LỜI BẠT
"ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ"
Năm mươi ba năm về trước, tôi quen biết Đoàn Đức khi
cùng bước chân vào lớp Đệ Tam C (lớp 10), trường Trung học Nguyễn Hoàng - Quảng
Trị. Tôi thuở nhỏ thất học nên khi vào Đệ Nhị Cấp người đã cao lớn như một
thanh niên. Đức là dân thành thị, được học hành sớm nên so với tôi, anh nhỏ
hơn, cỡ bằng tuổi em mình. Tuy nhiên, khi nhận biết Đức thông minh, học giỏi,
có trí nhớ tuyệt vời và đam mê học tập, nhất là sự hòa đồng với bạn bè, tôi đã
quyết định kết thân với Đức để trao đổi việc học tập, không có mặc cảm lớn-nhỏ,
tỉnh-quê. Sau một thời gian, khi đã quen thân nhau, tôi thường lui tới nhà Đức
học hoặc chuyện trò. Một hôm tôi đến nhà thì Đức đi vắng; cụ thân sinh của Đức
niềm nở tiếp đón và chân tình nói với tôi: “Em Đức nó còn nhỏ, trẻ người non dạ,
có gì ở lớp cháu góp ý giúp đỡ cho em với”. Tôi nghe mà thấy hổ thẹn với lời nhờ
của cụ. Có lẽ ông cụ tưởng tôi lớn người nên khôn ngoan, tài giỏi hơn Đức, còn
thằng con út Đoàn Đức của cụ thì còn ngây thơ, khờ khạo lắm, cần có người lớn
tuổi kèm cặp thêm. Tôi lễ phép và chân thành thưa lại với cụ: “Thưa bác, cháu
là học sinh từ quê lên, thuở nhỏ thất học nên bây giờ lớn xác rồi mà phải cùng
học với các bạn nhỏ tuổi hơn. Cháu thấy bạn Đức giỏi lắm, trẻ người nhưng không
non dạ đâu mà bác lo. Cháu còn phải học ở Đức nhiều thứ chứ đâu dám bày vẽ thêm
cho Đức điều gì.”
Cùng học một lớp nhưng chúng tôi theo hai sinh ngữ
chính và phụ khác nhau. Tôi học sinh ngữ chính là Pháp văn và sinh ngữ phụ là
Anh văn; còn Đức thì ngược lại, nên đến giờ ngoại ngữ thì lớp chia làm hai,
chúng tôi trở thành hai người khác lớp! Tuy nhiên, do nhận thức được cái hay và
tầm quan trọng của cả hai ngoại ngữ này, cộng với tài năng tuyệt vời và nhiệt
tình giảng dạy của quý thầy cô, hai chúng tôi cùng tạo cơ hội để học tập, rèn
luyện và ước rằng sẽ giỏi cả hai thứ tiếng như nhau.
Người ta thường bảo “Danh sư xuất cao đồ”. Chúng tôi
không dám nhận là những cao đồ, nhưng quả thực quý thầy cô chúng tôi xứng đáng
là những danh sư. Với vốn kiến thức uyên thâm, với năng lực sư phạm tốt, đạo đức
nghề nghiệp cao, lại thêm bầu nhiệt huyết, lòng yêu thương học trò, họ đã truyền
thụ cho chúng tôi kiến thức vững chắc, sâu rộng; nhờ vậy, khi ra đời, nhiều bạn
đã trở nên nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Công ơn và tình cảm của
các vị ân sư, chúng tôi mãi mãi khắc ghi trong lòng, dù hoàn cảnh sống bầm dập
ra sao, dù xã hội có đổi thay như thế nào chăng nữa. Biết bao kỷ niệm thân
thương, quý giá và tình nghĩa thầy trò rất đáng được ghi lại, đóng thành sách để
giúp bạn bè hồi tưởng quãng đời thư sinh, giúp con cháu hiểu được ân tình sâu nặng
của các thế hệ cha anh đối với thầy cô của họ. Tiếc thay, trong chúng tôi, những
con người đã trên tuổi 70, hứng chịu bao bầm dập, sóng gió của cuộc đời, dường
như không ai còn đủ khả năng, tâm trí ngồi viết lại cụ thể những hoài niệm về
thầy cô giáo cũ.
May thay, còn có một người trong chúng tôi có thể làm
việc đó, không ai khác là anh Đoàn Đức! Anh đã thay mặt chúng tôi viết những
dòng hoài niệm thấm đẫm ân tình về các thầy cô giáo cũ. Tôi rất trân trọng và cảm
phục những bài viết của anh. Hy vọng, tập sách sẽ là một món quà tinh thần quý
giá, thể hiện lòng tri ân của học trò. Tập hoài niệm còn mang đến cho các vị
lão sư một niềm vui cuối đời, giúp quý thầy cô ôn lại một thời vàng son của nghề
dạy học, và tự hào đã được học trò cũ ghi nhớ, tôn vinh.
Đoàn Đức vốn là thầy giáo Anh văn tài hoa, có kiến
thức rộng, nghệ thuật giảng dạy tốt, đặc biệt là dồn hết tâm huyết và tình cảm
vào bài giảng, nên rất được học sinh yêu thương, mến phục. Kết quả đó, ít nhiều
đã chịu ảnh hưởng của thầy cô giáo cũ. Về sau, cuộc đời đưa đẩy, Đức từ giã
nghiệp làm thầy và bước vào con đường kinh doanh. Nhờ có tài năng và bản lĩnh,
anh đã rất thành công trong lĩnh vực mới, mang lại lợi ích thiết thực cho dân
nghèo, được chính quyền huyện, tỉnh của tỉnh Bình Thuận vinh danh, khen thưởng.
Nhiều người tưởng lầm rằng sau mấy mươi năm rời xa
lĩnh vực văn chương, chữ nghĩa, dồn tâm trí vào công việc làm ăn, chắc anh đã
quên đi tuổi học trò thân thương cùng bao kỷ niệm học tập quý báu với thầy cô,
bạn bè của mình thời thơ ấu. Ngờ đâu, những kiến thức thuở học trò, những hoài
niệm dĩ vãng, tình nghĩa thầy trò, tình đồng môn không bao giờ nhạt nhòa trong
tâm trí anh.
Nhân khối lớp Cựu HS Nguyễn Hoàng 1960 – 1967 làm tờ
đặc san kỷ niệm 50 năm ngày ra trường, chúng tôi mời anh tham gia viết bài. Vì
tình cảm bạn bè mà mời gọi chứ không mong gì anh sẽ có bài đóng góp cho Đặc
san. Có người còn cá cược nhau rằng nếu Đoàn Đức viết cho tập san được 1 trang
thì tôi sẽ chịu 1 triệu đồng đãi anh em bữa nhậu! Và anh bạn tôi bị mất tiền vì
Đoàn Đức đã gọi điện đến báo rằng không những viết 1 trang mà viết 100 trang.
Anh em lại hoảng hồn, vì một mình Đức viết 100 trang thì không gian đâu dành
cho các bạn khác!
Thực ra Đức có ý đinh viết tập “Hoài niệm những Thầy
Cô cũ” dày khoảng 200 trang. Khi xong bản thảo, anh gởi từng phần cho tôi đọc,
có phần anh đọc trực tiếp trên điện thoại cho tôi nghe và đề nghị cho ý kiến về
độ chính xác mấy mươi phần trăm, điều chỉnh như thế nào, cần bổ sung những
gì... Tôi ngại quá nên đã từ chối; vì những gì anh viết ra, trí óc tôi không
còn nhớ rõ, bạn đã nhớ quá tỉ mỉ từng lời từng chữ mà quý thầy cô đã sử dụng
trong lúc giảng bài hơn nửa thế kỷ trước. Khóa tôi có nhiều người giỏi, riêng lớp
tôi có anh Đỗ Tư Nghĩa giỏi nhiều môn xã hội, đặc biệt là khả năng nhớ từ ngữ
tiếng Anh nên được đồng môn Nguyễn Hoàng mệnh danh là “Cuốn từ điển sống”. Còn
Đoàn Đức được tôi mệnh danh là “Bộ nhớ tuyệt vời của một computer siêu hạng”.
Khi anh chiếu những thước phim dĩ vãng được lưu từ kho dữ liệu trong bộ nhớ của
máy tính siêu hạng về thời dĩ vãng xa xưa để xem lại và hỏi nhân chứng đã ngoài
70 tuổi, nhớ ít quên nhiều như tôi xem có sai sót gì không thì làm sao tôi dám
trả lời!
Dù vậy, vì anh nhắc lại hai ba lần, và vì tình nghĩa
bạn bè, vì sự thiết tha hoài niệm của anh về quý thầy cô, tôi xin có mấy cảm nhận
như sau:
1. Qua tập
hoài niệm, Đoàn Đức đã thể hiện những tình cảm quá ư sâu đậm đối với Thầy Cô
giáo của mình; anh đã để hết tâm trí vào bài viết, hình dung và tái hiện không
gian, thời gian, bầu không khí, …của từng tiết học diễn ra: bài học gì, môn
nào, cùng học với ai, học trò tranh luận ra sao và thầy cô giải đáp, nhận xét,
cùng với thái độ và tình cảm của cả thầy và trò như thế nào, anh ghi lại thật
công phu và tỉ mỉ. Tôi vẫn ngạc nhiên về ký ức tuyệt vời của anh khi ở tuổi
ngoài 70, dù ngày xưa đã biết rõ và khâm phục trí nhớ của Đức khi còn là một
thiếu niên! Quả là tuổi già nhưng trí chưa già!
2. Thể hiện
sự quay về dĩ vãng rất mãnh liệt, như là một tình yêu thấm đẫm trong tim. Tôi
nhớ, Anatole France viết trong L’amour du Passé: “Le présent est aride et
trouble, l’avenir est caché. Toute la richesse, toute la splendeur, toute la
grâce du monde est dans le passé. Et cela les enfants le savent aussi bien que
les vieillards” (Tạm dịch: Hiện tại thì khô cằn và u ám, tương lai thì mờ mịt.
Tất cả sự phong phú, tất cả sự huy hoàng, tất cả vẻ kiều diễm của thế gian đều ở
trong dĩ vãng. Và điều đó, trẻ con cũng biết rõ như người già.) Thông thường,
khi người ta không thỏa mãn với hiện tại và bi quan về tương lai thì hay trở về
yêu thương, ca ngợi dĩ vãng. Còn đối với Đoàn Đức, hiện tại của anh đang thật
tươi tốt, tương lai thì thật sáng tỏ, tràn trề hy vọng, thế mà anh vẫn có sự
quay về mãnh liệt như thế, phải chăng vì anh quá quý mến Thầy Cô của mình, quá
yêu thương cái tuổi học trò trong trắng, nên thơ của mình, quá trân trọng những
người bạn học giỏi giang, hiền lành, cần cù và cùng chí hướng với mình?
3. Bên cạnh
những hoài niệm về Thầy Cô, Đức còn nhắc nhớ về những người bạn học đã từng
chung sách đèn một thuở. Những anh bạn chí thân, cũng là những học sinh tài giỏi,
“kết nghĩa vườn đào” như Nguyễn Thắng, Đỗ Tư Nghĩa, … thường được anh mến mộ và
nhắc đi nhắc lại trong những bài viết. Với riêng tôi, những kỷ niệm học chung với
Đức môn Pháp văn, Anh văn thật quý giá; nhất là sinh ngữ phụ Anh văn mà không
có cơ hội thực hành, giao tiếp thì khó thành công. Những buổi được Đức dẫn đến
học thêm với thầy giáo Gary Carkin giúp tôi tiến bộ rất nhiều, nhất là về khả
năng nghe nói. Nhờ vậy, sau này, ngoài Quốc văn, tôi còn dạy cả Anh văn và ít
khi gặp khó khăn trước những câu hỏi hóc búa của các học sinh giỏi.
4. Tác giả
hoài niệm những thầy cô thông qua tái hiện những bài giảng, bài học giữa thầy
và trò. Không phải một thầy mà nhiều thầy, không phải một môn mà nhiều môn khác
nhau. Vì vậy tập sách giúp người đọc nhớ lại hoặc hiểu biết về một chương trình
giáo khoa bậc Trung học phong phú và uyên thâm, có phần sâu rộng như ở bậc Đại
học ngày nay: Văn học dân gian, văn học cổ điển, văn học cận và hiện đại, văn học
nước ngoài; thông qua các giờ học ngoại ngữ, những bài thơ, những đoạn văn nước
ngoài được trích giảng. Với môn triết, học sinh đã được học về học thuyết của
các triết gia xa xưa như Socrate, Platon, Aristote, triết thuyết duy tâm, duy vật
cho đến thuyết Hiện sinh của Jean Paul Sartre. Là môn khó học như Triết mà học
sinh đứng lên tranh luận với thầy giáo về những nội dung, khuynh hướng trong
triết học, nhận xét những ưu khuyết điểm của từng học thuyết…, chứng tỏ họ đã
có một vốn kiến thức sâu rộng và đã nghiên cứu, nghiền ngẫm, suy tư kỹ lưỡng
trước giờ vào lớp.
5. Như tôi
có đề cập ở trên, tập hoài niệm thể hiện lòng mến phục, tri ân sâu sắc của tác
giả đối với thầy cô của mình. Sự tri ân đó càng làm cho tình thầy trò thêm đậm
đà, gắn bó và thôi thúc anh phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Vì thế,
dù rất bận với công việc kinh doanh, anh vẫn thường dành thời gian tìm thăm quý
thầy cô dù ở gần hay xa, nhất là các thầy cô ốm đau hoặc có hoàn khó khăn thì
anh càng quan tâm thăm nom, động viên, giúp đỡ; viếng hương hồn của các thầy
giáo đã khuất, như lên Bảo Lộc dâng hương tưởng niệm hương hồn Thầy Lê Mậu Tâm.
Đạo Thầy –Trò và tình cảm quý báu ấy đã được anh thể hiện trong mấy chục năm
qua và vẫn gắn bó bền chặt, sâu nặng cho đến bây giờ.
Lời người xưa, được ghi trong cuốn Cổ học tinh hoa:
“Dữ thiện nhân cư, như nhập chi lan chi thất; cữu nhi bất văn kỳ hương, tức dữ
chi hóa hỹ. Dữ bất thiện nhân cư, như nhập bào ngư chi tứ, cữu nhi bất văn kỳ
xú, tức dữ chi hóa hỹ.” (Tạm dịch: Ở cùng người tốt/thiện như vào nhà trồng
lan; ở lâu ta không còn ngửi thấy mùi thơm của lan tức ta đã được thơm như lan
vậy. Ở cùng người xấu/ bất thiện như vào chợ bán cá mắm; lâu ngày ta không ngửi
thấy mùi hôi của cá mắm nữa, tức là ta đã trở thành hôi hám như cá mắm vậy). Đấy
là một nhận xét thâm thúy, một lời khuyên đầy ý nghĩa, một cảnh báo rất cần thiết
cho những ai muốn chọn thầy để học, chọn bạn mà chơi. Ảnh hưởng về nhiều mặt của
Thầy Cô giáo đối với học trò là rất lớn. Nhờ gần gũi quý thầy cô, học được
phong cách sống mẫu mực, tình cảm dạt dào mà trong sáng, và sự dìu dắt, giáo dục
quý báu của quý Thầy Cô nên lớp học trò chúng tôi không những có đủ tri thức để
bước vào đời mà còn giữ được nếp sống thanh cao, giàu tình nghĩa, có trách nhiệm
với bản thân, gia đình và xã hội; Nhìn chung, lớp học trò chúng tôi không dám
nghĩ đến những điều thấp hèn vì sợ tổn thương đến uy tín, thanh danh và công
lao dạy dỗ của thầy cô mình. Chúng tôi hãnh diện đã có những người Thầy, người
Cô như thế! Thành kính tri ân quý Thầy Cô!
Với tác giả Đoàn Đức, xin nói thực lòng, tôi rất
vinh dự có được một người bạn quý như anh. Rất cảm ơn anh đã viết thay cho
chúng tôi những lời hoài niệm đầy tâm huyết, đầy tình nghĩa thầy trò, bằng hữu
mà chúng tôi đã không có khả năng ghi nhớ và viết ra được. Nhờ có tình bằng hữu
của anh, cũng như của Lê Mậu Minh, Nguyễn Cư … mà tôi đã hoàn thành được chương
trình Đại học để về sau có khả năng đứng vững trên bục giảng, kể cả trước và
sau ngày đất nước thống nhất.
Lời cuối, tôi xin mượn tác giả một khoảng không gian
nhỏ của tập Hoài niệm để nói lời thành kính tri ân và cầu chúc quý Thầy Cô luôn
vui khỏe, an lạc. Kính gởi nén tâm hương viếng quý Thầy Cô đã khuất! Thân chúc
tác giả Đoàn Đức dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và vẫn giữ đầy bầu nhiệt huyết để còn
có nhiều bài viết hoài niệm, tri ân thầy cô, không những thầy cô dạy bậc trung
học mà còn thầy cô ở bậc tiểu học, mầm non,… Càng hoài niệm tuổi thơ, càng làm
cho đời trẻ lại. Chúc anh thành công hơn nữa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống!
Chúc tập Hoài Niệm được trọn vẹn như ý nguyện của
tác giả!
Chúc tình Thầy Trò, tình đồng môn NGUYỄN HOÀNG đời đời
thắm thiết, bền chặt, thủy chung!
Nguyễn Văn Quang
Nguyễn Văn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét