BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

NHÀN THOẠI: “PHỐ VÀ NHÀ” HAY “PHỐ VÀ ĐƯỜNG” - Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính

 

Gần đây, thấy nhiều người hỏi về chuyện “Phố A B C – Phố Vải, Phố Ẩm Thực”… Kỳ thiệt, không phải bá gia họ thấy kì đâu! Ngay tại tôi vẫn thấy rất là kì khôi, bởi lẽ:
 
 1. Xét về phương diện kiến trúc
 
Trong các hình thái kiến trúc nhà ở phong cách Miền Nam, chia làm hai dạng thức chánh là Nhà ở quê và Nhà ở Thị thiềng.
Theo đó, tên gọi cũng phân biệt như sau:
- Các công trình dân dụng ở Quê, hay thường kêu là Nhà (thông dụng là nhà vườn)
- Các công trình dân dụng ở Chợ, Thị Thiềng, hay kêu là Phố. Phố nầy tức là Phố xá, chỉ về những công trình thiên về buôn bán, ở trong khu vực châu thành thị tứ.
Chữ Phố 舖 trong văn hóa miền Nam, chỉ về một căn nhà ở tại thị thiềng, nên sau nầy mới sanh ra chữ Nhà Phố (Phố Xá) vậy!
Chữ Phố  nầy không bao hàm ý nghĩa như một Cái Lộ hay Cái Đường, di chuyển nào hết. Ở miền Nam, còn vài địa danh gắn với chữ Phố như Cù Lao Phố (Chữ Nho là Đại Phố Châu 大舖 , kêu Nôm là Cù Lao Phố 岣嶗舖) ở Biên Hòa, Đồng Nai, ý chỉ về Cù Lao có nhiều Phố Xá buôn bán sung túc, Khu phố ở phía Đông nên cũng kêu là Đông Phố (xem thêm ĐNQATV-Huỳnh Tịnh Của). Người đứng Chủ Phố kêu là Bổn Phố vậy! Rồi Thành Phố, trong Thành (thiềng) có Phố buôn bán!
Đơn cử, có thể xét định nghĩa trong Đại Nam Quấc âm tự vị của Đốc phủ Của, trương 200, mục chữ Phố, như sau “Nhà buôn bán thường cất dọc chợ, nhà bán hàng xén. Phố xá, Phố Phường, …”.
Cách xài nầy vẫn còn thịnh hành trong đời sống và Phố = Nhà mà thôi!

Do đó, trong Nam có các dạng thức thường thấy như sau:
- 1 Căn nhà đơn lập tại thị thiềng kêu là PHỐ (một căn phố)
- Phố có hai dạng phổ biến là PHỐ TRỆT (một tầng) và PHỐ LẦU (hai tầng trở lên, tức là một trệt một lầu)
(***phần nầy, ai đọc truyện, nghe chuyện xưa nhiều sẽ biết, một căn phố trệt hay một căn phố lầu).
- DÃY PHỐ tức là một khu vực có trên HAI CĂN PHỐ (Trệt hay Lầu, tùy thuộc) trở lên.
(*** chữ Dãy Phố nầy, tôi vẫn còn nghe người lớn xài! Như các Dãy Phố Lầu chạy dọc chợ Trà Vinh).
- KHU PHỐ, là một khu vực gồm nhiều DÃY PHỐ
(*** chữ nầy hiện vẫn còn một số thành phố bảo lưu, xài trong hành chánh).
Do đó, xét về từ ngữ, ta thấy rằng trên một con đường có thể có hai dãy phố hai bên chẳng hạn, hay nhiều căn phố.
Nhưng không thể nói là Phố và Đường đồng nghĩa được, vì Phố đơn thuần là Nhà ở Thị Thiềng!
Trên đường có Dãy Phố!, một Dãy Phố có nhiều Căn Phố.
Nên việc đặt tên Phố Vải, Phố Ẩm Thực,… xét ra là chỉ về một đơn vị công trình riêng lẽ mà thôi!
 
2. Xét trên phương diện văn hóa bổn địa
 
Trong văn hóa đặt tên đường khu vực miền Nam và miền Bắc có sự khác biệt, ở miền Bắc chúng ta có thể nhận thấy Phố ABC hay Phố BCD chẳng hạn, rất phổ biến trong việc đặt tên.
 
Còn tại miền Nam, việc nầy rất hiếm và rất hạn chế! (vì sao tôi nói là hạn chế, bởi vì sau nầy, nhiều nơi đã đặt thành Phố nầy Phố kia rồi!), Đơn giản trong văn hóa miền Nam thì các khái niệm về Đường và Phố, là hai thành phần khách nhau.
Hiểu đơn giản là:
- Đường để đi, di chuyển
- Phố để ở, buôn bán,…
Về đặc tánh đã khác, ý nghĩa tên gọi đã khác, nên việc khiên cưỡng mà sử dụng một danh từ chỉ về hình thái công trình như chữ Phố để biến thành danh từ ngang với Đường là một việc rất kì khôi và phản văn hóa bổn địa trong ngôn hành, diễn ngôn địa lý, vân vân.
 
3. Tạm kết
 
Xét trên phương diện Kiến trúc hay Văn hóa, thì việc lạm dụng chữ Phố để đặt tên như Phố Vải, Phố Ăn Uống, Phố Chuyên bán, Phố đi bộ… là một việc làm rất không cẩn thận, thậm chí còn sai về hình thái ngôn ngữ nữa!
 
Nếu như các cơ quan hữu quan chú ý về việc khuếch trương văn hóa, thì nên xài từ cho vừa đúng văn hóa địa phương, vừa phù hạp với xã hội tại đó, hiệu quả sẽ cao hơn!
Giả tỷ như những Phố được đổi lại thành Đường, thì vẫn đầy đủ ý nghĩa cho chức năng mà! Hoặc phải mang nội hàm cho phải, thể hiện được văn hóa bổn địa là càng hay hơn đó chớ!
 
Nên phải tách biệt ra khái niệm Nhà = Phố # Đường! Nếu muốn xài chữ Phố để chỉ về một thành tố ngang với đường, thì phải coi lại các khái niệm Khu Phố, Dãy Phố, vân vân đã nói bên trên.
Tái viết: Còn như, muốn xài thì xài, không quan tâm ngữ nghĩa hay đặc tánh ngôn ngữ, thì thôi! Xin không bàn tới vậy.
 
                                                        Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính
*
Nguồn:
https://www.facebook.com/hashtag/tuyengluonghoaitrongtinh

Không có nhận xét nào: