BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : “QUẢ, QUAN, QUẢN, QUANG, QUẢNG” – Đỗ Chiêu Đức


                                                   Học giả Đỗ Chiêu Đức


QUẢ MAI ba bảy đương vừa                                         
Đào non sớm liệu se tơ kịp thì.
                
                                                                            
Đó là hai câu thơ mà Thúy Vân đã nói trước cả nhà, khi đã "Cùng nhau sum họp một nhà, Đoàn viên lại mở tiệc hoa vui vầy" để tác hợp lại cho Thúy Kiều và Kim Trọng nối lại mối duyên xưa. Từ "QUẢ MAI" có xuất xứ như sau :
                
Trong chương Thiệu Nam 召南 của Kinh Thi 詩經, có bài thơ PHIẾU HỮU MAI 摽有梅 (tả mai rụng); nói về sự hôn nhân của các cô gái phải đúng thời đúng lúc. Không vì kén chọn mà để lỡ xuân thì. Bài thơ gồm ba phần như sau:
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai                             
其實七兮    Kỳ thực thất hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其吉兮    Đãi kỳ cát hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai             
其實三兮    Kỳ thực tam hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ             
迨其今兮    Đãi kỳ kim hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai            
頃筐塈之    Khuynh khuông k‎ý chi             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其謂之    Đãi kỳ vị chi. 
 
Có nghĩa:     
- Trái mai (ta đọc trại đi thành MƠ) kia đà rơi rụng, trên cây còn lại bảy phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy chọn đi đừng để lỡ ngày lành.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, trên cành còn lại ba phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy kíp lên ngay hôm nay đừng chờ đợi nữa.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, phải nghiêng giỏ mà hốt lấy, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy mở miệng ra cầu hôn đi đừng chờ đợi nữa !
                     

* Diễn Nôm:
                   
Trái mơ rụng, trái mơ rơi,                   
Trên cành còn lại bảy thôi, hỡi chàng.                    
Ngày lành kíp chọn đưa sang,                   
Đừng để trễ nãi lỡ làng duyên tơ !
                   
Trái mơ rụng, rụng trái mơ,                  
Trên cành rụng bảy bây giờ còn ba.                   
Hỡi chàng nếu có yêu ta,                   
Thì hôm nay kíp sang nhà cầu thân !
                  
Trái mơ rụng, rụng đầy sân,                   
Nghiêng vành giỏ hốt tần ngần riêng ta.                  
Hỡi chàng còn có yêu ta,                   
Ngỏ lời cùng với mẹ cha tức thì !
                                                  
                      Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

Đọc vế chót của bài Kinh Thi trên làm cho ta lại nhớ đến bài thơ "Mai Rụng" của Jean Leiba thời Tiền Chiến với vế thơ áp chót như sau :
              
... Xuân buồn như nhắc cảnh xuân vui                 
Gió thổi lay cành, rụng quả mai,                  
Thương dấu xuân tàn, nghiêng giỏ hốt                  
Thương xuân, xuân hỡi, có thương người ?
    
"Quả Mai" rụng ba phần trong xuân hồng, rụng bảy phần trong xuân muộn và rụng hết đầy cả sân khi xuân đã tàn, ví như người con gái ở các giai đoạn của tuổi xuân thì. Cho nên, cụ Nguyễn Du mới cho Thúy Vân ví Thúy Kiều là : "Quả Mai Ba bảy đương vừa !" Vì mặc dù sau mười lăm năm lưu lạc, nhưng Thúy Kiều lúc bấy giờ cũng chỉ mới hơn ba mươi tuổi mà thôi !
    
QUẢ còn là Trái, thường đi với NHÂN là Hạt. Nên trong kinh nhà Phật có từ NHÂN QUẢ  因果 để chỉ "Nhân nào thì Quả nấy", hạt giống nào thì sẽ cho trái nấy. Theo câu kệ sau đây:
              
欲知前世因,今生受者是;
Dục tri tiền thế nhân, Kim sinh thụ giả thị;              
欲知来世果,今生作者是。
Dục tri lai thế quả, Kim sinh tác giả thị.   
                      

                  

Có nghĩa:

- Muốn biết cái NHÂN của kiếp trước, thì hãy xem sự thụ hưởng của kiếp nầy. Ví dụ: Kiếp nầy được làm quan làm giàu là nhờ kiếp trước biết tu nhân tích đức. Còn kiếp nầy nghèo khổ bần hàn là tại kiếp trước không ăn ở cho phải đạo làm người...      
- Muốn biết cái QUẢ của kiếp sau, thì hãy xem việc làm của kiếp nầy. Ví dụ: Kiếp nầy làm nhiều điều tốt điều thiện, thì kiếp sau sẽ được giàu sang phú quý; Còn nếu kiếp nầy làm những điều ác nhơn sát đức thì kiếp sau sẽ đầu thay làm trâu làm ngựa làm súc sinh chớ không được làm người nữa...
    
Ta có thành ngữ QUẢ KIẾP NHÂN DUYÊN để chỉ sự báo ứng nhân quả mà con người phải gánh chịu theo thuyết của nhà Phật, như lời của con ma Đạm Tiên đã báo trước về số kiếp đoạn trường của Thúy Kiều vậy:
                             
Âu đành QUẢ KIẾP NHÂN DUYÊN,                       
Cũng người một hội một thuyền đâu xa !
             
Về chữ QUAN là Xem xét, nhìn ngắm. Trong văn học cổ ta có từ QUAN ÂM 觀音 hay QUAN THẾ ÂM 觀世音 là một vị Bồ Tát trong Phật giáo. Theo Pháp Hoa Kinh 法華經 thì chúng sinh đang chìm đắm trong bễ khổ, nên có nhiều điều khổ não, nếu biết thành tâm cầu nguyện thì đức Bồ Tát sẽ nghe thấy và hướng dẫn cho tìm cách để mà giải thoát. Vị Bồ Tát đó là QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT 觀世音菩薩 là vị Bồ Tát quan sát xem xét hết những âm tín âm hao của cuộc đời nầy, của cả thế giới nầy, để cứu khổ cứu nạn với tấm lòng đại từ đại bi của mình cho tất cả chúng sinh. Vì thế mà ta thường nghe mọi người niệm câu "Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát" và đây cũng là vị Bồ Tát có hình tượng của một người đàn bà, nên còn được gọi là Phật Bà Quan Âm, hay gọi một cách thân thiết gần gũi hơn là "Mẹ Hiền Quan Âm".
    

Trong Truyện Kiều, khi Hoạn Thư biết Thúy Kiều "Muốn đem mệnh bạc nương nhờ cửa Không" thì đã nói với Thúy Kiều rằng:
                       
Sẵn QUAN ÂM CÁC vườn ta,                 
Có cây trăm thước có hoa bốn mùa,                          
Có cổ thụ có sơn hồ,                  
Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh.
    
Còn trong Truyện thơ Tây Sương Ký cũng có câu:
                       
Cúng dường Bồ tát QUAN ÂM,                 
Xem ngày phỏng độ hôm rằm mới nên.
             
QUAN còn có nghĩa là Cửa Ải, hay đi liền trước từ SAN (Sơn) là Núi non; nên QUAN SAN 關山 là vùng có cửa ải có núi non, thường dùng để chỉ những nơi xa xôi cách trở. Ta hay nghe thành ngữ "Quan San Cách Trở" hay "Cách Trở Quan San", như khi đã thi đậu, Kim Trọng được bổ nhậm đi làm quan ở Lâm Truy, cụ Nguyễn Du đã viết :
                       
Vâng ra ngoại nhậm Lâm Truy,                 
QUAN SAN nghìn dặm thê nhi một đoàn.
                              
Còn trong Chinh Phụ Ngâm Khúc, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm phần nhớ thương của người chinh phụ như sau :
                          
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên,                 
QUAN SAN để cách hàn huyên bao đành.
     
QUAN SAN lại làm cho ta nhớ lại lời hát trong bài "Mộng Ước" của Nhạc sĩ Lam Phương như sau:
                
Mỗi lần nhìn chiều rơi ngoài hiên.                  
Nghe gió xuân sang rung lá vàng.                  
Là lúc tim em như rộn ràng.                  
Thương nhớ dâng ngập tràn.                 
Vì chờ ai chốn QUAN SAN...
               
Sau QUAN SAN ta còn thấy có từ QUAN HÀ 關河 là Quan ải và Giang hà sông nước cũng dùng để chỉ đường đi diệu vợi, cách trở núi sông quan ải, như khi Thúy Kiều đưa tiễn Thúc Sinh về thăm vợ cả Hoạn Thư, cụ Nguyễn Du đã viết:
                    
Tiễn đưa một chén QUAN HÀ,                 
Xuân đình thoắt đã dạo ra Cao đình.
     
QUAN còn được sấp đôi lên thành QUAN QUAN 關關 là từ tượng thanh chỉ  tiếng kêu của con chim cưu trống và mái đang kêu gọi nhau trong bài thơ "Quan Thư" thiên "Chu Nam" trong Kinh Thi 詩經-周南·關雎 như sau :
                
關關雎鳩,  QUAN QUAN thư cưu,                
在河之洲。  Tại hà chi châu.                 
窈窕淑女,  Yểu điệu thục nữ,                
君子好逑。  Quân tử hảo cầu.
 
Có nghĩa:
                
Bìm bịp tu hú oang oang,                
Kêu từ cồn bãi kêu sang đến bờ.                
Liễu yếu thục nữ đào tơ,                
Mong người quân tử đợi chờ kết đôi !
     
Bài thơ nói lên người thục nữ đẹp đẽ dịu dàng hiền đức tốt đôi cùng người quân tử chí thành; chỉ việc vợ chồng xứng đôi vừa lứa, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Trinh Thử", khi Chuột Đực ve vãn Chuột Bạch cũng có câu:
                            
Muốn cho được kẻ đỡ đần,               
QUAN QUAN hảo điểu muôn phần những mong.
      
Còn trong truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính thì có câu:
                            
Vừa đôi vừa lứa QUAN THƯ,                       
Há rằng Trịnh với Tề ru mà ngờ !?                  
 
QUẢN trong văn học cổ thường dùng để chỉ QUẢN TỬ (725-645 Trước Công Nguyên), tức QUẢN TRỌNG 管仲, tự là Di Ngô 夷吾, người thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đất Dĩnh Thượng (tỉnh An Huy ngày nay), là nhân vật tiêu biểu của thời đại nầy, vừa là chính trị gia, triết học gia, kinh tế gia và là Tể Tướng của Tề Hoàn Công. Ông đã giúp cho Tề vương dựng nên nghiệp bá ở thời đại Xuân Thu Chiến Quốc nầy. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có thơ nói về Quản Trọng như sau :
                     
Lượng gã Bạch Sinh nào có mấy,                     
Tài người QUẢN TỬ há đâu nhiều ! 
      
Còn trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" thì cụ Nguyễn Du đã đặt Quản Trọng và Gia Cát Lượng ngang hàng với Y Doãn và Chu Công với:
                     
Kinh luân găm một túi đầy,                  
Đã đêm QUẢN, CÁT, lại ngày Y, Chu. 
     
QUẢN : Chữ nầy có bộ TRÚC "Cây tre" ở trên đầu, có nghĩa là "cái ống tre", nên có nghĩa phát sinh là "Ống Sáo, ống Tiêu". Tương tự, chữ HUYỀN có bộ MỊCH "Sợi tơ" ở bên trái, nên có nghĩa phát sinh là "Sợi dây đàn". Vì thế mà từ QUẢN HUYỀN 管絃"Ống Tiêu (sáo) và dây đàn", là "Tơ với Trúc", nên có nghĩa phát sinh là "ÂM NHẠC", là "Tiếng tơ tiếng trúc". Trong Truyện Kiều, khi mà Mã Giám Sinh đã nạp đủ tiền sính lễ để rước Kiều rồi, sáng hôm sau khi "Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi", thì:
                          
Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,                  
QUẢN HUYỀN đâu đã giục người sinh ly.
     
Còn QUANG là TAM QUANG 三光. Theo sách "Tam Tự Kinh" thì:
Tam Quang giả, Nhật, nguyệt, Tinh 三光者,日月星.

Có nghĩa:
Ba nguồn sáng trên đời nầy là mặt trời, mặt trăng và sao trên trời.
Còn NGŨ NHẠC 五嶽() là chỉ năm ngọn núi lớn nổi tiếng của Trung Hoa là Đông Nhạc Thái Sơn 東岳泰山, Tây Nhạc Hoa Sơn 西岳華山, Trung Nhạc Tung Sơn 中岳嵩山, Bắc Nhạc Hằng Sơn 北岳恒山, Nam Nhạc Hành Sơn 南岳衡山.

TAM QUANG NGŨ NHẠC 三光五岳 gọi tắt là QUANG NHẠC 光岳, là Nguồn sáng ở trên trời và núi non ở dưới đất, nên trong văn học cổ thường dùng để chỉ "Non sông đất nước", như trong bài "Ngã Ba Hạc Phú" của Nguyễn Bá Lân (1700-1785) một danh sĩ dưới thời Lê Trung Hưng (cùng thời với Đoàn Doãn Luân là anh của bà Đoàn Thị Điểm) có câu:
                    
Chân tình chứa đẫy hải hà,                  
Tú khí còn ngưng QUANG NHẠC.  
      
QUANG còn là QUANG ÂM 光陰; QUANG là Sáng, ÂM là Tối. Sáng là ban ngày, Tối là ban đêm. Hết sáng tới tối, hết ngày tới đêm.
Nên, QUANG ÂM chỉ Thời Gian. Ta có thành ngữ "Quang Âm Thấm Thoát" để chỉ thời gian qua mau. Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc nàng chinh phụ lo sợ cho nhan sắc tàn phai khi thời gian cứ lần lượt đi qua:
                
Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở,                 
Tiếc QUANG ÂM lần lữa gieo qua.                 
Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa                 
Gái tơ mấy chốc bỗng ra nạ giòng !
     
Còn nhắc đến QUẢNG là người ta nghĩ ngay đến QUẢNG HÀN CUNG 廣寒宮 là cái Cung vừa Rộng (Quảng) vừa Lạnh (Hàn) ở trên mặt trăng theo như tích sau đây:     
 
Năm Đường Khai Nguyên thứ sáu, nhân ngày rằm tháng tám, Đường Minh Hoàng cùng với đạo sĩ Thân Thiên Sư và Hồng Đô Khách cùng bay lên trên mây tuốt lên đến mặt trăng. Khi đã bay qua một cổng lớn thì đến một cung điện rộng lớn hơi lạnh toả ra chung quanh, trên có bảng ghi là "QUẢNG HÀN THANH HƯ CHI PHỦ 廣寒清虛之府", cửa cung khóa kín lắp loáng như sương như tuyết không thể vào được, Đạo sĩ bèn làm phép thần thông để ba người cùng bay lên trên cung mà nhìn xuống thấy bên dưới có rất nhiều tiên nhân qua lại rong chơi. Có một đoàn tiên nữ tố nga cởi chim loan trắng đang ca múa dưới cây quế Quảng Lăng to lớn vẳng trong tiếng âm nhạc du dương. Minh Hoàng vốn rành âm luật nên ghi nhớ lấy điệu múa và khúc tiên nhạc đó. Còn đang say mê nhìn ngắm thì Thân Thiên Sư đã giục giã ra về. Minh Hoàng còn quyến luyến không nở rời, chợt thấy mây dưới chân như hụt hẫng, người như lộn đầu xoay vòng mà rơi xuống. Giật mình tỉnh giấc thì ra là một giấc mơ do đạo sĩ làm phép thần thông mà thôi. Đêm hôm sau, Minh Hoàng lại muốn mơ đến cung Quảng Hàn lần nữa, nhưng đạo sĩ chỉ cười mà lắc đầu. Đường Minh Hoàng chỉ còn cách nhớ lại vũ điệu của các tiên nga rồi soạn thành "Nghê Thường Vũ Y Khúc 霓裳羽衣舞曲" rồi đích thân chỉ dạy cho các cung nhân múa lên theo nhạc như là trong mơ mà mình đã nhìn thấy. Khúc nhạc và điệu múa Nghê Thường nầy còn truyền mãi cho đến hiện nay.
     
Vì tích trên đây nên các từ QUẢNG HÀN, CUNG QUẢNG, CUNG QUẢNG HÀN, CUNG QUẾ... đều dùng để chỉ Mặt Trăng, như trong "Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập" có câu :
                     
Nỡ để QUẢNG HÀN u ám bấy,                      
Tấc mây ai vén mặt trăng rằm.
    
Trong Truyện Kiều, khi khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư, Thúy Kiều ở lại có một mình, trong đêm nhìn trăng đã cảm thương cho thân phận của mình:
                        
Thân sao nhiều nỗi bất bằng,                  
Liều như CUNG QUẢNG ả Hằng nghĩ nao !
    
Còn nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc thì mõi mòn cô đơn chờ đợi :
                      
Trong CUNG QUẾ âm thầm chiếc bóng,                      
Đêm năm canh trông ngóng lần lần...
    
...Khi mà "Nghê Thường Vũ Y Khúc" lúc hầu cận nhà vua đã qua đi :
                    
Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió,                      
Áo vũ kia lấp ló trong trăng.
                                                                 
                             
                        杜紹德
                                        ĐỖ CHIÊU ĐỨC

12 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

Bài viết của học giả Đỗ Chiêu Đức thật hay, nêu được nhiều nghĩa cho từng từ “QUẢ, QUAN, QUẢN, QUANG, QUẢNG”, mỗi từ đều trích dẫn văn thơ minh họa rõ ràng khúc chiết. Tiếc rằng hai từ QUAN, QUẢ liên quan đến nhau với ý nghĩa khác nữa, nhưng học giả Đỗ Chiêu Đức lại bỏ sót

Gia huấn ca của Nguyễn Trãi có câu:
“Thương người QUAN QUẢ cô đơn”
Ý nghĩa của 2 từ QUAN, QUẢ trong câu thơ trên đều là “ở góa”.
Nếu như đàn bà góa chồng, ai cũng biết từ Hán Việt gọi là “quả phụ”, nhưng đàn ông góa vợ như thì từ Hán Việt gọi là gì ?
Một thời chúng tôi trêu anh bạn góa vợ Nguyễn Đình Nghĩa là “quan phu”.

* Quan 鰥 : người goá vợ
Quan phu 鰥 夫: người đàn ông đã mất vợ

* Quả 寡 : góa chồng.
Quả phụ 寡妇 quả phụ • 寡婦 quả phụ:
Đàn bà goá chồng — Đàn bà ở một mình, không lấy chồng.

Bâng Khuâng nói...

Học giả Đỗ Chiêu Đức đã giải thích hợp lý:

“QUAN 關 còn được sấp đôi lên thành QUAN QUAN 關關 là từ tượng thanh chỉ tiếng kêu của con chim cưu trống và mái đang kêu gọi nhau trong bài thơ "Quan Thư" thiên "Chu Nam" trong Kinh Thi 詩經-周南·關雎 như sau :

關關雎鳩, QUAN QUAN thư cưu,
在河之洲。 Tại hà chi châu.
窈窕淑女, Yểu điệu thục nữ,
君子好逑。 Quân tử hảo cầu.

Tuy nhiên, ông dịch đoạn thơ trên:

“Bìm bịp tu hú oang oang,
Kêu từ cồn bãi kêu sang đến bờ.
Liễu yếu thục nữ đào tơ,
Mong người quân tử đợi chờ kết đôi !”

THƯ CƯU mà ông dịch là bìm bịp, tu hú thì thục nữ nghe xong hết hồn mất vẻ yểu điệu đi và quân tử không dám “hảo cầu” nữa.
Theo tôi biết THƯ CƯU 雎 鳩 là tên một loài chim nhỏ, sống từng cặp. Chỉ tình vợ chồng khăng khít.

Loài chim khăng khít theo đôi lứa này còn gọi là UYÊN ƯƠNG, con trống được gọi là uyên và con mái là ương. Chúng thường xuyên được thể hiện trong nghệ thuật phương Đông và nó được coi là biểu tượng của hạnh phúc và chung thủy trong hôn nhân.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/4/43/Pair_of_mandarin_ducks.jpg/420px-Pair_of_mandarin_ducks.jpg

Bâng Khuâng nói...

Theo Chu Hy : Thư cưu là loài chim nước, loài chim này còn có một tên khác nữa là “vương thư”, hình dạng giống như chim phù y, chúng thường xuất hiện ở khoảng sôngTrường giang và sông Hoài. Chim này sống có đôi nhất định, người ta chưa hề thấy chúng sống lẻ loi hay sống dư cặp. Chúng thường lội chung, tình ý đậm đà nhưng không hề lả lơi.(Lược trích chú giải của Chu Hy)
*
THƯ CƯU là loài chim nước mà UYÊN ƯƠNG cũng là loài chim nước (một loài vịt trời). chúng đều sống khắng khít theo đôi lứa...

Bâng Khuâng nói...

Dịch giả Kim Y chú giải: “Thư cưu là một giống chim nước, còn một tên gọi là vương thư, hình giống con le, con hải âu, hiện nay trong khoảng sông Giang, sông Hoài vẫn có. Giống này sinh ra đã có sẵn đôi, không bao giờ lẫn bạn, thường đi chơi với nhau mà không hề xuồng sã."
Đây chính là tả chim UYÊN ƯƠNG.
Thế nhưng một số người lại bảo thư cưu là CHIM CUỐC hay CHIM CỐC.
Wikipedia viết: Tên gọi phổ biến của các loài trong họ BỒ CÂU Columbidae là bồ câu, cu, CƯU, gầm ghi.
Tự điển Đào duy Anh định nghĩa thư cưu là chim TU HÚ.
Vậy thư cưu là chim gì? Ta nên khảo sát những loài chim nêu trên để xem loài nào hợp ý nhất với bài thơ, là một bài thể Hứng, người con trai nghe cặp chim ứng họa nhau nhân đó bầy tỏ tình yêu với người con gái mong cưới nàng làm vợ.
*
NHẬN ĐỊNH CỦA ĐƯỜNG LINK VỪA DẪN (SAU KHI LIỆT KÊ, DẪN GIẢI VÀ HÌNH MINH HỌA CÁC LOÀI CHIM "ĐƯỢC CHO" LÀ THƯ CƯU:

Qua sự khảo sát, ta có thể kết luận chim UYÊN ƯƠNG chính là chim THƯ CƯU trong bài Quan Thư. Thật ra, theo đúng nghĩa, thư là con cái, cưu là con đực, không nhất thiết là loại chim gì.
Nhưng theo tinh thần bài thơ, lý do thứ nhất, đây là giống chim nước, hợp với câu “Tại Hà chi châu”. Lý do chính là vì lối sống của chúng, con trống con mái hòa hợp chung thủy sống với nhau mãn đời. Chàng thanh niên nghe cặp chim ứng đối nhau, hứng tình cầu xin hiền nữ làm vợ, đúng với tinh thần hai câu "Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu”. Do vậy Khuông Hành đời Hán đã viết: "Ấy là đầu mối cho kỷ cương, cho vương hóa.”

https://www.svqy.org/9-2012/kinhthi.html

Học giả Đỗ Chiêu Đức có lẽ căn cứ theo Tự điển Đào duy Anh (định nghĩa thư cưu là chim TU HÚ).

Đỗ Chiêu Đức nói...

* Trước tiên, xin chân thành cảm tạ trang web. BÂNG KHÂNG đã đăng bài và cho nhận xét rất nghiêm túc, xác đáng và có tính giáo khoa.
* Xin được nói rõ : Đỗ Chiêu Đức không phải là một "học giả" mà chỉ là một thầy giáo Trung Tiểu Học bình thường của xứ Cái Răng-Cần Thơ may mắn được thỉnh giảng để dạy cho lớp Tại chức Khoa Trung của Đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (trước 1975 là Đại học Văn Khoa Sài gòn ở số 12 Đinh Tiên Hoàng) mà thôi.
* Những bài viết (Thành ngữ Điển tích, Giai Thoại Văn Chương...) đều viết theo yêu cầu của một số em học sinh Trung Tiểu Học ngày xưa để nhớ lại những kiến thức đã học trên lớp và nhất là để... đọc chơi tiêu khiển khi trà dư tửu hậu, nên đều được viết với văn phong của Đồng bằng sông Cửu Long, tùy tiện và bình dị như lời nói hằng ngày, như những lời nói của Thầy Trò cùng trao đổi nhau trên lớp. Nên, có những điều cần phải cụ thể hóa theo hoàn cảnh thực tế của cuộc sống để cho các em dễ hiểu và hứng thú hơn trong việc dọc các câu thơ khó hiểu của Kinh Thi ở tuốt bên Tàu hồi mấy ngàn năm trước.

- THƯ CƯU 雎鳩 trên mạng giải thích như sau:
雎鳩 水鳥名,又名王雎。詩周南關雎:“關關雎鳩,在河之洲”。爾雅釋鳥:“雎鳩,王雎”。晉陸機毛詩草木鳥獸蟲魚疏:“雎鳩,大小如鷗。深目,目上骨露。幽州人謂之鷲”。
THƯ CƯU là một loài chim nước, còn có tên là Vương Thư. Bài Quan Thư chương Chu Nam trong Kinh thi có câu: "Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu". Nhĩ nhã thích điểu : "Thư Cưu, Vương Thư". Lục Cơ đời Tấn sơ lược về Cỏ, cây, điểu, thú, trùng, ngư của Mao Thi (tên bình dân của Kinh Thi) : "Thư Cưu, lớn nhỏ khoảng chim hải âu, mắt sâu, xương trên mắt lộ ra. Người đất U Châu gọi là Tựu (Giống như Diều hâu).

Vì THƯ CƯU là chim nước, Tu Hú là Chim Quyên (Chim Quyên ăn trái nhản lồng, thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi), còn Bìm Bịp là chim kêu theo con nước như câu ca dao Nam bộ :

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê !

Cho nên tôi mới dịch là "Bìm bịp tu hú oang oang" để bà con miền Tây Nam bộ đọc lên là hiểu ngay và có thể cảm nhận ngay được cái hay của "Những câu ca dao từ mấy ngàn năm trước ở tuốt tận bên Tàu" nầy, mà hòa vào cuộc sống trước mắt của bà con ta. Thế thôi !

* Còn về câu thơ của cụ Nguyễn Trãi trong Gia Huấn Ca : "Thương người QUAN QUẢ cô đơn" thì... Quả thật, tôi dốt vì chưa từng đọc qua câu thơ đó bao giờ, nên không biết !

Dù sao thì một lần nữa, tôi cũng xin RẤT CHÂN THÀNH CẢM TẠ đã đọc, đăng và góp ý (về bài viết rất tùy tiện không cẩn trọng của tôi) một cách rất đúng học thuật chính quy với tính cách giáo khoa nghiêm chỉnh của một nhà nghiên cứu.

Nay kính,
Đỗ Chiêu Đức

Bâng Khuâng nói...

Cảm ơn học giả Đỗ Chiêu Đức đã trả lời những cảm nhận của chúng tôi. Những bài viết của bác thật có giá trị, rất xứng danh là học giả, kể chi đến chức danh, học vị xã hội. Ông Nguyễn Hiến Lê dù bằng cấp chưa là bao, nhưng biết bao tiến sĩ, giáo sư phải cúi đầu bái phục. Với email phản hồi của bác được chuyển tiếp bởi bạn Ngọc Sương, tôi lại được thêm một số hình ảnh để bổ sung cho bài đã đăng.

Steve Nguyen nói...

Xin có ý kiến với thầy giáo Đỗ Chiêu Đức, dạy lớp Tại chức Khoa Trung của Đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn SG về đoạn dưới đây của thầy. Xin nói trước, tôi chỉ là học trò trường Khoa học SPCN Cần Thơ năm 68, sự hiểu biết hạn hẹp, có gì không đúng xin bỏ quá cho:
"Vì THƯ CƯU là chim nước, Tu Hú là Chim Quyên (Chim Quyên ăn trái nhản lồng, thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi), - Đỗ Chiêu Đức
1. Xin thưa: Chim tu hú không phải là chim đỗ quyên, chúng được phân loại khác nhau, do đó không thể đánh đồng chúng là một.
- Tu hú: có tên khoa học hiện nay là Eudynamys scolopacea (hay Eudynamys scolopaceus), thuộc giống Eudynamys, họ Cuculidae
- Đỗ quyên còn được gọi là con cuốc (chim cuốc) với chú thích tiếng Pháp: râle d’eau trong Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (tr.432, NXB Thời Thế, 1958). Đỗ quyên trong từ điển Việt – Anh và Việt – Pháp của Lạc Việt cho thấy hai từ tương ứng: water – rail (Anh) và râle d’eau (Pháp) – hai từ này đều có nghĩa là một loài “gà nước” . Đỗ quyên tên khoa học: Rallus aquaticus, thuộc giống Rallus, họ Rallidae
Chim đỗ quyên và tu hú được phân loại khác nhau, do đó không thể đánh đồng chúng là một.
2. Tôi nghiêng về ý Bâng Khuâng/ Phú Đoàn: "chim UYÊN ƯƠNG chính là chim THƯ CƯU trong bài Quan Thư"
Trân trọng
Nguyên Lạc

Đỗ Chiêu Đức nói...

hân gởi các bạn Phú Đoan, Nguyên Lạc, Ngọc Sương :

Trước tiên, xin được CÁM ƠN các bạn đã đăng bài, đọc bài và cho ý kiến phản hồi. Sau đây xin được lần lượt trả lời những góp ý của Nguyên Lạc :

1. Đúng như bạn đã dẫn chứng bằng những tên khoa học chuyên môn về chim : Tu Hú là Tu Hú , còn chim Quyên là chim Quyên. Đáng lẽ ra câu đó tôi phải viết như thế nầy :" TIẾNG KÊU của các loài chim như Tu Hú, như là Chim Quyên, chim Bìm Bịp ... " (Tôi nghĩ tới chim Quyên vì tôi nghĩ đến hai câu "Chim quyên ăn trái nhản lồng, Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi" có liên quan đến "vợ chồng" trong bài Kinh Thi). Chủ yếu của tôi là để thể hiện hai chữ "QUAN QUAN" là từ Tượng thanh chỉ "tiếng chim kêu gọi nhau" mà thôi, chớ không chủ ý nói đến loại chim nào cả ! Nhưng, dù sao thì tôi vẫn SAI, vì đã đánh đồng một cách cẩu thả giữa 2 loại chim TU HÚ và CHIM QUYÊN.
2. Phần nầy tôi chỉ góp ý để đừng hiểu lầm THƯ CƯU 雎鳩 là một loại chim như UYÊN ƯƠNG 鴛鴦. Theo "Thi Kinh Thích Chú" của Chu Trấn Phủ nói : THƯ CƯU là một loài chim nước. Theo "Thi Kinh Tuyển" của Dư Quán Anh nói là : THƯ CƯU tức là Ngư Ưng (chim ưng chuyên bắt cá). Theo Mã Đặc Doanh trong "Thi Kinh Kim Chú Kim Dịch" thì nói : THƯ CƯU là một loài chim nước là loại Diều chuyên bắt cá. Trương Hải Hoa thì tổng kết lại bảo rằng : Ở vào thời cổ đại khi khoa học tự nhiên chưa được phát triển, thì thông thường mọi người đều cho THƯ CƯU là một loài chim nước, một loài chim chuyên bắt cá. Kết hợp sự chỉnh lý của sử liệu và trải nghiêm về các loại chim ngoài đồng nội trong vòng hiểu biết, thì THƯ CƯU là 2 loại chim "Đông Phương Đại Vi Oanh" và "Bạch Hung Khổ Ác Điều" (như Chim Thằng Chài và Chim Bói Cá của ta vậy). Nguyên văn của đoạn dịch trên như sau, đính kèm theo đây để tham khảo : 周振甫的《诗经译注》中说:“雎鸠,一种水鸟。”余冠英的《诗经选》有:“雎鸠,即鱼鹰。”马持盈《诗经今注今译》有说,“雎鸠,水鸟,即鱼鹰。”张海华总结道,在自然科学没有那么发达的古代,普遍认为雎鸠即水鸟或鱼鹰。 结合史料梳理、圈内共识和自己野外拍鸟的经历,他又将雎鸠锁定在“东方大苇莺”和“白胸苦恶鸟”两种鸟身上).

Đỗ Chiêu Đức nói...

Sau đây là hình ảnh của chim THƯ:

https://www.google.com/search?rlz=1C1SQJL_viVN839VN839&sxsrf=AOaemvL2YeFhpumsv2DhRSazBPmWqEim7w:1635221948330&source=univ&tbm=isch&q=Sau+%C4%91%C3%A2y+l%C3%A0+h%C3%ACnh+%E1%BA%A3nh+c%E1%BB%A7a+chim+TH%C6%AF+:&fir=Sgm3M05Kj2Q9FM%252C4YDw9JfQwS1GiM%252C_%253BwkN8d2LzOazkaM%252C4YDw9JfQwS1GiM%252C_%253B06lRFgBfXZbedM%252C4YDw9JfQwS1GiM%252C_%253BLdg-f4RV_51pbM%252Cng87EheevIYPBM%252C_%253BzNYeGfjSU4F4nM%252C4YDw9JfQwS1GiM%252C_%253BFPCmX9RupTnC-M%252C4YDw9JfQwS1GiM%252C_%253Bp5gjiQ1QdDb8dM%252C4YDw9JfQwS1GiM%252C_%253B-7zqjbEkXbr8rM%252C4YDw9JfQwS1GiM%252C_%253BSskd9fNHQVbkLM%252C4YDw9JfQwS1GiM%252C_%253BA23EJQugo2tugM%252CzXSxnDGC5BiocM%252C_&usg=AI4_-kQBNXjwcRvsDc_RN-j8Zh-yRwlIkQ&sa=X&ved=2ahUKEwinie-6nOfzAhWOAYgKHer_DogQjJkEegQIBBAC&biw=1536&bih=722&dpr=1.25

Còn dưới đây là hình ảnh của chim CƯU:

https://www.google.com/search?rlz=1C1SQJL_viVN839VN839&sxsrf=AOaemvI9erCfaPSwmd5h2dixvrdAv6QyXQ:1635222018742&source=univ&tbm=isch&q=C%C3%B2n+d%C6%B0%E1%BB%9Bi+%C4%91%C3%A2y+l%C3%A0+h%C3%ACnh+%E1%BA%A3nh+c%E1%BB%A7a+chim+C%C6%AFU+:&fir=Ldg-f4RV_51pbM%252Cng87EheevIYPBM%252C_%253B1acFkxv-6sEgCM%252CfpMSVUkGyR7t3M%252C_%253BEsTNn3W1KBuD9M%252CEz72CvCj4PP0ZM%252C_%253BVHdYsVa6wCqbVM%252CJSVfkrpVy1kKuM%252C_%253BJLoVrKJ73JZO-M%252CTpMUWJ2euG5-OM%252C_%253BWhAVNewF6WtLSM%252C2Ju16M5CRSPnEM%252C_%253B2DeXc5zFZay3LM%252CpZ9GRSPxq4hqoM%252C_%253BegQIRZvVhKpsPM%252CJSVfkrpVy1kKuM%252C_%253BfH_pOgVzZwb2MM%252CchTqanlBRySnGM%252C_%253BSLxcy8We1o4GZM%252CLiEuwu8B22k1iM%252C_&usg=AI4_-kQwluf_OI-W4nhwjb0cUl7Ofta_8A&sa=X&ved=2ahUKEwiv9bjcnOfzAhXYc3AKHZA1AecQjJkEegQIKRAC&biw=1536&bih=722&dpr=1.25

Bâng Khuâng nói...

Kính bác Đỗ Chiêu Đức!
Tôi thử tra cứu trên mạng :
1/
Tra từ Hán Nôm thì:
THƯ CƯU [sư cưu] 雎 鳩
*Từ điển phổ thông
- chim thư cưu, chim sư cưu (loài chim dữ, con trống và mái thường đi cùng nhau nhưng không đùa bỡn nhau)

*Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
- Tên một loài chim nhỏ, sống từng cặp. Chỉ tình vợ chồng khăng khít.
Như vậy, THƯ CƯU có 2 nghĩa. Có lẽ học giả chọn nghĩa thứ nhất: "chim thư cưu, chim sư cưu (loài chim dữ, con trống và mái thường đi cùng nhau nhưng không đùa bỡn nhau)"

https://hvdic.thivien.net/hv/th%C6%B0%20c%C6%B0u

2/
Dịch giả Kim Y chú giải:
“Thư cưu là một giống chim nước, còn một tên gọi là vương thư, hình giống con le, con hải âu, hiện nay trong khoảng sông Giang, sông Hoài vẫn có. Giống này sinh ra đã có sẵn đôi, không bao giờ lẫn bạn, thường đi chơi với nhau mà không hề xuồng sã.”
Đây chính là tả chim UYÊN ƯƠNG.
Thế nhưng một số người lại bảo thư cưu là CHIM CUỐC hay CHIM CỐC.
Wikipedia viết: Tên gọi phổ biến của các loài trong họ BỒ CÂU Columbidae là bồ câu, cu, CƯU, gầm ghi.
Tự điển Đào duy Anh định nghĩa thư cưu là chim TU HÚ.
Vậy thư cưu là chim gì? Ta nên khảo sát những loài chim nêu trên để xem loài nào hợp ý nhất với bài thơ, là một bài thể Hứng, người con trai nghe cặp chim ứng họa nhau nhân đó bầy tỏ tình yêu với người con gái mong cưới nàng làm vợ.

https://www.svqy.org/9-2012/kinhthi.html

NHẬN ĐỊNH CỦA ĐƯỜNG LINK NÀY (SAU KHI LIỆT KÊ, DẪN GIẢI VÀ HÌNH MINH HỌA CÁC LOÀI CHIM "ĐƯỢC CHO" LÀ THƯ CƯU:
Qua sự khảo sát, ta có thể kết luận chim UYÊN ƯƠNG chính là chim THƯ CƯU trong bài Quan Thư. Thật ra, theo đúng nghĩa, thư là con cái, cưu là con đực, không nhất thiết là loại chim gì.
Nhưng theo tinh thần bài thơ, lý do thứ nhất, đây là giống chim nước, hợp với câu “Tại Hà chi châu”. Lý do chính là vì lối sống của chúng, con trống con mái hòa hợp chung thủy sống với nhau mãn đời. Chàng thanh niên nghe cặp chim ứng đối nhau, hứng tình cầu xin hiền nữ làm vợ, đúng với tinh thần hai câu “Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu”. Do vậy Khuông Hành đời Hán đã viết: “Ấy là đầu mối cho kỷ cương, cho vương hóa.”

3/
THƯ CƯU
Chú thích:
(*) Chim Cốc là tên khác của chim Thư Cưu.
(*) Thư Cưu 雎鳩: Một loài chim nước thường được gọi là Ngạc 鹗, lại có một tên nữa là Vương Thư 王鴡, lại có tên là Ngư Ưng 鱼鹰, thuộc họ Lô Từ 鸕鶿, ta gọi là con chim Cốc 鵠, tính tình hung dữ, hay lội nước bắt cá, hình dạng giống như một loài chim trong sách cổ có tên là Phù Y, tức con cò nước. Người xưa cho rằng sống ngay trong khoảng Trường giang và sông Hoài. Tương truyền loài chim này sinh ra đã sống có đôi nhất định mà không hề lẫn lộn. Hai con thường lội chung mà không lả lơi, cho nên sách của Mao công có nói rằng: “Đôi chim thư cưu tình ý chí thiết khăn vó đậm đà, nhưng lúc nào cũng giữ gìn cách biệt”. Sách Liệt nữ truyện thì cho là người ta.

http://www.tuhai.com.vn/forums/index.php?topic=51658.0

Bâng Khuâng nói...

4/
Thật ra đến bây giờ, nếu vào các trang web của Tàu, họ cũng cãi nhau coi con chim thư cưu này chính xác là chim gì, tên khoa học là gì. Có mấy cái tên đưa ra, nhưng có vẻ chưa thống nhất. Trên các từ điển Tàu, như zdic, thì cũng chỉ dựa vào chú giải của Chu Hi, để đưa ra những hình ảnh khá mơ hồ, khó xác định chính xác là chim gì. Vd:
雎鳩: 一种水鸟。生有定偶,故《诗经》〈关雎篇〉以喻君子的配偶。Thư cưu: nhất chủng thủy điểu. Sinh hữu định ngẫu, cố Kinh thi, Quan thư thiên dĩ dụ quân tử đích phối ngẫu = Thư cưu, một loài chim nước. Sinh ra đã có đôi, nên Kinh Thi, trong bài Quan thư lấy làm ví dụ cho việc vợ chồng của người quân tử.

Rõ hơn tí:
雎鳩:: 鸟名。上体暗褐,下体白色。趾具锐爪,适于捕鱼。Quan thư: điểu danh. Thượng thể ám hạt, hạ thể bạch sắc. Chỉ cụ nhuệ trảo, thích ư bộ ngư = Quan thư, tên chim. Thân trên màu vàng nhạt, thân dưới màu trắng. Chân có vuốt sắc, thích hợp để bắt cá.

Bâng Khuâng nói...

5/
Hình ảnh cho “Hình chim thư cưu”

https://www.google.com/search?q=H%C3%ACnh%20chim%20th%C6%B0%20c%C6%B0u&rlz=1C1SQJL_viVN839VN839&oq=H%C3%ACnh%20chim%20th%C6%B0%20c%C6%B0u&aqs=chrome..69i57&sourceid=chrome&ie=UTF-8&fbclid=IwAR3zm1o-XEvo4yZAUFEwCRLdE6JOkgmjEjXVoHpuXidSCT1zSwH4eMUEDZ4