảo :
-Xin tam huynh hãy đi lo liệu việc mình, để  đệ lo việc đệ.
Tân Thúc Bảo, Từ Mậu Công và Trình Giảo Kim cả ba đều sụt sùi  xúc động.
Đan Hùng Tín ngăn  lại, nói:
-Đại trượng phu "thị tử như qui", xin tam huynh bất tất ủy mị như đàn bà thế này, người đời chê cười cho. 
Tần Thúc Bảo gọi một tên đao thủ đến dặn dò:
-Đan đại gia không giống như người thường, các ngươi phải phục dịch cho kỹ lưỡng.
Bọn đao phủ, đều ứng thanh đáp:
-Xin tuân lệnh.
Từ Mậu Công nói với Tần Thúc Bảo :
-Tần huynh, anh em mình hãy đến pháp trường trước, bảo họ sắp xếp cho thỏa đáng.
Tần Thúc Bảo đáp :
-Huynh nói phải đấy.
Trình Giảo Kim bảo với Tần Thúc Bảo và Từ Mậu Công :
-Nhị vị đại huynh cứ đi trước đi, đệ đi theo Đan nhị ca.
Tần Thúc Bảo và Từ Mậu Công đều nuốt lệ rời khỏi ngục thất, leo lên ngựa chậy đến pháp trường. Tới nơi, chỉ thấy bọn Đòan Đạt cả ngàn người đã bị chém đầu, thây còn nằm ngổn ngang trên mặt đất. Còn quây hai cái rạp. Một cái có trang hoàng kếtgiây đỏ. Còn một cái thì không. Cái có kết giây đỏ dành riêng cho viên quan giám hình đúng chờ. Từ Mậu Công sai thủ hạ trọn một chỗ sạch sẽ tươm tất. Tần Thúc Bảo thì sai bộc nhân mang  tấm chiếu mà ngày trước Đan Hùng Tín đã tặng cho  ở Lộ Châu ra trải xuống đất.

Lúc đó mẹ Tần Thúc Bảo là Tần Thái Phu Nhân và con dâu là Trương thị, được Đơn Toàn cho biết tin tức, trong lòng cảm thấy không yên, nên cùng Trương thị đi theo với gia quyến của Đan Hùng Tín. Tần Thúc Bảo sắp xếp cho họ ngồi ở trong lều. Chỉ thấy Đan Hùng Tín không  xiềng xíc, không  trói buộc chi cả, nắm tay Trình Gỉao Kim bước thẳng tới. Bên trong lều bỗng nghe có tiếng khóc rống lên.
Tần Thái Phu Nhân bảo người gọi Tần Thúc Bảo tới, thì thấy Trình Gỉao Kim đến, bà bảo với Trình Giảo Kim rằng :
-Đan viên ngoại là người có nghĩa có tình, đâu ngờ hôm nay lại đến nỗi này, lão muốn được đến trước mặt Đan viên ngoại lậy sống một lậy, để tỏ rằng dù là đàn bà, nhưng lão không phải là tuồng vong ân phụ nghĩa. 
Tần Thúc Bảo thưa :
-Mẹ tuổi đã cao, đến tiễn đưa thế này, cũng  là tỏ cái tình rồi, chứ đến pháp trường nhìn cái cảnh thê thảm làm gì. ?
Tần Thái Phu Nhân nói :
-Năm xưa ở Lộ Châu, con gặp bệnh nặng, lại liên lụy vịệc quan, nếu chẳng có Đan viên ngọai cứu giúp thì làm gì có ngày nay ?
Trình Giảo Kim xen vào, đỡ lời:
-Tần huynh, nếu bá mẫu đã muốn như thế, thì xin cứ chiều ý theo bá mẫu.
Rồi chậy như bay đến nói với Đan Hùng Tín.
Tất cả gồm Tần Thái Phu Nhân, vợ Tần Thúc Bảo, và gia quyến Đan Hùng Tín đều cùng nhau đến pháp trường gặp Đan Hùng Tín.
Tần Thúc Bảo phò mẹ đến trước mặt Đan Hùng Tín, Tần Thái Phu Nhân  nước mắt rơi lã chã nói:
-Đan viên ngọai là người có ân có nghĩa, cầu mong viên ngọai sớm được thăng thiên.
Nói xong lập tức cùng vợ Tần Thúc Bảo quỳ phục xuống đất lậy Đan Hùng Tín. Đan Hùng Tín cùng người con gái đứng bên cạnh tên là Aí Liên cũng vội vã quỳ xuống lễ trả lại. Lễ xong, hai mẹ con Aí Liên ôm lấy Đan Hùng Tín, gào khóc thảm thiết, khiến cho chẳng những Tần Thúc  Bảo, Từ Mậu Công, Trình Giảo Kim đều bị xúc động  đau đớn nặng nề, mà ngay cả đám bách tính, và quân hiệu không ai là không rơi lệ.

Đan Hùng Tín nói với Tần Thúc Bảo :
-Tần đại ca, xin phiền huynh cho người đưa bá mẫu, cùng tẩu tẩu, và vợ con gia quyến đệ ra về, bớt cho đệ cảnh não lòng bối rối.
Tần Thái Phu Nhân nghe nói thế thì vội vã gọi đám bộc tòng phụ nữ dìu Đan Phu Nhân và Aí Liên ra xe đi về.
Tần Thúc Bảo lại sai người đem ra một cái lò lửa, rồi cùng các anh hùng kết nghĩa ngày xưa, lấy dao đeo ở bên sườn, luân phiên cắt bắp vế của mình, đưa lên bếp nướng, dâng lên cho Đan Hùng Tín ăn, và nói:
-Anh em  mình đã từng sáp huyết ăn thề, đồng sinh đồng tử, nay không thể cùng theo huynh được, giả như sau này nuốt lời thề cũ, không trông nom  đến gia quyến của Đan huynh, thì  sẽ bị cắt xẻo, thiêu đốt như những miếng thịt này.
Đan Hùng Tín không từ chối, lần lượt ăn hết từng miếng.
Tần Thúc Bảo vừa khóc vừa gọi con trai là Tần Hoài Ngọc đến :
-Con hãy lậy nhạc phụ đi !
Tần Hoài Ngọc vâng lời cha, cung kính hứơng Đan Hùng Tín lậy bốn lậy.
Đan Hùng Tín dương to đôi mắt nhìn Tần Hoài Ngọc, rồi lớn tiếng  cười ha hả:
-Thật là sảng khoái! Đáng là con rể của ta. Thôi ta đi nhé. Đao thủ đâu, hãy mau động thủ  đi.
Rồi vươn cổ lên cho đao thủ chém.
Mọi người đều khóc rống lên.

............. 

(Dịch từ Tùy Đừơng Diễn Nghĩa đề tác giả là La Qúan Trung do nhà xuất bản Minh Lương Thư Cục 明亮 ở Hương Cảng ấn hành-Có thể nhà in này đã ghi nhầm tên tác giả truyện Tuỳ Đường Diễn Nghĩa, các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc cho rằng tác giả của Tuỳ Đường Diễn Nghĩa là Trử Nhân Hoạch 褚人獲) .
Ngoài ra, Tần Thúc Bảo còn được người Tầu hành nghề bổ khoái , tức nghề bắt trộm cướp, tôn làm tổ sư. Trong nhà những người hành nghề này, thường thấy treo hình thờ Tần Thúc Bảo.

Về sau, trong thơ văn cổ điển, thường dùng điển tích "tranh treo gác khói" để nói lên sự ghi nhớ công nghiệp, danh lưu sử sách của các danh tướng.

Như Đỗ Mục từng có câu thơ :

 
Công danh đãi ký Lăng Yên Các
Lực tận Liêu Thành bất khẳng hồi

(Công lao đợi ghi vào Lăng Yên Các, xin tận lực ở Liêu Thành, không chịu trở về)

Còn ở nguyên bản chữ Hán của Chinh Phụ Ngâm câu 447-448 ghi :

閣兮秦
臺兮霍
Lăng yên các hề Tần Thúc Bảo
Kỳ Lân đài hề Hoắc Phiêu Diêu

và được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn nôm một cách tài tình:

Tài so Tần, Hoắc vẹn tuyền
Tên ghi gác khói, tượng truyền Đài Lân.


Trong thơ văn cổ điển Trung Quốc, người ta còn gặp một địa danh khác có tên là Lăng Yên Lâu , nằm ở thành phố Cửu Giang tỉnh Giang Tây bây giờ, do Lâm Xuyên Vương Lưu Nghĩa Khánh cất khi ông làm Thứ Sử Giang Châu, và Lý Bạch đã có thời du ngọan đến đó, nên mới có câu thơ :

Triêu biệt Lăng Yên Lâu
Minh đầu Vĩnh Hoa Tự. 
(Sáng biệt lầu Lăng Yên, tối vào chùa Vĩnh Hoa)

Cuộc ngao du với sách vở đến đây, tôi cũng cảm thấy mệt mỏi rồi, dù biết rằng còn nhiều chỗ bất cập và thiếu sót, câu văn có chỗ không được mạch lạc khúc triết. Nhưng thôi thì, tâm tình với nhau, ta cần gì phải mầu mỡ riêu cua, để làm vẩn đục cái tình bạn cẩu nhục chi giao của mình đi. Đành hẹn với anh, để khi tìm được thêm những gì mới thì sẽ bàn lại tiếp. 
Cám ơn anh đã cho mượn mấy cuốn sách nhá. 
Thân.
Phạm Xuân Hy 
(20-9-2006 17h15)

Không có nhận xét nào: