1.
Khi còn bé, tôi đọc sách. Tuổi thơ của tôi rơi vào buổi
bình minh của miền Nam, một trong những thời kỳ phát triển tốt đẹp của văn hóa
nghệ thuật dân tộc. Cuộc đời rộn ràng bắt đầu, học sinh, công nhân, công chức,
tư chức, người đi chợ búa tấp nập trên đường, những cánh cửa mở ra, đóng lại,
tiếng xe máy, tiếng chuông xe đạp leng keng, chuông nhà thờ, chuông chùa. Trường
học xây lại, nhà ga hoạt động, cầu cống, quán xá nhộn nhịp, đời sống rộn ràng mở
cửa khi tôi sinh ra, lớn lên. Môi trường ấy thích hợp cho một nền văn học tươi
trẻ, lành mạnh, cho những cuốn sách thiếu nhi, tiểu thuyết, phim ảnh, sân khấu.
Chiến tranh chống Pháp vừa kết thúc, hòa bình lập lại, mọi người muốn trở về với
cuộc sống thanh bình, bắt tay làm lại. Người ta muốn viết sách, muốn đọc sách.
Người ta muốn thí nghiệm giống lúa mới, trồng cây ăn quả, muốn học nướng bánh
mì, tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời, đi chùa, đi nhà thờ, đến trường. Người ta muốn
sinh đẻ và được sinh đẻ, muốn sống và muốn người khác được sống. Tinh thần của Tự lực văn đoàn, của Thơ mới, của văn chương tiền chiến tưởng đã chết trong thời kỳ kháng chiến nay hồi
sinh mạnh mẽ. Trong một xóm quê hẻo lánh, ở nơi xa kinh đô nhất, nơi ánh sáng của
ước mơ dân tộc chiếu rọi tới chỉ vừa le lói mà thôi, tôi ngồi đọc.